Nét độc đạo sáng tạo trong đường lối cách mạng của Đảng ta sâu năm 1954 được thể hiện như thế nào

Cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp kết thúc thắng lợi. Song, đất nước Việt Nam bị chia thành hai miền với hai chế độ chính trị khác nhau. Miền Bắc được hoàn toàn giải phóng, hòa bình đã vãn hồi. Miền Nam do Mỹ và bè lũ tay sai Ngô Đình Diệm thống trị, chúng tiến hành cuộc “chiến tranh đơn phương”, đánh phá quyết liệt phong trào cách mạng miền Nam. Hiệp định Giơnevơ bị Mỹ, Diệm phá hoại triệt để. Tình cảnh đồng bào miền Nam như “cá chậu, chim lồng”, cuộc sống cực kỳ khó khăn và căng thẳng. Một câu hỏi lớn đặt ra cho Đảng ta, Chủ tịch Hồ Chí Minh và nhân dân ta là cách mạng Việt Nam ở miền Bắc và miền Nam tiến lên bằng con đường nào? Miền Bắc có xây dựng xã hội chủ nghĩa không và xây dựng bằng cách nào trong khi chiến tranh đang rình rập ở phía nam vĩ tuyến 17? Còn miền Nam có tiếp tục cuộc đấu tranh để giải phóng nửa nước còn lại, hay dừng lại “trường kỳ mai phục”, “chờ đợi thời cơ”, xây dựng miền Bắc mạnh lên sẽ thu hút miền Nam, tiến tới thống nhất nước nhà, theo lời khuyên của Trung Quốc, Liên Xô?, v.v.. Đảng ta và Chủ tịch Hồ Chí Minh cho rằng bất kỳ hoàn cảnh, điều kiện nào, cách mạng Việt Nam ở miền Nam và miền Bắc cũng phải tiến lên, không được dừng lại; nhưng phải có đường lối và phương pháp cách mạng đúng đắn, phù hợp với hoàn cảnh, sát đúng với tình hình trong nước và quốc tế. Hiện nay ở miền Nam nếu dùng bạo lực quân sự, liệu có xảy ra chiến tranh lớn không? Liên Xô, Trung Quốc và thế giới có ủng hộ không? Nhân dân ta có sẵn sàng chấp nhận chiến tranh không? Nếu dùng phương pháp đấu tranh chính trị như những năm đầu sau năm 1954, liệu ta có buộc được Mỹ - Diệm thi hành Hiệp định Giơnevơ không? Trong thời đại thế giới đã chia ra làm hai phe đối kháng, mọi cuộc chiến tranh đều dính đến liên minh giữa các nước, đánh Mỹ mà không có đồng minh, không được phe xã hội chủ nghĩa và nhân dân thế giới đồng tình ủng hộ, nhất là Liên Xô, Trung Quốc thì cách mạng sẽ gặp muôn vàn khó khăn, thậm chí thất bại. Bao nhiêu câu hỏi mang tầm chiến lược có quan hệ sống còn đối với dân tộc, Tổ quốc, Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đảng của Người cùng nhân dân phải tìm lời giải đáp, trong đó trách nhiệm nặng nề nhất, trước tiên thuộc về Chủ tịch Hồ Chí Minh, Ban Chấp hành Trung ương Đảng và Bộ Chính trị, Quân ủy Trung ương. Phải sau bốn năm cuộc đấu tranh thi hành Hiệp định Giơnevơ của nhân dân ta trải qua một chặng đường cách mạng đầy sóng gió với bao mất mát, hy sinh, đau thương và vấp váp, cùng những biến động thăng trầm của tình hình chính trị thế giới và chính sách đối ngoại của các nước trong hệ thống xã hội chủ nghĩa, Chủ tịch Hồ Chí Minh rút ra kết luận: Phải đặt cách mạng miền Nam trong cách mạng chung của cả nước và cách mạng nước ta trong cách mạng thế giới, thì mới vạch ra được đường lối và phương pháp cách mạng đúng đắn. Trên tinh thần đó, Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng Lao động Việt Nam lần thứ 15 (mở rộng) khóa II, tháng 1-1959 xác định: Miền Bắc phải tiến lên chủ nghĩa xã hội. Miền Nam phải nắm vững tư tưởng chiến lược tiến công, tiến lên bằng con đường bạo lực cách mạng, ngoài con đường đó không còn con đường nào khác. Phương hướng cơ bản của cách mạng miền Nam là “Khởi nghĩa giành chính quyền về tay nhân dân. Theo tình hình cụ thể và yêu cầu hiện nay của cách mạng thì con đường đó là lấy sức mạnh của quần chúng, dựa vào lực lượng chính trị của quần chúng là chủ yếu, kết hợp với lực lượng vũ trang để đánh đổ quyền thống trị của đế quốc và phong kiến, dựng lên chính quyền cách mạng của nhân dân”1. Đó là con đường cơ bản của cách mạng, là mục tiêu phấn đấu của nhân dân ta. “Cách mạng Việt Nam ở miền Nam nói chung không thể đi ra ngoài quy luật