Năng lực chuyên môn của nhà báo

Phóng viên tác nghiệp trong một sự kiện chính trị tại Hà Nội. Ảnh: Duy Linh

Với nhà báo Hồ Quang Lợi (nguyên Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Việt Nam) nhà báo là một danh xưng nghề nghiệp đáng trân trọng, là sự trao truyền thiêng liêng và quý giá. Đạo đức nghề nghiệp quyết định tính chính trực, nhân văn của nghề báo. Một nhà báo giỏi đương nhiên phải là nhà báo có đạo đức, không thể trở thành nhà báo giỏi mà không có đạo đức.

Đạo đức là cốt lõi, là nền tảng của báo chí. Nếu thiếu đạo đức, không chính trực, người làm báo sẽ dẫn dắt dư luận theo hướng tiêu cực. Bản lĩnh chính trị, chuyên môn nghiệp vụ, đạo đức nghề nghiệp sẽ quyết định chất lượng tác phẩm báo chí, quyết định cả tư thế và đóng góp của nhà báo đó với xã hội.

Không thể phủ nhận vẫn còn một số tờ báo có tình trạng thương mại hóa, chạy theo những thị hiếu rẻ tiền, đưa tin giật gân, câu khách. Có những hiện tượng sai phạm là do vô tình, non kém năng lực tác nghiệp, nhưng cũng có hiện tượng cố ý vi phạm đạo đức nghề nghiệp, làm mai một hình ảnh của người làm báo, dẫn đến công chúng suy giảm niềm tin vào báo chí.

Tuy nhiên, xu hướng chủ đạo của báo chí hiện nay vẫn là tích cực, góp phần lan tỏa năng lượng tốt, bồi đắp niềm tin xã hội, bảo vệ và phát huy các giá trị tinh thần, truyền thống cao quý của dân tộc.

Chúng ta tự hào vì đội ngũ báo chí Việt Nam thời gian qua đã luôn vào cuộc một cách kịp thời, trách nhiệm và sáng tạo với tinh thần dấn thân, quả cảm, thực hiện tốt vai trò của mình. Nhiều nhà báo tuổi nghề còn trẻ nhưng đã thể hiện được phẩm giá nghề nghiệp đáng trân trọng, đó là sự kết nối truyền thống rất tốt đẹp giữa các thế hệ người làm báo Việt Nam. Nhìn chung, đội ngũ những người làm báo Việt Nam ngày càng khẳng định mạnh mẽ vai trò không thể thay thế của báo chí trong thời đại truyền thông kỹ thuật số.

Bạn đọc với Báo Kinh tế & Đô thị. Ảnh: Công Hùng

Nói về đạo đức nghề nghiệp của người làm báo nhà báo Nguyễn Hữu Phùng Nguyên (báo Nhân Dân) nghĩ tới câu nói “Thông minh là thiên phú, còn tử tế là một sự lựa chọn”. Dường như, với người làm báo hôm nay, tuân thủ đạo đức nghề nghiệp cũng là một sự lựa chọn và nhiều khi là sự lựa chọn khó khăn.

Nhà báo buộc phải lựa chọn giữa việc đi tìm sự thật khách quan cho bài viết của mình hay lựa chọn cách tác nghiệp dễ dãi, cẩu thả không kiểm chứng thông tin? Nhà báo lựa chọn cách đưa tin giật gân, dung tục, câu khách hay lựa chọn tính nhân văn, đề cao chân, thiện, mỹ trong các tác phẩm của mình? Lựa chọn đứng dấn thân bất chấp khó khăn đấu tranh cho lẽ phải, sự công bằng hay lựa chọn cách làm báo “salon”, a dua “đánh đấm” theo “đơn đặt hàng”? Những sự lựa chọn ấy làm nên đạo đức của người làm báo…

Trong một nền báo chí lành mạnh, một nền báo chí đạo đức và nhân văn thì sẽ có những “lực hấp dẫn” để nhà báo lựa chọn sự tử tế. “Lực hấp dẫn” ấy không tự nhiên mà có, mà nó là sự cộng hưởng của nhiều yếu tố. Khi sự tử tế, đạo đức nghề nghiệp trở thành một lựa chọn tự nhiên, khi đó báo chí trở về với giá trí cốt lõi của mình, tạo ra sự đóng góp to lớn cho xã hội.

