Nội dung của văn học phương Tây cuối thế kỷ 19 đầu thế kỷ 20 thường phản ánh

Tóm tắt mục 2. Thành tựu của văn học, nghệ thuật từ đầu thế kỉ XIX đến đầu thế kỉ XX

2. Thành tựu của văn học, nghệ thuật từ đầu thế kỉ XIX đến đầu thế kỉ XX

a) Điều kiện lịch sử

- Chủ nghĩa tư bản được xác lập trên phạm vi toàn thế giới và bước sang giai đoạn chủ nghĩa đế quốc.

- Giai cấp tư sản nắm quyền thống trị, mở rộng và xâm lược thuộc địa thì đời sống nhân dân lao động bị áp bức ngày càng khốn khổ.

b) Thành tựu tiêu biểu về văn học, nghệ thuật đầu thế kỉ XIX đến đầu thế kỉ XX

* Văn học:

* Nghệ thuật:

- Kiến trúc: Cung điện Véc xai được hoàn thành vào năm 1708; Bảo tàng Anh; Viện bảo tàng Ec-mi-ta-giơ; Bảo tàng Lu-vrơ (Pa-ri-Pháp), là bảo tàng bằng hiện vật lớn nhất thế giới.

Cung điện Véc-xai (Pháp)

- Hội hoạhọa sĩ Van Gốc (Hà Lan) với tác phẩm Hoa hướng dương, Phu-gita (Nhật Bản), Pi-cát-xô (Tây Ban Nha), Lê-vi-tan (Nga), …

Bức tranh “Mùa thu vàng” của họa sĩ Levitan

- Âm nhạc: Trai-cốp-ki với Hồ thiên nga, Người đẹp ngủ trong rừng, ….

=> Tác dụng: phản ánh hiện thực xã hội, mong ước xây dựng một xã hội mới tốt đẹp hơn.

ND chính

Những nét chính về bối cảnh lịch sử và các thành tựu của văn học, nghệ thuật từ đầu thế kỉ XIX đến đầu thế kỉ XX.

Sơ đồ tư duy Những thành tựu văn hóa thời cận đại

Loigiaihay.com

Luyện Bài Tập Trắc nghiệm Lịch sử lớp 11 - Xem ngay

24/11/2020 134

Câu hỏi Đáp án và lời giải

Đáp án và lời giải

đáp án đúng: D

Chu Huyền (Tổng hợp)

Ths. Phùng Hoài Ngọc

VĂN HỌC PHƯƠNG TÂY 2

thế kỷ XIX

chủ nghĩa lãng mạn

chủ nghĩa hiện thực

Tranh "Thần Tự Do trên chiến lũy" - minh họa "Những người khốn khổ"

LƯU HÀNH NỘI BỘ

AN GIANG 2008

Mục lục

VĂN HỌC PHƯƠNG TÂY 2

(thế kỷ  19)

Mở đầu

     Khái quát về biến động cách mạng và những tư tưởng lớn

      ở nước Pháp thế kỉ XIX

  Chương 1.  CHỦ NGHĨA LÃNG MẠN TÂY ÂU

       1  Văn học Pháp

            Tác giả Victor  Hugo

                        Thơ trữ tình

            Kịch “Hecnanie”

            Tiểu thuyết “Nhà thờ Đức bàParis”

            Tiểu thuyết “Những người khốn khổ”

            Tiểu thuyết “Năm 93”

       2  Văn học Anh

             Walter Scott và tiểu thuyết “Ivanhoe”

             Byron nhà thơ, nhà viết kịch và tiểu thuyết

   3. Văn học Đức – Khái quát

   Chương 2CHỦ NGHĨA HIỆN THỰC TÂY ÂU

            1  Văn học Pháp

             Stendhale và  tiểu thuyết “Đỏ và đen”

   Honore de Balzac và các tiểu thuyết :

Eugenie Grandet

Les Père Goriot (Lão Goriot)

Les Illusionss perdues (Vỡ mộng)

             Guy de Maupassant

Tiểu thuyết “Một cuộc đời”

          2   Văn học Anh

              Charles Dikens và 2 tác phẩm tiêu biểu

              Thaccerey và tiểu thuyết “Hội chợ phù hoa”

          3   Văn học Đức – khái quát

  Chương 3. VĂN HỌC LÃNG MẠN VÀ VĂN HỌC HIỆN THỰC MỸ

             3.1.  Sơ lược giai đoạn đầu (thế kỉ 17 và 18)

             3.2.  Hai tác gia tiêu biểu thế kỉ 19: Jack London và  O’Henry

       Tổng kết văn học Tây Âu thế kỉ XIX

       Đọc thêm: Thi pháp chủ nghiã lãng mạn &  thi pháp chủ nghĩa hiện thực

       Phụ lục: Tình yêu trong đời và trong thơ , “Bố của Simon”, “Chiếc lá cuối cùng”.

      Tài liệu tham khảo

Mở đầu

Thế kỉ 19, giai cấp tư sản ở nhiều nước Tây Âu lần lượt giành thắng lợi và củng cố chính quyền sau cuộc Cách mạng tư sản Pháp 1789. Công nghiệp hoá tư bản chủ nghĩa diễn ra đồng thời với sự phát triển của các ngành khoa học, công nghệ. Giai cấp vô sản dần dần lớn mạnh trở thành một lực lượng chính trị đối lập với giai cấp tư sản. Từ giữa thế kỉ 19, phong trào đấu tranh của giai cấp công nhân phát triển với qui mô lớn. Ðây cũng là thời kì xuất hiện những lý thuyết khoa học và tư tưởng lớn của thời đại như chủ nghĩa xã hội khoa học của Marx và Engels, thuyết tiến hoá củaDarwin v.v.

Văn học phương Tây thế kỉ này bao gồm nhiều khuynh hướng, trào lưu với nhiều tác phẩm nổi tiếng thế giới. Trong đó, hai trào lưu văn học chủ yếu là chủ nghiã lãng mạnchủ nghĩa hiện thực đã hình thành ở hầu hết các nước phương Tây. Văn học các nước Tây Âu có những đặc điểm chung và cũng có những sắc thái riêng do hoàn cảnh đấu tranh xã hội, ảnh hưởng của các hệ tư tưởng và sự kế thừa truyền thống văn nghệ của mỗi nước qui định.

Giáo trình này chỉ giới thiêụ thành tựu văn học của một số nước như Pháp, Anh và Mĩ- những nền văn học tiêu biểu cho thời đại. Văn học Mỹ còn được giới thiệu sơ lược hai thế kỷ đầu tiên (XVII, XVIII) để bạn đọc nhìn rõ hơn sự tiếp nối của thế kỷ XIX và XX về sau.

Phần văn học Pháp được giới thiệu kĩ nhất vì nó có tính chất tiêu biểu, điển hình và đạt thành tựu mẫu mực nổi bật hơn cả ở  khu vực Tây Âu.

&

    Khái quát về biến động cách mạng và những tư tưởng lớn

Cuộc cách mạng tư sản Pháp bắt đầu 14 tháng 7 năm 1789 đã mở ra một thời kì phát triển mới trong lịch sử châu Âu. Trong lịch sử thế giới đó là cuộc cách mạng tư sản duy nhất chiến thắng triệt để chủ nghĩa phong kiến lâu đời.

Cách mạng Pháp đã mang lại sự thay đổi lớn lao trên tất cả mọi lĩnh vực của xã hội Pháp.

Phái Jacobin kiên quyết đập tan tất cả mọi trở ngại phong kiến đã kìm hãm sự phát triển kinh tế, văn hoá xã hội và thiết lập một nền chuyên chính cách mạng. Nhiệm vụ lịch sử của họ là tiêu diệt chế độ phong kiến Pháp, mở đường cho chủ nghĩa tư bản và sự thống trị của giai cấp tư sản (1793).

Cuộc đảo chính phản cách mạng ngày 9 Tecmidor (27.7.1794) đã đưa tầng lớp tư sản mới làm giàu bằng cách đầu cơ tích trữ trong mấy năm giao thời cách mạng mới lên nắm chính quyền.

Phái Tecmido đã khủng bố những người cách mạng, đưa ra Hiến pháp phản động bãi bỏ quyền tuyển cử phổ thông, “Sự cai trị của viện chấp chính đã tạo điều kiện cho  đời sống thật sự của xã hội tư sản mới vươn mạnh và phát triển đầy đủ”(Karl Marx). Thời kì này những cuộc nổi loạn của bọn bảo hoàng muốn phá bỏ nền cộng hoà để khôi phục chế độ quân chủ đã nổ ra ởParis. Ở Vandet, tướng Napoleon Bonaparte đã nổi danh khi chỉ huy quân đội chống bọn phiến loạn trong nước và đánh thắng quân Áo trong chiến dịch thôn tính Italia.

Giai cấp tư sản Pháp định thực hiện một chương trình to lớn dùng Italia làm bàn đạp chiếm toàn bộ châu Âu rồi tiến đánh Ai cập và Syrie. Giai cấp tư sản cần một chính quyền mạnh, dựa vào một tay kiếm vững chắc để trấn áp bọn bảo hoàng và phái cách mạng Jacobin, đồng thời tiến hành cuộc chiến tranh chống liên minh phong kiến châu Âu.

Cuộc đảo chính ngày 18 tháng Sương mù (9-11-1799) đã chuyển chính quyền sang tay Napoleon thiết lập chế độ Tổng tài (1799) và nền Ðế chế I (1804).

Chính phủ Napoleon là một chính phủ tư sản đã giữ gìn những thành quả cách mạng có lợi cho giai cấp tư sản. Ông đã khuyến khích phát triển công nghiệp, dự thảo bộ Dân luật là một văn bản luật pháp có hệ thống bảo đảm quyền tư hữu của giai cấp tư sản.

Ðế chế Napoleon đã tiến hành chiến tranh xâm lược châu Âu và hầu hết các nước châu Âu đều bị đặt dưới quyền cai trị của đế quốc Pháp. “Napoleon đã giương cao ngọn cờ bình đẳng để đi thiết lập bất bình đẳng ở châu Âu”(Karl Marx). “Liên minh thần thánh” châu Âu gồm các nước Anh, Phổ, Aó, Nga, Tây Ban Nha đã chống lại Napoleon I, đặc biệt nhân dân Nga và nhân dân Tây Ban Nha đã anh dũng chiến đấu giải phóng dân tộc mình. Quân đội Pháp thực hiện đường lối xảo quyệt của Napoleon đã tham gia vào việc làm suy yếu các chế độ phong kiến ở châu Âu, tạo điều kiện cho giai cấp tư sản ở nước đó một cơ hội phát triển. Tuy vậy, chế độ áp bức của Napoleon đã thức tỉnh tinh thần dân tộc và sự nổi dậy của phong trào giải phóng dân tộc.

Năm 1814, đế chế Napoleon sụp đổ, dòng họ vua Bourbon đưa các thế lực phong kiến lưu vong ở nước ngoài trở lại nắm chính quyền ở Pháp. Dưới chế độ vương chính Louis 18 phục hồi, đẳng cấp quí tộc và tăng lữ đòi chiếm lại ruộng đất đã bị cách mạng tịch thu. Mặc dù đã có bản Hiến chương của một chế độ Quân chủ lập hiến, nhà vua vẫn khuyến khích bọn bảo hoàng cực đoan hoành hành áp chế nhân dân. Dân chúng đã vùng dậy làm cuộc cách mạng tháng Bảy 1830. Một lần nữa, giai cấp tư sản lợi dụng thắng lợi của nhân dân, thiết lập nền Quân chủ tháng Bảy với thực chất là chế độ tư sản, đứng đầu là Louis Philip ông vua của giai cấp tư sản tài chính.

Những cuộc khởi nghĩa của nhân dân liên tục nổ ra những năm 1832, 1835. Giai cấp vô sản dần dần lớn mạnh và đấu tranh trực diện.

Cuộc Cách mạng tháng Hai năm 1848 tái lập nền Cộng hoà.

Cuộc Cách mạng tháng Sáu năm 1848 là cuộc đụng độ quyết liệt giữa giai cấp tư sản và giai cấp vô sản ở nước Pháp. Từ đây một hố sâu ngăn cách những kẻ bảo vệ trật tự tư sản và quần chúng nhân dân lao động.  Tính chất cách mạng của giai cấp tư sản Pháp đã tiêu tan và giai cấp vô sản trở thành một giai cấp tự giác bước lên vũ đài lịch sử.

Do những mâu thuẫn nội bộ gay gắt, nền cộng hoà sụp đổ và cuộc đảo chính ngày 2 tháng 12 năm 1851 đã đưa Louis Napoleon lên ngôi hoàng đế của nền Ðế chế II. Dưới sự thống trị của Napoleon III, văn nghệ, báo chí bị kiểm duyệt gắt gao, đời sống nhân dân khốn cùng. Những thiệt hại về ngoại giao và quân sự từ sau 1860 đã làm cho Ðế chế II suy yếu và sụp đổ năm 1870.

Công xã Paris bùng nổ ngày 18 tháng Ba năm 1871. Lần đầu tiên trong lịch sử nhân loại, giai cấp vô sản thể nghiệm việc giành và giữ chính quyền của mình. Sau 72 ngày chiến đấu dũng cảm, Công xã đã thất bại. Thế lực tư sản phản động đã khủng bố tàn bạo nhân dân lao độngParis. Công xãParis đã tạo nên “một thời điểm mới  có tầm quan trọng lịch sử toàn thế giới” (K.Marx).

Nền cộng hoà Pháp từ những năm 80 sắp kết thúc giai đoạn chủ nghĩa tự do cạnh tranh để chuyển sang giai đoạn chủ nghĩa đế quốc. Và từ đây, cuộc đấu tranh giai cấp giữa tư sản và vô sản ngày càng diễn ra quyết liệt.

Văn học Pháp thế kỉ 19 đã phản ánh những biến động cách mạng, những tư tưởng lớn của thời đại như chủ nghĩa xã hội không tưởng đầu thế kỉ và chủ nghĩa xã hội khoa học nửa sau thế kỉ, cuộc sống xã hội chính trị của nhân dân Pháp, nhiều trào lưu và khuynh hướng văn học liên tục xuất hiện qua các thời kì khác nhau với nhiều tác giả danh tiếng.

Chương 1.          CHỦ NGHĨA LÃNG MẠN TÂY ÂU

1  Văn học Pháp

1.1  Chủ nghiã cổ điển “mới” và âm vang văn học cách mạng tư sản

Trong những năm đầu của Cách mạng Pháp (1789-1794), chủ nghĩa cổ điển lại xuất hiện và ngự trị nền văn học. Dòng văn học này tiếp tục khuynh hướng quay về nghệ thuật cổ đại và có nhiều nét chung với chủ nghĩa cổ điển trước cách mạng. Nhưng về nội dung ý thức hệ, nó hoàn toàn khác biệt.

Chủ nghĩa cổ điển “mới”sau Cách mạng phản ánh cuộc đấu tranh của đẳng cấp thứ ba nhằm đạt được tự do chính trị và quyền bình đẳng trong xã hội mới sau khi đã lật đổ giai cấp phong kiến quí tộc. Nó miêu tả những thắng lợi của cách mạng và niềm hân hoan của nhân dân đặt lợi ích chung trên lợi ích riêng tư. Xã hội tư sản mới ra đời cũng cần một chủ nghĩa anh hùng để biểu dương và củng cố chế độ mới. Nhưng những nhân vật tư sản cũng sớm bộc lộ những mặt trái của họ nên nhà văn muốn dựa vào những hình tượng cổ đại. “Họ tìm thấy trong những truyền thống cổ điển của nền cộng hoà La Mã những lí tưởng về hình thức nghệ thuật, những ảo tưởng mà họ cần thay thế cho những nội dung hạn chế tư sản nhằm duy trì sự hân hoan của tấn bi kịch lớn lao” (K.Marx).

Từ đó hình thành các thể loại đa dạng như bi kịch cổ điển, tụng ca, trào phúng,  bài ca cách mạng.

Cách mạng đã đóng cửa các phòng khách thính văn nghệ (salon), phát triển báo chí để tạo nên dư luận công chúng mới, mở rộng diễn đàn cho các cuộc tranh luận với thể loại mới : văn hùng biện chính trị, xuất hiện một số nhà hùng biện tài năng như Mirabeau.

1.2 Văn học lãng mạn Pháp phản ánh cuộc đấu tranh giai cấp trong khoảng giữa hai cuộc Cách mạng (1789 và 1848).  Ðúng như nhận định của Marx, khuynh hướng lãng mạn là  sự phản ứng đầu tiên đối với Cách mạng Pháp và tư tưởng Ánh sáng gắn liền với cuộc cách mạng đó .

Văn học lãng mạn đã kế thừa các nhân tố sau :

Chủ nghĩa tình cảm, một tư trào văn chương thế kỷ 18 ra đời nhằm cân đối với tính lý trí của văn học Ánh sáng 18 vốn nặng về lý trí.

Về triêt  học, chủ nghĩa lãng mạn chủ yếu mang tính duy tâm chủ quan. Đặc biệt văn học lãng mạn chịu ảnh hưởng khá sâu của  học thuyết “chủ nghĩa xã hội không tưởng“ của Owen và Furier.

Về nghệ thuật, thiên về tính trữ tình yêu thiên nhiên như một phương thức giải thoát  thư giãn, phản ứng với hiện thực xã hội ngột ngạt bon chen.

Văn học lãng mạn vẫn có chú ý ít nhiều đến hiện thực đau khổ của người lao động.

Nghệ thuật xây dựng nhân vật chưa chú ý xây dựng nhân vật điển hình trong hoàn cảnh điển hình, nó là cá nhân dị biệt, ngẫu nhiên, bất chấp sự vận động của hoàn cảnh khách quan.

Tính chất nhân đạo tràn ngập các tác phẩm lãng mạn.

    Các tác giả tiêu biểu

Bà De Stan (1767-1817)- nhà tiểu thuyết

Ở đầu thế kỉ, bà là nhà văn góp phần định hướng cho nền văn học mới về mặt lí luận. Bà đã khẳng định những ưu thế của xúc cảm trong văn học và mở ra chân trơi của sự giải phóng văn học khỏi những qui phạm của chủ nghĩa cổ điển. Bà đã mở rộng ý niệm về cái đẹp khi quan tâm đến những kiệt tác văn chương của nước Pháp và các dân tộc khác. Bà có khả năng kết hợp sự hiểu biết và sáng tạo khi giới thiệu văn học Ðức với công chúng Pháp qua những tác phẩm lí luận và hai cuốn tiểu thuyết lãng mạn “Delphin” và “Corin hay là Italia”, chỉ ra nội dung tình cảm cao thượng và chất trữ tình tràn trề, sống động của nó. Trong một bức thư gửi W.Goethe, nhà văn Schiller viết : “không có gì là vay mượn, sai lạc và yếu đuối ở bà Stan, bà là tinh thần Pháp đầy trí tuệ và thuần khiết. Bà muốn soi sáng, thâm nhập, đo lường tất cả. Bà không chấp nhận một điều gì tối tăm và tắc tị. Bà kinh sợ chủ nghĩa thần bí và sự mê tín”.

Chateaubriand (1768-1848) – nhà văn

Nhà văn lớn thứ hai mở đầu chủ nghĩa lãng mạn là Chateaubriand.

Ông là nhà văn tiêu biểu của khuynh hướng  lãng mạn tiêu cực ở Pháp. Xuất thân dòng dõi quí tộc, rơi đất nước sau cách mạng và năm 1791 ông đến Bắc Mĩ với danh nghĩa tham gia một cuộc thám hiểm khoa học. Năm 1792 ông trở về nước, tình nguyện gia nhập quân bảo hoàng chống lại cách mạng. Bị thương ở Tiongvin, ông say sưa trú ngụ ở nước Anh. Ông đối lập với Ðế chế I vì họ không chấp nhận khuynh hướng chính trị quá khích và bảo thủ của ông. Thời Trung hưng, ông được cử làm sứ thần ở London và một thời gian làm bộ trưởng ngoại giao. Thực hiện chính sách phản động của hoàng tộc Bourbon, năm 1823 ông chủ trương đàn áp cách mạng Tây ban nha. Ông được bầu vào Viện Hàn lâm năm 1811 và rời bỏ chính trường sau Cách mạng tháng Bảy 1830.

Năm 1787, Chateaubriand đã xuất bản ở London tác phẩm Tiểu luận lịch sử chính trị và đạo đức bàn về những cuộc cách mạng cũ và mới, nhận thức trong những mối quan hệ với Cách mạng Pháp. Trong tác phẩm này, ông chỉ ra ảnh hưởng của các triết gia thế kỉ 18 đối với bản thân ông. Ông ca ngợi nhận thức tự nhiên của Rousseau và vận dụng tư tưởng duy lí để chống lại niềm tin Thiên chúa giáo. Thế nhưng ông vẫn thù địch với Cách mạng, không tin vào sự tiến hoá của lịch sử nhân loại như các nhà tư tưởng Ánh Sáng. Ông bảo vệ tàn tích của chế độ phong kiến và hồi phục cảm hứng tín ngưỡng trong nhiều tác phẩm: Atala (1801). Thần lực sáng tạo của đạo Gia tô (1802), Những người tử vì đạo (1809) và đặc biệt Reunet (1802) ông miêu tả chàng quí tộc Reunet bỏ nước Pháp sang châu Mĩ sống với bộ lạc da đỏ và thích nghi với đời sống cộng hoà nguyên thuỷ.

Ông ca ngợi đạo Gia tô: “Trong tất cả những tôn giáo đã tồn tại thì đạo Gia tô thơ mộng nhất, nhân đạo nhất, hoà hợp nhất với tự do, nghệ thuật và văn chương; tất cả thế giới đều cần đến nó, từ công việc nông trang cho đến những khoa học trừu tượng, từ những nhà cứu tế cho kẻ khốn cùng đến những cung điện do Mikenlangelo xây dựng và Raphael trang hoàng”. Ông đối lập nền nghệ thuật Thiên chúa giáo với nghệ thuật cổ đại, cho rằng nghệ thuật thiên chúa  của thời trung đại phong kiến đã thể hiện sự xung đột giữa khát vọng tinh thần và bản năng con người, đã “thuần khiết hoá” con người. Với giọng văn hài hoà, du dương đầy nhạc điệu, ông thể hiện căn bệnh của thời đại và nỗi buồn nản do bao điều hi vọng tan vỡ của một thế hệ quí tộc và tiểu tư sản bảo thủ trong những tiểu thuyết Atala, Reunet. Atala tiêu biểu cho cuộc đấu tranh giữa niềm tin tôn giáo và dục vọng trần tục. Atala day dứt đau khổ vì vừa yêu Sacta vừa muốn giữ trọn lời thề hiến dâng cuộc đời cho Chúa.

 Chateaubriand là nhà văn lãng mạn có ảnh hưởng rộng rãi ở Pháp và châu Âu thế kỉ 19 khi ông khai thác sâu cái tôi cô đơn qua các hình tượng sống động và những trang văn xuôi đổi mới, lưu loát và đầy chất thơ.

Từ những năm 20, phong trào văn học lãng mạn ở Pháp đã phát triển mạnh mẽ với các nhà văn nổi tiếng: Lamartine, Vigny, Hugo, G.Sand và Musset.

Anfonce de Lamartine (1790-1869) – nhà thơ

Là nhà thơ tiêu biểu của chủ nghĩa lãng mạn Pháp. Xuất thân trong gia đình quí tộc sa sút, Lamartine sống thời thơ ấu ỏ trại ấp của cha, lớn lên đi học trường trung học công giáo. Dưới thời Trung hưng ông gia nhập quân đội một thời gian ngắn, sau đó làm lãnh sự ở Italia. Mối tình với bà July ở Paris, nhưng một năm sau July chết vì bệnh. Lamartine làm những tập thơ trữ tình nổi tiếng như: Trầm tư (1802), Trầm tư mới (1823), Những hài hoà (1830). Các tác phẩm thơ bộc lộ tâm tình của Lamartine qua các thời kì khác nhau: nỗi đau đớn trước cái chết của người yêu trong các bài thơ Bên hồ, Sự bất tử, nỗi cô đơn trong bài “Một mình”, nỗi nhớ khôn nguôi trong “Chiều kỉ niệm”, “Thung lũng nhỏ”, “Mùa thu”, niềm tin tôn giáo trong Niềm tin, Tuần lễ thánh, Chúa, Lời cầu nguyện. Lamartine là người khai phá một giọng thơ ca mới, nhà thơ trữ tình xuất sắc về thiên nhiên gắn với tâm tình con người, là sự gặp gỡ những tâm hồn đồng điệu.

Sau Cách mạng tháng Bảy năm 1830, Lamartine tham gia các hoạt động chính trị với tư cách là đại biểu Viện lập pháp. Ðến cách mạng tháng Hai 1848, ông đứng đầu nhà nước của phái tư sản ôn hoà. Sự nghiệp chính trị của ông kết thúc sau cuộc Cách mạng tháng Sáu 1848 khi giai cấp tư sản phản động đàn áp đẫm máu quần chúng khởi nghiã. Về già, ông còn làm việc vất vả để trả nợ. Tác phẩm Giojelain (1836) là một trường ca hai ngàn câu thơ nhằm tái hiện số phận kịch sử của toàn nhân loại. Nhân vật trữ tình Giojelain tượng trưng cho sự đấu tranh của tâm hồn con người vươn tới Thượng đế bằng sự thanh khiết hoá trong nỗi đau khổ.

Alfred De Vigny (1797-1863) – nhà thơ

Xuất thân trong một gia đình quí tộc phá sản vì Cách mạng. Chế độ Trung hưng đem lại hy vọng ông có thể tiến thân trong quân đội. Là sĩ quan có nhiệm vụ canh giữ ở biên giới, chẳng bao lâu ông xin từ chức vì không còn khát vọng chinh chiến như thời Napoleon. Vigny bắt đầu sáng tác từ 1820 và dần dần nổi tiếng với các tập thơ Moise, Eloa, Saint Mac, Stenle, Saterton, Daphnee, Vigny hướng về thời đại cổ xưa tìm đề tài như thơ ông đã mô tả số phận nhà quí tộc trẻ tuổi Richielieur hoặc các bậc tiên tri trong Kinh thánh. Phản ứng với thắng lợi của Cách mạng, rồi lại bất mãn với chế độ Bourbon, ông đi tìm nhân vật trong quá khứ để thể hiện thái độ hoài nghi và bi quan. Suy tưởng về thân phận con người, ông cho rằng con người không thể tránh được định mệnh thần bí. Nhân vật của ông đều thất bại, ngã xuống như Saint Mac, cô đơn với thiên tài như Moise, đơn độc như Siva, chìm đắm trong tình yêu như Samson ”Nhà thơ thì cảm thấy thiên nhiên hoang vắng, lạnh lùng; Chúa thì câm, mù, điếc trước tiếng kêu của chúng sinh. Ai có cuộc sống cao thượng thì đau khổ nhiều”. Vigny đưa ta một triết lí thất vọng, ca ngợi sự nhẫn nhục và sự yêu thương, khắc kỉ, hư vô chủ nghĩa.

George Sand (1804-1876) – nhà tiểu thuyết

Tên thật của nữ văn sĩ là Aurore Dupin, xuất thân dân nghèo thành thị. Sớm mồi côi cha, Dupin được bà nội nuôi ăn học ở miền quê. Năm 18 tuổi, Dupin kết duyên với bá tước Davant nhưng cuộc sống bất hạnh. Tám năm sau li thân, bà về Paris theo nghề văn và nuôi hai con. Những tiểu thuyết thời trẻ như Indiana, Lelia, viết về đề tài tự do yêu đương, bênh vực nữ quyền, bình đẳng nam nữ trong hôn nhân và gia đình. Giai đoạn sau, bà viết những tiểu thuyết thể hiện những phẩm chất tốt đẹp của người đau khổ, mô tả cuộc đấu tranh của họ chống áp bức bất công. Bà nhìn thấy sự vươn dậy của quần chúng lao động và phê phán ách nô dịch của đồng tiền tư bản chủ nghĩa. Tuy vậy nữ văn sĩ George Sand vẫn mơ ước giải hoà xung đột giai cấp bằng tình thương yêu.

Alfred De Musset (1810-1857) – nhà thơ

Xuất thân trong một gia đình có truyền thống văn học và không phải trải qua khủng hoảng trước thắng lợi Cách mạng. Học xong trung học lúc 18 tuổi, Musset được giới thiệu vào Hội tao đàn do Hugo đứng đầu. Rất yêu văn chương và tự tin, Musset viết “Hoặc là tôi không viết gì, hoặc là Shakespeare hay Shelli”. Những vần thơ đầu tiên trong tập Truyện kể Tây ban nha và Italia được hoan nghênh nhiệt liệt. Thất vọng trước sự thắng thế của giai cấp tư sản phản động, thơ ông mất dần sự tươi vui, yêu đời, xuất hiện “mặc cảm về sự tước đoạt và sự lưu đày” của thân phận con người.

Năm 1831, ông làm công tác phê bình văn nghệ của tờ báo “Thời gian”. Cuộc tình duyên giữa Musset và nữ văn sĩ George Sand từ 1833 đến 1835 là cuộc tình duyên sóng gió và say đắm. Vì những bất đồng chính kiến, mối tình của họ đành dang dở sau những va chạm đau lòng. Musset viết bài thơ “Ðêm” nổi tiếng. Ðêm là người bạn trầm tư yên lặng nghe nhà thơ bộc bạch nỗi lòng (Các bài Ðêm tháng Năm, Ðêm tháng Tám, Ðêm tháng Mười, Ðêm tháng Chạp).

                 Con người đi học việc, sự đau khổ là bậc thầy

                 Chẳng ai tự biết mình nếu chẳng bao giờ đau khổ.

Musset còn viết tiểu thuyết Tâm sự của một đứa con thời đại, một số vở kịch (Ðêm Venise, Các cô thiếu nữ ước mơ gì ? )”

Là một trong những nhà văn lãng mạn tiến bộ đầu tiên, với “trái tim hào hiệp” Musset căm ghét chế độ chuyên chế và say mê tự do, suốt cuộc đời ông đi tìm lí tưởng và hạnh phúc chân chính nhưng không toại nguyện.

[Xem thêm Phụ lục về cuộc tình Musset – George Sand ở cuối tài liệu này]

Victor Hugo (1802-1885)

Là nhà văn, nhà thơ lãng mạn tiến bộ của nền văn học Pháp. Trong hơn sáu chục năm sáng tác, ông đã để lại hơn 20 vở kịch, 10 tiểu thuyết lớn và truyện ngắn, 15 tập thơ, hàng trăm bài văn chính luận, lí luận văn học, hàng nghìn bức thư tình và vài ba nghìn tranh vẽ. Sự phong phú về sáng tác của Hugo bắt nguồn từ mối liên hệ của nhà thơ với đời sống rộng rãi đa dạng của nhân dân, sự tham gia trực tiếp vào các phong trào chính trị và văn hoá tiến bộ.

Những tập thơ đầu tay Ðoản thi, Về phương Ðông đã rung lên niềm yêu thương của nhà thơ lãng mạn với quá khứ xa xăm hoặc những miền xa lạ. Những tập thơ trữ tình sau năm 1830 như Lá mùa thu,Tiếng hát buổi hoàng hôn, Tiếng nói bên trong, Tia sáng và bóng tối. Ông mở rộng suy tưởng về lẽ sống, về tình đồng loại, về nỗi đau khổ và sức mạnh của nhân dân. Ðến những năm 50, viết những tập thơ chiến đấu và hùng ca như “Trừng phạt, Chiêm ngưỡng, Truyền kì các thời đại” đã vươn lên tầm khái quát xã hội, ông nhìn ra hai nước Pháp:  một nước Pháp của nhân dân nghèo khổ và một của bọn giàu sang quyền quí. Tình yêu thương con người khốn khổ bị đoạ đày như được gieo mầm khắp các tập thơ để kết đọng thành những rung động âm vang qua các hình tượng lớn trong tiểu thuyết và kịch của Hugo. Sự kết hợp tài tình giữa các yếu tố nghệ thuật đó đã giao hoà tình thương cảm giữa tác phẩm và bạn đọc, gây ấn tượng mạnh mẽ về tấm lòng nhân đạo bao la của nhà văn.

Hugo bênh vực người da đen cầm đầu nghĩa quân chống lại bọn thực dân da trắng và những luật lệ khắc nghiệt… Trong tác phẩm “Nhà thờ Đức bà Paris”, Hugo ca ngợi tình thương yêu của những con người bình thường: cô vũ nữ Esmeralda, anh gù kéo chuông Quazimodo. Tác phẩm “Những người khốn khổ” miêu tả những tình cảm đau lòng dưới đáy xã hội Pháp với cả chiều rộng và chiều sâu. Hugo hi vọng giải quyết ba vấn đề “Sự sa đoạ của đàn ông vì bán sức lao động, sự truỵ lạc của đàn bà vì đói khát, sự cằn cỗI của trẻ thơ vì tối tăm”. Những con người bị vùi dập hiện ra trong tác phẩm với những vẻ đẹp cao cả.  Những rung động đầy chất thơ và sự suy tưởng khát vọng xoá bỏ nỗI đau khổ của loài người.

Nhà văn tin rằng lòng thương yêu tuyệt đối có khả năng tiêu diệt cái ác và mang lại hạnh phúc cho những người khốn khổ.

TÁC GIẢ VICTOR HUGO

Hoàn cảnh gia đình

Victor Marie Hugo sinh ngày 26/1/1802 ở Bizanson, một thành phố ở Tây Ban Nha. Cậu bé lúc mới sinh ốm đau quặt quẹo sớm phải chịu cảnh “nếu có cha thì không có mẹ ở bên mình”. Hoàn cảnh chinh chiến của người cha, một sĩ quan của Napoleon I, khi ở Italy, khi qua Tây ban nha  khiến ông phải theo sang Italia, khi lại đi Tây ban nha. Thơ của ông sau này không chỉ bắt nguồn từ những nét trái ngược, từ sự đan chéo cái thô kệch tầm thường và cái cao cả trong cảnh vật, từ sự rối loạn ở đất nước Tây ban nha dưới gót giày quân đội Pháp do Hugo giữ lại ấn tượng mạnh mẽ từ tuổi thơ, mà còn phản ánh những giằng xé bắt nguồn từ cuộc sống gia đình: mâu thuẫn giữa mẹ và cha của Hugo kết thúc bằng sự chia rẽ hoàn toàn vào lúc Hugo 16 tuổi.

Hugo giải thích “cha tôi là người chiến binh dày dạn, mẹ tôi người xứ Vandet (vùng Vandet có những cuộc nổi loạn cách mạng và cha Hugo được phái đến để dẹp loạn, đã gặp gỡ cô Sophie Trebuse vốn thường che chở một số nhà tu hành chống cách mạng, cô trở thành mẹ Hugo sau này). Sự xích mích giữa cha mẹ Hugo xảy ra chủ yếu do không hợp về khí chất và quan điểm chính trị giữa hai người. Mẹ Hugo đã yêu Laorie một người có học thức hơn, hợp xu hướng chính trị với bà và ông ta cũng là một viên tướng (như cha Hugo) lại bị thất sủng nên lúc đó đang âm mưu chống lại Napoleon. Bị phát giác, ông trốn tránh ở nhà mẹ con Hugo và chính thức cưới cô năm 1821 không lâu trước khi mẹ Hugo mất. Thực ra sự đối lập về tư tưởng của hai vợ chồng chưa đến mức dữ dội. Mẹ Hugo mặc dù gọi là “bảo hoàng” vẫn được coi là “bảo hoàng theo kiểu Voltaire”  nghĩa là vẫn gần gũi với tư tưởng Ánh sáng hơn là kiểu Nhà thờ. Bà vẫn là đứa con của một thời đại mãnh liệt. Còn Hugo chỉ nhận thấy cha đẻ có những phẩm chất cao thượng sau khi mẹ mất. Tuy nhiên ảnh hưởng của người cha đỡ đầu – là người tình của mẹ – cũng có những khía cạnh lành mạnh, mang hơi thở thời đại. Laorie dạy cậu bé Victor đọc sách La tinh, đồng thời đã dạy cậu bé trước hết, cái quí nhất vẫn là Tự do.

Thiên tài Hugo bộc lộ từ rất sớm. Nhà văn lãng mạn Chateaubriand khi dạy cậu bé đánh vần và phát hiện Hugo đã biết đọc từ lâu rồi, đã gọi Hugo là “cậu bé trác việt”. Mười tuổi, Hugo đã làm thơ, 14 tuổi viết một vở kịch, 15 tuổi được bằng khen của Viện Hàn lâm Pháp, 17 tuổi được giải Bông huệ vàng trong cuộc thi thơ ở Tulouse… Hugo thoát khỏi sự áp đặt của người cha, không đi theo hướng khoa học, đã cùng người anh là Engene Hugo  lập ra tờ báo “Người bảo thủ văn học”. Năm 1820, một cuốn tiểu thuyết của Hugo ra đời.

Trong đời sống gia đình, Hugo đã phải chịu một cái tang đau đớn : người mẹ qua đời. Rồi mối ám ảnh đầu tiên về huyền thoại Aben và Cain (hai anh em thù nghịch về sự phạm tội ngoài ý muốn: người anh là Engene Hugo sau nhiều dấu hiệu của bệnh điên đã phát điên thật sự khi Victor Hugo  cưới Adele Fuset, cô bạn gái mà từ nhỏ hai anh em đã cùng yêu). Nhưng vinh quang đã đến sớm khi ông nổi lên như một nhân vật đầy hứa hẹn với nhiều ý niệm mới mẻ trong thi ca. Các vua chúa thời Trung hưng cũng chú ý tới nhà thơ trẻ này và muốn biến ông thành một loại thi sĩ cung đình. Vua Louis 18 cấp cho Hugo hai món lương bổng đặc biệt, nhờ đó chỗ dựa kinh tế gia đình được bảo đảm; sau đó vua Charles 10 lại ban cho ông huân chương Bắc đẩu bội tinh và mời nhà thơ tới dự lễ đăng quang của mình (1825).

Hugo xuất hiện như một ngôi sao mọc sớm và lặn rất muộn ở chân trời thế kỉ. Mãnh liệt và cường tráng, thiên tài ấy đã được khẳng định ngay từ đầu như chủ soái của trường phái văn học lãng mạn. Cho đến nửa sau thế kỉ dù khi trào lưu lãng mạn đã vượt quá thời vàng son của nó thì bản thân Hugo vẫn làm mờ nhạt tài năng của nhiều thứ “chủ nghĩa” nở nhanh và mau tàn ở cuối thế kỉ, đến nỗi những người thất bại phải than rằng “cây sồi già cứ xanh ngắt cho đến lúc chết” đã làm cớm nắng cả một vùng rộng lớn.Tuy rằng những tập thơ và tiểu thuyết xuất hiện lúc này như Đoản thi và tạp thi, “Đoản thi và ballade”…chỉ là một chùm sáng mơ hồ” nhưng sáng tác này vẫn không thể coi là chìm trong bóng tối của những tư tưởng bảo hoàng mà ở đây đã ló ra một quan niệm về sứ mệnh cao cả của nhà thơ, sau này sẽ phát triển mạnh mẽ và liên tục trong sáng tác của ông: hình tượng nhà thơ  Ánh sáng “được cảm thông khi trái đất còn mù mịt”.

Những dấu hiệu thiện cảm đầu tiên của Hugo đối với Napoleon I không thể giải thích bằng việc tìm lại người cha và qua hình tượng nhân vật Marius trong tác phẩm “Những người khốn khổ’. Thực ra trong bối cảnh giai đoạn đó, hướng về huyền thoạI Napoleon chính là biểu hiện của sự phủ nhận thời Trung hưng của dòng hoàng tộc Bourbon. Bởi vậy có thể nói ngay từ giai đoạn này, nhà thơ trẻ Hugo đã bộc lộ một niềm khát khao “hướng tới những vầng ánh sáng cứ mãi lùi xa”.

Cùng một lúc, Hugo xuất hiện trên cả ba lĩnh vực: thơ, kịch và tiểu thuyết. Mới bước chân vào văn đàn, Hugo tuyên bố rằng “Tôi sẽ là Chateaubriand hoặc chẳng là gì cả !” Ngày nay các nhà phê bình đã tin rằng ngay khi pháttuyên ngôn ấy, Hugo đã là Hugo.

Thơ của Hugo

Trong tập thơ đầu, Hugo đã dựng nên một cấu trúc song đôi  là “cảm xúc của một tâm hồn” tương giao với “cách mạng của một Đế chế”. Đến tập thơ “Những bài thơ phương Đông” ông đã viết Lời Tựa, giới thiệu nó là tác phẩm “vô bổ” và “chỉ là thơ thuần tuý” thì phương Đông ở đây không chỉ là sự quên lãng, sự đối lập với thực tại, lối thoát về cái ngoại lai mà đã có âm hưởng thời sự. Cuộc chiến đấu giải phóng của nhân dân Hi Lạp đã khơi dậy cả một nền Phục hưng phương Đông với thi sĩ Anh Byron, với hoạ sĩ De Lacrois, với hai bài thơ “Em bé Hi Lạp”, “Nhiệt tình” của  Hugo :

              Tới Hy Lạp ! Tới Hy Lạp ! Giã từ tất cả

              Ta phải đi !

              Rốt cuộc đã đến lúc, bởi lẽ máu dân tộc bị hy sinh, đã đổ

              phải khiến bọn đao phủ máu tuôn trào

              Bonaparte : người nói hãy đứng dậy

              Mỗi thế kỉ bỗng vùng đứng dậy                   

Tập thơ “Những bài thơ phương Đông” là dấu hiệu của một khuynh hướng nghệ thuật rõ ràng và tươi trẻ, mới lạ dù còn thiếu một chiều sâu tư tưởng. Hiếm có một tập thơ mà người đọc thưởng thức được màu sắc, cảm giác hình hài và hình ảnh phong phú đến như thế. “Đó là ngày hội của ánh sáng, đúng là ánh sáng nhiều hơn ánh mặt trời và ngày hội của từ ngữ âm vang, của nhịp điệu nhảy nhót”. Thời kì này, trong nhóm “Nàng thơ Pháp”, Hugo kết giao với nhiều hoạ sĩ trẻ, tài năng và Hugo chủ truơng thơ phải là hội hoạ (bản thân Hugo cũng vẽ cả ngàn bức tranh). Sau đó hai năm, tập thơ “Lá thu” cùng với Những bài thơ phương Đông được coi như khai nguồn cho dòng thác thơ Hugo  sau này. Ở giữa hai tập thơ, xã hội có cuộc cách mạng 1830 (xảy ra và thất bại) còn Hugo người chủ soái của nhóm “Bạn trẻ Pháp” còn đến với khán giả và công luận bằng tác phẩm sân khấu.

Từ các tập thơ trữ tình đến tập thơ Truyền kì của thời đại– trước và sau năm 1848,

Khi nói đến kịch của Hugo cũng là nói đến thơ, bởi đa số các vở kịch đều viết bằng thơ. Điều này cũng là dấu hiệu tất yếu của chủ nghĩa lãng mạn: đây là thể loại có thể tự bộc lộ đầy đủ nhất. Nếu Hugo ít đựơc biết đến ở nước ngoài qua thơ thì đó là do việc dịch thuật thơ bị vướng mắc phải hàng rào ngôn ngữ gai góc hơn các thể loại khác.

Là nhà thơ lãng mạn điển hình, thơ Hugo “là cái gì riêng tư nhất” như ông đã nói. Song cũng hiếm có nhà thơ nào hoà được cái riêng tư – cái Tôi vào “người khác” như Hugo dù gặp thời kì khủng hoảng, thăng trầm vẫn vượt ra được khỏi cái tôi chật hẹp, và điều đó khiến ông là nhà thơ lãng mạn duy nhất đã mang hơi thở anh hùng ca vào thơ. Nói đến tính anh hùng ca là phải tính đến trường độ :”thơ của Hugo, áng thi ca vĩ đại duy nhất ở Pháp, thay vì cô đúc trong những bộc lộ ngắn ngủi và hiếm hoi thì thơ ông lại tuôn ra khoảng không gian rộng rãi, thoải mái và tráng lệ”. Nói đến tính anh hùng ca, còn phải nói đến hướng trở về thống nhất hài hoà giữa cá nhân và xã hội đã mất đi với những thiên anh hùng ca cổ đại mà Hugo đang tìm kiếm – dù có khi chỉ là ảo tưởng. Bởi thế, tính chất sử thi, dường như định ngữ ấy đã chỉ đúng nhân cách và tác phẩm của con người duy nhất trong các nhà lãng mạn đã viết nổi một thiên anh hùng ca truyền kì của thời đại.Từ tập thơ đầu, không gian và thời gian đều thuộc về nhà thơ, nhà thơ trữ tình đã hướng tới những kích thước rộng lớn. Tới tập “Lá thu”, nhà thơ đã cảm nhận được sự gắn bó với thời đại là tất yếu :

                 “Ta yêu ngưòi, ôi thiên nhiên thần thánh

                   ta muốn được chìm đắm trong Người

                   nhưng giữa thế kỉ này đầy biến cố

                   mỗi người phải vì tất cả, than ôi !           

Trong quá trình tìm kiếm sự hài hoà giữa cái Tôi với “người khác”, ở nhà thơ Hugo, chẳng phải giản đơn và không phải lúc nào cũng tìm thấy được. Tập thơ “Những khúc hát hoàng hôn” (1835) so với tập “Lá thu” là một bước lùi. Những thoả mãn về lợi ích cá nhân của Hugo trong mối quan hệ hoà hoãn với nền quân chủ tháng Bảy dễ phản chiếu trực tiếp vào thơ trữ tình hơn các thể loại khác, dù mối hoà hoãn này đã thường dẫn tới những kết thúc bi đát ở Hernani, Rue Blax mà hiếm khi hài hoà được. Ông được xác nhận kế thừa danh hiệu tử tước. Ông lại được phong viện sĩ Hàn lâm năm 1841. Nguyên lão nghị viên Pháp năm 1845. Sau sự thoả mãn là một sự đớn đau sâu sắc ! Đứa con gái yêu đầu lòng- Leopondin chết đột ngột trong tuần trăng mật trên chiếc du thuyền khiến từ năm 1843 đến 1852 ông không thể xuất bản được gì mới. Những sự kiện chính trị khởi đầu từ cuộc cách mạng 1848 khiến nhà thơ không thể cứ chìm đắm mãi trong nỗi đau riêng của mình (thực ra từ năm 1845 ông đã bắt tay vào viết cuốn Những người khốn khổ vốn đã nung nấu từ lâu). Trước 1848, tính chất phân đôi của nhà thơ lãng mạn đã bộc lộ rất rõ qua những hành động chính trị của ông. Chính phủ lâm thời do Lamartine đứng đầu dướI nhãn hiệu mới của chế độ “cộng hoà II” không xoá nhoà mà chỉ đào sâu hố ngăn cách giữa vô sản và tư sản. Dù là nghị viện của cánh hữu, Hugo ra tận chiến hào, kêu gọi sự hoà giải, và ông cũng chẳng thể nào ngăn cản được những cuộc tàn sát quần chúng vào tháng sáu 1848, dẫn tới việc Louis Napoleon Bonaparte được đưa lên sân khấu chính trị.

Việc Hugo trúng cử vào Hội đồng lập hiến đọc diễn văn trước quốc hội về “cảnh khốn cùng” và về “tự do giáo dục” không ngăn nổi Luật Falu đặt trường học dưới sự chỉ đạo của Nhà thờ (vốn đã bị bãi bỏ vào những năm sau cách mạng) và cuộc tàn sát quần chúng Paris nổi dậy khi Bonaparte làm chính biến (Ngày 2 tháng Chạp 1851). Cũng từ những biển người khoác áo xanh công nhân và súng đạn hồI đó, hình tượng “biển” sẽ ám ảnh và mở rộng trong thơ Hugo. Nhưng “Napoleon  bé tí”, (Napoleon tiểu đế) -Hugo đã gợi ý trong diễn đàn quốc hội từ tháng Bảy 1850 – đã lợi dụng tâm lý sợ quần chúng của “phái ta” ôn hoà để dựng lên đế chế II. Sau sự kiện này các con trai của Hugo bị bắt giam, ông bị đe doạ, phải trốn khỏi Pháp lánh sang Bỉ và không ngờ phải lưu đày gần hai chục năm trời. Từ đây Hugo nổi tiếng thế giới chẳng những như một tài năng mà còn như một nhân cách chính trị. Đó là người đối lập với nền độc tài và bạo lực ở nước mình và cả nước ngoài, người đã đòi thả những chiến sĩ tự do (như John Brown là bạn và là người dám ca ngợI lãnh tụ Garribandi của Italia). Từ 1858 gia đình Hugo đã dần xa lánh hòn đảo Jernesy buồn tẻ, hẻo lánh để về Paris, hoặc đi Brussel, nhưng Hugo vẫn không đầu hàng trước những ve vãn của Napoleon tiểu đế. Là người bạn của những kẻ lưu đày, Hugo thường giúp đỡ họ, những trẻ em nghèo ở hòn đảo, mỗi tối thứ hai hàng tuần các em được ăn bữa chiều ở nhà Hugo lưu đày.

Tập thơ “Trừng phạt” là tiếng thơ đầu tiên cất lên sau 13 năm im lặng, như tiếng sóng gào giận dữ vang lên từ hòn đảo Jernesy xa tổ quốc. Sau khi xuất bản áng văn xuôi đả kích Napoleon tiểu đế ở Bỉ (1832), Hugo viết lại đề tài này bằng thơ, vì lẽ “Hoàng đế đã bị thui chín một phía bây giờ tới lúc lật ông sang phía bên kia”! Tập thơ, về mặt nghệ thuật là một sự kết hợp những yếu tố đa dạng thậm chí trái ngược nhau – trữ tình và anh hùng ca, yêu thương và căm giận, đau xót và châm biếm, cái cao cả và cái kệch cỡm, đề tài vĩnh cửu và chuyện nóng hổi thời sự, văn chương uyên bác và tiếng nói dân gian… trong một kiệt tác. Nó chứng tỏ một bước ngoặt trong thơ Hugo. Ở đây chúng ta tìm thấy một đề tài ẩn dụ, hình ảnh lấy từ Kinh Thánh, từ Eschile (nhà viết kịch cổ Hy Lạp), Virgile (nhà thơ cổ La Mã), Dante (nhà thơ Phục hưng Italia), Corneille (nhà viết kịch cổ điển Pháp)… Bố cục tập thơ dựa trên phản đề Bóng tối – Ánh sáng (Nox – Iux), là cách kết cấu quen thuộc cuả nhiều tác phẩm Hugo nhưng cũng gợi lại hình ảnh đường đi địa ngục – thiên đàng của “Thần khúc” (Dante). Sau này, ở cuối thế kỉ, tập thơ Những bông hoa Ác của nhà thơ Baudelaire, dường như vẽ lên một hành trình gợi lại “Trừng phạt”, theo con đường ngược lại từ Ánh sáng tới Bóng tối. Do ý muốn giữ một khoảng cách với chế độ hiện hành, Hugo cho rằng mình có thể xuất hiện trong thơ với tư thế cao cả nhất : nhà thơ người tiên tri. Tuy nhiên, so với những tập thơ trước thì “Trừng phạt” mang tính chất thời sự nóng hổi hơn cả. Tập thơ in ra phải chịu đựng sự lạnh nhạt cho tới năm 1870, khi nhà thơ trở về Pháp, mới thực sự chiếm lĩnh được độc giả, với mức độ chưa từng có. Ngoài số lượng sách cực kì lớn bán chạy trong vài ba ngày, tập thơ còn được độc tấu ở khắp nơi nhờ những diễn viên nổi tiếng. Nó trở thành một khúc ca của quần chúng. Có thể nói chính thực tế sống động đi vào tập thơ đã biến giọng trữ tình vốn đơn âm (nhà thơ) thành đa âm (quần chúng).

Với “Trừng phạt”, Hugo mở đầu cho sự thành công của thơ chính trị, thơ thời sự; cho những Aragon và Eluard sau này. Các tập thơ nối tiếp về sau như “Năm khủng khiếp” (1872) là tập thơ gắn với chính trị rõ nét, “Mặc tưởng” là tập thơ hướng về nội tâm (1859), “Truyền kì các thời đại” (1859) là tập thơ có tính chất huyền thoại siêu thời gian. Hugo có thể tự hào viết trong lời tựa tập “Mặc tưởng”: “Than ôi ! Khi tôi nói về tôi chính là nói về bạn đấy. Sao bạn lại không cảm thấy điều ấy nhỉ ? Ôi chàng ngốc ơi, anh cứ tưởng tôi không phải là anh !”. Câu nói đó xác định dấu hiệu quan trọng nhất của chủ nghĩa trữ tình- chủ nghĩa lãng mạn tích cực là: Sự thống nhất giữa cái Tôi và người khác.

Những tác phẩm có giá trị hoàn hảo là những tác phẩm viết sau khi đi đày. Từ tập thơ “Tất cả cung đàn Lir” cho tới “Mặc tưởng”, ngưòi ta có thể coi Hugo là người có khả năng diễn đạt mọi cung bậc của tình cảm con người. Thơ Hugo có một bộ phận viết về các em nhỏ, về đứa con, đã được diễn đạt qua nước mắt của người cha trên thế giới này.

Nhà thơ hiện lên trong “Mặc tưởng” với kích thước anh hùng ca của một cuộc cách mạng – trên lĩnh vực nghệ thuật. Hugo cho rằng các cuộc bão táp nổ ra trong đầu sẽ quyết định cuộc bão táp ngoài xã hội.  Nhớ lại sự kiện nhân dân Pháp trong những ngày cách mạng sôi sục từng đội chiếc mũ đỏ lên đầu  Louis 16 (giật bỏ vương miện xuống), thì Hugo cũng tự hào xác định vai trò của mình trong văn chương :

                            “Tôi đội chiếc mũ đỏ cho cuốn từ điển cũ

                              không còn chữ quí tộc, không còn chữ bình dân

                              tôi khuấy bão tố lên từ đáy lọ mực

                              tôi gọi con heo bằng tên nó, tại sao không ?”

Những dòng thơ sôi sục ấy chan hoà với những dòng thơ trữ tình êm ái. Từ sau khi đi lưu đày, thơ trữ tình của ông có thêm chiều sâu tư tưởng, nhưng điều làm cho thơ trữ tình của ông đến nay chưa già đi là nhờ chiều sâu triết lí, còn phù hợp với nhu cầu trí tuệ của lớp độc giả sau này. Không có gì tự nhiên, riêng tư mà xuất phát từ trái tim bằng thơ của Hugo khóc con. Qua đó, ta thấy cả một niềm tin, một triết lí sống bị lung lay và đặt lại vấn đề.

                     “Chúa chỉ cần để cho tôi đươc sống      

                       với đừa con gái ấy bên mình

                       trong hứng khởI từng khiến tôi ngây ngất

                       với bao luồng bí ẩn sáng soi !

                      những luồng sáng ấy, ban ngày của một thiên thể khác        

                      Ôi chúa hờn ghen ! Người đã bán chúng ta !

                      Sao Người cướp đi vầng ánh sáng

                     mà tôi đang giữ giữa trần ai !”      

Chất triết lí sâu xa đã khiến hai áng thơ anh hùng ca của Hugo là “Chúa, kết thúc của Satan” (1856) và “Truyền kì các thời đại” mang dáng dấp hiện đại, thực sự là những “truyền kì” của thời đại văn minh.

Khi viết tập “Năm khủng khiếp” (1872) Hugo không còn trẻ. Những đau đớn liên tiếp trong đời sống riêng đến với ông lúc về già. Vợ mất năm 1868 và nhà thơ hằng ca ngợi và chiêm ngưỡng các em bé, nay phải chịu cái cảnh mà ông cho là đáng sợ nhất : ông đã mất gần hết những đứa con của mình. Sau Leopondin là cái chết đột ngột của đứa con trai lớn, 1871, còn đứa con gái kế tiếp là Adele còn sống nhưng coi như đã chết vì bệnh điên rất nặng. Sau khi lưu đày trở về Pháp nhà thơ chia sẻ cái lạnh lẻo của một mùa đông khủng khiếp khi Paris đang bị quân Phổ bao vây, rồi chứng kiến không khí chuẩn bị công xã, Hugo lại trở về Bỉ bởi ông cảm thấy dường như giữa thế kỉ và nhà thơ – người dẫn đường có một khoảng cách, một bước hụt. Tuy nhiên, nhìn lại khoảng trống, sự hụt hẫng ấy ngày nay các nhà nghiên cứu vẫn xác nhận rằng các nghệ sĩ văn nhân thời ấy chẳng có ai bù đắp được khoảng trống ấy bằng Hugo, ngay cả khi ông cảm thấy giới hạn của mình, điều mà trước đây ít khi ông  chịu thừa nhận  với tư cách nhà thơ Ánh Sáng :

                   “Trong vòng vây bọn Phổ, về giữa mùa đông Nga ấy

                   tôi chỉ còn là, tôi xin thừa nhận, một ông lão tay không

                   sung sướng được ở Paris cùng tất cả bị giam cầm

                   đôi lúc nhân khi đêm hôm súng nã

                   trèo lên bức tường thành trong bóng tối

                   để có thể đáp rằng tôi có mặt,

                   nhưng không phải là chiến binh.”.

