Nhân vật Sang Mô trong truyện sự tích thác Trị An có tình cách như thế nào

Trong quá trình điền dã sưu tầm tư liệu chuyện kể của cư dân Châu Ro, Châu Mạ từ nhiều nguồn trên địa bàn Đồng Nai chúng tôi đã thu thập được 71 văn bản tư liệu. Những địa bàn chủ yếu được tập trung sưu tầm là vùng người Châu Mạ ấp Hiệp Nghĩa huyện Định Quán, vùng Tà Lài huyện Tân Phú; vùng người Châu Ro ở Lý Lịch huyện Vĩnh Cửu và một số chuyện kể thu thập tại vùng Bình Lộc huyện Long Khánh. Nói như vậy để thấy rõ rằng vốn văn hoá dân gian này vẫn chưa được khai thác hết trên bình diện rộng của các nhóm dân cư của cộng đồng Châu Ro, Châu Mạ nhưng chưa được khai thác nghiên cứu đầy đủ do nhiều yếu tố tác động từ chủ quan và khách quan. Dẫu vậy, với số lượng chuyện kể sưu tầm được, chúng tôi dựa trên các văn bản tư liệu này để nêu lên những nội dung mà chuyện kể cư dân Châu Ro, Châu Mạ thể hiện qua một góc nhìn, cách tiếp cận riêng.

Chuyện kể của người Châu Ro, Châu Mạ phong phú về nội dung như giải thích hiện tượng thiên nhiên, phong tục tập quán, tín ngưỡng, lễ hội, nguồn gốc các loài, đề cập những yếu tố xã hội, lịch sử, có không gian, thời gian được định hình hay phiếm chỉ..vv…Trong chuyện kể của hai cộng đồng Châu Ro, Châu Mạ có những chuyện kể đề cập nhiều vấn đề và cũng có những chuyện kể chỉ đề cập một vấn đề. Vì vậy, nội dung chuyện có chuyện khá dài, có chuyện rất ngắn. Chuyện kể không tuân theo “ quy ước“ chuẩn mà có cách thể hiện riêng. Có chuyện dẫn giải rất nhiều chi tiết cũng có chuyện ít chi tiết, trực tiếp hay hay gián tiếp đi vào nội dung thể hiện. Chính điều này tạo nên sự cuốn hút cho đối tượng nghe.

1. Lý giải hiện tượng tự nhiên, xã hội

Một số chuyện kể Châu Ro, Châu Mạ đề cập và lý giải về hiện tượng thiên nhiên, xã hội. Về nguồn gốc tạo thành vũ trụ, chuyện kể của người Châu Mạ có những cách giải thích rất độc đáo.

Chuyện kể “ Buổi đầu khai thiên lập địa “ của người Châu Mạ gắn liền với hệ thống thần linh mà cụ thể là Thần K’Boong và cách sáng tạo có tính chất “ huyền bí ” để tạo nên thế gian. Thần K’Boong đem về dấu hiệu đầu tiên của sự sống như “ một trái bầu, một chiếc gùi nhỏ, một chiếc gùi lớn, một chiếc gùi dài ” và dùng tài năng, phép thuật để tạo nên trái đất theo từng công việc cụ thể. Như vậy, trong trái bầu và ba cái gùi chứa đựng những yếu tố để dựng nên thên thế gian và sự sống của loài người. K’Boong dùng người khổng lồ I - út ngăn trời và đất riêng ra, con lươn sắp lại các ao, đầm, con heo rừng làm thành các đồi, con gà tạo thành thung lũng; con rắn NaK Grai làm thành dòng thác nước. Những loại cây cối, thú vật từ trong những chiếc gùi theo lệnh của thần K’Boong xuất hiện và các con của thần linh đã làm cho những thứ ấy sinh sôi, nảy nở trên khắp thế gian. Ẩn trong câu chuyện những yếu tố thần thánh nhưng chi tiết cụ thể cho ta thấy yếu tố chính vẫn thuộc về con người mà cụ thể là những vật dụng mà thần linh sử dụng khi sáng tạo mà nguời Châu Mạ thuờng dùng trong cuộc sống hằng ngày.

Chuyện về lửa thì cho rằng thần Rdeon con của thần Mặt trời dạy cho người Châu Mạ cách giữ lửa của Mặt trời bằng cách lấy lửa ở đá và xơ của vỏ cây đánh vào nhau. Người khổng lồ I-ut thổi hơi vào đá, thần N’Đuu làm cho vỏ cây khô có cảm giác và các thần linh dạy cho con người biết suy nghĩ để tạo nên sự kết hợp giữa hai thư này lại với nhau. Để duy trì lửa (trong đời sống của nhân loại, sự phát hiện ra lửa có tính chất quan trọng như một bước ngoặc cho sự sinh tồn, phát triển) thì người Châu Mạ cho rằng “ nếu lửa thiếu ăn thì trồng cây tre , trồng cây lau, phải dọn rừng, chặt cây cho lửa ăn. Phải cho lửa ăn cả rừng thưa và đồng cỏ lớn. Lửa làm cho những con mối trong đất cọ quậy, làm nứt các phiến đá, làm nứt các ché trong nhà sàn “. Nội dung chuyện rất ngắn nhưng hàm chứa sự thông minh của con người về nhìn nhận hiện tượng xảy ra trong môi trường tự nhiên để đúc kết những kinh nghiệm quí báu cho cộng đồng. Yếu tố thần linh được xác định ngay từ đầu nhưng yếu tố chính vẫn là sự nhận biết của con nguời. Một ẩn dụ nói về sức mạnh của con người.

Về các dòng họ khác nhau thì người Châu Mạ họ đều cùng ngtuồn gốc của hai tổ Paang Kha và Paang Khem được đề cập trong chuyện “ Sự tích về tổ tiên các dòng họ “. Với cách lý giải nguồn gốc từ các bụi cây các tổ tiên chui ra nhưng qua đó cho thấy là sự sáng thế vũ trụ đều quy về các thần mà cây cối được dùng biểu tượng cho sự sống, sự sanh sôi này nở. Trong chuyện đề cập tập tục hôn nhân “ quần hôn “ của người Châu Mạ cổ xưa: “ Rồi trong thưở ban đầu chung sống với nhau, các tổ Paang lấy làm vợ chồng giữa các anh em trai và chị em gái. Những đam mê tình yêu dữ dội đã làm Biit và Rling chui ra. Rồi những dòng khác do thần K’bôông sinh ra như Doot và Doi. Họ giao hợp với nhau rồi sinh con đẻ cái. Cũng như thác và sông, anh trai và em gái lấy nhau. Paang Riing và em gái là Nham kết hợp thành vợ chồng ”.

Khi lý giải về người Châu Mạ sống ở vùng rừng núi thì người Châu Mạ cho rằng xuất phát từ “ Sự tích nạn hồng thuỷ “. Đây là một trong những nội dung chuyện mà các tộc người trên thế giới dùng để nói về nạn hồng thuỷ trong lịch sử của nhân loại như chuyện cổ “ Con tàu Nô- ê ”của người Do Thái hay vùng Trung Đông. Nguồn gốc của nạn hồng thuỷ mà người Châu Mạ gánh chịu do từ một cô gái với hành động khiêu khích thần linh: “Do không có nắng phơi lúa nên cô gái tốc váy đưa âm hộ cho trời xem và khiêu khích. Hành động này bị phạt với 7 năm hạn hán và 7 năm hồng thuỷ ”. Khi nước rút, các bè mảng của người Châu Mạ trôi đi tứ tung và tấp vào các vùng đồn núi nên từ đó họ sống các vùng rừng núi.

Cộng đồng người Châu Ro sống chủ yếu ở vùng rừng núi. Thực tế sự cư trú của cộng đồng này đã minh chứng điều này. Trong chuyện kể “ Vì sao người Châu Ro sống ở rừng núi “, người Châu Ro đã lý giải vấn đề này có tính chất trong mối quan hệ xã hội. Bởi vì cộng đồng người Châu Ro không chịu nổi “ sự tàn bạo và hoang dâm “ của tên chúa đất nên đã từ bỏ vùng đồng bằng lên vùng núi sinh sống. Từ đó, họ không trở lại vùng đồng bằng nữa. Đây cũng là một “ tư liệu ” hé mở cho chúng ta tìm hiểu thêm về địa bàn cư trú của cộng người Châu Ro trong bối cảnh của diễn tiến vùng đất miền Đông Nam Bộ. Bởi có những tư liệu đã đề cập địa bàn cư trú của người Châu Ro trước đây (vào khoảng trước khi lưu dân Việt đến khai khẩn) ở vùng Sài Gòn – Gia Định hoặc miệt hạ của sông Đồng Nai.

Về hiện tượng trước khi bình minh có rất nhiều đám mây bao trùm bầu trời vào buổi sáng, người Châu Ro nhìn hiện tượng để giải thích. Đó là khi ánh mặt trời chiếu rọi thì các đám mây tan dần, chuyển đi. Trước hiện tượng đó, người Châu Ro cho rằng đã có những người khổng lồ giúp họ. Đó là những con người ngủ trong rừng rậm, cứ mỗi sáng thức dậy đưa tay với lấy mây trời để ăn. Điều đó, đồng nghĩa với sự giúp sức cho con người có một ngày tốt lành và họ biết ơn những người khổng lồ trong chuyện ”Những người ăn mây trời “.

Về những đặc điểm cộng đồng người Châu Ro, trong chuyện kể “ “ có cách thể hiện ngắn gọn nhưng Vì sao người Châu Ro không có chữ viết lý giải được hai vấn đề. Cái đặt biệt ở chuyện này là nó không chỉ giải thích vấn đề đặt ra ngay từ đầu câu chuyện mà còn lý giải cả những vấn đề về sau. Tức từ một nội dung chuyện mà giải thích đến hai hiện tượng. Chuyện giải thích đơn giản nhưng đều bắt nguồn từ nguyên do mà người Châu Ro đã làm. Cái thứ nhất, vì người Châu Ro mãi mê “ ăn trái thị nên không kịp tới trường thi “ nên từ đó về sau không có chữ viết. Cái thứ hai là cũng do “ngồi dưới gốc cây thị có gỗ màu đen “ nên da người Châu Ro có màu đen. Đó là cách lý giải về chính những hiện tượng hiển hiện trong cộng đồng của họ khi đối chứng với cộng đồng tộc người khác. Chính nội dung chuyện kể này còn cho chúng ta biết được điều đó bởi nó đề cập đến tính liên hệ giữa các tộc người trong xã hội. Đó là cách lý giải có tính so sánh giữa cộng đồng Châu Ro và người Kinh. Họ nhìn nhận những đặc điểm có tính khác nhau và giải thích chúng như: “ người Kinh ngồi dưới gốc cây bằng lăng có gỗ màu trắng nên da trắng; người Kinh kịp đến trường thi nên mới có chữ viết “.

Một số nội dung chuyện kể của người Châu Ro, Châu Mạ đề cập và giải thích về hiện tượng tự nhiên, xã hội. Có những chuyện kể đi thẳng vào hiện tượng để giải thích nhưng cũng có chuyện qua diễn biến của nội dung để đi đến kết luận sau cùng. Ở đây, chúng ta không bàn đến sự “ lý giải ” đó như thế nào mà nhìn nhận cách nhìn của người Châu Ro, Châu Mạ về sự vật, hiện tượng tự nhiên, xã hội để giải thích vấn đề theo cách nghĩ của cộng đồng.

