Nhận xét de tài khoa học

Âm nhạc cổ truyền Việt Nam

qua báo chí nửa sau thế kỷ XX

1. Nhận xét chung

Đề tài nghiên cứu khoa học cấp cơ sở Tổng lược và nhận xét khảo cứu âm nhạc cổ truyền Việt Nam qua báo chí nửa sau thế kỷ XX -của Thạc sĩ Bùi Ngọc Phúc có độ dài 252 trang, trong đó có 120 trang Tổng lược và nhận xét (từ tr. 1 đến tr.119), 132 trang còn lại gồm Thư mục tài liệu tuyển chọn, Thư mục tài liệu tham khảo và phần phụ lục. Ngoại trừ phần mở đầu (3 trang) và phần kết (2 trang) thì nội dung chính của đề tài (tức phần tổng lược và nhận xét) có kết cấu gồm 2 phần chính: Phần cổ truyền dân gian dài 68 trang (từ trang 4-72); Phần cổ truyền chuyên nghiệp dài 45 (từ trang 73-118) ), trong mỗi phần lại chia thành các chương, mục và tiểu mục để định rõ nội dung cụ thể và đối tượng cần khảo cứu và nhận xét.

Đây là một đề tài nghiên cứu mang tính tổng hợp và nhận xét các bài viết về Âm nhạc cổ truyền Việt Nam trên các báo, tạp chí nửa sau thế kỷ XX. Có thể nói đề tài này là một tổng hợp luận đồ sộ, khoa học và mang tính thuyết phục từ 217 bài viết được tuyển chọn trong số 319 bài viết nghiên cứu, bình luận về Âm nhạc cổ truyền Việt Nam của các tác giả thuộc nhiều lĩnh vực như âm nhạc học, dân tộc học, xã hội học, văn hoá học...  Với tiêu chí đã xác định của tác giả là không với mục đích tóm tắt nội dung các bài viết mà chủ yếu là nêu vấn đề mà các bài viết đề cập để phân tích, so sánh, quan trọng nhất là các quan niệm tương đồng và khác biệt giữa các tác giả khi nghiên cứu cùng một thể loại của nền Âm nhạc cổ truyền Việt Nam. Trên cơ sở đó, tác giả công trình đã mạnh dạn nêu lên những nhận xét của riêng mình, bao hàm cả những nhận xét đồng tình, chưa thực sự đồng tình và không đồng tình. Cái bức tranh toàn cảnh về lĩnh vực nghiên cứu Âm nhạc cổ truyền dân gian và Âm nhạc cổ truyền chuyên nghiệp Việt Nam nửa sau thế kỷ XX (theo tiêu chí quy phạm của tác giả về nền âm nhạc truyền thống Việt Nam) đã được tác giả tổng lược theo trình tự logich, nối kết với nhau thành một xâu chuỗi sự kiện, xâu chuỗi đề tài, xâu chuỗi thể loại và điều đáng nói là giúp cho những người quan tâm có thể hình dung ra được các tác giả nghiên cứu âm nhạc cổ truyền Việt Nam trong suốt hơn 50 năm qua đã làm được điều gì và những gì cho công cuộc khơi nguồn để tìm lại các giá trị chân chính, vẻ đẹp tự nhiên của nền âm nhạc cổ truyền Việt Nam.

Đúng như tác giả công trình đã nói, đa số các bài viết đều sử dụng kiến thức âm nhạc phương tây để trình bày các vấn đề về âm nhạc cổ truyền Việt Nam, đây vừa là nhược điểm, vừa là cái phổ biến trong các bài viết - Tôi hoàn toàn tán đồng và thực sự thú vị vì cách nhìn nhận, phân tích của tác giả về việc này. Theo tác giả nhiều bài viết đã xem xét, quy chiếu giá trị của âm nhạc cổ truyền Việt Nam trên cơ sở lý thuyết của âm nhạc phương tây. Chẳng hạn như tác giả Thân Văn nói về hò khoan đã tạm quy hò cạn thuộc thể hát  Recitativ (hát nói) và hò nước thuộc thể hát Ballatde (hát truyện), còn tác giả Lê Yên nói về nhạc chèo rằng: “…khi cô hai định bụng nói dối thì lúng túng ngập ngừng buông lửng về âm át, còn khi anh hai giận cô hai về nhà nói dối thì cô hai bình tĩnh kết đàng hoàng về âm chủ và trong điệu Sắp chợt cũng kết về  dII-s để gây kịch tính đột ngột, còn trong điệu Ru kệ, trổ 1 kết ở TSVI-D, trổ 2 kết ở TSVI-T, trổ 3 SII-T, trong bài văn Xô binh lửa trổ 1,2,3 kết bằng D7-T, trổ 4 kết bằng T-S và tác giả Lê Yên cũng đã không ngần ngại để bình luận rằng: đúng rồi mã đáo trong binh lửa làm sao ổn định mà về T được…”