Hugo mua một khẩu đại bác (mua bằng tiền bán tập thơ “Trừng phạt”) để tặng nhân dân Paris, nó được đặt tên là V.H. Khi mới trở về nhà thơ ngậm ngùi tiếc nuối những kỉ niệm phố xá Paris và ngôi nhà cũ, khu vườn đã bị phá đi để dựng lên một Paris đang mở mang đáp ứng công cuộc buôn bán và công nghiệp hoá tư bản chủ nghĩa.

Nhưng khi Paris đứng dậy, Hugo không còn thấy lạ lẫm giữa lòng thành phố. Sự kiện Công xã Paris vượt ra ngoài phạm vi tư tưởng của Hugo, song nếu đặt ông bên cạnh những văn sĩ lớn đương thời như Flaubert, Emin Zola…thì phản ứng của Hugo là phản ứng của Hugo là phản ứng hướng về ánh sáng, dù vầng sáng này cứ “mãi mãi lùi xa”. Khi Hugo từ hòn đảo Jernesy trở về vội vã để đưa đám tang con trai, những người chiến sĩ quần chúng vẫn kéo tới đám tang với thái độ đầy cảm thông và kính trọng nhà thơ : “kèn đồng nổi lên. Quần chúng đợi chờ tôi,(và đám tang) đi qua rồi kêu lên – nền cộng hoà muôn năm!”. Hugo đã tỏ thái độ với vị tướng lãnh đạo Công xã, đã nhường nhà ở của mình ở Bỉ cho những ai bị kết tội ở Pháp phải đi lưu vong. Bọn phản động ném đá và tiến công vào ngôi nhà ông ở Bỉ với khẩu hiệu “Giết chết Victor Hugo ! Giết chết Jean Valjean ! Lên máy chém !”.

Tập thơ “Năm khủng khiếp” minh hoạ bằng thơ  bộc lộ thái độ của Hugo trước hai thử thách lớn của nhân dân: cuộc chiến của dân tộc và cuộc đấu tranh giai cấp. Với cuộc đấu tranh thứ hai, có thể Hugo chưa hoàn toàn hoà nhập được, nhưng trung thành với lí tưởng nhân đạo mà ông hằng ôm ấp, ông đã hiểu được rằng “Công xã là chiếc nôi kì diệu của ngày mai”. Và khi đấu tranh đòi xoá án cho các chiến sĩ Công xã, ông không chỉ quan niệm việc đó là vì tình thương thuần tuý. Ông cho rằng, kết tội họ chẳng khác nào “hỡi quan toà, người kết tội Bình minh”. Ở tập thơ này, hình tượng đứa bé đau khổ – đứa bé đau khổ – đứa bé anh dũng đã là một sự tiếp nối và phát triển so với những em bé của các tập thơ trước (bài “Em bé” trong tập thơ Những câu chuỵên phương Đông).

                     Hình tượng em bé tháng Sáu 1871 (Công xã Paris) :

                      “Trên một chiến luỹ, giữa những hè phố…

                        em nhỏ hỡI, tôi chẳng biết gì

                        giữa trận cuồng phong tràn tới

                        không hiểu vì sao em vào cuộc chiến này

                        song tôi nói : tâm hồn em thơ dại vẫn tuyệt vời”.

Hugo kì lạ như vậy đó ! Với người lớn, với đồng nghiệp Hugo tự xưng “Tôi – Hugo” khiến họ tức điên lên vì thấy ông tự kỉ, nhưng đứng trước các em nhỏ, và các em này đại diện cho “cái có thể sẽ nảy sinh ra, Hugo lại nhận một chỗ đứng thấp hơn.

Cho đến ngày nay, cuối thế kỉ 20, ngưòi ta vẫn cho rằng nếu lịch sử văn học Pháp thiếu thơ của Hugo, chẳng những thiếu một đỉnh cao nhất mà còn thiếu một dải trường sơn đồ sộ nhất. Bởi vì trong thơ Hugo có đủ mọi cung bậc tình cảm, từ triết lí sâu xa đến rung động bình thường nhất, từ ý thức sáng suốt nhất đến những ảo giác gần với thế giới vô thức, từ anh hùng ca, tình ca đến “thơ truyền đơn, thơ mit ting…thơ giờ chót”, thơ đọc lên như đọc báo, từ những nguồn điển cố uyên bác, từ những huyền thoại và chất thơ của Kinh Thánh đến “những điệu hát vùng Bretania – những khúc hát  tình cảm lẳng lơ, những tiếng lóng xù xì thô tục…”.

Kịch của Hugo

Cho đến 1985 (kỉ niệm 100 năm ngày mất Hugo) các vở kịch của ông vẫn được công diễn nhiều lần nhất trên sân khấu châu Âu. Chúng ta hãy trở lại với ba vở kịch mở màn cuộc tấn công của nhà lãng mạn trẻ  tuổi Hugo: Cromwell (1827), Marion De Lormer (1829) và Hernani (1830).

Cho tới thời Hugo, sân khấu vẫn chia ra hai vùng khán giả “sang” và “hèn” khá rõ rệt. Ngay ở địa điểm diễn kịch, một loại phòng dành cho lớp trẻ và công chúng rộng rãi với những vở hài kịch nhẹ nhàng. Còn khán giả quí phái thượng lưu vẫn tự thu mình trong những vở kịch cổ điển diễn ở toà nhà lộng lẫy xây dựng từ thời Louis 14 mang tên “Kịch viện Pháp” (Commédie Francaise). Khi vở “Marion De Lormer” ra đời, chính quyền bảo hoàng ra lệnh cấm vở kịch. Để xoa dịu, mua chuộc Hugo, họ tăng phụ cấp hàng tháng cho nhà thơ gấp ba lần, nhưng nhà thơ trẻ đã từ chối.

Trên sân khấu, Hugo tấn công ba đợt: vở “Cromwell” để đối diện với giới phê bình, vở “Marion De Lormer” đối đầu với chính quyền và “Hernani” để đối thoại với công chúng. Trong bài Tựa vở kịch Cromwell, Hugo bàn về lí luận thể loại drame và chủ nghĩa lãng mạn. Suốt cả thế kỉ, Cromwell không được công diễn nhưng nó vẫn nổi tiếng, chứng tỏ tầm quan trọng về mặt lí luận của nó. Lí luận của Hugo đề cập đến vấn đề tự do, trước hết là trong nghệ thuật. “Tự do trong văn chương là con đẻ của tự do trong chính trị” (Hernani) và đòi hỏi “một sân khấu được giải phóng và một công chúng tự do” (Tựa Cromwell). Khẩu hiệu “đả đảo qui tắc tam duy nhất” chẳng phải chỉ là chuyện văn chương thuần tuý. Engels cho rằng: Hugo đã phân tích khá sâu sắc tâm lí muốn phục hồi kịch cổ điển lúc bấy giờ. “Đối với một gã bảo hoàng chính thống tất là hắn cảm thấy vô cùng khoan khoái khi xem các vở diễn của Racin, để quên đi cuộc cách mạng, quên đi Napoleon và tuần lễ vĩ đại và sự huy hoàng của chế độ cũ lại từ dưới đất mọc lên…”. Chính vì vậy mà Vigny và nhiều nhà lãng mạn khác cho rằng “Vở Cromwell làm cho tất cả  bi kịch của chúng ta già nua đi”. Sự phản ứng hoặc ủng hộ các vở drame của Hugo chính là cuộc đụng độ giữa phái Cũ và phái Mới. Đứng về mặt nghệ thuật, tuy kịch của Hugo sau này không gây được chấn động và không được đánh giá cao như trước, nhưng ở thời điểm xuất hiện nó có ý nghĩa tiên phong và tiến bộ. Vở kịch Marion Delormer in ra thành sách đã khiến chính quyền bị chạm nọc, viên thượng thư bộ nội vụ ra lệnh cấm vở kịch vì sợ hình ảnh Louis13 trong đó sẽ khiến cho tất cả mọi người nhìn thấy đó là sự ám chỉ vua Charles 10, đương kim hoàng đế. Sự ngu ngốc đã thắng thế.

Nhưng ở xứ Pháp, việc cấm đoán của chính quyền lại có tác động ngược lại với công chúng, nó như lời quảng cáo mạnh mẽ cho Hugo. “Trận đánh Hernani” mở màn trong đêm công diễn đầu tiên (15/2/1830) và kéo dài suốt 35 buổi diễn tiếp theo. Đám nghệ sĩ trẻ mặc ghi lê đỏ, đầu tóc rối bù, chen đầy trong nhà hát Kịch viện Pháp như một đội xung kích, hò hét trêu chọc các khán giả đầu hói “Ra máy chém hỡi các đầu hói”!. Trong  buổi công diễn đầu tiên, mọi người không nghe rõ về những câu thơ “tuyệt diệu” lâm li ấy. Nhà văn Balzac chẳng may bị một bắp cải ném vào giữa mặt. Người ta đánh nhau vì những câu thơ cổ điển bị phá vỡ qui cách trên sân khấu, vì nhân vật vua Louis 13 mà lại hỏi giờ “đã nửa đêm chưa?”.

Nhà thơ đã thổi vào vở kịch một luồng bão tố văn xuôi, chà nát những câu thơ cổ điển đã định hình. Ông đã phá vỡ qui tắc “duy nhất” về thời gian và địa điểm trong bi kịch Hi Lạp cổ đại. Qua một đề tài ngoại lai quá khứ, những câu thơ trẻ trung và mãnh liệt hướng về tình yêu. Có thể tóm tắt cốt truyện kịch như sau :

Vở kịch gồm 5 hồi

Sự việc xảy ra ở triều đình Tây ban nha từ thế kỉ 16, trước khi Don Carlos trở thành hoàng đế nước Đức là Charles Cing (Sác-lơ Canh). Don Carlos đeo đuổii nàng Donna Sol, vợ chưa cưới của lão bá tước Rue Gomet, nấp trong tủ áo đúng lúc nàng gặp gỡ với tình nhân là Hernani- một kẻ đã giết cha nhà vua, nay trở thành tướng cướp sống ngoài vòng pháp luật. Don Carlos mở cánh tủ bước ra. Hai kẻ thù-tình địch đang chuẩn bị vung kiếm thì lão bá tước Rue Gomet bất chợt về nhà và nổi trận lôi đình. Vua báo cho lão biết rằng hoàng đế vừa băng hà và mình sắp được kế vị. (Hồi I).

Vì đã nghe lỏm được ngày giờ và mật hiệu đôi tình nhân hẹn nhau đi trốn, Carlos nửa đêm hôm sau định bắt cóc Donna Sol để hớt tay trên của cả hai kẻ tình địch. Nàng đang bị nguy kịch thì Hernani đến kịp. Chàng định thanh toán kẻ thù  nhưng rồi lại tha cho vua để dành dịp khác vì lúc đó y không có vũ khí trên tay và không chịu đấu kiếm. Vua quay về triều, huy động quân lính đến vây bắt tướng cướp (hồi II). Hernani cải trang trốn vào nhà Don Rue Gomet đúng lúc bá tước đang chuẩn bị lễ thành hôn với Donna Sol. Chàng tuyệt vọng. Vua ập đến, bắt Donna Sol đi làm con tin vì bá tước che dấu cho Hernani không chịu nộp cho vua.

 Vua đi khỏi, bá tước định thanh toán kẻ tình địch vì đã biết mối quan hệ tình cảm của hai người. Nhưng Hernani khuyên bá tước hãy hợp lực trả thù nhà vua, rồi trao cho bá tước chiếc tù và, hẹn khi nào trả thù xong, hễ nghe tiếng tù và bá tước thổi lên, chàng sẽ đến để chịu chết (hồi III). Từ một hầm mộ hoàng gia bên Đức, Don Carlos hồi hộp chờ đợi kết quả bầu hoàng đế, trong khi Hernani và Rue Gomet đang chuẩn bị âm mưu đón hạ sát Don Carlos…Ba tiếng súng thần công vang lên báo tin hoàng đế Charles Cing trở thành vua Tây ban nha. Toàn bộ nhóm người âm mưu ám sát hoàng đế bị bắt. Nhưng hoàng đế ra lệnh khoan hồng cho tất cả, lại còn phục hồi chức tước quí tộc cho Hernani và cho phép chàng cưới Donna Sol (hồI IV). Tối tân hôn, Hernani nghe tiếng tù và, bá tước xuất hiện, nhắc chàng giữ lời hứa và chàng đi  nhận lọ thuốc độc. Donna Sol can ngăn không được liền giật lọ thuốc độc uống trước rồi đưa lại cho Hernani uống nốt, bá tước tuyệt vọng, tự sát.

“Hecnanie” là vở kịch đầu tiên được công diễn của Hugo. Đó là cái mốc quan trọng đánh dấu sự toàn thắng của chủ nghĩa lãng mạn đối với chủ nghĩa cổ điển. Các qui tắc ngặt nghèo cổ điển bị phá vỡ. Huỷ bỏ luật tam duy nhất. Xoá ranh giới cứng nhắc giữa bi kịch và hài kịch, giữa cái cao cả và cái thô kệch. Mâu thuẫn chủ yếu trong kịch là mâu thuẫn giữa vua và tên tướng cướp – nhà văn đã cố ý đặt ngang hàng, thậm chí tướng cướp cao thượng hơn vua. Tác phẩm có ý nghĩa chính trị rõ rệt vào lúc sắp nổ ra Cách mạng tháng Bảy 1830.

Vở drame nổi tiếng cuối những năm 30 là vở “Rue Blax” (1838). Vở này được gợi ý từ chính cuộc sống của nhà thơ Hugo. Ông được triều đình Louis Philip sủng ái. Nhà thơ đi lại thân thiết với vợ chồng công tước Orlean – người sẽ thừa kế ngai vàng, ông dọn nhà tới quảng trường hoàng gia tại ngôi nhà xưa là dinh thự của vua Louis 13 (nay là nhà bảo tàng Hugo). Có lẽ sự thăng hoa của số phận cá nhân đã là một cảm hứng để Hugo xây dựng nhân vật chính Rue Blax – một gã hầu phòng thông minh, tài năng trở thành thượng thư đầu tiên của Charles II ở Tây Ban Nha thế kỉ 17. Bên cạnh đó là cảm hứng lãng mạn từ tập “Tự thú” (Confessions) của nhà văn J.J.Rousseau trong đó miêu tả phút giây ngắn ngủi mà một công nương để mắt tới Rousseau, lúc ấy đang làm công cho một vị bá tước, và Rousseau đã gọi đó là giây phút “khiến mọi sự vật phải được xếp đặt đúng với trật tự tự nhiên của nó và trả thù cái giá trị hư hỏng của những sự đảo lộn gây ra bởi của cải”.

Còn nhân vật Rue Blax của Hugo, anh ta không chỉ đạt được tình yêu của một công nương trong giây phút mà đã chiếm lĩnh được hoàn toàn trái tim của hoàng hậu :

                             “Hoàng hậu yêu ta ! Lạy chúa ! chính là ta đó

                                        ta lớn hơn vua bởi mối tình này”.     

Và chẳng phải thu gọn trong lĩnh vực tình yêu: anh đã khiến cho hoàng hậu phải cảm phục vì “một trí óc diệu kì nằm trong đầu chàng đó. Niềm tự hào là vương miện của chàng”.

Nhân vật lãng mạn đành phải chết yểu: Rue Blax tự tử sau khi đành phải thú nhận với hoàng hậu rằng mình chỉ là một gã hầu phòng chứ không phải là ngài quí tộc Don Ceda de Bazant. Thế nhưng cái ảo tưởng lãng mạn của Hugo không mất, hoàng hậu đã đáp lại tình yêu của người hầu phòng bằng tiếng kêu tha thiết: “Rue Blax, em yêu chàng !…” và vở kịch kết thúc ở đó. Trong Lời Tựa, Hugo đã nói rằng câu chuyện rất đơn giản “đó là một người đàn ông yêu một người đàn bà”, song thực tế đấy lại là “một con đom đóm yêu một ngôi sao sáng”. Do đó, vấn đề triết lí của tác phẩm chính là quần chúng đang vươn tới những lĩnh vực cao cả. Lại một âm hưởng của thời đại và lịch sử dội vào vở  drame của Hugo.

Tiểu thuyết của Victor Hugo

NHÀ THỜ ĐỨC BÀ PARIS (Notre Dame de Paris)

Là một nhà thơ lãng mạn, Hugo còn nhiều sáng tạo độc đáo ở lĩnh vực văn xuôi, đặc biệt là tiểu thuyết, thành công chẳng kém gì thơ ca. Hơn thế nữa, bộ phận này còn là một sự bổ sung thể hiện những dự định sáng tạo táo bạo, mới mẻ và thầm kín nhất mà Hugo chưa thể kí thác vào thi ca. Bởi thế ngày nay người ta coi bộ phận tiểu thuyết này là một tựa đề soi sáng toàn bộ sáng tác của Hugo .

Từ sau 1843, khi thể nghiệm với các vở kịch, Hugo đã nhận ra rằng sân khấu không thể là mảnh đất tự do đồng thời cho cả cái thực và cái mộng, quá khứ và hiện tại, cái lịch sử và cái riêng tư…Hugo đã chuyển hướng sang tiểu thuyết, nơi tin rằng có thể thực hiện được tối đa “điều không thể có”.

Thiên tài của Hugo chính là ở chỗ, trên lĩnh vực tư tưởng và nghệ thuật, ông vừa là hiện thân của thời đại, vừa phản ứng lại thời đại. Tiểu thuyết của Hugo chứa chất nhiều yếu tố quen thuộc của tiểu thuyết trước và sau giai đoạn lãng mạn. Với tư cách là một cá tính sáng tạo, ông đã giữ khoảng cách với những mẫu mã cũ kĩ của thị hiếu, những lốI mòn sáo trong thị hiếu độc giả. Những nét ấy đã ăn sâu trong tiểu thuyết thế kỉ 19 ở phương Tây đồng thời cũng khá phổ biến ở phương Đông. Bởi thế, vượt lên trên cả thơ ca tiểu thuyết của Hugo đặc biệt là “Nhà thờ Đức bà Paris” (Notre  Dame de Paris) và “Những người khốn khổ” (Les Miserables) được bạn đọc ngày nay trên toàn thế giới yêu thích mà ít có tác phẩm nào sánh kịp.

Cũng như bà De Stan, Hugo đã viết trong một tiểu luận về nhà văn nước Anh Walter Scott: “Tiểu thuyết là một thể loại ưu việt”. Do sự tinh tế của tâm hồn, do tính sâu xa phức tạp của tư tưởng và triết lí, do mối dày vò và băn khoăn trước một thực tế hai mặt đang biến động, và nhất là trước số phận của con người, Hugo vừa tận dụng sức hấp dẫn của kịch tính, những cái ngẫu nhiên bất ngờ và những tình tiết li kì để dẫn tới đỉnh điểm kết thúc; đồng thời đưa bất ngờ và những tình tiết li kì để dẫn tới đỉnh điểm kết thúc ; đồng thời đưa vào đó đóng góp của một thiên tài lãng mạn. Đó là những nhân vật không hoàn toàn rạch ròi giữa ba tuyến “nạn nhân – kẻ hung bạo – vị cứu tinh” mà hoàn toàn đã mang tính phức tạp, không nguyên phiến.

Nét thứ hai là chọn một kết thúc gần với tiểu thuyết hiện đại theo đúng nghĩa của nó, là một kết thúc không rạch ròi, không có hậu như truyền thống.

Nét thứ ba, là một chất thơ, chất suy tư sâu thẳm nằm trong những hình tượng nhân vật gần với biểu tượng hơn là điển hình, nằm trong một thứ văn xuôi mọc cánh và nằm trong những chương bình luận ngoại đề.

Với những kích thước khác nhau và ngăn cách bởi một khoảng thời gian khá dài và đầy biến động, hai cuốn “Nhà thờ Đức bà Paris” và “Những người khốn khổ” là hai cột mốc tiêu biểu cho hai giai đoạn trước và sau những năm 1848 –1852.

Trước khi lưu đày, tiểu thuyết Hugo đặc biệt nổi tiếng với kiểu tiểu thuyết lịch sử, trước hết là cuốn “Nhà thờ Đức bà Paris” (1831). Tóm tắt cốt truyện như sau :

Câu chuyện được đặt trong khung cảnh Paris thời Trung cổ. Esmeranda là một cô gái dân tộc Bohemien xinh đẹp, không cha không mẹ, làm nghề nhảy múa rong và bói toán để kiếm sống. Đi theo cô lang thang khắp nơi là một con dê nhỏ thông minh tên Djaly. Claude Fraulot là phó giáo chủ Nhà thờ Đức bà say sưa ngắm nhìn cô giá Esmeranda biểu diễn trên quảng trường trước cửa nhà thờ và nuôi ham muốn tộI lỗi. Hắn ra lệnh cho Quazimodo – gã kéo chuông nhà thờ, vốn xấu xí dị dạng có sức khoẻ kì lạ đi bắt cô vũ nữ lang thang . Sự việc bất thành vì tình cờ viên đạI uý độI cận vệ là Foebus De Japtope giảI thoát kịp thời cho cô vũ nữ. Sau tai nạn Esmeranda đem lòng yêu viên đạI uý quí tộc Foebus, còn y đến với cô như một tình yêu trăng gió (…). Còn gã kéo chuông nhà thờ thì bị kết tội, chịu đựng hình phạt đưa lên đài bêu. Anh xin mọi người đứng xem một nguộm nước nhưng ai cũng dửng dưng. Chỉ có Esmeranda thương hạI con người khốn khổ – dù gã đã từng bắt cóc hụt nàng – cô trèo lên chỗ anh bị hành hình cho anh uống nước. Từ đó, anh Quazimodo không còn say mê mấy cái gác chuông của mình nữa, nhiều lúc thẫn thờ đứng trên lầu cao hướng con mắt buồn rầu, âu yếm theo dõi cô vũ nữ ngoài quảng trường. Phó giáo chủ rắp tâm theo dõi để trả thù Esmeranda . Dò biết cô có hẹn hò với Foebus ở một quán rượu, Fraulot đến chỗ hẹn đâm trọng thương Faubus rồi bỏ trốn. Esmeranda bị bắt, rồi bị kết tộI “giết người và làm trò phù thuỷ”. Fraulot vào nhà giam đề nghị cô trốn theo hắn nhưng bị cự tuyệt. Giữa lúc Esmeranda đang bị lên giá treo cổ giữa quảng trường, chàng gù Quazimodo xông lên đoạt cô trong tay đao phủ, vác chạy vào nhà thờ đưa vào phòng riêng cuả mình. Quazimodo săn sóc cô bằng tấm lòng yêu thương và tâm hồn cao thượng. Anh bảo vệ cô vũ nữ chống lại đám quần chúng nghèo khổ vì hiểu lầm kéo đến bao vây nhà thờ hòng giảI vây cho cô vũ nữ. Anh lại phải che chở cô thoát khỏi bàn tay ghê tởm của tên phó giáo chủ.

Vẫn bị nàng vũ nữ cự tuyệt, phó giáo chủ liền tìm cách đẩy cô vào tay một mụ tu sĩ ở ẩn khốn khổ vốn căm thù người Bohemien trước đây đã ăn cắp đứa con gái của mụ cũng trạc tuổi Esmeranda bây giờ. May mắn thay, người mẹ khốn khổ ấy đã kịp nhận ra cô vũ nữ chính là con mình. Lính tráng theo sự chỉ dẫn của Phó giáo chủ kéo đến bắt cô vũ nữ đưa đi giá treo cổ. Fraulot đứng trên gác chuông nhà thờ theo dõi cuộc hành hình. Nhìn thấy tên đạI uý quí tộc Foebus đứng bên một phu nhân nhìn nàng mà cười, Esmeranda cảm thấy đau đớn tuyệt vọng. Quazimodo theo sát phó giáo chủ, khi thấy y nở nụ cười ma quái, anh nổ cơn giận dữ điên cuồng đẩy y nhào xuống qủang trường, kết liễu đời tên gian ác. Từ hôm đó, không ai thấy Quazimodo đâu nữa. Hai năm sau, người ta tìm thấy trong hầm mộ bộ xương người kéo chuông nằm ôm chặt bộ xương của nàng vũ nữ Esmeranda .

Cuốn tiểu thuyết này không hẳn là một tiểu thuyết lịch sử nếu xét kĩ, nhưng cho tới nay mọi người đều thừa nhận rằng Walter Scott (nhà văn viết tiểu thuyết lịch sử Anh) đã để lại một ảnh hưởng lớn đối với các nhà lãng mạn khi đề xướng khuynh hướng lịch sử cho tiểu thuyết thế kỉ 19, và  biến nó thành một ẩn dụ, một phỏng đoán về cuộc sống hiện tại, trong khi những người như Hugo chưa đủ điều kiện khách quan để lí giải những bí ẩn của hiện tại. Bởi thế, dù Hugo đã rất tốn công sức trong việc sưu tầm những tài liệu lưu trữ về thế kỉ 15 (tài liệu về Nhà thờ Đức bà Paris thời đó) dù những hiểu biết về nghệ thuật, văn hoá quá khứ của ông thực sự uyên bác thì cũng không ai đánh giá cao về sự chính xác của tư liệu lịch sử của tiểu thuyết. Hơn thế nữa, nhà nghiên cứu văn học Lukacs còn cho rằng tính lịch sử bị thiếu hụt là do chỗ Hugo sử dụng lịch sử để hoá trang những suy nghĩ chủ quan về đương thời.

Trước hết là những suy nghĩ về quần chúng như một sức mạnh huyền bí và nhà lãng mạn những năm 30 liền cảm thấy ngay giới hạn của họ: mù quáng và ít nhiều thụ động trước một lực lượng còn tối tăm và mù quáng hơn họ, đó là Janarkh (định mệnh). Quần chúng, đó là Quazimodo dị dạng, câm lặng, không thể nào diễn đạt được ý nghĩ của mình, đó là những người ăn mày lở loét què cụt, là những lưu manh, là cô gái Bô-hê-miêng lang thang không tên tuổi (Esmeranda chưa phải là một tên tuổi), đó là nhân loại còn ở “giai đoạn ấu trĩ”, đầy bản năng, hung hãn nhưng bỗng chốc có thể hé ra vẻ đẹp sáng ngời dướI lần vỏ xù xì xấu xí của mình không phải chỉ vì muốn phục hôi lại quang cảnh của quá khứ mà Nhà thờ Đức bà Paris bị ám ảnh bởi mô-típ đám đông. Họ đặc biệt xuất hiện ở cảnh « Ngày hội những người điên » với những trò vui của hội quá trang, cảnh công chúng chứng kiến Quazimodo bị đưa lên đài chịu cực hình và cảnh đám lưu manh tấn công nhà thờ Đức bà. Trên quảng trường, vào thời điểm hội hè Cacnavan, vào những giây phút đảo lộn trật tự thông thường ấy, anh Hề – gã làm trò mới có sự chuyển vai đặc biệt : Quazimodo trở thành Giáo hoàng và Esmeranda trở thành Ánh Sáng, thành Ngọn lửa, thành nàng tiên kì ảo. Vào những phút giây chịu cực hình, Quazimodo và Esmeranda, dù vẫn ít nhiều mù quáng và ấu trĩ như công chúng, cũng đã biến đổi chính mình và có khả năng thức tỉnh cả công chúng nữa. Giọt nước mắt lần đầu tiên chảy trên gò má nứt nẻ của Quazimodo và giọt nước mắt đầy tình thương mát lành của Esmeranda đã khiến công chúng hét lên : Noel ! Noel ! Đài giảo hình dựng cho anh gù và Esmeranda chẳng phải chỉ là hình ảnh của thời trung cổ mà còn là một biểu tượng về sự hi sinh của quần chúng trong một cuộc cách mạng chỉ vừa mới xảy ra mà thôi. Nhà thờ Đức bà Paris – cuốn sách bằng đá, chị em sinh đôi của những khúc dân ca – sẽ dần dần bị thay thế bằng cuốn sách bằng giấy “cái này sẽ giết chết cái kia…Báo chí sẽ giết chết nhà thờ…Mọi nền văn minh đều bắt từ thần trị và kết thúc bằng dân chủ” .Đó chính là kinh nghiệm xương máu của những thế kỉ đã qua và của thời đại Hugo. Quần chúng vẫn còn đi đến những kết thúc bi đát, nhưng sức mạnh của họ tiềm tàng và bí ẩn cùng với thời gian, họ là kiến trúc và thợ nề của tất cả.

Những hình tượng ở đây gần với những siêu mẫu (archétype) của văn học dân gian hơn là gần với biểu tượng. Chúng ta người Việt Nam thấy phảng phất trong bóng dáng Quazimodo, và kết thúc câu chuyện, hình ảnh mối tình mà cái chết cũng không thể chia rẽ (khi người ta muốn kéo gỡ bộ xương Quazimodo ra khỏi bộ xương y ôm, thì nó vụn ra thành bụi, vừa gần với chuyện tình dân gian Pháp “Tristan và Yseult” vừa gần gũi với huyền thoại Trương Chi và truyện Trầu Cau). Sự đan chéo những yếu tố bi-hài, cái đẹp – cái dị dạng cũng là một nét độc đáo. Cái kết thúc của thiên tình sử vừa bi đát, vừa hài hước, bên cạnh đám cưới của Foebus đại uý quí tộc là “đám cưới” của Quazimodo và Esmeranda, họ chỉ có thể gặp nhau dướI nấm mồ. Mỗi nhân vật là một sự hài hước bi đát. Nhân vật hoạ sĩ Pierre Gringoie là sự thất bại của ảo mộng trước nhu cầu vặt vãnh của đời sống. Quazimodo cũng là một loại đom đóm yêu một vì tinh tú, sự thiếu hài hoà của anh chẳng những khiến người đàn bà mà cả những con người trần thế chẳng thể chấp nhận được. Lão linh mục Fraulot là sự bất hoà giữa khổ hạnh và thèm khát. Foebus gã  sĩ  quan quí  tộc là sự đối lập giữa vẻ đẹp bên ngoài và sự xấu xa, trống rỗng bên trong.

Mỗi nhân vật ấy lại là biểu tượng về những giới hạn mà bản thân Hugo đã thể nghiệm về cá nhân mình và con người nói chung, bởi thế, những nhân vật của Hugo  không phải hoàn toàn chết cứng, trừu tượng mà đã có được sự sống và phức tạp trong đó. Nhờ đó mà cho tới nay, dù trào lưu lãng mạn đã qua, thời Trung cổ của phương Tây càng trở nên xa xôi hơn bao giờ hết đối với độc giả nhiều nước, “Nhà thờ Đức bà Paris” vẫn là một cuốn truyện được dịch và đọc nhiều nhất trên thế giới với tất cả vẻ ngây thơ, tươi mát và tình yêu con người tràn ngập trong đó.

Tất cả những tính chất trên đây của “Nhà thờ Đức bà Paris” cùng với nhiều cuốn tiểu thuyết khác của Hugo được bộc lộ trọn vẹn và đặc sắc nhất trong kiệt tác “Những người khốn khổ” (Les Miserables).

NHỮNG NGƯỜI KHỐN KHỔ 

(Les Miserables  1823-1861).

(Trước Cách mạng tháng Tám tiểu thuyết được dịch tiếng Việt với tựa đề “Những kẻ khốn nạn”)

Ban đầu, Hugo viết đề cương của tiểu thuyết, gồm 4 phần :

Phần 1 : chuyện một ông thánh.

phần 2 : chuyện một người đàn ông.

phần 3 : chuyện một ngưòi đàn bà.

phần 4 : chuyện một con búp bê.

Cuối cùng, đề cương chính thức được đổi thành 5 phần như sau :

1 Phần thứ nhất : Fantine 

2 Phần thứ hai : Cosette

3 Phần thứ ba : Marius

4 Phần thứ tư : Tình ca phố Plumet và Anh hùng ca phố Saint Denis

5 Phần thứ năm : Jean Valjean.

                                    MỘT SỐ NHÂN VẬT

  • Jean Valjean (đặt theo tên một vị thánh) anh thợ làm v ườn xứ Faverolles
  • Myriel “Bienvenu” (người được hoan nghênh) ở quận Dignet
  • Jean đến xứ Pontarlier quận Montreui với tên mới Madelaine
  • Lão Fauchelevent đánh xe ngựa, quận Montreui
  • Javert cảnh sát nhà tù Toulon, quận Montreui, sau đến Paris
  • Lão Champmathieu bị bắt ở xứ Arras vì  bẻ trộm một cành táo có nhiều trái, nhưng bị kết án chung thân khổ sai với cái tên “Jean tái phạm”.
  • Fantine, gửi con Cosette (con bé sơn ca) ở thị trấn Montfermeil quán cơm của vợ chồng Thenardier có hai con gái Eponine và Azelma.
  • Jean gặp lão Fauchelevent ở một nhà thờ nhỏ Saint Antoine, được đặt là Ultime F-em. Hai cha con nương náu ở đó.
  • Lão Gillenormand năm 1831 đã quá 90 tuổi, tư sản già nua hầu tước cũ , bảo hoàng, ghét 1789, giành nuôi đứa cháu ngoại vì doạ tước bỏ thừa kế của con rể – đại tá Pontmercy mà  vợ chết ngay khi sinh. Vì nghèo, thương con trai nên đành chịu thua lão. Lão sống với cô gái già 50 và cháu ngoại Marius.
  • Đại tá Pontmercy có công ở hai trận Auterlitz vàWaterloo(18.6.1815) được Napoleon phong đại tá và danh hiệu nam tước. Khi hấp hối mới được lão cho gặp Marius, để lại di chúc danh hiệu thừa kế và lời dặn trả ơn trung sĩ Thenardier.
  • Khi cha bị xỉ nhục, cậu hô “đả đảo bè lũ Bourbons và con heo mập Louis 18” (đã chết trứơc đó 4 năm). Xung đột ông cháu, bị đuổii cậu đi về khu phố Latinh tìm nơi trọ. Làm việc và học luật, thạo tiếng Anh và Đức, tốt nghiệp, làm việc in ấn tại một hiệu sách.
  • Các bạn của Marius: Courfeyrac, Lesgle, Combeferre, Enjonbras…trong hội bí mật ABC lãnh đạo cuộc khởi nghĩamParis1832.
  • Montparnasse, lưu mạnh
  • Đường Saint  Denis, chiến luỹ, bản anh hùng ca năm 1832.
  • Đường Plumet – nơi tạm trú của Cosette, bản tình ca của Marius và Cosette .

Tóm tắt tác phẩm :

1 – Jean Valjean là một thanh niên nghèo làm nghề xén cây, cha mẹ đã mất chỉ còn người chị goá chồng nuôi bảy cháu nhỏ. Mặc dù đã lớn tuổi, Jean chưa lập gia đình, anh mãi làm lụng giúp chị nưôi đàn cháu. Gặp phải lúc thất nghiệp, anh buộc lòng phải ăn cắp một số bánh mì cho lũ cháu đang đói. Bị bắt và kết án năm năm tù khổ sai. Sau bốn lần vượt ngục không thành, án tù tăng dần đến con số 19 năm. Mãn hạn tù Jean mang giấy thông hành màu vàng dành cho phần tử công dân nguy hiểm (có tiền án), nên đi đường tới đâu cũng bị nghi ngờ, hắt hủi. TrờI tối, đương lúc thất vọng, đầu óc quay cuồng chán nản, anh ghé vào nhà thờ của giám mục Miryen địa phận Dignet là người nhân từ độ lượng đã đối xử tử tế với anh, lại còn tha thứ cho anh tộI ăn cắp đồ vàng bạc cuả nhà thờ. Khi rờI khỏiinhà thờ lần thứ hai anh lại phạm tộI tước đoạt  một đồng bạc của thằng bé Gecve lang thang. Hình ảnh đứa bé đứng khóc nức nở, sợ hãi tiếc rẻ hồI nãy đã thức tỉnh lương tâm anh, gợI nhớ cuộc đời lao động nghèo khó xưa kia, và những đứa cháu tội nghiệp…cùng với mẹ chúng nay đã thất tán không rõ ai còn ai mất. Anh hốI hận đi tìm thằng bé Gecve nhưng nó đã đi xa hút. Nhớ li hành động hào hiệp lạ lùng của đức giám mục Miryen đối với anh, Jean rùng mình như ngưòi lột xác. Anh quay lại trước cửa nhà thờ quỳ gối, xưng tội và cầu nguyện suốt đêm…Rồi anh ra đi, về phía tỉnh Mont’reui.

2- Đến Mont’reui, gặp và cứu một đám hoả hoạn, Jean được làm giấy thông hành mang tên mới : Madelaine. Sử dụng bí quyết sản xuất thuỷ tinh đen (hạt huyền) dùng làm đồ trang sức mà một ngưòi bạn tù đã dạy cho anh, Jean  mở nhà máy sản xuất hạt huyền , thu nạp công nhân trong vùng. Kinh doanh phát đạt, ông ra sức làm công việc từ thiện : mở trường học, xây nhà thương miễn phí cho dân nghèo. Được dân bầu làm thị trưởng thành phố Mont’reui. Trong xưởng máy của ông có một người thợ tên là Fantine.. .

Fantine vốn là cô thợ khâu ở thành phố Paris, bị Tolomiette một gã quí tộc lừa tình, khi có mang, cô bị ruồng bỏ. Đẻ một đứa con gái, đặt tên Cosette, đem gởi một quán trọ của vợ chồng Thenardier ở thị trấn Montfermeil nuôi. Trở lại Paris kiếm sống nhưng…  rồi tìm về thành phố Dignet xin vào làm ở xưởng thuỷ tinh của ông Madelaine, sau khi vì cạn tiền phải bán răng, bán tóc gởi cho con…Mụ giám thị khắc nghiệt đanh ác khi biết chị đã có con hoang liền đuổi chị khỏi xưởng may. Fantine đành phải đi làm gái điếm. Khi chị ốm nặng, lại bị Javert bắt giữ, Jean mới biết, đưa chị về nhà chữa trị, săn sóc và hứa sẽ chăm sóc Cosette . Cảnh sát trưởng Dignet là Javert luôn luôn nghi ngờ và rình rập ông Madelaine vì hắn nghi ông là tên tù khổ sai Madelaine phạm tội cướp đồng bạc của thằng bé Gecve năm xưa.

3 – Jean Valjean ra toà án tự thú để cứu Champmathieu – một người nông dân bị bắt oan vì hình dạng giống Jean . Lần thứ hai vào tù, Jean lại tìm cơ hội bỏ trốn đi tìm Cosette ở thị trấn Montfermeil, chuộc Cosette ra khỏi quán cơm của vợ chồng gã lưu manh Thanardier… Hai cha con sống lén lút âm thầm ở Paris suốt 10 năm trong một nhà thờ  nữ tu. Ông vẫn bị tên mật thám Javert  rình mò tìm kiếm… Cosette lớn lên trở thành thiếu nữ xinh đẹp, quen biết và yêu Marius, chàng sinh viên quí tộc từ bỏ ông ngoại sống độc lập.

Cuộc khởi nghĩa năm 1832 bùng nổ ở thủ đô Paris. Cuộc chiến đấu của các chiến sĩ cộng hoà diễn ra ác liệt. Bên cạnh những sinh viên ưu tú như Combeferre, Enjonbras… có tấm gương hi sinh dũng cảm của cụ già Mabop, chú bé bụi đời Gavrochee…, Jean cũng lên chiến luỹ, đứng về phía các chiến sĩ chống lại nền Đế chế của Louis Philip, vừa là do vô thức vừa muốn bảo vệ Marius con rể tương lai của ông, ông tha chết cho Javert. Cuộc khi nghĩa thất bại, ông cứu được Marius, đưa trả về nhà ông ngoại chàng. Ông bị Javert bắt lại, Javert buông tha ông và y nhảy sông tự vẫn.

Đám cưới Marius và Cosette. Ông già Jean Valjean càng cô đơn và gặp nhiều nỗi đau khổ dằn vặt nhưng  vẫn ra sức vun đắp hạnh phúc cho con gái nuôi hồn nhiên, ngây thơ. Cuối cùng ông ngã bệnh và chết trong bàn tay hai đứa con khi chúng hối hận đã muộn màng.

Hơn một trăm năm đã qua kể từ khi bộ tiểu thuyết “Những người khốn khổ” được “khởi thảo bởi một người tù và hoàn thành bởi một vị nguyên lão”. Sau nhiều năm bị ngắt quãng gián đoạn bởi cuộc lưu đày, như một cái chai ném ra giữa “đại dương con người” chứa lời tiên tri về những khát vọng và về một xã hội tốt đẹp hơn, trở thành bức thông điệp mà ngày nay thế giới tiếp tục vươn lên và đón nhận.

Người ta đã có nhiều cách nhận xét khác nhau về bộ tiểu thuyết đồ sộ này. “Bộ tiểu thuyết nhân dân”, “anh hùng ca của những người bình thường”, “một tiểu thuyết sử thi”, “tiểu thuyết luận đề”, “một cuốn tiểu thuyết Ánh sáng”, “sử thi triết lí”, “tiểu thuyết lịch sử”, “tiểu thuyết lãng mạn”, “tiểu thuyết hiện thực”, thậm chí “một tác phẩm mênh mông”.

Cuối cùng các nhà nghiên cứu thấy rằng tất cả mọi yếu tố đó đều chung sống trong bộ tiểu thuyết này, và Hugo đã làm cái việc “hoà lẫn mọi thứ anh hùng ca thành một thứ anh hùng ca ưu việt”.

Cũng như các cuốn truyện trước, Hugo khai thác thành công loại tiểu thuyết nhiều kì đăng báo rất bình dân và rất ăn khách. Sơ đồ tiểu thuyết đăng báo thường gồm mối liên hệ giữa bốn hình tượng sau (A: kẻ bị loại bỏ, B: đối tượng của tình yêu; C: kẻ nắm quyền lực; D: kẻ hung đồ ).

Cấu trúc như trên là motif của loại tiểu thuyết đen và loại kịch melodrame quen thuộc ở Pháp. Với Hugo, sơ đồ trên bị phá vỡ và xáo trộn. Trong Jean Valjean có cả A lẫn D (ở những thời điểm khác nhau) và Fantine, Thenardier, Eponine, Azenma… cũng vậy. Trong Cosette có cả A (thuở nhỏ) lẫn B, Javert vừa là C vừa là D. v.v…”Ánh sáng” và “Bóng tối” lúc đầu tưởng như phân định rạch ròi, cũng không hoàn toàn như vậy ở các giai đoạn kế tiếp.

Mỗi một nhân vật lại chứa trong mình cả một sơ đồ cốt truyện loại khá : câu chuyện Cosette giống một truyện tiên kể cho các em nhỏ (có cả quỉ và cả bà tiên là Jean, có hoàng tử thức tỉnh mùa xuân của hằng nga Cosette ở vườn Luxamburg là Marius…). Mối tình Marius – Cosette là một thiên tiểu thuyết diễm tình tiêu biểu, cũng như truyện Fantine – người con gái bị quyến rũ và bị phụ bạc, mẹ của đứa con hoang, là cốt truyện kiểu melodrama.

Thế nhưng, nếu chỉ có vậy thì “Những người khốn khổ” chỉ là sách bán chạy của một thời ; Tiểu thuyết còn chứa cả một tương lai mơ hồ hé qua chân trời tối sầm lại của “một chiến luỹ”, và những suy tưởng, những cơn “bão tố nổ ra trong đầu”, trong lương tri của nhà nghệ sĩ lớn Hugo. Những thắt nút những đòn bất ngờ, những tình tiết hỗn hợp xoay quanh vận mệnh của các nhân vật và “nhân vật trung tâm” thực ra là  những phố xá lan man của Paris “theo đường bay của chim cú”, tu viện, cống ngầm, dòng sông Sein đều có điểm gặp gỡ: những chiến luỹ của “bản anh hùng ca phố Saint Denis và nhiều cuộc khởi nghĩa khác (1832, 1848) từ tài liệu sử sách và cả những điều nhà văn tai nghe mắt thấy. Những cảnh khốn cùng, những người khốn khổ đều là những nhân vật có gốc tích mà nhà văn gặp trên đường đời.

 “Cuốn sách này là một tấn bi kịch mà nhân vật đầu tiên là vô biên. Con người là nhân vật thứ hai”. Lời tuyên bố của tác giả tuy có làm rõ thêm tính triết lí của cuốn sách cũng không thể xoá bỏ luận đề xã hội mà cuốn sách nêu ngay từ trang đầu :

“Khi pháp luật và phong hoá còn đày đoạ con người, còn xây nên những địa ngục ở giữa xã hội văn minh và đem một thứ định mệnh nhân tạo chồng chất lên trên thiên mệnh…”

Với tư cách là một tác phẩm lãng mạn, bộ tiểu thuyết chủ yếu vẫn là khẳng định thế giới lí tưởng của nhà văn nhưng không thể thiếu những phần phê phán xã hội. Cuốn sách được viết khi trào lưu hiện thực chủ nghĩa đang dần thay thế cho trào lưu lãng mạn, bởi vậy tác phẩm đã xen kẽ nhiều yếu tố hiện thực. Những nhân vật như Jean, Fantine, Cosette, Gavrochee, Azenma… không có tên hay là một lai lịch rõ ràng, “đừng hỏi tên họ của một kẻ đi xin chỗ trú thân, Jean muốn có một cái tên đáng kính thì phải ăn cắp (ba lần), cho dù cần một cái tên giả để làm việc thiện. Và cuối cùng ông thú nhận cùng Marius “Để sống, xưa kia tôi đã phải ăn cắp một cái bánh, bây giờ để sống tôi không muốn ăn cắp một cái tên, tên tôi chính là Tôi”. Quả vậy, xã hội tư sản mang lại quyền sở hữu ”cái tôi” chỉ cho những ai có sở hữu tiền bạc. Cùng với họ tên, là vấn đề gia đình, Jean nói với Marius “tôi chẳng thuộc gia đình nào, thế đấy. Tôi chẳng thuộc gia đình của ông. Tôi không thuộc về gia đình của con người (…). Tôi là kẻ khốn khổ, tôi ở bên ngoài”. Do vậy, những nhân vật khốn khổ của Hugo chưa thể gọi là những “điển hình” (tức là mang tính cá biệt), song vẫn có một ý nghĩa xã hội, họ là những “siêu mẫu” của tiểu thuyết hiện đại, (gần gũi với điển hình A.Q của Lỗ Tấn, Chí Phèo của Nam Cao hoặc với những nhân vật đánh mất tên tuổi trong tiểu thuyết Kafka thế kỉ 20 sau này). Không phải ngẫu nhiên mà trình tự câu chuyện gồm 5 phần mà hai phần đầu lại mang tên Fantine (I), và Cosette (II) trong đó Cosette sẽ còn sống tới cuối truyện (phần V). Còn nhân vật Jean xuất hiện một mình ngay từ đầu lại dành đặt tên cho phần chót. Ba nhân vật Fantine, Cosette, Jean Valjean mang âm hưởng đặt vấn đề, nêu câu hỏi. Jean từ khi chưa gặp giám mục Myrien là một bằng chứng phản đề cho giải pháp tình thương, để sau đó cuộc sống của anh như một lời chuộc tội, một đức tính cứu rỗi con người.

Là một thứ chủ nghĩa khai sáng, với bệnh viện mở cho người nghèo, với niềm tin rằng “sách là người bạn đáng tin cậy”, với những “ốc đảo không tưởng” của Madelaine giữa bãi sa mạc đại hạn tình thương là cái xã hội người bóc lột người. Với hình tượng Myriel, được tiếp nối ở hình tượng ông thị trưởng Madelaine, với dư âm khúc hát về Voltaire và Rousseau của chú bé Gavrochee, cái cách mạng tưởng như không liên tục ấy, tất cả nói lên chủ nghĩa khai sáng như một hoài vọng mà Cách mạng tư sản không thể biến nó thành hiện thực và rất gần với những ảo tưởng về cuộc đời sự nghiệp của nhà xã hội không tưởng Owen.

Chiều hướng thứ ba trong kết cấu tác phẩm có thể mập mờ hơn nhưng đã được nhà thiên tài lãng mạn dự cảm thấy trong những chương như “Hé sáng rồi lại tối sầm” (phần thứ 5) khi chiến luỹ rơi vào cảnh tuyệt vọng, nhưng một tiếng nói “từ trong khoảng tối tăm nhất” vang lên thay đổi cả chiến luỹ. Theo Hugo đó là tiếng nói của một người thợ không ai biết tới, một người vô danh, một kẻ bị quên lãng, một người qua đường anh hùng, cái kẻ vô danh vĩ đại luôn luôn hoà vào những cuộc khủng hoảng của loài người và những cơn thai nghén của xã hội, vào những giây phút quyết định, họ nói lên lời tối hậu quyết định nhất, và tan biến vào bóng tối sau khi đại diện trong giây phút, giữa ánh sáng chớp loè, cho nhân dân và Đức Chúa”.

Qua hình tượng của nhân vật, chúng ta thấy kích thước của tương lai xuất hiện qua Gavrochee – chú bé tiên đồng bất tử – bởi trong cái chết của chú không có chết chóc mà chỉ là “ cái linh hồn bé bỏng và vĩ đại ấy đã bay đi”. Hai đứa em bị bỏ rơi sau khi chú chết, đứa lớn dắt đứa bé, “làm anh rồi lại làm cha”. Kết thúc là cảnh thằng anh vớt bánh của con thiên nga dưới hồ lên, đưa cho em ăn với câu nói giống hệt Gavrochee hồI trước “Này, tọng vào nòng súng đi”. Ngôn ngữ của Gavrochee, ngôn ngữ của thời đại không chết với Gavrochee mà đang tái sinh ở những đứa bé anh hùng. Cảnh này trùng điệp cảnh kia như điệp khúc, dư ba của bản giao hưởng anh hùng.

Bạo lực Ôn hoà, Cách mạng Tình thương không còn là một thứ ánh sáng phân đôi, mà đan chéo, hoà quỵên và giằng xé ngay trong lòng một nhân vật lí tưởng như Jean Valjean -nhân vật trung tâm thể hiện những ảo tưởng lãng mạn biến cải thế giới bằng tình thương – đã có lúc lên chiến luỹ chỉ vì lo hạnh phúc riêng tư của con gái Cosette, nhưng nhà văn vẫn dẫn con người lí tưởng của mình tới chiến luỹ của  những người Cộng hoà chứ không phải của quân chính phủ. Còn khi Anjonras phải thay bạn nhằm bắn một tên quốc dân trông giống hệt đứa em trai bạn thì “một dòng nước mắt long lanh chảy trên gò má lạnh như đá của anh”. Mối băn khoăn giày vò giữa “ánh sáng đen” và “ánh sáng trắng” từ tác giả thấm vào nhân vât vẫn là câu hỏi ám ảnh những tiểu thuyết và thơ sau này như “Chín mươi ba” và “Năm khủng khiếp”.

Trong toàn bộ bản giao hưởng có “tiếng sắt tiếng vàng” chen nhau, tìm hiểu âm hưởng chủ đạo của nó, ta không thể chỉ rút ra những kết luận của Hugo ở những đoạn bình luận ngoại đề (dù ở chỗ đó nhà văn phát biểu trực tiếp quan điểm của mình), mà đối với tiểu thuyết, ta vẫn phải xét nhân vật trung tâm trong mối liên hệ với các nhân vật khác, đặc biệt là các nhân vật tích cực, sự đan chéo giữa hai tuyến bạo lực – tình thương, và sự phân thân của từng nhân vật. Ở tác phẩm của nhà văn lãng mạn này, hình tượng rộng hơn tư tưởng

Về mặt ngôn từ, “Những người khốn khổ” vẫn tồn tại những ý kiến đánh giá trái ngược: đó là giá trị của những đoạn, chương trữ tình ngoại đề mở rộng với kích thước khác thường so với các tiểu thuyết khác. Có người phản ứng vì tính chất giáo huấn khá lộ liễu của nó, trong khi đó những độc giả bình thường khi theo dõi cốt truyện chẳng ai thích đọc những đoạn, những chương này. Tuy nhiên, tính chất giáo huấn đã nhiều khi nhường chỗ cho cảm hứng và suy nghĩ dằn vặt của nhà văn trước một chủ đề nhất định, đó là Lịch sử, và nó là một câu hỏi hơn là một sự khẳng định võ đoán; Có những lúc nó lại mang chất thơ cho tiểu thuyết ; ví dụ những đoạn viết về Paris, về nhà tù, lan man những hoài niệm đang xuất hiện trong đầu người kể chuyện hướng về tổ quốc trong những ngày lưu đày.

Bên cạnh đó, trong tiểu thuyết, nhà trữ tình vẫn phải xoá nhoà hình ảnh mình đi rất nhiều. Ở đây do sức chứa rộng lớn của cuốn sách, do đề tài và nhân vật huy động tới từ những bậc cao tới tận dưới đáy xã hội, ta thấy cất lên tiếng nói đa âm trong cuốn tiểu thuyết. Từ giọng điệu của những lão già bảo hoàng như lão Gillenormand (ông ngoại Marius) đến giọng nói dõng dạc của luật pháp (không chỉ qua miệng thanh tra Javert mà đan cài vào giọng của người kể chuyện qua nhiều vụ án và ngược lại cũng là giọng điệu mỉa mai). Giọng của các cô thợ trẻ vô tư lự, tiếng lóng của những kẻ sống theo luật giang hồ, đối thoại của sinh viên, những điệu đồng dao, điệu hát dân ca và bài ca cách mạng đi thẳng vào văn bản qua miệng của người phát ngôn kì thú, thích hợp nhất là chú bé Gavrochee v.v. Đôi khi tiếng nói của nhân vật Jean Valjean đã tiếp cận với mê sảng, nhưng về mặt này người kể chuyện vẫn hết sức tỉnh táo giữ lại thăng bằng bằng cách duy trì một thứ âm vận của thơ bàng bạc suốt tác phẩm; tính chất nhịp nhàng sóng đôi của câu thơ Alexandrin dường như vẫn vang lên trong câu thơ của “Những người khốn khổ”.

Rồi đây, tiểu thuyết “Chín mươi ba”  cuốn tiểu thuyết cuối cùng của Hugo sẽ trở lại vấn đề này và kiểu nhân vật này ở mức độ khác, kích thước khác. Tuy nhiên sự trung thực của nhà văn cảm thấy giới hạn cuả mình trước lịch sử khiến ông khi khẳng định thì sự khẳng định ấy vẫn ít nhiều mang dáng dấp một sự giày vò, một câu hỏi. Và, sức tổng hợp của “Những người khốn khổ” chính là ở chỗ : những nhân vật ở đây đã chứa trong mình những phần nhất định của các nhân vật nổi tiếng ở các tiểu thuyết khác. Nhớ đến Quazimodo, ta vẫn thấy phiên bản của Jean Valjean, Eponine, Gavrochee, Fantine. Người ta nói rằng : tất cả các hình thức lãng mạn đều có thể tìm thấy ở Hugo . Nhưng cũng phải nói thêm rằng: tiểu thuyết lãng mạn còn tìm thấy ở Hugo những cái mà nó chưa có.

“Đơn độc mà liên kết, liên kết mà đơn độc”. Người ta cho rằng câu châm ngôn của Hugo nói về mình trong những năm lưu đày cũng đã bao hàm mối liên hệ của ông với thời đại : ông vừa là hiện thân của nó vừa phản ứng với cái thế kỉ mà ông từng gọi tên nó trong thơ mình bao lần, như một nhân chứng, một quan toà nhưng có khi lại như một kẻ bị kết tội.

Tiểu thuyết “Chín mươi ba” (Năm 93)

 Cuốn tiểu thuyết cuối cùng của Victor Hugo có vị trí quan trọng sau “Những người khốn khổ”. Ông viết cuốn này dưới ảnh hưởng của Công xã Paris, khẳng định giải pháp cách mạng (vốn ngập ngừng ở Những người khốn khổ).

Tóm lược câu chuyện như sau :

Năm 1793, hầu tước Lantenac đang lưu vong ở nước Anh tìm đường  trở về Pháp và tổ chức cuộc khởi loạn ở vùng Vandet hòng khôi phục chế độ quân chủ đã bị đánh đổ trước đó 4 năm (1789) (…). Chính phủ Cộng hòa cử Simurdin và Gauvin tham gia cuộc dẹp loạn. Gauvin, một nhà quí tộc, học trò yêu của giáo sư Simurdin, tự nguyện theo con đường cách mạng, trở thành một sĩ quan nổi tiếng. Bọn bảo hoàng gây nhiều tộI ác dã man. Khi bỏ chạy khỏi một căn cứ đóng tại toà lâu đài có giữ ba em nhỏ làm con tin, bọn bảo hoàng phóng hoả đốt lâu đài. Hầu tước Lantenac động lòng thương ba em nhỏ, đã lui lại để cứu chúng nên không chạy trốn kịp, bị quân chính phủ bắt giữ . Xúc động trước nghĩa hiệp của Lantenac, Gauvin  đã vào nhà giam thả cho y trốn thoát. Sau đó anh tự nộp mình cho toà án binh xét xử. Người ngồI ghế chủ toạ phiên toà lại là Simurdin, sau những trăn trở “bão táp ở trong đầu”, ông đã xử Gauvin người học trò yêu chịu cái án tử hình. Khi lưỡI máy chém hạ xuống đầu Gauvin, Simurdin đau khổ và dùng súng ngắn tự sát.