chung của cách mạng ở các nước thuộc địa và nửa thuộc địa từ trước đến nay”2. Trong quá trình đấu tranh lâu dài, gian khổ, phức tạp, ta dùng hình thức đấu tranh chính trị là chủ yếu. Song, quân thù quyết dìm cách mạng trong biển máu, cho nên trong một chừng mực nhất định, ở những địa bàn nhất định, ta phải dùng vũ trang tuyên truyền, vũ trang tự vệ hỗ trợ cho đấu tranh chính trị. “Đó là một điều cần thiết. Tuy nhiên, khi sử dụng lực lượng vũ trang tự vệ và vũ trang tuyên truyền, cần phải thấu suốt nguyên tắc phục vụ cho đấu tranh chính trị, và phục tùng lợi ích của đấu tranh chính trị”3. Chủ trương của Đảng nhấn mạnh đấu tranh vũ trang phải phục tùng chính trị nhằm mục đích kiềm chế sự phản ứng của địch và thế giới, ngăn chặn Mỹ tăng cường quân sự sớm, tạo điều kiện cho cách mạng miền Nam chuẩn bị. Dưới ánh sáng của đường lối và phương pháp cách mạng do Đảng ta và Chủ tịch Hồ Chí Minh vạch ra, năm 1959-1960, nhân dân miền Nam làm cuộc Đồng khởi thắng lợi, đưa cách mạng Việt Nam ở miền Nam từ thế giữ gìn lực lượng lên thế tiến công. Đồng khởi thắng lợi, cách mạng miền Nam chẳng những không bị cô lập, mà còn được bạn bè ủng hộ. Điều đó chứng minh Nghị quyết Trung ương 15 của Đảng là thành công điển hình về đường lối kháng chiến và phương pháp cách mạng độc lập, tự chủ và sáng tạo của Đảng ta. Tiếp tục cuộc Đồng khởi bằng chiến tranh cách mạng. Rút kinh nghiệm từ thực tiễn, Đảng ta và Chủ tịch Hồ Chí Minh đã bổ sung, phát triển và từng bước hoàn thiện đường lối kháng chiến, chiến lược và phương pháp cách mạng miền Nam. Tại Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ III, năm 1960, Đảng ta chủ trương: “Tăng cường đoàn kết toàn dân, kiên quyết đấu tranh giữ vững hòa bình, đẩy mạnh cách mạng xã hội chủ nghĩa ở miền Bắc, đồng thời đẩy mạnh cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân ở miền Nam, thực hiện thống nhất nước nhà trên cơ sở độc lập và dân chủ, xây dựng một nước Việt Nam hòa bình, thống nhất, độc lập, dân chủ và giàu mạnh, thiết thực góp phần tăng cường phe xã hội chủ nghĩa và bảo vệ hòa bình ở Đông Nam Á và thế giới”4 Đó là đường lối giương cao ngọn cờ độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội, tiến hành đồng thời hai chiến lược cách mạng ở hai miền nước ta: cách mạng xã hội chủ nghĩa ở miền Bắc và cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân ở miền Nam. Nhiệm vụ của miền Bắc là tiến nhanh, tiến mạnh, tiến vững chắc lên chủ nghĩa xã hội, xây dựng đời sống ấm no, hạnh phúc ở miền Bắc và củng cố miền Bắc thành cơ sở vững mạnh cho cuộc đấu tranh thực hiện thống nhất nước nhà. Đây là nhiệm vụ quyết định nhất đối với sự phát triển của cách mạng nước ta. Nhiệm vụ cơ bản của cách mạng miền Nam là giải phóng miền Nam khỏi ách thống trị của đế quốc và phong kiến, thực hiện độc lập dân tộc, người cày có ruộng, góp phần xây dựng một nước Việt Nam hòa bình, độc lập, dân chủ và giàu mạnh. Đây là nhiệm vụ quyết định trực tiếp đối với cuộc đấu tranh giải phóng miền Nam, thực hiện hòa bình, thống nhất Tổ quốc. Mối quan hệ giữa hai nhiệm vụ ở hai miền Bắc - Nam gắn bó nhau chặt chẽ, ảnh hưởng và tác động qua lại, thúc đẩy nhau cùng phát triển và đều nhằm hoàn thành một mục tiêu cách mạng và mục đích chính trị. Nhiệm vụ chiến lược của miền Bắc và miền Nam trên đây làm nổi rõ đặc điểm lớn nhất của cách mạng Việt Nam trong kháng chiến chống Mỹ xâm lược, là cùng một lúc tiến hành đồng thời hai chiến lược cách mạng ở hai miền khác nhau, nhưng đều nhằm một mục tiêu chung của cách mạng Việt Nam, do một đảng lãnh đạo, một nhà nước điều hành. Đó là sự sáng tạo rất độc đáo, nó khẳng định đường lối cách mạng và kháng chiến cũng như phương pháp cách mạng do Đảng ta và Chủ tịch Hồ Chí Minh vạch ra trong giai đoạn kháng chiến chống Mỹ, cứu nước là đúng đắn, độc lập, tự chủ và sáng tạo.