Còn với nhà báo Song Đào (báo điện tử Tổ quốc), một tác phẩm báo chí có sức ảnh hưởng rất lớn. Nó có thể mang lại hiệu ứng tích cực, góp phần nâng cao tình cảm, nhận thức, lòng tin và định hướng hành động cho công chúng, nhưng cũng có thể làm sai lệch nhận thức, suy giảm lòng tin, băng hoại đạo đức thậm chí dẫn đến làm lệch lạc về hành động không chỉ của một cá nhân, một nhóm người mà có thể cả một cộng đồng. Vì thế, bản thân mỗi nhà báo phải xác định rõ trách nhiệm xã hội của mình.

Trong cuộc sống đời thường, trách nhiệm xã hội của nhà báo không khác nhiều với những lĩnh vực nghề nghiệp khác như: Vì lợi ích chung của cộng đồng, dân tộc, tính trung thực, tính nhân văn,... Nhưng, hơn tất cả, tài sản quý giá nhất của mỗi tòa soạn và các nhà báo chính là lòng tin của độc giả. Để được xã hội tôn trọng, đánh giá cao thì người làm báo có chuyên môn giỏi thôi chưa đủ, mà còn cần ý thức đầy đủ về trách nhiệm xã hội trong việc sử dụng ngòi bút để phản ánh vấn đề một cách khách quan.

Trong khi đó, nhà báo Phạm Đình Hiệp (báo Hànộimới) thực tế vẫn còn không ít nhà báo vi phạm đạo đức nghề nghiệp, tình trạng lợi dụng danh nghĩa nhà báo dọa dẫm, sách nhiễu để vụ lợi, vun vén lợi ích cá nhân, vi phạm đạo đức nghề nghiệp vẫn chưa được ngăn chặn và xử lý triệt để. Không ít người làm báo bị “bẻ cong” ngòi bút, sa ngã, thậm chí rơi vào vòng lao lý.

Đặc biệt là vẫn còn tình trạng một số cơ quan báo chí phục vụ cho mục đích gia tăng lượng độc giả, câu view bằng mọi giá: rút tít giật gân, li kỳ, “sốc, sến, sex”, moi móc chuyện đời tư, miêu tả tỉ mỉ, rùng rợn chuyện vụ án, tìm mọi chiêu thức để làm “nóng” sự việc… Trong khi đó, một số nhà báo ảo tưởng về nghề nghiệp, lợi dụng nghề để vụ lợi, “đánh hội đồng”, dọa dẫm, ép DN, để kẻ xấu lợi dụng…

Chính vì thế đạo đức nhà báo ở đây không chỉ là chấp hành các chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, Luật Báo chí cùng các quy định khác, mà nằm ở trong tâm mỗi nhà báo.

Đối với nhà báo Thảo Hương (báo Phụ nữ Thủ đô) với sự phát triển của công nghệ, thời gian qua đã chứng kiến sự bùng nổ của các loại hình báo điện tử và cả mạng xã hội, khiến chưa bao giờ việc lọc thông tin khó như hiện tại. Thông tin giả chưa kiểm chứng rất nhiều. Cũng do sự cạnh tranh gay gắt của thông tin, cơ chế tự chủ tài chính, gần đây báo chí cũng vướng không ít “điều tiếng” khi chạy theo xu hướng thương mại hóa, giật gân câu khách, thậm chí thông tin sai sự thật. Điều đó càng đòi hỏi nhiều hơn yêu cầu nâng cao đạo đức nghề nghiệp, tăng trách nhiệm xã hội của nhà báo.