            Đến tiểu thuyết cuối cùng này, nhà văn đã quyết liệt  chấp nhận xử án Gauvin như châp nhận biện pháp bạo lực và đấu tranh giai cấp, Gauvin cũng thanh thản nhận tội và án tử hình.

Song trái tim ông vẫn chứa đầy mâu thuẫn giữa tình cảm thấm đẫm và lý trí tỉnh táo. Simurdin lại tự bắn vào đầu sau khi Gauvin chết (?!)

            Đó thực là Victor Hugo.

1.2    VĂN HỌC ANH

1. Tình  hình kinh tế chính trị và phong trào công nhân

Nước Anh hình thành quan hệ tư bản chủ nghiã và phong trào công nhân sớm nhất ở châu Âu.

Nửa đầu thế kỷ XIX, nền công nghiệp cơ khí đã chiếm ưu thế, sản xuất công nghiệp phát triển mạnh. Dân cư đổ về các trung tâm công nghiệp lớn. Hai giai cấp chính ở Anh là giai cấp tư sản và giai cấp vô sản. Công nhân Anh bị bóc lột nặng nề. Giai cấp tư sản thu lợi từ cuộc cải cách nghị viện năm 1836, thảo ra bản “Hiến chương nhân dân” trình nghị viện. Phong trào Hiến chương đưa ra những yêu sách về chính trị như quyền bầu cử, giảm giờ làm và tăng lương. Phong trào công nhân tranh đấu nổ ra từ năm 1848 nhưng thất bại vì có một bộ phận thảo hiệp với giai cấp tư sản và thiếu một đảng lãnh đạo. Đến năm 1860 phong trào công nhân dần dần phục hồi với 1600 hội công nhân, phong trào liên lạc đựơc với Quốc tế cộng sản thứ nhất do Karl Marx và Engels lãnh đạo và Hội đồng lãnh đạo các hội công nhân đã trở thành trung tâm chính trị quan trọng.

Từ cuối thế kỷ XVII quyền lực chính trị thực tế đã thuộc về Nghị viện. Đến thế kỷ XIX việc cai trị đã chuyển từ Nghị viện sang chính phủ gồm đại biểu của đảng chiếm đa số trong Nghị viện. Nữ hoàng Victoria đứng đầu nước Anh từ năm 1837 đến 1901 giữ quan hệ với một số quí tộc trong đảng Tori (đảng của giai cấp địa chủ) nên còn gây ảnh hưởng nhất định với công việc nhà nước. Sau năm 1848 đảng Uger (đảng của giai cấp tư sản tài chính), tiền thân của đảng Tự do, nắm được chính quyền. Giai cấp tư sản vì lo sợ phong trào công nhân nên đã thỏa hiệp với giai cấp quí tộc bảo hoàng. Các thuộc địa của Anh có tầm quan trọng đáng kể. Ấn Độ phụ thuộc vào Anh nên sản phẩm công nghệ của Anh tràn vào Ấn Độ làm cho hàng triệu thợ dệt Ấn Độ thất nghiệp và chết đói. Thực dân Anh cũng tiêu diệt nhanh chóng thổ dân ở Úc và Canada và biến nước láng giềng Ireland thành thuộc địa.

Phong trào văn học chủ yếu như lãng mạn chủ nghiã, hiện thực phê phán với nhiều tác giả ưu tú đã phản ánh những diễn biến cơ bản của xã hội Anh trong thế kỷ XIX.

2. Chủ nghĩa lãng mạn Anh

Năm 1798 tập thơ “Ballad trữ tình” của hai sinh viên đại học Cambridge được xuất bản ở thành phố Briston. Họ ước mơ xây dựng một nước cộng hòa với lí tưởng đem lại tình thương yêu, tự do và hiểu biết cho mọi người. Họ cộng tác với nhau quyết tâm cải cách thi ca. Họ trở thành hai nhà thơ lãng mạn đầu tiên của nước Anh: Uliams Edworth (1770-1850) và Samuel Coloridge (1772-1834). Hai nhà thơ trẻ đi du lịch sang Đức, Pháp. Họ dịch và đọc tác phẩm của Schiler, Goeth và Rousseau…. Thơ của hai người thể hiện khát vọng tự do: biểu hiện tất cả các sự kiện và mô tả thiên nhiên giao hòa với tình cảm và hành động của con người. Cùng một số người khác họ thành lập nhóm thơ Lake School (trường phái thơ Vùng hồ). Trường phái này là tiêu biểu cho dòng văn học lãng mạn Anh đương thời. Họ muốn thoát lý thực tại xã hội tư sản, xa lánh chốn thị thành. Thơ của họ hướng về quá khứ, những con người và hiện tượng đơn giản bình thường, gần gũi thiên nhiên. Hình thức thi ca cũng đổi mới.

Từ sau năm 1810, hình thành nhóm nhà thơ nhà văn lãng mạn tiến bộ nổi tiếng như Walter Scott, Byron, Shelli, Keats. . .Tác phẩm của họ thể hiện quan điểm dân chủ, đấu tranh chống các thế lực phản cách mạng ở châu Âu. Họ ngưỡng vọng Cách mạng tư sản Pháp, coi đó là sự kiện chính trị tất yếu trong tiến trình lịch sử của loài người. Họ quan tâm đến khát vọng của giai cấp công nhân Anh đầu thế kỷ XIX…

Walter Scott 

nhà văn lãng mạn tiến bộ Anh và tiểu thuyết Ivanhoe  (1819)

Sir Walter Scott (15.8.1771-21.9.1832) sinh tại Edinburgh, xứ Scotland. Cha làm chưởng lý tòa án xứ. Ông được nối nghiệp vào tập sự tại tòa án Scotland, nhưng lại ham thích văn chương hơn. Từ nhỏ cậu bé ham đọc truyện cổ nước Anh, lịch sử và thơ ca, sách du ký và những tác phẩm lớn của Pháp, Italia. Scott thường đi thăm phong cảnh, thắng tích quê hương, những nơi xảy ra sự biến lịch sử lớn lao. Những sự kiện đó tác động mạnh đến nghề cầm bút cuả mình sau này. Bắt đầu làm thơ, 21 tuổi đi sưu tầm thi ca dân gian, in tập Minstrelsy of the Scottish Border (Bài hát rong về biên giới Scotland 1802-1803). Một số tác phẩm thơ lãng mạn, nổi tiếng nhất là The Lay of the Last Minstrel (Thơ ballad của người hát rong cuối cùng),1805) … Dần dần Scott chuyển sang viết tiểu thuyết lịch sử: Waverley (Bồng bềnh) 1814, Guy Mannering 1815, The Antiquary (Người buôn đồ cổ) 1816… Năm 1819 viết tiểu thuyết Ivanhoe,  tác phẩm lớn nhất của ông đánh dấu sự mở rộng từ chuyện Scottland sang lịch sử nước Anh. Ông được triều đình phong tước hiệp sĩ quí tộc(Sir)

            Nhìn chung, ông thường chọn những thời điểm lịch sử bộc lộ mâu thuẫn và xung đột giai cấp gay gắt nhất. Ông thấy rõ vai trò của nhân dân trong các sự biến ấy. Nhà thơ Nga Puskin xếp ông ngang hàng với Shakespere, Balzac coi ông như bậc thầy của mình, Bielinski coi ông là người đầu tiên viết tiểu thuyết lịch sử ở Châu Âu . . .Tuy nhiên ông là nhà văn giữ tư tưởng bảo thủ, không ưa chủ nghĩa tư bản, vẫn hướng về chế độ quân chủ. Ông chưa bộc lộ được nhiệt tình cách mạng như các nhà thơ đương thời, nhưng vẫn khác với những cây bút lãng mạn tiêu cực…

IVANHOE

Bối cảnh là cuộc xung đột hai chủng tộc Saxons và Normands dưới triều vua Richard I trong thế kỉ XII. Saxons là chủng tộc đã sinh sống ở Anh vài thế kỉ, còn Normand là chủng tộc mới đến lập nghiệp từ khoảng thế kỉ XVI.

Vào năm 1066 người Bắc Âu dưới sự lãnh đạo của nhà quí tộc William từ nước Pháp sang xâm chiếm nước Anh . Họ đánh bại người Saxons ở trậnHastings. William lên ngôi, cùng người Bắc Âu lập chính quyền  mới. Họ sử dụng khá bừa bãi  đất đai chiếm của người Saxons để phong tước cho chiến hữu và làm phần thưởng cho bạn bè. Các nam tước Bắc Âu ngày càng chiếm đất, đánh thuế nặng vào dân chúng, bắt họ làm việc. Sự bất bình giữa hai chủng tộc ngày càng lớn. Quí tộc Bắc Âu ăn chơi phè phỡn, vui thú săn bắn, rượu chè và xung đột lẫn nhau. Nhiều cuộc giao đấu xảy ra do mâu thuẫn nội bộ. Dân nghèo cực khổ trông ngóng sự trợ giúp của Robin Hood ẩn nấp trong rừng xanh, những người gây khó chịu cho vua chúa không ít.

Một thế lực khác có uy quyền khá lớn ở Anh là Giáo hội. Giáo hội rất giàu có, chiếm nhiều đất đai. Một số chức sắc cao của giáo hội chỉ lo ăn chơi hưởng lạc hơn là cầu nguyện và hành đạo. Một số gia đình Do thái sinh sống và làm giàu ở Anh quốc, thường bị các quí tộc Bắc Âu vay tiền. Người Do Thái bị thành kiến  buôn bán và cho vay lãi nên họ không được thiên hạ ưa chuộng.

 Ivanhoe là con trai lão Cedric, một nhà quí tộc Saxons. Chàng yêu tiểu thư Rowena dòng máu cuối cùng của hoàng tộc Saxons từng trị vì nước Anh, nàng là học trò của cha chàng. Mối tình hai người không làm hài lòng lão Cedric vì ông có hoài bão giành lại ngôi vua Anh về cho hoàng tộc Saxons lúc này thuộc về chủng tộc Normand. Để đạt mục đích ấy, ông dự định xe duyên Rowena cho Athelstane một quí tộc Saxons lớn tuổi. Cedric sai chàng đi tham gia cuộc “Thập tự chinh” với vua Richard I ở Palestine (Đây là cuộc “thánh chiến” nhiều năm trời trong thế  kỉ  12 do những đoàn quân Thập tự châu Âu kéo về Trung Đông ra sức đánh chiếm vùng đất Palestine “đất thánh” nơi chúa Jesus ra đời…). Vua Richard bị bắt làm tù binh, giam ở nước Áo. Nhiều người dân Anh tín nhiệm ông lo sợ ông không trở về Anh nữa. Hoàng thân John em ruột Richard cầm quyền nhiếp chính ở nhà, tranh thủ thời cơ phản bội anh nhằm cướp hẳn ngôi vua. Tiểu thuyết có nhiều tuyến sự kiện và nhân vật nhưng nổi lên ở trung tâm là cuộc đấu tranh giữa hai phe Cedric, Athelstane và bên kia ủng hộ hoàng tử John có các tay hiệp sĩ nhà thờ gốc Bắc Âu như Reginald đầu bò, Bois Guilbert tu sĩ dòng Tample… Richard và Ivanhoe bí mật trở về nước, cải trang dự hội đấu võ, đánh bại tất cả các hiệp sĩ tay chân của hoàng tử John. Ivanhoe bị thương trong cuộc tiến công tòa lâu đài Torquilstone. Chàng được cô Rebecca xinh đẹp cứu chữa (con gái lão Isaac đã từng được chàng bảo vệ che chở) …

 Đỉnh cao xung đột là khi Cedric, Athelstane, Rowena, hai cha con Rebecca và cả hiệp sĩ Ivanhoe đều bị phe Normand bắt giam ở tòa lâu đài kiên cố Torquilstone. Vua Richard “trái tim sư tử” cùng với các hiệp sĩ lục lâm Locksley (nguyên mẫu Robin Hood nhân vật truyền thuyết), tu sĩ Stuart…và những người yêu công lý sống ngoài vòng pháp luật đã kéo đến công phá lâu dài. Những người bị giam được giải thoát, trừ Rebecca. Bois Guilbert vì say mê nàng đã mở đường máu phá vây đem nàng đi nhốt vào một tu viện. Bị cự tuyệt ái tình, gã tu sĩ hiệp sĩ này muốn trả thù liền ghép nàng vào tội phù thủy sử dụng tà thuật, sẽ đem nàng thiêu sống trên giàn lửa… Ivanhoe thách y quyết đấu để cứu nàng. Chàng dốc hết sức lực chiến đấu, cứu được Rebecca. Bè đảng của hoàng tử John bị tiêu diệt. Ivanhoe cưới Rowena, còn hai cha con Rebecca rời bỏ nước Anh trở về sống ởPalestine. Vua Richard trị vì từ 1157 đến 1199.

            Ivanhoe mô tả giai đoạn lịch sử nước Anh  từ chỗ xung đột chiến tranh đẫm máu giữa hai chủng tộc Saxons và Normand chưa hòa hợp đến khi hình thành quốc gia thống nhất. Vua Richard chống lại các thế lực phong kiến cũ để tập trung vương quyền, việc đó có ý nghĩa tiến bộ lịch sử. Cả hai lực lượng phong kiến cũ (Saxons) và mới (phe John và Bắc Âu) đều hành động trái với lịch sử và tiến bộ, cản trở xã hội phát triển. Bên cạnh đó tiểu thuyết còn miêu tả mâu thuẫn trong mỗi giai cấp và giữa phong kiến với giai cấp nông dân. Mâu thuẩn chủng tộc và mâu thuẫn giai cấp đều đáng lưu tâm giaỉ quyết… Từ  những nhân vật “thấp hèn” như anh hề Wamba, anh chăn cừu Gurth  cho đến Locksley xạ thủ đầu lĩnh  đảng cướp đều mang những phẩm chất giản dị lương thiện. Số phận khốn khổ của người Do Thái và thành kiến của dân Châu Âu đối với họ cũng được nhà  văn miêu tả, phê phán…Ngôn ngữ quí tộc và ngôn ngữ bình dân được dùng xây dựng nhân vật rất hấp dẫn, phong tục tập quán, ngôn ngữ Anh cổ được tái hiện sinh động  và  thi vị.

Byron – nhà thơ, nhà viết kịch và tiểu thuyết gia Anh

George Gordon Byron là nhà văn lãng mạn tiêu biểu của nước Anh.

Sinh ngày 22.1.1788 ởLondon, bố người Anh, mẹScotland, đều dòng dõi quí tộc. Tiêu xài hết tài sản, người cha bỏ gia đình đi sang Pháp và chết ở Pháp khi Byron 3 tuổi. Thuở nhỏ Byron sống với mẹ ởScotlandtrong nghèo nàn. Lên 10 tuổi, Byron được thừa kế một người ông bên nội tước hiệu Lord (thượng nghị sĩ) và một gia sản lớn. Hai mẹ con chuyển đến sống ở lâu đài gầnNottinghammột thành phố công nghiệp lớn, nơi đang dấy lên phong trào công nhân. Sau đó học trường đại học Cambridge, nghiên cứu triết học, ngoại ngữ, khoa học tự nhiên, say mê văn chương, nhất là văn học Ánh sáng Pháp…Khi 19 tuổi anh xuất bản tập thơ “Những giờ nhàn rỗi” bộc lộ tài năng châm biếm, phê phán xã hội Anh, ước mơ tự do, ngay cả hình thức thơ cũng đổi mới…Byron còn phải chống lại những bài báo phê bình đả kích của giới văn học bảo thủ, phản động…

            Gần hai năm ông đi qua nhiều nước, chứng kiến cuộc đấu tranh anh dũng của nhân dân Tây Ban Nha chống xâm lược Pháp và Napoleon, tìm hiểu đất nước Hi lạp và Anbani chống quân xâm lược Thổ nhĩ kỳ. . .và tìm được cảm hứng và chất liệu cho sáng tác tiến bộ sau này. Trở về Anh, ông xuất bản 2 khúc ca đầu tiên cho tập thơ “Cuộc hành hương của Sider Harol “ (1821). Ông còn hoạt động chính trị, ở thượng nghị viện, ông đọc diễn văn lên án chính sách phản động phản nhân dân của đảng Tori cầm quyền ở Anh, bênh vực người lao động, phản đối luật tử hình công nhân phá máy…bênh vực quyền độc lập tự chủ của Ireland…Sáng tác một số truyện thơ chính trị phê phán thực dân Anh, Pháp chà đạp thành quả cách mạng tư sản, cổ vũ nhân dân đấu tranh…dựa trên những đề tài hư cấu, tượng trưng…Uy tín Byron ngày càng lớn, giới cầm quyền lo sợ…Lợi dụng quan hệ tình ái khá rộng của ông chúng tìm cách bôi nhọ danh dự ông, ông ly hôn và bỏ đi nước ngoài. Đó là một cái án lưu đày biệt xứ không chính thức…

            Ông lại đi sang Italia, sáng tác những vở kịch trữ tình và truyện thơ “Don Juan” dang dở … Byron tham gia đấu tranh cách mạng ở Italia, bị cảnh sát theo dõi…Ông đi sang Hi lạp, tham gia khởi nghĩa, bỏ tiền mua vũ khí, chỉ huy nghĩa quân. Không may Byron lâm bệnh chết ngày 19.4.1824 năm ấy 36 tuổi. Hi Lạp tuyên bố quốc tang. Ngày nay Hi Lạp vẫn coi ông như anh hùng dân tộc của đất nước họ. Trái tim ông được an táng tại Hi lạp, thi thể đưa về Anh hỏa thiêu và mai táng gần lâu đài tổ tiên…Cái chết của ông ở chiến trường Hi Lạp gây xúc động và ảnh hưởng lớn đến nhân dân Anh

Ông đã hình thành một “chủ nghiã Byron” qua các tác phẩm thơ- kịch- tiểu thuyết của mình. Đó là một “chủ nghĩa cá nhân” kiêu kỳ, vô hạn, cực đoan.Nhân vật của Byron hành động theo một động lực nội tại, theo dục vọng mãnh liệt không chế ngự. Đó là nhận định của Langson về nội dung tiêu cực trong tác phẩm Byron.

Bielinski nhà lí luận phê bình của văn học Nga thì ca ngợi nhà thơ cách mạng Byron là “nhà thơ Byron chiến đấu cho tự do ở bất cứ nơi nào có thể chiến đấu được”.

                           Những vở kịch không phải để diễn

 Byron là một nhà thơ trữ tình, các vở kịch thơ của ông (Manfred, Cain…) cũng mang tính chất những bản trường ca nhiều hơn. Đó là những tác phẩm trữ tình viết ra để đọc chứ không phải để cho nghệ thuật sân khấu. Puskin nhận xét: “Byron chỉ sáng tạo có mỗi một tích cách…, phân chia cho các nhân vật của mình những nét tính cách riêng biệt của bản thân mình và như vậy đó, từ một tính cách toàn vẹn, u ám và kiên nghị, tạo ra một số tính cách vô nghĩa lí, đây hoàn toàn không phải là bi kịch”. Về thể loại, những tác phẩm này là những “đram tư tưởng”, một thể loại phổ biến ở châu Âu vào cuối TK XIX, đầu TK XX.

Các vở kịch này gắn liền với một giai đoạn khủng hoảng sâu sắc trong đời sống riêng của nhà thơ và phản ánh cái không khí tuyệt vọng chung của giới trí thức châu Âu phản ứng trước thực tại xã hội và các biến cố chính trị diễn ra sau Cách mạng tư sản Pháp, những điều này chứng tỏ sự sụp đổ của những lí tưởng của thời đại Ánh sáng.

Nhân vật kịch thường là một tính cách kì vĩ, có ý chí tự do mãnh liệt, dũng cảm nổi dậy đấu tranh để bảo vệ nhân phẩm, chống lại số phận độc ác hay một thế giới thù địch, khinh khi quyền lực của mọi tên độc tài dù ở trên trời hay dưới đất…

Manfret trong vở kịch cùng tên (1817, vở kịch đầu tiên của Byron), một kẻ siêu phàm có khả năng gọi dậy và điều khiển cả những lực lượng siêu nhiên bằng sức mạnh của trí tuệ. Đó là một tâm hồn vĩ đại, ôm ấp những lí tưởng tốt đẹp, những hoài bão to lớn. Byron tập trung vào mô tả suy tư và tâm trạng của nhân vật. Qua việc phơi bày thế giới bên trong của Manfret với cuộc đấu tranh với chính mình, Byron muốn thể hiện cái xung đột cơ bản giữa nhân vật và toàn bộ thế giới, cái thế giới đang bị thống trị bởi thói ích kỉ, sự ngu dốt, tính vụ lợi , sự đê tiện, tệ giả dối, sự mê hoặc tôn giáo. Trí tuệ hùng vĩ và quyền lực to lớn của Manfret không cứu vớt được ông, không tạo ra được sự hài hòa trong tâm hồn cần cho hạnh phúc con người. Cuối cùng, Manfret chết trong cô đơn tuyệt đối, trên núi cao. Vở kịch chính là sự chối bỏ kịch liệt cái thực tại xã hội hình thành ở châu Âu  mấy chục năm đầu thế kỷ XIX, sự khẳng định tầm vóc vĩ đại của con người và tấn bi kịch đau thương của nó khi lịch sử chưa cho cho phép những lí tưởng tiến bộ thắng thế.

Cain trong vở kịch “Cain” (1821) là một người nổi loạn đầu tiên trên trái đất chống lai quyền độc đoán của Chúa trời đã bắt loài người phải sống trong cảnh nô lệ và đau khổ (Cain là con của Adam và Eva, những con người đầu tiên trên trái đất). Đó là một vị Chúa có đủ các nét tính cách của một tên độc tài: ham quyền lực, kiêu ngạo, tham lam, hay nghi ngờ, ưa nịnh hót, thích trả thù. Khác với Manfret, Cain không là một kẻ nổi loạn cô đơn mà là một nhà nhân bản đấu tranh chống lại cường quyền vì hạnh phúc của những người khác, vì số phận của loài người.

Giữa lúc “Liên minh thần thánh” của các chính phủ phong kiến phản động đang thắng lợi ở châu Âu, vở “Cain” của Byron vang lên như một lời thách thức, nổ ra như một cuộc nổi dậy chống lại cái trật tự xã hội mà nhiều nước đang muốn tái lập dựa vào uy quyền của tôn giáo để thủ tiêu mọi thành quả của Cách mạng tư sản Pháp.

“Don Juan” cuộc tìm kiếm chân lí cuối cùng

Don Juan, một tiểu thuyết bằng thơ chưa hoàn thành, là đỉnh cao sáng tác của Byron. Ông bắt đầu viết Don Juan từ năm 1917 trên đất Italia và dự tính sẽ có 25 khúc ca. Rất tiếc, ông chỉ viết được 16 khúc ca và 14 khổ thơ của khúc ca 17 thì cái chết đã đột ngột đến với nhà thơ.

Toàn bộ xã hội đương thời với Byron được phản ánh ở trong đó một cách sâu sắc, chân thực và đa dạng: tâm hồn con người được khảo sát, mô tả ở nhiều khía cạnh khác nhau; nội dung tư tưởng rộng lớn, phong phú tiến bộ; những đổi mới về nghệ thuật của một nghệ sĩ canh tân; tất cả những cái đó làm cho tác phẩm này xứng đáng là sự kết thúc tuyệt đẹp cho cả quá trình sáng tạo trước đó. Puskin đã từng nói đến “tính đa dạng thực sự theo kiểu Shakespeare của Don Juan”

Câu chuyện xoay quanh cuộc đời của Don Juan, một thanh niên quý tộc Tây Ban Nha. Đây là một cái tên quen thuộc trong văn học châu Âu (xem vở kịch cùng tên của Molier). Nhưng nếu như trong truyền thuyết dân gian, Don Juan là một kẻ đàng điếm ăn chơi, chuyên quyến rũ đàn bà con gái để lợi dụng họ và hưởng lạc, thì ở Byron tình hình sẽ ngược lại. Don Juan sinh ra trong một gia đình quyền quý sống theo tinh thần tôn giáo khắc nghiệt nhưng giả dối. Từ nhỏ, Don Juan đã chán ngấy các thứ giáo lí khô khan mà người ta cố ấn vào người và sẵn sàng buông thả mình theo tiếng gọi chân thực của trái tim. Thường sang chơi bên gia đình Anfonce cùng mẹ, chàng quen với Julia, cô vợ trẻ của Anfonce, hơn chàng 7 tuổi, rồi một ngày kia nảy nở giữa hai người một tình yêu tha thiết. Mối quan hệ vụng trộm cuối cùng bị phát giác. Để tránh tiếng, bà mẹ bố trí cho Don Juan một cuộc du lịch dài ngày ở châu Âu.

 Trong cách mô tả châm biếm cuộc sống của giới quý tộc Tây Ban Nha, dễ dàng nhận ra những phong tục tập quán, và thói đạo đức giả của xã hội thượng lưu Anh.

Bị đắm tàu ngoài biển khơi, Don Juan một mình được cứu thoát bởi một cô gái tuyệt vời, Haidet, con gái của tên tướng cướp Lumbro. Haidet bí mật chăm sóc Don Juan trong một cái hang đá gần bờ biển và cả hai người đã sống một bản tình ca tuyệt đẹp. Nhưng rồi hạnh phúc không kéo dài. Tên tướng cướp, khi phát hiện ra, đem chàng bán ở chợ nô lệ, còn Haidet thì đau buồn mà chết.

Từ chợ nô lệ, Don Juan được mua về cung vua Thổ, nhưng không phải để hầu hạ mà để làm một việc đặc biệt: ăn mặc giả gái để đi lại trong hậu cung của hoàng hậu, nhưng thực chất để làm tình nhân cho hoàng hậu. Không chịu được hoàn cảnh ấy, và suýt bị nhà vua phát giác, Don Juan bỏ chạy, vượt biển trốn sang nước khác, đến gần Ixmain, nơi quân đội Nga dưới quyền của tướng Xuvorov đang vây thành. Don Juan sung vào cuộc chiến đấu và lập được nhiều thành tích. Xuvorov phái anh vềPetersburgđể trình báo lên nữ hoàng Ecaterina.

Vì trẻ và đẹp, Don Juan nhanh chóng trở thành sủng thần, được nữ hoàng ưu ái, nhưng trước sự ghen tuông dị nghị của triều đình, nữ hoàng buộc phải cử chàng làm đại sứ của nước Nga tại Anh. Ở đây, Don Juan cũng có nhiều cuộc phiêu lưu kì lạ, bộc lộ tính chất hư hỏng sa đoạ của xã hội quý tộc Anh.

Theo dự định của tác giả, sau nước Anh, Don Juan còn đi qua một số nước khác, rồi cuối cùng đến đất Pháp tham gia vào cuộc Cách mạng tư sản và chết trên chiến luỹ Pari.

Khác hẳn với các nhân vật trước đây của chính Byron, Don Juan là một con người bình thường chứ không phải một người anh hùng phi thường được lí tưởng hoá. Tác giả phơi bày cuộc sống bên trong của nhân vật, không hề che giấu những nhược điểm, những tật xấu của anh. Các nét tích cực trong tính cách của Don Juan rất rõ: sự trung thực, lòng yêu tự do, sự căm ghét giả dối, tính kiên quyết, sự dũng cảm…Anh say mê không hạn độ, không chung thủy trong tình cảm, có khi tỏ ra ích kỉ – về điều này tác giả luôn luôn cười cợt anh ta- nhưng lại ghê tởm sự sa đọa trắng trợn, từ chối mối quan hệ với hoàng hậu vua Thổ trong cung cấm, mặc dầu suýt vì vậy mà mất đầu. Anh không có lí tưởng chính trị rõ ràng, nhưng căm ghét tất cả những kẻ áp bức. Anh đấu tranh kiên quyết, dũng cảm cho tự do của bản thân mình, và theo ý đồ của tác giả, ở cuối tác phẩm, khi đã chín muồi về chính trị, Don Juan sẽ cầm vũ khí chiến đấu cho quyền lợi của nhân dân. Sự phát triển tính cách của Don Juan, từ một con người bình thường đến một chiến sĩ, cho phép nói đến sự xuất hiện của chủ nghĩa hiện thực trong phương pháp sáng tác của Byron.

Trong Don Juan, sự phản kháng của nhà thơ đối với mọi sự áp bức về chính trị, mọi chế độ độc tài cũng sâu sắc và cụ thể hơn trong các tác phẩm trước kia. Việc Don Juan phải sống ở nhiều nước trong cuộc đời phiêu bạt của mình là dịp tốt để tác giả phê phán các chế độ xã hội ở châu Âu hồi bấy giờ. Sự châm biếm hiện thực đạt đến đỉnh cao ở các khúc ca X – XVI, khi tác giả nói đến hiện thực xã hội Anh: bản chất phản nhân dân của chính phủ, sự giả dối, sa đọa và trống rỗng của tầng lớp thượng lưu, trò hề của những cuộc đấu tranh ở nghị viện, tính hẹp hòi vụ lợi của bọn tư sản, bọn chủ nhà băng, những người chủ thực sự của đất nước.

Là ngọn cờ của chủ nghĩa lãng mạn cách mạng ở đầu thế kỉ XIX, với Don Juan, Byron đã khẳng định bước đi hợp quy luật của nghệ thuật tiến bộ thế giới hồi bấy giờ: sự hình thành và sự thắng thế dần dần của chủ nghĩa hiện thực.

Sáng tác của Byron có tác động mạnh mẽ lên nhiều nền văn học dân tộc châu Âu hồi bấy giờ. Đánh giá sự đóng góp của nhà thơ Anh, Bielinxki nhận xét: “Thơ của Byron là một trang trong lịch sử của loài người. Xé bỏ nó đi thì tính toàn vẹn của lịch sử sẽ biến mất. Còn lại một chỗ trống mà không có gì thay thế được”.

b

1.3  VĂN HỌC  ĐỨC –  KHÁI QUÁT

  1.    CÁCH MẠNG, PHẢN CÁCH MẠNG

          VÀ SỰ THỐNG NHẤT NƯỚC ĐỨC TRONG THẾ KỈ XIX

   Cho đến năm 1814, nhiều bang của nước Đức còn theo chế độ quân chủ  phân chia đẳng cấp từ thời trung đại. Giai cấp địa chủ quý tộc kìm hãm sự phát triển của chủ nghĩa tư bản trong nước. Hai bang Phổ và Áo mạnh nhất ở Đức. Cách mạng tư sản sắp nổ ra để thống nhất nước Đức bị chia cắt thành 36 bang. Giai cấp tư sản ở nước Đức thế kỉ XIX không có tính chất cách mạng như giai cấp tư sản Pháp cuối thế kỉ XIX. Trong lúc đó, giai cấp công nhân Đức đã trưởng thành và bước lên vũ đài chính trị. Giai cấp tư sản Đức thỏa hiệp với bọn địa chủ quý tộc để chống lại nhân dân lao động. Những cuộc biểu tình ở Berlin tháng Ba năm 1848 mở đầu cuộc cách mạng ở Phổ. Vua Phổ Guyôm  ra lệnh bắn vào quần chúng biểu tình. Giai cấp tư sản Đức đã lợi dụng thắng lợi khi vua chỉ định thành lập một nội các tự do. Nghị viện Franfuôc được thành lập với đa số đại biểu là tư sản cấu kết với quý tộc. Giai cấp tư sản Đức bầu vua Phổ làm hoàng đế và cuộc cách mạng ở Đức thất bại vì sự phản bội nhân dân của giai cấp tư sản.

Từ thế kỉ XVIII, nước Đức, như Ănghen đã nhận định, là “một khối sinh động duy nhất những thối nát, những tàn tích ghê tởm”. Đến thế kỉ XIX nước Đức đã có những tiến bộ nhất định tuy còn chậm chạp. Sự yếu đuối của giai cấp tư sản phản ánh trong thái độ đấu tranh rụt rè của các nhà ánh sáng Đức, chỉ thực hiện khuynh hướng cách mạng của thời đại ở các lĩnh vực mĩ học, văn học…Mãi đến giữa thế kỉ XIX cách mạng tư sản Đức mới diễn ra năm 1848 nhưng rồi bị các thế lực phong kiến đàn áp. Sau Cách mạng 1848, cuộc cách mạng công nghiệp ở Đức mới bắt đầu. Ở Xăcxơ và các tỉnh của Phổ ở vùng sông Ranh, công nghiệp lại phát triển nhanh hơn ở Pháp tạo điều kiện cho sự thống nhất nước Đức. Những năm 1850 đến 1870, tín dụng và ngân hàng phát triển, giai cấp tư sản Đức chạy đua làm giàu và bóc lột quần chúng lao động.

Văn học Đức thế kỉ XIX kế thừa truyền thống văn học Ánh sáng và phản ánh trung thành tình trạng xã hội Đức trước và sau cách mạng tư sản Đức.

2.     VĂN HỌC LÃNG MẠN

            Do hoàn cảnh nước Đức phân chia thành nhiều bang, nhiều công quốc nhỏ bé và cho mãi đến những năm hai mươi của thế kỉ XIX vẫn chưa có phong trào dân chủ tư sản nên khác một số nước ở Tây Âu, văn học lãng mạn Đức nhìn chung có nhiều yếu tố bảo thủ, tiêu cực. Triết học cổ điển Đức đặc biệt là chủ nghĩa duy tâm đã ảnh hưởng sâu sắc đến văn học lãng mạn. Tách rời thực tại, phát huy trí tưởng tượng, lấy ý niệm làm nguồn cảm hứng, văn học lãng mạn đã dựa theo triết học siêu hình cho rằng vũ trụ là sự sáng tạo của tinh thần. Các nhà văn lãng mạn đầu tiên  đi tìm một khuynh hướng nghệ thuật mới đối lập với chủ nghĩa cổ điển, một khuynh hướng nghệ thuật đề cao chủ quan nhằm biểu hiện những ấn tượng, những tâm trạng cá nhân.

Tác giả nổi tiếng của văn học lãng mạn Đức là Novalix (1772 – 1801) thường được đề cao là “hoa hồng chúa” hoặc “bông huệ thiên thanh”. Ông xuất thân quý tộc, tốt nghiệp luật sư, sớm đam mê những cuộc tình và những vụ đấu kiếm. Ông kết hôn với một thiếu nữ quý tộc  và người vợ chết sớm làm ông đau khổ: tình duyên bất hạnh trở thành biểu tượng cho kiếp sống mong manh của con người. Ông viết Bài ca gửi trời đêm (1800), tác phẩm trữ tình thể hiện “Đêm” là trung tâm của cuộc sống nội tâm, là sự hiện diện của cái đẹp và tình yêu. Nhà thơ khát vọng tất cả cái gì bao phủ trời đêm và tìm thấy ở đó một ánh sáng siêu nhiên giải thoát nhà thơ khỏi cuộc đời trần tục. trong một số tác phẩm khác như Khúc ca tinh thần viết về Đức mẹ và Jêxu, hoặc Những đồ đệ của Xait…, ông thể hiện nỗi buồn, khát vọng thoát li, những liên hệ thần bí giữa vũ trụ và con người. Tiểu thuyết Henrich Von Offedingen chưa hoàn thành với nhân vật chính là một chàng kị sĩ du lịch qua xứ sở Hi Lạp, đến vùng đất Công giáo thời thập tự chinh, gặp gỡ người tình “Bông hoa xanh” mà Hairich thường ôm ấp trong mộng.

Sáng tác của Novalix tiêu biểu cho khuynh hướng lãng mạn tiêu cực ở Đức. Về lí luận, Novalix đã khẳng định quan điểm thoát li, xa rời hiện thực của ông: “Tôi lãng mạn hóa bằng cách cho cái thấp hèn một ý nghĩa cao cả, cái bình thường một vỏ huyền bí, cái đã quen vẻ đẹp của cái không quen, cái hữu hạn vẻ đẹp của cái vô hạn…Tiểu thuyết phải hoàn toàn là thơ. Thơ là tâm trạng hài hòa trong lòng ta, nơi mọi cái đều được tô đẹp”. Cacaile đã nhận định sự nghiệp sáng tác của Novalix tuy ngắn ngủi nhưng “thật phong phú về những ý hướng dẫn dắt đến một thế giới mới”. Đó chính là thế giới tinh thần lãng mạn ở Đức đầu thế kỉ XIX.

Một nhà văn lãng mạn  khác là Ecnet Hoffmann (1776-1822) người đã thực hiện lí tưởng của nhà triết học Fichte trong thơ ca. Thế giới nội tâm mà ông sáng tạo là thực tại duy nhất đối với ông. “Chỉ tinh thần có khả năng nắm bắt được cái gì xảy ra trong thời gian và không gian”. Ông sáng tạo một thế giới tưởng tượng, kể lại những gì ông nhìn thấy bằng con mắt tinh thần. Ông đã viết những chuyện huyễn hoặc như: Những bức tranh huyễn tượng theo cách của Carlos (1814), Bức tranh đêm (1817), Anh em Xêrapiông (1821)…Hoffmann muốn thoát li thế gian: khi hấp hối, cầm bút trong tay ông báo tin cho bạn bè là mình đã lành bệnh!

Một số nhà văn khác như Auguxt  Kogebuck với  hai trăm  mười một vở kịch lãng mạn, Henrich von Klaixte, nhà viết kịch lớn của nước Đức và châu Âu nửa đầu thế kỉ XIX với những vở kịch có ý nghĩa phê phán như: Gia đình Xruêôpfen Xtain, Ông hoàng ở Hamburg…

Ngoài phần nội dung bảo thủ, văn học lãng mạn Đức cũng có những đóng góp tích cực  nhất định như sự phê phán đồng tiền tư bản, sưu tầm văn học dân gian.

 Dòng văn học lãng mạn tiến bộ gồm một số nhà văn Adenbecfin Samixo (1781-1838), Akhim von Acnim (1781-1831), Clement Brontano(1770-1842), Karl Immeman (1796-1840)….

Nhìn chung, văn học lãng mạn Đức cũng có những đặc điểm chung giống với văn học Tây Âu thế kỉ XIX nhưng điểm riêng là nó đã hòa hợp yếu tố triết lí và trữ tình, tìm nguồn về văn học dân gian.

Yêu cầu và câu hỏi nghiên cứu, ôn tập chương I

1. Nắm vững bối cảnh lịch sử và những thăng trầm của cách mạng Pháp

2. Phác thảo những nét chính trong chủ nghĩa nhân đạo V. Hugo trải rộng qua ba thể loại thơ- kịch- tiểu thuyết.

3. Phân tích các yếu tố lãng mạn trong tiểu thuyết Les Misrables và tính luận đề của tiểu thuyết này.

      4. Giá trị hiện thực của Les Misrables .

Chương 2.                            CHỦ NGHĨA HIỆN THỰC TÂY ÂU

                                                         (Từ giữa thế kỉ 19 đến những năm 60)

2.1  Văn học Pháp

Văn học hiện thực Pháp xuất hiện sau năm 1820 dưới thời Trung hưng, phát triển mạnh mẽ cho đến những năm 60, có thể chia ra hai giai đoạn: trước và sau năm 1848.

Sau cuộc Cách mạng tháng Bảy năm 1830, chính quyền thuộc về giai cấp đại tư sản mà Marx gọi là bọn “quí tộc tài chính”. Đồng tiền thống trị mọi lĩnh vực xã hội với quyền lực và sức mạnh tha hóa của nó. Cuộc Cách mạng công nghiệp diễn ra và giai cấp công nhân dần dần trưởng thành đã dẫn tới cuộc Cách mạng tháng Sáu năm 1848. Đây cũng là giai đoạn phát triển rực rỡ của trào lưu văn học hiện thực với những nhà văn ưu tú: Stendhale, Balzac, Merimee.

GIAI ĐOẠN 1

Stendhale (1783 – 1842)

Xuất thân trong một gia đình trí thức. Ông rất thích âm nhạc, hội hoạ và văn chương Italia. Đối với Napoleon I, ông vừa khâm phục tài năng vừa phê phán sự tàn bạo của nhà độc tài. Năm 1814, ông bắt đầu viết một số tác phẩm nghiên cứu về âm nhạc và hội hoạ. “Tiểu luận về tình yêu” (1822) phân tích diễn biến quá trình yêu đương khi ông đeo đuổi một thiếu phụ xinh đẹp ởMilan.

Năm 1823, Stendhale xuất bản tiểu luận “Racine” và “Shakespeare” trong đó ông đứng về phía các nhà văn lãng mạn chống lại những qui tắc lỗi thời của chủ nghĩa cổ điển. Tóm tắt các luận điểm của ông như sau :

Phân tích tính chất lịch sử của lí tưởng thẩm mĩ

Đưa ra những qui tắc nghệ thuật kịch nói, nhấn mạnh chỉ cần tôn  trọng qui tắc “duy nhất về hành động”.

Viết kịch bằng văn xuôi cho giản dị và tự nhiên.

Học tập thực chất của Shakespear “điều cần bắt chước con người vĩ đại đó là cách nghiên cứu, quan sát thế giới trong đó ta đang sống”.

Yêu cầu nghệ thuật phải thể hiện nồng nhiệt và chính xác những niềm say mê bằng một hình thức trong sáng.

Nghệ thuật phải gắn bó với chính trị như trước kia chủ nghĩa cổ điển đi với chế độ quân chủ và giai cấp quí tộc, còn chủ nghĩa lãng mạn đi với cách mạng.

Khái niệm “chủ nghĩa lãng mạn” (romanticisme) mà Stendhale dùng ở đây có khác với khái niệm “romantisme” của các nhà văn lãng mạn đương thời .Nội dung khái niệm mà Stendhale dùng lại là khuynh hướng “hiện thực chủ nghĩa” đang hình thành mà ông là cây bút đầu tiên.

Stendhale đã viết một số tiểu thuyết, tiêu biểu là ba tác phẩm “Đỏ và đen” (1830), “Tu viện thành Pacmer” (1839) và “Lucien Lewel” (1835).

 “Đỏ và đen” là một tác phẩm hiện thực xuất sắc khi tác giả xây dựng tính cách điển hình Julien Sorel hình thành và phát triển trong hoàn cảnh điển hình. Những sự kiện chính của xã hội Pháp thời Trung hưng được miêu tả cụ thể, chân thực. Tính cách của các nhân vật Julien Sorel con ông thợ xẻ, vợ chồng thị trưởng De Renald, hầu tước De La Mole và con gái Mathildez…đều được xây dựng phong phú, sinh động với nghệ thuật phân tích tâm lí tài tình của Stendhale. Tác giả không thích giải thích ý nghĩa của nhan đề tiểu thuyết “Đỏ và đen”. Nhiều nhà văn và nhà nghiên cứu đã giải thích khác nhau. Đỏ và đen ám chỉ sự may rủi, đỏ đen của nhân vật trung tâm; hoặc đỏ và đen là hai mặt của tính cách Sorene; hoặc đó là hai mặt tương phản của cách mạng màu đỏ và tội ác phản động màu đen; hoặc màu đỏ là màu đồng phục của sĩ quan thời Napoleon, màu đen là màu áo choàng tu sĩ thời Trung hưng v.v…Cách lí giải nào cũng đều có ý nghĩa tương đối phù hợp với diễn biến sự việc và các tính cách nhân vật trong tác phẩm.

ĐỎ VÀ ĐEN

(Le Rouge et le Noir)

Chuyện xảy ra tại thành phố nhỏ Verie, có hai vợ chồng thị trưởng De Renald, lão Sorel làm nghề thợ xẻ, vị tu sĩ tốt bụng Selang, gã tư sản Valeno giám đốc viện tế bần. Julien là con thứ ba của lão Sorel. Anh không có được thân thể lực lưỡng, cường tráng như hai anh trai, nhưng là một thanh niên thông minh, có mơ ước thoát ly địa vị thấp kém của giai cấp mình và chiếm một chỗ đứng trong xã hội quí tộc, tư sản thời kì Trung hưng lúc bấy giờ. Julien ham đọc sách, nhất là cuốn hồi kí của Hoàng đế Napoleon, một thần tượng ám ảnh đầu óc từ ngày còn bé, khi anh có dịp ngây ngất chứng kiến đoàn quân của Hoàng đế hùng dũng đi ngang qua. Nhưng rồi đế chế sụp đổ, Julien liền vào trường dòng mong tìm một con đường tiến thân hợp thời hơn. Đang lúc đó, thị trưởng De Renald mời anh đến nhà làm gia sư kèm cặp cho đứa con nhỏ. Julien nhận lời, hi vọng đây là một dịp bước chân vào thế giới thượng lưu và len lỏi kiếm chác địa vị. Tính tình của Julien và lòng kiêu hãnh của anh đã làm xiêu lòng bà De Renald, một phụ nữ còn trẻ và giàu tình cảm. Quan hệ giữa hai người khiến cho dư luận dị nghị. Ông De Renald nhận được một lá thư nặc danh. Tuy không tin vào những lời đồn đại nhưng ông cũng quyết định cho Julien thôi việc để tránh tai tiếng. Đó cũng là “ý muốn” của bà De Renald vì bà bắt đầu cảm thấy lo sợ. Julien được tu sĩ Selang giới thiệu đi học ở Trường dòng Bizanson do linh mục Pira cai quản và chẳng bao lâu lại được linh mục tiến cử lên Paris làm thư kí riêng và thủ thư cho hầu tước De La Mole. Trước khi đi anh quay về Verie từ biệt bà De Renald và được bà giấu trong phòng riêng suốt cả đêm. Ở Paris, Julien được hầu tước De La Mole hết sức tin yêu và ban cho nhiều ơn huệ. Con gái hầu tước, cô Mathildez kiêu hãnh, cũng yêu Julien và không ngần ngại hiến thân cho anh. Dưới mắt cô, Julien không phải loại người tầm thường như bọn thanh niên quý tộc, hơn nữa lấy Julien cũng là một hành động khiến cho cô có thể trở nên khác người. Còn đối với Julien thì đây là một cơ hội tốt để leo lên bậc thang danh vọng. Mathildez có mang, liền thú thật với cha. Hầu tước De La Mole đành quyết định thay đổi họ cho Julien và chuẩn bị cuộc sống lứa đôi cho anh với con gái mình. Đang lúc đó thì bà De Renald bị một linh mục địa phương  ép viết thư tố cáo Julien với hầu tước De La Mole. Câu chuyện hôn nhân bị cản trở. Julien tức giận liền quay về Verie, vào nhà thờ, dùng súng bắn bà De Renald hai phát, nhưng bà chỉ bị thương. Ở trong tù, Julien mới tỉnh giấc mộng danh lợi. Anh bị kết án tử hình. Cả bà De Renald và cô Mathildez đều vào trong tù thăm anh và vận động xin toà ân xá cho anh nhưng không kết quả. Cô Mathildez năn nỉ Julien chống án, anh không  nghe theo. Ba ngày sau khi anh bị xử tử, bà De Renald đau buồn mà chết.

Stendhale là nhà văn hiện thực lớn “nhân đạo một cách sâu sắc và có tính triết học” (M. Gorki), “là nhà tâm lí học vĩ đại nhất” (Ten). Khi ông còn sống, rất ít người đọc tác phẩm của ông nhưng Balzac là nhà văn lớn duy nhất của thế kỉ đánh giá đúng đắn tài năng của ông.

H’onore De Balzac (1799-1850)

Là nhà văn hiện thực lớn nhất nước Pháp nửa đầu thế kỉ 19.

Trong hai mươi năm, từ 1829 đến 1848, Balzac đã viết hơn 90 tác phẩm lớn nhỏ mà phần lớn được tập hợp thành bộ “Tấn trò đời”. Ngoài ra còn nhiều vở kịch và những “Truyện ngắn ngộ nghĩnh”. Khối lượng đồ sộ làm danh tiếng ông vang lừng khắp châu Âu. Balzac đã tự hào nói rằng “tôi mang cả một xã hội ở trong đầu của tôi”. Ông lui tới nhiều phòng khách (salon), hội Tao đàn, cộng tác với nhiều tờ báo; viết kịch và hoạt động sân khấu ; đi du lịch ở nhiều nơi ở trong và ngoài nước, hoạt động chính trị, gia nhập phái chính thống và ứng cử vào nghị viện v.v…Balzac quan hệ rộng rãi với nhiều phụ nữ và tỏ ra am hiểu phụ nữ sâu sắc qua nhiều hình tượng trong tác phẩm ông đã viết. Balzac cũng gặp nhiều trắc trở trong tình yêu, mãi cho đến năm 1850 ông mới cưới bà Hanska, một phụ nữ quí tộc Nga gốc Ba Lan sau mười tám năm quen biết, thư từ qua lại.

Balzac mất năm 51 tuổi vì làm việc quá nhiều.

Ông đã thực hiện ước vọng trở thành “Napoleon trong văn học” bằng một sự nghiệp văn chương lớn lao, “Tấn trò đời” là một công trình toàn vẹn, mỗi tác phẩm trong đó là một đơn vị hoàn chỉnh, độc lập nhưng lại liên kết hữu cơ với các tác phẩm khác. Nhiều nhân vật sống luân lưu từ tác phẩm trước đến tác phẩm sau. Đó là bức tranh toàn cảnh xã hội Pháp từ năm 1818 đến 1848. “Lời nói đầu” của “Tấn trò đời” đã đúc kết quan điểm sáng tác và phương pháp nghệ thuật hiện thực của Balzac. Do sự so sánh nhân loại học với động vật học, ông đã bộc lộ quan điểm duy vật khi ông nhận thức được ảnh hưởng của môi trường xã hội đối với con người :

“Tình trạng xã hội có những điều ngẫu nhiên mà tự nhiên không thể có, bởi vì tình trạng xã hội là tự nhiên cộng với xã hội”

“Xã hội Pháp là nhà sử học, tôi chỉ làm người thư kí. Tiểu thuyết sẽ chẳng là gì cả nếu trong sự nói dối trang nghiêm ấy thiếu sự thật trong chi tiết” (Trich Lời nói đầu).

Ông khẳng định nghệ thuật phải gắn chặt với thế giới thực tại, phải có tính lịch sử và thể hiện chân thật cuộc sống. Lời nói đầu thể hiện tư tưởng phức tạp của nhà văn (về triết học, tư tưởng và tôn giáo). Về nghệ thuật, Lời nói đầu đề cập phương thức xây dựng tính cách điển hình và hoàn cảnh điển hình của chủ nghĩa hiện thực :

       “Xây dựng những tính cách điển hình bằng cách kết hợp những nét của vô số những tính cách đồng nhất không chỉ của con người, mà các biến cố của đời sống cũng biểu hiện bằng điển hình”.

Nộị dung tiểu thuyết hiện thực của Balzac bao quát mọi hoạt động của con người ở nhiều lĩnh vực khác nhau, mọi giai cấp và tầng lớp xã hội khác nhau. Từ đời sống vật chất, kinh tế, tinh thần…từ nơi ăn chốn ở, đi lại, làm lụng, mua bán, học hành, nghiên cứu, sáng tạo, kinh doanh…Đặc biệt Balzac đã vạch trần vai trò của đồng tiền trở thành động lực xã hội trong tay của giai cấp tư sản nắm chính quyền và đưa xã hội vào con đường công nghiệp hoá…Nhà văn đã phản ánh cuộc đấu tranh sống còn giữa giai cấp quí tộc suy tàn và giai cấp tư sản đang lên  ở đô thị và cả nông thôn và tuy “về mặt chính trị, Balzac là một đảng viên chính thống, tác phẩm lớn của ông vẫn là một bản trường hận ca than thở sự tan rã không cứu vãn được của xã hội thượng lưu…(Ănghen).

Các nhân vật phản diện chiếm số đông trong tác phẩm của Balzac: bọn tham lam, hãnh tiến, lũ cơ hội, kẻ bất nhân…Có nhà phê bình nhận xét “Balzac là thiên tài của cái Ác và thông tục” (Langson). Thực ra Balzac cũng quan tâm miêu tả “những nhân vật đức hạnh”, những người tốt và lí tưởng trong tiểu thuyết song việc này quả khó khăn hơn. Đó là các hình tượng nhà phát minh sáng tạo như Bantasa Claet, David Cezar, nhà tư tưởng như Louis Lambe, nhà cách mạng như Misen Chrestien, văn nghệ sĩ như hoạ sĩ Franhofe nhạc sĩ Gambara, nhà văn Actese v.v; Bên cạnh đó còn có những gương mặt phụ nữ cao thượng, nhân hậu như Eve, Eugenie…như Pauline, Berenise…Họ là những con người chân chính của tương lai, trước mắt chẳng đủ khả năng đe doạ sự tồn tại của trật tự tư sản.

Prosper Merimee (1803-1870).

Nhà văn viết truyện ngắn của văn học hiện thực Pháp. Xuất thân từ gia đình nghệ sĩ – trí thức, Merimee được giáo dục chu đáo, toàn diện. Tốt nghiệp luật khoa, ông làm hành chính và bảo tàng khảo cổ nhưng con người nghệ sĩ lấn át con người viên chức. Sớm kết bạn với Stendhale và chịu ảnh hưởng sâu sắc của nhà văn hiện thực lớn. Ông say mê nghiên cứu các nhà văn Anh như Walter Scott, Shakespeare và các nhà văn Nga cùng thế kỉ như Turgueniev, Puskin, Gogol. Năm 40 tuổi, ông được bầu vào Viện Hàn Pháp và Viện Hàn Lâm khảo cổ. Từ năm 1829, Merimee đã tìm được thể loạI thích hợp là truỵên ngắn và truyện vừa. Nhưng kiệt tác trong hơn hai mươi năm sáng tác là: Colomba, Tamango, Mateo, Phancon, Carmen v.v..

Merimee viết về con người thượng lưu Pháp nhằm phơi bày những tính cách nghèo nàn, phù phiếm, thói đạo đức giả và vị kỉ của họ. Ngay cả người phụ nữ thượng lưu cũng là nạn nhân của sự giả dối, lừa lọc (truyện Hai sự hiểu lầm). Chán ghét đề tài giới thượng lưu đương thời, ông quay sang tìm những đề tài ở xứ sở xa lạ, thể hiện những tính cách mãnh liệt với những vẻ đẹp tự nhiên hoang dã.

Truyện vừa “Carmen” là một đỉnh cao nghệ thuật. Carmen là cô thợ thủ công người Bohemien rồi trở thành một cô gái lang thang, Jose là lính đào ngũ trở thành tên cướp. Carmen không tránh khỏi mê tín, tuỳ tiện nhưng cô là người dũng cảm, can trường, nghị lực, yêu say mãnh liệt. Carmen gây sức hấp dẫn người đọc còn vì biết tôn trọng danh dự, biết bảo vệ tự do, sẵn sàng đi đến cái chết không chút sợ hãi… (Thế kỉ XX có vở vũ kịch ballet Carmen dựa trên tiểu thuyết này)

GIAI ĐOẠN 2

Gustave Flaubert (1821-1880)

Cha của Falubert là thầy thuốc phẫu thuật. Thời gian học trung học, anh mơ ước trở thành “trước hết là nghệ sĩ”. Lên Paris học luật,tiếp xúc nhiều nhà văn nổi tiếng như Hugo. Hai năm sau bị bệnh thần kinh phải bỏ học luật về ở trại ấp riêng ở Rouan. Năm năm sau đi du lịch một số nước phương Đông …Ông viết nhiều tác phẩm nghệ thuật ưu tú như “Bà Bovary”, “Sự cám dỗ của thánh Angtoan”…tiếp tục truyền thống văn học hiện thực của Stendhale  và Balzac Sau biến cố 1848 ông trở nên hoài nghi, bi quan nên rút vào “tháp ngà nghệ thuật”

Tuy nhiên tác phẩm của ông vẫn có giá trị tố cáo mạnh mẽ nền văn minh tư sản như ông viết: “Sự thô bỉ là sản phẩm của thế kỉ 19”. Ông cảm thấy sự suy thoái của xã hội tư sản nhưng không tìm ra được lối thoát. Quan điểm thẩm mĩ của Flaubert cũng thể hiện mâu thuẫn thế giới quan của ông : vừa chấp nhận cái đời thường là đối tượng miêu tả của nghệ thuật vừa yêu cầu “nghệ thuật thuần tuý, hình thức hoàn mĩ” của nghệ thuật khách quan.

“Bà Bovary” (1857) được viết cật lực sau hơn 4 năm. Khi đăng lần đầu trên tạp chí thì bị chính quyền theo dõi, kiểm duyệt. Emma Bovary là một phụ nữ xinh đẹp trẻ trung, không bằng lòng với số phận đã cố sức đi tìm một “cuộc sống Pháp” nhưng rồi sa ngã và cuối cùng tự tử vì tuyệt vọng. Thực tại đớn hèn của xã hội bao quanh nàng và khi ngoại tình nàng lại thấy sự vô vị của hôn nhân. Luẩn quẩn không lối thoát ra khỏi cuộc đời toàn những sự giả dối, Emma vùng vẫy muốn thoát ra khỏi cái thấp hèn rồi lại bị cái thấp hèn xâm nhập trở lại. Ngòi bút hiện thực nghiêm ngặt đã mô tả quá trình sa đoạ của Emma từ cô thiếu nữ đa cảm đến người đàn bà dối trá, đắm chìm trong nhục cảm.