Nét độc đạo sáng tạo trong đường lối cách mạng của Đảng ta sâu năm 1954 được thể hiện như thế nào

Nội dung chủ yếu của đường lối giương cao ngọn cờ độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội của Đảng Cộng sản Việt Nam và Chủ tịch Hồ Chí Minh là:

Một, kiên trì mục tiêu cách mạng giải phóng dân tộc, cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân và cách mạng xã hội chủ nghĩa, kết hợp chặt chẽ ba cuộc cách mạng đó trong quá trình kháng chiến chống Mỹ, cứu nước.

Kiên trì mục tiêu cách mạng giải phóng, cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân và cách mạng xã hội chủ nghĩa là kiên trì mục đích chính trị của cách mạng Việt Nam đã đề ra trong Chính cương vắn tắt của Đảng 1930, là bản chất của đường lối, chiến lược cách mạng Việt Nam. Chủ nghĩa đế quốc, thực dân tiến hành cuộc chiến tranh xâm lược nước ta và duy trì ách thống trị của chúng đối với nhân dân Việt Nam, bao giờ chúng cũng câu kết chặt chẽ với giai cấp địa chủ, phong kiến, giai cấp tư sản mại bản phản động và những phần tử chống lại Tổ quốc và dân tộc, sẵn sàng làm tay sai cho ngoại bang. Để đánh bại cuộc chiến tranh xâm lược của chủ nghĩa đế quốc và đập tan ách thống trị của chúng, nhân dân ta không chỉ làm một cuộc cách mạng giải phóng, mà phải tiến hành cả ba cuộc cách mạng giải phóng, cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân và cách mạng xã hội chủ nghĩa. Kết hợp ba cuộc cách mạng này là giữ vững định hướng cho nhân dân ta vượt qua mọi khó khăn, ác liệt, đi đến đích cuối cùng của chủ nghĩa xã hội, tăng thêm niềm tin tưởng vào sự nghiệp cách mạng mà họ đang theo đuổi, phấn đấu hy sinh, củng cố lòng tin vào Đảng và tiền đồ của cách mạng. Hoàn thành thắng lợi ba cuộc cách mạng đó, Đảng ta, nhân dân ta mới thực sự giải phóng được hoàn toàn Tổ quốc, giải phóng được giai cấp, giải phóng xã hội, giải phóng con người triệt để nhất; đồng thời giải quyết tốt, hài hòa giữa lợi ích dân tộc với mục tiêu hòa bình, độc lập dân tộc, dân chủ và tiến bộ xã hội của nhân dân thế giới.