Tuy nhiên, đã chọn nghề báo thì phải xác định đây là một nghề không hề đơn giản. Đòi hỏi mỗi nhà báo phải có bản lĩnh chính trị và đề cao trách nhiệm với xã hội thì mới có thể vượt qua những cám dỗ vật chất. Trách nhiệm xã hội của nhà báo là phải đề cao tính trung thực, tôn trọng sự thật khách quan trong quá trình hoạt động nghiệp vụ; không vì lợi ích cá nhân hay vì một tổ chức, cá nhân nào đó mà đưa tin, viết bài làm sai lệch bản chất vụ việc; hoặc đưa những sự kiện giật gân, không có lợi cho xã hội.

Để làm tốt điều đó, không có gì khác, mỗi nhà báo phải có trách nhiệm với bản thân, với tác phẩm và cơ quan báo chí mình đang công tác. Lao động với tinh thần trách nhiệm cao nhất; hãy viết những điều mắt thấy, tai nghe. Khi viết bài cần đảm bảo yếu tố ngắn gọn, cô đọng, súc tích, sức thuyết phục cao và tuân thủ tôn chỉ, mục đích của tờ báo.

Là một phóng viên trẻ, Nam Khánh (báo Giao thông) luôn tâm niệm, hết mình vì công việc không có nghĩa là “bẻ cong ngòi bút”, lợi dụng “quyền lực thông tin” để đạt được mục đích kinh tế, mưu lợi cá nhân và huyễn hoặc bản thân. Thương hiệu tờ báo sẽ được nâng tầm, lợi ích sẽ sản sinh khi có những thông tin tốt, tuyến bài hay được xây dựng nên từ những người cầm bút có đạo đức, dám thâm nhập, dám dấn thân, dám đối mặt, dám viết vì cộng đồng chứ không vì mình hay lợi ích của một ai đó.

Mỗi nhà báo phải có bản lĩnh chính trị vững vàng, nhiệt huyết và thái độ bình tĩnh trước mọi vấn đề; phải có tấm lòng trong sáng, tôn trọng sự thật, trách nhiệm xã hội cao, không để tiêu cực chi phối, không để tình cảm cá nhân lấn át, mất đi tính khách quan, trung thực của mỗi tác phẩm báo chí. Khoa học - công nghệ dù phát triển, tạo thuận lợi cho nhà báo tác nghiệp như thế nào, cũng không thể thay thế được trái tim, khối óc, ý chí, bản lĩnh, tính nhân văn của người làm báo.

Thường trực Ban Bí thư Võ Văn Thưởng

Nâng cao vai trò, vị thế của đội ngũ những người làm báo

(ĐCSVN) – Đại hội lần thứ XI Hội Nhà báo Việt Nam chú trọng xây dựng đội ngũ người làm báo có bản lĩnh chính trị vững vàng, tinh thông nghiệp vụ, gương mẫu về đạo đức nghề nghiệp, thực hiện tốt trách nhiệm xã hội, nghĩa vụ công dân, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới.

Đoàn Chủ tịch Đại hội XI Hội Nhà báo Việt Nam

Sáng 31/12, phiên chính thức Đại hội lần thứ XI Hội Nhà báo Việt Nam đã diễn ra tại Cung Văn hóa Lao động hữu nghị Việt-Xô (Hà Nội).

Tham dự Đại hội có các đồng chí: Võ Văn Thưởng, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư; Nguyễn Trọng Nghĩa, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương; các đồng chí Ủy viên Trung ương Đảng; các đồng chí nguyên Ủy viên Trung ương Đảng; đại diện lãnh đạo nhiều ban, bộ, ngành Trung ương và thành phố Hà Nội; lãnh đạo Hội Nhà báo Việt Nam qua các thời kỳ; lãnh đạo các cấp hội.

