Nói dối như Cuội nghĩa là gì

Nói dối như Cuội nghĩa là gì

Cuội trở thành hình tượng cổ mẫu trong vô thức cộng đồng, có nhiều nhánh rẽ dị bản trong truyện kể dân gian. Chú Cuội ngồi gốc cây đa là một tiều phu nhờ lá cây đa thần cứu sống nhiều người, được nhân dân quanh vùng biết ơn. Khi đi làm, Cuội dặn vợ ở nhà không được tưới nước bẩn cho cây, nhưng do đãng trí, vợ quên, tưới nhầm nước bẩn. Cuội đi làm về đúng lúc, thấy cây rung động rồi bứng gốc bay lên. Cuội ôm gốc níu lại nhưng không được, thế là cây và Cuội bay mãi lên trời, đáp xuống cung trăng. Hằng năm, đến rằm tháng tám, lúc bầu trời trong trẻo nhất, Cuội ngồi gốc cây đa nhìn xuống trần gian với bao nỗi niềm thương nhớ quê hương. Đó là hình ảnh chú Cuội đẹp, nên ông Tản Đà mới mơ thành Cuội.

Nhưng trong truyện dân gian lại có một hình tượng Cuội khác, không phải chú, mà là thằng Cuội, có tài nói dối, dối từ nhà ra ngõ, từ vật đến người, không kể người thân người lạ, từ giàu đến nghèo, từ dân đến quan, ai cũng tin, cũng bị hắn lừa. Hắn lừa đảo đến mức cướp của giết người. Kinh hoàng nhất là cuộc lừa đảo cuối cùng, hắn làm cho nhà vua chết để cướp ngai vàng. Nên dân gian mới có câu nói dối như cuội. Kể đến đây, các cháu ồ lên: Chuyện trên thì biết, chuyện dưới mới nghe. Nhưng người kể chợt nhớ đến bài thơ Đống ông Cuội của Nguyễn Khuyến, cụ cũng bị lừa. Kể rằng, khi cáo quan về ở ẩn, vị đại khoa đạo cao đức trọng Tam Nguyên rơi vào cảnh túng thiếu, phải vay tiền lão phó tổng làng Phú Đa để sửa chữa ngôi nhà bẹp, trả lãi tháng 10 phân. Nhưng phó tổng biết cụ khó lòng theo nợ lãi hàng năm, hắn sang lời lẽ ngọt ngào: Thưa cụ, năm nay được mùa, cụ thu xếp trả cả vốn lẫn lãi. Sang năm cụ cần, chúng tôi lại cho cụ vay tiếp. Cụ cả tin, chỉ còn cách bán hết lợn sề, chó cái và thóc vụ mùa trả nợ, giữ chữ tín, để sang năm vay tiếp. Tháng 3 năm sau, gia đình thiếu ăn, theo lời hứa, cụ lại sang phó tổng Phú Đa hỏi vay tiền. Lần này phó tổng từ chối khéo: Xuân này tôi xem cụ ốm yếu hơn năm ngoái, năm kia, chả biết mệnh hệ cụ thế nào. Nhỡ ra thì vợ con tôi nó xé xác. Cả làng Phú Đa này nó bêu riếu là rước vạ vào thân! Kính cụ, xin cụ đi gõ cửa nhà khác!. Cụ Tam nguyên không ngờ mình lại bị đối xử tồi tệ như vậy. Về nhà, cụ viết bài Vũ phu đôi(1) (Đống đá cuội) bằng chữ Hán, rồi cụ dịch ra quốc âm, đặt tên là Đống ông Cuội.(2) Giữa bản chữ Hán và chữ Nôm có nhiều nội dung khác nhau, ở đây chỉ cảm đôi điều về Cuội qua bài thơ dịch:

Ðầu đường ngang có một chỗ lội/ Có miếu ông Cuội cao vòi vọi/ Ðàn bà đến đó vén quần lên/ Chỗ thời đến háng, chỗ đến gối/ Ông Cuội ngồi trông mỉm miệng cười/ Cái gì trông trắng như con cúi?/ Vội vàng khép nép đứng liền thưa/ Trót dại hở hang xin xá tội!/ Ông rằng: Mày cũng chẳng tội gì,/ Chỉ tội làm ông cứng con buội/ Muốn tốt mày về bảo làng mày:/ Ra đây ông cho giống ông Cuội./ Cho nên làng ấy sinh ra người/ Sinh ra rặt những thằng nói dối.

Các nho gia xưa dùng chữ thánh hiền, nên phải diễn đạt thanh tao, cao đạo, đâu dám đụng đến những hình ảnh, ngôn từ phàm tục. Cụ Tam Nguyên là bậc đại nho, nhưng với bài Đống ông Cuội thì khác, ta gặp một Nguyễn Khuyến đời thường ở chốn dân gian, không e dè, giấu diếm, để cho Cuội khoe mẻ thẳng thừng, thô tục, đến sự hớ hênh của đàn bà làng ấy, nên mới làm cho cái buội của Cuội nổi hứng bất thường. Rõ nỡm, mới kinh, đàn bà làng ấy nhẹ dạ cả tin, đồng tình nghe lời Cuội dụ: Muốn tốt mày về bảo làng mày:/ Ra đây ông cho giống ông Cuội. Thế là tìm đến để Cuội truyền giống, kết quả Sinh ra rặt những thằng nói dối. Mà bọn nói dối bao giờ chẳng ranh mãnh, điêu toa, chỉ biết sống cho mình, nhắm vào trục lợi, bất chấp nghĩa tình, lời hứa là chuyện chót lưỡi, đầu môi, trơ trẽn mặt dày, cần chi chữ tín. Nguy hiểm là bọn nói dối lại được truyền giống, sẽ mang tính di truyền, từ đời này sang đời khác. Trung thu đọc lại Đống ông Cuội của bậc đại khoa, thấy rờn rợn trong người, bởi nó không dừng lại ở hình tượng cụ thể, mà gợi lên tính phổ quát, nghe như lời cảnh báo bản chất dối lừa mang tính nhân loại, chứ đâu còn chuyện riêng tư.

Võ Nguyên

(1).vũ phu (珷玞) chữ Hán, nghĩa là: đống đá; từ đồng âm nhưng khác nghĩa với vũ phu (武夫) là người đàn ông người chồng, hay dùng bạo lực. (2). Theo Nguyễn Tiến Đoàn (http://honvietquochoc.com.vn)