Hai, dựa vào dân, phát huy lòng yêu nước của nhân dân và sức mạnh dân tộc, tiến hành đồng thời hai chiến lược cách mạng ở hai miền dưới sự lãnh đạo tập trung, thống nhất của Đảng Cộng sản Việt Nam và Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Nhân dân ta có một lòng yêu nước nồng nàn và trở thành truyền thống quý báu của dân tộc: “Từ xưa đến nay, mỗi khi Tổ quốc bị xâm lăng, thì tinh thần ấy lại sôi nổi, nó kết thành một làn sóng vô cùng mạnh mẽ, to lớn, nó lướt qua mọi sự nguy hiểm, khó khăn, nó nhấn chìm tất cả lũ bán nước và lũ cướp nước”5. Nhân dân ta đã đánh bại cuộc chiến tranh xâm lược của đế quốc Pháp và can thiệp Mỹ năm 1954 là một minh chứng hùng hồn sức mạnh của lòng yêu nước. Ngày nay, nước ta tạm thời bị chia cắt thành hai miền, kẻ thù mới là đế quốc Mỹ và bè lũ bán nước Ngô Đình Diệm mạnh hơn lực lượng cách mạng miền Nam nhiều lần, phe xã hội chủ nghĩa - nhất là Liên Xô, Trung Quốc bất đồng về đường lối, muốn giữ cách mạng trong thế thủ, trong khi ta phải tiến hành đồng thời hai chiến lược cách mạng khác nhau ở hai miền, điều đó đã gây cho nhân dân ta muôn vàn khó khăn, phức tạp trên nhiều mặt. Với quan điểm sự nghiệp cách mạng là của quần chúng, “việc gì khó dân liệu cũng xong”, Đảng ta và Chủ tịch Hồ Chí Minh coi quần chúng nhân dân là gốc, là nền của cuộc kháng chiến, là chỗ dựa vững chắc của cách mạng. Dựa hẳn vào dân, Đảng ta và Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chú trọng lãnh đạo nhân dân phát huy cao độ lòng yêu nước, tạo nên sức mạnh mới để chống lại có hiệu quả cuộc chiến tranh xâm lược tàn bạo của đế quốc Mỹ; đồng thời không ngừng chăm lo cho đời sống vật chất và tinh thần cho nhân dân. Bồi dưỡng sức dân là một trong những nhiệm vụ đặc biệt quan trọng của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh và hệ thống chính trị của Đảng, Nhà nước Việt Nam dân chủ cộng hòa, của tất cả các hợp tác xã và các ủy ban nhân dân các cấp. Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn luôn căn dặn đảng viên, cán bộ bất kỳ tình huống nào cũng phải bám chắc lấy dân, dựa hẳn vào dân để hoàn thành nhiệm vụ cách mạng trong phạm vi được phân công. Trong khi dựa vào dân phải làm cho dân mến, dân tin, phải thực hiện phương châm “vừa là người lãnh đạo, vừa là người đày tớ trung thành” của nhân dân. Dựa vào dân là một trong những nội dung của đường lối cách mạng và kháng chiến của Đảng ta trong chống Mỹ, cứu nước.

Đế quốc Mỹ, bè lũ tay sai Ngô Đình Diệm chẳng những xâm chiếm miền Nam, ngăn cản sự phát triển của xã hội miền Nam, mà còn ráo riết chuẩn bị “Bắc tiến” “lấp sông Bến Hải”, tiến hành chiến tranh xâm chiếm miền Bắc Việt Nam, phá hoại toàn bộ sự nghiệp cách mạng của nhân dân ta. Do đó, Mỹ - Diệm chẳng những là kẻ thù của nhân dân miền Nam đang bị chúng thống trị, mà còn là kẻ thù của cả dân tộc Việt Nam, của nhân dân miền Bắc được giải phóng. Chính sự xâm lược của đế quốc Mỹ đã tạo nên trong xã hội Việt Nam các mâu thuẫn chủ yếu:

- Mâu thuẫn giữa một bên là chủ nghĩa đế quốc xâm lược, giai cấp địa chủ, phong kiến và bọn tư sản mại bản quan liêu thống trị ở miền Nam và một bên là cả dân tộc Việt Nam, nhân dân cả nước Việt Nam, bao gồm nhân dân miền Bắc và nhân dân miền Nam.

- Mâu thuẫn giữa con đường xã hội chủ nghĩa với con đường tư bản chủ nghĩa ở miền Bắc.

Để giải quyết hai mâu thuẫn cơ bản trên, nhân dân ta phải xây dựng thắng lợi chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc và hoàn thành cuộc cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân ở miền Nam. Ra sức củng cố miền Bắc, làm chỗ dựa cho nhân dân miền Nam đấu tranh; mặt khác nhân dân ta phải kiên quyết đánh đổ ách thống trị của Mỹ - Diệm ở miền Nam. Nếu không kiên quyết đánh Mỹ - Diệm, giải phóng miền Nam, thì không thể bảo vệ được miền Bắc, không thể tạo nền hòa bình cho miền Bắc xây dựng chủ nghĩa xã hội. Trên bước đường hoàn thành hai chiến lược cách mạng ở hai miền, điều quan trọng là phải giữ vững vai trò lãnh đạo thống nhất của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh; đồng thời phải nắm chắc cơ sở quần chúng cách mạng, xây dựng, phát triển nó lên thành một lực lượng mạnh của cuộc kháng chiến. Như vậy, miền Bắc đánh Mỹ bằng sức mạnh của chủ nghĩa xã hội và độc lập dân tộc; miền Nam đánh Mỹ bằng sức mạnh của độc lập dân tộc, dân chủ và chủ nghĩa xã hội dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của một đảng Mác - Lênin chân chính và tư tưởng Hồ Chí Minh.

Ba, xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc phải kết hợp chặt chẽ với cuộc cách mạng giải phóng dân tộc, dân chủ nhân dân ở miền Nam.