Đại hội Hội Nhà báo Việt Nam lần thứ XI vinh dự được đón nhận lẵng hoa chúc mừng của đồng chí Nguyễn Phú Trọng, Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng – một nhà báo xuất sắc của báo chí cách mạng Việt Nam; lẵng hoa của Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc; Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính; Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ.

Trong phiên chính thức, Đại hội đã nghe báo cáo chính trị của Ban Chấp hành Hội Nhà báo Việt Nam khóa XI; Báo cáo kiểm điểm Ban Chấp hành khóa X, nhiệm kỳ 2015-2020; giới thiệu Ban Chấp hành và Ban Thường vụ Hội Nhà báo Việt Nam khóa XI; thông qua Nghị quyết của Đại hội.

Báo chí phát triển mạnh cả về quy mô, số lượng và chất lượng

Báo cáo tại Đại hội, Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Việt Nam khóa X nêu rõ, đến cuối năm 2021, cả nước có trên 830 cơ quan báo chí thuộc bốn loại hình: báo in, phát thanh, truyền hình và báo điện tử, với hơn 45.000 lao động làm việc tại các cơ quan báo chí, trong đó hơn 20.000 nhà báo được cấp thẻ hành nghề.

Trong nhiệm kỳ qua, báo chí đã tích cực, chủ động, kịp thời phản ánh, tuyên truyền, cổ vũ thực hiện các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách và pháp luật của Nhà nước; phản ánh chân thực đời sống chính trị, kinh tế- xã hội của đất nước và quốc tế; đấu tranh bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng; thực hiện ngày càng có hiệu quả chức năng giám sát, phản biện xã hội. Báo chí là lực lượng chủ lực, đi đầu trong tuyên truyền phòng chống, đẩy lùi đại dịch COVID-19.

Đặc biệt, báo chí tiên phong trong cuộc đấu tranh phòng chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực, khẳng định quyết tâm chính trị của Đảng, Nhà nước “không có vùng cấm, không có ngoại lệ”, trong đấu tranh, phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực. Báo chí tích cực thực hiện Chỉ thị 05-CT/TW của Bộ Chính trị về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục nhằm ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng, chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hoá” trong nội bộ, góp phần tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng, xây dựng hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh.

Bên cạnh đó, báo chí còn đẩy mạnh các hoạt động thông tin về quốc phòng, an ninh và đối ngoại, về hai nhiệm vụ chiến lược: xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa; về bảo vệ chủ quyền của đất nước, nhất là trên Biển Đông, tích cực quảng bá, giới thiệu hình ảnh đất nước, con người Việt Nam và thành tựu đổi mới, góp phần nâng cao vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế.

Các cấp Hội, các cơ quan báo chí trong nhiệm kỳ qua đã chú trọng đổi mới công tác giáo dục, bồi dưỡng, nâng cao nhận thức chính trị, đạo đức nghề nghiệp của người làm báo, tiên phong thực hiện các nghị quyết, chỉ thị của Đảng, pháp luật, chính sách của Nhà nước về công tác thông tin, báo chí. Triển khai sâu rộng việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Hội Nhà báo Việt Nam đã ban hành Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII về “Tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ; Chỉ thị số 05- CT/TW của Bộ Chính trị gắn với việc thực hiện Luật Báo chí 2016, 10 điều Quy định đạo đức nghề nghiệp người làm báo Việt Nam, Quy tắc sử dụng mạng xã hội.

Cùng với đó, trong nhiệm kỳ qua, Hội Nhà báo Việt Nam đã thực hiện tốt Đề án báo chí chất lượng cao giai đoạn 2016-2020. Trong 5 năm (2016-2020), đã hỗ trợ sáng tạo hơn 14.000 tác phẩm báo chí chất lượng cao ở Trung ương và các địa phương. Các tác phẩm được hỗ trợ đảm bảo đúng tiêu chí xét chọn theo Đề án. Hằng năm, Cơ quan Trung ương Hội đều chủ trì tổ chức các Đoàn kiểm tra liên ngành với thành phần tham gia của nhiều bộ, ngành liên quan, tới các cấp Hội trong cả nước, kiểm tra việc thực hiện Đề án, chấn chỉnh những thiếu sót, phát hiện những bất cập trong quá trình thực hiện để kịp thời điều chỉnh, bổ sung.