Guide Maupassant (1850-1893)

Sinh ra trong một gia đình quí tộc phá sản ở Rouan. Sau khi cha mẹ li dị, Maupassant sống tự do với mẹ ở quê ngoại. Tốt nghiệp trung học loại giỏi. Nhập ngũ, tham gia chiến tranh Pháp-Phổ. Về Paris làm viên chức Bộ hải quân và từ năm 1878 làm ở Bộ giáo dục. Được sự dìu dắt của Flaubert bạn thời niên thiếu của mẹ ông, Maupassant bắt tay viết văn. Tác giả “Bà Bovary” chỉ dẫn cho  ông một số nguyên tắc của nghề văn :

Phải tiếp xúc với thực tại.

Tìm hiểu những điều chưa ai nói đến

Cần coi thường sự khoa trương và những định kiến tư sản

Cần phải kiên trì và độc đáo trong nghề này.

Trong 7 năm, Maupassant hay làm thơ và viết kịch ngắn. Flaubert vẫn giúp đỡ sửa chữa cho Maupassant và khích lệ tài năng của ông. Năm 1880, ông thực sự nổi tiếng với truyện ngắn “Viên mỡ bò”. Từ đó ông chuyển hẳn sang nghề văn. Năm 1885 ông mắc bệnh thần kinh, đến năm 1893 Maupassant từ trần ở một nhà thương điên Paris.

Sáng tác của Maupassant gồm hơn ba trăm truyện ngắn và sáu tiểu thuyết. Tiểu thuyết nổi tiếng có “Một cuôc đời”, “Anh bạn điển trai”, “Đỉnh Orion”… Đề tài truyện ngắn của ông rất phong phú từ cuộc sống bình thường của tầng lớp trung lưu, dân nghèo ở thành thị và nông thôn, tác giả đã phản ánh những dục vọng chạy theo danh lợi, đồng tiền, những hành vi xấu xa tội lỗi gây nên những tấn kịch trong gia đình (Bố của Simon, Món gia tài, Ngoài khơi, Chú Jule tôi…) tình yêu nước sâu xa của người dân bình thường (Viên mỡ bò, Đôi bạn, ông cụ Nilon…). Trong một số tác phẩm, bắt đầu có những yếu tố bi quan về thân phận con người hoặc đôi khi xa vào tự nhiên chủ nghiã. Ông phủ nhận Chúa Trời “dốt nát, chẳng hiểu ý nghĩa mọi việc trên đời”, ông còn mất niềm tin ở con người “chúng ta chẳng biết gì cả, chẳng tưởng tượng ra điều gì”. Vì vậy mà nỗi lo âu khắc khoảI của con người hiện lên rõ nét trong một số truyện của ông vào thời kì cuối đời (Sự sợ hãi, Hocla).

  Maupassant là nhà văn hiện thực tiêu biểu trong giai đoạn văn học hiện thực Pháp sau năm 1848.

Văn học Công xã Paris

Sau Cách Mạng tháng Sáu 1848, cuộc đấu tranh giai cấp giữa tư sản và vô sản ở Pháp ngày càng diễn ra gay gắt. Năm 1851, Louis Bonaparte làm cuộc đảo chính, khai sinh Đế chế II. Hai mươi năm sau, Đế chế II sụp đổ sau khi thất bại trong cuộc chiến tranh Pháp – Thổ. Đế chế II thối nát và ách áp bức nặng nề của giai cấp tư sản phản động là nguyên nhân của cuộc nổi dậy của nhân dân lao động Paris 1871 “Đế chế là hình thức vô lại nhất, đồng thời là hình thức tồi tệ nhất của xã hội tư bản nô dịch lao động” (K.Marx).

Từ thánh 9 năm 1870, đến tháng 3 năm 1871 nổ ra cuộc xung đột phức tạp giữa Chính phủ Cộng hoà tư sản và nhân dân lao động Paris vũ trang, đứng đầu là giai cấp vô sản. Sáng ngày 18 tháng 3 năm 1871, Paris được đánh thức bằng tiếng reo hò vang dội lặp đi lặp lại: “Công xã muôn năm”. Lần đầu tiên trong lịch sử nhân loại, giai cấp vô sản đứng lên làm chủ một thủ đô. Ngày 28 tháng 3, Hội đồng công xã được thành lập. Các chính sách mới của chính quyền Cách mạng được ban hành. Cuộc chiến đấu ác liệt lại diễn ra giữa Công xã và bọn phản động Verseille. Sau 72 ngày tồn tại, Công xã thất bại; những chiến sĩ Công xã bị thế lực tư sản phục thù và đàn  áp đẫm máu.

Cuộc đấu tranh anh dũng của nhân dân lao động Pháp, thắng lợi và thất bại của Công xã Paris đã hình thành một giai đoạn văn học mới – văn học tiên phong nữa sau thế kỉ 19 ở nước Pháp. Những nhà văn, nhà thơ Công xã cũng là những chiến sĩ kiên cường, bất khuất  của Công xã như Eugene Potier, Louise Mechel, Jule Valet, Jean Baptiste Clemant…

Văn học Công xã gồm thơ, văn được sáng tác trước và sau khi Công xã thành lập. MườI năm sau khi Công xã thất bại, vẫn còn nhiều tác phẩm văn viết về Công xã như Victor Hugo, Rimbeau, Verlaine. Có thể kể một số tác phẩm tiêu biểu :

Biểu tình đòi hoà bình. Thơ, Louise Michel.

Đổi Paris lấy bít-tết. Thơ, Emile Drue.

Paris, hãy chiến đấu. Thơ của Eugene Potier.

Quốc tế (Internationale), thơ Eugene Potier.

Quốc tế ca là bài thơ bất hủ, kêu gọi “đoàn quân nô lệ” vùng lên lật đổ chế độ tư bản, khẳng định sức mạnh của người lao động có thể tự giải phóng, yêu cầu đập tan nhà nước tư sản, thiết lập nhà nước mới, kêu gọi binh lính phản chiến, đoàn kết liên minh công nông. Mở đầu và kết thúc bài thơ là điệp khúc “quốc tế cộng sản sẽ là xã hội tương lai”.

Nhiều bài thơ được sáng tác trong nhà tù như “Chúng tôi ca hát gì trong tù, Hoa cẩm chướng, Thất bại..”bộc lộ tinh thần kiên định và niềm tin tưởng vững chắc vào tương lai. Mười năm sau ngày công xã thất bại, các nhà thơ vẫn viết để kỉ niệm Công xã và lên án bọn khủng bố tàn bạo (Công xã Paris, Ở chỗ này Công xã đi qua của Potier, Bài ca người tù của Michel, Tuần lễ đẫm máu của Clement,…) và đòi ân xá những người Công xã.

Nhà văn Jule Valex viết cuốn tiểu thuyết “Jacque Vintera” 3 tập: “Chú bé, Cậu tú, Người khởi nghĩa” trong đó xây dựng cuộc đời chiến sĩ Công xã tên Vintera – có thể coi đây là nhân vật hoàn hảo đầu tiên của văn học cách mạng.

Văn học suy đồi (Trường phái “nghệ thuật vị nghệ thuật”của Pacnasse,                                                             Chủ nghĩa tượng trưng, Chủ nghĩa tự nhiên)

Vào thời điểm 1848, tính chất cách mạng của giai cấp tư sản Pháp đã thoái hoá. Những năm 60, chủ nghĩa tư bản Pháp chuẩn bị bước sang giai đoạn đế quốc chủ nghĩa. Hệ tư tưởng tư sản suy thoái được thể hiện thành nhiều lí thuyết duy tâm, siêu hình như lí thuyết về sử học của Fusten De Coulanger, lí thuyết thực chứng của Hippolit Ten…

Trường phái thơ ca Pacnase ra đời 1852 ở Pháp với các nhà thơ Theophin Gotier, Le Compte, Theodore de Banville…Họ đưa ra tuyên ngôn về nghệ thuật thuần tuý qua những tập thơ “Thơ cổ đại”, “Thơ hoang dã” lấy đề tài từ thời cổ Hi Lạp và Ấn Độ. Quay lưng hoàn toàn với thực tại xã hội, họ nói về bí mật của thế giới nội tâm, sùng bái vẻ đẹp lịch sử, cổ xưa, ngoại lai, họ muốn kết hợp “nghệ thuật với khoa học bởi lâu nay tách rờI nhau”, rằng thơ ca chỉ nên quan tâm tới cái Đẹp, không nên phục vụ lợi ích thiết thực của con người. Các trường phái nghệ thuật vị nghệ thuật mà tiên phong là Pacnasse quay lưng với thời cuộc, đắm chìm trong cái đẹp thuần tuý, thực chất là họ bộc lộ nỗi chán chường, bi quan trươc xã hội đương thời.

Chủ nghĩa tượng trưng tiếp tục thể hiện những sắc thái khác nhau của tư tưởng bi quan, lo âu trước những biến cố xảy ra trong nửa sau thế kỉ 19 bằng bút pháp tượng trưng của các nhà thơ nổi tiếng Charles Baudelaire, Rembeau,Verlain, Malacmee…nhà thơ tượng trưng chống lại truyền thống của chủ nghĩa lãng mạn và cả trường phái Pacnase với phong cách biểu hiện tượng trưng độc đáo.

Charles Pierre Baudelaire

sinh ngày 9 tháng 4, 1821 (mất 31 tháng 8, 1867) là một trong những nhà thơ có ảnh hưởng lớn nhất ở Pháp trong thế kỷ 19. Ông sinh năm 1821 tại Paris. Năm 1827, cha ông qua đời. Sau đó, mẹ ông tái giá và gửi ông vào một trường nội trú. Ông cùng gia đình tới Ấn Độ vào năm 1841. Khoảng một năm sau đó, ông trở về Paris, đối mặt với cuộc sống thiếu thốn và bắt đầu sáng tác. Ông có tham gia cuộc Cách mạng năm 1848 kết thúc nền Quân chủ tháng Bảy. Trong thời kỳ này, ông gặp một phụ nữ đẹp tên là Jeanne Duval, và chính người này đã đem nhiều cảm xúc và thi hứng cho ông. Năm 1867, ông qua đời sau một thời gian ốm nặng. Ông đã viết nhiều bài tiểu luận phê bình nghệ thuật, dịch nhà thơ Mĩ Edgar Allan Poe, xuất bản tập thơ Les Fleurs du Mal (đã xuất bản ở Việt Nam dưới cái tên “Những bông hoa ác“). Sau cái chết của ông, một số tác phẩm như Journaux intimes (Nhật ký riêng tư) và Petits poème en prose (Những bài thơ nhỏ viết theo thể văn xuôi) mới được xuất bản. Nhà thơ cảm thấy chán ghét thế giới tư bản và mang một nỗi buồn sâu sắc, luôn luôn bị ám ảnh bởi tuổi già và cái chết. Những tập thơ tiêu biểu là “Nỗi u buồn Paris”, “Tim ta trần trụi”, và đặc biệt tập thơ “Bông hoa Ác” (Fleurs du Mal, 1857). Trong một bức thư gởi cho bạn năm 1866, ông viết “sự nhất quán chân thực của Bông Hoa Ác là ở sự chân thành đau đớn của nhà thơ được thể hiện trọn vẹn trong đó. Cần phải nói với anh rằng trong cuốn sách dữ dội này, tôi đã gởi vào đó tất cả sự hận thù của tôi…”. Tác phẩm làm chấn động dư luận, bị toà kết án. Lần đầu tiên trong văn học, một nhà thơ đã thi vị hoá cái xấu, cái ác và nỗi đau. Tác phẩm phản ánh nỗi cô đơn và những tình cảm suy đồi của con người trong thế giới tư bản.

Chủ nghĩa tự nhiên là một trào lưu văn học suy đồi ở Pháp từ những năm 60 thế kỉ 19. Những dấu hiệu đầu tiên của chủ nghĩa tự nhiên đã xuất hiện ở Gustave Flaubert khi ông tuyên bố: “nghệ thuật lớn có tính chất khoa học phi ngã”.

Những nhà văn tự nhiên chủ nghĩa tiêu biểu hơn cả là hai anh em Goncur (Edmond và Jules) và Emil Zola.

Về lí luận, Zola cho rằng cần áp dụng khoa học thực nghiệm vào nghệ thuật ; ông ứng dụng những phương pháp của khoa học thực nghiệm vào tiểu thuyết.  Chịu ảnh hưởng của Ten, ông tin rằng tình cảm, tính cách của con người đều bị những qui luật chi phối, như qui luật di truyền và những qui luật sinh lí học khác. Tiểu thuyết trở nên một bộ phận của lịch sử tự nhiên và y học.

Tuy nhiên, nhiều tác phẩm của Zola có giá trị hiện thực. Về sau ông càng quan tâm đến các hoạt động xã hội và dần dần từ bỏ chủ nghĩa tự nhiên để trở về là nhà văn hiện thực.

Cuối thế kỉ 19, tình hình văn học Pháp ngày càng phân hoá: văn học tiến bộ và văn học suy đồi đan xen nhau.

       Văn học hiện thực (phê phán) Pháp thế kỉ 19 đã được Marx và Engels đánh giá cao, nhất là về giá trị nhận thức xã hội, cũng như đối với văn học hiện thực Anh. Giới nghiên cứu đã nêu lên những điểm khác biệt của văn học hiện thực Pháp như sau: “Trong chủ nghĩa hiện thực Pháp, sự hư hỏng của con người được trình bày như là sự bộc lộ trực tiếp bản chất sinh vật, được khẳng định như là bản chất cố hữu của nó”.

Sự khẳng định vai trò cá nhân thực ra là sự đấu tranh của cá nhân với toàn thể xã hội. Do ảnh hưởng của tinh thần khoa học, nhu cầu về tính khách quan trong sự quan sát thế giới được nâng lên mức tối đa. Sức thuyết phục của tác phẩm trước hết là ở tính chân thực và sự nhận thức cuộc sống.

b

HONORE DE BALZAC

(1799-1850)

Giới thiệu tác giả

Khi Balzac xuất hiện trên văn đàn thì nhiều  ngôi sao của thế kỉ đang độ toả sáng rực rỡ : Walter Scott, Byron (Anh), Chateaubriand, Hugo, Vigny, Musset…và Stendhale. Đến sau nhưng sự nghiệp đồ sộ của nhà văn lại chứa đựng một sự tổng kết cả thời kì đã qua và hé mở một viễn cảnh mới của văn học thời đại. Cho tới tận bây giờ, khi bàn đến một vấn đề mới của tiểu thuyết, người ta vẫn lấy Balzac làm mốc đối chiếu.

Ngay từ nguồn gốc xuất thân, Balzac đã không thuộc loại quí tộc phong nhã, hào hoa như đa số những nhà văn lãng mạn của thế kỉ. Ông chẳng có một quá khứ dòng dõi, một tên hiệu quí tộc, một lâu đài để mà nhớ tiếc, thậm chí chẳng có một tủ sách, một khu vườn thơ mộng hoặc chiến công của ông cha, một bầu trời nước ngoài từng du ngoạn, hay những phòng khách thanh lịch…Dòng họ của ông, tổ tiên là họ Bansa, những người nông dân đổ mồ hôi sôi nước mắt trên những mảnh ruộng vùng Tach. Năm 1769, cha Balzac đã dành được ít tiền, chuyển lên Paris và đổi  thành họ Balzac. Cuộc cách mạng đã tạo ra một lớp người “đục nước béo cò” mà cha của Balzac, ông Bannat Francoisé Bansa chính là thuộc lớp người đó. Cuối chặng đường đó là một vụ hôn nhân béo bở: năm mươi mốt tuổi, ông cưới con gái của một gia đình tư sản chuyên làm dịch vụ hậu cần cung ứng cho quân đội, lúc ấy cô ta mới mười chín tuổi . Hai năm sau đứa con trai ra đời: đó là Honore de Balzac sinh ngày 2 tháng Năm ở thành Tours khi gia đình đã khá giả. Honore vốn chẳng phải dính dáng gì đến dòng họ quí tộc Balzac D’Antreger như ông thêm vào tên mình cùng với gia huy và tiểu từ “de” – đó chính là “hư cấu” đầu tiên trong sự nghiệp văn chương của ông. Chúng ta cứ coi Balzac là bút danh của Honore là đủ .

Balzac cũng không thuộc loại “thần đồng” nổi tiếng từ lúc 16, 17 tuổi như Hugo, Musset. Đoạn đời Balzac học sinh ở trường Vandome cũng không có gì chói lọi. Những kỉ niệm thời ấy, có lẽ là những cuốn sách đủ loại mà Balzac đã đọc, và mặc cảm của một chàng thiếu niên biết mình chẳng đẹp, không nổi bật bằng đứa em trai tên Henry luôn được mẹ cưng chiều và thiên vị . Sau đó ông chuyển sang trường trung học Tours, do mệt mỏi vì đọc khối lượng sách quá đồ sộ. Tới năm 1819, sau khi học xong khoa luật, sang thời kì tập sự, ông đã chống lại ý kiến gia đình, không chịu theo nghề luật, mà lên ở Paris trong một căn gác xép số 9 phố Ledigie, để bước vào văn nghiệp. Bước đầu, bố mẹ nhà văn chịu nhượng bộ. Kết thúc hai năm trời gia đình ứng tiền cho Balzac viết lách là một vở bi kịch tựa đề Cromwell (trùng tên với vở kịch do Hugo viết), đó là vở kịch khi ông đọc thử cho gia đình nghe, cả nhà đã ngủ gật.

Tiếp  theo đó là mười năm trời không tên tuổi, nói đúng hơn là mười năm viết dưới những tên tuổi khác. Tuy nhiên không thể coi thời kì này là một sự lãng phí, mất mát. Vốn sống ngày càng dày dặn, sự cọ sát với cái bình thường, sự tiếp xúc với đủ loại người và cả những lối viết  thời kì này cũng để lại những  dấu vết khó phai mờ về sau. Nhà văn cũng tiếp thu cả mặt xấu như nhà văn Đức Stepan Zvaig nhận xét: “chính vì giai đoạn này mà lối viết và ngôn ngữ Balzac sẽ suốt đời mất đi vẻ  tinh khiết”.   Tuy nhiên, cái nguồn “tiểu thuyết  đen” mà Balzac đang vục tay vào đó cũng không nhất thiết là một nhãn hiệu xấu. Trong những cuốn tiểu thuyết thời kì này, có những cuốn đã báo trước một vài nét của Balzac thời kì sau.

Giao đoạn đầu sáng tác

Tác phẩm “Những người Chouans” ra đời năm 1892 là tác phẩm lớn nhất của giai đoạn đầu đựoc nhà văn chọn xếp vào bộ “Tấn trò đời” sau này. Tác phẩm này chấm dứt thời kì làm ăn chung vốn với một số nhà văn khác cùng viết những chuyện li kì, dễ dãi mà giới phê bình ngày nay gọi là sản phẩm của “Công ty Horace de Cinglin, anh và em”.

Thời kì 1829-1835 được coi là thời kì in dấu ấn của chủ nghĩa lãng mạn trong văn chương Balzac . Tuy thế, có một số nhà nghiên cúư Pháp cho rằng, chủ nghĩa lãng mạn thời kì đầu đã để lại một dấu ấn không phai mờ trong suốt cuộc đời nghệ thuật của Balzac.

Nếu coi những chi tiết “không chân thực” (theo nghĩa là: không ở cái dạng vốn có trong cuộc sống), như một dấu hiệu căn bản của văn học lãng mạn thì quả là thời gian này Balzac đã cho ra toàn những tác phẩm có yếu tố hoang đường của bộ “Tấn trò đời” . Đó là năm tác phẩm sau: Thuốc trường sinh  (1803), Miếng da lừa (1831), Đức chúa Kito ở Flandre (1831), Serephita, Menmote qui thiện (1835) . Ngoài ra, những motif khác của chủ nghĩa lãng mạn như – thiên nhiên, những hình tượng quá cỡ, khác thường… cũng có thể tìm thấy ở giai đoạn này .

Nói về cuốn “Những người Chouans”, về sau Balzac đã tâm sự với phu nhân Hanska: “đó quả là một bài thơ tuyệt đẹp. Chất thơ ở đó thật diệu kì. Xứ sở và chiến tranh nơi đây được miêu tả một cách hoàn hảo và khoái hoạt khiến tôi kinh ngạc”. Cuốn tiểu thuyết lịch sử có hai nhân vật chính đứng ở hai chiến tuyến đối địch nhau cho đến chết ; với họ đêm tân hôn cũng là đêm cuối cùng. Tuy nhiên, cuốn tiểu thuyết ấy đã xoá bỏ hẳn khoảng cách thời gian trong tiểu thuyết lịch sử thường thấy trong chủ nghĩa lãng mạn trước đây: Balzac đang viết sử về thời kì hiện đại. (Giống như Hugo viết “Chín mươi ba” – cuốn sử của thời kì hiện đại). Đúng như lời tác giả nói “Tôi có trước mắt mình cái mẫu : thế kỉ 19”. Cảm giác về những số phận, cảnh đời và những triết lí hiện đại đã khiến chúng ta thấy những cuốn tiểu thuyết (có vẻ lãng mạn) này gần kề với tiểu thuyết hiện thực chủ nghĩa , chớ không nhất thiết phải tái hiện chi tiết chân thực.

Mở đầu “Thuốc trường sinh”, Balzac cũng nói rõ bằng hình ảnh hoang đường chỉ là một phương tiện, còn mục đích của tác giả là để phản ánh những quan hệ xã hội thực đương thời. Chi tiết hoang đường nằm ngay ở tựa đề tác phẩm – De Benvideco, là người cha của Don Juan (vẫn là Don Juan quen thuộc ở châu Âu) lúc hấp hối, trao lại cho con lọ thuốc trường sinh để con trai tẩm vào ông khi đã chết hẳn thì người cha sẽ hồi sinh . Khi người cha chết, Don Juan không muốn cha sống lại nữa. Anh ta vừa muốn một mình làm chủ gia tài lại vừa muốn thử thuốc để sau này dùng cho bản thân nên đã tẩm thuốc vào một con mắt của cha, con mắt mở ra, trong sáng, trẻ trung. Thế là Don Juanvội vã bóp chết con mắt đang sống lại. Trong đoạn “Gửi độc giả”, Balzac viết “đây không phải là một trong những trò đùa hợp thời trang của năm 1830 lúc mà tác giả nào cũng dùng “cái khủng khiếp” để làm vừa lòng các cô thiếu nữ”… và Balzac nói đến hiện tại “…khi chúng ta đang đạt tới cái tội giết cha một cách phong nhã như Don Juan…”. Độc giả phải chăng không nhận thấy trong lòng xã hội có bao kẻ mà luật lệ, phong tục và những lề thói của chúng khiến họ luôn luôn nghĩ tới cái chết của người thân và muốn lợi dụng cái chết ấy. Họ cân nhắc xem một cái gia tài đáng giá bao nhiêu khi đang mua cho vợ một cái khăn quàng, trong lúc bước lên thềm rạp hát , khi ao ước đi xem ở rạp Buffon, lúc mơ một cái xe… Lúc nào họ cũng nhìn thấy những con mắt  mà họ muốn khép chúng lại, thế nhưng nó lại cứ mở ra mỗi buổi  mai trước ánh sáng, như con mắt  của Benvidero trong công trình nghiên cứu này”

Tác phẩm “Miếng da lừa” khi xuất hiện đã khiến những nghệ sĩ lớn đương thời như Goethe phải thán phục, cho đến nhà văn Anh Oscar Wilde ở cuối thế kỉ vẫn còn xúc động vì hình ảnh quái dị đã nói lên một triết lí nhân sinh sâu săc: những khát vọng và sáng tạo của con người sẽ thiêu huỷ họ. Cũng vẫn hình tượng quái dị ấy, nhà nghiên cứu Oblomiersky lại gắn nó với những ý nghĩa những tiến trình lịch sử cụ thể. Ông coi nhân vật chính Raphael như điển hình cho sự phân huỷ bên trong của một tính cách bị ép giữa một hoàn cảnh có tính chất hai mặt. Bởi thế, anh vô phương cứu rỗi trước hình tượng về sức mạnh đã nghiến nát mình, và hình ảnh quái dị ấy ở đây phản ánh cái tiến trình hoàn thành ngoài ý thức con người, có tính khách quan .

  “Miếng da lừa

Raphael de Valentant là thanh niên thuộc một gia đình quí tộc phá sản. Cha mẹ mất sớm, anh là người có tài năng và lí tưởng. Sống cảnh nghèo trong một căn gác xép, cần cù học tập và viết sách nghệ thuật. Anh lại khao khát tình yêu, một tình yêu trong giàu sang nhung lụa nên không quan tâm đến mối tình trong sáng và thắm thiết của Pauline, con gái bà chủ nhà. Hai mẹ con tuy  nghèo nhưng sẵn lòng yêu mến, ân cần đối với anh.

Rồi vì thiếu kiên nhẫn, anh theo một người quen tên là De Rastignac rủ rê từ bỏ cuộc sống lao động nghèo để chen vào cuộc sống phóng đãng phù hoa của giới thượng lưu Paris. Anh yêu say mê nữ bá tước Fedora – người đàn bà thời thượng có sắc đẹp và tiền của nhưng lại thiếu một trái tim để hưởng ứng mối tình chân thành và nồng nhiệt của Raphael. Cuối cùng anh bị Fedora cự tuyệt. Thất vọng, anh lăn mình vào những cuộc chơi truỵ lạc, khi hết sạch tiền, anh định đi kết liễu cuộc đời mình.

Trên đường đi ra sông, vô tình anh ghé vào một cửa tiệm bán đồ cổ. Lão chủ tiệm tặng cho anh một miếng da lừa có phép thiêng thoả mãn mọi ước nguyện cuả người chủ mang nó trong tay, nhưng với điều kiện là mỗi lần toại nguyện thì miếng da lừa co lại, tuổi thọ của người chủ sẽ giảm đi. Với miếng da lừa trong túi, Raphael mau chóng trở thành triệu phú, gặp lại Pauline lúc ấy đã trở nên giàu có nhờ được kế thừa một tài sản lớn. Anh xin kết hôn với nàng. Sau đám cưới, sức khoẻ anh suy sụp, anh ngã bệnh. Không cần dùng đến cái miếng da lừa kia nữa, thậm chí đem quẳng nó đi cũng không xong. Anh cố gắng không ứơc điều gì hết, muốn tìm một lối sống như cây cỏ…xa rời đời sống xã hội, nhưng cũng uổng công. Cuối cùng trong cơn điên loạn, anh không ngăn được ước ao ân ái với Pauline và tắt thở trong cánh tay người vợ trẻ.

Tóm lại trong giai đoạn đầu tiên, Balzac đã cho ra đời cuốn “Những người Chouans” như một tia sáng còn lại của thiện cảm cách mạng trước 1831, kế đó, “Thuốc trường sinh” và “Miếng da lừa” lại bày tỏ thái độ phủ nhận những quan hệ quí tộc và tư sản,  bắt đầu hé mở toàn bộ  “Tấn trò đời”. Tuy nhiên, tác phẩm tiêu biểu nhất cho giai đoạn đầu của Balzac chính là Eugenie Grandet .

Giới thiệu một số tác phẩm tiêu biểu

Tiểu thuyết Eugenie Grandet- cuộc chia tay lưu luyến với chủ nghĩa lãng mạn

“Eugenie Grandet” được coi như một trong những kiệt tác giai đoạn đầu tiên khi nhà văn thật sự “trở thành Balzac”. Và đến cuối đời khi nhà văn đã thật sự trưởng thành già dặn về tài năng thì đối với một số người có thị hiếu ưa truyền thống trong sáng, gọn nhẹ của lối viết Pháp vẫn ưa thích cuốn này hơn cả “Vỡ mộng”, “Những người nông dân”…

Nhân vật chính của tiểu thuyết này khác xa với nhân vật chính của nhiều tác phẩm khác trong bộ “Tấn trò đời” (La Commedie humaine): duy nhất nàng Eugenie Grandet là nhân vật chính diện (các nhân vật chính khác của Balzac đều là nhân vật phản diện).

Không phải lão Grandet bố nàng mất trước, không phải vì căn cứ theo độ dài của trang chữ mà ta coi Phelix Grandet chẳng phải là nhân vật chính. Trái lại cái “màn kịch hài hước một cách xót xa này” nhờ có “nhân vật Grandet mà được nổi bật trên sân khấu và được soi sáng”. Ở lão Felix Grandet, người ta nhận ra ngay cái cốt cách quen thuộc của kiểu “nhân vật dục vọng” của Balzac . Nét chủ đạo ấy của nhân vật Balzac được trình bày qua cả một thế giới đồ vật, từ cái phòng khách, ngôi nhà xấu xí, lạnh lẽo nhưng kiên cố…đến chùm chìa khoá mà ông “tình cờ mang theo mình”…Hình ảnh Grandet gắn chặt với “những cảnh đời tỉnh lẻ” – nơi chủ nghĩa tư bản đang đổi thay nếp sống gia trưởng cũ kĩ và lối sống điền viên bắt đầu đô thị hoá.

Quả là có một cái gì đó quái gở khác thường trong dục vọng thì nhân vật Grandet vẫn là điểm gặp gỡ, là sản phẩm của một thời kì cách mạng Pháp đã đi qua, lúc mà gã hãnh tiến từ đẳng cấp thứ ba có thể ngoi lên được bằng những con đường rất giống với cha của Balzac. Thậm chí đối thủ của nhà chú cháu Cruchot lại là dòng họ Des Grassin, một dòng họ quí tộc lâu đời ở nơi đây. Grandet vừa có những nét tính cách của một gã tư sản mới nổi lên, hung hăng dẫm lên tất cả, y có thể “làm một con tính trên tờ báo đăng tin người em trai mới chết”, lại vừa có cái khôn ngoan, thực tế của một bác phó thùng trước đây, với cuộc sống chật vật vất vả làm ăn chưa xa lắm. Bởi thế, tuy mù quáng vì vàng, đôi khi lão tỏ ra rất thông minh, hóm hỉnh. Lão có cả một quá khứ, một lịch sử để giải thích quá trình phát triển tính cách của mình. [Còn H’Arpagon chỉ là một con người hà tiện đúng như tựa đề vở kịch, không hơn không kém : nhân vật đó nguyên phiến, ít tính chất động. Khi so sánh điều này, các nhà nghiên cứu mới giảI thích bằng những nguyên lí của chủ nghĩa cổ điển. Tuy nhiên, có lẽ cũng cần chú ý đến khả năng của thể loại: Moliere đã viết một vở kịch, còn Balzac đã viết một tiểu thuyết. Nhưng ngay cả điều này nữa, nó không phải là một ngẫu hứng : việc lựa chọn thể loại là do nhu cầu thể hiện của nhà thơ qui định. Không phải ngẫu nhiên mà Balzac đã nắm lấy cái thể loạI thường được gọi là “anh hùng ca tư sản” này] .

Bên cạnh cha, mới nhìn, Eugenie quả là một hình ảnh tương phản. Nhiều nhà phê bình đã căn cứ vào việc cô là một nhân vật chính diện, một cô gái ấp ủ một tình yêu lãng mạn để coi đây là dấu vết của chủ nghĩa lãng mạn.

Gợi ý phân tích tác phẩm

Eugenie đưa tặng Charles 5 800 franc

Charles gửi lại một hộp nữ trang của mẹ

Charles  sau 7 năm kiếm được: 190 000 franc      

y trả lại cô 8 000 franc gồm vốn và lãi sau 7 năm,  y đòi lại cái hộp nữ trang

Y đã sòng phẳng chưa ?

Khi đã dứt tình, cô lại còn trả nợ thay y : 1 200 000 franc

Cô lại trả công ông Des Grassin giữ nợ giùm cha Charles suốt 7 năm qua: 50 000 franc          

Cô còn lại 17 triệu.

Về  sau lại cộng thêm số tài sản lớn của ông “chồng hờ” Cruchot de Bonfons.

            Cuối cùng cô sẽ còn tái giá với hầu tước De Froifons .

Dưới đây, xét “thời gian nghệ thuật” trong cuốn này chúng ta cần căn cứ vào trình tự hoạt động. Chúng ta cũng cần xem xét sự phân bố trường độ thời gian (năm tháng trong cuộc đời, hành động của nhân vật) với thời gian miêu tả bằng ngôn từ trên trang giấy, ta thấy nhịp độ kể chuyện như sau:

Tên các chương Nhân vật  hoạt động chính Thời gian

cốt truyệnThời gian

kể chuyệnChương I

 Mấy dáng dấp thị thành

Chương II

Cậu em họ ởParis

Chương III

Chuyện tình ở tỉnh nhỏ

Chương IV  Bác keo hứa, bạn tình thềThị trấn Saumur

Lão G, cô E, bà G, mụ Nanon…  và  2 gia đình  “bao vây” cô Eugenie …

Mấy ngày

(năm 1819 )

116 trang

Chương V

Những chuyện buồn trong gia đình

Eugenie. . . và gia đìnhBa ngày cuối năm 1819 (và sơ lược đến năm 1824)

58 trang

Chương VI   Sự đời là thế

Eugenie, Charles . . .Ba năm

(từ 1825 đến 1827)

72 trang

Kết cục và Vĩ thanhEugenie và chồngTừ 1830 về sau

3 trang

Nghiên cứu số trang viết (thời gian kể chuyện) có sự không phù hợp với tính cách, lúc này thời gian kể chuyện đã trở thành “thời gian nghệ thuật”, người đọc tìm hiểu quá trình xây dựng nhân vật Eugenie nhận thấy tác giả đã tỏ ra bối rối. Những trang viết về đời sống lãng mạn của Eugenie (116 trang + 58 trang) dài hơn những trang nói về cuộc sống chấp nhận hiện thực (72 +3 trang)… Điều đó thêm một bằng chứng cho thấy nhà văn rất “lưu luyến” chủ nghĩa lãng mạn nhưng cuối cùng đành phải viết theo tinh thần tôn trọng hiện thực.

“Eugenie” là “một ngoại lệ kì khôi” như lời Balzac đã giới thiệu . Điều ấy có thể do tính cách tuổi trẻ và sự cách biệt của nàng với thế giới tiền bạc mà cha nàng cố gắng tạo ra cho đứa con. Cô sống giữa một ngôi nhà u buồn tẻ nhạt. Thế giới bên ngoài duy nhất cô tiếp xúc gồm cậu ấm Adolf luôn luôn bị một bà mẹ quá sắc sảo điều khiển và ông chánh án Cruchot de Bonfons ưa diện áo viền đăng ten ở cổ thì trông “giống một con gà tây” thì cái việc cô yêu Charles đến mức thay đổi phần nào cả tính cách, đến mức “lần đầu tiên trong đời nàng, những thiên hướng cao quí (…) trỗi dậy”, “lần đầu tiên nàng xét đoán cha”cũng là điều dễ hiểu. Tuy nhiên, Balzac luôn luôn có hàm ý tranh luận với tiểu thuyết lãng mạn khi ộng viết lịch sử mối tình của Eugenie. Ông gọi đó là “một tấn bi kịch không dao găm, không thuốc độc, không lưu huyết”- một “tấn bi kịch tư sản”.

Bi kịch, ở tiểu thuyết này, có liên quan đến miếng ăn, túi tiền ! Khi “Grandet chồm lên như con ngựa nghe tiếng súng đại bác”, khi lão nguyền rủa con suốt đời vì gói vàng nho nhỏ của Eugenie đã trao cho Charles. Lớp xung đột đỉnh điểm là do cái ảnh có gắn vàng trong hộp đồ trang sức Charles gửi lại…(Từ 1820, khi “chưa là Balzac”, ông từng viết một cuốn sách phê phán cuốn “Reunet” lãnh mạn của Chateaubriand với một câu hỏi “Trong tiểu thuyết Reunet, con người có ăn uống không ?”- câu hỏi báo hiệu Balzac  sẽ  là nhà văn hiện thực chủ nghĩa sau này ).

Nếu những xung đột kể trên giữa cha và con được Balzac gọi là những lớp bi hài kịch tư sản bởi động lực của nó là một dục vọng tầm thường, thì chắc chắn cái dư vị bi kịch ở đây không phải do người cha đem lại. Eugenie biến đổi nhưng nàng cũng chẳng thể rời khỏi những ràng buộc tất yếu của cuộc sống. Ở cha nàng, cuộc giằng co chỉ là đống vàng to và đống vàng nhỏ. Còn đối với Eugenie, nàng không thể phụ tình Charles, không quên lời hứa với “một người bà con khốn khổ” nhưng cũng không thể dứt tình cha con, dù lão ấy là Grandet. Bởi thế dù có vì một bức ảnh dát vàng, nàng đã “nhân danh Đức Mẹ, nhân danh Đức chúa Jesus hi sinh trên cây thánh giá” và những lời lẽ cao thượng ấy vẫn đúng chỗ, tự nhiên, nói lên tấn bi kịch đang giày vò trái tim nàng, mang cho nàng một kích thước cao cả.

Dáng dấp bi kịch của nhân vật còn do sự đơn độc của nàng trước một xã hội mà nàng không ý thức được hết, hoặc chỉ ý thức được dần dần. Khi giấc mơ đã tỉnh, người phụ nữ lãng mạn ấy hiểu ngay qui luật của trò chơi trong “tấn trò đời”…Một người bạn của nhà văn kể lại có lần ông ta đến thăm Balzac khi nhà văn đang viết “Eugenie  Grandet” , và ông đã giật mình thấy đột nhiên Balzac kêu lên : “Có thể tưởng tượng được không ? Cô ta chết mất rồi”…Như thế, ta có thể biết dự kiến ban đầu của nhà văn đã được sửa lại sau này. Có lẽ, vì con người thực của cuộc đời thường chẳng hay chết vì tình yêu nên Eugenie  đã “được sống”, không những thế, nàng đã lấy chồng, dù nàng nói với ông Cruchot de Bonfons rằng “tôi biết ông yêu tôi vì cái gì”.

Có nhà phê bình căn cứ vào kết cục tác phẩm, vào cách nàng sống theo lối “tu tại gia đình” để đánh giá tư tưởng của Balzac là bảo thủ. Thực ra, sự phát triển của Eugenie ở đây rất phù hợp với qui luật nội tại của nhân vật. Một con người “hoàn toàn tình cảm” cuối cùng “đâm ra nghi ngờ mọi thứ tình cảm”, con người đã yêu đến mức có thể sống trong bảy năm trời chờ đợi với bức tường cũ, mảnh vườn xưa, “cái ghế gỗ dài be bé ở đó hai người đã thề thốt yêu nhau cho đến trọn đời”…Và đến khi bị Charles phản bội, nàng cũng chẳng có một lối thoát nào khác.

Balzac không cố ý lí tưởng hoá “vị nữ tu rất thánh” ấy: Bà sống keo kiệt, bủn xỉn như cha bà xưa kia, bà cũng lo tích luỹ, làm giàu và còn giàu có hơn cha bà, đến mức phu nhân Des Grassin phải nhận xét “Ngày nay tiếng nói của cô là tiếng nói của ông nhà xưa kia !”. Tác giả tiếp tục miêu tả ở đoạn chót (như một vĩ thanh) “dư luận tỉnh lẻ lại đồn rằng hình như vị quả phụ ấy sắp tái giá”.

Thực ra Eugenie  vẫn là một tính cách toàn vẹn, nhất quán. Vẫn có một nét gì đó trong tính cách chủ đạo của nàng đã hình thành từ thời trẻ: nàng không chịu dung hoà, thoả hiệp với hoàn cảnh thực tại. Bản cam kết hôn nhân đầu tiên thật lạ lùng : ngay sau cưới, cô dâu chú rể sống ly thân. Nàng yêu cầu chú rể mang tiền đi thanh toán nợ nần cho người tình cũ phản bội. Khi thay cha quản lý cơ nghiệp, nàng tiếp tục làm giàu, đồng thời mở lòng từ thiện cho dân nghèo. Nàng còn một hi vọng mong manh nào ở sự trở về của Charles chứ dứt khoát không chấp nhận một “mối tình tay ba” khá phổ biến trong giới thượng lưu quí tộc thời ấy. Trong nàng vẫn có một mảnh vườn cũ bức tường xưa không thể phá huỷ.

Có nhà phê bình nhận xét nhân vật Eugenie  là “một chân dung vẽ hỏng của chủ nghĩa lãng mạn” (Langson)

Tài năng của Balzac còn thể hiện ở chỗ: cùng hướng về một chủ đề nhưng những nhân vật của ông xây dựng vẫn đa dạng, không lặp lại, ngay cả ở nhân vật phụ Charles. Y đúng là “đứa cháu ruột” của ông bác Grandet song vẫn khác ông ta. Với Charles, tác giả sử dụng một lối kể chuyện khác.

Tiểu thuyết Lão Goriot

(Le Père Goriot)

Bối cảnh

 Nước Pháp sau CM  khoảng từ  năm 1813 đến 1819

 Một quán trọ ở ngoại ô Paris.

Nhân vật chính

 Mụ goá Vauquer (vô ke) chủ quán trọ 

Giúp việc: cô Sylve, cậu bé Christophe

Khách trọ :

lão Goriot  (Gô ri ô)

Eugene de Rastignac (Ơ gien đờ Ras ti nhắc) sinh viên Luật.

 –Vaut’rin   (Vô t’ranh) vô nghề nghiệp, nhân vật phản diện độc đáo, bí ẩn

Couture, vợ goá viên tướng, sống bằng tiền trợ cấp (vợ liệt sĩ)

Victorine, con gái bị bỏ rơi của tỉ phú ngân hàng Taillefer (Tay ơ phe). Cô được bà Couture bảo trợ sống chung một phòng trọ. Vautrin xui chàng Rastignac cưới cô để thừa kế gia tài lớn hàng triệu. Y hứa “giúp” Rastignac trở thành triệu phú,  bàn bạc dự định bố trí trận quyết đấu giết chết con trai duy nhất của lão chủ ngân hàng Taillefer. Nhưng Rastignac tự trọng không cầu hôn cô. Anh tiếp tục đeo đuổi tình nhân Nucingen, anh chỉ vì tình chứ không vì tiền . . .

Poiret (Poi rê) viên chức nghỉ việc (không rõ lí do)

Michonneau (Mi xôn nô) cô gái già không rõ lai lịch, cặp bồ với Poiret, đã chỉ điểm cho cảnh sát bắt Vautrin (tên thực là Jacques Collin) để lấy tiền thưởng …

– Bianchon (Bi ăng sông) SV y khoa thực tập, khách ăn tối ở quán Vauquer, bạn thân với Rastignac. Chỉ có đôi bạn này quan tâm săn sóc và chôn cất lão Goriot .[Trong các tiểu thuyết sau này, Bianchon tiếp tục trở thành thầy thuốc tài năng và nghèo. Anh là một trong số ít nhân vật chính diện trong bộ Tấn trò đời của nhà văn ].

Phu nhân tử tước Beauseant … bà con xa của De Rastignac. Một quí bà mẫu mực tiêu biểu của giới quí tộc thượng lưu. Bà ta làm cây cầu dẫn Rastignac vào xã hội thượng lưu quí tộc-tư sản.  Nhân tình của bà  là lão triệu phú Ả  rập d’Ajuda.  Lão  bỏ bà đi cầu hôn cô Rochefide con gái thừa kế triệu phú. Kết thúc truyện, bà ta thất vọng bỏ nhà đi xa tìm nơi khác sống …

Phu nhân Anastasie (Nasie), con gái đầu của ông Goriot,  vợ của bá tước Restaud cô hầu là Therese,  nhân tình là Marsay

Phu nhân Delphine (Fifine), con gái thứ 2 của ông Goriot,  vợ của tử tước De Nucingen, cô đã có nhân tình là Maxime Trailler. Vì chiều chuộng gã nhân tình ham mê cờ bạc bị thua, cô cũng bị rắc rối với chồng. Chồng kinh doanh thất bại, y đe doạ có thể chiếm hết phần tài sản của cô (lão Goriot cấp cho con làm của hồi môn). Cô gặp gỡ, yêu De Rastignac và quyết cùng anh xây dựng hạnh phúc mới. Lão Goriot đem số tiền cuối cùng 12 nghìn francs mua căn hộ cho De Rastignac và Delphine chuẩn bị xây tổ ấm. Delphine  còn tặng chiếc đồng hồ đắt tiền cho người chồng tương lai… hi sắp dọn nhà đến, hai chị em đều kêu cứu với cha. Lão Goriot đau khổ hứa vào cuộc chống lại chàng rể nam tước để bảo vệ của hồi môn cho Delphine…Rastignac đành ký tờ ngân phiếu 12 nghìn vay của Vautrin rồi giao cho bà chị Anastasie (cô đến xin tiền cha để trả nợ nhưng lão đã hết tiền)… Bán nốt đồng hồ quà tặng của người yêu để lo chạy chữa và chôn cất lão Goriot. Thế là hết, chàng chỉ còn mắc nợ Vautrin vừa bị bắt vào tù. Món nợ ấy là sợi dây định mệnh kéo chàng về một  tương lai do Vautrin chỉ đạo

Gondureau: thanh tra cảnh sát, mua chuộc cô Michonneau giúp y theo dõi truy bắt Vaut’rin.

            Nhân vật đặc biệt: đồng tiền có mặt mọi nơi mọi lúc trong tiểu thuyết.

Tiểu thuyết VỠ MỘNG

            Nguyên văn Les Illusionss perdues, thường gọi là “Vỡ mộng”, có sách dịch là “Ảo mộng tiêu tan”. Trung Quốc dịch là “Huyễn diệt” (幻灭 huàn miè).

Dịch sát nghĩa là “Ước vọng tiêu tan”.

            Tiểu thuyết này đựơc coi là đỉnh cao nhất của Tấn Trò Đời. Khác với cuốn “Eugenie Grandet”, “Vỡ mộng” được viết liền một mạch, gần như theo một làn cảm hứng,  gồm 3 phần :

       Phần I – Hai chàng thi sĩ

       Phần II – Một vĩ nhân tỉnh nhỏ ởParis

       Phàn III – Những đau khổ của nhà phát minh

TÓM TẮT CỐT TRUỴÊN

Phần I: Hai chàng thi sĩ

Thành phố Angoulême, có một nhà in của lão Nicolas Séchard và nhà in của anh em Cointet. Lão Séchard (Xê da) vốn là thợ in bình thường, nhờ Cách mạng 1789 mà phất lên giàu có. Lão rất keo kiệt, tính toán thiệt hơn, bán lại nhà máy cho con trai là David, lấy tiền về quê tậu ruộng đất. Còn David chẳng quan tâm đến nhà in mà dồn hết sức lực thời gian để nghiên cứu chế tạo một chất bột giấy mới bằng nguyên liệu rẻ tiền, hi vọng thành công sẽ thu lợi nhuận lớn. Lucien Chardon, bạn của David, sau trở thành em vợ của David, lại mơ ước lập nghiệp bằng văn chương và gia nhập vào xã hội thượng lưu quí tộc. Lucien thực sự có tài năng văn chương, đẹp trai nên chẳng bao lâu sau khi lui tới phòng khách của bà De Bargeton, một phụ nữ quí tộc thích văn chương, đã thu hút cảm tình của bà. Bà càng ngày càng chán ghét ông chồng già và rất đam mê chàng thi sĩ trẻ, bất chấp những lời dị nghị. Sau đó, bà rủ rê Lucien cùng trốn đi Paris, dẫn dắt anh gia nhập vào giới thượng lưu ở kinh đô. Eva chị gái làm thợ  và mẹ làm nghề trông coi người bệnh, sản phụ.Họ vất vả làm việc để gom góp giúp Lucien bước vào xã hội thượng lưu và khẳng định tài văn chương. Họ giống như mẹ con Eugenie vậy (Hầu như trong mỗi tác phẩm Balzac đều có người phụ nữ như thế)

Phần II : Một vĩ nhân tỉnh nhỏ ở Paris

Lên tới Paris, trong cảnh xa hoa lộng lẫy chốn kinh kỳ, chàng thi sĩ tỉnh lẻ không còn sức hấp dẫn với bà De Bargeton nên bị  bà bỏ rơi. Chàng mất nơi nương tựa, sống vất vưởng. Lucien lao vào sáng tác thơ nhưng bị các nhà sản xuất sách báo bắt chẹt hoặc từ chối in sản phẩm của anh… Đương lúc cùng quẫn, Lucien gặp nhóm thanh niên D’Acthez nghèo khổ nhưng ham học, sống bằng lao động lương thiện, nghiên cứu và sáng tạo… trong nhóm này có Michel Chrestien là một chiến sĩ cộng hoà, về sau hi sinh trên chiến luỹ Saint Mori. Lucien chỉ gắn bó với nhóm một thời gian ngắn rồi bỏ đi vì không đủ nghị lực theo con đường cần cù lao động. Anh gặp Lousteau, gã nhà báo láu cá      , vốn xưa cũng là cựu “vĩ nhân tỉnh nhỏ” đến Paris, đã dạy cho anh biết mặt trái của giới văn chương nghệ thuật, rồi giới thiệu anh với làng báo chí “tự do” tư sản. Nhờ học được mánh khoé báo chí, Lucien mau chóng trở thành một cây bút nổi tiếng sẵn sàng bán rẻ lương tâm và ngòi bút. Anh chiếm được tình yêu say đắm vô tư của một nữ diễn viên trẻ đẹp Coralie, rồi chế giễu trả thù bà De Bargeton trên báo chí khiến nhiều người nể sợ. Đây là giai đoạn đắc thế nhất của Lucien. Nhưng chẳng bao lâu, phe cánh bà De Bargeton giương bẫy lôi kéo Lucien sang hàng ngũ báo chí bảo hoàng bằng cách hứa hẹn sẽ xin nhà vua phong cho anh tước hiệu quí tộc. Lucien cắn câu, chạy sang hàng ngũ đối lập. Sau khi anh viết một số bài báo đả kích bạn bè cũ (báo chí tư sản) thì bọn quí tộc bỏ rơi anh. Tình nhân của anh, Coralie, bị cạnh tranh mà mất việc.., Coralie ngã bệnh. Còn Lucien nợ nần chồng chất. Anh liều lĩnh làm thương phiếu giả đứng tên anh rể – bạn cũ David để lấy tiền bạc tiêu xài. Cuộc sống lụn bại dần, Coralie chết, anh không còn xu dính túi. Giấc mộng sang giàu phú quí tan vỡ, Lucien đi quá giang xe ngựa của bà De Bargeton mà không biết, rồi lại thất thểu đi bộ về quê.

Phần III :  Nỗi khổ của nhà phát minh

Trong thời gian ấy, ở Angoulême, David vẫn miệt mài nghiên cứu sáng chế bột giấy mới và sắp sửa thành công. Việc quản lí nhà in anh giao cho vợ là Eva. Bọn tư sản Cointet ráo riết cạnh tranh, bóp nghẹt nhà in của David và còn âm mưu chiếm đoạt phát minh của anh. Những tờ ngân phiếu giả của Lucien lọt vào tay chúng và trở thành món nợ gay gắt đòi David thanh toán. Không có tiền trả, David phải trốn tránh để khỏi ra toà. Khi Lucien về nhà, anh bị dại dột mắc mưu bọn Cointet, để lộ nơi ẩn náu của David. David bị bắt, muốn ra khỏi tù anh phải kí hợp đồng tiếp tục hoàn thành phát minh bột giấy cho bạn tư sản Cointet. Thực tế là anh bị chúng cướp không sáng chế của mình. Cuối cùng David phải bán nốt nhà in rồi đưa vợ con về sống ở nông thôn … Còn Lucien nhục nhã ê chề, anh tìm ra bờ sông định nhảy xuống tự vẫn, anh lang thang hái những bông hoa dại ven đường để ném xuống sông tự viếng đám tang của chính mình thì gặp một cỗ xe ngựa chở khách đỗ lại ven lộ. Một vị khách mặc áo thầy tu đến gần làm quen, rủ anh về Paris làm lại cuộc đời, anh bước chân lên xe của y quay lại Paris, chấp nhận một cuộc “quyết đấu” với xã hội tư bản…

Theo lời Balzac, khi viết “Vỡ mộng”, ông phải thú nhận với bà Hanska rằng:        ”Thật là khó khăn, khó cực kì (…). Vẻ đẹp thuần khiết của Eva và David Séchard không bao giờ đối địch (so sánh) nổi với bức tranh “Một vĩ nhân tỉnh nhỏ ởParis” (ám chỉ Lucien). Trong một tháng nhà văn Balzac phải chữa lại bản thảo tới mười tám, mười chín lần. Sự khó khăn ấy là việc hư cấu những gương mặt đạo đức (nhân vật lãng mạn).

“Vỡ mộng” dựng lên những cảnh đời song song, đan chéo, nhưng nổi lên hàng đầu vẫn là vận mệnh của chàng Lucien Chardon, gọi là “một vĩ nhân tỉnh nhỏ ởParis”.  Dù có mặt David Séchard ngay từ đầu bên cạnh Lucien thì David vẫn chỉ làm nền, làm nổi bật tính cách Lucien. Thực ra David vẫn có một hình bóng mờ mờ của một nhân vật “nạn nhân bi kịch”. Anh vẫn được coi là nhân vật lãng mạn.

Trên con đường riêng biệt, đầy ngẫu nhiên do sự lôi kéo của mối tình đầu, Lucien đã trở thành  đại diện vận mệnh tất yếu của nhiều lớp thanh niên trong xã hội tư bản. Thật ra, sự đổ xô về thành phố lớn chỉ xuất hiện khoảng từ 1840 về sau. Hiện tượng thu hút về thành phố là một hiện tượng điển hình của thời đại. Và hình ảnh người thanh niên lạc loài trong rừng rậm của báo chí và nhà in bấy giờ cũng rất tiêu biểu cho vận mệnh của một lớp thanh niên trí thức, nghệ sĩ đương thời.

Về không gian, không có nơi nào làm chất xúc tác cho sự phát triển của nhân vật này bằngParisbấy giờ, đó là “cái ung nhọt đang nung mủ và bốc khói nằm trên bờ sôngSeine”.

Ước vọng đầu tiên tan vỡ nhanh chóng là ảo mộng tình yêu khi chạm vào thực tế. “Điểm tựa của trí tuệ là đồng tiền !”. Cũng như De Rastignac (trong tiểu thuyết Lão Goriot), chàng Lucien Chardon kêu lên lời thách thức: “Dù thế nào, tôi sẽ thắng ! Tôi sẽ qua đại lộ này bằng xe bốn bánh có người hầu ! Tôi sẽ chiếm được những bà hầu tước Despa !”. Và lời thách thức ấy cũng là lời chấp nhận qui tắc trò chơi của xã hội ấy [phải có tiền bằng bất cứ giá nào. Đồng tiền là quyền lực duy nhất bắt xã hội phải quì gối ]…

Ước vọng thứ hai là mộng trở thành thi sĩ nổi tiếng. Nhưng lại trở thành một tay nhà báo thất bại biến chất thành tay lưu manh báo chí..

Balzac đã đặt nhân vật trước hai ngã đường, hai khả năng: Lucien đã gặp D’Actez trước lúc gặp Lousteau. Từ thời Balzac, những người trí thức ưu tú đã thấy bản chất của : tự do báo chí” :tiếp sau bọn làm báo nô lệ hèn nhát của Đế chế, là giới áp phe Báo chí “tự do” nghĩa là tụ do phục vụ cho ông chủ “Tiền”, cho nên không phải ngẫu nhiên mà lời khuyên nhủ đầu tiên của D’Acthez là lời khuyên can Lucien không nên đi vào nghề báo. Sau này, tính cách thiếu bản lĩnh của Lucien khiến anh ta vẫn hay nghiêng ngả. Dù đi theo giới “báo chí tự do” hay theo giới “báo chí bảo hoàng” thì đều là con đường “đánh đĩ văn chương” mà thôi. Cảnh nghèo, tình bạn…một lần nữa Lucien gặp lại ởParismột nhóm người mà trên vầng trán của họ đã in dấu thiên tài. Vốn nhạy cảm, Lucien biết rằng “giữaParishoang vắng”, giữa cái “sa mạcParis, y đã tìm thấy một ốc đảo ở phố Bốn gió”. Ở đây, ta gặp lại tên tuổi nổi tiếng của rất nhiều tác phẩm trong Tấn Trò Đời“ như Bianchon trong quán trọ Vauquer (Lão Goriot), hoạ sĩ Joseph Bridot, Louis Lambert và Michel Chrestien…Về chính trị, họ là những người có “những ý kiến và chủ nghĩa trái ngược nhất”.

Tuy nhiên, một nhà nghiên cứu đã nhận xét rất chí lí rằng việc Balzac ép cho một nhân vật như D’Actez mang tư tưởng bảo hoàng thì có phần hơi độc đoán. Những hành động và tư tưởng của anh chẳng khác gì đám bạn bè, đã vượt qua giới hạn của triết học không tưởng, kể cả việc “tuyên truyền cho nền cộng hoà”.