2. Lý giải về địa danh

Những chuyện kể có đề cập giải thích địa danh của người Châu Ro không nhiều (3 chuyện tại Vĩnh Cửu, 2 chuyện tại Xuân Lộc). Dẫu ít nhưng nội dung chuyện gắn liền với một số địa điểm như khu rừng hay ngọn núi, con sông, suối, cánh đồng…mà cộng đồng nguời Châu Ro biết đến hoặc đã từng sinh sống. Có những câu chuyện lý giải về địa danh một cách cụ thể khi nói đến xuất xứ của một tên gọi nhưng cũng có chuyện chỉ đề cập đên địa danh mà không có lời giải thích. Nội dung chuyện mang nhiều nội dung nhưng sâu xa là nó thể hiện cách nghĩ, cách ứng xử và những bài học của người Châu Ro trong các mối quan hệ với nhau.

Chuyện về “ Sự tích Suối Thề ” nói về người đàn bà mãi mê bắt cá để đứa con của mình chết nước nên đã hứa với thần linh: Không bao giờ ăn cá của con suối nơi con mình chết. Lời thề của một con người trở thành tên của một con suối. Người Châu Ro cho rằng Suối Thề ngày nay còn ở xã Bảo Bình, Xuân Lộc. Chuyện ngắn với nội dung đơn giản nhưng hàm chứa sự răn khuyên đối với tính cẩu thả hay nhắc về sự chừng mực của con người (không nên tham lam).

Trong câu chuyện “ Chàng Lác ” thì nội dung câu chuyện không lý giải đến địa danh. Tình tiết câu chuyện xoay quanh một chàng trai, con út trong một gia đình mà bản thân “ vừa làm biếng, vừa ghẻ lác ” nên lấy đặc điểm này làm tên gọi. Chàng Lác lười biếng nhưng gặp may trong tình tiết như “cơ duyên” khi có vợ và nhờ vào cái mõ thần của một con khỉ tặng cho. Nhờ đó, chàng Lác đã làm chủ một cánh đồng mênh mông lúa và thú nuôi. Người Châu Ro xứ xở của chàng Lác là cánh đồng có tên Đồng Bơ hay Đồng Trường ở vùng Phú Lý, Vĩnh Cửu. Địa điểm nầy đã ngập trong lòng hồ Trị An hiện nay.

Chuyện “ Sự tích Sông Ray ” cũng là mô típ chuyện không giải thích địa danh mà nói về cội nguồn của nó. Vì vậy, trong chuyện chỉ nói về sự phát tích của sông Ray như: khởi nguồn dưới một chiếc lá trong khu rừng mà già làng có tên Gìa Liêu phát hiện. Chính nhân vật già làng là khởi điểm cho sự hình thành của một dòng sông. Bước chân của già làng tới đâu thì dòng nước dưới chiếc lá chảy theo tới đó. Một phần chuyện kể hàm chứa về công lao của người già làng của cộng đồng. Một trong những con sông đó chính là Sông Ray. Tên gọi của địa danh này vẫn còn hiện hữu trong vùng Xuân Lộc ngày nay.

Sự tích miễu Ông Chồn là câu chuyện có nhiều chi tiết “ khác lạ ” so với đời thường nhưng gắn liền với một phế tích kiến trúc trong vùng Lý Lịch, Vĩnh Cửu. Chuyện kể về người con gái út trong một gia đình Châu Ro lấy một con chồn làm chồng. Con chồn với phép thuật đã vượt qua bao mấy kỳ thi thử thách của cha vợ trước sự ghen tức của nhiều người trong gia đình. Trong đợt thi cuối cùng, con chồn đã xây xong một cái đền tháp theo yêu cầu cha vợ nhưng cuối cùng bị những người rể khác trong nhà tranh phần. Thế nhưng, cuối cùng chồn thắng bởi sức mạnh chế ngự những gì mình làm ra. Từ cuộc thi cuối cùng thành công đó, con chồn hoá thành chàng trai, thoát khỏi lốt thú, sống hạnh phúc bên người vợ của mình. Có dị bản cho rằng, sau này chàng trai chồn làm tù trưởng của người Châu Ro tại đây. Phế tích kiến trúc gạch được đề cập trong chuyện kể ngày nay ở lưng chừng ngọn núi mang tên núi Miễu Ông Chồn trong hệ thống rừng tại Phú Lý. Câu chuyện hàm chứa những cách cư xử, cách sống trong các mối quan hệ xã hội, đồng thời hé mở những tư liệu xung quanh phế tích kiến trúc cổ này trong hệ thống các di tích kiến trúc tồn tại trong vùng rừng miền Đông Nam Bộ.

Câu chuyện “ Cánh đồng Cà Dăm ” cũng không trực tiếp lý giải địa danh mà chỉ đề cập trong tình tiết chuyện. Nội dung chuyện nói về người già làng giỏi giang, hiền lành đã chấp nhận điều kiện trái tự nhiên là làm chồng heo rừng để cho chúng khỏi phá nương rẫy buôn làng. Bao tình tiết xảy ra giữa người già làng, heo rừng, người vợ và các đứa con với đầy đủ các cung bậc hỉ nộ ái ố. Người cha gặp lại những đứa con với heo rừng trước kia và được đối xử tử tế mặc dầu trước đây vì nghe theo lời xúi giục thâm ác của vợ đã tìm cách bỏ con. Chuyện thể hiện cái nhân nghĩa thắng bạo ác, tình người thắng lòng đố kỵ, tình cảm của con cái đối với cha…Địa danh Cà Dăm chỉ được đề cập đên một lần duy nhất trong chuyện, khi nói về người cha đào giếng bỏ những đứa con xuống. Địa điểm đó được người Châu Ro cho là cánh đồng Cà Dăm với dấu tích của cái miệng giếng vẫn còn.

Trong chuyện kể người Mạ có 2 bản nói về địa danh hiện nay còn hiện hữu. Một là “ sự tích Đá Bàn “ và “ Sự tích Thác Bến Cự ”. Địa điểm Đá Bàn hiện nay nằm trong địa phận của Lâm trường Tân Phú. Nơi đây còn những hòn đá nằm rải rác trên bờ của một con suối. Trên những hòn đá có in những vết tích của bàn tay khổng lồ – gắn liền với chuyện tích về một buổi chiều tối khi dân làng đang chia thịt thú rừng. Bỗng nhiên trời sụp tối và trời như sập đè lên mặt đất. Trong con nguy khốn đó, người khổng lồ K’-Yút đã ra tay chống đỡ để trời đất không nhập làm một. Vì đứng chống đỡ lâu và tay của người khổng lồ in vào những hòn đá còn lưu vết tích cho đến ngày nay.

Địa điểm thác Bến Cự nay trong địa phận của vườn quốc gia Cát Tiên. Chuyện kể về sự tích của ngọn thác này gắn liền với tình yêu giữa chàng K’Du và nàng Ka Mài – giữa một bên là con người trần và một bên là của thế giới thần tiên hết sức lãng mạn và cảm động. Vì phạm vào luật tiên giới nên nàng Ka Mài bị bắt giam trên trời. Qua bao thử thách và sự hy sinh, cuối cùng tình yêu đã giúp họ đến với nhau dù rằng khi đó họ không còn sống bên nhau. Những kỷ niệm về tình yêu của con người và thần tiên gắn liền với từng cảnh vật mà người Châu Mạ kể làm cho cảnh đẹp đia danh này càng thú vị.

3. Phản ánh phong tục, tập quán

Nội dung chuyện kể của người Châu Ro, Châu Mạ đề cập đến phong tục tập quán, những điều kiêng kỵ trong cộng đồng khá nhiều. Thường, chuyện lý giải thông qua một chuyện kể cụ thể đã xảy ra. Trong chuyện kể, có những nội dung bắt nguồn từ thực tế của cuộc sống cũng như có những chuyện kể có những chi tiết hoang đường“, “ khác lạ ” với cuộc sống. Thế nhưng, từ những cốt chuyện ấy, người Châu Ro, Châu Mạ thể hiện cái nhìn của mình với những điều sự vật, hiện tượng tồn tại trong cộng đồng. Họ tìm ra những “ nguyên nhân “ để tránh cái họa cho bản thân, cho cộng đồng hoặc thể hiện cái nghĩa, cái tâm của con người đối với tự nhiên.

Trong chuyện kể “ Kiêng ăn thịt heo ”, cho thấy người Châu Ro không ăn thịt heo bởi vì cái ơn mà con heo đã giúp người. Câu chuyện mang chi tiết “khác lạ” như: heo chăm sóc như một người mẹ đối với hai đứa trẻ mồ côi mẹ, hằng ngày cho trẻ bú cho đến khi lớn. Vì nhớ cái ơn ấy mà người cha đã dặn truyền cho con cái, dòng họ không ăn thịt heo. Câu chuyện chỉ xảy ra trong một gia đình và có thể, sự kiêng kỵ này không phổ biến trong cộng đồng. Bởi vì qua thực tế điền dã, trong cộng đồng người Châu Ro hiện nay không có giữ sự kiêng kỵ nầy.

Chuyện “ Mẹ nhau thần chết “ thì cho biết tại sao người Châu Ro hay ăn thịt chim bìm bịp. Nội dung chuyện giải thích thông qua cái chết của nhiều đứa con trong một gia đình. Những đứa con của họ hay bị thần nhau bắt đi (chết). Người cha trong một lần tình cờ nghe lời Mẹ nhau nói mà họ biết được cách để cho con mình khỏi chết. Cách đó là cứ “ ăn thịt chim bìm bịp “ và họ đã thực hiện, đứa con trai sống mà không bị bắt đi. Vì thế, thịt chim bìm bịp trở thành như “ vật linh ” mà thần chết không dám động vào. Không chỉ cho trẻ em ăn thịt chim bìm bịp mà người ChâuRo còn lấy xương của chúng làm xâu chuổi như một thứ “ bùa thiêng ” treo ở cổ trẻ em.

Người Châu Ro khi làm gì hoặc đi đâu không dám hẹn nhau trước với người khác. Chuyện kể “ Không hẹn trước “ cho biết bắt đầu từ những hậu quả khôn lường của một số người khi hẹn vào rừng với nhau. Lời hẹn của những người cùng đi, làm gì với nhau bị ác quỷ (đười ươi) biết được và nó giả dạng người được hẹn, ăn thịt họ. Sau khi cố công theo dõi và phát hiện được, họ đã giết được con đười ươi ăn thịt người. Từ đó, người Châu Ro thường kiêng kỵ hẹn với ai trước khi vào rừng hoặc đi xa.

Chuyện “ Người hóa voi ” với nhiều chi tiết “ hóa thú “ của hai cha con trong lúc đi săn trong rừng. Bởi đói bụng nên họ đã ăn thịt con càng tôm nấu chung với thịt kỳ đà. Khi ăn xong, thân hình họ hóa thú khác thường, Họ cho rằng thần rừng – Yang Bri trừng phạt. Người cha bèn sai con trở về nhà báo với người thân và đem những vật dụng như chày giã gạo, nia, chà gạt để biến thành con voi. Chuyện cũng không lý giải vì sao khi con người ăn thịt con càng tôm nấu chung với thịt kỳ đà sẽ bị hóa thú nhưng trước hậu quả mà hai cha con người thợ săn như vậy đã khiến cho cộng đồng người Châu Ro kiêng kỵ nó.