Đường lối cách mạng của Đảng trong kháng chiến chống Mỹ, cứu nước là kết hợp chặt chẽ xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc với cuộc cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân ở miền Nam là một sáng tạo đặc sắc mang tầm chiến lược, không sao chép những cái đã có, mà là sự vận dụng phép biện chứng của Mác vào điều kiện đặc thù của cách mạng Việt Nam, có phát triển trong thời đại thế giới chia thành hai phe đối kháng. Miền Bắc sau khi hoàn thành cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân, phải tiến lên chủ nghĩa xã hội. Miền Bắc có đi lên chủ nghĩa xã hội mới giải phóng xã hội, giải phóng con người khỏi tàn tích của chế độ thuộc địa, phong kiến tồn tại ngót 80 năm trên đất nước ta một cách triệt để nhất. Có như vậy mới thực sự đưa nhân dân ta bước lên vũ đài chính trị với tư cách người làm chủ xã hội, làm chủ đất nước, làm chủ bản thân. Miền Bắc giàu mạnh chẳng những là hậu phương vững chắc của cách mạng miền Nam, tăng cường sức mạnh cho cách mạng miền Nam, mà còn là tấm gương thu hút, động viên nhân dân miền Nam phấn đấu, kiên quyết đấu tranh chống đế quốc Mỹ và bè lũ tay sai bán nước miền Nam. Ngược lại, cuộc chiến đấu của nhân dân miền Nam thu được những thắng lợi ngày càng lớn, sẽ có tác dụng kiềm chế hành động phiêu lưu mở rộng chiến tranh trên bộ của Mỹ, góp phần bảo vệ miền Bắc, thúc đẩy và động viên nhân dân miền Bắc ra sức “mỗi người làm việc bằng hai” để xây dựng tiềm lực kinh tế, quốc phòng miền Bắc ngày càng vững mạnh, tăng cường chi viện cho cách mạng miền Nam. Sự tác động qua lại và ảnh hưởng lẫn nhau trong quá trình thực hiện hai chiến lược cách mạng ở mỗi miền nói lên ý nghĩa không có cuộc cách mạng nào tồn tại, phát triển riêng lẻ trong một đất nước nhân dân có chung một kẻ thù, chung một mục đích cách mạng. Cho nên, sự kết hợp nhuần nhuyễn giữa hai cuộc cách mạng ở miền Bắc và miền Nam là lẽ tự nhiên, là tất yếu khách quan. Sự kết hợp chặt chẽ này sẽ tạo thuận lợi cho nhân dân hai miền Bắc - Nam kề vai sát cánh cùng chiến đấu giải phóng miền Nam, thống nhất Tổ quốc và đi lên chủ nghĩa xã hội. Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn luôn nhắc nhở, căn dặn cán bộ, đảng viên và nhân dân trong khi xây dựng chủ nghĩa xã hội tránh khuynh hướng tách rời việc xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc với cuộc đấu tranh của nhân dân ta ở miền Nam, hoặc coi nặng cuộc cách mạng này mà xem nhẹ cuộc cách mạng kia.

Thực hiện đường lối của Đảng, nhân dân ta ở hai miền hăng hái thi đua lao động sản xuất và chiến đấu ngày càng sôi nổi. Miền Bắc, trong lao động sản xuất đạt 5 tấn thóc trên một hécta gieo trồng, thì miền Nam giành thắng lợi vang dội ở Ấp Bắc, Đồng Xoài, Ba Gia, đánh bại chiến lược chiến tranh đặc biệt của Mỹ. Bị thua ở miền Nam, đế quốc Mỹ mở rộng chiến tranh ra miền Bắc, rồi leo thang sang Campuchia và Lào. Sự kết hợp chặt chẽ thực hiện đồng thời hai chiến lược cách mạng ở hai miền đã đem lại cho nhân dân ta một sức mạnh cộng hưởng mới, đánh thắng địch trong mọi tình huống. Nhân dân miền Bắc kiên cường đánh thắng cuộc chiến tranh không quân, hải quân của Mỹ, giữ vững và tăng cường nhịp độ chi viện cho cách mạng miền Nam, Lào, Campuchia, thì quân, dân miền Nam Tổng tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân 1968, “đánh cho Mỹ cút”, tiến lên mở cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân 1975, “đánh cho ngụy nhào”, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thu giang sơn về một mối. Đó là kết quả của sự kết hợp thực hiện hai chiến lược cách mạng mà Đảng đã đề ra.

