Những lưu ý đánh giá độ không đảm bảo đo

Độ không đảm bảo được định nghĩa là thông số gắn với kết quả của phép đo, đặc trưng cho sự phân tán của các giá trị có thể quy cho đại lượng đo một cách hợp lý.

Sự chính xác của phép đo và phương tiện đo là một trong các điều kiện tiên quyết để đảm bảo chất lượng và số lượng của sản phẩm và dịch vụ. Độ chính xác của phương tiện đo phải tương ứng với mục đích sử dụng đã xác định cho nó.

Theo yêu cầu của Bộ tiêu chuẩn ISO 9000 và ISO/IEC 17025 tính liên kết chuẩn (traceability) tới các chuẩn đầu SI tương ứng của mọi phương tiện đo và thử nghiệm phải được đảm bảo bằng một chuỗi các phép đo so sánh không gián đoạn, với những độ không đảm bảo đã định, để đưa ra các thông báo cần thiết về chất lượng đo lường của phương tiện đo.

Các hoạt động nhằm đảm bảo độ chính xác của phương tiện đo hiện nay chính là việc hiệu chuẩn trong lĩnh vực đo lường công nghiệp và kiểm định trong lĩnh vực đo lường hợp pháp.

Ta có độ không đảm bảo chuẩn (u), độ không đảm bảo chuẩn tổng hợp (uc) và độ không đảm bảo mở rộng (U) với các định nghĩa như sau:

+ Độ không đảm bảo chuẩn (u): Độ không đảm bảo chuẩn của kết quả phép đo được thể hiện như là độ lệch chuẩn (s).

+ Độ không đảm bảo chuẩn chuẩn tổng hợp (uc): Độ không đảm bảo chuẩn của kết quả phép đo khi kết quả đó nhận được từ giá trị của một số đại lượng khác.

+ Độ không đảm bảo chuẩn mở rộng (U): Đại lượng xác định một khoảng bao quanh kết quả đo mà có thể hy vọng nó sẽ chứa phần lớn phân bố của các giá trị có thể quy cho đại lượng đo một cách hợp lý. Ta có U = kuc với k là hệ số phủ.

Cũng cần phân biệt kết quả đo (ký hiệu y) và sự trình bày đầy đủ kết quả đo (kết quả đo đầy đủ, ký hiệu y’)

Những lưu ý đánh giá độ không đảm bảo đo

Kết quả đo y và kết quả đo đầy đủ y’

Kết quả đo là giá trị quy cho đại lượng đo nhận được từ phép đo. Sự trình bày đầy đủ kết quả đo phải bao gồm thông tin về ĐKĐB. Trong trường hợp nghiên cứu này thường người ta khuyến nghị dùng ĐKĐB mở rộng U với hệ số phủ k = 2 (tương ứng với xác suất tin cậy P = 95%).

y’ = y ± U = y ± kuc

Các thành phần ảnh hưởng đến độ không đảm bảo đo bao gồm

Chuẩn đo lường và chất chuẩn

Mẫu thử

Thiết bị và phương pháp thử

Nhân viên thử nghiệm

Và điều kiện môi trường

Đánh giá độ không đảm bảo đo

Những lưu ý đánh giá độ không đảm bảo đo

Đánh giá độ không đảm bảo đo được chia làm 2 loại

Độ không đảm bảo đo được phân làm hai loại:

Loại A: Được tính toán bởi phương pháp xác suất thống kê của các loạt quan trắc.

Loại B: Giá trị ước lượng của đại lượng đầu vào không nhận trực tiếp từ các kết quả quan trắc. Được xác định dựa trên suy luận khoa học từ các thông tin như: Các số liệu đo trước kia; Các quy định kỹ thuật của nhà chế tạo; Số liệu cho trong chứng nhận hiệu chuẩn; Các số liệu tra cứu.

Tiêu chuẩn này nhằm thúc đẩy việc đánh giá đúng đắn độ không đảm bảo đo thông qua việc sử dụng GUM (xem Điều 2) và cung cấp hướng dẫn về các phần bổ sung của GUM cũng như các tài liệu khác nêu trong Điều 2 và Tài liệu tham khảo [3, 4, 5, 6, 7].