Việc lí giải hình tượng Michel Chrestien khiến các nhà phê bình càng về sau càng phát hiện nhiều nét mới mẻ, thú vị. Dù cho nhân vật này chưa phải là nhân vật chính, thậm chí như một phác thảo mà thôi, thì ngay cả cái vẻ đơn chiếc của anh và bạn bè đã miêu tả rất đúng màu sắc của cái mới ở thời đại bấy giờ, khi nó chưa trở thành cái phổ biến. Những người mẫu có thật mà từ đó Balzac hư cấu nên nhân vật này, họ đều chết trong khoảng những năm 30-36. Đó là những người thanh niên trí thức trong trắng, “chủ soái của phái cộng hoà”. Nhưng điều kì lạ là Balzac  viết trong “Ảo mộng tiêu tan” rằng M.Chretian đã chết vì một viên đạn của một gã con buôn nào đó, và “anh đã chết không phải cho lí tưởng của mình”, có nghĩa là vượt qua những giới hạn lí tưởng Cộng hoà thời kì 1830, và vượt qua những giới hạn tư sản. Bởi thế, thời đại cũng như tài năng Balzac chưa thể cho phép một kiểu nhân vật như vậy sống lâu hơn trong Tấn Trò Đời. Chrestien đã chết yểu, ngay cả trong ngôn từ của tiểu thuyết : anh còn xuất hiện ở Balzac tác phẩm nữa (Những người viên chức). Những bí mật của nữ công tước De Cadinan. Cô gái xua cá) nhưng chỉ xuất hiện qua lời kể chuyện của tác giả (hoặc qua lời nhân vật khác). Ngay cả trong “Ước vọng tiêu tan”, anh cũng xuất hiện qua lời kể chuyện là chủ yếu.

Dù cho Lucien đã gặp được những con người hiếm thấy ở cá xã hội ấy, và thực sự họ đã tồn tại, những bản tính, nét chủ đạo trong tính cách của Lucien vẫn khiến anh bị thu hút bởi những thủ đọan rẻ tiền và tàn nhẫn. Bài học của Lousteau “dù sao…cần cù lao động chẳng phải là bí quyết làm nên sự nghiệp trong văn chương, mà vấn đề là “bóc lột lao động của người khác” lại hợp với ý Lucien hơn. Nhà thi sĩ “trác tuyệt và thanh nhã” đã biến mình thành một kiểu vỗ tay thuê, chẳng khác gì bọn nửa du côn, nửa khán giả mà sân khấu hàng hoá lúc bấy giờ vẫn thuê chúng tới ngồI chật cả rạp. Và lạ lùng nữa, bọn quảng cáo ấy lại có thể, sau này, giết chết một tài năng như Coralie, hoặc nâng cao một diễn viên kém cỏi như Florine. Sau đó, Lucien chỉ còn là một thứ công cụ có thể vì lợi ích trước mắt của mình mà bán rẻ tài năng để kiếm chác. Cuộc đấu súng của anh ta với M. Chrestien – chứ không phải một ai khác trong nhóm Bốn gió – không phải ngẫu nhiên mà phù hợp bản chất và qui luật của nhân vật : hai tính cách ấy, dù mở đầu là bè bạn, nhất định phải đi tới chỗ đối địch.

Ở xa nhau ngót năm trăm cây số, với hai tính cách đối lập, hai sự nghiệp khác hẳn nhau, thực ra David và Lucien cùng bị đặt vào một cơ cấu và bị cơ cấu đó bóp chết. Dù David là một hình tượng chính diện nhưng Balzac lại không lí tưởng hoá anh ta. Balzac – nhà khoa học trong sáng và vô tư ấy đã xác định: “Đặt vợ anh vào cái xã hội lịch sự và giàu có là nơi nàng đáng sống và dùng cánh tay khoẻ mạnh của mình để nâng đỡ cậu em Lucien và những cao vọng của cậu em, đó là bản kế hoạch viết bằng chữ lụa trước mắt anh”. David vẫn là một nhân vật kiểu Balzac, vẫn bị chi phốI sâu sắc bởi đồng tiền. Số phận của anh đã nói lên một mâu thuẫn rất tiêu biểu trong chế độ tư bản, một mặt nó kích thích sự phát triển, mặt khác nó huỷ diệt phát minh sáng chế. Tuy nhiên, trên cái nền đen tối của hoàn cảnh ấy, Balzac vẫn vẽ lên được một tính cách độc đáo, mãnh liệt – đó là David. Cái tất yếu của “luật rừng” trong xã hội tư bản, dường như chồng chéo thêm cái ngẫu nhiên rủi ro của số phận riêng tư, khiến cho con người kiên nghị và bản lĩnh ấy phải chịu sa cơ. Dù không bán mình cho Vautrin như Lucien, thì khi bán phát minh cho bọn tư sản, David cũng đã phải tuân theo qui luật tất  yếu của cuộc sống ”mạnh được yếu thua”, rút lui khỏi cuộc cạnh tranh tư bản, tìm về một thú vui làng quê- một lối sống lãng mạn xa xưa.

Người ta cho rằng, Balzac với tư cách một nghệ sĩ, rõ ràng nhà văn vẫn mãi mãi thán phục Vautrin khi ông miêu tả y như một vóc dáng khác thường của loạI người bất hợp pháp. Nhưng với cái nhìn sâu sắc tỉnh táo, Balzac đã thể hiện đúng qui luật phát triển của nhân vật này…Đến cuối Tấn Trò Đời, sau khoảng hai chục tác phẩm nữa, kẻ ngoài vòng pháp luật này sẽ trở trở thành…kẻ bảo vệ pháp luật. Trong tác phẩm “Vinh và nhục của người kĩ nữ” có chương “Sự hiển hiện cuối cùng của Vot’rin gặp lại Vautrin”, De Rastignac hỏi: “nhưng ông sẽ làm gì bây giờ ? Làm người cung ứng cho nhà giam, thay vì làm kẻ bị ngồi trong đó”. Vaut’rin mỉa mai đáp. Các nhà nghiên cứu thường so sánh Hugo và Balzac: từ một mẫu người có thật, Vidock – tên ăn cướp sau trở thành người bảo vệ Luật pháp, làm một mật thám giàu có, nổi danh đến mức viết hồi kí thì Hugo biến hoá thành một ảo ảnh: Jean Valjean, còn Vautrin của Balzac vẫn gần với cái bình thường, hàng ngày hơn.

Tuy nhiên, nếu hình ảnh sống động của “Ảo mộng tiêu tan” chỉ là cái bình thường hàng ngày – chất văn xuôi, thì nó cũng chưa chiếm một vị trí độc đáo như thế và nó cũng không thể khiến cho Engels – một triết gia vốn quan tâm đến tương lai đã phát hiện ra kích thước thứ ba của cuộc sống ở đó. Chính yếu tố thời gian nghệ thuật này khiến cho các nhà nghiên cứu coi “Ảo mộng tiêu tan” không chỉ là một thiên tiểu thuyết, mà là một bài thơ, một bức tranh. Điều này làm cho “Ảo mộng tiêu tan” trở nên một tổng thể văn chương – một Tấn Trò Đời thu hẹp.

Bên cạnh đó, để biến “Ảo mộng tiêu tan”  thành một Tấn Trò Đời, gây cảm giác chỉnh thể không bị chia cắt, ngoài sự có mặt của những nhân vật được tái hiện nhiều hơn cả trong tác phẩm này, Balzac, ở những lần in sau, còn xoá bỏ tên các chương hồI mà ta thấy ở lần xuất bản trước. Ngoài ra, ở đây đã xuất hiện hầu hết những đề tài và chủ đề tài và chủ đề quan trọng nhất của toàn bộ tiểu thuyết thế kỉ 19. Thứ nhất  là sự cô đơn của con người giữa một thế giới đông đúc con người, thứ hai là chủ đề “bán linh hồn cho quỉ sứ” – dù đó là một con người trong trắng thiếu khoa học có lẽ không sống nổi như David.

Và cuối cùng, chủ đề “Ảo mộng tiêu tan”: đây không còn là tên của một cuốn tiểu thuyết ; đó là những dòng chữ viết lên vầng trán bao thế hệ thanh niên của thế kỉ, đó là căn bệnh của thế kỉ.

TẤN TRÒ ĐỜI  một thế giới hoàn chỉnh

Ý đồ nghệ thuật và thủ pháp nghệ thuật

  Ngày tháng chính thức công bố những dự định viết bộ “Tấn trò đời”: năm 1842 viết bài Tựa (chung cho toàn bộ), năm 1845 công bố phác hoạ tổng thể các thiên tiểu thuyết đó. Một công trình như thế, kích thước mang tính chất sử thi đã khiến M.Gorki phải “choáng ngợp” đã chứng tỏ độ chín muồi của tài năng khi nhà văn Balzac đã ý thức được hết sức mạnh của mình.

Người ta thường dựa vào bài Tựa (1842) để phân tích những quan niệm chỉ đạo “Tấn trò đời”, nhưng thật ra còn có những bài tựa riêng cho các tác phẩm xuất bản lẻ tẻ, và hơn nữa, không chỉ dựa vào những văn bản lí luận đó, điều cốt yếu là thông qua toàn bộ hình tượng của tác phẩm chúng ta mới hi vọng hiểu biết đầy đủ những ý đồ của nhà văn.

Dưới đây là danh mục tác phẩm “Tấn trò đời” do Balzac thảo ra và công bố 1845 (ít hơn số lượng thực tế).

Phần một

Khảo cứu phong tục

 1 – Những cảnh đời tư (gồm 32 tác phẩm, trong đó 4 mới là dự kiến).

Hiệu chú mèo đánh quần vợt.

Vũ hội ở Soe.

Hồi kí của hai thiếu phụ.

Một cô con gái nàng Eva.

Đại tá Sabert.

Gobsech.

Người đàn bà ba mươi tuổi.

Lão Goriot.

Pierre Grassoe.

Lễ Misa của người vô thần.

Bảo trợ…

2- Những cảnh đời tỉnh lẻ (gồm 17 tác phẩm trong đó 6 dự kiến).

Hoa huệ trong thung lũng.

Eugenie  Grandet.

Pierette.

Linh mục thành Tour.

Cô gái xua cá.

Gosdisa cừ khôi.

Cô gái già

Phòng đồ cổ.

Vỡ mộng (Ảo mộng tiêu tan)…

3- Những cảnh đời Paris (gồm 20 tác phẩm trong đó 6 dự kiến).

Feraguse.

Bà công tước De Langgie.

Cô gái mắt vàng.

Viên chức.

Ceda Birotto.

Nhà ngân hàng Nucingen

Fasino Canne.

Dân tiểu tư sản…

4 – Những cảnh đời chính trị (gồm 8 tác phẩm trong đó 4 dự kiến).

Một chuyện dưới thời khủng bố.

Một vụ ám muội.

Người đại biểu của Arsi.

 Z. Marcaz…

5- Những cảnh đời nhà binh (gồm 23 tác phẩm trong đó 20 dự kiến).

Những người Chouans.

Một dục vọng giữa sa mạc.

Người chủ quán…

6- Những cảnh đời nông thôn.

                      Linh mục nông thôn.

Phần hai

Khảo cứu triết học

(gồm 27 tác phẩm trong đó 5 mới dự kiến).

Miếng da lừa.

Chúa Jesus ở Flandre

Menmos cáo lui

Masimila Zonie.

Kiệt tác vô danh.

Gambara.

Đi tìm tuyệt đối.

Quán đỏ

Truyện Katerine de Medisis.

Thuốc trường sinh.

Louis Lambert

Seraphita…

Phần ba

Khảo luận phân tích  (tất cả 5 cuốn)

Sinh lí học hôn nhân.

 Những nỗi phiền hà của cuộc sống vợ chồng.

Balzac phác thảo 137-143 tác phẩm, nhưng chỉ hoàn thành được khoảng từ 91 đến 97 tác phẩm.

 Những nhân vật tái xuất hiện trong nhiều tác phẩm (ít nhất 2 lần) khoảng từ 460 đến 567 nhân vật.

Số lượng nhân vật hư cấu và nhân vật lịch sử (có thật) được nhắc đến tên trong bộ Tấn trò đời: khoảng 5000 nhân vật.

Những ý đồ nghệ thuật của Balzac có thể không đạt được ở mặt này, mặt khác, thậm chí bị hình tượng nghệ thuật phản bác. Điều này là lẽ thường tình. Tuy vậy không phải vì thế mà giá trị của tác phẩm bị giảm sút. Sau khi phân bố tổ chức toàn bộ Tấn Trò Đời ông vẫn thay đổi ý định, di chuyển một sô cuốn từ “cảnh đời” nọ sang “cảnh đời” kia. Hoặc, trong một tác phẩm “khảo sát phong tục” vẫn chứa đựng cả “khảo sát triết lí” và ngược lại. Cuộc đời trôi chảy hỗn độn trong đó, thật chẳng ai dễ dàng ngăn thành từng ô riêng rẽ.

Ý đồ của Balzac là viết nên bộ “Nghìn lẻ một đêm của Tây Âu”, ông muốn không chỉ viết nên một bộ sách mà cả một thế giới. Về điểm này, quả thực Balzac không những đã vượt hơn Napoleon như ông quả quyết mà có thể sánh được với tài sáng tác của Chúa trời. Để thực hiện ý đồ này, Balzac đã sáng tạo ra một thủ pháp nghệ thuật độc đáo. Đó là thủ pháp cho nhân vật trở đi trở lại nhiều lần qua nhiều tác phẩm .Với thủ pháp này, mỗI thiên tiểu thuyết sẽ chỉ là “một chương” trong Tấn Trò Đời đồ sộ, và Tấn Trò Đời càng gợi nên cảm giác về một thế giới hoàn chỉnh. Năm 1833, khi loan báo cho em gái phát hiện của mình về thủ pháp tái xuất hiện nhân vật, Balzac đã kêu lên rằng “Anh đang trở thành một thiên tài đấy !”. Tuy thế, chính ông cũng chưa ý thức hết khả năng, sức mạnh của thủ pháp này trong việc thể hiện quá trình phát triển phát triển tính cách nhân vật.

Thử lấy một nhân vật chính ở cuốn tiểu thuyết đầu tiên mà ông thực hiện thủ pháp tái xuất hiện nhân vật, như De Rastignac trong tiểu thuyết “Lão Goriot” (1834) và theo dõi tính cách của anh ta trong một số tác phẩm, ta thấy có sự phát triển tính cách trong mối liên hệ với hoàn cảnh. De Rastignac xuất hiện trong khoảng hai chục tác phẩm của bộ Tấn Trò Đời. Chỉ cần lấy 5 tác phẩm chính để quan sát một trong những gương mặt ám ảnh của “Thế giới Balzac” (1819 đến 1839) Từ “Lão Goriot”qua “Vỡ mộng”, “Bảo trợ tài sản”, “Nhà ngân hàng Lucingen” tới “Đại biểu thành Arci”, trong hai chục năm trời, một sinh viên nghèo ở quán trọ Vauquer đã thay đổi như thế nào ? :

Thời 1819-1820, vừa ở quê nhà lên Paris, còn có lương tâm của người thanh niên đã từng nếm trải cảnh sa sút, gốc tích quí tộc của anh vẫn hút anh từ quán trọ Vauquer tới những phòng khách thượng lưu của phu nhân De Beauseant và các phu nhân trẻ, bà De Restaud, De Nucingen. Chút ánh sáng còn lại của tuổi trẻ, của cảnh nghèo, của người thanh niên có giáo dục không cho phép anh mạo hiểm làm theo bài học vỡ lòng của một con người khó hiểu là Vautrin, vả chăng ở cuối tác phẩm y bị còng tay. Tuy nhiên, Rastignac vẫn tiếp thu được bài học ấy dưới dạng thanh lịch hợp pháp qua một đệ nhất phu nhân bấy giờ là bà Bianzon kiều diễm. Lối kết thúc tác phẩm của Balzac, cũng như ở nhiều cuốn khác là lối để ngỏ. Có thể coi đó là thủ pháp đặc sắc thứ nhì tạo cho bộ Tấn Trò Đời ăn thông muôn ngả giữa cuộc sống. Nhân vật De Rastignac đã mở ra những giả thiết hơn là những kết luận. Ta vẫn thấy nét tính cách chủ đạo của anh qua hành động chính: anh cùng với sinh viên y khoa Bianchon đã lên án hai cô gái thực sự là bước qua xác cha mà đi vũ hội nhưng anh vẫn bị hút tới đó như con thiêu thân hướng tới ánh đèn. Và khi đứng trên nghĩa địa Pere Lasezer nhìn xuống Paris, lời nói của anh là sự thách thức quyết đầu nhưng lại hàm ý chấp nhận “Nào, bây giờ còn tao với mày !”.

Tới cuốn “Vỡ mộng”, ta lại thấy De Rastignac đến gặp Bianchon trong một vụ án bảo trợ tài sản. Anh mến phục một người bạn cũ đã thành công trong học tập trở thành thầy thuốc tài năng mà vẫn nghèo như xưa nên đã khuyên bạn bằng những bài học thuộc lòng của kẻ tham vọng và hãnh tiến “Hãy làm như ông bạn Deplin của cậu, hãy trở thành nam tước, thành nguyên lão nước Pháp, và hãy gả các con gái của mình cho các câu công tước (…) cậu chỉ thạo nghề thuốc mà thôi. Nói thực lòng, cậu làm cho tớ buồn phiền hết sức”.

Cũng vào thời gian ấy (khoảng1826-1836) trong cuốn “Nhà ngân hàng Nucingen” – cái ngân hàng mà anh có cổ phần, anh đã cùng người chồng của cô nhân tình của mình là chủ nhà băng Nucingen tham gia vào những vụ affair mờ ám khiến bao gia đình phải khuynh gia bại sản.

Một trong những tác phẩm cuối cùng mà De Rastignac xuất hiện đậm nét là cuốn “Đại biểu thành Arci” bối cảnh là các vụ tranh cử năm 1839. Lúc này Rastignac đã là bộ trưởng, anh vừa được phong bá tước gần như ngoài ý muốn. Bố vợ anh ta, nam tước De Nucingen đã thành nguyên lão nước Pháp, em của anh đã là giáo chủ, bá tước De La Reuse Hugon là em rể làm đại sứ và De Rastignac được coi là không thể vắng mặt trong những mưu đồ nội các sắp tới. Một tay công tử bột đã phất lên cơ nghiệp như Macxime de T’railer cũng phải thán phục: “Cậu sướng thật đấy ! Cuối cùng cậu đã lấy được cô gái thừa tự triệu phú Nucingen. Mà kể ra cũng xứng đáng… hai mươi năm khổ sai kia mà !” (Ý nói hai chục năm De Rastignac phải kết nhân tình với Delfine de Nucingen và nay bà ta sắp làm…mẹ vợ anh).

Cũng như những cuốn tiểu thuyết khác của Balzac, kết thúc trên đây của nhân vật De Rastignac vẫn chưa phải kết cục của một số phận, mà vẫn được để ngỏ, như cuộc đời kia vậy. Số phận nhân vật được để ngỏ ra nhiều hướng, và sẽ được cuộc sống viết tiếp. Khi đọc tiểu thuyết Balzac, đối chiếu Rastignac với cuộc sống, người ta thấy có khá nhiều nguyên mẫu thật gần gũi hẳn là đã từng vô tình làm “người mẫu” cho Balzac. Một nhà nghiên cứu phát biểu rằng ông tiếc vì Balzac đã mất sớm, không sống tới Công xã Paris để xem Chie- gã chính khách mà lịch sử Pháp đã gọi là “con quỉ” sát hại bao chiến sĩ Công xã và dân lành vô tội  trong “Tuần lễ máu” ấy chính là cụôc tái xuất giang hồ cuả De Rastignac. Karl Marx, trong cuốn “Ngày mười tám tháng Sương mù của Louis Bonaparte” đã nói “dường như ở Balzac đã có những mẫu người tiêu biểu cho gã chính khách tư sản sau thời Balzac – thời Đế chế II (1852-1871)

Thủ pháp tái xuất hiện nhân vật có một ý nghĩa cách tân, thể hiện được cái nhìn và tài năng hiện thực của nhà văn. Một mặt, nó đặt nhân vật trong mối liên hệ với nhiều hoàn cảnh, thể hiện được sự vận động tự thân của tính cách ; mặt khác nó gợi được ở người đcọ cảm giác đứng trước cuộc sống thực, sôi động chẳng bao giờ ngừng. Cảm xúc rợn ngập “bàng hoàng” của nhà văn M.Gorki trước bộ Tấn Trò Đời hoàn toàn dễ hiểu và chia sẻ được. Đó là nhờ cái nhìn của Balzac gắn liền với cuộc sống trong tổng thể với những mốI liên hệ biện chứng không thể chia cắt được.

Những công trình nghiên cứu tỉ mỉ về giai đoạn cưối đời Balzac của các nhà nghiên cứu lịch sử văn học Pháp, đặc biệt công trình chú giải Tấn Trò Đời bổ sung vào năm 1981 đã xác nhận khả năng sáng tạo thần kì, độc đáo của ông. Ngay cả những tác phẩm chưa hoàn thành thì những phác thảo hay nhất chính là bản cuối cùng, vào những năm 1843 – 1848. Nắm được phương tiện của mình nhưng lại bị thúc bách căng thẳng về cuộc sống, Balzac vào độ  ấy đã đạt được những đỉnh cao sống động và phong cách của lốI viết. Đó là những thúc bách của những hợp đồng với các nhà sản xuất, những món nợ, những món chi tiêu để chuẩn bị cưới phu nhân Hanska, “nàng công chúa xa xôi”, nên con người ấy không có cách gì hơn là sáng tạo bằng cây bút.

Về tư tưởng, lúc này Balzac đã thấy vấn đề người công dân có tầm quan trọng đặc biệt. Nếu nó chưa kịp biến thành hình tượng nghệ thuật, thì đặc biệt trên những bài báo, chính luận, ông đã tranh thủ trình bày, biểu lộ điều này. Và ở đây, mâu thuẫn vẫn tồn tại, giằng xé ông hơn bao giờ hết.

Balzac và những đổi mới về quan niệm tiểu thuyết

Với những quan niệm về sáng tạo nghệ thuật được soi sáng bởi những thành tựu khoa học mới mẻ nhất lúc đương thời, với một qui mô tác phẩm tác phẩm đồ sộ, một hệ thống hình tượng đa dạng, một thủ pháp độc đáo như thế, Balzac đã là một cái mốc đánh dấu sự đổI mới quan trọng về tiểu thuyết  và quan trọng niệm nhân vật.

Trước Balzac, có người cho rằng tiểu thuyết chỉ là một giấc mơ mà thôi. “Tấn Trò Đời” là một tổng kết những hình thức tiểu thuyết truyền thống và đương thời, nhưng đồng thời lại có nhiều đổi mới : tiểu thuyết truyền thống và đương thời, nhưng đồng thời lại có nhiều đổi mới : tiểu thuyết tình, tiểu thuyết gia đình, tiểu thuyết lịch sử, tiểu thuyết về phong hoá…Bao trùm tất cả những câu chuyện ấy vẫn là sự đối nghịch đương đầu của cá nhân và xã hội – đó là sự đổi mới về chủ đề.

Do cái nhìn cuộc sống trong một tổng thể, nên ngay cả những truyện vừa trong Tấn Trò Đời cũng có tính chất khác. Thông thường, người ta cho rằng truyện ngắn và truyện vừa vừa không đủ khả năng thể hiện sự vận động biện chứng của cuộc sống như truyện dài. Nhưng đọc truyện vừa của Balzac ta có cảm giác khác hẳn. Ghép vào Tấn Trò Đời có khoảng một chục truyện vừa (Bà mèo chơi bóng, Đại tá Sabert, Gopsech, Lễ cầu hồn của kẻ vô thần, Quán đỏ, Bảo trợ tài sản, Fiermiamie, Kiệt tác chưa ai biết). Nhưng do chúng “chỉ là một chương trong toàn bộ Tấn Trò Đời, do thủ pháp tái xuất hiện nhân vật nên “cuốn này nối liền cuốn khác” khiến lịch sử của cái xã hội hư cấu ấy giống hệt như một thế giới hoàn chỉnh”. Từ đó, khái niệm về nhân vật chính, phụ cũng thay đổi : có nhân vật chỉ là phụ trong một số cuốn này thì lại trở thành nhân vật chính trong tổng thể Tấn Trò Đời (như Vautrin chẳng hạn).

Ý niệm về thời gian cũng là một nét thi pháp nổi bật của các nhà viết tiểu thuyết thế kỉ 19. Cái thế giới ấy là một không gian và thời gian rất mới mẻ đối với tiểu thuyết đương thời, bởi lẽ nó là thế giới hiện đaị. Balzac ý thức rất rõ điều này khi ông viết : “Tôi còn phải hoàn thành bộ lịch sử của tôi về xã hội hiện đại”. Rải rác trong suốt Tấn Trò Đời, ta thấy hình thành một cuộc luận chiến ngầm với tiểu thuyết lãng mạn. Balzac viết “ngựa nòi, gái giống – những thành ngữ ấy bắt đầu thay thế những nàng tiên trên trời, những hình tượng thú vị và tất cả những hình tượng thú vị và tất cả thần thoại cổ xưa về ái tình đã bị thời đại thượng lưu phế bỏ”. Ông hiểu rằng với lối viết cũ, nghệ thuật lí tưởng hoá không còn chỗ đứng trong thế giới hiện đại nữa. Đây không chỉ là lời phê phán cách miêu tả thiếu tính chân thực, lịch sử cụ thể rất thịnh hành bấy giờ, mà còn là sự khẳng định hướng về hiện tại và tương lai.

Nếu xét về thời gian được miêu tả thì trong gần 100 tác phẩm của Tấn Trò Đời, chỉ có độ dăm cuốn miêu tả những sự kiện xảy ra trước Cách mạng tư sản (như Đức chúa Kito ở Flandre, Thuốc trường sinh, Kiệt tác chưa ai biết tới, Catherine de Medici…,). Nhưng dù viết  về thời Trung cổ, về thế kỉ 16 thì những cuốn sách ấy vẫn tắm trong không khí hiện tại, bởi vì bóng dáng của “đấng quyền lực vạn năng”, “vị thần hiện đại duy nhất” mà người ta tín ngưỡng là “thần tiền” đã xuất hiện.

Nếu như cuốn “Kiệt tác chưa biết tới” đề cập một vấn đề thuần tuý nghệ thuật, thì con người hiện đại ở đó đã in một dấu ấn không thể phai mờ đó là đam mê và dục vọng.

Tính cách nhân vật

Đam mê gắn liền với đồng tiền – đó là động lực đầy kịch tính của Tấn Trò Đời , là màu sắc rực rỡ nhất của bức tranh toàn cảnh về những tính cách. Bản thân dục vọng, đam mê ở những nhân vật của Balzac không phải lúc nào cũng hàm nghĩa tiêu cực mà chính nó đã từng làm cho nhân vật của ông có một tầm cở, kích thước khác thường, khác với những nhân vật của Flaubert, Guide Maupassant sau này. Tuy nhiê, bởi ngay những đam mê về nghệ thuật, khoa học và tình yêu  không thể tách rời nền tảng xã hội nên có lẽ vì thế mà ở những nhân vật chính diện, đam mê vẫn mang sắc thái huỷ diệt. “Muốn” và  “Làm được”, khao khát và hành động đều khiến cuộc sống con người co lại một cách bi thảm, khủng khiếp trong “Miếng da lừa”. Một nhân vật từng đi tìm “cái tuyệt đối” như Bantasa Clack bị huỷ diệt bởi chính sáng tạo của ông ta. Và cái sáng tạo mà ông hoàn thành được vào lúc không thể nào đươc truyền lại được cho ai nữa, lúc ấy ông đã vào giây phút hấp hối. Sáng tạo ấy chính là cách chế tạo ra vàng.

Đã qua rồi cái thời đại day dứt vì lí tưởng của Hamlet “tồn tại hay không tồn tại”. Nay là thời đại của một thiên độc thoại mới “có tiền hay không có tiền ?”. Với Tấn Trò Đời , đồng tiền đã trở thành nhân vật chính, cũng đúng như trong cuộc sống đương thời.

Với một qui mô đồ sộ, một trường độ tồn tại dài đến như thế, bộ mặt con người và xã hội mới được phân tích một cách khoa học trong mọi sắc thái riêng biệt. Bởi Tấn Trò Đời là “một thế giới hư cấu giống hệt như ngoài đời” nên các nhà thống kê, nhà sử học, nhà nghệ sĩ có thể tìm thấy đủ mọi chi tiết về cuộc sống nửa đầu thế kỉ 19 ở trong đó. “Người ta không hỏi chính kiến của ông là gì mà chỉ hỏi ông nộp thuế bao nhiêu” (Eugenie Grandet)…bởi Tiền chính là một trong những điều kiện đủ tư cách đi bầu cử, ở cái chế độ chính trị này. Còn “luật pháp chỉ là cái mạng nhện ở đó con ruồI to thì lọt, con ruồI nhỏ thì mắc” (Nhà ngân hàng Nucingen) ý nói con ruồi to có đủ sức đâm rách màng nhện. Và đây thực chất của bản “Tuyên ngôn Nhân quyền và Dân quyền” là  “khi người ta công bố quyền bình đẳng của mọi người, người ta đã công bố bản tuyên ngôn của quyền Thèm khát” (Beatrice). Trong cuốn “Kiệt tác chưa ai biết tới” các nghệ sĩ có thể tìm thấy những tiên cảm về hội hoạ, âm nhạc… và cả về y học.

Chưa kể mấy tác phẩm viết về những thế kỉ trước (đã nói ở trên) thời gian sự kiện được miêu tả trong Tấn Trò Đời đã chiếm một trường độ dài hơn cuộc đời của nhà văn mà khả năng sáng tạo đã hút cạn sức lực vốn phi thường của ông trong độ tuổi năm mươi. Nhân vật vào loại già nhất trong Tấn Trò Đời là ông cậu nhà phu nhân De Langty. Trong cuốn Saradin đã trên một trăm tuổi (già đến nỗi không còn tính tuổi nữa). Sự kiện cũ nhất của thế kỉ tư sản là cuốn “Cô gái xua cá”, khởi sự năm 1792 khi Balzac chưa sinh ra đời. Còn hành động mới nhất được miêu tả trong 2 cuốn “Người anh họ Paul, Những đào kép không tự giác” xảy ra vào những năm 1845, 1846 – khoảng vài ba năm trước khi nhà văn qua đời.

Tấn Trò Đời, đó là một pho biên niên “gần như từng năm một” (Engels), một bộ bách khoa toàn thư, một hệ thống huyền thoại – tuỳ theo cách gọi của từng nhà nghiên cứu (sách có đề ngày tháng trong khoảng 1792- 1846).

Và Tấn Trò Đời, thời gian kể trên phải nhân lên với ít nhất là 2000 nhân vật, trong đó có những bộ mặt ám ảnh, những bộ mặt không thể quên, người nào ra người ấy, những người đã quen biết mà vẫn là người lạ…Balzac điểm lại rất đầy đủ “đội ngũ” của ông trong thế giới Tấn Trò Đời “quí tộc, tư sản, thợ thủ công, nông dân, chính khách, trí thức, công tử bột…trong đó con người, xã hội, nhân loại sẽ được miêu tả, đánh giá, phân tích không hề lặp lại trong một tác phẩm giống như bộ Nghìn lẻ một đêm của Phương Tây”.

Đành phải thấy rằng đội ngũ của ông vẫn còn thiếu một nhân vật  đang chuẩn bị bước lên vũ đài lịch sử vào năm 1848: nhân vật “người công nhân” theo đúng nghĩa của từ này. Thực ra, Balzac mới chỉ miêu tả lướt qua cuộc sống thợ thuyền trong “Người con gái mắt vàng, Miếng da lừa, Fancine Can, Một gia đình kép” chỉ là những đoạn có tính chất bình luận ngoại đề. Người công nhân chưa trở thành đối tượng thẩm mĩ ở Balzac. Nhà văn cho rằng “Giống như những cái máy hơi nước, những người sống theo chế độ lao động đều được sản sinh ra chung một dạng và không có nét cá thể. Con người công cụ là một kiểu số không về mặt xã hội, mà con số ấy lớn nhất đi chăng nữa cũng sẽ chẳng bao giờ làm được cái gì nếu nó không được kèm thêm ở đằng trước vài con số khác nữa”.

Không hiểu được người lao động công nghiệp, nhà văn còn đổ lỗi cho họ. Họ chỉ tương đương với con số không và chỉ biến thành sức mạnh khi đứng sau một lực lượng lãnh đạo. Nhưng cũng đúng là một nhà văn hiện thực: Balzac không thể nào nặn ra một điển hình nữa cho Tấn Trò Đời nếu ông không cá thể hoá họ. Tuy nhiên, vẫn phải đối chiếu với cuộc đời thật một phần. Nếu hình ảnh người công nhân vô sản vắng bóng, điều đó không phải do môi trường xã hội của tác giả và độc giả, mà vì người vô sản thuộc về một giai cấp đang hình thành và chưa tồn tại ở trạng thái âm bản.

Ở thế kỉ 19, có một số người chê bai Balzac rằng lối viết của ông như “vết nhăn trên những viên ngọc” mà ông mài giũa nên. Đến thế kỉ 20, điều đó không thành vấn đề nữa (vì người ta còn phải quen với những thứ bút pháp kì lạ, rối rắm hơn nhiều), một nhà nghiên cứu (Tibodez) cho rằng một tài năng như thế phải chọn lối viết như vậy: “Một sức mạnh của thiên nhiên rất cần phải sử dụng một bút pháp trào dâng, một bút pháp hành quân… Balzac tiến lên trong bước dậm chân của người, ngựa đang tiến bước, mãnh liệt và không dè dặt. Và cuối cùng, đôi khi chúng ta cũng phải nhận ra rằng đó là đại quân đang đi qua”.

Ngôn từ và lối kể chuyện, Balzac cũng tiêu biểu cho một nghệ thuật mà thị hiếu của thế kỉ 20 đã khác xa do họ không thích nhà văn đứng ở địa vị Đức Chúa – biết – hết – tất – cả. Những nhân vật chính của tiểu thuyết,mặc dù có cố gắng cá tính hóa, đôi khi họ vẫn ăn nói giống như tác giả, thường bị biến thành cái loa phát ngôn cho lí tưởng của nhà văn. So với tiểu thuyết thế kỉ 20 thì sự hiện diện của nhà văn đã quá rõ ràng. Dù cho khá nhiều nhân vật giống Balzac như con giống cha, dù cho giọng đối thoại đôi khi bị át bởi lời kể chuyện thì tài năng phi thường của nghệ sĩ ấy vẫn hà hơi, tiếp sức cho họ đi đây đi đó, không hề nhốn nháo trên mọi nẻo đường của thế giới Tấn Trò Đời, nơi bóng dáng Balzac vẫn ngự trị như một Đức chúa biết rõ số phận của chàng Adam và nàng Eva của mình. Tác giả đã so sánh Tấn Trò Đời như “ngôi nhà thờ Bourge của tôi”, “ngôi nhà thờ Madelaine của tôi” là những hình ảnh kiến trúc của nước Pháp quả là còn khiêm tốn. Tác phẩm của ông là cả một đội ngũ, đó là đại quân đang đi qua, đó là một thế giới mà ông đã tìm ra chiếc chìa khoá để mở ra tính cách của con người trong đó.

“Cây bút còn vượt lên trên lưỡi kiếm”- khát vọng Balzac

Thuở hàn vi, Balzac đã ghi trước mặt bàn làm việc của mình dòng chữ “Cái gì mà người ấy (Napoleon) đã không hoàn thành bằng lưỡi kiếm, tôi sẽ hoàn thành bằng cây bút”(có giai thoại kể ông viết câu ấy trên cánh tay bức tượng Napoleon trong một viện bảo tàng) Cho tới năm 1846, đã ở trên đỉnh cao của công trình bát ngát của mình, Balzac vẫn còn viết cho phu nhân Hanska “Tôi đang xét xem mình còn phải viết gì nữa để cho Tấn Trò Đời mang một ý nghĩa hợp lí và đừng để cho toà lâu đài ấy phải ở trong tình trạng không rõ ràng…”. Dường như một cảm giác nuối tiếc về sự nghiệp chưa hoàn thành đã len lỏi vào lời nói tri thiên mệnh của Balzac. Quả vậy cơ thể cường tráng khác thường của con người thường xuyên làm việc mười sáu giờ một ngày đã suy sụp. Ông nói rằng ông đã phát ghét những cuốn tiểu thuyết, “nhất là những cuốn tiểu thuyết phải hoàn thành !”. Những dòng chữ đã vắt kiệt sức của Balzac khiến cho “miếng da lừa” của đời ông sớm co lại trong tiếng sột soạt cuối cùng. Ông mất năm 1850, trong ngôi nhà ởParis.

Người ta nói rằng Balzac bị ám ảnh bởi chính thế giới mà ông sáng tạo ra đến nỗI trong cơn mê sảng lúc ốm đau, bạn ông nghe thấy ông kêu lên rằng “phải có Bianchon (nhân vật bác sĩ tài giỏi giàu lương tâm tái xuất hiện trong khoảng hai chục tác phẩm của Tấn Trò Đời ) thì mới chữa khỏi bệnh cho tôi”. Khi Victor Hugo đến thăm, Balzac nằm cô đơn giữa ngôi nhà nến thắp sáng, giữa những đồ đạc mua sắm đón phu nhân Hanska về trước đó mấy tháng. Và Hugo đã viết “trông ông giống như hoàng đế”.             Balzac được chôn cất ở nghĩa địa Perre La Sezar, như lão Goriot trong tiểu thuyết, không có nghi lễ quốc tang trọng thể như Hugo sau này. Giữa cảnh mưa gió, bùn lầy và sự lạnh nhạt cuả một số người, nhà văn lãng mạn Hugo đã nói lên lời đánh giá căn bản của ông:“Dù muốn hay không muốn (…) ông thuộc về nòi giống cường tráng cuả các nhà văn cách mạng”. Để so sánh ông với Napoleon, qua cuộc đời, qua sự nghiệp muốn đánh giá cho đúng nhà văn ấy, ta phải nhắc lại lời của chính ông tuyên bố khi đã nổi tiếng: “cây bút còn hơn cả lưỡi kiếm…so với hoàng đế, người đã truyền vào cơ thể mình biết bao đội quân (…) còn tôi, tôi chứa cả xã hội trong đầu mình”.

Giữa cuộc đời, “cái thung lũng đầy nước mắt” mà Chúa Trời tạo ra, nhà văn Nga Maxim Gorki đã tìm thấy ở tác phẩm của Balzac cảm giác êm dịu của kẻ bộ hành đã mỏI mệt “khi men theo một thung lũng buồn nản và khô héo lại hồi tưởng tới một xứ xở mà người ấy đã từng đi qua xưa kia, phong phú và phì nhiêu bởi vẻ đẹp và sức mạnh”. Vẻ đẹp và sức mạnh của SÁNG TẠO.

Nếu căn cứ vào độc giả làm tiêu chí của giá trị nghệ thuật, thì Balzac đã có những độc giả lí tưởng nhất…Rất sớm, từ nước Nga, thi hào Puskine đã quan tâm tới ông khi tác phẩm “Vụ rửa thù” lần đầu tiên được dịch ra tiếng Nga, năm 1831. Rồi Bielinski, Dostoievski (Nga), Goeth (Anh), Robert Browning (Mỹ) T. Hardy, Robert Fost, Ec da Paand, John Gans Worthy, Henry James…Họ không chỉ là độc giả, Dostoievski, do cảm hứng khi dịch cuốn Eugenie Grandet đã viết cuốn tiểu thuyết đầu tiên “Những người nghèo”, Oscar Wilde nhà văn Anh, do ảnh hưởng của “Miếng da lừa” mà viết được “Chân dung của Dorian Gray”. Cuốn “Một vụ mờ ám” của Balzac đã ảnh hưởng lớn đến Conal Doyle nhà viết truyện trinh thám Anh nổi tiếng thế kỉ 20 (Sherlock Home)

Nếu căn cứ số lượng công chúng, số lượng bản dịch như một dấu hiệu bất tử của nhà văn thì cho tới nay Balzac vẫn là người được đọc và dịch nhiều nhất. (Vài con số thống kê như sau : Tác phẩm Balzac xuất bản bằng ngoại ngữ trên 22 triệu bản – gồm 17 thứ tiếng ở Liên Xô tính đến 1979. Từ 1961 đến 1967, tác phẩm của Balzac được dịch trên thế giới với tổng số lớn hơn sách dịch của Dickens, Jack London, Graham Green, Emin Zola, V.Hugo, Goeth, Stendhale cộng lại.

Và“vấn đề (hạnh phúc) của cuộc sống không phải ở chỗ độ dài của nó mà là ở chất lượng, sự đa dạng, số lượng của những cảm giác…”, với tư cách một nghệ sĩ, Balzac đã nghĩ như thế khi viết “Miếng da lừa”. Dù là một nghệ sĩ lớn, một thiên tài đi chăng nữa, không một ai có thể chứa đựng nổi mọi vấn đề cho mai sau, sẽ có những phần “chết đi” trong sự nghiệp của họ. Nhưng với Balzac, phần còn lại vẫn còn được đo bằng những kích thước đặc biệt – kích thước của Tấn Trò Đời – ở đó, một khi hiện tại nổi lên rõ nét đến như thế, thì dù “chiều thứ ba” của thực tế hãy còn chìm ẩn, người đọc tỉnh táo vẫn có thể nhìn thấy mọi khuynh hướng lành mạnh toát ra từ tình thế và kết cấu của tác phẩm.

Ï

Guy de Maupassant- nhà truyện ngắn

Cuộc đời

Guy de Maupassant sinh tại vùng Normandie ở miền bắc nước Pháp ngày 5 tháng 8 năm 1850 trong một gia đình giàu có.

Cha mẹ Maupassant ly thân năm ông lên mười một tuổi, và bà mẹ đã một mình nuôi dạy con. Từ ảnh hưởng ấy, bà đã trở thành nhân vật nữ trong rất nhiều câu chuyện của ông. Maupassant được gửi đến trường nội trú ở Yvetot vì bản tính bất trị, hay nổi loạn. Ông từng học ở trường lycée tạiRouenvà được bằng Cử nhân Văn chương. Sau khi tốt nghiệp, Maupassant gia nhập uân đội và tham gia Chiến tranh Pháp–Phổ (1870–1871).

Năm 1871, ông đếnParislàm một viên chức nhỏ cho Bộ Hải quân. Từ năm 1878 trở đi ông làm một viên chức Bộ Giáo dục. Cuộc đời làm viên chức nhỏ kéo dài khá lâu, đã để lại nhiều dấu ấn trong tư tưởng và sự nghiệp của ông, góp phần quan trọng vào việc hình thành “hình tượng con người bé nhỏ” – một kiểu nhân vật văn học quan trọng sẽ ra đời vào cuối thế kỷ 19 và thịnh hành suốt nửa đầu thế kỷ 20.

Với những khó khăn dồn dập, Maupassant ngày càng trở nên bi quan đến nỗi bị chứng nhức đầu kinh niên không dứt, chỉ có thể làm dịu cơn đau bằng cách hít ether. Việc lạm dụng ether đã gây cho ông nhiều ảo giác và cuối cùng Maupassant bị sụp đổ inh thần hoàn toàn. Rồi ông trở nên giàu có, và chi tiêu bừa bãi vào thú ăn chơi. Nhưng sau thời gian này, ông trở nên tuyệt vọng, vào năm 1892 tự tử nhưng được cứu sống.

Sau đó Maupassant bị giam trong dưỡng trí viện tư nhân Doctor Blanche tại Passy, Paris.

Maupassant mất ngày 6 tháng 7 năm 1893, chỉ vừa 42 tuổi, trong thời kỳ thứ ba của bệnh giang mai, căn bệnh đã kết liễu cuộc đời của nhà văn. Ông được chôn cất ở Nghĩa trangMontparnasse.

Sự nghiệp

Hoạt động văn chương của ông bắt đầu khoảng giữa thời gian từ 1871-1880, bắt đầu bằng những bài thơ. Ông chịu ảnh hưởng sâu sắc của người thầy, người cha đỡ đầu Gustave Flaubert, và ông bắt đầu quay sang khuynh hướng hiện thực và tiếp nhận những nguyên lý nghệ thuật của Flaubert.

Cũng trong thời gian này, Maupassant gia nhập nhóm “Chủ nghĩa Tự nhiên” mà đứng đầu là Emile Zola. Năm [1888], truyện vừa Viên mỡ bò ra đời, là thành công đầu tiên trên con đường sự nghiệp của ông xác định môt tài năng về nghệ thuật kể chuyện.

Từ năm [1880-1891], ông đã sáng tác thêm khoảng 300 truyện ngắn, trong đó có rất nhiều truyện xuất sắc như: Người đã khuất, Món tư trang, Cái thùng con, Con quỷ, Đi ngựa, Người đàn bà làm nghề độn ghế… Và 6 tiểu thuyết: Une Vie (Một cuộc đời, 1883), Bel Ami (Ông bạn đẹp, 1885), Mon Oriol (Oriol của tôi, 1887), Pierre et Jean (1888), Fort comme la Mort (Mạnh như cái chết, 1889), Notre Coeur (Lòng ta, 1889).

Tư tưởng và nghệ thuật

Là học trò giỏi của Flaubert nên Guy de Maupassant chịu ảnh hưởng sâu sắc của thầy mình về hai phương diện nghệ thuật và tư tưởng.

Chủ nghĩa bi quan, hoài nghi là cảm quan chính chi phối nhiều sáng tác của ông và ông còn đi xa hơn thầy của mình về “sự tuyệt vọng triết học” (le désespoir philosophique). Tác phẩm của Maupassant là sự thể hiện của niềm thất vọng trước sự bé nhỏ và bất lực của con người trước xã hội và định mệnh, về sự tuyệt vọng đã dập tắt mọi khát vọng, về cái ác… Chính sự tuyệt vọng triết học này đã làm cho quan niệm nghệ thuật về con người của ông trở nên bi quan khi ông cho rằng mình đang phản ánh những con người “chưa bao giờ ít chất người hơn thế”. Tuy có cái nhìn bi đát về hiện thực như vậy, nhưng ông cũng có những điểm tích cực và khác biệt hơn so với người thầy Flaubert của mình. Ông dành nhiều tình cảm cho cho những người thuộc tầng lớp dưới, những người bất hạnh chịu nhiều thiệt thòi nhất trong xã hội, chịu sự rẻ khinh của định kiến xã hội như: cô gái giang hồ, trẻ mồ côi, thiếu nữ sa ngã… mà ông phản ánh qua một số truyện: Viên mỡ bò, Bố của Simon (Le Papa de Simon), Rachel…

Cũng từ các ảnh hưởng nghệ thuật của Flaubert, ông đã tiếp thu thái độ khách quan hiện thực, sự gọn nhẹ, trong sáng và sự tinh tế của bút pháp nghệ thuật miêu tả chi tiết sự việc. Sở trường đặc biệt về truyện ngắn của Guy de Maupassant đã nói lên khả năng nắm bắt và thể hiện thực tại trong từng khía cạnh cụ thể trong một thể loại (truyện ngắn) yêu cầu rất cao về nghệ thuật gói gọn thông tin vào trong những giới hạn cho phép. Nên ông được xem là bậc thầy về truyện ngắn thế giới[cần dẫn chứng].

Tác phẩm

Tác phẩm đầu tiên được xuất bản của Maupassant là Viên mỡ bò (Boule de Suif), một trong những truyện ngắn in trong tập Les Soirées de Médan viết về cuộc chiến Pháp-Phổ. Có thể nói tiểu thuyết gia Gustave Flaubert đã ảnh hưởng rất lớn đến cuộc đời và văn nghiệp của Maupassant. Flaubert là một người bạn thâm niên của mẹ Maupassant, và còn là cha nuôi của ông Maupassant. Đối với riêng bản thân Maupassant, Flaubert là người bạn thân thiết, và còn là người thầy đã dẫn dắt ông trong suốt thời thơ ấu. Dưới ảnh hưởng của Flaubert, văn phong của Maupassant được thể hiện rất tự nhiên nhưng đầy bi quan về cuộc sống. Maupassant có thiên tư tiềm tàng về hồi tưởng. Chính khả năng này đã giúp ông viết câu chuyện thật dễ dàng và uyển chuyển bằng những hình ảnh chứa đựng sẵn trong đầu. Nhưng không bao lâu, ông thoát khỏi cái nhìn tự nhiên đơn giản và nhận thức rõ chân dung sự thật. Điều này đòi hỏi phải có óc quan sát tỉ mỉ và miêu tả thật chính xác. Maupassant từng làm việc cho các nhà báo ở Paris, như tờ Gil Blas và tờ Le Gaulois dưới các bút hiệu khác nhau như Joseph Prunier, Guy de Valmont và Maufrigneude.

Chỉ trong vòng một thập niên, ông đã viết gần 300 truyện ngắn, 200 bài đăng báo, 6 quyển tiểu thuyết và 3 bút ký du hành – chứng tỏ một sức sáng tác rất mạnh. Trong số tác phẩm nổi tiếng của ông có thể kể Une vie (Một cuộc đời), Bel-Ami (Anh bạn đẹp),Pierreet Jean,Fortcommela Mort và Claire de Lune. Vở kịch đầu tiên của ông là À la feuille se rose: Maison Turque. Tác phẩm Une vie và Le Papa de Simon đã được đưa vào trong chương trình giảng dạy văn học phổ thông ở ViệtNam.

Nhận định tổng quát

Tư tưởng phê bình của Maupassant thường nhắm vào luân lý đạo đức xã hội. Cái nhìn căn bản của ông là đề tài hiện thực, ảnh hưởng của Flaubert, và các khía cạnh về lối tự thuật. Bài thơ Au bord de l’eau của Maupassant bị đặt nhiều nghi vấn vì chứa đầy dục tính, thậm chí bài thơ còn bị đe dọa mang ra trước pháp luật. Sức khoẻ của Maupassant đã gây nhiều khó khăn cho ông. Từ thời trai trẻ, Maupassant đã mang chứng bệnh giang mai dẫn đến suy đồi thoái hoá, thậm chí còn ảnh hưởng liên tục đến thị lực của ông. Có thể nói, tình trạng sức khoẻ của Maupassant đã khiến ông khủng hoảng trầm trọng và ngã quỵ từ tâm hồn đến thể xác. Trong câu truyện La Horla, ta sẽ thấy rõ bằng chứng của một tâm hồn bất bình thường nơi Maupassant.

(Guy de Maupassant, O’Henry và Anton Pavlovich Chekhov được xem là ba nhà văn viết truyện ngắn hay nhất mọi thời đại).

 Một cuộc đời  (Une Vie)  tiểu thuyết

             Trở về trang trại của bố mẹ sau những năm học trong một tu viện, Jan con gái của nam tước Simon Jacque Le Pectus mơ mộng và hi vọng về hạnh phúc, tình yêu, tương lai. Tử tước Julien de Lama làm quen với gia đình cô rồi kết hôn với cô. Cuộc sống chung phơi bày dần tính tình y, bủn xỉn và thô bạo, khiến Jan quen nếp sống hào phóng, chiều chuộng lẫn nhau trong gia đình bố mẹ, phải ngạc nhiên, xấu hổ và khó chịu. Y đứng ra cai quản trại ấp, chắt bóp, tính toán và lạnh nhạt với Jan. Rozali, cô hầu gái của Jan, sinh một đứa con hoang. Jan hết lòng săn sóc, muốn tìm cha đứa trẻ để thu xếp cho Rozali. Julien ngăn cản, định đuổi Rozali. Jan cương quyết không nghe.

               Tình cờ cô phát hiện sự phản bội của Julien, và Rozali thú nhận đã bị y quyến rũ ngay hôm đầu tiên y đến trang trại. Bàng hoàng, đau đớn, Jan định tự tử, định bỏ ra đi nhưng mọi người khuyên can, hoà giải. Cô cùng bố mẹ cấp hồi môn cho Rozali, giúp Rozali xây dựng gia đình. Julien phẫn nộ gây sự vì tiếc số hồi môn quá lớn. Ít lâu sau, Jan sinh con trai. Mẹ cô qua đời. Thức bên thi hài mẹ, đọc thư từ của bà thời trẻ, ngẫu nhiên cô biết trước kia bà có tình nhân. Cô kinh ngạc, xót xa, ghê sợ. Còn Julien lại lừa dối cô: y bắt nhân tình với một bà Bá tước đỏm dáng ở trang trại lân cận, người mà cô đã giao du và kết bạn. Bá tước biết chuyện, giết chết hai người. Jan bị xúc động dữ dội, đứa con thứ hai ra đời không sống được. Cô dành hết tình thương yêu cho Paul, đứa con đầu. Paul lớn lên, thay đổi dần, ngày càng xa rời mẹ. Rồi y biến mất và chủ nợ xuất hiện, Jan phải bán gia sản trang trải.

   Sau đó Paul cùng tình nhân trốn sang Anh, gửi thư về đòi tiền để làm ăn. Rồi y trở về Pháp, vỡ nợ, lại buộc mẹ thanh toán. Nam tước Le Pectus đứt mạch máu não chết, Jan trơ trọi, đau đớn, điên cuồng, được Rozali tìm đến chăm nom. Sau khi bán trại để trang trại nợ cho con, Jan về sống cùng Rozali. Biết tin con ở Paris, Jan lặn lội đi tìm nhưng y đã bỏ đi xa trốn nợ, Jan chỉ gặp chủ nợ và lại trả nợ. Trở về, Jan tuyệt vọng đến thành ngây dại, Rozali hết lòng chăm sóc, an ủi. Một hôm hai người được thư Pôn báo tin người tình của y đã chết, để lại con gái mới sinh, y xin Jan nuôi nó. Rozali đi Paris tìm đứa trẻ, Jan đón ở ga và kết thúc tác phẩm là lời Rozali nói với Jan khi hai người ôm đứa bé ra về: “Cuộc đời, bà thấy đó, cũng không đến nỗi thật xấu hay thật tốt như ta tưởng”.

            Maupassant lên án thực tế tư sản làm tan vỡ lối sống gia trưởng của một số trí thức quý tộc gắn bó với nền văn hoá thế kỉ XVIII mà nhà văn có thiện cảm. Vợ chồng nam tước Devo và Jan xa lạ với thực tế mới dưới uy quyền thô bạo của đồng tiền, không kháng cự được những quan hệ mới, bị đè bẹp trong khi Juliêng, Paul háo hức  hoà mình vào cơn sốt vàng. Đồng thời thể hiện sự tan vỡ lần lượt những ảo tưởng của Jan về tình yêu duy nhất, hạnh phúc trong hôn nhân, đức hạnh của mẹ, sự trung thành của bạn gái, tương lai của con trai…dường như Maupassant còn muốn nói rằng đời người chỉ là một chuỗi những thất vọng cay đắng, những phát hiện nặng nề về mặt trái xấu xa của cuộc đời. Tư tưởng bi quan này có dịu đi nhờ hình tượng Rozali, người lao động trung hậu với những suy nghĩ giản dị, khoẻ khoắn. Nội dung hiện thực, tinh thần nhân đạo, sự phân tích tâm lý và ngôn ngữ trong sáng khiến tác phẩm được văn hào Nga L.Tonstoi, người cùng thời với Maupassant, khen là “rất hay…có lẽ không có cuốn tiểu thuyết Pháp nào hay hơn, từ sau “Những người khốn khổ” của Victor Hugo”.

2.2       Văn học Anh

            Dòng văn học này phát triển từ những năm 30 thế kỉ XIX với phong trào đấu tranh xã hội lên cao. Nhiều tác giả và tác phẩm ưu tú.

            William Thackeray (1811-1863) và tiểu thuyết “Hội chợ phù hoa” (A Vanity Fair)

            Charlotte Bronte (1816-1855) và hai em Emili Bronte, Anna Bronte đều viết văn nổi tiếng. Sáu chị em sớm mồ côi mẹ, người cha độc đoán, tàn nhẫn gởi 4 chị em vào trại trẻ mồ côi của nhà dòng nhằm đào tạo gia sư cho các nhà quyền quí…

Charlottevới tiểu thuyết “Jane Eyre” là một tự truyện của nữ tác giả (1847)

Nhìn chung, tiểu thuyết hiện thực Anh thường đi đến kết thúc có hậu (happy ending)- điều này làm giảm tính hiện thực chủ nghĩa của tác phẩm.

Charles Dickens (1812 – 1870) nhà văn hiện thực Anh thế kỉ XIX

I – THỜI THƠ ẤU VÀ SINH VIÊN

Sinh ra vào giữa lúc Scott, Byron…đang bộc lộ hết những nét độc đáo của thiên tài họ, vậy mà có lẽ không mấy ai trong số nhà văn Anh từ thế kỉ XIX trở về sau này có một sức chinh phục độc giả rộng rãi ở Anh cũng như trên thế giới như Charles Dickens.