Bốn, tiến hành chiến tranh nhân dân toàn dân, toàn diện. Đó là đường lối chiến tranh nhân dân phát triển cao trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, mà nội dung của đường lối đó là: “Cả nước một lòng, toàn dân đánh giặc, dưới sự lãnh đạo của giai cấp công nhân, phát huy sức mạnh chiến đấu của dân tộc, tiến hành khởi nghĩa toàn dân và chiến tranh nhân dân để đánh thắng quân đội của chủ nghĩa đế quốc”6. Chiến tranh nhân dân của ta ngày nay là cuộc chiến tranh toàn dân, toàn diện, trường kỳ, tự lực cánh sinh, kế thừa và phát huy cao độ kinh nghiệm đánh giặc của tổ tiên và truyền thống “cả nước đánh giặc”, “trăm họ cùng là binh”, “giặc đến nhà đàn bà cũng đánh”. Tiến hành chiến tranh nhân dân toàn dân, toàn diện, phải nắm vững tư tưởng, chiến lược tiến công, kết hợp chặt chẽ giữa tiến công quân sự với đấu tranh chính trị, binh vận, đánh địch bằng hai lực lượng, ba thứ quân trên cả ba vùng chiến lược. Chiến tranh nhân dân Việt Nam phải phục tùng đường lối chính trị của Đảng là giải phóng dân tộc, thống nhất Tổ quốc, đưa cả nước đi lên chủ nghĩa xã hội. Tiến hành chiến tranh nhân dân, trước hết là cứu nước, cứu nhà, cứu mình, vì lợi ích của nhân dân, vì độc lập dân tộc, dân chủ và chủ nghĩa xã hội và cũng vì nghĩa vụ đối với các dân tộc bị áp bức trên thế giới. Phương châm chiến lược của chiến tranh nhân dân thời chống Mỹ là đánh lâu dài, “dựa vào sức mình là chính, nhưng đồng thời chúng ta hết sức tranh thủ sự đồng tình, ủng hộ và viện trợ quốc tế… Đi đôi với đấu tranh quân sự, chúng ta cần đẩy mạnh đấu tranh chính trị và ngoại giao, góp phần củng cố sự đoàn kết của phe xã hội chủ nghĩa, luôn luôn giữ thế chủ động, nắm vững và nêu cao ngọn cờ độc lập và hòa bình”7.

Ở miền Nam, toàn thể nhân dân tham gia đánh giặc Mỹ với tinh thần “toàn dân kháng chiến”, “toàn diện kháng chiến”, đánh bằng quân sự, đánh bằng chính trị, đánh bằng binh vận, đánh bằng ngoại giao; một người cũng đánh, nhiều người cũng đánh, đánh địch ở bất kỳ nơi nào: rừng núi, đồng bằng, đô thị, ngày cũng như đêm, miễn là gặp địch, hoặc tìm đánh chúng trên cả ba vùng chiến lược. Với khí thế bừng bừng của cuộc chiến tranh nhân dân, toàn dân, toàn diện, quân và dân ta ở miền Nam luôn giữ thế chủ động, kết hợp đấu tranh quân sự với đấu tranh chính trị, binh vận, tiến công địch trên khắp ba vùng chiến lược, giành nhiều thắng lợi to lớn có ý nghĩa chiến lược. Quân và dân miền Nam đã buộc địch vào thế lúng túng chống đỡ, từ chủ động tiến công phải lùi vào phòng ngự bị động; cuối cùng phải chịu thua; Mỹ phải rút quân, ngụy quân, ngụy quyền bị diệt và tan rã.

Ở miền Bắc, thực hiện đường lối chiến tranh nhân dân, trước hết ta tập trung xây dựng lực lượng vũ trang nhân dân ba thứ quân: bộ đội chủ lực, bộ đội địa phương, dân quân du kích, tự vệ và đội hậu bị hùng hậu. Bộ đội chủ lực phát triển thành ba quân chủng: Quân chủng Lục quân, Quân chủng Phòng không - Không quân, Quân chủng Hải quân và hàng chục binh chủng như Rađa, Tên lửa, Không quân, Xe tăng và thiết giáp, v.v. được trang bị vũ khí, khí tài hiện đại và huấn luyện chính quy. Lực lượng này vừa chiến đấu bảo vệ miền Bắc, vừa bổ sung thường xuyên cho lực lượng vũ trang giải phóng miền Nam. Khi đế quốc Mỹ gây chiến tranh phá hoại bằng không quân, hải quân chống miền Bắc, thì cuộc chiến tranh nhân dân đất đối không và đất đối hải ra đời. Đảng và Nhà nước chuyển hướng chỉ đạo từ thời bình sang thời chiến. Lực lượng cán bộ, nhân viên các ngành được tổ chức, bố trí lại cho phù hợp với yêu cầu cả nước có chiến tranh. Các cơ quan đảng, nhà nước, các nhà máy, xí nghiệp, các cơ sở văn hóa, xã hội được lệnh sơ tán, phân tán ra khỏi các thành phố và những nơi địch đánh phá. Lực lượng vũ trang ba thứ quân bố trí các trận địa phòng không và phòng thủ bờ biển; tổ chức những chiến dịch phòng không nhân dân, đánh thắng lực lượng không quân và hải quân Mỹ, bảo vệ vững chắc miền Bắc xã hội chủ nghĩa. Cuối cùng quân và dân ta mở cuộc tiến công chiến lược, đánh thẳng vào các căn cứ, các sở chỉ huy và cơ quan đầu não của ngụy quân, ngụy quyền Sài Gòn trong các thị xã, thành phố trên toàn miền Nam, tiêu diệt và làm tan rã toàn bộ quân địch, kết thúc thắng lợi 21 năm kháng chiến chống Mỹ xâm lược. Thắng lợi to lớn này chứng tỏ đường lối chiến tranh nhân dân do Đảng ta đề ra là vô địch, không có một thế lực xâm lược nào có thể chống đỡ nổi.