Về vật nuôi, người Châu Ro kiêng kỵ nuôi con gà trắng. Lý giải điều này, người Châu Ro cho rằng con vật này là điềm không may trong gia đình. Nó chỉ dùng trong những việc thề độc khi con người nghi kỵ lẫn nhau. Vì vậy, con gà trắng trở thành vật linh trong lễ cúng. Tư liệu điền dã tại vùng Lý Lịch cho biết, đã có một gia đình người Châu Ro bị chết do thề độc (Chuyện Con gà trắng).

Người Châu Mạ có những tập quán được nhắc đến trong chuyện kể cũng khá nhiều. Khi làm rẫy, người Châu Mạ thường hay chặt những thân cây chuối bỏ xung quanh bởi vì loài chuột khi thấy rất sợ. Nguyên do được giải thích là trước đây con người và chuột đã từng có trường hợp sống chung thành vợ chồng. Con người đã lấy thân cây chuối làm hòm cho chuột khi chúng chết (Loài chuột).

Một trong những tập quán trong hôn nhân mà chúng ta dễ dàng nhận thấy qua nội dung thể hiện trong các câu chuyện kể. Những nghi thức cho ngày hỏi vợ, cưới vợ và những lễ vật…trong chuyện kể K’Yai và K’Yọt thể hiện khá rõ nét. Còn về phong tục ở rễ thì dẫu phía người con trai chủ động (kể cả dạng thần linh sắp đặt hay ác quỷ giang bẫy) thì khi thành vợ thành chồng thì chàng trai phải ở lại bên nhà vợ. Một thời gian khá dài thì người con trai mới đưa vợ về ra mắt bên nhà cha mẹ ruột. Chỉ có 1 văn bản chuyện kể về Người cùi thì không ở rễ do quy định bắt buộc của cộng đồng: người cùi và gia đình họ phải sống xa cách biệt dân làng.

Lễ hội, đình đám thường diễn ra trong cộng đồng cư dân Châu Ro, Châu Mạ – đặc biệt là người Châu Mạ. Khi làm rẫy, tổ chức đám cưới, mừng ngày hội ngộ, ngày chiến thắng quân thù hay giết được ác thú…thì người Châu Ro, Châu Mạ thường tổ chức những lễ hội khá linh đình và cộng đồng tham dự rất đông đảo.

Trong số những chuyện kể Châu Ro, Châu Mạ thu thập được, chúng tôi xin nêu một vài lễ hội được đề cập. Những lễ hội này được miêu tả khá linh đình, kéo dài trong nhiều ngày; thường giới hạn trong thời gian là 3 hay 7 ngày: lễ ăn mừng (Sự tích miễu Ông chồn, K’Đòng giao chiến cùng trâu nước…), lễ ban thưởng (Thằng mồ côi); lễ trả của, tạ ơn cha mẹ (Chàng cùi); lễ cúng thần cây đa (Ka Mài ngủ với rắn); lễ cúng thần sông (K’Dòng và Nar Woài, K’Rung đi buôn bán) ; lễ cúng chữa bệnh và trừ ma quỷ (K’Rung và K’Rìng); lễ hỏi, lễ cưới vợ (K’Yai và K’Yọt)…

4. Về các mối quan hệ

Hầu hết các chuyện kể Châu Ro, Châu Mạ đều phản ánh những mối liên hệ đa dạng với nhau. Mối quan hệ giữa tự nhiên và xã hội, giữa con người với thiên nhiên, giữa con người với con người…với những thang bậc, sắc thái phong phú.

Mối quan hệ tộc người, cộng đồng

Chuyện kể Châu Ro, Châu Mạ không chỉ đề cập riêng cộng đồng họ mà còn đề cập đến tộc người khác. Đó là mối liên hệ của tộc người, của quá trình giao lưu nhiều mặt trong tiến trình phát triển của xã hội loài người nói chung. Chuyện “ Vì sao người Châu Ro không có chữ viết ” đã đề cập đến tộc người Kinh “ Thời xa xưa người Châu Ro cũng có chữ viết như người Kinh, cùng học một thầy với người Kinh “ và lý giải những đặc điểm tộc người như màu da tại sao khác nhau. Chuyện “ Mụ chằn tinh và cây gậy thần “ nhắc đến “ Vua xứ Kinh “ trong đợt tuyển cung phi. Một số chuyện khác như “ Chàng Lác ”, “ Tráng sĩ diệt cọp tinh “, “ Nàng tiên mèo “…nói đến những buôn làng của các tộc người khác nhau. Trong từng tình tiết cụ thể của mỗi chuyện mà có những sự liên hệ qua lại giữa các tộc người của địa bàn cư trú khác nhau. Đó chính là sự phản ánh những mối liên hệ rộng trong cộng đồng tộc người. Nhiều chuyện kể như Những người con của chó, Cánh đồng Cà Dăm, Chàng con trai chim chích, Hai anh em…cho thấy những cộng đồng cùng huyết thống cũng hoà nhập trong một điều kiện cụ thể với những lý do khác nhau nhưng tựu chung trước những nguyên nhân đói kém, hạn hán, bệnh dịch. Những buôn làng này hợp sức lại, nương tựa vào nhau để sinh tồn.

Những mối quan hệ giai tầng trong cộng đồng người Châu Ro, Châu Mạ được thể hiện qua nhiều chuyện như: Chàng Lác, Thằng mồ côi, Sự tích miễu Ông chồn, Chàng SangBri, Cánh đồng Cà Dăm, Sự tích Sông Rây, Cây nấm, Kẻ mồ côi sống với trái gùi, Con chim màu hồng..…Những mối quan hệ cho thấy xã hội người Châu Ro, Châu Mạ có sự phân hóa: già làng và dân chúng; người giàu (chúa đất) và người nghèo, vua và dân chúng. Sự quan hệ giữa cộng đồng vơi nhau ràng buộc bởi người Già làng – đó là hình thức quản lý cao nhất thời xưa của họ. Những đơn vị gia đình tập trung trong từng buôn làng. Mối quan hệ cộng đồng thể hiện sự đoàn kết như cùng tổ chức lễ hội, cùng tham gia những trận chiến chống thế lực ma quỷ, thiên tai, địch hoạ (K’Đòng giao chiến cùng trâu nước, Người con trai chim chích, Trăn tiên, Quỷ giả gạo làm men…).

Đặc biệt, trong chuyện kể Châu Mạ, chúng ta thấy nhiều chi tiết trong mối quan hệ giữa tộc người Châu Mạ và người Chăm (người Châu Mạ gọi là Prum). Những chuyện kể như Sự tích Thác Bến Cự, Chàng trai chim chích, Con lươn thần, Chàng K’Rung đi buôn…có những chi tiết về chiến tranh xảy ra giữa hai cộng đồng. Sự thật lịch sử có những cuộc giao tranh giữa người Mạ và người Chăm. Nguyên nhân của các cuộc xung đột dẫn đến chiến tranh trong chuyện kể chỉ đề cập đến vấn đề tranh nhau nguồn nước của con sông. Bên cạnh những chuyện kể khác không nhắc đến tên các tộc người giao tranh nhưng cũng đề cập đến việc tranh chấp này. Có thể, tộc người Châu Mạ vùng thượng nguôn sông Đồng Nai không và các tộc người sinh sống miệt hạ đã xảy ra nhiều cuộc tranh chiến thời cổ. Sự xâm lấn lãnh thổ cư trú và nguồn nước sống là một trong những nguyên nhân chính của các cộng đồng tộc người. Một số truyền tích cho rằng nó chỉ xảy ra dưới khu vực sông DaRnga (tức La Ngà) – đây dược xem là ranh giới phân định. Còn chuyện kể về Thác Bến cự cho thấy người Chăm đã vượt qua ranh giới của sông La Ngà. Vùng thác Bến Cự được xem là trận địa mà người Mạ luôn đánh thắng người Chăm và từ đó người Chăm không xâm lấn người Mạ. Những chi tiết của các chuyện kể đã đóng góp những tư liệu cho việc nghiên cứu của lịch sử cộng đồng các tộc người này trong mối quan hệ trên địa bàn Đông Nam Bộ.

Mối quan hệ thành viên cá nhân, gia đình

Nhiều chuyện kể Châu Ro, Châu Mạ đề cập mối quan hệ các thành viên trong gia đình như giữa vợ với chồng, giữa cha với con, giữa anh với em, cháu với bà…với nhiều cách đối xử khác nhau. Có những mối quan hệ nảy nở những tình cảm tốt đẹp nhưng cũng có những mối quan hệ xấu, thậm chí có một quá trình dài để hình thành, nảy sinh thể hiện các sắc thái tình cảm khác nhau.

Chuyện kể Châu Ro, Châu Mạ cho thấy sự đa dạng trong quan hệ vợ chồng. Sự kết hợp vợ chồng giữa thành viên là con người với con người hay với các thần linh tạo nên những sắc thái tình cảm đa dạng và những kết cuộc không hoàn toàn giống nhau. Có những mối quan hệ vợ chồng bền vững nhưng cũng có những mối quan hệ đi đến sự tan với sự thay đổi bởi cách sống của nhân vật chính.

Những mối quan hệ bền vững thể hiện những tình cảm chân thật, tình yêu chung thuỷ thể hiện trong những chuyện kể sau: chàng K’Du với nàng tiên nữ Ka Mài (Sự tích Thác Bến cự), cô gái và người chồng mang lốt sâu (Chàng con sâu), cô gái và người chồng mang lốt con sóc (Con sóc bông), cô gái và người chồng mang lốt gà (Chàng gà, Thần gà), cô gái và người chồng mang lốt chồn (Sự tích miễu Ông chồn, Quỷ Nai và chàng chồn, Yêu quái và cây thần), cô gái và người chồng mang lốt trăn (Trăn tiên, KaNga xúc trăn KaDê xúc cá), chàng trai và người vợ mang lốt vượn (K’Yung và K’Yài)…Họ sống với nhau hạnh phúc trong cuộc sống trên trần thế và phải trải qua nhiều lúc trong hoàn cảnh cay đắng, buồn tủi. Cũng có những nhân vật trong mối quan hệ vợ chồng với nhau phải hy sinh bởi chính sự nghi kỵ, ganh ghét, sát hại của người đời song những kết cuộc là họ đều gặp nhau và sống bên nhau trong một thế giới khác. Chúng ta không nói đên những cách thức quyên sinh như: dìm mình trong sông sâu hay nhảy vào trong đống lửa tự thiêu – một mô típ hay xuất hiện trong chuyện trong hoàn cảnh một trong hai người vì lý do nào đó chết đi trong chuyện kể mà xét đến yếu tố quan hệ với kết cuộc tốt đẹp, thể hiện khát vọng trong tình yêu theo quan niệm, cách suy nghĩ của cộng đồng tộc người Châu Ro, Châu Mạ.

Bên cạnh đó, có những quan hệ vợ chồng không dẫn đến yếu tố hạnh phúc bền vững. Những nhân vật chính được đề cập trong những chuyện kể về trường hợp này cũng khá nhiều như: Nàng KaBềng và KaGlòng với người chồng là người cùi (Người cùi) sống với nhau hạnh phúc nhưng từ khi chàng rể lạon luân với mẹ vợ thì hai người vợ dùng phép thần để lên trời sống. Từ đó người vợ mất chồng, con cái mồ côi sống giữa thế gian với bao gian truân và người chồng và bà mẹ vợ bị trừng phạt chết cháy trong lửa. Hay trong chuyện Cây Nấm nói về chàng trai và hai người vợ là chị em cô gái nghèo ban đầu sống hạnh phúc nhưng người chồng sau này bạc tình nên rốt cuộc gia đình tan vỡ. Người chồng bị trừng phạt hoá thân thành cây nấm sống trong rừng sâu...