Các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước, các nhà báo lão thành tham dự Đại hội

Trung ương hội, Hội nhà báo các tỉnh, thành phố tham gia chủ trì tổ chức giao ban báo chí hằng tuần, hằng tháng; thống nhất trong chỉ đạo, định hướng hoạt động cũng như khen thưởng, xử lý sai phạm; đã triển khai học tập Luật Báo chí 2016, Quy định về đạo đức nghề nghiệp, Quy tắc sử dụng mạng xã hội của người làm báo Việt Nam. Gần 300 Hội đồng xử lý vi phạm đạo đức nghề nghiệp người làm báo Việt Nam từ cấp Trung ương đến các cấp hội trực thuộc được thành lập và đã đi vào hoạt động, lên tiếng kịp thời phối hợp với các cơ quan chức năng, các địa phương thực hiện nhiều biện pháp cần thiết xử lý nghiêm minh các hành vi cản trở, đe dọa, hành hung, xúc phạm các nhà báo hoạt động nghề nghiệp đúng pháp luật, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp hội viên.

Bên cạnh những ưu điểm, trong nhiệm kỳ qua, hoạt động của Hội Nhà báo Việt Nam vẫn còn một số tồn tại, hạn chế như: Chưa thực sự chú trọng công tác giáo dục tư tưởng chính trị, đạo đức nghề nghiệp. Một số tổ chức hội thiếu năng động sáng tạo, người đứng đầu thiếu nhiệt tình với công tác hội nên hoạt động hội thiểu sức sống, chưa hiệu quả, chưa tập hợp và thu hút được hội viên.

Một số cấp hội, cơ quan báo chí chưa quan tâm đúng mức công tác xây dựng Đảng, công tác tổ chức cán bộ; chưa chú trọng việc rèn luyện bản lĩnh chính trị, bồi dưỡng, nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ, nêu cao đạo đức nghề nghiệp. Một bộ phận hội viên thiếu tinh thần tự học, bồi dưỡng, chưa đáp ứng được yêu cầu tác nghiệp báo chí trong môi trường truyền thông kỹ thuật số.

Một số cấp Hội chưa tranh thủ được sự lãnh đạo, giúp đỡ của cấp ủy, chính quyền, cơ quan chủ quản nên hoạt động hội gặp khó khăn nhiều mặt, thiếu thốn về cán bộ, nhân lực, cơ sở vật chất, trang thiết bị.

Cơ quan Trung ương Hội vẫn còn một số hạn chế, thiếu sót trong sắp xếp tổ chức bộ máy, xây dựng đoàn kết nội bộ. Có lúc chưa phối hợp chặt chẽ để đảm bảo thống nhất trong việc xây dựng tổ chức đảng của Cơ quan Trung ương Hội thực sự trong sạch, vững mạnh, đoàn kết.