          2. Nhận xét theo một số tiêu chí khoa học

          Nhận xét nội dung đề tài theo từng tiêu chí đánh giá khoa học, tôi xin nêu mấy ý kiến sau đây:

          a) Về mục tiêu đề tài:

          - Đề tài đã tổng lược, so sánh, nhận xét được một lượng thông tin đáng kể về các bài viết nghiên cứu tiêu biểu về Âm nhạc cổ truyền dân gian và Âm nhạc cổ truyền chuyên nghiệp Việt Nam của nửa sau thế kỷ XX

          - Đề tài đã nêu dẫn và nhận diện về công tác nghiên cứu, lý luận về nền Âm nhạc cổ truyền Việt Nam trong hơn 50 năm qua - Một vấn đề mà lâu nay vẫn đang là diễn đàn chưa đến hồi kết của các nhà nghiên cứu.

          - Đề tài sẽ tạo tiền đề thuận lợi cho các công trình nghiên cứu mới về âm nhạc cổ truyền Việt nam cho các nhà lý luận, nghiên cứu sau này.

          b) Về hình thức, tư liệu và phương pháp nghiên cứu:

          Đề tài được tiến hành theo phương pháp tổng lược, so sánh, nhận xét, nêu dẫn và kiến giải các vấn đề về các bài viết nghiên cứu âm nhạc cổ truyền Việt Nam của nhiều tác giả trong nửa cuối thế kỷ XX, đây là một tư liệu đáng quý, cung cấp cho hiện tại và hậu thế những hiểu biết cơ bản về nền âm nhạc cổ truyền Việt Nam. Ngôn ngữ công trình súc tích và dễ hiểu, hành văn mạch lạc, tiêu chí và trình tự công trình hết sức khoa học và tất thảy những điều đó đã toát lên một minh chứng giản dị rằng tác giả công trình đã tiến hành nghiên cứu và hòan chỉnh khá công phu.

          c) Về nội dung và kết quả nghiên cứu:

          Nội dung đề tài đã thống nhất được với mục đích, yêu cầu, cung cấp một lượng thông tin tư liệu đáng quý và những hiểu biết cơ bản về nền âm nhạc cổ truyền Việt Nam, giúp cho các đối tượng quan tâm hiểu rõ công tác nghiên cứu, lý luận về âm nhạc cổ truyền dân gian và âm nhạc cổ truyền chuyên nghiệp Việt Nam trong hơn nửa thế kỷ qua, đặc biệt là hiểu rõ các thế hệ nghiên cứu, lý luận đi trước đã làm được điều gì, ưu điểm, hạn chế, điều đó giúp chúng ta và các thế hệ kế tiếp có cơ sở để kế thừa, phát huy công tác nghiên cứu, lý luận âm nhạc dân gian Việt Nam - một lĩnh vực luôn vẫn là rất mới đối với những người có quá nhiều kiến thức âm nhạc phương Tây và thiếu quá nhiều kiến thức âm nhạc cổ truyền Việt Nam.

          3. Đề xuất

          - Tại sao lại phải có từ khảo cứu đứng sau cụm từ tổng lược và nhận xét. Phải chăng tác giả có ý nói: Tổng lược, khảo cứu và nhận xét âm nhạc cổ truyền Việt Nam qua báo chí nửa sau thế kỷ XX? Theo tôi thì nên dùng tiêu đề Tổng lược và nhận xét âm nhạc cổ truyền Việt Nam qua báo chí nửa sau thế kỷ XX  cho dễ hiểu.