Trong quan hệ anh em thì chuyện kể Châu Ro, Châu Mạ thể hiện nhiều hoàn cảnh, trường hợp mà kết cuộc khác nhau. Tình anh em thắm thiết, sống chết có nhau được thể hiện trong một số chuyện kể: Nhân vật Điểu Phương đi tìm mọi cách để cứu em gái mình thoát khỏi bị ác thú làm hại (Tráng sĩ diệt cọp tinh); chuyện về K’Đòng và bốn người em là một trong những chuyện khá cảm động: K’Đòng và người em gái nhờ sự giúp đỡ của loài thú và thần linh để cứu các em trai mình khi họ bị ác quỷ giết hại (K’Đòng giao chiến cùng trâu nước); người anh trai chờ đợi thời cơ giết ma lai để trả thù cho em gái (Quỷ giả gạo làm men). Nhân vật K’Tồ với anh trai mình trải qua những ngày tháng mồ côi khốn khó vẫn nương tựa bên nhau để mà sống. Sau này khi lập làng mới vẫn nhớ về người anh trai K’Tà mà tìm cách đưa anh mình lên để sống chung mặc dầu người anh trai đã từng bạc đãi mình (Kẻ mồ côi sống với trái gùi). Trong chuyện K’Yung và K’Yài thì người em K’Yài khi gặp lại được vợ, sống cuộc sống sung sướng vẫn mời người anh mình lên chung sống dầu trước đây người anh đã tìm cách giết mình.

Trong quan hệ anh em, chúng ta thường thấy lúc ban đầu họ sống với nhau rất tốt, giúp đỡ nhau, nương tựa nhau để sinh tồmn trong những điều kiện sống khắc nghiệt. Và không ít người anh trong hoàn cảnh sống khác trước đã trở nên một con người khác, bạc tình, bạc nghĩa đối với những người thân. Trong khi đó, bất kỳ trong hoàn cảnh nào người em cũng dành cho người anh những tình cảm chân thành. Vì vậy, kết cuộc chuyện dường như bao giờ những sự ban thưởng cũng dành cho nhân vật là người em và sự trừng phạt cho những người anh cố công làm hại em trai mình. Hai trong những kết cuộc đau lòng là người anh trai phải chết trong mưu mô của mình khi sắp đặt những cái bẫy chết người để hại em được nhắc đến trong chuyện Kẻ mồ côi sống với trái gùi và Hai anh em.

Mối quan hệ cha – con, mẹ – con, bà - cháu trong chuyện kể Châu Ro, Châu Mạ biểu đạt tình cảm qua với nhiều cung bậc. Hầu hết, các giềng mối này được được duy trì tốt, có tính chất bền vững trong xã hội của cộng đồng. Thường người cha, người mẹ đều có trách nhiệm với con cái và ngược lại. Thế nhưng, một số trường hợp xảy ra với những tình tiết chuyện khá đặc biệt. Đó là người cha đem con mình bỏ rơi vào một vùng đất xa lạ, như vậy người con trở thành mồ côi. Người cha trở thành người thiếu trách nhiệm (Đứa con trai bị bỏ rơi ở cù lao biển) hay người vợ vì xấu hổ bỏ chạy vào rừng sinh con thì người cha cũng không còn trách nhiệm với đứa con gái. Chỉ sau này, khi nhận thấy được nơi ở của vợ con, trách nhiệm của mình, người cha đã tìm đến, đem vợ con về nhà sinh sống. Đó là trường hợp xảy ra với đứa con của nàng Ka Mài trong chuyện Ka Mài ngủ với rắn. Khi xem xét về mối quan hệ trên, cần quan tâm đến những nguyên nhân xảy đến được đặt trong từng hoàn cảnh cụ thể của nhân vật.

Nổi bật lên trong mối quan hệ gia đình là mối quan hệ giữa mẹ và con hay bà với cháu. Trọng trách của người phụ nữ đối vơí con cái dường như lớn hơn so với người cha. Điều này quy định bởi xã hội mà chế độ mẫu hệ được xác lập. Người mẹ, người bà nuôi dưỡng con cái. Nội dung của nhiều chuyện kể cho thấy tình cảm của người mẹ, người bà danh cho con, cháu rất cảm động. Dẫu trong bất cứ hoàn cảnh nào, họ vẫn luôn dành cho con, cháu những tình cảm khắng khít. Nhân vật hai người mẹ trong chuyện Chàng cùi và Cây nấm có thể nói là tiêu biểu cho tình cảm của mối quan hệ mẹ – con trong số những chuện kể Châu Ro, Châu Mạ. Người cha bỏ rơi con thì người mẹ càng nuôi con cái và tranh đấu cho chúng những quyền mà con cái cần được. Hai người mẹ trong chuyện Chàng cùi dầu lên trời sinh sống trong khi con mình bị phạt ở lại trần gian vẫn hằng ngày lo lắng, chuẩn bị chu tất cho cuộc sống của hai người con. Trong chuyện Cây nấm, vì muốn con có người cha đích thực mà hai người mẹ chấp nhận mọi thử thách vượt quá sức chịu đựng của bản thân để cho con được nhận cha. Và kết quả của tình yêu người mẹ cảm động thần linh giúp đỡ cho những người phụ nữ thân phận bị bỏ rơi được hưởng sự công bằng.

Thế nhưng, trong mối quan hệ giữa cha mẹ, con cái vẫn con nhiều điều không được trọn vẹn khi mà người lớn vì tính tham lam hay quyền lợi riêng của mình đã vô tình hay cố ý làm tổn hại đến con cái. Hầu hết, trong những chuyện mà thần linh hoá lốt thú kết hợp với con gái loài người (Chàng con sâu, Thần gà, Chàng gà, Trăn tiên…) có không ít những người cha, người mẹ vì lo cho con cái đã phá vỡ hạnh phúc của chúng. Con cái của họ bị chồng và cuối cùng họ mất con, thậm chí bị trừng phạt của thần linh. Chính những nội dung chuyện đa dạng với bao tình tiết lý thú đó làm cho chuyện kể của người Châu Ro, Châu Mạ phản ánh được những đặc điểm xã hội của tộc người.

5. Vấn đề thần linh – ma quỷ – ác thú và hình thức đội lốt

Qua tư liệu điền dã dân tộc học, chúng ta biết được hệ thống thần linh trong đời sống của các cư dân thiểu số miền núi nói chung, cư dân Châu Ro, Châu Mạ ở Đồng Nai nói riêng rất phong phú. Người Châu Ro, Châu Mạ trước đây với tín ngưỡng “ Vạn vật hữu linh ” nên những hiện tượng thiên nhiên, sự vật trong môi trường sống của họ đều được họ quan niệm đều có linh hồn, có thần linh. Tất cả những điều đó thuộc về một thế giới siêu hình, thế giới siêu hình đó là nơi tồn tại, ngự trị của các thần linh (đại diện cho cái thiện) và có cả ma quỷ (đại diện cho cái ác), có khả năng chi phối đến đời sống con người. Đây là quan niệm chung của các tộc người trên thế giới trong thời kỳ cuộc sống nguyên thuỷ với trình độ nhận thức chưa phát triển và hiện nay vẫn còn tồn tại.

Trong chuyện kể của người Châu Ro, Châu Mạ thì hệ thống thần linh và ma quỷ được nhắc đến với một số lượng đáng kể. Thần linh thì thường hay giúp đỡ, ban phước cho con người, còn ác quỷ thì phá hoại cuộc sống của họ. Thế nhưng giữa người và thế giới thần linh đó cũng bao phen gây nên nhiều cảnh đau thuơng, biệt ly do những quan niệm khác nhau, bởi những luật định, giới cấm và cả những điều nghi kỵ.

Người Châu Ro gọi thần linh là Yang (Nhang) – có nghĩa là thần linh. Thần linh có sức mạnh rất lớn và có quyền điều khiển thế giới mà họ đang sống. Chuyện “ Vì sao chim cút sống ở bờ bụi “ thì Yang sai khiến muôn loài ” trồng cây rừng cho đông, đào cho suối thêm nhiều nướ“. Chuyện “ Những người ăn mây trời “ đề cập những người khổng lồ ăn mây trời cho trời sáng bắt đầu một ngày mới. Người khổng lồ cũng là một trong những những thần linh. Trong chuyện “ Người hoá voi “, Những người con của chó “, “ Tráng sĩ diệt cọp tinh “, “ Nàng tiên mèo “, “ Chàng Sang Bri “ thì nhắc đến YangBri – tức thần rừng. YangBri tuỳ theo hoàn cảnh, hành động của con người mà giúp đỡ hay quở phạt họ. YangBri là một trong ba loại thần linh mà người Châu Ro tổ chức cúng lễ trong năm bởi môi trường sống của cộng đồng gắn liền với rừng núi.

Thần linh trong chuyện kể người Châu Ro trong lốt của nhiều dạng như: ông già, cô gái (Nàng tiên mèo), ông Tiên (Thằng mồ côi) hay chàng trai – con chồn (Sự tích Miễu Ông chồn).

Trong chuyện kể của người Châu Mạ thì thần linh xuất hiện khá nhiều trong nhiều dạng lốt khác nhau. Hệ thống thần linh của người Châu Mạ có nhiều lớp: thần linh sáng tạo thế giới, thần linh của các loài. Thần linh thì có nhiều quyền phép, tài thuật để giúp đỡ con người vượt qua những khó khăn, đánh lại quỷ dữ đồng thời cũng trừng phạt họ nếu như họ bất kính, vi phạm điều cấm, giới luật.

Về lớp thần sáng tạo trong chuyện kể đề cập thần K’Boong, thần N’Duu, Duk Yang Kòi - thần lúa (Buổi đầu khai thiên lập địa); thần K’Boong (Sự tích Cà Răng); thần Readon con của thần Mặt trời (Chuyện về Lửa). Bên cạnh đó, xuất hiện con của thần linh, tổ tiên, hay thần các loài vật như: Doot, Doi, Ka Yếc con thần K’Boong; tổ Paang Kkha và tổ Paang Khem, Biit và Riing hay người khổng lồ I – út; các linh vật thần như rắn Nak Grai, chim Siim Têk, Siim Tiik…

Hệ thống thần linh giúp đỡ cho con người trong chuyện kể Châu Mạ mang nhiều lốt khá độc đáo và trong những tình tiết chuyện khá thú vị.

- Chuyện “ K’Đòng giao chiến cùng trâu nước ” nhắc đến thần sấm sét và con gái của thần và củ ngãi thần. Trong khi thần sấm sét tấn công chàng K’Đòng thì con gái của người (cũng là thần linh) giúp đỡ đối thủ của cha mình. Trong nhiều cuộc đấu tài thì cuối cùng chàng K’Đòng đều chiến thắng. Do thần sấm sét hiểu lầm nên cuối cùng chàng K’Đòng được minh oan và được vị thần gả con gái cho. Trong nhiều chuyện kể Châu Mạ ta thấy sự xuất hiện của thần Nước khá nhiều.