Xây dựng đội ngũ người làm báo cách mạng Việt Nam trong sạch, vững mạnh

Trong 5 năm tới, tình hình thế giới và khu vực tiếp tục diễn biến phức tạp, khó lường, cơ hội đan xen thách thức. Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4, đặc biệt là sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ truyền thông và mạng xã hội vừa là cơ hội, vừa đặt ra không ít thách thức đối với hoạt động báo chí và công tác chỉ đạo, quản lý báo chí. Chính bởi vậy, Đại hội XI Hội Nhà báo Việt Nam đã đề ra phương hướng: Tập trung xây dựng tổ chức Hội vững mạnh toàn diện, tiếp tục đổi mới và nâng cao vai trò, uy tín của Hội Nhà báo Việt Nam trong hoạt động báo chí và đời sống xã hội, góp phần xây dựng nền báo chí cách mạng Việt Nam giàu tính chiến đấu, nhân văn, chuyên nghiệp, hiện đại vì lợi ích của đất nước và nhân dân. Các cấp hội đổi mới nội dung và phương thức hoạt động nhằm tập hợp, đoàn kết, động viên toàn thể hội viên, người làm báo, triển khai thực hiện và tuyên truyền có hiệu quả Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng và Nghị quyết Đại hội XI Hội Nhà báo Việt Nam. Triển khai thực hiện Chỉ thị 43 của Ban Bí thư Trung ương về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với hoạt động của Hội nhà báo Việt Nam, Quy hoạch phát triển và quản lý báo chí toàn quốc đến năm 2025, các cấp Hội tiếp tục rà soát, kiện toàn xây dựng hệ thống tổ chức Hội theo hướng tinh giảm đầu mối trực thuộc Trung ương Hội.

Xây dựng đội ngũ người làm báo có bản lĩnh chính trị vững vàng, đáp ứng về trình độ nghiệp vụ, gương mẫu về đạo đức nghề nghiệp, thực hiện tốt trách nhiệm xã hội, nghĩa vụ công dân, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới. Đẩy mạnh hoạt động đối ngoại, nâng cao uy tín của Hội Nhà báo Việt Nam trên trường quốc tế, đặc biệt trong Cộng đồng ASEAN.

Nhiệm kỳ 2020-2025 nhấn mạnh những nhiệm vụ trọng tâm như: Tập trung tuyên truyền, cổ vũ việc thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, các nghị quyết, chỉ thị của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; phản ảnh toàn diện mọi lĩnh vực của đời sống xã hội, chú trọng nêu bật những thành tựu của đất nước, những điển hình tiên tiến; tích cực đấu tranh chống tham nhũng, tiêu cực, chống các âm mưu, hành động, quan điểm sai trái của các thế lực thù địch, phản động, cơ hội chính trị; bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, làm tốt công tác định hướng dư luận xã hội, khẳng định vai trò quan trọng của báo chí, góp phần xây dựng đất nước phát triển nhanh và bền vững.

Học tập, quán triệt, thực hiện Nghị quyết Đại hội XI Hội nhà báo Việt Nam, xây dựng hệ thống tổ chức Hội nhà báo Việt Nam vững mạnh toàn diện từ Trung ương đến địa phương, thống nhất, chặt chẽ theo Điều lệ Hội; đổi mới nội dung, phương thức hoạt động, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của các cấp hội bằng nhiều hình thức, biện pháp phong phú, sáng tạo, thiết thực. Phối hợp thực hiện tốt Quy hoạch phát triển và quản lý báo chí toàn quốc đến năm 2025, kiện toàn tổ chức hội sau khi thực hiện quy hoạch báo chí theo hướng giảm bớt đầu mối tổ chức Hội trực thuộc Trung ương Hội.

Xây dựng đội ngũ người làm báo cách mạng Việt Nam trong sạch, vững mạnh, đáp ứng đòi hỏi ngày càng cao của yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới. Tăng cường công tác giáo dục tư tưởng, nâng cao bản lĩnh chính trị đẩy mạnh công tác bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ, kỹ năng làm báo trong kỷ nguyên số; đào tạo ứng dụng công nghệ mới trong hoạt động báo chí; đặc biệt chú trọng việc rèn luyện, tu dưỡng, nêu cao đạo đức nghề nghiệp cho các nhà báo, hội viên.

Các đại biểu tham dự phiên chính thức Đại hội XI Hội Nhà báo Việt Nam

Lãnh đạo các cấp Hội phối hợp với các cơ quan chỉ đạo, quản lý báo chí tham gia có hiệu quả công tác chỉ đạo, quản lý báo chí, đảm bảo báo chí thực hiện đúng tôn chỉ mục đích, môi trường báo chí lành mạnh. Tham gia xây dựng, bổ sung, hoàn chỉnh cơ chế, chính sách để phát triển, quản lý báo chí và đội ngũ người làm báo.

