Nguyên nhân chiến dịch huế đà nẵng

QĐND Online - Thắng lợi ở Tây Nguyên nhất là thắng lợi của chiến dịch Trị Thiên - Huế đã đặt căn cứ quân sự liên hợp Đà Nẵng và toàn bộ lực lượng còn lại của Quân đoàn 1 - Quân khu 1 của ngụy đang co cụm trên đất Quảng Đà rơi vào thế bị cô lập hoàn toàn về đường bộ. Sau khi bị mất các địa bàn Trị Thiên, Quảng Ngãi và phần lớn tỉnh Quảng Nam, toàn bộ lực lượng còn lại của Quân khu 1 và Quân đoàn 1 của ngụy rút chạy về Quảng Đà. Địch phán đoán: “Cộng sản muốn đánh vào Đà Nẵng phải mất thời gian chuẩn bị ít nhất là một tháng”. Căn cứ vào phán đoán đó, chủ trương của chúng là “tử thủ Đà Nẵng”. Thực hiện sự chỉ đạo của Bộ Chính trị, Quân ủy Trung ương và Bộ Tổng tư lệnh, Quân khu Trị Thiên, Quân đoàn 2, Quân khu 5, đã mở chiến dịch Đà Nẵng (từ ngày 26-3 đến ngày 29-3-1975), tiến công tiêu diệt toàn bộ quân địch ở Quảng Đà, không cho chúng có điều kiện củng cố lực lượng và bố trí thế chiến lược mới. Nhằm tiêu diệt lực lượng thuộc Quân đoàn 1 - Quân khu 1 quân đội Sài Gòn co cụm phòng thủ tại Đà Nẵng, trong Tổng tiến công và nổi dậy Xuân 1975.

Nguyên nhân chiến dịch huế đà nẵng
 Quân đoàn 2  giải phóng Đà Nẵng ngày 29-3-1975. Ảnh Tư liệu

Lực lượng địch trên chiến trường khoảng 75.000 tên, gồm: Sở chỉ huy Quân đoàn 1 - Quân khu 1, Sư đoàn thủy quân lục chiến 1 (có tàn quân của Lữ đoàn 147), Sư đoàn bộ binh 3, tàn quân của các sư đoàn bộ binh 1 và 2, Sư đoàn không quân 1 (279 máy bay, trong đó có 96 máy bay chiến đấu), Liên đoàn biệt động quân 17, Thiết đoàn 11 và tàn quân của Thiết đoàn 20, 7 tiểu đoàn pháo binh, 15 tiểu đoàn bảo an, 240 trung đội dân vệ và 24.000 phòng vệ dân sự.

Về lực lượng ta tham gia chiến dịch có Quân đoàn 2 (thiếu Sư đoàn 324) và Quân khu 5 (gồm Sư đoàn bộ binh 2, Lữ đoàn bộ binh 52, 2 tiểu đoàn tăng thiết giáp, 1 tiểu đoàn pháo binh, 2 trung đoàn và 3 tiểu đoàn bộ đội địa phương, du kích và lực lượng tự vệ, biệt động...) tiến hành. Bộ Tư lệnh chiến dịch do đồng chí Lê Trọng Tấn làm Tư lệnh, đồng chí Chu Huy Mân làm Chính ủy.

Ngày 26-3, chiến dịch mở màn, đến ngày 28-3 ta đã đập tan toàn bộ hệ thống phòng ngự vòng ngoài của địch và triển khai lực lượng áp sát TP Đà Nẵng từ nhiều hướng. Trước nguy cơ bị bao vây tiêu diệt, cũng từ ngày 26-3, Mỹ buộc phải lập cầu hàng không di tản cơ quan lãnh sự Mỹ ở Đà Nẵng về Sài Gòn khiến tinh thần binh lính địch ở đây càng thêm rối loạn. Thực hiện phương án thời cơ (đánh địch ở tư thế rút chạy), rạng sáng ngày 29-3, ta tập trung 30 khẩu pháo lớn của Quân đoàn 2 và Quân khu 5 bắn mãnh liệt vào các khu vực Hòn Bằng, Trà Kiệu, Vĩnh Điện, sân bay Đà Nẵng, cảng Sơn Trà, sân bay Nước Mặn..., kịp thời chi viện cho các mũi bộ binh, xe tăng tiến công từ nhiều hướng: Hướng bắc theo đường số 1 đột phá qua đèo Hải Vân, chiếm kho xăng Liên Chiểu, thọc sâu vào Đà Nẵng ra bán đảo Sơn Trà, chiếm quân cảng (13 giờ 30 phút ngày 29-3); hướng tây bắc theo đường số 14 tiến công trong hành tiến, làm chủ Phước Tường, Hòa Khánh và Sở chỉ huy Sư đoàn 3 của địch, sau đó phối hợp đánh chiếm đài phát thanh, toà thị chính (9 giờ 30 phút ngày 29-3), phát triển ra bán đảo Sơn Trà; hướng tây nam đập tan địch ở Phú Hương, Đồng Lâm, truy kích về Ái Nghĩa, chiếm trung tâm huấn luyện Hòa Cầm và phối hợp đánh chiếm sân bay Đà Nẵng; hướng nam đánh chiếm các khu vực Bà Rén, Duy Xuyên, Nam Phước, Vĩnh Điện rồi phát triển vào Đà Nẵng, chiếm sở chỉ huy Quân đoàn 1, Sư đoàn không quân 1 và sân bay Đà Nẵng (12 giờ ngày 29-3); hướng đông nam làm chủ thị xã Hội An, khu Non Nước, căn cứ hải quân, phối hợp đánh chiếm sân bay Nước Mặn... Đến 15 giờ ngày 29-3 chiến dịch kết thúc, ta giải phóng hoàn toàn TP Đà Nẵng và các vùng phụ cận.