Như trong GUM, tiêu chuẩn này chủ yếu liên quan đến việc trình bày độ không đảm bảo đo một đại lượng được xác định rõ – đại lượng đo [TCVN 6165 (VIM) 2.3] – có thể được đặc trưng bởi giá trị thực cơ bản duy nhất [TCVN 6165 (VIM) 2.11, Chú thích 3]. GUM đưa lý giải cho việc không sử dụng thuật ngữ “thực” nhưng thuật ngữ này vẫn được dùng trong tiêu chuẩn này khi có khả năng gây ra sự nhầm lẫn hay không rõ ràng.

Mục đích của các phần bổ trợ cho GUM và các tài liệu khác là nhằm giúp giải tích cho GUM và tăng cường khả năng áp dụng GUM. Các phần bổ trợ của GUM và các tài liệu khác đều có phạm vi áp dụng rộng hơn đáng kể so với phạm vi của GUM.

Tiêu chuẩn này giới thiệu về độ không đảm bảo đo, GUM và các phần bổ trợ của GUM cũng như các tài liệu khác hỗ trợ cho GUM. Định hướng chủ yếu của tiêu chuẩn là phép đo các đại lượng có thể được đặc trưng bằng các biến liên tục như độ dài, nhiệt độ, thời gian và lượng chất.

Tiêu chuẩn này nhằm vào

- Các hoạt động và lĩnh vực khoa học nói chung

- Các hoạt động và lĩnh vực công nghiệp nói chung

- Các phòng hiệu chuẩn, thử nghiệm và kiểm tra trong công nghiệp và các phòng thí nghiệm liên quan đến sức khỏe, an toàn và môi trường

- Các tổ chức đánh giá và công nhận,…

Tiêu chuẩn này cũng sẽ hữu ích cho các nhà thiết kế, vì nếu quy định kỹ thuật của sản phẩm có tính đến các yêu cầu kiểm tra (và phép đo liên quan) tốt hơn có thể dẫn đến các yêu cầu sản xuất ít khắt khe hơn. Tiêu chuẩn này cũng hướng đến các học viện, với hy vọng rằng nhiều bộ môn trong trường đại học sẽ đưa mô đun về đánh giá độ không đảm bảo đo vào các khóa học. Kết quả là thế hệ sinh viên mới sẽ được trang bị tốt hơn để hiểu và đưa ra tuyên bố về độ không đảm bảo gắn với các giá trị đại lượng đo được, và từ đó có sự đánh giá tốt hơn về phép đo.

Tiêu chuẩn này, GUM và các phần bổ trợ cho GUM cũng như các tài liệu khác cần được sử dụng kết hợp với TCVN 6165 (VIM) và ba phần của TCVN 8244 (ISO 3534) nêu trong Điều 2, định nghĩa các thuật ngữ thống kê (dùng trong thống kê và xác suất, bao gồm cả thống kê ứng dụng và thiết kế thực nghiệm), đồng thời trình bày chúng trong khuôn khổ khái niệm phù hợp với thực tế thuật ngữ tiêu chuẩn. Điều quan tâm xem xét sau cùng là nền tảng lý thuyết về đánh giá dữ liệu đo và đánh giá độ không đảm bảo đo được hỗ trợ bởi thống kê toán học và xác suất.

TCVN 9595-1:2013 quy định về các giai đoạn đánh giá độ không đảm bảo đo như thế nào?

TCVN 9595-1:2013 quy định các giai đoạn đánh giá độ không đảm bảo như sau:

- Các giai đoạn chính của việc đánh giá độ không đảm bảo gồm hình thành mô hình và tính toán, tính toán bao gồm lan truyền và tổng hợp.

- Giai đoạn mô hình (xem Điều 6) gồm

+ Xác định đại lượng đầu ra Y (đại lượng đo).

+ Nhận biết các đại lượng đầu vào mà Y phụ thuộc vào,

+ Xây dựng mô hình đo liên quan đến Y cho các đại lượng đầu vào, và

+ Trên cơ sở hiểu biết sẵn có, ấn định phân bố xác suất – Gauxơ, hình chữ nhật, v.v… - cho các đại lượng đầu vào (hoặc phân bố xác suất kết hợp với các đại lượng đầu vào không độc lập).