Tích cực bảo vệ quyền làm nghề hợp pháp và các quyền lợi chính đáng của người làm báo, hội viên. Phối hợp ngăn chặn và xử lý nghiêm các hành vi cản trở, đe doạ, xúc phạm, hành hung các nhà báo hội viên hoạt động đúng pháp luật. Các cấp Hội phối hợp chặt chẽ với các cấp có trách nhiệm và cơ quan báo chí làm tốt công tác tư tưởng, đặc biệt quan tâm đến việc làm, hoạt động nghề nghiệp, đời sống của số người làm báo chịu tác động do thực hiện quy hoạch báo chí, tạo sự đồng thuận cao trong đội ngũ người làm báo.

Nâng cao phẩm chất, năng lực của cán bộ Hội từ Trung ương đến các cơ sở. Làm tốt công tác quy hoạch, bồi dưỡng cán bộ lãnh đạo các cấp Hội, có cơ chế đặc thù để thu hút cán bộ có kinh nghiệm, giỏi chuyên môn nghiệp vụ, quản lý làm công tác Hội. Tiếp tục củng cố, xây dựng tổ chức Cơ quan Trung ương Hội, xây dựng đội ngũ cán bộ chuyên nghiệp đủ năng lực tham mưu, giúp việc có hiệu quả cho Đảng đoàn, Ban Thường vụ, Ban Chấp hành Hội.

Tích cực mở rộng và đa dạng hóa quan hệ hữu nghị và hợp tác quốc tế của Hội nhà báo Việt Nam, thông qua đó góp phần tích cực thực hiện tốt đường lối, chính sách đối ngoại của Đảng và Nhà nước ta.

Đẩy mạnh các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể thao, tạo không khí vui tươi, phấn khởi, đoàn kết trong sinh hoạt hội; tăng cường các hoạt động xã hội- từ thiện, nêu cao tinh thần nhân văn của người làm báo cách mạng, tạo sự lan tỏa tốt đẹp trong xã hội.

Tiếp tục nghiên cứu, tham mưu các chính sách kinh tế báo chí. Phối hợp với các bộ, ngành có liên quan và các cơ quan báo chí xây dựng các mô hình báo chí tự chủ về tài chính, các mô hình kinh tế báo chí. Trong xu hướng thu gọn đầu mối, giảm ngân sách đối với các đơn vị sự nghiệp, các cấp Hội cần tích cực, chủ động tìm nguồn lực, trong đó có việc xây dựng và thực hiện các đề án, chương trình đặt hàng sản phẩm báo chí và tìm các nguồn thu hợp pháp khác để duy trì và phát triển hoạt động Hội.

Tranh thủ cơ hội và thuận lợi, vượt qua những khó khăn, thách thức, Ban Chấp hành Hội Nhà báo Việt Nam khóa XI nhấn mạnh giới báo chí cần thực hiện nhiều giải pháp đồng bộ để nâng cao phẩm chất chính trị, năng lực chuyên môn, ý thức trách nhiệm xã hội, nghĩa vụ công dân và đạo đức nghề nghiệp người làm báo, hoàn thành tốt nhiệm vụ chính trị trong giai đoạn mới. Trong đó, tiếp tục triển khai, thực hiện các nghị quyết, chỉ thị của Đảng, chính sách, pháp luật của nhà nước về công tác thông tin báo chí; Quán triệt, thực hiện tốt Nghị quyết Đại hội Đảng XIII, tiếp tục thực hiện tốt Nghị quyết TW 4 (Khoá XII), Chỉ thị 05 của Bộ Chính trị, Nghị quyết Đại hội XI Hội Nhà báo Việt Nam; Đẩy mạnh công tác xây dựng Đảng trong các cấp hội và các cơ quan báo chí, phát triển Đảng trong hội viên trẻ; Đổi mới nội dung, hình thức, phương pháp hoạt động của các cấp hội; Tăng cường phối hợp với các ban, bộ ngành liên quan để rà soát, sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện các chủ trương, chính sách, quy định pháp luật về báo chí, xây dựng mô hình và các chính sách kinh tế báo chí; Bám sát sự lãnh đạo, tranh thủ sự giúp đỡ của cấp ủy, chính quyền các địa phương, đơn vị để củng cố, xây dựng hệ thống tổ chức Hội chặt chẽ từ Trung ương đến địa phương;...