Sau hơn ba ngày tiến công thần tốc, kết quả ta đã tiêu diệt, bắt và làm tan rã toàn bộ quân địch (Quân khu 1, Quân đoàn 1 của quân đội Sài Gòn), loại khỏi vòng chiến đấu 90.000 tên địch, thu và phá huỷ 115 máy bay, 47 tàu xuồng, 138 xe tăng và xe bọc thép, hơn 69.000 súng các loại (có 109 khẩu pháo từ 105 đến 175mm) và nhiều trang bị kĩ thuật khác.

Chiến dịch Đà Nẵng thắng lợi có ý nghĩa quan trọng về chiến lược, góp phần làm thay đổi so sánh thế và lực trên chiến trường, đập tan ý đồ co cụm chiến lược của địch, tạo điều kiện thuận lợi cho ta tập trung lực lượng thực hiện đòn tiến công chiến lược cuối cùng giải phóng Sài Gòn và toàn miền Nam Việt Nam.

Thắng lợi của chiến dịch tiến công Đà Nẵng cùng với đòn tiến công Tây Nguyên, chiến dịch Nam-Ngãi và chiến dịch Trị-Thiên, thắng lợi của chiến dịch này đã làm thay đổi hẳn so sánh lực lượng về mặt chiến lược, tạo ra sự nhảy vọt về cục diện chiến tranh hoàn toàn có lợi cho ta. Chiến dịch tiến công Đà Nẵng đã gây cho địch tổn thất lớn về vật chất, kỹ thuật, tan rã lớn về tổ chức, bế tắc về chiến thuật, chiến lược và quan trọng nhất là suy sụp lớn về tinh thần, đẩy quân ngụy đứng trước nguy cơ sụp đổ hoàn toàn không gì có thể cứu vãn nổi, mở ra cho ta thời cơ, điều kiện mới giải phóng Sài Gòn-Gia Định và giải phóng hoàn toàn miền Nam. Mất Đà Nẵng, chính quyền Sài Gòn đã mất đi chiến địa cuối cùng, mất đi bãi đổ bộ mà Thiệu vẫn mơ tưởng đến hình ảnh những hạm đội Mỹ đáp xuống để cứu nguy. Đòn tiến công Đà Nẵng thực sự đã đẩy quân ngụy vào tình thế tuyệt vọng, tạo điều kiện cho ta đẩy nhanh cuộc Tổng tiến công chiến lược. Ngay trong đêm 29-3, khi Đà Nẵng vừa được giải phóng, các hãng tin phương Tây đã bình luận: “Việc Đà Nẵng thất thủ, kể từ đây sự sụp đổ của chế độ Sài Gòn chỉ tính bằng ngày và giờ”(*).

Thắng lợi của chiến dịch tiến công Đà Nẵng đã góp phần mở ra một địa bàn chiến lược có ý nghĩa quan trọng nhiều mặt. Cùng với kết quả thắng lợi của chiến dịch Tây Nguyên, Trị-Thiên và Nam-Ngãi, một vùng lãnh thổ rộng lớn bao gồm năm tỉnh đồng bằng ven biển tiếp giáp với miền Bắc xã hội chủ nghĩa, nối liền với vùng mới giải phóng ở Tây Nguyên đã tạo nên một hậu phương chiến lược hoàn chỉnh hơn. Với hậu phương mới tạo ra, ta có điều kiện tốt hơn trong việc bảo đảm hậu cần, kỹ thuật, bảo đảm cơ động lực lượng, đáp ứng với yêu cầu tập trung lực lượng quy mô lớn cho việc giải phóng Sài Gòn - Gia Định trong một thời gian ngắn. Sau cuộc tiến công Huế - Đà Nẵng, ta có điều kiện hết sức thuận lợi để tập trung lực lượng cho trận quyết chiến cuối cùng và tổ chức lực lượng tiến công giải phóng quần đảo Trường Sa - phần lãnh thổ thiêng liêng của Tố quốc có giá trị chiến lược trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; ta lại thành lập được thêm cánh quân phía Đông mà lực lượng chủ yếu là Quân đoàn 2, tiến theo đường số 1 vào hội quân giải phóng Sài Gòn, tạo nên sức mạnh áp đảo địch từ mọi hướng để giành thắng lợi chắc chắn trong chiến dịch Hồ Chí Minh.

Tiếp theo thắng lợi của đòn tiến công chiến lược của ta ở Tây Nguyên, chiến dịch tiến công Đà Nẵng thắng lợi cùng với thắng lợi của hai chiến dịch trước đó (ở Trị-Thiên và Nam-Ngãi) đã tạo nên đòn tiến công chiến lược thứ hai làm thay đổi hẳn cục diện chiến tranh, tạo so sánh lực lượng và những điều kiện mới có lợi cho ta. Từ những thắng lợi này, ta có thế vững chắc hơn và lực cũng mạnh hơn để giải phóng Sài Gòn-Gia Định và giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước.

Thạc sĩ NGUYỄN TRỌNG THÀNH, Viện Lịch sử quân sự Việt Nam

(*)Quảng Nam - Đà Nẵng 30 năm chiến đấu và chiến thắng 1945-1975. tập 2, nxb Đà Nẵng, tr. 298.