- Chuyện “ Cậu K’Rung đi buôn bán “ hay “ ” nói đến thần Nước - thần sông giúp đỡ chàng K’Rung được gặp lại vợ mình. Vợ chàng K’Rung bị hại chết và cuối cùng nhờ thần nước cứu, giữ xác cho đến khi chàng đến cứu, báo thù những kẻ độc ác.

- Chuyện “ Hai anh em K’Dòng và K’Sách ” thì thần nước khuyên bảo chàng K’Dòng nên làm những việc thiện, siêng năng giúp đỡ gia đình, không nên tự huỷ cuộc đời mình.

- Chuyện “ Vợ chồng KaĐìng Kòn Vìng…đánh trận với quỷ “ thì cho thấy yếu tố thần rừng giúp cho nhân vật chính của câu chuyện và dân làng đánh thắng quỷ dữ, cứu vợ và dân làng thoát khỏi những trận quỷ dữ tàn phá.

- Chuyện “ Nàng gà lôi ” thì xuất hiện thần Mặt trời, thần Núi giúp đỡ cho chàng mồ côi.

- Chuyện “ Cây nấm ” thì xuất hiện nhện thần, ông trời giúp chị em nàng Ka Vách, Ka Nar…

- Chuyện “ Ka Sệt ngủ với rắn “ xuất hiện thần cây đa giúp cho nàng Ka Sệt trong những ngày sống ở rừng và giúp cho gia đình họ sau những ngày bị chia cách được đoàn tụ.

Thần linh thường dùng lốt để đến với con người mà một trong những lốt được sử dụng là các loài thú. Yếu tố mang lốt loài thú với nhiều tình tiết hoá thân rất độc đáo. Đây là mô típ được thường thấy trong nhiều chuyện:

- Thần sâu – chàng trai (Chuyện con sâu) đã yêu cô gái út của một gia đình. Thế nhưng, cuối cùng thần con sâu đã bị chính người chàng vợ lừa vào bẫy giết chết.

- Trăn thần – chàng trai (KaNga xúc trăn, KaDê xúc cá) đã yêu cô gái là đứa em trong một gia đình. Trăn thần dùng tài phép của mình giúp đỡ cho cha mẹ, anh em và buôn làng và sống hạnh phúc.

- Trăn thần – chàng trai (Trăn thần) có thể xem như một dị bản của chuyện (KaNga xúc trăn, KaDê xúc cá): con trăn thần yêu người con gái út trong gia đình có bảy chị em. Người em chấp nhận mọi sự để yêu chàng trăn mặc bao lời khỉnh bỉ của người thân, dân làng. Người vợ của trăn thần đem lốt áo của chồng đốt đi như hoá giải cho kiếp thù trăn và làm cho người chồng thành con người mãi mãi. Họ sống hạnh phúc và giúp đỡ nhiều việc cho dân làng bằng tài phép của chàng trăn.

- Thần linh mang lốt con lươn trong chuyện “ Con lươn thần ” đã giúp đỡ chàng trai mồ côi có nhiều của cải khi dùng phép thuật để lấy của cải người Prum (Chăm).

- Thần linh mang lốt vượn / lốt người trong chuyện “ K’Yung và K’Yài“ sống với người con trai K’Yài. Người chồng K’Yài vì vi phạm vào điều kiêng kỵ nên người vợ hoàn lốt vượn bỏ đi. Chàng K’Yài trở nên điên khùng và bị người anh tìm cách giết hại. Khi ấy, vượn tiên xuất hiện và cứu chồng. Hai người sống với nhau hạnh phúc và cứu dân làng cũ thoát khỏi nạn đói kém.

- Chim thần màu hồng – cô gái (Con chim màu hồng) đã yêu chàng trai bất chấp nguy hiểm tìm đến với mình là chàng K’Pong. Thế nhưng, do chàng K’Pong do dự nên cô gái Ka Piêng đã hoá thành chim, sau đó hoá thành người để yêu người em trai của người yêu mình. Hoàn cảnh trớ trêu ngày hội tụ gia đình cũng là bước ngoặc cho sự tan vỡ những mối quan hệ trước đây. Nàng Ka Piêng và chàng K’Pong tìm đến cái chết để hoá giải cho những trắc trở duyên phận. Nàng Ka Piêng lại hoá thân thành chim màu hồng, một loài chim được người Châu Mạ xem là biểu tượng của cái đẹp.

- Chim bồ câu - cô gái (K’Sệt chọn bạn chim bồ câu) vì thương cảnh mồ côi của hai anh em trai K’Sệt nên đã giúp đỡ họ. Sau những ngày sống bên nhau, chim bồ câu thử tài hai anh em mồ côi và cuối cùng chọn người em làm chồng. Thế nhưng, vì mang lốt chim bay đi bay về nên chim đã bị người thợ săn bắn chết.

- Con chồn - chàng trai (Quỷ Nai và chàng trai chồn) giúp đỡ cô gái bị quỷ dữ bắt và từ đó nên vợ nên chồng. Qua bao hiểm nguy, họ sống với nhau hạnh phúc. Thế nhưng, do sự ganh ghét, thanh niên của buôn làng đã phục tâm giết chàng trong đống lửa của đêm lễ hội. Vì đau xót và thương chồng nên cô gái cũng tìm đến cái chết bằng cách tự thiêu trong đống lửa. Trong dị bản khác (Yêu quái và cây thần) thì tình tiết chàng chồn bị mẹ vợ giết và cô gái bị bệnh chết. Hai người gặp nhau và trở về bên cây thần linh đã giúp họ tránh nạn quỷ dữ trước đây sống vơi nhau.

- Con gà - chàng trai (Chàng gà) đem lòng thương mến hai chị em của một gia đình. Vì mang trong mình lốt thú nên cha mẹ cô gái nghĩ rằng ác quỷ đội lốt nên không đồng ý. Vì thế, người cha tìm cách lừa và giết đi chàng gà khi anh ta mang lốt gà đến thăm nhà. Người chị nhớ thương chàng gà và quyên mình dưới dòng suối sâu. Một dị bản khác “ Thần gà ” có nội dung gần như nhau nhưng có một số tình tiết khác: Người chị ăn thịt chồng mà không biết do người cha độc ác giết chàng gà đem nấu cháo. Người vợ chàng gà tìm đến cái chết trong đống lửa. Sau đó, hai người gặp lại nhau trong thế giới của thần tiên, sống bên nhau.

- Con gà lôi - cô gái (Nàng gà lôi) là thần Núi mang lốt con gà lôi và hiện hình thành một cô gái xinh đẹp đến giúp đỡ chàng K’Kơ mồ côi đang buồn chán đi tìm cái chết. Qua thời gian giúp đỡ chàng trai, nàng gà lôi thần đã đem lòng yêu chàng trai và họ trở thành vợ chồng. Do chàng trai K’Kơ vi phạm vào điều hứa nên nàng gà lôi đã hoá kiếp gà về rừng. Thế nhưng trước tình yêu tha thiết và nỗi lòng hối hận của chàng trai mà thần Mặt trời cho họ được tái ngộ để sống cuộc đời hạnh phúc.

- Ngà voi - cô gái (Kẻ mồ côi sống với trái gùi) trong thân phận sống trong chiếc ngà voi đã giúp đỡ cho chàng trai mồ côi K’Tồ. Trải qua bao thử thách, nghèo khổ, gian nan họ trở thành vợ chồng và sống với nhau, làm chủ một vùng đất rộng lớn. Dù vợ chồng người anh trai ghen ghét, tìm cách giất hại nhưng cuối cùng họ vẫn chiến thắng bằng tình nhân ái.

- Tiên nữ – cô gái với tên Ka Mài (Sự tích thác Bến Cự) là tiên nữ bỏ thượng giới để yêu con trai loài người. Họ đã có những thời gian sống với nhau hạnh phúc nhưng không trọn vẹn. Vì phạm vào luật trời nên nàng tiên nữ Ka Mài bị bắt về trời. Chàng trai con loài người là K’Du nhớ thương vợ đến chết. Trên thượng giới, nàng tiên nữ thấy cảnh xót thương và xin chết để hoá kiêp làm loài hoa để vợ chồng được bên nhau.

 - Chim sơn ca – nàng Ka Diên (Hai anh em K’Dong và K’Sách) kể về Chàng K’Dong vốn là một người làm biếng nhưng khi nghe theo tiếng gọi của tình yêu, chàng quyết tâm bằng mọi cách vượt qua gian khổ để tìm người vợ mà mình mong muốn. Người vợ là Ka Diên vì sợ người chồng mình bỏ rơi đã nguyện chết (hay có thể nói là tiên cảm) mình sẽ hoá thành chim sơn ca. Và nàng Ka Diên bị người khác hại chết biến thành chim để nhắc chồng nhớ về tình yêu giữa hai người. Người chồng là K'Dong sau những chặng đường bôn ba, vô tình quên người vợ của mình thì đến lúc cuối đời tỉnh ngộ ra. Chàng K’Dong thức tỉnh và nguyện khi chết sẽ hoá thành một loài cây giúp ích cho đời như là một sự chuộc lỗi.

- Con của Trời - chàng trai (Người con chim chích) trong hình dạng nhỏ nhoi như chim chích nhưng đã tìm đường lên trời. Chàng trai hoá thân phận khác và học hỏi nhiều phép thuật nơi thượng giới đem lại cuộc sống ấm no, bình yên cho dân làng.

- Thần cây chuối – bà lão già trong chuyện “ Cây chuối thần “ đã giúp cho chàng trai nghèo khó qua những thủ thách đồng thời trừng phạt con người tham lam, không giữ lời hứa.

- Thần Núi – chủ vườn tốt bụng trong chuyện “ Chàng trai mồ côi ” đã giúp cho hai anh em mồ côi thoát khỏi sự ghen ghét, độc ác của người thím, cho họ, giúp họ thoát khỏi cảnh đói nghèo và lập làng mới cho dân làng.

Bên cạnh sự xuất hiện để trực tiếp giúp đỡ con người thì thần linh cũng ban phát cho con người những vật linh để họ biết dùng để đối phó khi gặp hiểm nguy như: gươm thần, phép thuật, cách làm cho ra những luồng khói, làm những con vật khổng lo…hay cho xuất hiện những con vật thần như chim bồ câu, cóc, cây cối, trăn, chồn, nhím, rùa… được đề cập trong rất nhiều chuyện kể của cả người Châu Ro, Châu Mạ.

Sự xuất hiện của ác quỷ, ác thú cũng khá nhiều trong chuyện kể Châu Ro, Châu Mạ. Ác quỷ cũng xuất hiện bất ngờ, cũng đội lốt nhiều thứ và tinh ranh, ma quái luôn tìm cách hại con người. Hình thức đội lốt, hoá thân của ma quỷ xuất hiện trong một số chuyện sau:

Chuyện kể Châu Ro:

- Thần chết - “mẹ nhau” trong chuyện “ Mẹ nhau thần chết ” lừa phỉnh con người để cho trẻ em không ăn thịt chim bìm bịp để chúng có thể hại ăn thịt. Ác quỷ là con cọp - cô gái trong chuyện “ Tráng sĩ diệt cọp tinh ” để hại anh em chàng Điểu Mang. Ác quỷ - con người giàu có chủ vườn trong chuyện ‘’ Chàng K’Tiêng và con quỷ ” bắt người và vật nuôi của con người ăn thịt. Ác quỷ là chằn tinh – mụ già trong chuyện “ Mụ chằn tinh và cây gậy thần ” ăn thịt cô gái trẻ. Ác quỷ là thần sấm sét trong chuyện “Nàng tiên mèo ” với âm mưu đánh phá dân làng, cướp vọ con người. Ác thú – chim đại bàng trong chuyện “ Hai anh em ” hại dân làng. Ác thú – con cọp trong chuyện “ Cô gái lấy cọp ” đã cướp vợ con người. Ác thú – đười ươi trong chuyện “ Con đười ươi “ chuyên đi lùng bắt trẻ em để ăn thịt. Ác thú – cọp ba móng trong chuyện “ Chàng SangBri “ phá hoại buôn làng.