Hơn ai hết, Dickens đã sống với các tiểu thuyết của mình trước khi viết ra chúng, vì thế đã nảy sinh một khuynh hướng xem xét những nhân vật như hình tượng của chính tác giả. Vả chăng  Dickens cũng đã nhiều lần chỉ ra nguồn gốc các nhân vật có thực làm mẫu cho tiểu thuyết của mình, trước hết là bản thân ông. Sinh ngày 7.2.1812 trong một gia đình viên chức thấp tại thị trấn Lanpo vùng ngoại vi thành phố cảng Portsmouth tại đảo Lancy, việc học của ông bị gián đoạn vào năm 1823 và ngay sau đó bố ông bị tù và gia đình phải trải qua một thời gian sống trong tù. Cậu bé  Dickens phải đi làm nghề dán nhãn các hộp xi, phải dấu bạn chỗ ở của gia đình mình, và dù thử thách thật sự căng thẳng cũng chỉ trong vài ba tuần, nhưng cũng đủ để lại những thể nghiệm và ấn tượng không thể phai về lớp người “dưới đáy” và một quyết tâm vượt lên trên cảnh nghèo hèn, mãi mãi không trở về đó nữa. Cậu bé nhạy cảm thông minh ấy đồng thời là một cậu bé có nghị lực. Dù người cha chỉ năm sau đã thoát khỏi cảnh tù ngục nhờ may mắn thừa kế một gia tài nho nhỏ, nhưng quãng đời tiếp tục của  Dickens là một đoạn đời kiếm sống vất vả. 

Dickens được tiếp tục học ở London từ 1824 đến 1827, chính những trường học như thế này đã khiến trong tác phẩm của ông sau này, hình ảnh trường học nối tiếp nhà tù và cũng giống như một thứ nhà tù. Và dù ông có là người dựng nên cơ nghiệp của mình (self-made man), như Stefan Zweig đã nói, thì ở thuở hàn vi, mối tình và cuộc hứa hôn đầu tiên với Maria Bitnel, con gái một ông chủ nhà băng cũng đã tan vỡ vào năm 1833. Năm mười bảy tuổi, ông đã chọn nghề tốc ký cho toà án, cho nghị viện, rồi cho một tờ báo lớn khiến sự thể nghiệm của ông gắn liền với những cảnh đời mà Balzac cũng đã có duyên nợ: luật pháp và báo chí.

II- NHÀ TỐC KÝ VÀ NHỮNG BỨC PHÁC THẢO

Năm 1836, một số áng văn ngắn đầu tay của  Dickens đã rải rác đăng báo từ 1833 được tập hợp lại dưới cái tên Những bức phác thảo của Boz (Sketches by Boz ) (bút danh dùng cho ở cả hai tập xuất bản tiếp năm 1837). “Phác thảo” (sketches) gồm hỗn hợp những bức tranh miêu tả ngắn gọn theo kiểu báo chí những bức chân dung, truyện ngắn về những người đương thời, đặc biệt là “những kiểu người của London”. Tuy nhiên, tác phẩm này chỉ mới là lời mào đầu cho sự nghiệp nhà văn, cuốn sách khiến cho  Dickens bắt đầu nổi tiếng là Di cảo của câu lạc bộ Pickwick (The Pickwick Papers) (có khi được gọi là Những cuộc phiêu lưu của ông Pickwick 1836 – 1837). Cuốn tiểu thuyết đầu tiên này của  Dickens cũng là một sản phẩm của báo chí. Nó được gợi ý từ một tờ nguyệt san, để phối hợp với những hình vẽ của họa sĩ Robert Seymour: hình thức chuyện tranh như thế lúc này rất ăn khách. Nhưng dần dần do tài kể chuyện của  Dickens, những phần kể chuyện ngày càng vượt số trang qui định, lấn át phần tranh vẽ. Chỉ trong vài tháng, nó chinh phục độc giả Anh, và người ta sốt ruột mong ngày 30, 31 hàng tháng để xem “Truyện Pickwick” – tên gọi rút gọn ấy thường được dùng nhiều hơn.

Ở đây, những dấu hiệu đặc sắc của  Dickens đã xuất hiện, dù còn có tính chất phù phiếm, thiếu chiều sâu. Truyện Pickwick là sự kết hợp của châm biếm và hài hước (humour) mà đối tượng châm biếm ở đây là những câu lạc bộ – một cái mốc của các ngài trưởng giả Anh bấy giờ – những toà án, các nhà báo, những nhà tù của những người mắc nợ (ở Anh lúc ấy có loại nhà tù riêng cho họ). Bên cạnh những hình tượng ông chủ, người trưởng giả Pickwick, đã xuất hiện gã đầy tớ, người bình dân Sam Weller như một bóng hình đi theo suốt đường đời của nhân vật, như một sự bổ sung hỗ trợ, thậm chí như một “thiên thần” cứu mạng. Và dấu hiệu quan trọng nữa của tiểu thuyết  Dickens đã xuất hiện từ đây, là cách kết thúc có hậu (happy end). Về hình thức nó đáp ứng thị hiếu của quần chúng độc giả đương thời và có truyền thống trong lối kể chuyện dân gian, về nội dung, nó thể hiện một mặt, là cái chất lạc quan của riêng tính cách con người  Dickens, nhưng cũng thể hiện một sự hoà hoãn, một khát vọng hòa giải trước những cuộc vật lộn ngoài đời, giữa ác và thiện.

            Sự liên tưởng của người đọc tới câu chuyện nổi tiếng của Cervantes về Don Quixote và Sancho Panza là rất tự nhiên, vả chăng chính  Dickens cũng đã xác nhận ảnh hưởng mạnh mẽ của nhà văn này, cuốn sách đầu tiên mà cậu bé say mê, năm mười tuổi là Don Quixote. Dù không bao giờ đạt tới tầm cỡ nghệ thuật và triết lý có nghĩa toàn nhân loại như Cervantes nhưng nhìn chung Truyện Pickwick giống tác phẩm của Cervantes không những chỉ do ở đó dựng lên hai nhân vật chính như một cặp phản đề, mà còn ở sự miêu tả tính chất tương phản ngay trong lòng nhân vật Pickwick – vừa khờ dại ngây thơ, vừa có những giây phút tỉnh táo sáng suốt, vừa yếu mềm, vừa dũng cảm. Trước trò đóng kịch của Job, cái gã bịp bợm cứ khóc lóc vờ vịt khiến Pickwick rất thương cảm, thì Sam người đầy tớ trung thành của ông đã nói ngay từ đầu bằng thứ ngôn ngữ đầy hình ảnh của anh ta:”Tưới tắm quá đủ rồi đấy” và “Lạy Chúa tha tội, cứ y như là một cái vòi nước mở sẵn trên đầu nó” … Trong một chuyến đi du lịch phát kiến của Pickwick, ông ta phát hiện ở ngay một cái trại vùng nông thôn ngoại vi London một phiến đá vỡ, trên đó khắc những dòng chữ đã mờ, bí hiểm và ông hối hả mua lại nó khiến người nông dân đòi giá đắt “vì y đột nhiên thấy gắn bó với viên đá vỡ ấy”. Thế là những thành viên của câu lạc bộ Pickwick làm rầm rĩ lên, mừng rỡ vì  ông bạn của họ “đã phát hiện ra một thứ chữ kỳ lạ, rành rành là rất cổ và đã hoàn toàn thoát ra ngoài sự quan sát của các nhà bác học trước đó”. Sau những cuộc hội họp lu bù để nghiên cứu những dòng chữ bí hiểm đó, người thư ký câu lạc bộ Pickwick cuối cùng đã “điều tra” được rằng đó chỉ là tấm bia của một con chó do chính bố ông chủ trại hiện nay khắc nguệch ngoạc để dựng lên mồ con chó thân yêu của mình. Những chữ rời rạc chắp lại sẽ thành “Bil Stium tặng con chó của mình”, Pickwick đã vượt qua nỗi xấu hổ để thừa nhận mình là sai. Nhưng trước vụ kiện tụng lừa đảo của một lũ thầy cò thầy kiện “đục nước béo cò” dựng lên, ông nhất định không chịu nhận những lời vu khống của chúng, và thà vào tù ngồi, chứ không để bọn xấu lợi dụng kiếm chác.

III – ĐỀ TÀI XÃ HỘI VÀ NHỮNG HÌNH THỨC TIỂU THUYẾT TRUYỀN THỐNG

Những cuộc phiêu lưu của Oliver Twist (1837 – 1839) càng phát triển tính chất “bợm nghịch” (picaresque) phảng phất ở tiểu thuyết Dickens một khi nhân vật trung tâm ở đây là một đứa bé ở trại tế bần – một thứtrại giam nửa công xưởng bóc lột sức lao động của trẻ em, hỗn hợp lại thành một hình thức mị dân rất tiêu biểu ở xã hội tư bản Anh, Pháp …. thế kỷ XIX. Đứa bé sau đó vẫn bị hất ra ngoài “mạnLondon của hạ lưu” vì cái tội đã cả gan xin thêm cháo trong bữa phát chẩn để rồi bị lưu manh hoá. Trong cuốn sách này, chiều sâu của sự phê phán trước hết thể hiện qua cảnh đứa bé muốn giẫy giụa, thoát ra khỏi cái ổ lưu manh mà không được. Bọn cảnh sát tróc nã một đứa bé như Oliver Twist chẳng khác gì rượt một con thú cùng đường, nhưng lại chẳng thể che chở cho em khỏi bị bọn tướng cướp, bọn anh chị bắt đi ăn cắp cung cấp cho hang ổ của chúng. Và người đã đổi mạng, giúp em trốn được lại là cô gái lưu manhNancy.

 Hơn thế nữa, những hình ảnh đầu tiên ở trại tế bần, như cảnh phát chẩn cháo, thật vừa hài hước vừa xót xa. Về phía trưởng trại, ngài Bumble, đó là cả một trò biểu diễn thú trước mắt  các bậc “hội đồng” đáng kính. Với bộ mặt hồng hào no đủ, hoặc với chiếc áo gi lê trắng, họ tự xưng là những tín đồ trung thành của Chúa. Bumble sử dụng một cách hiệu nghiệm cây can trên đầu, trên lưng đứa bé. Điều này được một ngài trong hội đồng giải thích một cách trắng trợn rằng “vì đó là một thằng ngây”, và sau tất cả cái trò hành hạ ấy, Oliver Twist “vừa ngủ thiếp đi vừa nức nở, thật là một bằng chứng hùng hồn về tính chất dịu ngọt của luật pháp tại xứ sở hạnh phúc của chúng ta, không hề ngăn trở những người nghèo không được ngủ!”.

Một đứa trẻ đói đến nỗi phải thú nhận với bạn rằng có thể nghiến ngấu đứa bé nằm chung giường với nó. Theo quyết định của toàn thể bọn trẻ, Oliver Twist bắt trúng thăm phải xin thêm cháo trong bữa phát chẩn hôm nay. Câu “Tôi xin thêm cháo” của Oliver Twist khiến vị giám đốc đang thú vị biểu diễn trò “đầu bếp” (với y phục đầu bếp cẩn thận) và phát cháo một bữa tượng trưng phải kinh hoàng đến “lạc cả giọng”, và cả hội đồng đang họp phiên long trọng khi nghe trưởng trại Bumble hổn hển báo rằng “Oliver Twist đã xin thêm cháo” thì “nỗi kinh hoàng lan ra toàn bộ”. “Đứa trẻ đó rồi sẽ lên giá treo cổ thôi”. Đó là kết luận có tính chất tiên tri của ngài bận gi-lê trắng trước sự kiện “xin thêm cháo” của Oliver Twist.

Chất “bợm nghịch” của tiểu thuyết ở thế kỷ XIX của  Dickens còn được hiện đại hóa ở việc đưa tiếng lóng vào tác phẩm. Đó là một bước đưa ngôn ngữ viết, ngôn ngữ văn học đến gần với tiếng nói hàng ngày của quần chúng, và ngược lại, biến tiếng lóng thành một yếu tố nghệ thuật khắc họa rõ tính cách nhân vật, khiến người đọc nhận ra ngay qua cái “mã của lời lẽ” một loại người, một môi trường, một không khí nhất định. Eugene Sue trong Những bí mật thành Paris, Huygo trong Những người khốn khổ, Balzac trong Những người nông dân, Zola trong Đất đều đã sử dụng tiếng lóng. Bởi hình tượng của  Dickens cùng một loại lưu manh với Eugene Sue, nên khi dịch Oliver Twist sang tiếng Pháp, người dịch đã phải dựa vào hệ thống tiếng lóng của loại nhân vật này trong Những bí mật thành Paris (và ở ta, chắc chắn là có một số từ tương đương trong Bỉ vỏ của Nguyên Hồng).

Bên cạnh đó, tiểu thuyết Những cuộc phiêu lưu của Nicolas Nickleby (Nicolas Nickleby) (1838 – 1839) với nhịp độc kể chuyện khi hãm lại, khi ly kỳ theo kiểu melodrama, cũng là một hình ảnh rất tiêu biểu cho một nghệ thuật tiểu thuyết của  Dickens. Sơ đồ cốt truyện và bộ ba nhân vật theo kiểu melodrama gồm Kẻ hung bạo, Nạn nhân và Vị cứu tinh cũng lại tìm thấy ở đây, giống như ở Oliver Twist. Song so với Oliver Twist, ý nghĩa xã hội ở đây bị thu hẹp lại (chỉ phê phán trong phạm vi gia đình và trường học); Ở sơ đồ nhân vật, “Vị cứu tinh” lúc này đồng thời xuất hiện với tư cách “Nạn nhân” là Nicolas Nickleby, đồng thời cũng xuất hiện những người giàu tốt bụng như trong Oliver Twist (ở đây là hai nhà buôn), nhưng không thể tìm thấy lại hình ảnh một nữ “Cứu tinh” (cũng đồng thời là “nạn nhân”) mạnh mẽ, độc đáo và đầy tính chất bi thảm như nhân vật Nancy trong Oliver Twist.

Nhân vật chính của  Dickens – thường đồng thời là “Nạn nhân” – nếu không phải là một đứa trẻ thì ít nhất cũng là một người còn rất trẻ, đẹp và đạo đức, hệt như nét đặc biệt của kiểu nhân vật “Nạn nhân” của melodrama và rất ít khi bị dẫn tới một kết thúc bi thảm. Cô bé Nel trong Cửa hàng bán đồ cổ (The old curiosity shop) (1840) dù bị chết yểu, nhưng chết trong sự thương yêu của dân làng, trong niềm hối hận của người ông. Và dường như  Dickens cũng chưa vừa lòng với kết thúc không hoàn toàn vui vẻ ấy. Để bù lại, ở đây, ông đã cho một nhân vật khác của truyện, một cô gái cũng đã từng làm nghề đi ở có biệt hiệu là “Nữ hầu tước”, do tính tình nhẹ nhõm, sự tốt bụng của cô đã thoát khỏi cảnh nghèo, được học hành và lấy một chàng trai vui vẻ, dễ tính, vừa hưởng một món thừa kế nho nhỏ, đủ mang lại hạnh phúc cho hai người!…

 Ngay cả những truyện không xuất sắc lắm như Cửa hàng bán đồ cổ, vẫn được độc giả rộng rãi ở Anh thời bấy giờ ưa thích. Nhờ  Dickens mà căn nhà ông đã từng lấy làm mẫu để tả lại cửa hàng ở đầu tác phẩm, tạiLincoln’s Inn, nay vẫn được bảo tồn ởLondon như một hiện vật trong bảo tàng  Dickens. Tác phẩm này, cũng như ba truyện dài xuất bản trước đây của  Dickens, và cả những tiểu thuyết sau này, đều được in gần như đồng thời ở Mỹ.

Với những mẩu chuyện trong Chiếc đồng hồ treo của lão Hamphry (1840), yếu tố kỳ ảo bắt đầu được đưa vào truyện. Có thể nói hầu hết truyện của  Dickens trước khi in thành tập đều ra mắt độc giả dưới dạng tiểu thuyết nhiều kỳ đăng báo (roman – fenilleton), cho nên sự nhạy cảm của nhà văn trước “khách hàng”, sự chi phối của những hình thức kể chuyện hợp với thị hiếu đương thời có tác dụng tức thì đối với tác phẩm của  Dickens. Tuy nhiên, với tài năng của mình,  Dickens vẫn góp phần phát triển nghệ thuật tiểu thuyết, trước hết là gắn nó với một nội dung xã hội: Barnaby Rudge (1841) vừa là cuốn tiểu thuyết lịch sử đầu tiên, vừa trình bày những bức tranh dữ dội về bạo lực xã hội (những cảnh đốt phá giết người trong vụ nổi dậy của người Thiên chúa giáo vào năm 1780 ở London và cuộc đàn áp sau đó) vừa lồng vào đó một chuyện tình với kết thúc có hậu hơi nhạt nhẽo, vừa kết hợp với chuyện giết người và điều tra theo kiểu trinh thám.

Những hình thức tiểu thuyết mà Dickens phối hợp lại trong sáng tác của ông đương thời rất thịnh hành ở cả châu Âu nói chung. Có nhà nghiên cứu còn nói đến dấu vết của truyện thần tiên (fairy tale) trong sáng tác của ông, nhất là ở những tác phẩm sau này (như David Copperfield, Thời gian khổ/Hard Times),…). Tuy nhiên những đề tài, hình tượng ngày càng ám ảnh và mở rộng trong tiểu thuyết của ông vẫn có giá trị như những biểu tượng gắn liền với thực tại xã hội đương thời: nhà tù, luật pháp, tiền bạc, tội ác và sự bẩn thỉu (nghĩa đen và nghĩa bóng) – tất cả những nét ấy khiến ta không thể coi  Dickens chỉ là: nhà tiểu thuyết của nước Anh “tiền tư bản”.

IV – NHỮNG TÁC PHẨM ”DU KÝ”, TIỂU THUYẾT VỀ NHỮNG CON ĐƯỜNG

Tuy nhiên, một trong những nét truyện dân gian đã xuất hiện rõ từ Cửa hiệu bán đồ cổ và phảng phất từ truyện đầu tay Di cảo câu lạc bộ Pickwick, đó là: chất picaresque tồn tại bởi dạng tiểu thuyết giống như những cuốn du ký, như sự trưởng thành của một người trẻ tuổi lên đường và dần dần từng trải với cuộc đời, dù có thể vẫn giữ lại một số nét tốt đẹp hoặc ảo tưởng ban đầu. Rất nhiều cuốn tiểu thuyết ở giai đoạn đầu của  Dickens, trong nguyên bản, nhan đề mở đầu bằng chữ “Cuộc phiêu lưu của…” (The adventures of …) mà lúc dịch ra tiếng nước ngoài, có lúc bị bỏ đi (như truyện về Oliver Twist, Nicolas Nickleby, Martin Chuzzlewit,…).

Điều này cũng dễ hiểu, trước hết do sự thể nghiệm riêng tư của nhà văn. Những cuốn sách ông ham đọc vào tuổi thiếu niên ngoài Don Quijote ra là Những cuộc phiêu lưu của Gin Bla (Le Charles), Robinson Cruchot (Defoe) … Cuộc đời ông, rất sớm đã phần nào bị hất ra hè phố. Khi mười bảy tuổi làm nghề phóng viên, ông đã đi trên đường suốt ngày này qua ngày khác. Ngồi trên chiếc xe trạm hai ngựa hoặc bốn ngựa kéo chạy nhanh đến nảy người, ông vẫn ghi chép, dùng áo măng tô rộng để che gió mà viết dưới ánh nến hoặc ngọn đèn lồng, …

Từ 1841, là nhà văn nổi tiếng, ông bắt đầu nghề nghiệp của một người “kể chuyện rong”,  Dickens bắt đầu đọc truyện trước công chúng ở Anh (sau này ông sẽ sang Bắc Mỹ và một số nước châu Âu “xuất bản miệng” tác phẩm của mình). Vốn có tài đóng kịch, hình thức “xuất bản” này của  Dickens cũng được công chúng hoan nghênh.

Giờ đây, từ những năm 40, con đường của  Dickens mở rộng. Năm 1842, ông sang thăm nước Mỹ. Tác phẩm đầu tiên ghi lại những ấn tượng về nước Mỹ không phải là một cuốn tiểu thuyết, mà là một hình thức ký sự, viết hàng ngày dựa trên những lá thư gửi người bạn ông (John Porster), đó là tập Ghi chép về nước Mỹ (American Notes) (1842).

Có người giải thích rằng phần đầu của cuốn sách biểu lộ những thiện cảm đối với nước Mỹ là bởi khi mới sang tới nơi,  Dickens được đón tiếp nồng nhiệt. Tới khi người Mỹ biết rằng  Dickens sang là để đòi quyền tác giả một số sách của ông in ở Mỹ, họ chuyển sang thái độ lạnh nhạt, nên ở phần sau ông đâm ra châm biếm nước Mỹ. Một số nhà nghiên cứu khác lại coi chuyện  Dickens đòi tiền nhuận bút là một chuyện không hợp với tác giả của những tác phẩm đầy đạo đức và những kiểu người trong trắng! Quả nhiên  Dickens là nhà văn nước ngoài đầu tiên đòi quyền tác giả ở Mỹ, song lấy đó để giải thích hoàn toàn sự thay đổi của ông thì cũng hơi đơn giản. Những tác phẩm biểu thị một sự phê phán xã hội sâu xa như vậy không thể chỉ do ý muốn tức thì đáp lại một thái độ nồng nhiệt chuyển thành nguội lạnh của một số người Mỹ nào đó. Còn coi đó là chuyện trái với những lời thuyết giáo của nhà văn thì cũng kỳ lạ: vì sao mà  Dickens lại phải cao thượng bằng cách để cho các ông chủ nhà xuất bản Mỹ hưởng lợi trên lao động của nhà văn ?

Có điều chắc chắn là Dickens đã lên đường với một số ảo tưởng về nước Mỹ. Điều này chẳng có gì đáng ngạc nhiên. Nhiều người ở châu Âu thế kỷ ấy đã hình dung nước Mỹ như một thứ xã hội không tưởng được biến thành thực tại, trên mảnh đất hoàn toàn xa lạ ấy, một “Tân thế giới” thật sự đang được xây đắp nên. Ngay cả Standan và một vài nhân vật chính của ông, cũng đã có lúc lóe lên trong đầu ý nghĩ sang nước Mỹ, mặc dù để rồi lại bác bỏ nó ngay. Còn  Dickens thì khi ra đi có nhiều ảo tưởng hơn, ông thú nhận: “Đó không phải là nền cộng hòa mà tôi đi tìm xem. Đó không phải là nền cộng hòa trong trí tưởng tượng của tôi”… “Nền tự do ở Hợp chủng quốc chỉ là tự do mở rộng quyền lực của đồng tiền”. Những nhận xét sâu xa ấy, không thể là phút chốc, đồng bóng mà nó phù hợp với toàn bộ con người  Dickens. Cho đến lúc vinh quang đầy đủ, ông vẫn phản ứng trước cảnh “giàu sang xấc xược” bất chấp nỗi đau khổ của muôn vàn con người đang bị cướp đoạt trong bóng tối.

Gần như song song với Ghi chép về nước Mỹ, ông nung nấu cuốn Cuộc đời và những sự biến của Martin Chuzzlewit (Martin Chuzzlewit) (1843-1844). Dù có gây phản ứng ở một số người bên kia Đại tây dương, nhưng nó vẫn lập tức được in ngay ở Mỹ (1844) giống như những tác phẩm trước đây của  Dickens. Câu chuyện rất rậm rạp không chỉ xoay quanh nhân vật Chuzzlewit như nhan đề của nó. Tuy nhiên, kiểu truyện này lại đang ăn khách ở Anh lúc bấy giờ. Và nó kể lại số phận của nhiều người trong một gia đình người Anh, chứ không phải người Mỹ, mà thói ích kỷ và đạo đức giả đã xâu xé họ – hai căn bệnh thật điển hình không phải chỉ cho người Anh, mà là cho xã hội trưởng giả. Bực mình vì người ông giàu có và ích kỷ của mình, Martin cũng phản ứng lại theo kiểu một đứa cháu ích kỷ. Anh bị ông đuổi đi, tới ở nhà người anh em họ là kiến trúc sư Pêcksnif, đây là một mẫu người ích kỷ khác. Những người học trò đến “học nghề” tại nhà “vị kiến trúc sư” mà “người ta không hề biết rõ gì về công trình của ông ta, ngoài cái điều là ông chưa hề xây nên bất cứ một thứ gì”, bọn họ vừa bị y bòn rút trắng trợn, vừa tuôn ra hàng tràng lời lẽ hào nhoáng. Ngay trước mặt đứa con gái của mình, việc nói những lời đẹp đẽ cũng đã trở thành thói quen. Đây là đoạn tả Pecksnif “con người đạo đức chưa từng thấy” mới ăn xong bữa tối:

“Những của cải ở dưới cõi trần này mà chúng ta vừa xây dựng đây, ngài Pêcsnif vừa nói vừa đảo mắt quanh bàn khi đã ăn xong, phải kể cả món váng sữa, đường, chè, các món quay, giăm bông…

–         và trứng sữa, Saryty nói thêm nho nhỏ.

–         Và trứng sữa, ngài Pêcsnif nhắc lại, đều có mặt đạo lý của chúng. Hãy xem chúng tới đây ra sao và ra đi như thế nào. Mọi hưởng thụ đều là chuyện phù vân….”.

Tất nhiên, sống nhờ nhà một người họ hàng như vậy, thì khi chẳng có lợi, họ tìm cớ tống Martin ra khỏi nhà ngay. Cùng đường, anh đi sang Mỹ, kiếm sống ở một vùng khẩn địa mang cái tên tượng trưng và mỉa mai:Eden(có nghĩa là lạc thổ: đất vui sướng). Nhà văn đã tranh thủ dựng nên chân dung của những gã “Yankees” như Haniban Solop, tại vùng “đồn điền nó đại diện cho Hợp chủng quốc thu nhỏ lại này”. Thô bỉ, khạc nhổ “thành một vòng kỳ diệu bao quanh cái thùng mà y ngồi”, y được những bạn bè coi như “một mẫu mực tuyệt trần về những sản phẩm nguyên chất của đất nước chúng ta” và “ngưỡng mộ bởi lòng trung thành với sự tự do về mặt lý tính”. Để chứng minh lòng trung thành ấy, y luôn mang theo trong túi một cặp súng lục, và một cái can cầm tay “cù” người khác lúc cần thiết, bởi lẽ nó gắn lưỡi lê, đã thế y lại còn kèm theo một con dao to tướng. Y thích sống ở vùng hoang dã hẻo lánh để thực hiện cái thích thú được “cù” mọi người theo kiểu ấy, nhưng vẫn tiến hành ở hết thành phố này đến thành phố khác “một áp phe nào đó, phần lớn là lập ra một tờ báo để rồi y lại bỏ ngay lập tức….”, không quên kết thúc  các vụ mua bán bằng cách gây gổ, “băm nát người chủ quán mới bằng đạn, súng tay hoặc các nhát dao găm, trước khi người đó sở hữu được cơ ngơi của họ”…

 Dickens viết tiếp: “Trước mặt người ngoại quốc, y bao giờ cũng thủ vai người thờ phụng tự do, y là một vị thầy cãi nồng nhiệt nhất cho luật Lincer và chế độ nô lệ”… Trong cuộc đối thoại với Mark, bạn của Martin, khi anh bày tỏ ra không hiểu hết những cung cách mang rợ của những vị đại diện của “Tân thế giới” như y, Solop lặp đi lặp lại một câu: “À đó là thói bọn Âu!”, không quên kèm theo những hù doạ kiểu Mỹ:

–   Chỉ vừa đây thôi, thưa ngài, y nói, tôi dùng cái này giết chết một gã ở bang Illinois.

–         Thế à? Mark đáp chẳng hề lộ mảy may xúc động. Về phía ngài đó thật là một bằng chứng xác đáng kể về tự do, một hành động thật chủ động.

–         Tôi đã giết hắn, thưa ngài, Solop nói tiếp .

–         Nó là cái thứ gì thế? Mark hỏi.

–         Bọn Âu chả biết ! Solop nói, tiếp tục bình thản rít thuốc. Thật đúng kiểu bọn Âu.

Chất “bợm nghịch” của cuốn tiểu thuyết này không chỉ nằm ở tình tiết và nhân vật của truyện. Ở  Dickens, có một sức sống dường như khai thác ở một nguồn mạch dân gian. Theo Cazamian, “chủ đề ưa thích (của  Dickens) đó là cuộc sống kéo dài và đổi mới, và nảy sinh từ chính nó” – đó là chất “tiểu thuyết picaresque”, và cũng là một nét đặc sắc lấy lại từ truyền thống nghệ thuật carnavan, nơi mà nhà lý luận Bakhtin coi như ngọn nguồn của tiểu thuyết.

Những tinh thần lạc quan ấy, trong điều kiện của  Dickens không phải là không có nhược điểm.

V –  DICKENS VÀ “VẦNG HÀO QUANG BAO QUANH CUỘC SỐNG HÀNG NGÀY  CỦA NGƯỜI  ANH”

Lời nhận xét của Stephan Zwaig đã phát hiện chỗ yếu của Dickens “Dickens là vầng hào quang bao quanh cuộc sống hàng ngày của người Anh, ông là ánh hào quang của những vật tầm thường và những người bình dị, khúc ca điền viên của nước Anh”. Nhận xét ấy rõ rệt nhất khi soi vào Tập sách về Noel.

Từ 1843, ông bắt tay vào sáng tác Tập sách về Noel (gồm 5 truyện vừa đăng rải rác từ 1843 đến 1852 thì in thành tập).

Không riêng gì trong truyện đầu tiên Khúc ca mừng Noel (A Christmas Carol) mà cả những truyện như Con dế bên lò sưởi ([1]),  Dickens cũng kết cấu như những khúc ca: hoặc là tiếng chuông đồng hồ đổ vào đêm giao thừa, hoặc là tiếng dế kêu ri rỉ ở góc nhà, những yếu tố này trở đi trở lại như một âm hưởng chủ đạo (Leit motiv) của tinh thần Noel lan toả trong năm câu chuyện riêng rẽ: lòng nhân hậu, khoan thứ. Nếu ở một số tiểu thuyết khác của  Dickens, người ta đã chê trách sự biến chuyển đôi khi đột ngột và giả tạo của nhân vật (như Martin trong Martin Chuzzlewit) thì hiện tượng này cũng thể hiện rõ ở đây, qua những nhân vật như Scrouger trong Khúc ca mừng  Noel.

“Khúc ca thứ nhất” đặt Scrouger đối mặt với bóng ma Jacop Markly, người cùng đứng tên hãng buôn, nay dù đã chết, vẫn còn lại cái tên “hãng Scrouger và Markly”. Lúc này, Scrouger đã là một kẻ “rắn và sắc như hòn đá lửa mà không bao giờ bất kỳ một thứ thép nào có thể làm lóe lên được một tia sáng ân phước, ông là người cô độc, tâm ngẩm và đóng kín như một con sò. Cái lạnh lẽo từ bên trong làm giá băng những nét già nua của ông ta.”…Và ông tỏa lạnh trong văn phòng hãng buôn, nơi người làm công cho ông ta đang run lên vì rét. Đứa cháu duy nhất đến mời chú đến dự lễ Noel bị coi là “gã dớ dẩn”. Trên đường về nhà Scrouger, đường phố ngập sương mù và giá buốt.

Zvaig đã nhận xét: “Ở Dickens, ngay cả những gã đốn mạt cũng không thật sự vô đạo đức”. Đúng vậy, bóng ma của Markly khi xuất hiện, cũng không thể nào hoàn toàn đáng sợ và khủng khiếp, trước hết là đối với Scrouger, người bạn cũ của y. Chẳng những ở đây ta thấy giọng hài hước của người kể chuyện, mà đôi khi của cả Scrouger.

Đây là cảnh đối thoại giữa đôi bạn cũ:

 – Anh hẳn đã đi qua nhiều xứ sở trong bảy năm qua, Scrouger nói.

Nghe thấy vậy, bóng ma rú lên một tiếng và khiến sợi dây xiềng kêu loảng xoảng ầm ĩ khủng khiếp trong cảnh yên lặng giá lạnh của ban đêm đến nỗi cảnh sát có thể đủ lý do để lập biên bản đối với y về tội gây lộn xộn giữa đêm khuya hôm khuya khoắt…

…. Scrouger, hoảng hốt vì nghe bóng ma cứ diễn thuyết theo cái giọng ấy, cả người run lên bần bật.

–         Hãy nghe tôi nói đây, bóng ma hét lên, Tôi chỉ có được mấy phút nữa.

–         Tôi nghe anh, Scrouger nói, nhưng hãy nương nhẹ tôi với. Đừng có giở giọng hoa mỹ quá như vậy, Jacop, tôi van anh!…”

Tất nhiên hài hước là cái duyên ngầm của  Dickens. Nhưng trong khung cảnh này, nó phù hợp với cái nhìn độ lượng của  Dickens. “Nước Anh của nữ hoàngVictoriađã ngăn trở  Dickens khiến ông không thể viết loại tiểu thuyết hoàn toàn bi thảm”. Stephan Zvaig cho rằng  Dickens đã bị thời đại quật ngã, giống như Gulliver ở xứ Lilliput bị ràng buộc bởi muôn vàn sợi dây li ti. Chính “cái thói dối trá kiểu Anh” thời ấy của lớp người đang chi phối thị hiếu văn học, khiến  Dickens trong khi lên án nó, vẫn không thoát được việc sử dụng “hành động của tiểu thuyết để minh họa cho những châm ngôn của những đạo lý hiện hành”. Có lẽ đó là một trong những lý do khiến Ran Fox cho rằng “ Dickens không thể đạt tới tầm vóc của Tolstoi” và “chúng ta luôn luôn thấy rằng nhân vật của  Dickens thiếu một cái gì đó”.

Quả vậy, chỉ cần bóng ma của người chung vốn xưa kia trở lại, nêu một tấm gương “bị cắn rứt không ngừng vì hối hận”, để rồi diễn ra trước mắt Scrouger ba sự “hiển hiện” – bóng ma của những Noel quá khứ, bóng ma của Noel hiện tại, bóng ma của Noel tương lai (khúc ca thứ hai, thứ ba, thứ tư) – cũng đủ khiến cho Scrouger hoàn toàn tỉnh ngộ, để dẫn đến một “chương kết” có hậu: Scrouger, trong khi bay về quá khứ, đã nhìn thấy cậu bé mồ côi khốn khổ là mình xưa kia, tình yêu thương của người em gái duy nhất đã chết yểu (và để lại đứa con trai vừa đến thăm Scrouger), rồi sự phản bội của anh đối với người yêu khi đã thoát khỏi cảnh nghèo…khi bay qua hiện tại, Scrouger trông thấy cảnh nghèo nàn nhưng vui nhộn của những người thợ mỏ, cảnh đứa cháu trai ăn tết Noel, vui vẻ bên bạn bè, nhưng vẫn nâng cốc cầu phúc cho ông cậu bạc bẽo của mình, cảnh gia đình người làm công ở hãng ông ta nghèo khổ nheo nhóc nhưng ấm cúng… Bay về tương lai, Scrouger nhìn thấy cái chết của một kẻ không ai thương xót, và khi thấy trên nấm mồ tấm bia khắc chính tên mình, Scrouger hốt hoảng hứa là sẽ thay đổi cách sống, chỉ xin được “xoá cái tên ghi trên tấm bia đá” !… Tỉnh giấc mơ, Scrouger đón mừng Noel một cách khác hẳn: ông đem lại niềm vui cho mỗi người gặp trên đường đi, gửi một con gà tây to tướng 1cho gia đình người nhân viên nghèo của mình rối đến dự lễ Noel cùng đứa cháu trong sự ngạc nhiên và hân hoan của mọi người.

Dù Tập sách về Noel được in đi in lại ở Mỹ dưới nhiều kiểu đến nỗi khó xác định hết những lần xuất bản thứ nhất, nhưng ngay khi xuất hiện, một tờ báo như tờ Tạp chí Times Edinburgh cũng đã thấy được một số nét giả tạo trong một số truyện như Chiến đấu vì cuộc sống, mà giới văn chương cho rằng còn kém cả truyện Khúc ca mừng Noel 1. Bởi vậy hình thức kỳ ảo ở đây, nhiều chỗ, như một sự bất lực trong hư cấu, như một nét tương đương của ảo tưởng, của một luân lý giả tạo, hơn là một sáng tạo nghệ thuật.

Vả chăng,  Dickens cũng chẳng thể nào hoàn toàn thể hiện Scuger như “một gã hoàn toàn vô đạo đức” được. Một cuốn phim gần đây nhất năm 1985, dựng lại Khúc ca Noel ở phương Tây, đã biểu hiện Scrouger như một phân thân của  Dickens. Điều này có căn cứ phần nào: trong tác phẩm, quá khứ nghèo khổ của Scrouger tái hiện một phần  Dickens thuở hàn vi, ngoài cuộc đời bên cạnh hành động sáng tạo và những hành vi từ thiện,  Dickens cũng đồng thời là một nhà áp phe có khả năng.

VI – TIỂU THUYẾT CỦA CHẤT THƠ, HỒI ỨC VÀ SÁNG TẠO

Từ 1845,  Dickens mở rộng giao tiếp, đi đây đi đó, thuê hẳn lâu đài ở Jane, từ Italy qua Thuỵ sĩ, Bỉ, Pháp (nơi có lúc ông thuê cả một ngôi nhà của một vị hầu tước), gặp gỡ với những ngôi sao của văn đàn thời bấy giờ: Dumas, Hugo, Charles Baudelaire, rồi Lamartine, George Cruikshank… những con người này đều được ông để lại qua thư từ và ghi chép những bức chân dung sinh động, hóm hỉnh. SangParislại vào năm 1855,  Dickens càng được hoan nghênh hơn lần trước. Tuy thế, khi Emil de Giradin – nhà báo cơ hội – do muốn tỏ lòng ngưỡng mộ  Dickens, y đã tổ chức tiệc tại nhà, ông ghi lại cảm giác về bữa tiệc phô bày những thứ đồ vàng bạc pha lê hiếm quý, sự sang trọng và trang nhã ngoài trí tưởng tượng, những món ăn mà  Dickens nhẩm tính số tiền khủng khiếp chi ra cho từng đĩa rồi bằng những lẵng hoa phương Đông, rượu mạnh chôn dưới đất hàng trăm năm, món quà gửi từ một vùng châu Á tới mà trọng lượng trả bằng vàng vùng California, xì gà “ăn cắp được từ hậu cung của một vị vua Thổ nhĩ kỳ nào đó”, chanh tươi từ Angelia mới chở tới ngày hôm qua, chè (trà) Trung Quốc bay lên thành từng làn khói xanh do một vị quan lớn Trung Quốc gửi tặng, bánh plum-pudding kiểu Anh to đến nỗi ngay Dickens “người Anh của nước Anh” chính cống cũng chưa bao giờ được thấy. Đến bữa ăn tối thứ hai, trước “vẻ choáng lộn và xấc xược càng tăng thêm trong cảnh xa hoa”,  Dickens viết: ”Tất cả sự ngồn ngộn phô bày ra đó khiến tôi buồn, rất buồn dù chẳng muốn thế… tôi nghĩ tới nguồn gốc của bao của cải chiếm hữu được mau lẹ đến như vậy và, như trong một giấc mơ, tôi nhìn thấy bao mái đầu tuyệt vọng của những kẻ khốn nạn ngây ngô mà vàng bạc ở nơi này đã tước đoạt khỏi tay họ do đủ mọi hình thức của luật pháp qui định”…

Một thời kỳ chín muồi của tài năng mở ra với cuốn Dombey và con trai (Dombey and Son) (1846-1848). Dường như cuốn sách vẫn tiếp nối những vấn đề đạo đức, nhưng trên thực tế, cũng như ở Martin Chuzzlewit, nó mở rộng ra những vấn đề của xã hội hiện tại: thói kiêu ngạo của Dombey chẳng phải chỉ là đối tượng phê phán duy nhất mà ở đây là cả những mối liên hệ gia đình và xã hội ở môi trường kinh doanh. Sự xuất hiện của đường xe lửa trong cuốn này được coi như một bước ngoặt đối với  Dickens, “nhà văn tiền công nghiệp”, và cả đối với lịch sử tiểu thuyết nữa. Tuy nhiên nếu trong suốt cuộc đời mình, mỗi nhà văn dường như chỉ viết một cuốn sách, thì đối với  Dickens, “cuốn sách của tôi”, “cuốn tôi yêu quý nhất”, “đứa con cưng của tôi”… – theo lời ông – chính là David Copperfield.

Cũng như nhiều cuốn truyện khác của  Dickens, cuốn này ở nguyên bản tiếng Anh có một cái tên dài hơn: Truyện về cuộc đời của David Copperfield (1849-1850). Theo thứ tự thời gian, nếu tính số tiểu thuyết, đây là cuốn thứ 8 của  Dickens. 

DAVID COPPERFIELD

Đây là một quyển tiểu thuyết được viết dưới hình thức một tự truyện. Gồm 64 chương và một lời tựa, mỗi chương mang một tiêu đề riêng. Lúc mới ra đời được in thành từng tập mỏng, có đánh số thứ tự, như phần lớn tác phẩm của Dickens và các tác giả thời ấy; phát hành tròn 20 số. Câu chuyện được kể thông qua hồi ức xen lẫn với hiện tại của nhân vật chính: David Copperfield, một thanh niên trung thực, dũng cảm, cũng là nhân vật chiếm cảm tình của mọi thế hệ độc giả.

14 chương đầu là những trang trẻ trung, tươi mát nhất của ngòi bút văn chương Dickens, giới thiệu David sống chung với người mẹ góa trẻ mà em tôn thờ, ở Blơnđơnxtôn. Đó là một người xinh đẹp, dịu dàng nhưng yếu đuối, không bao giờ dám cưỡng lại ý kiến người khác. Bên cạnh họ, chị bảo mẫu Pecgôti với tính tình chất phác, cương trực, có trái tim thương người và hy sinh cho người đến mức quên mình. Qua Pecgôti, David còn được làm quen với gia đình chị, trên bờ biển Yacmao, những người “tứ cố vô thân” đến chung sống với nhau, giản dị, chân thật, có tâm hồn rất mực cao thượng. Cuộc sống của gia đình David đang êm đềm thì bỗng bị xáo trộn bởi một sự kiện lớn: người mẹ trẻ lấy ông Mơcxtôn. Hai chị em Mơcxtôn đã bước vào nhà họ với bản tính độc ác có sẵn làm thay đổi tất cả: David bị khép vào một kỉ luật học hành khắt khe và một sự đối xử lạnh lùng, roi vọt, thay cho sự trìu mến. Mẹ David bị buộc phải sống theo ý người, nén chặt tình thương lại, dè sẻn sự bộc lộ tình cảm đối với con. Chị Pecgôti bị giám sát, xa lánh và nghi ngờ. Từ trong lòng David, khủng hoảng đã nổ ra. Bị tước bỏ những âu yếm của mẹ, em trở nên sầu não, thèm khát yêu thương, rồi mụ mẫm vì phải liên miên học tập, cuối cùng em nổi loạn chống lại người cha dượng. Bố dượng nhân đấy gửi em lên Luân Đôn, vào Xalem học hiệu. Nhưng ở đây, em lại chứng kiến cảnh đối xử tàn nhẫn, khắc nghiệt của viên Hiệu trưởng Crichcon đối với giáo viên và học sinh trong trường. Em bắt đầu chơi với Stiecfork, một học sinh công tử nhà giàu và Tratdon mồ côi giàu tình cảm, rồi đây sẽ trở thành người bạn thân. Trong khi David đi học thì tấn bi kịch gia đình vẫn ngấm ngầm tiếp diễn. Bị dồn nén về tình cảm, cưỡng bách về ý chí, mẹ David ngày càng héo hon vì u uất…Sau một lần sinh nở, chị lâm bệnh và qua đời. David chỉ kịp trở về đưa tang mẹ, để rồi sau đấy, bước sang một khúc ngoặt của đời mình. Em lại được gửi lên Luân Đôn nhưng không còn đếnSalemhọc hiệu mà đi làm công cho Công ty Mơcxtôn và Grinbi. Ở đây, em nếm trải những ngày tủi nhục nhất của kiếp sống khốn cùng, không cha không mẹ. Nhưng cũng tại đây em lại được làm quen với ông Micôbơ, một người nghèo xác, nợ nần và sĩ diện nhưng cũng là một người trung hậu, một trong những nhân vật thành công nhất của Dickens, và quen thân cả với cái gia đình đông đúc, sống dở chết dở của ông. Cuối cùng, thấm thía mọi nỗi cơ cực, tự David đã quyết định bỏ trốn khỏi Luân Đôn, tìm đến Dove, nơi có một người cô ruột đang sống. Em đến Dove, suy kiệt và đói lả nhưng đã gặp được bà cô già Betxi Trotut, một người cứng cỏi, kì quặc, song tốt bụng, sống bầu bạn với ông Đich, một người cũng không kém kì quặc, song dịu dàng và cũng tốt bụng như cô mình. Cuộc gặp gỡ bất ngờ đã chấm dứt những ngày đau khổ kéo dài của em. Tiếp đó là những năm tháng đi học ở Cantơbơri, với bác sĩ Stroong, ở trọ trong nhà luật sư Uychcơfin và chơi thân với con gái ông, Acnet, một cô bé “thiên thần” đoan trang, xinh đẹp và có lòng vị tha không bờ bến. Học hành ngày càng tấn tới, tình thân với người cô và với ông Dick ngày càng nảy nở, đồng thời một quan hệ thắm thiết cũng ngày càng gắn bó David và Acnet lại với nhau. Nhưng suốt một thời gian dài, David chưa nhận ra được hết vẻ đẹp của nguồn tình cảm cao quí kia. Bị những say mê bồng bột chi phối, sau khi ra trường, về tập sự Biện lý tại văn phòng Luật sư Xpenlô và Jorkin tại Luân Đôn, David đã yêu Đôra, con gái Xpenlô, một cô bé xinh đẹp nhưng ngốc nghếch, và hứa hôn với nàng. Thế rồi, cũng trong những ngày sống ở Luân Đôn, nhiều biến cố đã dồn dập xảy đến, rọi chiếu dần mọi mối quan hệ cũ của David, giúp anh nhìn sâu vào bản chất nhiều loại người mà trước kia anh gặp gỡ, giao thiệp, quen thân, nhưng chưa thật hiểu rõ.

 Ngay trong tháng nghỉ hè sau khi rời trường trung học, David đã về thăm lại Yacmao, gặp lại gia đình Pecgôti nuôi anh từ tấm bé, và thấy rõ hơn tấm lòng của những con người hồn hậu ấy. Nhưng anh cũng gặp lại Stiêcfork, đưa Stiêcfork cùng đến Yacmao và chính người bạn bề ngoài hào hoa phong nhã này, kì thực bên trong là một kẻ đàng điếm, đã lợi dụng mẽ người hấp dẫn của y, quyến rũ Êmili, vợ chưa cưới của Ham, làm cho gia đình Pecgôti tan nát. Bản thân David cũng gặp bất hạnh: anh đã học thành công môn tốc ký kiếm ra tiền trong các công việc toà án ở Quốc hội, đã viết văn và đã nổi tiếng, rồi cưới được Đôra, được người vợ bé nhỏ tin yêu, nhưng tình yêu giữa hai người vẫn không hạnh phúc, vì Đôra ngoài vẻ yêu kiều và bé bỏng, không biết làm gì hơn để giúp đỡ chồng. Cuối cùng, nàng bị bệnh tê liệt và chết, để lại nỗi thương tâm cho mọi người. Cũng như ở thời kì tuổi trẻ, giữa tình cảnh buồn đau này, David lại tìm thấy ở Acnet một tiếng nói kì diệu làm dịu vết thương lòng. Nhưng rồi chính Acnet lại gặp bất hạnh: một tên làm công gian trá của ông Uychcơfin, là Uria Hip lợi dụng lòng tốt và sự nhu nhược của ông, đã  mạo giấy tờ nhằm đưa ông vào cảnh phá sản và buộc Acnet phải lấy hắn. May sao những người bạn thời xưa của David  là Tratđơn, bấy giờ là một sinh viên trường luật, và ông Micôbơ, làm công cho Hip, đã xuất hiện đúng lúc để phát giác âm mưu của Hip, trả lại an toàn và danh dự cho gia đình Uychcơfin. Những bất hạnh tày trời và những tấm lòng sốt sắng vì người như thế càng soi rõ vẻ đẹp của tình yêu, tình bạn…và đấy chính là dịp để thêm hiểu lòng nhau.

Câu chuyện kết thúc bằng những màn hạnh phúc: David và Acnet sau bao nhiêu năm giấu kín tình cảm đến lúc phải thổ lộ và nên vợ nên chồng. Chị bảo mẫu Pecgôti giờ đây lại bế ẳm con cái của họ. Tratđơn cũng cưới vợ và sống thanh bạch nhưng đầy tình nhân ái. Ông bà Micôbơ cùng một bộ phận gia đình Pecgôti thì đi tìm nơi an cư lạc nghiệp trên đất Úc, và họ đã tìm ra chỗ đứng ở tận bên kia đại dương. Cô Betxi Trôtut sống thư thái bên người bạn già. Chỉ có hai con người đối thủ về tình cảm là Ham và Stiêcfork, thì đều chết trong một trận bão lớn ở Yacmao. Nhưng họ chết do những nguyên nhân khác nhau. Một bên, Ham chết do tấm lòng nhân đạo bắt anh bơi ra biển để cứu người bị đắm. Còn một bên, Stiêcfork chết như là hậu quả bị trừng phạt của tính ích kỉ, quanh năm chỉ biết lang thang đây đó để thỏa mãn thú trác táng của mình.

“David Cooperfield” ngay sau khi ra đời đã được nhiệt liệt hoan nghênh. Một thế kỷ rưỡi qua, bạn đọc ngày càng xác nhận đó là một kiệt tác của Dickens cũng như của văn học thế giới. Nó đã làm nổi bật một cách hoàn hảo những sở trường của tác giả (thiên tài khắc họa nhân vật và xây dựng cốt truyện chặt chẽ), cũng làm giảm đến mức thấp những sở đoản của tác giả (coi nhẹ thế giớ nội tâm, tính chất biếm họa lấn át hương vị trữ tình), và do đó, đánh dấu một bước chuyển biến trong toàn bộ “nghệ thuật tuyệt mỹ” (Sextexton) của tiểu thuyết Dickens (kết hợp khắc họa chân dung với phân tích tâm lí, dựng nên những nhân vật đa dạng, uyển chuyển, đầy mâu thuẫn, trở thành những điển hình mẫu mực của văn học thế giới). Toàn bộ cuốn truyện là một sự hấp dẫn duyên dáng, và vẻ linh động hiện lên từ đầu đến cuối, thông qua cái ánh sáng nóng rực của kỷ niệm, do nhân vật chính nói ra như những lời tâm sự. Chủ nghĩa hiện thực của Dickens ở đây quả đã mang phương thức biểu hiện trẻ trung nhất, làm bật nổi bản sắc cốt yếu nhất của nó là tình cảm nhân đạo chủ nghĩa. Với cuốn tiểu thuyết trứ danh này, Dickens cũng đã kích thích và mở đầu cho loại truyện viết về chủ đề tuổi trẻ sống lang thang, bị đời hắt hủi trong văn học nhiều nước.

Nhìn một cách tổng quát, David Copperfield là sự phát triển những nét đặc sắc ủa tiểu thuyết Dickens đã xuất hiện từ trước. Có thể tìm thấy ở đây dạng tiểu thuyết về sự bước vào đời và trưởng thành của nhân vật chính – một con người trẻ tuổi. Rồi sơ đồ cốt truyện và nhân vật kiểu melodrama: ba nhân vật (và tác tố) chủ yếu, tất nhiên được mở rộng – trong đó hình tượng người bình dân dù có thể thuộc cả hai tuyến (Nạn nhân và Kẻ hung bạo) như Uria Hip và Litimơ, nhưng hầu hết là thuộc tuyến nhân vật chính diện (Nạn nhân và Vị cứu tinh), những tình huống ly kỳ, giọng văn bi thiết và một kết thúc có hậu, v.v. Chất hài hước và châm biếm đan cài với chất thơ và chất trữ tình cũng là nét duyên dáng đặc biệt tìm thấy lại ở đây. Ta tìm thấy chất “grotesque” (kệch cỡm, lố bịch) ở hình tượng kiểu cô lùn Mouse. Tất nhiên, bên cạnh đó là những nhược điểm cố hữu: một vài tình tiết được xếp đặt hơi giả tạo, những đoạn kéo dài, lan man (nó chẳng phải là nhược điểm của riêng  Dickens mà của nhiều nhà tiểu thuyết thời ấy). Còn yếu tố tự truyện ở đây phát triển tới mức dường như nhà văn đã ám chỉ nó ngay từ câu mở đầu:”Tôi có trở thành nhân vật chính của đời tôi hay không (…) những trang sách này sẽ có nhiệm vụ nói rõ điều đó”. Quả thực dường như nhà văn là nhân vật chính của cuốn tiểu thuyết này.

Tuy nhiên, ngay ở cuốn tiểu thuyết này,  người ta vẫn rút ra được kinh nghiệm thường thấy khi đọc tiểu thuyết: chẳng nên bao giờ hoàn toàn phủ nhận hoặc ngược lại, hoàn toàn chỉ nhìn thấy những nét tự truyện của tác giả. Chỉ cần đối chiếu một vài tình tiết, nhân vật, được xác nhận là tia phản chiếu của cuộc đời thực, chúng đã là một tổng hợp chất liệu – có nghĩa là một hư cấu. Trong Dora, không chỉ có mối tình đầu đã chết yểu với sự lỗi hẹn của Maria Bicnen, có gương mặt lý tưởng hoá của Mary Hogert, cô em vợ đã chết từ 1837, mà lại còn cả một số nỗi thất vọng trong cuộc sống riêng tư với chính vợ ông là Ketơrin Hogert (mà ông sẽ ly dị vào năm 1858), dù trong cuộc đời thực thì sự thất vọng ấy diễn ra trần trụi và thô thiển hơn nhiều… Agnes không hoàn toàn là Georgina Hogert (một cô em khác nữa của vợ ông), rõ rệt nhất là  Dickens không hoàn toàn là David Copperfield.

Và nếu chỉ lặp lại một số nét đặc sắc đã kể trên của tiểu thuyết do ông viết trước đó, thì David Copperfield chỉ có thể sánh ngang tầm với chúng. Thế nhưng, ở đây, sự phát triển của tài năng đã mang đến những chất lượng mới. Đó là cuốn tiểu thuyết có nhiều trang rất hiện thực, mà đồng thời lại vừa giàu chất thơ.

Hiện thực đến tàn nhẫn, mà cũng xúc động rất hồn nhiên, bởi một phần quan trọng nếu không phải là phần thành công nhất của cuốn truyện là để dành cho số phận nhỏ nhoi và tội nghịêp của một đứa bé “chưa ra đời, đã là đứa trẻ không cha” và sớm bị rút khỏi cánh tay âu yếm của người mẹ – cũng ngây thơ chẳng khác gì đứa trẻ – để rồi chẳng bao lâu, bị tách rời vĩnh viễn bởi cái chết mà chẳng hề được nhìn thấy gương mặt người thân yêu lần cuối.

“Tôi sinh ra vào ngày thứ Sáu, lúc mười hai giờ đêm”… không phải đứa trẻ nào, độc giả nào cũng sinh ra với vận rủi báo hiệu ngay từ đầu như David, nhưng mỗi một con người từ những kỷ niệm ấu thơ của mình, từ niềm khao khát bảo vệ những gì yếu đuối thơ dại, đều đồng cảm với nhân vật, ngay từ mở đầu trang sách. Hình tượng đứa trẻ vừa chất chứa cả một thế giới đầy chất thơ, nhưng đặt số phận của nhân vật bé bỏng ấy giữa lòng bàn tay của những con người lấy việc hành hạ trẻ con làm sự bận rộn và lấp kín cuộc sống kỳ quái của họ – như Murdstone và chị của y – hình tượng đứa trẻ còn mang ý nghĩa phủ nhận xã hội … Đó là một motif mà những nhà lãng mạn như Hugo đã sử dụng, bởi thế, ở tác phẩm này của  Dickens người ta thường thấy phảng phất những dấu vết của chủ nghĩa lãng mạn. Vả chăng, ở ý nghĩa phủ nhận xã hội, thật cũng khó tách rời lãng mạn và hiện thực: đó cũng là một mảnh đất chung làm nảy sinh hai trào lưu, mà cho đến giữa thế kỷ, thì bản thân sự phát triển của chúng cũng đã có ảnh hưởng qua lại và thâm nhập lẫn nhau.