Đặc biệt chú trọng việc nêu cao đạo đức nghề nghiệp của người làm báo, hội viên; Thành lập các Liên Chi hội trực thuộc Trung ương Hội trên cơ sở sáp nhập các Chi hội trực thuộc cùng cơ quan chủ quản báo chí, có lĩnh vực hoạt động tương đồng; Tiếp tục đẩy mạnh công tác bồi dưỡng nâng cao trình độ nghiệp vụ, tính chuyên nghiệp cho hội viên; Tăng cường ứng dụng mạnh mẽ công nghệ thông tin, chuyển đổi số trong hoạt động báo chí; Đẩy mạnh các hoạt động thúc đẩy việc tôn trọng và thực thi bảo vệ bản quyền trong hoạt động báo chí; Kiện toàn tổ chức và nhân sự Cơ quan Trung ương Hội, nâng cao chất lượng các ban chuyên môn, Văn phòng các cấp Hội, nâng cao tính chuyên nghiệp; Không ngừng đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả các ấn phẩm của Hội; Kiện toàn Hội đồng chính sách và Hội đồng nghiệp vụ để chủ động tham gia hoàn thiện cơ chế đặt hàng báo chí, điều chỉnh, bổ sung quy định về quảng cáo báo chí phù hợp với thực tiễn; Củng cố, tăng cường quan hệ đoàn kết, hữu nghị, hợp tác với giới báo chí và nhân dân các nước, nâng cao hình ảnh, vị thế của Việt Nam nói chung và giới báo chí Việt Nam nói riêng trên trường quốc tế...

Đại hội XI Hội Nhà báo Việt Nam nhận thức sâu sắc vai trò quan trọng và trách nhiệm nặng nề nhưng rất vinh quang của báo chí đối với đất nước và nhân dân. Đại hội kêu gọi các cấp hội, đội ngũ những người làm báo cả nước phát huy truyền thống vẻ vang của báo chí Cách mạng Việt Nam, tăng cường đoàn kết, phát huy ưu điểm, khắc phục khuyết điểm, không ngừng rèn luyện bản lĩnh chính trị, nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ, nêu cao đạo đức nghề nghiệp, chủ động, năng động sáng tạo, tranh thủ thời cơ, vượt qua thách thức, khó khăn, thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ, mục tiêu mà Đại hội lần thứ XI đã đề ra, góp phần thực hiện thành công Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng Cộng sản Việt Nam, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ của người chiến sĩ trên mặt trận tư tưởng, văn hóa, xứng đáng với sự tin cậy của Đảng, Nhà nước, sự tin yêu của nhân dân.

Tin, ảnh: Vương Hà

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

  • Gần 35.000 ca mắc COVID-19 khỏi bệnh trong ngày 11/9
  • Học viện Báo chí và Tuyên truyền đón nhận Huân chương Độc lập hạng Ba
  • Giám sát việc thực hiện nghị quyết của Quốc hội về đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông
  • Phó Chủ tịch nước gặp mặt trẻ mồ côi, khuyết tật, có hoàn cảnh khó khăn dịp Tết Trung thu 2022
  • Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn ghi sổ tang tưởng niệm Nữ hoàng Anh Elizabeth II
  • Công điện của Thủ tướng về chủ động ứng phó, khắc phục hậu quả mưa lũ
  • Không ngừng vun đắp, củng cố, phát triển quan hệ đặc biệt Việt Nam - Lào

Video liên quan

Chủ đề