Chuyện kể Châu Mạ:

Ác quỷ – ông già Nu Nìn và ác thú – con trâu nước trong chuyện “K’Đòng giao chiến cùng trâu nước ” giết hại ba người em K’Đòng và phá hoaị buôn làng người Châu Mạ. Ác quỷ – người cậu trong chuyện “ Quỷ giã gạo làm men “ là hình thức ma lai ăn thịt người. Ác thú – con trăn trong chuyện “ KaNga xúc trăn, KaDê xúc cá “ và “ Trăn thần “ăn thịt con gái loài người. Ác thú – con nai / đội lốt người trong chuyện “ Quỷ Nai và chàng trai chồn ” để bắt con gái ăn thịt. Ác thú – con cọp trong chuyện “ Quỷ ăn trái bứa “ vốn là một cô gái do ăn trái bứa của quỷ hoá thành cọp dữ. Cọp dữ ăn thịt dân làng và cuối cùng bị người khổng lồ giết chết. Trước khi chết, cọp dữ đã nhờ vào chiến nồi thần hoàn trả những thứ mà nó đã giết chết, ăn thịt trước đây.

Chuyện kể Châu Ro, Châu Mạ đều cho thấy mối quan hệ khá thường xuyên giữa con người với thần linh. Nói một cách khác, trong tín ngưỡng cổ của các tộc người, thần linh đóng một vai trò quan trọng trong đời sống của họ. Thần linh giúp đỡ con người trong những hoàn cảnh mà con người lâm vào sự khó khăn, họ kêu gọi sự giúp đỡ hay chính thần linh cảm thương cho những số phận. Bằng nhiều cách như mang lốt loài thú, con người, cây cối, hay sự mách bảo mà thần linh đến giúp cho con người.

6. Về hiện tượng mồ côi

Nội dung chuyện kể Châu Ro, Châu Mạ thường đề cập vấn đề mồ côi. Đây là cảnh ngộ nhân vật thường bắt gặp trong những chuyện kể về con người. Nhân vật mồ côi trong một hoàn cảnh của chuyện là một đến nhiều người nhưng thông thường số loại hai và ba người. Họ mồ côi chàng hay mẹ và cả cha lẫn mẹ từ rất sớm. Có một văn bản tư liệu trong diễn tiến của chuyện kể nhân vật mới trở thành mồ côi (Chàng cùi). Họ là hai anh em trai hoặc hai chị em gái hay anh trai và em gái. Nhân vật sống đơn côi một mình hay sống với người thân bên ngoại như ông bà ngoại, anh em, cô cậu của mình. Có trường hợp thần đội lốt cũng ở trong cảnh ngộ mồ côi (Chàng con sâu)

Trong bất kỳ trường hợp nào, chúng ta luôn thấy nhân vật gánh chịu những sự bất hạnh về tình cảm, về đời sống vật chất và cả tinh thần. Một đặc điểm khá đặc biệt là trong cảnh ngộ của nhân vật mồ côi – nếu mồ côi mẹ thì ít thấy xuất hiện nhân vật người cha. Chỉ duy nhất 1 văn bản tư liệu đề cập người cha nhưng hai nhân vật này sống với nhau kéo dài khi người cha cố tình đem con mình bỏ rơi vào nơi xa lạ (Đứa con trai bị bỏ rơi ở cù lao biển). Qua chuyện về các nhân vật mồ côi chúng ta thấy sự phản ánh về chế độ mẫu hệ trong cộng đồng Châu Ro, Châu Mạ trước đây. Nhân vật mồ côi thường được nương tựa trong gia đình bên ngoại.

Nhân vật, cảnh ngộ mồ côi xuất hiện trong nhiều chuyện sau: Chàng trai – sống một mình (Thằng mồ côi , Sự tích Thác Bến Cự, Con lươn thần, Nàng gà lôi, Cây chuối thần). Chàng trai – sống với mẹ, bà (K’Tiêng và con quỷ, Người con trai chim chích, Chàng SangBri, Hai anh em K’Rung và K’rìng, Hai anh em K’Dong và K’Sách). Hai anh em trai – sống với nhau (K’Rung đi buôn bán, K’Sệt chọn bạn chim bồ câu…). Hai anh em trai – sống với bà, cậu (Con chim màu hồng, Kẻ mồ côi sống với trái gùi, Anh chàng mồ côi…). Hai anh em trai gái – sống với nhau (Quỷ giả gạo làm men…). Hai chị em – sống với nhau (Cây nấm, Ông bà cọp). Bốn anh em trai và một em gái – sống với nhau (K’Đung giao chiến cùng trâu nước)

Trong những chuyện kể về nhân vật mồ côi thường có những yếu tố “thần ky “ tức là sự hoá phép, giúp đỡ vượt ra khỏi những tầm với của con người. Những sự giúp đỡ ấy chính từ hệ thống phúc thần mà người Châu Ro, Châu Mạ tôn thờ. Những nhân vật mồ côi xuất thân từ nghèo hèn, đói rách, khổ sở, bị khinh bỉ…hầu hết đều có kết cuộc tốt lành, may mắn. Người mồ côi tuỳ theo hoàn cảnh, diễn tiến trong cuộc đời mà có vợ đẹp, gia đình hạnh phúc, con cái và làng mới để sinh sống hay được vua chúa tin yêu giao cho quyền cao chức trọng… tức là họ vượt qua những hoàn cảnh bất hạnh trước đây. Nói như thế, cũng không phải không có những nhân vật mồ côi phải bị trừng phạt do họ có những thay đổi trong cuộc sống sau này của mình. Trước thì họ trong cảnh ngộ mồ côi thì sau đó trong cảnh sung sướng họ lại quên đi cảnh ngộ, bạc tình, bạc nghĩa, tham lam để cuối cùng nhận lấy sự trừng phạt, gánh lấy những hậu quả nặng nề: nhân vật mồ côi K’Tà (Kẻ mồ côi sống với trái gùi) sau khi có vợ con, sung sướng thì hắt hủi và có ý tham lam đoạt của cải em trai mình nên bị chết trong mưu mô của mình bày nên; nhân vật K’Pong (Con chim màu hồng) vì do dự và quên đi tình yêu của mình nên sau nhiều chặng đường vất vả đã đánh mất hạnh phúc của chính mình…

Cảnh ngộ của những nhân vật mồ côi trong chuyện kể cũng hé mở những tư liệu cho thấy trong mối quan hệ cộng đồng của người Mạ. Đó là quan hệ bên dòng họ mẹ khi mà xã hội Châu Mạ vai trò của người phụ nữ (mẹ, bà ngoại) được xác định trong cộng đồng.

7. Về hình tượng các con số

Trong kho tàng chuyện kể Châu Ro, Châu Mạ có nhiều con số được nhắc đến. Con số trong chuyện cổ không dùng làm phép đếm đo nhưng để định lượng tuỳ theo diễn tiến của câu chuyện với những vấn đề đặt ra. Một trong những con số được đề cập khá nhiều và thường được lặp đi lặp lại nhiều lần là con số 7 và thường bắt đầu là con số 7…trở đi.

Con số 7 dùng để chỉ người: 7 người con gái của một gia đình (Trăn thần); chỉ thời gian diễn ra lễ hội kéo dài bảy ngày (K’Yai và K’Yột), diễn ra các trận giao chiến giữa con người với con người (Chàng con trai chim chích), sự giao chiến giữa con người với thần linh hay ác thú, ác quỷ (K’Đòng giao chiến cùng trâu nước), hạn định cho những việc tổ chức các lễ cúng hay các sự kiện sẽ xảy ra (K’Đòng giao chiến cùng trâu nước, Quỷ Nai và chàng trai chồn); 7 năm (Sự tích nạn hồng thuỷ) chuyến hành trình 7 ngày (K’Dong và K’Sách); chỉ đồ vật, sự vật: 7 lá bầu, 7 lá cà chua, 7 trái bầu, 7 nhà kho, 7 món đồ lễ cúng , 7 cục lửa than, 7 cái rựa, 7 cái chĩa, 7 cái rìu, 7 cái ná, 7 suối, 7 bãi cát, 7 gian nhà (Con gà trắng, Thằng mồ côi, K’Rung và K’Rìng, Chàng K’Rung đi buôn bán, K’Đòng giao chiến cùng trâu nước, Vợ chồng KaĐìng…đánh trận với quỷ, Chàng con trai chim chích); chỉ số lần hiện tượng: 7 lần xuất hiện các trận đánh, 7 lần thử thách (Chàng con trai chim chích, Cây chuối thần, Con lươn thần)

Đồng thời, những con số bắt đầu từ con số 7 cũng được dùng nhưng có tính phiếm chỉ chăng để tăng thêm những định lượng mà nội dung chuyện đề cập. Có một văn bản tư liệu trong số chuyện kể thu thập được của người Mạ thể hiện con sô tăng nhưng gốc từ con số 7 (Cây nấm). Người chồng sử dụng cách tăng có gốc từ con số 7 để thử thách khắc nghiệt đối với hai người vợ mà chính mình bỏ rơi. Để trở lại với thân phận làm vợ thì hai người trong hạn định của từng thử thách là 7 ngày phải thực hiện: 7 tấm mền có hoa văn đẹp, 70 tố rượu cần, 700 gùi củi, 700 lu nước. Tất nhiên với sức lực của con người những điều đó khó có thể hoàn thành nhưng những thử thách đó cả hai người vợ của chàng trai kia đều vượt qua do thần linh bằng nhiều cách giúp đỡ. Điều này cho thấy quan niệm của sự may mắn, tốt lành trong của người Châu Ro, Châu Mạ về hình tượng con số 7 – nó là sự cố gắng của con người cũng như sự trợ giúp của thần linh để đạt đến tính toàn vẹn.

Những già làng giải thích con số 7 với tính chất nó là con số của sự toàn vẹn, đây là một biểu hiện tư duy, nhận thức văn hoá của chính tộc người Châu Ro, Châu Mạ. Đây cũng là quan niệm và sử dụng con số 7 như thể hiện sự tốt lành trong kho tàng văn hoá chung của nhiều tộc người cổ trên thế giới khá phổ biến.

Hình tượng con số 7 xuất hiện với tần nhịp trong chuyện kể Châu Ro, Châu Mạ là khá đặc biệt. Bên cạnh đó, một trong những con số cũng hay được đề cập là con số 2 và 3. Trong một số chuyện kể, con số 2 thường để định lượng số người và con số 3 để chỉ người, chỉ số lần, chỉ hạn định thời gian.