Chất thơ của tác phẩm còn thấm đượm do nhiều trang sách tắm trong ánh sáng của hồi ức, của kỷ niệm với một nhân vật chính vẫn đang còn rất trẻ. Truyện được kể ở ngôi thứ nhất Jean- điểm nhìn này khiến nhà văn trùng hợp được phần nào người kể chuyện và nhân vật chính. Và khi một người xưng “tôi” xuất hiện trên trang sách, thì hậu quả tất yếu, là một người thứ hai, người độc giả, ngôi thứ hai của câu chuyện, luôn tiềm ẩn, với tư cách là đối tượng mà lời phát ngôn trong truyện đang hướng tới. Bởi thế, điểm nhìn này, bề ngoài của một người, của “tôi”, nhưng lại luôn di động rất tự nhiên, từ người kể chuyện đến nhân vật, đến độc giả, làm tăng thêm tính chất trữ tình cho cuốn sách, nói với tâm tình con người. Điểm nhìn ấy không giới hạn, đóng đinh tại chỗ con người xưng “tôi”, mà vẫn có thể di động cả trong thời gian và không gian. Thời điểm của truyện kể cho phép nhân vật nói đến thời thơ ấu ở dạng hồi ức, và hiện tại thuần tuý, song vẫn có thể nói tới quá khứ dưới dạng như một tương lai, đó là điều mà chỉ ngôn từ kể chuyện mới có thể thực hiện được. Đây là đoạn viết sau cảnh David về dự cuộc chôn cất người mẹ tội nghiệp của mình: “Tất cả những việc ấy, tôi nhớ rõ như vừa xảy ra hôm qua: những biến cố gần hơn đã trôi đi đến cái bờ biển mà một ngày kia tất cả những cái gì quên đi đều sẽ xuất hiện lại. Riêng biến cố này vẫn trơ trơ như một tảng đá lớn giữa đại dương”. Hoặc đoạn nhớ lại cảnh bé Emily, cô bạn nhỏ, “người yêu” thời thơ ấu của cậu bé ở ngoài bờ biển: “Cô liền bỏ tôi, chạy dọc trên một phiến gỗ lồi ra ở chỗ chúng tôi đang đứng, lơ lửng một quãng cao trên vực nước và không có gì để bấu víu. Hình ảnh này in sâu vào ký ức tôi, nếu tôi là một hoạ sĩ giỏi chắc chắn bây giờ tôi cũng vẽ lại được cảnh đó giống y như hôm ấy, bé Emily đang lao mình ra phía trước, vào cõi chết (tôi nghĩ thế) mắt đăm đăm nhìn ra ngoài khơi, với cái nhìn tôi không bao giờ quên được.

Bóng người mảnh dẻ, nhẹ nhàng, táo bạo, nhanh nhẹn ấy quay lại và bình yên về chỗ tôi đứng. Tôi thật buồn cười về chỗ tôi đã hoảng sợ và kêu to lên một tiếng (kêu thế chỉ vô ích vì gần đấy chẳng có ai). Sau này khi đã lớn, tôi đã nhiều lần nghĩ thầm: phải chăng trong cái hành động liều lĩnh đột ngột của tuổi thơ, trong cái nhìn dài dại, xa xăm của cô, đã có một cái gì huyền bí lôi cuốn cô một cách phũ phàng vào cảnh hiểm nguy? Phải chăng người cha cô đã chết xui cô làm thế để cho số phận cô có thể kết liễu trong ngày hôm ấy? Sau này, có một lần tôi đã tự hỏi: Nếu lúc đó cuộc đời sau này của cô hiện ra trước mắt tôi và hiện ra rõ rệt để cho một đứa trẻ có thể hiểu nó toàn vẹn và nếu sự sống của cô chỉ lệ thuộc vào một cử động của tay tôi, thì tôi có nên giơ tay ra để cứu cô không? Sau này có một lần  ”v.v.. [ 1].

Lối kể chuyện hồi tưởng (mà thuật ngữ hiện nay có nhiều lối gọi khác nhau: flashback – theo lối thông thường hoặc analepse – theo lối gọi của nhà nghiên cứu Janet xen lẫn với những đoạn “phóng ra phía trước” (prolepse – thuật ngữ của Janet) kết hợp với sự trùng hợp điểm nhìn nội tâm của nhân vật với nội tâm của người kể chuyện, chẳng những mang lại cho câu chuyện một không khí trữ tình, mà có lẽ chính vì những đoạn ấy, những nhà nghiên cứu như U.C.Booth, khi nói về “thi pháp của truyện kể”, đã nhắc đến độc thoại nội tâm của  Dickens2.

Tất nhiên, kể chuyện ở ngôi thứ nhất, chẳng phải là một nét nghệ thuật mới mẻ, và không phải tự nó là một thành công. Trong cuốn truyện viết sau này là Ngôi nhà lạnh, khi đặt người kể ở ngôi thứ nhất là một nhà nữ đạo đức thuyết lý thì đây lại là một tổn thất đối với câu chuyện. Giá trị của phương tiện nghệ thuật này ở đây, chính là do nó diễn đạt một thế giới nội tâm nhạy cảm, phong phú hồn nhiên của một đứa bé, và đứa bé ấy khi đã lớn, vẫn giữ lại trong trái tim đã bị thương tổn vì bao nhiêu sự độc ác của cuộc đời một niềm tin yêu và khát khao những gì tốt đẹp, tươi vui ở con người, đứa bé ấy khi trở thành người lớn, vẫn mãi mãi là một bông hoa “daisy”. Bởi thế, những chương mở đầu có thể rất ít tình tiết so với đoạn sau, dường như lại nói với độc giả hiện đại nhiều hơn, bởi chúng đi sâu vào thế giới nội tâm hơn, trong khi toàn bộ cuốn truyện vẫn thiên về những cuộc phiêu lưu ngoài cuộc đời hơn là cuộc phiêu lưu trong tâm tưởng.

Về mặt hình tượng nhân vật, bước tiến của  Dickens ở tác phẩm này là ông đã xây dựng được những nhân vật phức tạp hơn về mặt tâm lý. Trong một cuốn truyện hằng thu hút độc giả vào loại nhiều nhất trước đó, là Truyện Pickwick .Nhân vật Pickwick tuy đã được thể hiện ở hai mặt có phần đối lập trong tính cách song sự đối lập ấy vẫn bị thể hiện như một sơ đồ. Với những nhân vật như Emily, Steerforth, ông Micawber, Rosa Darkton, phu nhân Steerforth (mẹ của Jame Steerforth), cô Mouse và cả David Copperfield nữa, chúng ta đã thấy xuất hiện một kiểu nhân vật không hoàn toàn đơn giản, nguyên phiến, mà đã có những mâu thuẫn nội tâm, đó là dấu hiệu của một cái nhìn hiện thực chủ nghĩa vào sâu trong tính cách con người, nó là một bước tách xa với nghệ thuật lý tưởng hóa, tuyệt đối hoá theo kiểu lãng mạn chủ nghĩa ít nhiều vẫn tồn tại ở  Dickens.

 Emily là cô gái lớn lên giữa biển cả và những người lao động, nhưng sự tiếp xúc ít nhiều với môi trường cao sang hơn điều kiện sống của mình, sắc đẹp của cô, lề thói “tiểu thư” mà chính những con người đơn giản như cha nuôi và người chồng chưa cưới của cô nuôi dưỡng một phần nào, đã khiến cô khát khao ngoi lên cuộc sống của những đẳng cấp trên, ngay từ trước lúc gặp Steerforth. Bởi thế, cô bị sức thu hút của Steerforth, dù bí ẩn, bất ngờ đối với người trong truyện, nhưng lại là điều hoàn toàn hợp với quy luật của tính cách nhân vật. Tính cách của Micawber thật ngộ nghĩnh, vừa đáng thương vừa đáng trách, nhưng con người dễ thương ngay cả trong sự phù phiếm và vô trách nhiệm ấy vẫn hoàn toàn gần sự thật, là sản phẩm và đồng thời là nạn nhân của môi trường đã sản sinh ra ông ta. Rosa Darkton, phu nhân Steerforth là những người ích kỷ và tàn nhẫn bởi thế, ngay khi họ tưởng rằng có thể sống hết mình vì một kẻ nào đó – cụ thể ở đây là Jame Steerforth – thì tình thương yêu của họ chẳng những cầm tù họ, tiêu diệt tình cảm của họ đối với những người khác, mà ngay với đối tượng của tình yêu, họ cũng chẳng thể mang lại một ân phước gì, nếu không phải là tai họa.

Còn David Copperfield, con người tưởng như được trời phú cho sự nhạy cảm, dễ phân biệt tốt, xấu, thì  Dickens cũng không tắm anh hoàn toàn trong hào quang; anh cũng có những chỗ yếu của anh, ngay ở chỗ mạnh nhất, là tình cảm. Khi là đứa bé đã thể nghiệm sự tàn nhẫn của cuộc đời, nhận được tin mẹ chết, tuy mất đi người thương yêu và máu mủ độc nhất lúc bấy giờ, người kể chuyện vẫn kể lại rất thành thực: “Nếu xưa nay có một đứa trẻ đau khổ thành thực, thì đứa đó là tôi. Tuy vậy, tôi còn nhớ rằng chiều hôm ấu khi bọn học sinh đều đến lớp, còn tôi vẫn đi dạo chơi ở ngoài sân, cái vẻ quan trọng này làm cho tôi thỏa mãn”…

Đó là một nét rất tự nhiên, rất hợp lý có thể xuất hiện ở tâm lý một đứa trẻ như vậy, bởi thế, chúng ta vẫn tin tưởng chú khi chú nói đến cái tang đó như một sự kiện đen tối đến mức chú cảm thấy tuổi ấu thơ của chú đã vĩnh viễn chôn chặt cùng cái chết của người mẹ, chẳng khác gì đứa em nhỏ của David chết lúc lọt lòng nằm bên mẹ:”Bà mẹ nằm dưới mộ là bà mẹ của thời thơ ấu của tôi. Đứa bé người đang bế chính là tôi ngày xưa đã từng nằm yên lặng trong lòng người, vĩnh viễn không bao giờ lên tiếng”… Rồi chàng trai mới lớn, với tất cả sự trong trắng vô tư trong (những) mối tình đầu của mình, cũng chỉ có  thể hình dung hạnh phúc khi sẽ được cô Larkins yêu dưới dạng như thế này: “Tôi tưởng tượng ngày hôm sau ông Larkins đến thăm tôi và nói: ”Anh Copperfield em nó đã nói thật tất cả với tôi rồi. Anh trẻ nhưng không hề gì. Đây là hai vạn bảng. Chúc anh hạnh phúc”. Hoặc sự mù quáng trong tình bạn của David đối với Steerforth dù đáng trách, nhưng hoàn toàn hợp lý với qui luật nội tại của nhân vật. Anh không thể nào sáng suốt như Agnes hoặc độc giả đối với Steerforth. Và phải chăng, trong cái nhìn độ lượng và âu yếm của David đối với Steerforth, có niềm tin, nét lạc quan của tuổi trẻ, nó vẫn là phẩm chất mà mỗi con người khi già đi vẫn khát khao giữ lại.

Nét đẹp đẽ ấy của tâm hồn không bị Dickens thuyết lý, giảng giải – như ở một số trường hợp khác – mà nhiều khi được thấm sâu trong hình tượng giàu chất thơ bởi nó trở đi trở lại, bện chặt với tình bạn thời thơ ấu. Ví dụ như đoạn tả David nhìn thấy bạn lần cuối cùng, khi anh là một xác chết bị biển đánh dạt vào bờ: “Nhưng ông (một người đánh cá) đưa tôi ra bờ biển và ở ngay nơi tôi và Emily vẫn lượm những con sò từ khi chúng tôi còn là những đứa trẻ, ở nơi một vài mảnh vụn của chiếc tàu cũ kỹ đêm qua lật đổ bị đánh tạt vào… ở giữa những cảnh hoang tàn của cái gia đình mà anh ta đã tàn phá… tôi thấy Steerforth, nằm gối đầu lên cánh tay như bao lần tôi thấy anh ngủ trong trường”.

Chính nhờ những nét phát triển trên đây của nghệ thuật Dickens mà ở tác phẩm này, về mặt ngôn ngữ của nhân vật, ông đã khắc phục được một nhược điểm một  số nhà phê bình thường chê trách: họ cho rằng các nhân vật nói năng giống như nhà văn “lấy giọng mũi”, để thủ vai các nhân vật của mình. Trong David Copperfield, một số nhân vật do có ngôn ngữ hành động và sắc thái riêng của mình mà có được “khu vực riêng của nhân vật”. Tính cách của Rosa Darkton được gợi lên ngay khi cô chưa để lộ mặt, qua lối nói lễ phép nhưng loanh quanh, vòng vèo, với những câu hỏi và câu tán thán bỏ lỡ dở chừng, qua đó để lộ không phải là sự nghi ngại hoặc thán phục, hoàn toàn ngược lại, cô “cứ dùng lối bóng gió như vậy để  luồn những ý nghĩ riêng vào tất cả mọi vấn đề và chống lại những ý kiến mà cô không tán thành“ cho đến khi bộc lộ hoàn toàn tính cách tàn nhẫn và “ngọn lửa rạo rực cháy trong lòng” của cô. Những lá thư của Micawber viết cho David, từ lối khoa trương, trích dẫn thi ca sáo mòn, đến lối viết những dòng cuối theo kiểu leo thang, chỉ tự chúng đã đủ mẫu mực cho kiểu tính cách phù phiếm ba hoa ấy.

Cách kết thúc có hậu của Dickens trong các tác phẩm của nhằm đáp ứng nhu cầu thị hiếu độc giả đương thời và giữ màu truyền thống trong lối kể dân gian. Hơn nữa nó thể hiện độ lượng của Dickens. Ngoài ra ông còn bị ràng buộc bởi muôn vàn sợi dây li ti vì nước Anh và nữ hoàngVictoriađã ngăn trở khiến ông không thể viết loại tiểu thuyết hoàn toàn bi thảm. Kiểu kết thúc có hậu này còn thể hiện một sự hoà hoãn, một khát vọng hoà giải trước những cuộc vật lộn giữa cái thiện và cái ác ngoài đời.

Chính vì thế mà “chúng ta luôn thấy rằng nhân vật của Dickens thiếu một cái gì đó” (Ran Fôcx – 9,567). Đó là thiếu tính hiện thực khách quan, nó mang hơi thở lãng mạn có pha màu sắc của tôn giáo. Còn các nhân vật của Gorki thì không, Gorki đã xây dựng nhân vật của mình phù hợp với sự phát triển của logich thực tế cuộc sống.

Tóm lại, Dickens xây dựng các nhân vật trên không nhằm mục đích chính trị kích thích tinh thần đấu tranh cách mạng. Mà thông qua nhân vật của mình, ông muốn cho con người dịu bớt đau khổ, tăng thêm niềm tin yêu ở cuộc đời. Đó chính là ưu điểm mà cũng là một  giới hạn tư tưởng của Dickens

Đọc thêm:  Bleak House (1852-1853), Little Dorritt (1857), Great Expectations (1860-1861), Our Mutual Friend, Household Words (1850-1859), All the Year Round (1859-1870), và  Pictures from Italy.

WILLIAM  MAKEPEACE  THACKERAY  (1811 – 1864)

William Makepeace Thackeray là nhà văn Anh, sinh ở Alipua, ngoại ô thành phố Cancutta (Ấn Độ) nơi cha làm viên chức. Mồ côi cha năm lên bốn tuổi. Ba năm sau, mẹ đi lấy chồng khác. Thackeray được gửi về Anh. Từ 1822 đến 1829, học trung học ở Charlestonrồi vào trường đại học Cambridgehai năm nhưng không tốt nghiệp. Trong thời gian học ở đại học, tham gia vào tờ báo Snob của nhà trường, có đăng một số thơ và những bức họa châm biếm. Thackeray ham thích đọc sách của tác gia  Xuyp, Xtơcnơ, Ađixơn, Pôp, Gônxmit. Mùa hè 1830, sang nghỉ ở Colognevà Weimarbên Đức, có dịp được gặp nhà thơ Gơt và tiếp xúc với các tác phẩm của Sile. 1832, nhân được thừa hưởng gia tài của cha, ông mua lại một tờ báo văn học và lăn vào hoạt động báo chí. Tờ báo không tồn tại được lâu, tháng 2/1834, phải đình bản.Thackeray hoàn toàn sạt nghiệp. Rồi vợ ông lại bị điên sau khi sinh được ba con gái, chữa mãi không khỏi. Hoàn cảnh gia đình càng túng quẫn. Ông phải gửi con nhờ người trông nom để có thì giờ viết bài và vẽ tranh biếm họa cho các báo khác để kiếm sống. Các truyện: Một truyền thuyết sông Ranh, Rêbecca và Rôôenna, tập tùy bút Những kẻ thời thượng nước Anh ra đời trong hoàn cảnh ấy. Cuốn tiểu thuyết đầu tiên của ông nhan đề Vận may của Bary Lynđơn. Tiểu thuyết nổi tiếng nhất là Hội chợ phù hoa đăng tải trên trên báo chí năm 1847 và in thành sách 1848. Danh tiếng Thackeray trở nên lừng lẫy với các tác phẩm này và từ đây ông chuyên tâm viết tiểu thuyết: Chuyện Penđennix, Gia đình Niucơm là những tiểu thuyết về phong hoá hiện đại.Chuyện Henry Exmơn,Những người Viêcgini là tiểu thuyết lịch sử. Cuốn này được đánh giá là một tác phẩm hay của Thackeray sau Hội chợ phù hoa. Ngoài ra Thackeraycòn viết Những cuộc phiêu lưu của Philip, Đênix Đuyvan.

Ông mất ở Luân Đôn sau một trận cảm đột ngột. Thackeray là một trong những nhà văn hiện thực lớn của nước Anh thế kỉ XIX. Ông đã miêu tả giới thượng lưu bằng ngòi bút châm biếm sắc sảo. Cùng với Dickens, Brônti, Gaxken, ông thuộc “học phái hiện đại xuất sắc những nhà tiểu thuyết Anh” (Mac). Tuy nhiên, ông ít hiểu về quần chúng lao động nên trong tác phẩm thường chỉ miêu tả tầng lớp trên và khi phải giải quyết mâu thuẫn thường có xu hướng điều hoà giai cấp. Điều đó càng ngày càng bộc lộ rõ trong những tác phẩm cuối đời, khi ông để cho những yếu tố đa cảm lấn át yếu tố phê phán và cố gắng tìm những con người tốt ngay trong xã hội thượng lưu, tuy ông vẫn không ngừng phê phán những mặt xấu xa của tầng lớp họ.

HỘI CHỢ PHÙ HOA  (Vanity fair)

Hội chợ phù hoa được sáng tác từ năm 1947 đến 1948. Theo cách đặt vấn đề của tác giả, đây là một cuốn tiểu thuyết không có nhân vật chính, hàm ý là muốn chuyển sự chú ý của người đọc sang vận mệnh của toàn bộ xã hội nói chung chứ không dừng lại ở vai trò của từng cá nhân riêng biệt như tiểu thuyết truyền thống. Có thể nói tác phẩm là bức tranh toàn cảnh về xã hội nước Anh đương thời, mỗi nhân vật tiêu biểu cho một hạng người, một tầng lớp xã hội cho nên không có sự phân biệt nhân vật chính, phụ.

Cuốn sách mở ra với sự kiện rời trường của hai cô thiếu nữ Amêlia và Rêbecca. Rêbecca, cô thiếu nữ “con nhà hạ tiện”, vừa rời khỏi nhà trường đã lao ngay vào con đường tiến thân. Đến chơi nhà Amêlia, cô mở cuộc tấn công người anh giàu có của bạn cô là Jô Xêtlê. Việc không thành, Rêbecca phải đến làm gia sư cho gia đình Pit Crâulê, một gia đình quí tộc ở thôn quê, và trở thành con dâu của gia đình này. Từ đây, dựa vào địa vị của nhà chồng, lại nhờ vào sắc đẹp và những thủ đoạn của riêng mình, Rêbecca đã len lỏi vào xã hội thượng lưu và trở thành một bậc mệnh phụ nổi tiếng, được vào triều kiến cả hoàng đế  Giorgiơ IV. Công việc tưởng đang thuận buồm xuôi gió thì tai họa ập đến. Chỉ vì Rêbecca muốn leo lên những địa vị cao hơn nên đã ngoại tình với Hầu tước Xtên, chuyện vỡ lỡ và xã hội thượng lưu đã tàn nhẫn ném trả cô trở lại cuộc đời cũ. Từ đây Rêbecca hoàn toàn chìm sâu xuống hố bùn trụy lạc. Cuối cùng, khi đã trở về già và chán cảnh bon chen lăn lộn, Rêbecca đành chấp nhận một cuộc sống tầm thường như mọi người.

Trong khi đó thì Amêlia, cô thiếu nữ dịu hiền và tốt bụng, mới đầu tưởng sẽ được hưởng một cuộc sống sung sướng, có tình yêu, có hạnh phúc; nhưng đến khi gia đình phá sản, lâm vào cảnh túng thiếu thì bản thân cô cũng gặp nhiều bất hạnh. Cô lấy Giorgiơ vì tình yêu nhưng bản thân Giorgiơ chỉ là một anh chàng bảnh trai, khoác lác và vô tình. Rồi Giorgiơ tử thương trong trận Oateclô và Amêlia lâm cảnh goá bụa. Còn bao nhiêu sức lực và tình cảm cô dồn hết cho đứa con trai, giọt máu của Giorgiơ Ôxborn. Cuối cùng, vì tình thế quẫn bách và cũng vì tương lai của con, Amêlia đành phải hi sinh hạnh phúc duy nhất của mình và trao con cho gia đình nhà chồng nuôi. Về sau, Amêlia gặp lại một người bạn cũ, thiếu tá Đôbin, con người hào hiệp và tốt bụng vẫn thầm yêu thương cô, và làm lại cuộc đời cùng Đôbin. Ngoài câu chuyện về số phận của Rêbecca và Amêlia cuốn tiểu thuyết còn dựng lên cuộc sống và tâm lí của nhiều hạng người khác nhau thuộc giai cấp quí tộc, giai cấp tư sản, tầng lớp trung lưu trong xã hội nước Anh: gia đình ông Xêtlê, một người làm nghề buôn cổ phiếu bị cuộc chiến tranh Napôlêông làm cho phá sản; gia đình lão Ôxborn, nhà tư sản buôn sáp với một nền luân lý đặc biệt lấy đồng tiền làm tiêu chuẩn; gia đình Crâulê lục đục, thối nát, đang xoay quanh việc cướp đoạt gia tài của bà cô không chồng; Hầu tước Xtên, một đại quí tộc với hình thức bề ngoài đầy uy nghi quyền quí mà thực chất bên trong là một tên lưu manh bất nhân phi nghĩa.

Viết “Hội chợ phù hoa”, Thackeray có một thái độ phủ định rõ rệt đối với xã hội đương thời. Ngòi bút châm biếm của tác giả đã phơi bày mọi thứ lố lăng phù hoa và giả dối của xã hội thượng lưu nước Anh; ẩn sau những thứ phù phiếm ấy là sự giả nhân giả nghĩa, tính toán vụ lợi, cạnh tranh lường gạt…Tuy nhiên, sự phủ định của Thackeray cũng như ý muốn cải tạo xã hội của ông chỉ dừng lại ở khía cạnh đạo đức thuần túy. Giá trị căn bản của tác phẩm là ở chỗ đã cung cấp được những tài liệu phong phú, những chân dung tiêu biểu về một cuộc sống mà đồng tiền đang ngự trị. Tác phẩm cũng đậm màu sắc lịch sử và đặc biệt thành công trong những trang dựng lại phong tục, sinh hoạt của nước Anh.

“Hội chợ phù hoa” đánh dấu một cuộc cách mạng của tiểu thuyết Anh thế kỉ XIX trong việc rời bỏ hình thức của tiểu thuyết luận đề để hướng sang tiểu thuyết lấy việc miêu tả xã hội làm trọng tâm. Tác phẩm ghi nhận tài năng xuất sắc của Thackeray trong việc xây dựng những nhân vật điển hình. Phần lớn các nhân vật của ông đều được khai thác ở những nét tâm lí phong phú, đa dạng nhưng tính chất lại tập trung. Bút pháp châm biếm của ông cũng không đơn điệu .

J

2. 3.    VĂN HỌC ĐỨC – KHÁI QUÁT

            Từ những năm ba mươi của thế kỉ XIX, văn học hiện thực phê phán ở Đức ra đời có muộn hơn so với trào lưu văn học này ở nước Pháp và nước Anh. Vì cho mãi đến giữa thế kỉ, vua chúa và bọn quý tộc Phổ vẫn còn bám riết những đặc quyền của chúng; giai cấp tư sản thỏa hiệp với giai cấp địa chủ áp bức bóc lột nhân dân. Nửa sau thế kỉ XIX, giai cấp tư sản dần thắng thế và mâu thuẫn giữa tư bản và vô sản ngày càng gay gắt. Các nhà văn hiện thực đã kế thừa văn học thời kì Ánh sáng của Gơt, Sile…Các nhà văn tiên tiến của Đức thời kì 1830 – 1850 ca tụng cuộc Cách mạng Pháp và kêu gọi đấu tranh chống nước Đức phong kiến. Họ cũng đồng tình với cuộc đấu tranh của giai cấp công nhân.

            Henrich Heine (1797 -1856), gốc người Do thái, cha là một người buôn bán bình thường, lớn lên vào thời kì quân Pháp đóng ở quê ông, tỉnh Duxendoop. Ông được thấy Napoleon I mà ông tin là người đại diện Cách mạng Pháp và góp phần phá vỡ chế độ phong kiến ở nước Đức lạc hậu. Năm 1816, Heine đến học luật ở Hămbuôc, thích triết học và văn chương, bắt đầu nghiên cứu tư tưởng biện chứng của Hêghen. Các tin tức về cuộc cách mạng tháng Bảy ở Pháp đăng trên báo đối với ông như là “những tia nắng bọc giấy”. Để thoát khỏi không khí chính trị ngột ngạt ở Đức, Heine qua ở Pari từ năm 1831 cho đến khi mất. Ông có cảm tình nồng nhiệt với các cuộc khởi nghĩa của nhân dân lao động Pháp và các cuộc đấu tranh chính trị của công nhân Anh. Năm 1843, Heine và Mac quen biết nhau và do ảnh hưởng trực tiếp của Mac, ông có cảm tình với những người cộng sản. Từ năm 30 tuổi, Heine đã nổi tiếng là nhà thơ lãng mạn tiến bộ với những tập thơ: Itêcmezô (1826), Bucđelitđơ (1827) gồm nhiều bài thơ về tình yêu và thiên nhiên, những kiệt tác của thi ca Đức. Trong tác phẩm văn xuôi Hình ảnh chuyến đi (1815 -1831), Heine đã sử dụng một thể loại mới để biểu hiện tư tưởng dân chủ của ông. Tiếp theo là Du kí vùng Hacrainơ, tác giả đã đả kích sự giả dối tầm thường của giai cấp tư sản, tố cáo công nghiệp hóa tư bản và giáo hội. Năm 1844, Heine sáng tác tập thơ Đixlêrichxen Vêleơ (Những người thợ dệt Xilêzi) ca ngợi cuộc khởi nghĩa của công nhân Xilêzi năm 1844 và châm biếm chính quyền Phổ. Tuy có cảm tình với cuộc đấu tranh của giai cấp công nhân nhưng do hạn chế tư tưởng, Hainơ chưa thấy rõ ràng tương lai. Kết thúc bài thơ ông viết:

“Còn cuộc khởi nghĩa ? Máu chảy cơ thể suy nhược

Một người ngã xuống! Tôi đang đợi những người khác

Thất bại chăng? Không, tôi vẫn cầm vũ khí

Nhưng trong lòng tôi, tim đã nát tan”

            Heine giới thiệu văn hóa Đức và đấu tranh cho quê hương được dân chủ, tự do với tác phẩm: Hoàn cảnh nước Pháp (1832). Heine còn viết lí luận phê phán trường phái lãng mạn phản động: Trường phái lãng mạn (1832), phê phán triết học duy tâm Đức (Về lịch sử tôn giáo và triết học Đức, 1844). Sau 13 năm lưu vong, Heine về thăm quê hương và viết những tác phẩm hiện thực tố cáo tình hình lạc hậu của nước Đức (Nước Đức, 1844)

            Cuối đời, ông bị đau tủy nặng, phải nằm liệt giường “trong một cái mồ đệm” như lời ông. Ông vẫn tin tưởng các chiến sĩ tiến bộ tiếp tục đấu tranh cho “mọi người đều có quyền được ăn” (thơ Lalai, 1855)

            Friedrich Hebbel (1813 -1863) là con một người thợ làm công. Thời thanh niên ông làm thợ nề để kiếm sống. Ông nỗ lực tự học các môn triết, sử, văn. Ông viết kịch và làm thơ, những tác phẩm hiện thực đề cập các vấn đề trung tâm của đất nước. Vở kịch Maria Mađơlen (1844) nói lên sự đổ vỡ của thế giới tiểu tư sản. Vở kịch Hecđơun Mariam (1849) nói về sự xung đột trong hôn nhân. Tập Nhật kí (1855) phản ánh số phận người nghệ sĩ có tài năng nhưng sống nghèo khổ trong xã hội tư bản.

            Do hạn chế về tư tưởng, nhà văn Hebbel bộc lộ thái độ phục tùng chính quyền trong vở kịch Âynec Becnauơ (1852) dựa theo nội dung anh hùng ca Niebilungen của Đức thời trung đại.

Về thể loại, văn học hiện thực Đức sử dụng  phổ biến nhất là kịch, thơ và văn xuôi. Văn học  Đức thế kỉ XIX đã tiếp thu và ảnh hưởng trở lại trong sự giao lưu rộng rãi với văn học các nước châu Âu do ảnh hưởng của Cách mạng tư sản Pháp và cuộc đấu tranh chống sự xâm lược của Napoleon để giải phóng dân tộc.

Ì

Yêu cầu và câu hỏi nghiên cứu, ôn tập chương II

1. Nắm vững nội dung 03 tác phẩm tiêu biểu của Balzac đã được giới thiệu (Eugenie

     Grandet, Lão Goriot và Vỡ mộng) cần phải tìm đọc tác phẩm.

2. Giải thích đoạn văn chót tiểu thuyết “Lão Goriot”:

“Cúi nhìn lần nữa ngôi mộ, giọt nước mắt cuối cùng của chàng trai trẻ lăn dài,

giọt nước mắt trào ra vì những rung cảm thiêng liêng của một trái tim trong trắng,

nó rơi xuống mặt đất rồi từ từ vút lên trời cao…”

3. Phân tích nghệ thuật xây dựng cặp nhân vật “Goriot- Rastignac”.

4. Hãy chỉ ra những nhân vật lãng mạn trong ba tiểu thuyết kể trên, xác định vai trò của

   họ trong tác phẩm Balzac.
Chương  3

Văn học lãng mạn và văn học hiện thực Mỹ  thế kỉ 19

3.1 – Sơ lược văn học Mỹ thế kỷ 17 và 18

            Sự hình thành nước Mỹ là một hiện tượng lịch sử khá đặc biệt , do trước hết cội nguồn của nền văn học Mỹ không giống như nhiều dân tộc khác. Những chủ nhân thực sự của nền văn học Mỹ lại là những người Châu Âu ra đi từ những nền văn minh, văn học đã khá trưởng thành như: Anh, Pháp, Tây Ban Nha…những nền văn học mà đặc điểm dân tộc hình thành dần dần  cùng  với sự trưởng thành của ý thức dân tộc. Văn học Mỹ là sự nghiệp của những người sinh ra và lớn lên ở lục địa Châu Âu nơi có ngôn ngữ đã trưởng thành cùng những nếp tư duy đã thành khuôn mẫu.

            Theo năm tháng, những tính cách riêng  cũng bắt đầu xuất hiện trên các lĩnh vực tư tưởng, đạo đức, xã hội, tôn giáo… tuy chưa tạo ra tính chất văn học riêng  nhưng cũng đã có màu sắc ban đầu tạm gọi là màu sắc địa phương.

            Công việc khai phá thế giới mới đòi hỏi rất nhiều công sức, tâm trí, thời gian….cho nên những cư dân mới chưa có điều kiện để suy nghĩ , viết văn. Vừa khai phá vừa đấu tranh với người Indien (thổ dân da đỏ), thời kì xây dựng và củng cố kéo dài hơn một thế kỉ.

             Những tác phẩm văn chương ban đầu rải rác chỉ chú ý xây dựng cho được ý thức chung của cộng đồng mới hơn là sáng tạo nghệ thuật. Cho đến cuối thế kỉ 18, văn học hầu như chỉ tập trung vào vấn đề đạo đức và tôn giáo.

Những người Châu Âu đến thế giới mới đầu tiên gồm có hai nhóm:

      –  Nhóm thứ nhất đến năm 1607 , lập ra vùngVirginia, sau này gọi là miềnNam.

      – Nhóm thứ hai đến năm 1620-1630, lập ra khu vựcPlymouthvàMassachusetts, thuộc miền Bắc.

            Nhóm đầu tiên là các kị sĩ trung thành với chế độ quân chủ, là thành viên của nhà thờ Anh Quốc.

             Nhóm thứ hai là những Puritains (tín đồ Thanh giáo, đạo Purism- đạo trong sạch, khắc khổ ở Anh vốn gốc là đạo Tin lành , học độc lập về tôn giáo , phải trốn chạy vì bị xua đuổi, cùng với những người cấp tiến về chính trị có mầm mống tư tưởng dân chủ sau này)

             Thời kì đầu, ngườiVirginiachưa có đóng góp đáng kể trong việc xây dựng nền văn học Mỹ . Họ vẫn hướng về mẫu quốc – nước Anh với tất cả tình cảm tha thiết . Nhờ bóc lột nô lệ ở các đồn điền, cuộc sống của họ ngày càng khá giả. Họ tiếp tục theo dõi và đọc tác phẩm văn học Anh, cho con cái về  học ở trường đại học Oxford, một trường đại học nổi tiếng ở Anh và tự xem mình vẫn là một bộ phận của giới tư sản , quí tộc thượng lưu Anh. Một số người viết hồi kí – viết cho bạn bè ở Châu lục xem và phần lớn đều in ấn ởLondon.

            Nhóm người ởMassachusettsthì khác hẳn. Họ chẳng phải là người quí tộc phiêu lưu đi tìm vàng và làm giàu mà là những người bị đày đọa , muốn ra đi tìm đất mới để xây dựng một nước cộng hoà tự do theo tinh thần đạo đức và tôn giáo của họ . Những tác phẩm họ viết ra tuy chưa có giá trị cao về thẩm mĩ ,song có thể coi là bước sơ khai của một nền văn học , góp phần tạo nên tính cách Mỹ . Phải nói rằng những người tín đồ Thanh giáo (Puritains) là người xây dựng tâm hồn Mỹ . Họ mang từ Anh một thứ tôn giáo nghiêm khắc giúp họ  dũng cảm chống lại mọi thách thức, nhất là trong thời kì đầu, hăng hái hoạt động. Cộng đồng Thanh giáo có tổ chức chặt chẽ, không khoan dung với thiên chúa giáo  và Anh quốc giáo (Anglicanism) đồng thời kiên quyết chống lại mọi sự chia rẽ bè phái.

            Có thể gọi văn chương thời kì thuộc địa này là văn chương Thanh giáo. Xuất thân từ một dòng Tin lành khắc khổ ở Anh thế kỉ 16, tín đồ Thanh giáo coi nhiều lạc thú là tội lỗi, họ rất khắt khe về tôn giáo và đạo đức, cần cù chịu khó. Các giáo sĩ dòng Thanh giáo là những người có học thức nhất Châu Âu thời đó. Người Thanh giáo quan niệm rằng Chính phủ phải là một thứ chính trị thần quyền – là sự chỉ đạo của Chúa. Họ nhận định rằng thượng đế không phải là con người lầm lẫn thường tục , mà là mục đích tuyệt đối. Không có ai thành công được nếu  Chúa không ban ân huệ cho họ. Theo sự tin tưởng của họ vì tội phạm của ông Adam ở vườn địa đàng mà nhân loại phải sa xuống địa ngục. Chúa Jesus đã hi sinh để đổi thay và giảm nhẹ hình phạt đó, cho nên chỉ có ít người tử vì đạo (tuẫn tiết hoặc bị hành hình). Cuốn thánh kinh được coi là hoàn hảo không những đưa cuộc sống tâm linh của con người gần gũi với thần học và đạo lí mà còn mang lại kiến thức và cách ăn ở trên đời. Thánh kinh làm nòng cốt cho mọi định lệ trong các sách thần học, chính trị, lễ giáo và tư tưởng trong văn chương nữa. Tác phẩm văn chương của thời kì này gồm tác phẩm lịch sử, các bài thuyết giáo và thơ ca .

             Về xã hội tồn tại nhiều đẳng cấp tùy theo tài sản và địa vị. Đẳng cấp cao thì nắm chính quyền, lập pháp  và tư pháp.

            Đáng chú ý là họ cũng đã tiếp nhận, theo cách của họ phong trào Phục hưng ở Châu Âu, trong chừng mực mà trào lưu Phục hưng giúp phát triển khoa học và lí tính

            Công chúng văn học lúc ấy ít nhiều có trình độ văn học, họ đều phải biết kinh thánh, tham gia được các cuộc thảo luận về những vấn đề lí luận tôn giáo.

Các giáo sĩ, sau những mùa màng bội thu đã cho xây dựng trường học và ra lệnh giáo dục tiểu học bắt buộc. Năm 1636, John Harvard, tiến sĩ trường đại họcCambridgeớ Anh quốc đã sang Mỹ xây dựng trường đại học đầu tiên và đến nay trường vẫn mang tên ông. Năm 1639 , nghề in máy phát triển, tung ra sách và báo với giá rẻ.

Các học thuyết tôn giáo hung dữ một mặt có tác dụng giúp cho sự rèn luyện ý chí và tinh thần kỉ luật. Thời kì này còn để lại những dấu ấn trong tâm hồn, Sáclơ sẽ tạo nên những mặt mạnh cũng như mặt yếu của ý thức người Mỹ ( tất nhiên về sau này , người Mỹ đã phá bỏ những định kiến của tính cách nguyên thủy để tạo điều kiện cho sáng tạo nghệ thuật ). Nhưng trong một thời kí khá dài, văn học chỉ là hoạt động của giới giáo sĩ. Mọi tác phẩm hư cấu đều bị lên án như hiện tượng nguy hiểm, văn chương không chấp nhận coi phụ nữ và tình yêu là nguồn gây cảm hứng cho văn chương nghệ thuật.Các nhà thần học cần tranh luận xem đàn bà có tâm hồn hay không .

    Về sau, tôn giáo mất dần địa vị thống trị trong văn học. Một số thể chế chính trị tự do hơn đã ra đời.Người ta bắt đầu phản ứng chống lại sự khống chế tàn bạo của những người Thanh giáo.

     Sự chuyển hướng mạnh mẽ ấy diễn ra vào giữa thế kỉ 18 mà biểu hiện rõ rệt ở nhân vật Benjamin Franklin.

      Trong suốt thời kì cách mạng tư sản Anh và triều đại Cromwell những vùng mới khai phá ở châu Mĩ vẫn được coi là độc lập. Về sau đến thời Charles II , một toàn quyến Anh đến nhận chức ởMassachusetts, vẫn còn chế độ đại nghị nhưng quyền hành pháp do đại diện của vua Anh nắm.

      Người Mỹ phần lớn quay sang hoạt động kinh tế.Bostontrở thành một trung tâm giàu có của giới tư sản. Tờ báo tự do The New England Current của anh em James và Benjamin Franklin , tờ báo nổi tiếng sang tận châu Âu.

     Benjamin Franklin (1706 – 1790) sinh ởBostonsau đó đếnPhiladelphia, một trung tâm buôn bán sang trọng và cởi mở về quan niệm sống. SangLondonhọc nghề in , ở đó ông ấp ủ những tư tưởng cách mạng. Ông là một người tư sản thời kì quá độ , nhiều tài năng và kinh nghiệm. Với hai tập niên giám (almanach) và tự truyện , ông nổi tiếng khắp hai lục địa, trong đó ông đề cao mục đích cuộc sống là đạt sự thành công. Ông dành cho trí thông minh vị trí quan trọng bên cạnh lương tâm, giải phóng tinh thần lạc quan, nhanh nhẹn ,năng động, tự tin ở mình và số phận .Franklin có công phát hiện và biến thành giá trị thật sự những phẩm chất thực tiễn của tính cách Mỹ.

     Franklinbiết rằng muốn sáng tạo một nền văn học Mỹ thì người Mỹ phải tiếp cận với các nền văn hoá khác. Tuy chưa học hết bậc đại học, ông có một thư viện riêng rất lớn. Ông thường trao đổi thư từ khoa học, chính trị và văn chương với các trí thức đồng nghiệp ở Anh, Pháp. Trong lúc đó, ông đang trở thành nhà tư bản lớn đầu tiên ở thế giới mới.

        Tác phẩm văn học nổi tiếng nhất của ông lại là cuốn Tự truyện (Autobiographic). Ông là một trong những người đóng góp tích cực động viên tinh thần cách mạng của người Mỹ. Sai lầm của chính phủ Anh đã gây nên một phong trào chống đối ở tất cả các thuộc địa. Tình hình đòi hỏi một đất nước Mỹ độc lập đã chín muồi. Cuộc cách mạng bùng nổ,Franklinhoạt động cách mạng ở nước ngoài.

       2. Thời kì cách mạng

       Xung đột về quyền lợi giữa người dân Mỹ với chính phủ hoàng gia Anh đã dẫn đến cách mạng, khởi đầu vào tháng 04 năm 1775, dưới sự lãnh đạo của tướng George Washington đến ngày 04 tháng 07 năm 1776, Quốc hội đã phê chuẩn bản TUYÊN NGÔN ĐỘC LẬP của một Uỷ ban soạn thảo do ông Thomas Jefferson cầm đầu. Đó là ngày quốc khánh thật sự của nước Mỹ, mặc dù chính thức đến 1783 nước Anh mới chịu đặt bút “ phê chuẩn”

      Là một trạng sư trẻ, 33 tuổi,Jeffersonđã được giao trách nhiệm quan trọng là soạn thảo bản Tuyên ngôn Độc lập lịch sử. Ông mở đầu bằng một câu nổi tiếng: “Chúng tôi cho rằng đây là những chân lý bất hủ: mọi người sinh ra đều bình đẳng ; họ đã nhận được ở thượng đế những quyền lợi bẩm sinh, không thể xoá bỏ được, trong đó có các quyền sống , quyền tự do và quyền được hưởng hạnh phúc”.

     Khi còn học ở trường đại học,Jeffersonđã tiếp thu lí luận của Loke – lí thuyết gia của cách mạng tư sản Anh. Khi bàn về “tam quyền”, Loke  đưa ra quyền thứ ba là “quyền tư hữu tài sản”thì Jefferson thay thế bằng “quyền được hưởng hạnh phúc” với ý thức nhấn mạnh tính chất dân chủ hơn là tài sản.

      Cuộc chiến tranh giành độc lập của Hoa Kì chẳng những chỉ thành lập một quốc gia mà còn tạo ra một nước dân chủ – không có vua đầu tiên trên thế giới . Kết quả đó đã khuyến khích rất nhiều cho cuộc cách mạng tư sản Pháp nổ ra sau đó ít lâu (1789)

      TướngWashingtonđã lui về chốn điền viên lại được yêu cầu ra tham chính . Ông soạn thảo ra bản Hiến pháp Hoa Kì, trong đó phần lớn quyền hành được giao cho chính phủ liên bang. Hội nghị các bang lại tiếp tục đề nghị ra 10 đạo luật bổ sung nhằm giảm bớt quyền hạn của chính phủ liên bang , gia tăng quyền hạn công dân và được gọi chung là TUYÊN NGÔN NHÂN QUYỀN.

       Bản tuyên ngôn này thiết lập tự do tôn giáo, tự do ngôn luận, tự do báo chí và vạch ra những quyền lợi căn bản của một công dân ở nước dân chủ .

      Ông George Washington được bầu làm Tổng thống đầu tiên của Hoa Kì.

     Jeffersontin ở bản chất tốt đẹp của con người, ở tính bản thiện, rằng con người được thượng đế che chở chống con quỉ tham lam và khát vọng thấp hèn. Ông chủ trương mở rộng quyền hạn của các bang và quyền tự do của công dân. Khi làm tổng thống thứ 3 của Hoa Kì , ông cố gắng giữ quan điểm của mình.

     ALEXANDER HAMILTON (1757 –1804)

      Đại diện cho các tư tưởng bảo thủ lúc bấy giờ là Alexander Hamilton. Ông say mê cuồng tín đối lập vớiJeffersonvà tuyên bố thẳng thừng “ dân chúng cũng như thú vật”; chỉ nên dành cho họ một số quyền hạn tối thiểu.

JOHN ADAMS ( 1735 – 1826)

        Với tư cách là tổng thống thứ hai sauWashington, chính sách của ông chủ yếu tiếp nối đường lốiWashington. Ông viết khá nhiều sách (10 cuốn). Theo ông nếu không có tôn giáo và nhà thờ thì bản chất con người vốn là xấu. Quan điểm của ông ở vị trí trung gian giữaHamiltonvàJefferson.

3.2                         VĂN HỌC MĨ  THẾ KỈ 19

Giai đoạn 1- Văn học Mĩ nửa đầu thế kỉ

        Sau cách mạng thành công, nước Mĩ bắt đầu ý thức được khả năng văn học của dân tộc. Đầu thế kỉ 19, các nhà văn thực sự, những người có tài năng và sống bằng nghề cầm bút mới xuất hiện và có vị trí trong xã hội Mỹ.

       Trong nửa đầu thế kỉ 19, New York là trung tâm tập hợp, thu hút những nhà văn chuyên nghiệp đầu tiên .New York chẳng những là trung tâm thương nghiệp, hàng hải, giao thông đường bộ mà còn là đại bản doanh của văn học nghệ thuật.

      New Yorkđã chói sáng lên 2 nhà văn lừng lẫy nước Mĩ: Washington Irving nhà viết tiểu luận, và James Fenimore Cooper nhà tiểu thuyết, lại còn lôi kéo nhà thơ William Bryant từ Massachussetts, nhà viết truyện Edgar Allan Poe từVirginiađến. Mỗi người là một tài năng độc đáo , mặc dù còn chịu ảnh hưởng của các trào lưu văn học Anh hoặc lục địa nhưng vẫn biểu hiện được nét độc đáo của người Mỹ  – độc đáo về sự lựa chọn đề tài , về kĩ thuật biểu hiện và tính dân tộc.

TRÀO LƯU VĂN HỌC LÃNG MẠN

          Dường như nước Mỹ có thiên hướng bẩm sinh về văn học lãng mạn. Khí hậu, thời tiết đa dạng, phong cảnh đa dạng hữu tình, những bãi đất dài từ các hồ lớn đến bờ biển vịnh Mexique … tạo ra cái đẹp muôn vẻ thiên nhiên. Nhiều biển hồ mênh mông, thác nước hùng vĩ, những bãi cỏ xanh tươi đến tận chân trời, những khu rừng nguyên sinh, những khoảng không gian có vẻ vô bờ bến để nảy sinh biết bao nhiêu nguồn cảm hứng sâu sắc, mãnh liệt. Ranh giới giữa cuộc sống dân Mỹ với cuộc sống của các bộ lạc người Anh–điêng da đỏ quen lối sống hoang dã chẳng có bao xa tạo nên một không khí gần như huyền thoại.

      Dân tộc Mỹ là một dân tộc trẻ, xét về mặt văn hoá, mới định cư ở một thế giới xa lạ với nguồn gốc, đã chứng tỏ một sức sống mãnh liệt, một trí tưởng tượng phong phú, một niềm tin sắt đá ở số phận mà ta có thể xem đó là những động lực mạnh mẽ thúc đẩy những hoạt động lãng mạn. Họ đã biểu thị những phẩm chất ấy trong sự nghiệp khai phá táo bạo để làm chủ cả một lục địa rộng lớn.

     Tình cảm của người Mỹ biểu hiện rõ trong tinh thần ái quốc, trong nhiệt tình hoạt động trong cộng đồng, trong sức sống của mỗi cá nhân hiến dâng cho cách mạng nhân danh các nguyên lí Tự do và Bình đẳng. Những yếu tố ấy thực ra đã tiềm ẩn ngay từ đầu nhưng chúng đã bị đàn áp cho mãi đến cuối thế kỉ 18. Đến đầu thế kỉ 19, mọi hoạt động nhiệt tình được cất cánh bay bổng, mọi khao khát sống và hưởng hạnh phúc đều được tự do thực hiện .

     Những bài tiểu luận đầy nhiệt tình của Jean Jacque Rousseau ở Pháp và những bước đi khổng lồ của cách mạng Pháp đã vang dội khắp thế giới và cũng đã góp phần động viên sự nghiệp cách tân tinh thần ở Mỹ. Nước Anh cũng là một tấm gương về sự khôi phục cuộc sống tình cảm. Ít lâu sau, nước Đức triết học cũng có ảnh hưởng tới Mỹ.

      Từ lãnh vực chính trị, xã hội, tư tưởng và tôn giáo, chủ nghĩa lãng mạn đã chuyển vào văn học. Ở Mỹ, chủ nghĩa lãng mạn không bao giờ biểu hiện bằng sự say mê cực đoan. Khi xuất hiện, tình yêu không bao giờ ồn ào sôi động mà có chừng mực, lí tưởng hóa, xua đuổi sự ham muốn, cảnh giác chống sự bùng nổ sắc dục.

      Tiểu thuyết lãng mạn Mỹ làm rung động người đọc bằng những yếu tố siêu nhiên, thần bí hoặc là các bí ẩn của tâm hồn và các bi kịch của ý thức.

      Thơ ca cũng bắt nguồn từ bấy nhiêu yếu tố, nhiều nhất là ở tình yêu đối với thiên nhiên, ở linh tính về sự có mặt của Thượng đế trong thế giới trần tục, ở lòng thương yêu con người và cuộc đời.

       New York trong nửa đầu thế kỉ 19 đã từng là trung tâm văn học sôi động nhất ở Mỹ lúc ấy mới chỉ là một thành phố nhỏ nhưng rất thuận lợi cho sự nở rộ những vụ mùa đầu tiên của văn học Mỹ.

           Dưới đây là tên tuổi của những cây bút tiêu biểu của văn học Mỹ nửa đầu thế kỉ 19:

 * Các nhà tiểu thuyết New York:

WashingtonIrving( 1783-1859)

James Fenimore Cooper (1789-1851)

Edgar Allan Poe (1809-1849)

Brockden Brown (1771-1810)

  * Các nhà văn “thế giới mớ”:

Nathaniel Hawthorne (1840-1864)

Herman Melville (1819-1891)

Henry David Thorean (1817-1862)

Ralph Waldo Emerson (1803-1882)

* Các nhà thơ Mỹ:

William Cullen Bryant (1794-1878)

John Greenleaf Whittier (1807-1892)

James Russel Lowell (1819-1891)

Henry Wordsworth Long Fellow (1807-1882)

Edgar Allan Poe (1809-1849)

Ralph Waldo Emerson

Sidney Lanier (1842-1881)

Walter Whitmann (1819-1892)

        Nhìn chung các nhà văn, nhà thơ lãng mạn Mỹ thể hiện những phong cách đa dạng, phong phú diễn tả cuộc sống đầy sinh lực của một quốc gia trẻ trung. Cooper viết những truyện phiêu lưu du kí về đời sống Mỹ, nói về những con người đi khai phá biên cương và người thổ dân da đỏ, sự xung đột của một nền văn minh mới với cuộc sống sơ khai của đất Mỹ. Beecher Stowe phô bày vấn đề nô lệ trong cuốn truyện “Uncle Tom’s cabin”(Túp lều của bác Tôm) mở đầu cho kỉ nguyên chống lại chế độ nô lệ và phân biệt chủng tộc. Emerson, một cây bút lỗi lạc nhất ở bang New England, đã viết những bài tiểu luận gây ảnh hưởng sâu đậm nhất trong nền văn học Mỹ. Bài diễn văn ông đọc ở trường Đại học Harvard có tựa đề “American Scholar” (Trường phái Mỹ) đã được mệnh danh là “Bản tuyên ngôn độc lập” của tinh thần Mỹ:

      “Những ngày lệ thuộc, thời kì tập sự, học hỏi nước ngoài từ bao lâu nay đã cáo chung. Hàng triệu con người quanh ta đang lao mình vào cuộc đời, không thể nào mãi mãi sống nhờ vào đống  cặn bã của ngoại bang đã thu nhặt từ ngàn xưa”

      Nhà văn Mỹ bắt đầu nhấn mạnh chủ nghĩa cá nhân và xúc cảm trước những ve đẹp thiên nhiên với tâm hồn chan chứa say sưa. Họ khẳng định con người khác hẳn một cái máy biết suy nghĩ. Cuộc sống có bao nhiêu điều bí ẩn cần phát hiện. Ca ngợi vẻ đẹp thiên nhiên và cuộc đời bình dị như Cooper, Emerson, Thorean; say sưa với quá khứ mở đất, chinh phục huy hoàng như Irving, Hawthore, yêu thích những chốn xa xăm như Melvile, sầu muộn đến bệnh hoạn như Edga Poe. . .

    Những áng văn đa dạng của những tác giả trên đã làm phong phú cho nền văn học Mỹ.

     Giai đoạn 2- Văn học Mỹ nửa sau thế kỉ 19

1. Sự đổi mới của văn học

    Ngay từ trong chủ nghĩa lãng mạn ở châu Âu, khoảng 1840, đã xuất hiện nhiều yếu tố hiện thực.Tính khách quan, sự quan sát và tri giác cụ thể , việc miêu tả chính xác đối tượng đã bắt đầu được coi trọng hơn chủ nghĩa khách quan đầy tình cảm và mơ mộng.

    Nguyên nhân đổi mới:

    – Xã hội tư bản, cuộc sống xã hội đòi hỏi phải quan tâm đến các công việc, các sự kiện, sự hiểu biết thực tế, nghĩa là văn học cần phải có tinh thần thực tiễn để đối diện với sự việc có thực, trước mắt.

    – Những tiến bộ của khoa học kĩ thuật phát sinh nhu cầu hiểu biết chân lí chuẩn xác. Thời đại phát triển công nghiệp đòi hỏi sự tính toán cẩn thận.

Ở Mỹ, còn có thêm những nguyên nhân ảnh hưởnh đến văn học đổi mới ngày càng xa rời lãng mạn.

    – Việc di dân về miền Tây khiến dân chúng bắt đầu ham muốn các nguồn lợi vật chất

    – Hệ thống đường xá, xe lửa, kênh rạch phát triển làm gia tăng quan hệ giao tiếp giữa vùng đất cũ và đất mới, nảy sinh nhu cầu tìm hiểu thực tế vùng đất mới.

   – Cuộc chiến tranh Nam Bắc đẫm máu kéo dài 4 năm (1861-1865) khiến cho người lính không còn mang ảo tưởng hiệp sỉ lãng mạn. Họ bi quan về số phận con người và cuộc sống.

 –  Sự thắng lợi của miền Bắc đã lập lại khối liên hiệp thống nhất nước Mỹ, đã kích thích người Mỹ muốn tìm hiểu đất nước của họ – một đất nước đa dạng và rộng rãi sẽ làm nên sức mạnh quốc gia từ nay về sau.

     – Người Mỹ ít chú ý đến quê hương mà quan tâm đến cả lục địa giàu tài nguyên và phẩm chất con người.Nhà văn hiểu rằng mọi người chú ý đến cảnh vật, đặc điểm sắc tộc, phong tục truyền thống, khát vọng mỗi miền và họ nhận thấy văn học cần đáp ứng nhu cầu đó. Thời kí này nở rộ các tác phẩm “địa phương” dưới hình thức truyện vừa, gần như một trường phái, người Mỹ gọi là “Local colourschool”. Nó chưa hẳn là chủ nghĩa hiện thực bởi vẫn còn xen kẽ tình cảm vay mượn ở các tác phẩm lãng mạn. Sự quan tâm quá mức đến vẻ đẹp bề ngoài làm giảm bớt giá trị chân thực của bức tranh đời sống.

   2.   Giai đoạn chuyển tiếp

            (Truyện vừa và tiểu thuyết theo cảm hứng địa phương)

         Sau cơn ác mộng của chiến tranh, nước Mỹ muốn tự tìm hiểu mình, đã ngạc nhiên phát hiện ra cảnh quan đẹp nhất của các địa phương là California được miêu tả trong tiểu thuyết “The Luck of Roaring Camp” của nhà văn Bret Harte. Harte viết nhiều về những vẻ đẹp đất nước Mỹ, khi cảm hứng cạn nguồn, ông được cử làm lãnh sự ở một nước châu Âu và chẳng bao giờ trở lại nước Mỹ “quê hương” nữa.

         Tính chất mới mẻ của thể loại đã tạo nên sự ngạc nhiên và thích thú trong đông đảo công chúng văn học. Thế là hình thành một trường phái các nhà văn địa phương, họ ra sức khai thác màu sắc địa phương của các bang. Cái đẹp của thiên nhiên cùng với phong vị tập quán đặc thù làm cho văn học có một bước phát triển mới.