Năm, kết hợp chặt chẽ nhiệm vụ giải phóng dân tộc với nghĩa vụ quốc tế. Đế quốc Mỹ xâm lược Việt Nam nhằm lập căn cứ quân sự, ngăn chặn “chủ nghĩa cộng sản” lan tràn xuống Đông Nam Á, răn đe phong trào giải phóng dân tộc trên thế giới; đồng thời thử nghiệm chiến lược toàn cầu của Mỹ, nếu thành công chúng sẽ đem áp dụng các nơi khác ở châu Á, châu Phi, Mỹ Latinh. Cho nên sự nghiệp cách mạng của nhân dân Việt Nam, muốn hay không cũng dính đến phong trào đấu tranh cách mạng của nhân dân thế giới, mà trực tiếp là cách mạng Lào và Campuchia. Trong cuộc đấu tranh gay go này, cách mạng Việt Nam phải liên minh với cách mạng thế giới, phải kết hợp chặt chẽ giữa nhiệm vụ giải phóng dân tộc với nghĩa vụ quốc tế. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã giáo dục cho toàn dân, toàn quân Việt Nam là “Phải nêu cao tinh thần quốc tế vô sản, giữ gìn và phát triển tình hữu nghị với các nước xã hội chủ nghĩa anh em; hết lòng ủng hộ phong trào giải phóng của các dân tộc; đoàn kết với giai cấp công nhân và nhân dân toàn thế giới trong cuộc đấu tranh chống chủ nghĩa đế quốc do Mỹ cầm đầu, đấu tranh cho hòa bình, độc lập dân tộc, dân chủ và chủ nghĩa xã hội”1. Quan điểm cơ bản của Đảng ta và Chủ tịch Hồ Chí Minh là trong quá trình kháng chiến, nhân dân ta phải luôn luôn làm tròn nghĩa vụ quốc tế, tích cực góp phần vào cuộc đấu tranh cách mạng chống chủ nghĩa đế quốc, thực dân của nhân dân thế giới. Trên tinh thần đó, quân và dân Việt Nam đã nỗ lực hết mình, vượt bao gian khổ, hy sinh, ra sức đánh kiềm chế Mỹ và phe Mỹ, từng bước đánh thắng chúng trên chiến trường Việt Nam, không để chiến tranh lan rộng, làm ảnh hưởng đến cuộc sống hòa bình, xây dựng đất nước của các dân tộc trên thế giới. Nhân dân ta đã thực hiện thành công phương pháp cách mạng thắng địch từng bước, đánh lui, đánh đổ từng bộ phận địch, làm cho Mỹ suy yếu, kéo Mỹ xuống thang chiến tranh và giam chân lực lượng Mỹ trên chiến trường Việt Nam, tạo thuận lợi cho các nước xã hội chủ nghĩa củng cố hòa bình, phát triển kinh tế. Đối với nhân dân Lào và Campuchia, nhân dân Việt Nam giúp đỡ hết mình cả về vật chất, tinh thần, sát cánh cùng bạn chiến đấu chống kẻ thù chung là đế quốc Mỹ và bọn tay sai của mỗi nước. Đảng, Nhà nước và nhân dân, quân đội ta coi việc giúp bạn là giúp mình, là nghĩa vụ không được thoái thác. Nhờ thực hiện tốt đường lối kết hợp nhiệm vụ giải phóng dân tộc với nghĩa vụ quốc tế, ta đã tranh thủ được sự giúp đỡ về mọi mặt của nhân dân thế giới đối với cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước của Việt Nam. Mặt trận nhân dân thế giới đoàn kết với Việt Nam chống Mỹ ra đời, góp phần quan trọng tăng cường thế và lực cho cách mạng Việt Nam. Năm 1975, cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước thắng lợi hoàn toàn, Đảng ta đánh giá: thắng lợi của Việt Nam cũng là thắng lợi của các lực lượng hòa bình, độc lập dân tộc, dân chủ và chủ nghĩa xã hội trên thế giới.