          - Tổng lược, so sánh và nhận xét về các bài viết là điều đáng quý, nhưng cần nêu rõ thêm quan điểm của mình về các vấn đề, tránh tình trạnh nêu sự việc, so sánh, nhận xét mà không có kết luận.

          4. Kết luận

          - Tính cấp thiết và ý nghĩa thực tiễn:

Công trình NCKH Tổng lược và nhận xét khảo cứu âm nhạc cổ truyền Việt Nam qua báo chí nửa sau thế kỷ XX  của Thạc sĩ Bùi Ngọc Phúc là một công trình nghiên cứu có tính cấp thiết trong bối cảnh mà công tác nghiên cứu lý luận về âm nhạc cổ truyền Việt Nam vẫn còn đang là vấn đề mới (cho dù nó đã được tiến hành ít nhất trong suốt một thế kỷ qua, bởi quan điểm nghiên cứu. lý luận về lĩnh vực này còn nhiều điều bất cập (ngay thuật từ cũng còn nhiều điều đáng phải bàn). Trên con đường hội nhập, chắc chắn rằng, chúng ta cần khẳng định và phải khẳng định rõ giá trị chân xác của nền âm nhạc cổ truyền Việt Nam.

          - Tính khoa học:

Đề tài thuộc lĩnh vực nghiên cứu khoa học cơ bản, thiên về hướng chuyên khảo, gồm việc tổng lược và nhận xét, nên các vấn đề đặt ra để giải quyết bao hàm việc dẫn dắt vấn đề đáng quan tâm của từng bài viết, so sánh, đối chiếu, bình luận, đặc biệt là những suy nghĩ, kiến nghị, đề xuất của tác giả về những bất cập trong công tác sưu tầm, nghiên cứu, kiến giải và phát huy giá trị của nền âm nhạc cổ truyền Việt Nam.

          - Khả năng ứng dụng vào thực tiễn:  

           Đề tài là nguồn tư liệu đáng quý cho những người làm công tác nghiên cứu, lý luận âm nhạc, đặc biệt trong lĩnh vực nghiên cứu âm nhạc cổ truyền  Việt Nam. Đề tài có thể dùng làm chuyên đề giảng dạy cho sinh viên âm nhạc nói chung và sinh viên khoa Sáng tác - Lý luận - Chỉ huy nói riêng. Đề tài cũng sẽ là một cơ sở khoa học để các đồng nghiệp có thể phát huy từ nhiều góc độ khác nhau trong quá trình nghiên cứu, lý luận về nề âm nhạc cổ truyền Việt Nam.

          - Hiệu quả kinh tế, giáo dục:

          Đề tài có hiệu quả về lĩnh vực nghiên cứu, làm cơ sở dữ liệu để học tập, giáo dục truyền thống âm nhạc Việt Nam, trước hết là cung cấp nhiều kinh nghiệm về tìm hiểu và nghiên cứu âm nhạc cổ truyền - một lĩnh vực đang cần phải quan tâm, hoàn thiện, xây dựng hệ thống lý thuyết âm nhạc người Việt - để nghiên cứu. lý luận về nền âm nhạc cổ truyền Việt Nam.

          Nhìn chung, với cách đặt vấn đề và phương pháp tiếp cận khoa học, khả năng am hiểu, công phu và tận tụy trong nghiên cứu - Có thể nói rằng: công trình nghiên cứu khoa học Tổng lược và nhận xét khảo cứu âm nhạc cổ truyền Việt Nam qua báo chí nửa sau thế kỷ của Thạc sĩ Bùi Ngọc Phúc đã gây được một ấn tượng (ít nhất đối với tôi), cũng là người rất mong muốn tham gia tìm hiểu, nghiên cứu về nền âm nhạc cổ truyền người Việt. Đọc tổng lược và nhận xét của tác giả Vĩnh phúc, tôi có thêm những kiến thức bổ ích và thú vị, tôi hy vọng những người quan tâm cũng có suy nghĩ như tôi./.

                                                                                                       Thân Văn Trọng Bình

* Tạp chí Văn hóa dân gian Thừa Thiên Huế  năm 2011