- Giai đoạn tính toán (xem Điều 7) bao gồm truyền phân bố xác suất đối với các đại lượng đầu vào thông qua mô hình đo để thu được phân bố xác suất cho đại lượng đầu ra Y và tổng hợp bằng cách sử dụng phân phân bố này để thu được.

+ Kỳ vọng của Y, lấy làm ước lượng y của Y.

+ Độ lệch chuẩn của Y, lấy làm độ không đảm bảo chuẩn u(y) gắn với y [TCVN 9595-3:2013 (GUM), E.3.2].

+ Khoảng phủ chứa y với xác suất phủ quy định.

Những lưu ý đánh giá độ không đảm bảo đo

TCVN 9595-1:2013 quy định về các giai đoạn đánh giá độ không đảm bảo đo như thế nào? (Hình từ Internet)

TCVN 9595-1:2013 quy định về độ không đảm bảo đo trong sự đánh giá phù hợp như thế nào?

Tại TCVN 9595-1:2013 quy định về độ không đảm bảo đo trong đánh giá sự phù hợp như sau:

- Đánh giá sự phù hợp là một lĩnh vực quan trọng trong kiểm soát chất lượng sản xuất, đo lường pháp định và trong việc duy trì sức khỏe và an toàn. Trong kiểm tra công nghiệp các bộ phận chế tạo, quyết định được đưa ra liên quan đến sự tương thích của các bộ phận với quy định thiết kế. Các vấn đề tương tự nảy sinh trong ngữ cảnh quy định (liên quan đến phát xạ, bức xạ, thuốc, kiểm soát việc sử dụng chất kích thước, v.v…) đối với việc các giới hạn quy định cho giá trị đại lượng thực có bị vượt quá hay không. Hướng dẫn được cho trong JCGM 106 [7]. Xem thêm tài liệu tham khảo [18].

- Việc đánh giá sự phù hợp khi quyết định đại lượng đầu ra hay đại lượng đo có tuân thủ yêu cầu quy định hay không thực chất là phép đo. Đối với một đại lượng, yêu cầu như vậy thường có dạng giới hạn quy định xác định khoảng giá trị đại lượng cho phép. Khi không có độ không đảm bảo, giá trị đại lượng đo được nằm trong phạm vi khoảng này được gọi là phù hợp còn nếu không là không phù hợp. Ảnh hưởng của độ không đảm bảo đo đến quá trình kiểm tra đòi hỏi phải cân bằng rủi ro giữa nhà sản xuất và người tiêu dùng.

- Các giá trị có thể có của đại lượng quan tâm Y được thể hiện bằng phân bố xác suất. Xác suất Y tuân thủ quy định kỹ thuật có thể được tính toán, dựa trên phân bố xác suất này và các giới hạn quy định.

- Vì hiểu biết chưa đầy đủ về đại lượng Y (như mã hóa trong phân bố xác suất của nó) nên có rủi ro quyết định sai về sự phù hợp với quy định kỹ thuật. Quyết định sai như vậy có hai loại: đại lượng được chấp nhận là phù hợp thực tế có thể là không phù hợp và đại lượng bị bác bỏ vì không phù hợp với thực tế có thể là phù hợp. Các rủi ro liên quan tương ứng với rủi ro của người tiêu dùng và rủi ro của nhà sản xuất (xem JCGM 106).

- Bằng cách xác định khoảng chấp nhận của giá trị đại lượng đo được chấp nhận, rủi ro quyết định sai liên quan đến việc chấp nhận hay bác bỏ có thể được cân bằng sao cho giảm thiểu các chi phí kèm theo các quyết định này [19]. Vấn đề tính toán xác suất phù hợp và xác suất của hai loại quyết định sai này, dựa trên phân bố xác suất, giới hạn quy định và giới hạn khoảng chấp nhận được đề cập trong JCGM 106. Việc lựa chọn giới hạn khoảng chấp nhận là một vấn đề phụ thuộc vào ý nghĩa của các quyết định sai này.

- Mặc dù phân bố xác suất trong 8.3 đến 8.5 là tổng quát nhưng sau đó việc sử dụng được quy định riêng trong JCGM 106 cho trường hợp quan trọng nhất trong thực tế khi phân bố xác suất là phân bố Gauxơ.