*
*     *

Đường lối cách mạng và kháng chiến của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh đã kế thừa xuất sắc truyền thống yêu nước và phát huy lên tầm cao mới, biết lấy ít địch nhiều, biết lấy yếu thắng mạnh, lấy nhu thắng cương, biết thắng địch từng bước, đánh lui địch từng bộ phận, tiến lên đánh bại hoàn toàn quân địch bằng một cuộc tổng tiến công thần tốc. Đường lối cách mạng và kháng chiến của Đảng thấm nhuần sâu sắc chủ nghĩa Mác - Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh, mang đậm tính giai cấp, tính nhân dân, đậm đà bản sắc dân tộc. Do vậy, đường lối cách mạng và kháng chiến của Đảng luôn luôn giữ vững tinh thần độc lập tự chủ, đúng đắn và sáng tạo. Song, “kinh nghiệm cho thấy phong trào cách mạng có khi dẫm chân tại chỗ, thậm chí thất bại nữa, không phải vì thiếu phương hướng, mục tiêu rõ ràng, mà chủ yếu vì thiếu phương pháp cách mạng thích hợp”, “Phương pháp cách mạng là làm sao thắng địch một cách có lợi nhất, đưa cách mạng tới đích nhanh nhất”8. Cái giỏi của Đảng Cộng sản Việt Nam và Chủ tịch Hồ Chí Minh là bằng bộ óc thiên tài của Người lãnh đạo cách mạng và kháng chiến, chẳng những đề ra được đường lối cách mạng và kháng chiến, đường lối chính trị và đường lối quân sự đúng đắn, độc lập, tự chủ, mà còn sáng tạo ra phương pháp cách mạng đúng, thích hợp với từng thời kỳ kháng chiến. Phương pháp cách mạng đó đã dẫn dắt quân và dân ta thực hiện thắng lợi đường lối của Đảng mà Đại hội lần thứ IV của Đảng Cộng sản Việt Nam đã tổng kết: “Phương pháp cách mạng ở miền Nam, những vấn đề có tính quy luật của chiến tranh cách mạng chống Mỹ, cứu nước là: Sử dụng bạo lực cách mạng với hai lực lượng, lực lượng chính trị quần chúng và lực lượng vũ trang nhân dân; tiến hành khởi nghĩa từng phần ở nông thôn và từ khởi nghĩa phát triển thành chiến tranh cách mạng; kết hợp đấu tranh quân sự với đấu tranh chính trị và đấu tranh ngoại giao; kết hợp khởi nghĩa của quần chúng với chiến tranh cách mạng, nổi dậy và tiến công, tiến công và nổi dậy; đánh địch trên cả ba vùng chiến lược: rừng núi, nông thôn đồng bằng và thành thị; đánh địch bằng ba mũi giáp công: quân sự, chính trị, binh vận; kết hợp ba thứ quân; kết hợp chiến tranh du kích với chiến tranh chính quy, kết hợp đánh lớn, đánh vừa, đánh nhỏ; thực hiện làm chủ để tiêu diệt địch, tiêu diệt địch để làm chủ; nắm vững phương châm chiến lược đánh lâu dài đồng thời biết tạo thời cơ và nắm vững thời cơ mở những trận tiến công chiến lược làm thay đổi cục diện chiến tranh, tiến lên thực hiện tổng tiến công và nổi dậy đè bẹp quân địch để giành thắng lợi cuối cùng”9.

Đại tá NGUYỄN VĂN MINH

Nguyên Chủ nhiệm Bộ môn Lịch sử kháng chiến chống Mỹ,

Viện Lịch sử quân sự Việt Nam.

Trích trong cuốn "Đảng Cộng sản Việt Nam - 80 năm xây dựng

và phát triển", Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2010.

*****

1, 2, 3. Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đảng toàn tập, Sđd, t.20,
tr. 82, 84.

4. Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đảng toàn tập, Sđd, t.21, tr.512.

5. Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t. 6, tr.171.

6. Võ Nguyên Giáp: Bài giảng về đường lối quân sự của Đảng (lưu hành nội bộ), Viện Khoa học quân sự, tr.92-93.

7. Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đảng toàn tập, Sđd, t.26, tr.640-641.

8 . Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đảng toàn tập, Sđd, t.25, tr.107.

9. Lê Duẩn: Dưới lá cờ vẻ vang của Đảng, vì độc lập, tự do, vì chủ nghĩa xã hội, tiến lên giành những thắng lợi mới, Sđd, tr.34.