Đặc biệt, trong chuyện kể Châu Ro có xuất hiện tần nhịp của con số 6 và 12 – chúng tôi xem đây là sự cá biệt khá lý thú. Những con số 6 xuất hiện trong các chuyện kể sau: 6 người con gái trong một gia đình (Sự tích miễu Ông chồn); sáu đứa bé hình người và sáu chó con (Những người con của cho) và sáu đứa con trai và sáu heo con (Cánh đồng Cà Dăm) ra đời do sự kết hợp giữa người với loài thú nhưng chúng phải chia rẻ nhau để sống. Chàng K’Tiêng vào trở lại trong bụng mẹ 6 mùa trăng để có thêm sức mạnh để chống trả với quỷ (Cành K’Tiêng và con quỷ) . Có lẽ, con số 6 ở đây chỉ là điểm dừng tạm cho một sự hoàn chỉnh cho con số 7 - đó là sự xuất hiện của chàng trai chồn, hay của người cha sau này gặp lại các con hay mùa trăng thứ bảy thì chàng K’Tiêng mới đánh thắng được quỷ dữ - để tất cả diễn tiến đên sự hoàn thiện thể hiện sự toàn vẹn quy chiếu về con số 7. Con số 7 là con số có ý nghĩa cho sự hoàn thiện.

8. Về hiện tượng ma lai

Qua khảo sát điền dã trong cộng đồng người Châu Ro, Châu Mạ chúng tôi không thấy nhắc đến hiện tượng được định danh là ma lai mà chỉ đề cập ma quỷ - dạng ác thần chuyên phá hoại cuộc sống con người. Thế nhưng, trong các văn bản tài liệu chuyện kể sưu tầm được của riêng người Mạ có những chuyện đề cập về hiện tượng ma lai. Quan niệm về ma lai trước đây và một số địa bàn các tộc người thiểu số ở Tây Nguyên hiện nay vẫn còn tồn tại và gây nhiều hậu quả xã hội nghiêm trọng.

Trong chuyện kể Châu Ro, có 2 bản nói về ác quỷ lốt người như “ Mụ chằn tinh và cây gậy thần ” và “ Chàng K’Tiêng và con quỷ ” và 2 chuyện của người Mạ “ K’Đòng giao chiến cùng trâu nước ” nói về người ăn thịt người trong lốt “ ông già Nu Nìn “ và cô Ka Đạ ăn tim người thành quỷ dữ mang lốt người khác trong chuyện “ K’Rung và K’Rìng ” có thể là dạng thức chuyện ma lai chăng ? Trong những chuyện kể Châu Mạ thì hình tượng ma lai cho thấy mang tính chất lai giữa người và ma. Trong chuyện “ Quỷ giả gạo làm men “ thì ma lai trong lốt con người “Ông cậu ” và giả dạng người khác lừa người và ăn thịt người vào ban đêm; trong chuyện “ Quỷ ăn trái bứa “ thì “ cô gái ” do ăn nhằm trái bứa của quỷ nên biến thành cọp dữ, mang lốt người thành ma lai chuyên ăn thịt người và thú vật. Ma lai có những phép thuật mà con người không có. Trong hai chuyện trên cho thấy có cá nhân là ma lai hay có cả dòng họ là ma lai. Cộng đồng của tộc người Châu Mạ rất sợ ma lai vì không lường được những phép thuật của chúng. Riêng trong chuyện cũng phải chăng là dạng thức chuyện ma lai ?

Sự trừng phạt đối với những con người mà cộng đồng cho là ma lai thì thực tế trên địa bàn Đồng Nai không xảy ra. Trong chuyện kể có đề cập về sự hợp sức của dân làng lừa cho những ma lai mất cảnh giác “ làm cho chúng uống rượu say để bắt, khi chúng uống rượu say thì không thể dùng phép thuật và đem chém chết quẳng xuống sông ”. Khi trừng phạt, diệt nạn ma lai thì người Châu Mạ tổ chức ăn mừng.

9. Về sự ban thưởng và trừng phạt, cái thiện và cái ác

Nội dung chuyện kể Châu Ro, Châu Mạ không đề cập ngay từ đầu đến sự ban thưởng hay trừng phạt nhưng qua nội dung chuyện xảy ra bao nhiều tình tiết và cuối cùng mới nhắc đến nó. Phần kết chuyện cho những nhân vật chính trong chuyện thường gắn liền với hai sự việc ban thưởng, trừng phạt. Kết cuộc có hậu thường được dành cho những con người tốt, tài giỏi, ngay thật, can đảm và ngược lại là sự trừng phạt nặng nề cho những con người tham lam, độc ác, giảo trá hay các loài ma quỷ. Sự ban thưởng hay trừng phạt bắt nguồn từ chính nỗ lực của bản thân (sự tưởng thưởng hay đón nhận hậu quả của việc làm mình gây nên) hoặc đến từ thần linh.

Về những chuyện kể mà nhân vật chính là người, ta có thể thấy được kết cuộc sự ban thưởng hay trừng phạt qua một số chuyện thể hiện rõ đặc điểm theo quy luật “ gieo ác gặp ác, gieo lành gặp lành ”, được tóm lược sau:

- Sáu người con của chó trong chuyện “ Những người con của chó “ dù bị nhiều lần người mẹ ghẻ là loài người tìm cách buộc cha giết chết nhưng bằng sự khôn ngoan đã thoát ra được những nguy hiểm chết người. Cuối cùng, họ xây dựng một làng mới, sống trong cảnh ấm no và mời cha đến sống chung. Còn người mẹ ghẻ độc ác bị thần rừng sai rắn cắn chết.

- Chuyện về những người con của heo với người chồng là loài người trong “ Cánh đồng Cà Dăm ” cũng thoát khỏi cảnh bị hà hiếp, giết hại và siêng năng làm việc dựng nên một làng mới. Những đứa con vẫn sống tình nghĩa với người cha còn người anh trai cùng cha khác mẹ vừa tham lam, ghen ghét nên chịu cảnh đời đói khổ.

- Nhân vật nàng tiên mèo trong chuyện “ Nàng tiên mèo ” dẫu bị ác thần sấm sét bắt giam vẫn trốn thoát được để trở về với người chồng thương yêu của mình. Còn ác thần dùng quyền phép để cướp đoạt lại đều không thành công.

- Người em trai trong chuyện “ Hai anh em ” hay chàng K’Tồ trong chuyện “ Kẻ mồ côi sống với trái gùi ” thật thà, ngay thẳng được thần linh giúp đỡ, kết cuộc có vợ đẹp là thần tiên và cả gia tài của người anh. Còn người anh vì bạc nghĩa tham lam, độc ác muốn giết em trai mình nên đã lãnh lấy hậu quả chết cháy trong hang rừng.

- Chàng K’Đòng dũng cảm và ngay thẳng trong “ K’Đòng giao chiến cùng trâu nước ”đánh baị các loài quỷ dữ, cứu dân làng và được thần linh ban gả cho con gái để làm vợ, ban cho một cuộc sống thần tiên.

- Trong chuyện “ Ka Nga xúc trăn Ka Dê xúc cá ” cho thấy nàng Ka Nga hiền lành chăm chỉ nên được trăn thần làm chồng trong khi nàng Ka Dê tham lam, ganh ghét nên bị trăn độc ăn thịt và cuối cùng chết đi phải hoá kiếp thành loài chim khác.

- Nàng Ka Độ trong chuyện “ K’Rung và K’Yài ” vốn là một cô gái đẹp nhưng vì giết người ăn tim nên thành quỷ dữ và cướp chồng người khác nên bị trừng phạt thành con khỉ.

- Chuyện “ K’Yai và K’Yọt “ thì các nhân vật chính hoá thành các loài thu trong đó chàng K’Yọt cướp vợ người nên bị trừng thành chim quạ. Con chim quạ được người Châu Mạ cho là con chim xấu xa.

- Chàng mồ côi trong chuyện “ Cây chuối thần ” hay “ Con lươn thần” thật thà, có lòng nhân ái, trọng lời hứa nên được thần linh ban cho cuộc sống giàu có, trong khi đó các nhân vật khác vì tham lam, bất tín, ngu đần nên bị trừng phạt nặng nề như bị chết đi, không thực hiện được ý muốn của bản thân.

Đối với những chuyện mà các con vật trong vai trò chính của câu chuyện hay đối tượng là ma quỷ thì đối tượng gian ác trước sau gì cũng bị trừng trị và gánh lấy những hậu quả thê thảm. Trong khi đó, các con vật thể hiện hình tượng chân thật, tài giỏi thì được ban thưởng hay được những kết quả tố đẹp.

10. Về sự tích các loài và cách lý giải những đặc điểm về sinh thực vật

Thông qua chuyện kể, người Châu Ro, Châu Mạ lý giải về sự hình thành của các loài theo quan niệm của cộng đồng mình. Sự tích của các loài thật phong phú theo những cách lý giải khác nhau nhưng tựu chung qua nguồn gốc các loài chính cộng đồng Châu Ro, Châu Mạ thể hiện sự nhận xét, quan sát tinh tế của họ về đặc điểm cinh, thực vật. Chuyện kể về sự tích các loài con có ý nghĩa là những bài học đạo đức để lưu truyền trong cộng đồng.

Cách lý giải trong chuyện kể Châu Ro:

- Chim cút: sống ở bờ ở bụi do xấu hổ với muôn loài. Chim cút đã làm biếng khi muôn loài theo lệnh của Yang trồng cây, xây núi (Vì sao chim cút sống ở bờ bụi).

- Chim chèo bẽo: vua của các loài chim vì nhanh nhen và thông minh. Dù thân xác nhỏ nhưng biết vượt qua những chướng ngại vật trong cuộc thi tài. Nó trở thành biểu tượng của niềm kiêu hãnh và sức mạnh. Chàng trai có sức mạnh thường cai lên đầu lông đuôi chim này – có tính chất trang điểm và thể hiện bản thân (Chèo bẽo vua các loài chim).

- Con gà trắng: Thú vật linh dùng trong thề hứa giữa con người để giải quyết những nghi ngờ (Con gà trắng).

- Con voi: do con người hoá thành. YangBri phạt hai cha con của một gia đình. Họ ăn “ con càng tôm nấu chung với thịt kỳ đà “. Họ lấy chày giã gạo làm ngà, nia làm tai, chà gạc làm vòi (Người hoá voi).

- Cá sấu: trên đầu có cục u do cút của con chó mà nó chở giúp qua sông. Vì vậy, cá sấu rất ghét loài chó (Sự tích Sông Ray).

- Con khỉ: thói xấu trong bản năng dục tính và gian giảo, ngu ngốc (Cọp có nghĩa, Chàng Lác, Rùa và Khỉ) .

- Con cọp: hung dữ, ngu đần, dễ bị lừa (Cô gái lấy cọp, cọp cướp vợ người, Thỏ và cọp).

- Con thỏ: Nhanh nhẹn, thông minh (Thỏ và cọp).

- Con Rùa: Chập chạp nhưng thông minh, mưu mô và hay lừa bạn (Rùa và khỉ).

Cách lý giải trong chuyện kể Châu Mạ:

- Con lươn: chàng K’Đung chết hoá thành. Chàng K’Đung có vợ xinh đẹp là KaYời nhưng bị người ta cướp. Chàng biến thành lươn chui nhỉ dưới bùn lầy. Biểu thị sự yếu thế (K’Yai và K’Yọt).

- Chim chèo bẽo: nàng KaYời chết hoá thành, nàng là vợ của K’Đung nhưng bị buộc phải làm vợ K’Yọt. Vì hận không trả thù được cho chồng nên chết hoá thành chẻo bẻo. Biểu thị sự hung hãn, ưa tấn công kẻ khác (K’Yai và K’Yọt).

- Chim tu hú: nàng KaĐrột là người yêu K’Yọt. Bị người yêu bạc tình, bỏ đi lấy vợ nên buồn mà chết hoá thành chim tu hú - chim gọi chồng. Biểu thị sự thiệt thòi và đau khổ (K’Yai và K’Yọt).

- Chim quạ: chàng K’Yọt chết hoá thành. Một người có người yêu nhưng phải theo lời mẹ và anh, đ8i cướp vợ người khác là nàng KaYời có chồng là K’Đung. Biểu thị sự tham lam và tình xấu xa, bị chê ghét (K’Yai và K’Yọt).

- Chim quạ: một chuyện kể khác cho rằng chim quạ chính là nàng La Đạ độc ác giết vợ của chàng K’Đòng và âm mưu chiếm đoạt chàng K’Đòng làm chồng. Thần linh phạt cho nàng La Đạ chết hoá thành quạ vì cái tội đi phá hạnh phúc của gia đình người khác nên bị người ta khinh bỉ (K’Đòng và Nar Woài).

- Con voi: Con voi do sáu người thanh niên hoá thành vì ăn thịt quỷ ngâm muối trong ống tre lồ ô với thịt ếch. Người Mạ quan niệm rằng loài voi từ con người mà ra. Khi dân làng săn được voi thì người Mạ không bao giờ ăn thịt ngực của con voi vì đó là phần thịt người hoá voi. Còn những phần thịt khác do các con thú khác tạo nên thì ăn được (Con người hoá voi).

- Chim đại bàng: nàng KaDê chết hoá thành. Nàng muốn giống người chị để được chồng là thần tiên nên bất chấp tất cả để làm theo mục đích riêng nhưng không thành. Cuối cùng gánh chịu sự đau khổ do chính bản thân làm. Biểu thị tham vọng ngông cuồng (KaNga xúc trăn và KaDê xúc cá).

- Chim bồ câu: có vòng hạt đeo cổ do người mẹ của nàng KaDê tặng vì ơn cứu sống con gái. Vòng chuỗi đeo cổ do con người tặng. Biểu thị cho sự đẹp đẽ, nhân từ (KaNga xúc trăn và KaDê xúc cá).

- Con chim màu hồng: nàng KaPiêng xinh đẹp chết hoá thành. Vì tình yêu với chàng K’Pong mà nàng gặp nhiều trắc trở. Không sống được với người mình yêu, nàng hoá thành chim rồi thành người và sống với người em trai chồng trong hoàn cảnh đáng thương. Rồi sự hội ngộ của gia đình, của hai anh em nhà chồng làm cho sự đau khổ thêm lên đối với những người thân. Nàng buồn tủi và tìm đến cái chết lần thứ hai, vĩnh viễn thành chim (Con chim màu hồng).

- Chim sơn ca: Nàng KaDiên chết hoá thành. Nàng Ka Diên và chàng K’Dong vốn là vợ chồng. Sau nhiều chặng hành trình vất vả, K’Dong mới nên lấy được KaDiên. Nhưng nàng Ùr Dộ độc ác lừa hại Ka Diên và cướp chàng K’Dong. Ka Diên chết hoá thành chim sơn ca như đã từng tiên cảm với chồng mình. Khi chàng K’Dong trở về nhà, chim sơn ca hót nhắc nhở chàng về tình yêu giữa họ (K’Dong và K’Sách).

- Con khỉ: cô gái đẹp tên là KaĐộ. Nàng KaĐộ yêu chàng K’Rung nhưng không được chàng K’Rung lấy làm vợ nên nàng trở nên độc ác. Nàng KaĐộ giết vợ chàng K’Rung lấy quả tim ăn và biến thành một con quỷ dữ, biết nhiều phép thuật đội lốt người. Hình hài con quỷ đội lốt chính là người vợ K’Rung nên chàng K’Rung sống với quỷ mà không hề biết. Chính sự chung chạ giữa con người với loài quỷ dữ đã tạo nên bao cảnh đau thương trong gia đình chàng trai K’Rung. Cuối cùng thì thần linh giúp cho vợ K’Rung sống lại khi nàng lấy người em chồng là K’Rìng. Thần linh bày phép cho K’Rìng đánh bại quỷ dữ và lấy trái tim lại cho người mình yêu. Nàng KaĐộ xinh đẹp xưa kia trở thành ác quỷ và cuối cùng bị thần linh trừng phạt hoá kiếp thành con khỉ. Loài khỉ phải sống trong rừng sâu và mãi mãi không hoá lại kiếp người (K’Rung, K’Rìng) .

- Con rắn lục: là con của người đàn bà tên là Ka Mài với con rắn. Nó có màu xanh là do không vâng lời nên bị người mẹ đánh. Từ đó, rắn lục căm thù người, lẩn núp trong những chùm cây lá màu xanh canh con người sơ ý là cắn để trả thù (Ka Mài ngủ với rắn).

- Con dọc: hai bên đít dọc có vết thẹo là do bị bầy khỉ chém. Bầy khỉ phỉnh hai con gái của loài người để chiếm đoạt nhưng không được. Nhưng bầy khỉ cứ nghỉ rằng đã thực hiện giao hợp với con gái loài người nên khoe khoang.Con dọc chọc quê nên khỉ tức lấy dao chém gây nên thẹo (Người cùi).

- Con chuột, con nai, con chim: chuột trước đây làm ổ sống trên bờ cỏ nhưng bị Nai đạp. Chuột kiện và được thần sấm sét cho biết cách đào hang mà sốn; Nai vì đạp nhà chuột lên bị thần sấm sét lấy đít nồi đang nóng làm thẹo trên cổ; con chim thì phải sống khắp nơi trên cánh đồnfg chứ không tập trung nơi bờ ao vì hót làm cho nai sợ (Chuột và nai).

- Lan đuôi chồn: nàng tiên nữ Ka Mài phá luật trời yêu chàng K’Du –con người trần. Họ bị trời bắt xa cách, biệt ly. Chàng K’Du ngày đêm nhớ thương vợ nên sanh bệnh mà chết. Nàng Ka Mài bị giam trên trời xin được chết để gần bên chồng. Nàng chết hoá thành làn đuôi chồn để ở bên gốc cây là chàng K’Du (Thác Bến cự).

- Cây dứa: Chàng K’Dong mồ côi, sống với bà ngoại. Tính tình làm biếng. Chàng đi tìm và cưới được nàng Ka Diên xinh đẹp làm vợ. Thế nhưng chàng bị nàng Ùr Dộ lừa mà không biết, sau này sống với người vợ mới mà quên đi người vợ đầu tiên. Khi trở về nhà, được chim sơn ca hót nhắc về tình yêu của chàng với nàng Ka Diên trước đây, chàng K’Dong hối hận việc làm của mình. Như để chuộc lỗi về những việc làm trước đây, chàng K’Dong nguyện chết thành cây dứa để có ích cho con người. Chàng được toại nguyện. Cây dừa người dân Châu Mạ dùng để đan chiếu nằm và sóp đựng cơm (K’Dong và K’Sách).

- Cây nấm: do người chồng của hai cô gái KaVách và KaNar bị trừng phạt hoá thành. Người chồng là một con người lúc đầu thương yêu vợ nhưng cuối cùng bị lừa và sống chung với người đàn bà khác. Chàng bỏ rơi hai người vợ và con cái, khiến họ nhiều phen khổ sở do đặt những điều kiện nặng nề mà họ không làm được khi muốn cho con cái có cha. Thần linh trừng phạt con người bạc tình, bạc nghĩa và độc ác (Cây nấm).

- Trái cà: cô gái xinh đẹp chết hoá thành. Cuộc đời cô gái lúc đầu gặp hiểm nguy khi bị quỷ dữ lừa làm vợ và thực chất để ăn thịt. Cô được chàng trai trong lốt chồn và thần linh cứu giúp. Sau này, cô và chàng chồn thành vợ chồng sống hạnh phúc nhưng trai làng ganh ghét, giết hại chàng chồn. Cô buồn tủi và tự thiêu, khi chết hoá thành trái cà (Quỷ Nai và chàng trai chồn).

***

Trong chuyện kể nói chung của tộc người, các nhà nghiên cứu đã có những cách thức phân loại chuyện kể trên nhiều yếu tố được xác định như: nội dung, cách thể hiện, thời gian…và hình thành trong tập hợp của những đặc điểm để phân loại nhưng điều này không hoàn toàn là “ chuẩn chung”. Chúng tôi thiết nghĩ, những dạng quy chiếu ấy là quan trọng để nghiên cứu nhưng không thể đem áp dụng tất cả vào các chuyện kể mà không tính đến yếu tố tộc người. Và cũng vì nhiều lẽ khác, chúng tôi chỉ bước đầu đề cập có tính chất tổng thuật lại những nội dung mà chuyện kể Châu Ro, Châu Mạ sưu tầm. Việc đi đến những kết luận cần phải có thời gian nghiên cứu chuyên sâu.

Mỗi chuyện kể của tộc người khác nhau có những đặc điểm riêng. Thế nhưng trong quá trình hình thành, phát triển và sự giao thoa của nhiều luồng văn hoá qua các thời kỳ của các tộc người thì những tác động về kinh tế, xã hội là điều không thể tránh khỏi. Vì vậy, nguồn văn hoá dân gian của cộng đồng Châu Ro, Châu Mạ mà trong đó có loại hình chuyện kể cũng không tránh khỏi sự ảnh hưởng qua lại với nhau bởi vì họ cùng chung mối trường tự nhiên, xã hội như nhau. Bên cạnh đó, còn tác động nhiều mặt từ các cộng đồng tộc người khác như Chăm và các dân tộc vùng Tây Nguyên và người Việt sau này. Điều này thể hiện qua các tình tiết chuyện, theo mô típ chung ở một số chuyện kể.

Trong phạm vi bài viết, chúng tôi đề cập tới chuyện kể Châu Ro, Châu Mạ với nội dung thể hiện trong các văn bản tư liệu thu thập được. Tên câu chuyện được nêu lên với những chi tiết, tình tiết chuyện có tính đặc trưng, lý thú để minh hoạ.

Chuyện kể Châu Ro, Châu Mạ phong phú về nội dung và đa dạng trong cách thể hiện. Vì không có chữ viết nên chuyện kể của người Châu Ro, Châu Mạ được lưu truyền qua bao thế hệ bằng truyền miệng. Lịch sử của chuyện kể lâu đời nhưng qua các thế hệ với nguyên do nêu trên chắc chắn có nhiều thay đổi trong nội dung, tình tiết hay có những văn bản gọi là “dị bản”. Trên hướng phát triển chung của xã hội, những sự biến đổi hay thay đổi như thế là không tránh khỏi, làm mất yếu tố định hình gốc nhưng ở một bình diện khác nó làm cho vốn văn hoá dân gian này đa dạng hơn, phong phú hơn và thể hiện cách nhìn phù hợp trong điều kiện xã hội cụ thể mà cộng đồng dân cư trải qua và hướng đến.

Ths Phan Đình Dũng

Video liên quan

Chủ đề