          Có thể kể thêm một số nhà văn và tác phẩm: Helen Hunt Jackson với “The Red City” và “The Youth of Washington”. James Lane Allen với cuốn “The Choir invisible”, Charles Chaddock viết cuốn “Poor Whites”(Những người bạch đinh)

            3. Nhà văn Mark Twain và cảm hứng humour 

      Một số tác phẩm nổi tiếng của Mark Twain:

+ Roughing It (Gay go, vất vả), cuộc tìm vàng gian lao

+ Adventures of Tom Sawyer (Những cuộc phiêu lưu của Tom Sawyer), ca ngợi

   thế hệ trẻ Mỹ

+ Adventures of Hucklebery Finn,  chống chế độ nô lệ

+ The Golden Age (Thời đại vàng),  lần đầu phê phán xã hội Mỹ

+ What is man ?    (Con người là gì ?)

+ The Mysterious Stranger (Người lạ mặt bí ẩn)

Humour (uy mua) không phải là chủ nghĩa hiện thực nhưng thường đi theo chủ nghĩa hiện thực và tạo điều kiện cho chủ nghĩa hiện thực phát triển.

    “Uy mua” có nguồn gốc từ chất hài hước Anglo-Saxon ở Anh, với nghĩa là cái đáng buồn cười mà lại diễn đạt theo một hình thức nghiêm chỉnh. Thi pháp của nó là lối “đùa không cười” hay nói đúng hơn là tiếng cười không bật ra thoải mái, bất ngờ khi có sự tồn tại song song của nội dung phí lí, thô tục, quá đáng và cái hình thức giả dạng nghiêm túc, chuẩn xác, hợp lí. Người miền Tây thích giải trí với những chuyện “humour”   buổi tối bên cạnh cốc rượu whisky.

            Mark Twain là nhà văn trào phúng bậc nhất của Hoa Kỳ, tiểu thuyết đầy chất sáng tạo và hấp dẫn do nơi sinh của ông thuộc về miền đất được coi là trái tim của Hoa Kỳ, gần vùng biên giới và ngay tại bờ sông Mississippi, con sông lớn này đã nối hai miền bắc và nam.

            Mark Twain có tên thật là Sam Langhorne Clemens, chào đời vào ngày 30 tháng 11 năm 1835 tại Florida, thuộc tiểu bang Missouri, và là đứa con thứ sáu. Cha của Sam là ông John Marshall Clemens là một luật sư, đã rời khỏi tiểu bang Virginia để sang định cư tại Missouri còn bà mẹ Jane Lampton Clemens là người từ tiểu bang Kentucky. Đây là một gia đình không giàu có nhưng cho các con được sống tự do, thoải mái. Vào thời kỳ đó, cả hai tiểu bangMissouri vàKentucky đều là tiểu bang duy trì chế độ nô lệ. Năm 1821,Missouri được nhận vào Liên bang Hoa Kỳ.

            Khi lên 4 tuổi tức là vào năm 1839, gia đình của Sam Clemens dọn vềHannibal, một thị xã nhỏ nằm về phía tây trên bờ sôngMississippi.Hannibalcách thành phố lớnSaint Louis120 dặm về phía bắc. Dân số của thị xã này vào khoảng 1,000 người, một nửa là nô lệ và những người da đen nào không có đủ giấy tờ đều bị bắt. Nhiều người nô lệ da đen bị bán cho các đồn điền thuộc phíaNamtrong các tiểu bang nhưLouisianna,Georgia… Sam Clemens trải qua tuổi trẻ tại thị xãHannibal, đã từng bơi lội trên sông, chơi đùa trong các cánh rừng hay trên các hòn đảo của giòng sông và đọc các cuốn truyện phiêu lưu mạo hiểm.

           Mississippilà một giòng sông rất lớn, nối miền bắc với các thành phố phía nam nhưMemphisvàNew Orleans, và do con sôngOhiohội nhập lại, người dân có thể đi tớiCincinnativà các thành phố khác thuộc miền đông. Từ các phong cảnh, kinh nghiệm và kỷ niệm với giòng sông này, tác giả Mark Twain đã viết ra nhiều tác phẩm danh tiếng.

            Năm 1847, người cha qua đời, Sam Clemens tới học nghề với người anh tên là Orion, người này có một nhà in và một tờ báo. Vào thời bấy giờ, thợ in không phải là một nghề kiếm nhiều tiền, Sam đã từng đi làm công tại nhiều thành phố như Keokuk hayNew York, đã mơ tới xứ Nam Mỹ để đi tìm vàng, mơ tới các cách làm giàu nhanh chóng.

            Sam Clemens tới học nghề lái tầu với ông Horace Bixby vào năm 1857 và đã ưa thích nghề mới này hơn tất cả các nghề khác đã từng làm trước kia. Vào thời kỳ đó, thuyền trưởng lái tầu trên sông là một người đứng sau bánh lái và nhiều phong cảnh đẹp của giòng sông đã hiện ra trước mắt, thời gian khác nhau trong ngày lại có các cảnh trí khác nhau, với các khúc sông quanh co chứa nhiều phong cảnh thay đổi từ mùa này sang mùa khác. Các kinh nghiệm và kỷ niệm của quãng đời học nghề lái tầu này đã được tác giả Mark Twain mô tả trong cuốn truyện “Đời sống trên giòng sôngMississippi” (Life on theMississippi).

            Sam Clemens lấy được bằng lái tầu trên sông vào năm 1859 nhưng rồi Cuộc nội chiến Nam Bắc Mỹ đã xẩy ra, khiến cho việc lưu thông trên sông Mississippi bị chấm dứt. Trong thời Nội Chiến, Sam Clemens đã tham gia vào Lực Lượng Quân Sự Miền Nam nhưng sau ba tuần lễ, đã đào ngũ, trốn đi theo nghề đào mỏ bạc tại tiểu bang Nebraska, rồi lang thang từ thị xã này qua thành phố kia và cuối cùng tới tiểu bang Nebraska, định cư tại thị xã Virginia City. Sam Clemens bắt đầu viết bài cho tờ báo Territorial Enterprise của thị xã này.

            Vào năm 1863, Sam Clemens dùng bút hiệu “Mark Twain”, có nghĩa là “sâu 2 tầm”, do từ các kỷ niệm lái tầu trên giòng sôngMississippi. Sau lần cãi nhau với chủ bút tờ báo, Mark Twain rờiNebraskavà dọn qua tiểu bangCaliforniavào mùa xuân năm 1864. Từ năm 1865, danh tiếng đã tới với Mark Twain sau khi ông cho xuất bản cuốn truyện “Con ếch hay nhảy ở hạt Calaveras” (The Jumping Frog of Calaveras County). Khi công ty Tàu thủy Thái bình dương (The Pacific Steamboat Company) khánh thành tuyến đường thủy giữa thành phố San Francisco và các hải đảo Hawaii, thời bấy giờ còn được gọi là các đảo Sandwich (The Sandwich Islands), Mark Twain được tờ báo The Sacramento Union phái đi làm phóng sự. Mark Twain đã viết một loại bài châm chọc các du khách. Mark Twain đã đưa lối văn đàm thoại (colloquial speech) vào cách hành văn Mỹ và nhờ các truyện ngắn, ông đã nổi danh là một nhà viết văn khôi hài (humorist), chuyên chế riễu các phong tục, tập quán và các định chế của xã hội đương thời và ông được xếp hạng cùng với các nhà văn như Bret Harte, Artemus Ward và Petroleum V. Nasby. Đây là các nhà văn rất nổi tiếng về các câu chuyện dân gian, viết bằng giọng văn có chứa đựng các thổ ngữ và nhiều chi tiết hài hước.

            Năm 1867, Mark Twain thực hiện một chuyến du lịch qua châu Âu và miền Đất Thánh Palestine bằng con tầu thủyQuakerCity. Các bức thư kể về chuyến du lịch này, gửi cho tờ báo Alta California tại thành phố San Francisco và tờ báo New York Tribune tại thành phố New York, được gom lại và xuất bản vào năm 1869 thành cuốn truyện “Những kẻ ngây thơ ở nước ngoài” (The Innocents Abroad). Qua cuốn này, Mark Twain đã chế riễu sự điên khùng của nhiều du khách Mỹ đã phải băng qua đại dương để đi coi các ngôi mộ của những người đã chết trong khi còn rất nhiều thứ đang sống, đáng coi hơn tại Hoa Kỳ. Tác giả Mark Twain cũng viết khôi hài về các cảnh nhìn thấy, về các tập quán nghịch lý của các quốc gia đã đi qua và so sánh Hoa Kỳ là một đất nước sống động, đang phát triển, trái ngược với châu Au là một miền đất đang thoái hóa, suy tàn. Tác phẩm của ông đã khiến ông nổi tiếng và được nhiều người tôn trọng, đồng thời các nhà văn Miền Tây Hoa Kỳ không còn bị coi thường như trước kia.

            Do là một nhà văn nổi tiếng, Mark Twain kết hôn vào năm 1870 với cô Olivia Langdon, thuộc một gia đình giàu có và danh giá. Các kỷ niệm và cách tán tỉnh người đẹp của thời kỳ này được lưu dấu trong các bức thư mà Mark Twain viết cho Olivia và cho các bạn của cô nàng, rồi về sau thể hiện qua lối ve vãn của Tom đối với Becky trong tác phẩm “Tom Sawyer”. Sau đám cưới 5 năm, Mark Twain rời gia đình về thành phốElmira, thuộc tiểu bangNew York, rồi dọn sang cư ngụ tại thành phốHartfordthuộc tiểu bangConnecticutvào năm 1871. Tại nơi sau này đã ra đời các người con của Mark Twain: con trai Langdon chết non vào năm 1872, sau đó là ba cô con gái Susy, Clara và Jean, chào đời trong các năm từ 1872 tới 1880. Vào năm 1874, gia đình Mark Twain dọn về một căn nhà sang trọng 19 phòng tạiHartford.

            Tại thành phốHartford, Mark Twain đã làm quen được một số nhân vật trong giới văn học, trong số này có William Dean Howells là một tác giả danh tiếng và chủ nhiệm của nguyệt san “The Atlantic Monthly”. Howells đã sớm nhận ra tài năng hài hước của Mark Twain, đã khuyến khích nhà văn trẻ phát triển biệt tài đó bằng cách cố vấn và trợ giúp bằng nguyệt sanAtlantic.

            Trong 20 năm trường sống tại thành phốHartfordhay tại Quarry Farm gần thành phốElmira,New York, Mark Twain đã viết rất nhiều và các bài viết được phổ biến qua các tạp chí văn học xuất bản tại hai thành phốBostonvàNew York.

            Sau cuốn “Sống thiếu thốn” (Roughing It) kể về cuộc đời của một người thợ mỏ và một nhà báo, cuốn tiểu thuyết đầu tiên của Mark Twain là “Thời kỳ vàng son” (The Golded Age, 1873). Tác giả đã viết cuốn này chung với Charles Dudley Warner, một người bạn và một nhà văn sống tạiHartford. Cuốn “Thời kỳ vàng son” nói về các thập niên sau Cuộc nội chiến, qua đó tác giả châm chọc tính ích kỷ và các cách kiếm tiền phổ thông của thời bấy giờ.

            “Những cuộc phiêu lưu của Tom Sawyer” (The Adventures of Tom Sawyer, 1876) được coi là hồi ký của Mark Twain và tác giả mô tả Tom Sawyer, anh bạn Huck Finn và tên gian ác Injun Joe cũng như làng St. Petersburg nhờ các kỷ niệm sống tại Hannibal khi trước.

            “Lang thang ra nước ngoài” (A Tramp Abroad, 1880) được viết ra từ chuyến du lịch châu Au của tác giả vào năm 1878. Cuốn truyện này kể lại các chuyến đi qua các nước Đức, Thụy Sĩ và Ý và qua đó, tác giả đã pha trộn các truyền thuyết, chuyện kể, chuyện khôi hài và các nhân vật địa phương để chế riễu nhẹ nhàng các sách du lịch và nền văn hóa tại châu Au.

            “Hoàng tử và kẻ nghèo” (The Prince and the Pauper, 1882) dùng khung cảnh nước Anh vào năm 1550, mô tả sự trao đổi nhân dạng giữa Hoàng Tử Edward-6 của nước Anh và đứa trẻ nghèo hèn tên là Tom Canty. Cuốn truyện này đã làm vừa lòng một số độc giả thuộc vùng New England nhưng một số người khác lại bất mãn vì họ ưa thích loại truyện đã xuất bản trước kia.

            “Đời sống trên dòng sôngMississippi” (Life on theMississippi, 1883) mô tả về lịch sử, truyền thuyết, khung cảnh, con người của các con tầu thủy, của các thành phố dọc theo con sôngMississippi. Tác giả Mark Twain đã kể rõ về những ngày lái tầu của mình khi trước từ chương 4 tới chương 17. Các chương này trước kia đã được phổ biến trên nguyệt san Atlantic vào năm 1875 qua loạt bài “Thời xưa trên giòng sôngMississippi” (Old Times on theMississippi).

            “Những cuộc phiêu lưu của Huckleberry Finn” (The Adventures of Huckleberry Finn) được coi là tác phẩm danh tiếng nhất của Mark Twain, được xuất bản tại nước Anh vào năm 1884 và Hoa Kỳ vào năm 1885, và là phần tiếp của cuốn “Tom Sawyer”. Cuốn truyện này mô tả các cuộc phiêu lưu của hai đứa trẻ trốn nhà, là Huck Finn và một em nô lệ da đen tên là Jim. Tom Sawyer cũng xuất hiện lại trong một số chương với trò khôi hài cố hữu. Trong truyện, Mark Twain đã dùng thứ ngôn ngữ hiện thực (realistic language) thêm vào là nhiều loại thổ ngữ (dialects) làm cho sống động các nhân vật. Các lối hành xử thiếu đạo đức, lời nói vô hạnh nhất thời của nhân vật Huck Finn và cách dùng văn phạm thiếu thận trọng của tác giả trong tác phẩm, đã làm cho một số độc giả bất mãn. Thư viện công lập Free Public Library đã cấm cuốn truyện này vào năm 1885. Ngoài ra, một số độc giả còn phản đối Mark Twain vì cho rằng ông đã chấp nhận chế độ nô lệ, lời văn mang tính kỳ thị và đã dùng chữ “nigger” (kẻ nô lệ dơ bẩn). Thực ra đối với thời bấy giờ, Mark Twain là một người tiến bộ về vấn đề chủng tộc và các chủ đề sâu xa viết về Huckleberry Finn đã bàn tới sự bình đẳng căn bản và khát vọng toàn cầu của mọi người thuộc mọi chủng tộc.

            Cuối cùng, tác phẩm “Người Mỹ trong triều đình của vua Arthur” (A Connecticut Yankee in King Arthur’s Court, 1889) đã trình bày một nhân vật khác nhiều màu sắc. Đây là người đốc công trong xưởng kim loại từHartford,Connecticut, tên là Hank Morgan. Nhờ quỷ thuật, Morgan thấy mình được sống tại nước Anh vào khoảng năm 500 sau Tây Lịch, nên đã quyết định cải tổ xã hội Anh bằng cách đưa vào đó các lợi ích về kinh tế, trí thức và đạo đức của các năm 1800. Nhưng trước các cải cách và hoạt động từ thiện, đám đông quần chúng ngu dốt, cố vấn do giới Hiệp sĩ và Tu sĩ mê tín, đã nổi lên lật đổ Nhà vua nước Anh. Qua các sự kiện xẩy ra trong truyện, tác giả đã gián tiếp chế nhạo các thái độ tôn kính của một số tác giả đối với các Hiệp Sĩ Bàn Tròn, đồng thời Mark Twain cũng đưa ra một số câu hỏi về giá trị của nền văn hóa đương thời tại Hoa Kỳ.

            Vào thập niên 1880, Mark Twain đã thiết lập và điều hành một công ty xuất bản cho riêng mình cũng như tìm cách đầu tư vào vài phạm vi thương mại khác, đặc biệt là việc chế tạo máy in do người phát minh tên là Paige. Trong các năm từ 1881 tới 1894, Mark Twain đã lỗ vốn gần 200,000 mỹ kim đầu tư vào thứ máy in kể trên, vì các thay đổi về kiểu mẫu, đặc tính đã đưa tới thất bại. Tháng 4 năm 1894, công ty ấn loát của Mark Twain phải tuyên bố phá sản rồi từ tháng 1 năm 1895, nhà văn bị ô danh vì không trả được nợ. Nhưng nhà văn đã tìm cách phục hồi tài sản bằng cách đi diễn thuyết, có khi thu được 1000 mỹ kim mỗi lần và ông đã từng thực hiện nhiều chuyến đi được quảng cáo rầm rộ, tới cả các thành phố xa xôi thuộc An Độ, Nam Mỹ và châu Uc. Mark Twain kết bạn với các nhân vật danh tiếng, giàu có như Andrew Carnegie, William Rockfeller và được trao tặng các văn bằng danh dự tại Đại Học Yale vào năm 1901, Đại học Missouri vào năm 1902 và Đại học Oxford vào năm 1907. Tác giả Mark Twain là một nhân vật quốc tế, thường mặc bộ âu phục màu trắng mang vẻ phô trương, hút thuốc xì gà, với các bài nói chuyện hàm chứa nhiều chỉ trích xã hội một cách cay đắng và các bài văn này về sau được phổ biến qua các tác phẩm “Người ngồi trong bóng tối” (The Person sitting in the Darkness, 1901) và “Độc thoại của Vua Leopold” (King Leopold ‘s Soliloquy, 1905).

            Sau khi đã phục hồi được các vấn đề tài chính vào năm 1898, Mark Twain lại gặp các thảm cảnh trong đời sống gia đình. Người con gái lớn nhất Susy qua đời vào năm 1896 vì bệnh đau màng óc trong khi cha mẹ và em Clara đang ở nước ngoài. Năm 1903, Mark Twain bán đi ngôi nhà thân thương tạiHartfordvì những kỷ niệm về Susy. Tới ngày5-6-1904, bà vợ Olivia cũng lìa đời vì bệnh tim rồi người con gái út tên là Jean, trước kia mắc bệnh kinh phong, cũng chết vào ngày24-12-1909.

            Mặc dù các khó khăn tài chính và thảm cảnh gia đình trong các năm cuối đời, Mark Twain vẫn thu xếp để viết văn. Các tác phẩm cuối đời của ông gồm “Người Mỹ đòi quyền lợi” (The American Claimant, 1892) viết về một nhân vật không thực tế là đại tá Mulberry Sellers. Cuốn tiểu thuyết này được căn cứ vào vở kịch không thành công mà tác giả đã soạn ra cùng với nhà phê bình William Dean Howells vào năm 1883. Một tiểu thuyết trinh thám khác có tên là “Bi kịch của Pudd’nhead Wilson” (The Tragedy of Pudd’nhead Wilson, 1894) bàn tới thành kiến chủng tộc (racial prejudice), một vấn đề quan trọng của xã hội Mỹ. “Nhớ về Joan of Arc” (Personal Recollections of Joan of Arc, 1896) là một cuốn tiểu sử (biography) dựa vào các tài liệu lịch sử. Mark Twain cũng kể lại những kinh nghiệm trong các chuyến đi diễn thuyết tại nước ngoài vào năm 1895, 1896 qua cuốn tiểu thuyết “Theo đường xích đạo” (Following the Equator, 1897) trong khi cuốn truyện ngắn “Kẻ tham nhũng tại Hadleburg” (The Man that Corrupted Hadleburg, 1899) đã chế riễu các nhà lãnh đạo tự phụ của một thành phố. Các tác phẩm của Mark Twain càng về sau, càng mất dần tính khôi hài của thời tuổi trẻ và bộc lộ cách nhìn bi quan hơn do tác giả nghi ngờ các loại tôn giáo, do tác giả nhận ra các động lực chính của con người là lòng ích kỷ.

            Đại văn hào Mark Twain qua đời vì bệnh tim vào ngày21-4-1910, để lại nhiều bản thảo kể cả một cuốn tự thuật lớn và dở dang. Bản thảo của một tác phẩm bi quan xuất bản vào năm 1916 có tên là “Người xa lạ bí mật” (The Mysterious Stranger) đã mô tả cuộc viếng thăm của quỷ Sa Tăng tới một ngôi làng thuộc nước Áo vào thời Trung Cổ.

            Dù cho thất vọng trước cuộc đời, đại văn hào Mark Twain vẫn nổi danh là một nhà văn khôi hài bởi vì ông đã nhìn thấy trong các hình ảnh rực rỡ và lãng mạn của xã hội, các tập quán và định chế giả hiệu, có gian ý, và ông đã dùng cách diễn tả quá đáng một cách hữu hiệu để công kích các thói đạo đức giả, các thái độ tự mãn của người đời, các bất công của xã hội. Ngoài các tác phẩm đặc sắc, một trong các đóng góp lớn lao của đại văn hào Mark Twain là cách hành văn đặc biệt Mỹ, khác hẳn lối viết văn của các tác giả người Anh. Mark Twain là một trong các nhà văn Mỹ hạng nhất, một bậc thầy về ngôn ngữ theo hình thức tiêu chuẩn, chứa đựng thứ tiếng địa phương của miền Tây Hoa Kỳ. Thể văn buông lỏng (loose rhythm of the language) trong các tác phẩm của Mark Twain đã cho người đọc cảm giác về lời nói thực sự (real speech) và lối hành văn hiện thực này đã ảnh hưởng tới nhiều nhà văn Mỹ khác, khiến cho Đại văn hào Ernest Hemingway đã có lần xác nhận rằng: “Tất cả nền văn chương hiện đại của Hoa Kỳ bắt nguồn từ…Huckleberry Finn” (all modern American literature comes from … Huckleberry Finn)

Những cuộc phiêu lưu của Tom Sawyer và Huckle Berry Finn

Những cuộc phiêu lưu của Tom Sawyer đã được người đọc ở nhiều lứa tuổi, nhiều dân tộc khác nhau yêu mến. Tác giả không chỉ thuật lại một câu chuyện có hậu về chú Tôm tinh nghịch và chú Hấc lang thang, mà còn dựng lên một bức tranh hiện thực về môi trường bao quanh các nhân vật bé nhỏ, đặc biệt đi sâu vào thế giới bên trong của con người, miêu tả giản dị và chính xác tâm lý trẻ em.

Cuốn sách được viết chủ yếu là để giải trí cho các em, nhưng không hẳn vì thế mà người lớn xa lánh nó, vì nó có ý nhắc lại một cách vui vẻ cho người lớn rằng: Có một thời họ đã như thế nào, đã cảm xúc, suy nghĩ, ăn nói ra sao và đôi khi đã lao vào những cuộc phiêu lưu kỳ quặc như thế nào.

“Ngay lúc tôi kéo được thằng Tôm ra một chỗ riêng, tôi liền hỏi nó nghĩ thế nào trong thời gian vượt ngục? Nó sẽ tính thế nào nếu như vượt ngục trôi chảy và trong khi anh da đen đã đượt tự do trước rồi thì nó tính trả lại tự do cho anh ta nữa như thế nào? Nó bảo cái mà nó nghĩ trong óc ngay từ đầu là nếu chúng ta cứu được Gim ra yên lành thì sẽ cho hắn ngồi bè trôi về dưới xuôi, và cùng đi chơi phiêu lưu ra đến tận cửa sông, rồi lúc đó bảo cho hắn biết là hắn đã được tự do rồi, sau đấy đưa hắn lên tàu thuỷ về nhà, thật là oai, rồi trả cho hắn số tiền đã mất bao nhiêu thời gian vô ích, rồi viết chữ to đem rao gọi tất cả những anh em da đen ở chung quanh đến nhảy múa rước hắn vào trong tỉnh có kèn trống đi đầu cẩn thận; hắn sẽ trở thành một vị anh hùng, và chúng mình cũng thế. Nhưng tôi nghĩ cũng đã làm được như vậy rồi…”.

Trên đây là trích đoạn phần cuối của cuốn tiểu thuyết được nhiều bạn đọc yêu mến Những cuộc phiêu lưu của Tom Sawyer và Huckle Berry Finn của nhà vǎn nổi tiếng thế giới Mark Twain.

            “Người Mỹ nói chung thường coi gia đình mình là trên hết. Nhưng nếu họ có để ra một chút tình yêu dành cho người ngoài thì người được lựa chọn sẽ chính là Mark Twain”      (lờiThomas Alva Edison- nhà văn Mỹ).

¬

4. Chủ nghĩa hiện thực “có mức độ”

      Trước khi chủ nghĩa hiện thực thắng thế, tiểu thuyết lãng mạn cũng không có gì nổi bật. Trong lúc các nhà tiểu thuyết viết theo màu sắc địa phương và các nhà hài hước đang báo hiệu chủ nghĩa hiện thực thì tiểu thuyết lãng mạn vẫn còn có độc giả. Những nhà văn loại hai nhưng có tay nghề đã tạo nên được những tác phẩm được công chúng biết đến.

      Vẫn có những người kế tục Cooper như John Esten Cooke với tác phẩm The Virginia Comedians (1854), Theodore Winthrop . . . chuyên viết về miền Tây xa xôi.

        Trường phái tình cảm làm xúc động lòng người bằng những câu chuyện tình đam mê. Susan Warner  viết The Wide World (Thế giới mở rộng, 1850) mô tả một cô gái Thiên chúa giáo sống nhẫn nhục. George William Curtis miêu tả một người vợ lí tưởng trong “Pruc and I” (Pruc và tôi) , v.v. Vào khoảng 1870, thể loại có tính chất giả tạo này nhường chỗ cho một thứ chủ nghĩa hiện thực có mức độ, khôn ngoan nhưng chân thành, dựa trên sự khảo sát khách quan con người và cuộc sống. Một số tác phẩm đã đạt đến trình độ nghệ thuật thực sự.

      Chủ nghĩa hiện thực trong tiểu thuyết Mĩ bắt nguồn một phần từ miền Tây và phát triển ở miền Đông. Ở nhà văn hiện thực tiêu biểu Mỹ, hai cội nguồn ấy hoà lẫn với nhau.

WILLIAM  DEAN  HOWELLS

(1837 – 1920)

      Sinh trưởng ở miền Tây, từ năm 12 tuổi Howells đã làm nghề thợ in. Đó là một chàng trai hay suy tư, cư xử chính chắn, khôn ngoan.Tự học bằng đọc sách. Năm 25 tuổi một số bạn bè có vị trí đã tìm cho ông một việc làm ở Toà lãnh sự quán Venise. Ông cảm thấy rất sung sướng được đi sâu vào nền văn hoá của thế giới cũ (Italia, châu Âu).Trong lúc xây dựng những phác thảo có tính chất miêu tả ở Ytaly ông tự phát hiện thấy năng khiếu sáng  tác văn học của mình. Năm 28 tuổi trở về Mỹ ông quyết tâm đi theo con đường văn chương và đến cư trú ởBoston, quê hương của loại hình văn học mà ông thích nhất. Trong phần lớn sự nghiệp của ông, ông là người miêu tả cuộc sống và con người miền Đông. Ông trở thành một nhà tiểu thuyết có tiếng tăm và một nhà phê bình văn học có ảnh hưởng trong cả nước.

  Là giám đốc của tờ Atlantic Monthly (Nguyệt san Đại tây dương), các bài báo quan trọng đều do ông duyệt.Trong một số bài xã luận, ông nêu lên những nguyên tắc cơ bản của chủ nghĩa hiện thực theo quan niệm của ông.

  Sau những tác phẩm thiên về tả cảnh và hồi ức như: Venetian Life (Cuộc sống ở Venetian) và Italian Journeys (Những cuộc hành trình đến Ý),

Ông viết cuốn tiểu thuyết đầu tiên: Their Wedding Journey gồm những bức tranh về cuộc sống ở thế giới mới và một số truyện kể. Nhân vật là những người Mỹ ở miền Đông.

Các tác phẩm  A Chance Acquaintance (Một sự quen biết may rủi)

The Lady of Aroortook (Người đàn bà ở Aroortook).

Tác phẩm A Foregone Conclusion (Một kết quả đoán trước chắc chắn),

 A Fearful Responsibility (Một trách nhiệm đáng sợ), ông đã chuyển những người Boston sang sống ở  Venise để làm nổi rõ những đặc điểm của họ so với người dân ở Italia.

 Dr Breen’s Practical (Nghề chữa bệnh của bác sĩ Breen), nêu vấn đề người phụ nữ làm thầy thuốc mà theo quan điểm bảo thủ ông không tán thành.

       Những tiểu thuyết ấy chứng tỏ sự am hiểu giai cấp xã hội của nhà văn. Ông tránh không đi vào hạng người dưới đáy xã hội và những người làm nghề tôn giáo, nhân vật của ông thuộc tầng lớp tiểu tư sản trung lưu có học vấn, sống thanh lịch nhưng cũng lẩn tránh những điều phiền phức, các niềm say mê mãnh liệt, các hành động táo bạo, tóm lại tránh xa cái hiện thực quá đậm nét. Trong một số bài viết Howells tuyên bố: “Các phương tiện tươi vui của cuộc sống đều đặc biệt có tính chất Mỹ” ông tự hào rằng tiểu thuyết của ông nếu rơi vào tay các thiếu nữ thì cũng chẳng gây tai hại gì. Chúng ta chớ tìm ở nhà văn này những mặt sâu sắc hoặc ảm đạm của bản chất con người. Ông chỉ miêu tả cái bề mặt của người và vật, một cách duyên dáng, sinh động với một thứ tiếng Anh chuẩn xác và trong sáng, ông kết cấu cốt truyện một cách nghệ thuật, ít chú ý đến hành động , mà chú ý đến những mẩu chuyện xung quanh tách nước trà. Kịch tính rất yếu. Các nhân vật đều là những kí hoạ bút chì chứ chưa hẳn là một chân dung. Những bức tranh về phong tục thì có màu sắc và chuẩn xác.

      The Rise of Silas Lapham (Sự tiến lên của Silas) miêu tả cái khờ khạo của một kẻ hãnh tiến trên thương trường, đối lập với phong cách bẩm sinh của các nhà quí tộc Boston. Cuốn tiểu thuyết mở đầu bằng giọng hài hước và kết thúc với những tình tiết xúc động . Đây là tác phẩm đáng chú ý nhất của nhà văn. Còn Indian Summer (Mùa hè Ấn Độ) thì miêu tả một cách tế nhị hy vọng và thất vọng của một cuộc tình muộn màng.

    Năm 1886, Howells bị cuốn hút bởi New Yorkđang dần dần thay thế Bostonnhư là một thủ đô văn học Mỹ. Ông tìm đến một môi trường khác để cách tân lối viết. Ông cũng rơi vào ảnh hưởng của Tolstoi và ôm ấp hoài bão dùng tiểu thuyết phục vụ cho các quan niệm xã hội . Những niềm tin mới đã đưa ông sang thời kì thứ hai với những bài tiểu luận có tính chất không tưởng: A Traveller From Altruria (Khách du lịch từ Altruria) và Through the Eye of the Needle (Qua lỗ kim)

     Với tư cách nhà tiểu thuyết, hướng đi của ông mở rộng ra. Nhưng Howells bao giờ cũng đứng về phía sự thật trần truồng và đơn giản. Từ khi chịu ảnh hưởng của Tolstoi, chủ nghĩa hiện thực trở thành ngọn cờ của ông.

    Đương nhiên vẫn là một kiểu chủ nghĩa hiện thực có mức độ. Chẳng phải ông không có can đảm, ông đã từng bảo vệ một nhóm không chính phủ mà ông đòi bác bỏ án tử hình dành cho họ. Ông phản bác việc Mỹ chiếm lĩnh Phillippines. Sống giữa kinh thành đã nuôi dưỡng mình, ông tuyên  bố các niềm tin xã hội chủ nghĩa và lòng tin ở một ngày mai bình đẳng hơn về kinh tế… Thật ra bản chất ông không có tính cực đoan, cái gì cũng có mức độ.

     Ngày nay người ta ít đọc Howells, số lượng tiểu thuyết, truyện du lịch, tùy bút phê bình và hồi kí gần con số tám chục cuốn, bởi lẽ văn phong Howells hơi khô khan, mặt khác cuộc sống Mỹ ngày nay đã đổi khác nhiều. Các học trò và những người kế tục ông chẳng những đã vượt xa ông về cả giá trị hiện thực mà còn miêu tả một xã hội gần gũi hơn với bạn đọc ngày nay.

     Cái lớn lao cũng là cái bi kịch của Howells là ông là người chứng kiến có ý thức cái cảnh tượng suy sụp ghê gớm của thời đại. Nước Mỹ thời tuổi trẻ của ông, nước Mỹ phiêu lưu và duy tân đã từ bỏ những giấc mơ của tuổi trưởng thành để đi vào thế  giới bạc tiền.Trong lúc những người đương thời bị mù quáng trước sự giàu sang sung sướng thì ông là người đầu tiên có cái vinh dự lớn lao thấy trước những cái xấu xa, bất công, áp bức, đáng hổ thẹn đang diễn ra. Ông là người đầu tiên lên tiếng phê phán cái  xã hội kim tiền đó. Lúc bấy giờ ông đã năm mươi tuổi và đã đi được nửa chặng đường sáng tác.

      Trong các tác phẩm xuất bản sau 1890, A Hazard of New Fortunes (điều ngẫu nhiên của vận may mới), Annie Kilburn, The World of Chance (Thế giới của sự may rủi). A Traveller from Altruri (Cuộc du lịch từ Altrri), Through the Eye of the Needle (Nhìn qua lỗ kim), ông muốn miêu tả một xã hội mới, nhưng chẳng phải là cái xã hội của ông, ông chỉ nhìn thấy nó ở bề ngoài, với tư cách chứng nhân chứ không phải tư cách một thành phần của xã hội. Do đó ông không thể đem lại cuộc sống cho các tiểu thuyết xã hội của mình. Ông phê phán bằng lời nói đương nhiên là không thuyết phục bằng các sự việc trần truồng. Nó ở trong các lời trò chuyện của nhân vật chứ không ở trong sự phát triển cuộc sống của chúng như ở Dreiser.

    Sức sáng tạo của Howells rất phong phú. Ngoài các tiểu thuyết, ông còn viết nhiều tập hồi kí như A Boy’s town (Cậu bé thành phố), My Literary Passion (Niềm say mê văn chương của tôi), Years of my Youth (Những năm tuổi trẻ của tôi).

    Các bài phê bình văn học của ông cũng rất có uy tín, hoặc là ông phê bình những người đương thời, hoặc nêu lên những nguyên lí cơ bản của phương pháp của mình. Là bạn thân của Henry James, ông cũng giao thiệp được với những thiên tài có góc cạnh như Mark Twain và Hamlin Garland là người ông giúp cho trong việc chinh phục công chúng văn học. Sự đánh giá cao của ông đối với nhà hài hước lớn miền Tây thể hiện rõ trong tập tiểu sử và phê bình My Mark Twain (Mark Twain của tôi).

       Tác phẩm lí luận và sáng tác của Howells có một sự thống nhất rõ rệt. Mặc dầu đôi lần ông có ghé qua xã hội quí phái ở Boston và xã hội thượng lưu trí thức châu Âu, lĩnh vực chính trong sáng tác của ông vẫn là các tầng lớp trung lưu Mỹ. Ông miêu tả những người buôn bán, nhà công nghiệp nhỏ, bộ trưởng, nhà báo, các bà mẹ gia đình,thanh niên nam nữ đến tuổi lập gia đình và chọn nghề nghiệp… chứ không chạy theo những tình huống đặc biệt, tính cách đặc biệt. Ông đi tìm, trước hết, những sự thật đơn giản, chú ý đến kết cấu và phong cách. Văn ông là mẫu mực của thứ tiếng Anh chuẩn xác, lịch sự và giàu hình ảnh.

*

        Trong việc trở về với đời sống đất nước, có hai phái khác nhau: hoặc là để ca tụng, hoặc là để phê phán. Trào lưu đầu tiên nói lên lòng tự hào dân tộc gồm: từCrèvecoeur,Washingtonđến Mark Twain, Theodore Rousevelt qua Cooper, Emerson, Lincohn…

        Trào lưu thứ hai, tự phê phán, là trào lưu mới. Bắt đầu từHawthorne, một cách thầm lặng, đến Sinclair Lewis và Dos Passas thì biểu lộ rõ ràng hơn.

      Đến khoảng 1900 thì trào lưu này bắt đầu có sức mạnh với Howells và các nhà tự nhiên chủ nghĩa như Norris, Upton Sinclair, Dreiser …

     Nền văn học mới của Mĩ không chỉ bắt nguồn từ một cuộc cách mạng trí thức mà chính là từ cuộc cách mạng công nghiệp .

     Sự phát triển công nghiệp nặng trùng hợp với thời kì tái thiết sau chiến tranh (1860 – 1865) đã tạo ra một quang cảnh mới , trong vài năm nhiều thành phố xuất hiện, nhiều kênh rạch được đào đắp , một mạng lưới đường sắt trùm khắp lục địa . Nhiều tài sản cơ ngơi đồ sộ xuất hiện. Doanh thương trở thành bà chúa trong cuộc sống, sự hư hỏng, tham nhũng ngang nhiên mọc lên như một hệ thống thiết chế của nhà nước.Trong khoảng mười lăm năm đất nước mới của những hi vọng và dân chủ trở thành đất nước của những nhà triệu phú. Nước Mỹ trở thành nước của những bất bình đẳng lớn về tài sản. Đó là điều mà một số nhà tiểu thuyết như Howells, Norris, Henrick,v .v… nhận thấy đầu tiên và muốn tố cáo.

 Cần nói thêm là, có một thời vào cuối thế kỉ, ở Mĩ đã phát triển khá rôm rả loại tiểu thuyết lịch sử. Khi đã trở thành một cường quốc thế giới, các tình cảm dân tộc lại càng được kích thích bởi sự phát triển mạnh mẽ của công nghiệp, và nước Mỹ đã tự phát hiện ra một quá khứ, mặc dầu có thể quá khứ ấy lại là của các dân tộc khác.Thực ra trào lưu tiểu thuyết lịch sử qua đi rất nhanh và không còn để lại một tác phẩm, tác giả nào đáng giá.

                                                HENRY JAMES

                                                 (1843 – 1916)

     Sự giáo dục từ thời trẻ đã chuẩn bị cho H. Jemes đóng vai trò nhà tư tưởng tinh tế và nhà tiểu thuyết bay lượn bên trên quần chúng. Ông là con trai một người ham thích văn chương, gia đình lại có một tài sản khá, James đi du lịch cùng gia đình sang Anh, Pháp, Thụy Sỉ, Đức, Italia, được các gia sư dạy dỗ trong bầu không khí văn hoá nghệ thuật của giới thượng lưu châu Âu. Ông chỉ trở về Mĩ trong thời gian ngắn.Trong lúc em là William James giáo sư triết học tương lai của trường đại học Harvard – người sáng lập ra học thuyết “thực dụng”, theo học trường đại học một cách nghiêm túc thì Henry theo học trường luật một cách đại khái. Ông quan tâm trước hết đến việc sửa sang các truyện vừa đầu tay và tìm một số tờ tạp chí để gửi đăng.

     Khi các tác phẩm đầu tay được in và đánh giá tốt, ông chọn nghề viết văn nhưng cho  rằng ở Mỹ không có môi trường phù hợp với quan niệm của ông về cuộc sống và tiểu thuyết, ông rời bỏ thế giới mới năm 1872 và ở lại Londres (London) đến suốt đời.

     Không phải ông không quan tâm đến nước Mĩ , ông thường xây dựng những nhân vật chính là người Mĩ mà ông đối lập với các tính cách Âu Châu mang đậm truyền thống cũ. James có nhiều nét vẫn giữ đặc tính Mỹ. Ông không thích cái nghị lực, tính năng động, đầu óc kinh doanh và sở thích hành động của người Mỹ nói chung. Ông thích người Mỹ thượng lưu trong giới văn chương nghệ thuật sau khi đã giàu có thì trở lại bờ bên kia Đại Tây Dương để tìm cuộc sống ngọt ngào. Nhân vật chính có khi là một cô gái Mỹ mang đậm tâm hồn Mỹ. Không có một nghệ thuật nào được nghiên cứu và được ý thức một cách đầy đủ như nghệ thuật của Henry James. Ông suy tư rất nhiều trước khi hạ bút viết. Ông du lịch ở nhiều nơi, cả Tân thế giới và Cựu thế giới để hiểu rõ cả hai nền văn minh. Vừa viết ba chục bộ tiểu thuyết và truyện vừa ông còn viết nhiều công trình phê bình các nhà tiểu thuyết Mĩ, Anh, Pháp, Nga:

 Life of Hawthore (Cuộc đời của nhà văn Hawthore),

Partial Portraits (Những chân dung thiên vị),

Essays in London and Elsewhere (Bàn về Luân Đôn và nơi khác),

Notes on Novelists (Ghi chép về các nhà tiểu thuyết),

French Poets anh Novelist (Các nhà thơ, nhà văn Pháp).

The Lesson of Balzac (Bài học của Balzac)

The Question of Our Speech (Vấn đề về những lời nói của chúng ta)….

Đó là chưa kể những tác phẩm hồi kí A Small Boy and Others (Chú bé con và những chú bé khác), Notes of a Son and Brother (Ghi chép về con và anh em trai), tập thư từ được xuất bản sau khi ông qua đời.

 ng thường nói rằng ông có một “sứ mệnh” mà các nhà phê bình không biết và chưa làm sáng tỏ được.

        Phần nhiều các nhà phê bình giới thiệu ông như nhà văn chuyên miêu tả các mặt tương phản trên thế giới hoặc như một nhà viết lịch sử  của giới thượng lưu và trí thức. Điều đó đúng, hơn thế nữa, ở những tác phẩm đầu tay, người ta có thể tin rằng James bảo vệ sự trong sáng  danh dự và biểu lộ sự thù hằn đối với mọi điều xấu xa.Nhưng với thời gian, James đi sâu hơn vào tư tưởng và xây dựng được các nhân vật điển hình, điều ông chú ý không phải là thế giới đạo đức. Lí tưởng của ông là một quan điểm  rộng rãi về cái đẹp và nghệ thuật. Ông là một nhà mĩ học, tôn thờ nghệ thuật, ngay cả các qui tắc của nghệ thuật ứng dụng.

        Ông còn là một nhà tâm lí học và qua đó ông có đóng góp cho chủ nghĩa hiện thực. Ông thường phân tích tâm lí rất chi tiết, không để sót một hành động, một tình cảm, chi tiết nào của quá trình phát triển nội tâm…Nghệ thuật phân tích tâm lí của ông làm cho một số người đọc cảm phục nhưng một số đông công chúng giảm hứng thú.

         Henry James là bậc thầy của nghệ thuật đối thoại. Đối thoại của ông vừa sinh động vừa đầy ý nghĩa. Trước tất cả mọi nhà văn, ông là người thực hiện độc thoại nội tâm. Những đoạn phân tích tâm lí kéo dài nhiều trang chắc chắn có ảnh hưởng đến những nhà tiểu thuyết tâm lí như Proust.

      Howells và James vừa là người đồng hương vừa là đồng nghiệp. Cả hai đều là tiểu thuyết gia và nhà phê bình. Cả hai đều đi theo chủ nghĩa hiện thực. Họ là đôi bạn thân song vẫn có những điểm đối lập nhau khá rõ rệt. Howells miêu tả hiện thực bề ngoài, nhà lịch sử của các phong tục tập quán dân chủ kiểu Mỹ, người quan sát sâu sắc các thái độ và hành động của thế hệ đồng thời với ông ở Boston và New York, ông cũng là người đặc biệt lưu ý đến các vấn đề xã hội của tầng lớp trung lưu.

       James lại là người miêu tả hiện thực nội tâm, nhà tâm lí học rất quan tâm đến những tâm hồn  phức tạp, nhà sử học của những mối quan hệ quốc tế của giới thượng lưu, người quan sát  sắc sảo các giai cấp giàu có, đặc quyền đặc lợi, người tìm kiếm những ấn tượng tinh tế, những tình cảm đặc biệt của một nhân sinh quan quí tộc về cuộc sống.

       Có thể phân tích cuộc đời sáng tác của H. James thành ba thời kì:

       Từ 1869 đến 1881, viết các truyện vừa, luyện tập nghệ thuật kể chuyện. Hai cuốn tiểu thuyết quan trọng đánh dấu thời kì này là The American (Người Mỹ) và cuốn Roderick Hudson. Đặc biệt có hai truyện vừa thành công là The Passionate Pilgrin (Người hành hương say mê) và cuốn Daisy Miller.

        Thời kì thứ hai bắt đầu với tác phẩm The Portrait of a Lady (chân dung một phu nhân), trong đó miêu tả nhân vật lấy lí tưởng đẹp về đạo đức làm phương châm sống. The Tragic Muse (Sự suy nghĩ bi thảm) nghiên cứu tâm lí của một nữ diễn viên. The Alta of Dead (Bàn thờ người chết) là một câu chuyện tình kéo dài sau khi người  đàn bà đã mất. The Spoils of Poynton (Những bổng lộc của Poynton)….

        Thời kì thứ ba mở đầu bằng The Wings of the Dove (Cánh chim câu), cùng với The Golden Bowl (Chiếc bát vàng) và The Ambassadors (Những vị đại sứ) được viết theo phong cách riêng, có thể chịu ảnh hưởng của Proust. Ở thời kì này tác phẩm của ông thật khó đọc. Nhà văn ít chú ý đến bạn đọc, chỉ mải miết đi theo ý đồ của mình, chỉ quan tâm đến sự thật và nghệ thuật. Nói chung James là một nhà văn cô độc. Ông xuất ngoại rồi nhập quốc tịch Anh. Ông chỉ nhìn thấy không khí nghệ thuật ở châu Âu.

        Thế nhưng, James cũng lại là một nhà hiện thực, chủ nghĩa hiện thực của ông đi khá xa. Như Emile Zola (nhà văn hiện thực Pháp), ông muốn xây dựng một loại hình tiểu thuyết khoa học, mặc dầu quan niệm của cả hai ông rất khác nhau. Theo James: “khoa học”của nhà văn không phải là đem vào văn học cái khoa học của người thầy thuốc hay của nhà hóa học mà làm cho việc phân tích văn học trở thành một khoa học. Mọi đề tài đều có một vấn đề phải giải quyết: trong tình huống này thì các nhân vật sẽ phản ứng như thế nào? Và các nhân vật tự giải quyết lấy chứ không  cần sự can thiệp của  tác giả. Cho nên sự phân tích tâm lí của ông rất dài dòng, độc giả bận rộn và thiếu kiên nhẫn thì không đọc được tiểu thuyết của ông. Văn phong ông rất trang nhã nhưng vòng vo kéo dài. Văn ông không kích thích sự ham muốn tầm thường của người đọc. Đó là cách ông phản ứng lại những thói quen lười biếng do các tiểu thuyết phiêu lưu đầy kịch tính tạo nên ở người đọc.

    Sống bằng nghệ thuật, James đã dành cả cuộc đời của mình cho nghệ thuật.

 5.  Bên cạnh chủ nghiã hiện thực

                    Jack London (1876 – 1916)

   Nhà văn tự nhận mình là nhà văn xã hội chủ nghĩa. Ông gần gũi và hiểu biết tầng lớp nhân dân. Từ góc độ một nhà báo trung thực ông miêu tả cuộc sống gắn liền với người lao động khổ sở, phiêu lưu.

 Chết vì kiệt sức lúc mới hơn bốn mươi mốt tuổi, Jack London để lại một sự nghiệp khá lớn truyện ngắn, truyện vừa và tiểu thuyết:

The Call of the Wild (1903): Tiếng gọi nơi hoang dã

White Fang (1906): Sói nanh trắng

Before Adam (1906): Trước Adam

Martin Eden  (1909)

Love of Life: Tình yêu cuộc sống

      Tên thật của Jack London là John Greefip. Ông sinh năm 1876, lớn lên trong một gia đình nghèo ở thành phố Orlene, bangCalifornia. Ông gia nhập Đảng xã hội năm 1869 nhưng đến năm 1916 ông từ bỏ đảng này. “Tôi từ bỏ đảng xã hội vì đảng này thiếu lòng nhiệt thành và tính chiến đấu, vì  đảng này đã không quan tâm đến đấu tranh giai cấp… vì toàn bộ trào lưu của chủ nghĩa  xã hội  ở nước Mỹ trong những năm qua là một trào lưu chủ trương không đấu tranh và thoả hiệp, tôi thấy mình không cần thiết phải là đảng viên của đảng này”

MỘT SỐ TÁC PHẨM CỦA JACK  LONDON

       Thời đại nào cũng có những nhà văn tiêu biểu của mình. Họ đứng ra bộc bạch ở mức độ tuyệt vời những gì hàng triệu con người đều nghĩ đến và cảm thấy; họ là những nghệ sĩ mà công việc là cặp nhiệt độ cho xã hội.

      Jack London là con người của hai thế kỉ 19 và 20, không chỉ trong sự nghiệp sáng tác mà  kể cả cuộc đời ông. Ông thể hiện đầy đủ hơn bất cứ người cùng thời nào của ông, những cảnh bần cùng và bất công của xã hội mà ông đang sống, lòng tin vào những tiến bộ của thế kỉ 19 và những cuộc cách mạng được dấy lên trên đống tro tàn của xã hội cũ, những cuộc cách mạng sẽ tạo ra những con người mới tràn trề hạnh phúc. Ông đã lăn lộn với cuộc sống Mỹ. Rời bến cảngSan Francisco, ông lao vào những cuộc săn hải cẩu ngoài biển cả. Ông đi khắp đó đây trên nước Mĩ vàCanada, đã bị cầm tù vì đi lang thang và nói chuyện cách mạng. Ông đã từng làm võ sĩ quyền Anh, đấu thủ bơi lội, đã đến vùng Alasca trong “cuộc săn vàng” những năm đầu thế kỉ, làm phóng viên trong chiến tranh với những bài báo, lớn tiếng tố cáo chế độ tư bản. Ông là con người vĩ đại trong mọi ý nghĩ và việc làm. Trông ông giống một chiến binh Vi king (chiến tranh thời cổ ở vùng Scandinave, cướp biển châu Âu), tóc quăn, cương quyết, khẳng khái, chân thật và hào phóng.

      Những phẩm chất đó được thể hiện đầy đủ trong những tác phẩm của ông. Ông quan tâm đến  sức mạnh của tác phẩm, nói thẳng những gì ông muốn nói. Tầm viết của ông thật phi thường, thậm chí còn rộng hơn cả những gì ông đã trải qua: không một ai cùng thời đại lại sánh bằng ông về mặt đó. Những gì ông viết không phải chỉ tập trung vào những truyện phiêu lưu dù bối cảnh là ở miền Bắc cực, Polinesia, Mexico hay tại nước Mĩ. Ông coi các tác phẩm loại này có giá trị bằng các tác phẩm chính trị mà khởi đầu là những truyện ngắn như “Những kẻ tôi đòi của nhà vua Midas”, “Những giấc mơ của Jeff và đặc biệt là cuốn tiểu thuyết “Gót sắt”. Trong “Tiếng gọi nơi hoang dã”, ông đã tạo ra truyện triết lí về loài chó với sức mạnh kì diệu. Ngoài ra ông còn viết một số tiểu thuyết trong đó có tập tự truyện “Martin Eden” nổi tiếng.

    Suốt hai mươi năm, ông đã viết báo, đóng tiền ủng hộ các cuộc đình công của công nhân và các đồng chí gặp lúc khó khăn. Ông viết bài giới thiệu cho những cuốn sách tiến bộ. Ông tin tưởng vào những cuộc đấu tranh của công nhân và lòng nhân đạo của con người… Nhưng trước cảnh trái ngược, bất công, đầy đau khổ của dân chúng, ông đã uống thuốc độc tự tử đêm 21 tháng 11 năm 1916 khi tư tưởng lâm vào cảnh bế tắc, tuyệt vọng.

    Trong những dòng suối văn học Mỹ, Jack London xuất hiện như một cái hồ. Qua những truyện như “Con sói biển” và “Cuộc binh biến ở Endima” ta thấy ông học được nhiều ở Hecman Menville; qua những cuộc phiêu lưu khác ta thấy ông chịu ảnh hưởng của Stivenson, Conrate và trước đó của Fran Norrister, người đi tiên phong của trào lưu văn học hiện thực Mỹ. Ngược lại ta cũng thấy ông đã có ảnh hưởng đến rất nhiều thế hệ nhà văn sau này tại nước ông, đến trường phái Iucon, Robert W.Servits, James Olive, đến W.H. Davi trong cuốn “Tự truyện của một siêu lang thang”, đến Stenbeck trong “Trận đánh do dự” và “Thung lũng dài” và dĩ nhiên ông có ảnh hưởng rõ nét nhất đối với Ernest Hemingway, thế hệ những người đi tiên phong trong trào lưu văn học lãng mạn Mỹ, khao khát cái lạ, cái hiểm nguy đến rùng rợn. Đối với ông, cũng như đối với Ernest Hemingway, phương châm là “giữa cái  chết, chúng ta tìm thấy sự  sống”

       Cuộc đời của Jack London tuy ngắn ngủi, chỉ trong hai mươi năm sáng tạo, ông đã để lại một khối lượng văn học trên bốn chục cuốn. Ông luôn luôn là một cái hồ trong thung lũng mênh mông của nền văn học Mỹ, một nhà văn thiên tài, một nghệ sĩ vĩ đại. Ngoài ra ông còn là một nhà chính trị lớn. Ông đã nghiên cứu “Tuyên ngôn Đảng Cộng sản của Karl Marx và đến với chủ nghĩa xã hội khoa học bằng một lòng tin vững chắc vào thắng lợi tất yếu của  nó trên trái đất, và lòng tin ấy đã trở thành một bộ phận hữu cơ trong thế giới quan của ông.

      “Gót sắt” là một lời cảnh cáo đối với quyền lực độc tài của chủ nghĩa tư bản. Nhà văn đã công phẫn lên án chế độ bất công và kêu gọi cải tổ chế độ xã hội đó. Đây là một cái mốc quan trọng trong sự nghiệp của Jack London nhà văn kiêm nhà hoạt động chính trị.

    “Kẻ bỏ đạo” nói lên giai đoạn non trẻ của cuộc đời nhà văn, những thời kì lao động nô lệ làm thuê cực nhọc ở nhà máy đóng  hộp, nhà máy đay hay nhà máy điện.Truyện tố cáo mạnh mẽ chế độ tư  bản đã bóc lột lao động trẻ em.

     Truyện ngắn To build a fire (Nhóm lửa) , tiểu thuyết A Call from the Jungle (Tiếng gọi nơi hoang dã), Ending of a Legend (Đoạn kết của một câu chuyện cổ tích) là những truyện ít nhiều có liên quan đến vùng sông Yukon, miền Alasca băng giá quanh năm. Những truyện này miêu tả những cuộc săn vàng và ảnh hưởng của người da trắng đi khai thác vàng đối với thổ dân, những truyện đã làm choLondon nổi tiếng trước tiên và không ai có thể so sánh ngang với ông  về đề tài sáng tác này. Ngoài kiệt tác “Tiếng gọi nơi hoang dã”, “Nhóm lửa” là tuyệt tác của ông về cuộc vật lộn của con người với sự ác nghiệt của thiên nhiên ở vùng phương Bắc giá rét khủng khiếp.

     Trên đường từ Sidney (Úc), trở về nước,Londonđã dừng lại ởEcuador, xem đấu bò. Nếu Hemingway đã diễn tả sự huyền bí về cái chết của những trận đấu bò thìLondonqua truyện “Sự điên rồ của John Hans” đã thể hiện một tình cảm mạnh mẽ về tính man  rợ của môn đấu bò. Ông đã nói lên sự cuồng nộ và ghê tởm của mình khi xem đấu bò.

     Truyện ngắn “Đoạn kết một câu chuyện cổ tích” cho ta một tình cảm tốt đẹp, cao thượng của con người đối với con người. Ông muốn kêu gọi con người hãy gác bỏ mọi hận thù, sống cao thượng ngay cả lúc hoàn cảnh đầy ngang trái.

     “Từ biệt thế giới vàng” kể một chuyện tình lãng mạn của chàng trai săn vàng thành công, trở thành nhà tư bản với cô bạn gái thư kí giám đốc của anh. Cuối cùng họ đã lựa chọn tình yêu và cùng nhau từ bỏ thế giới tư bản cạnh tranh quyết liệt, chấp nhận sự phá sản để giữ lại tình yêu trong một túp lều tranh.

“A CALL FROM THE JUNGLE”

(Tiếng gọi nơi hoang dã)

       Truyện miêu tả mâu thuẫn giữa sự tàn bạo dã man của cái gọi là văn minh và cuộc sống tự do của loài vật sống hoang dã trong thiên nhiên.

      Một con chó tên Buck đang sống yên lành trong một trang trại của một người chủ giàu có ở California  thì bị bắt cóc đến một trại huấn luyện chó kéo xe trượt, để rồi bị bán cho những người đi đào vàng ở vùng bắc cực hoang dã tuyết lạnh. Nó vốn là giống chó bắc cực chịu rét giỏi. Thế rồi thiên nhiên nguyên thủy, sự nghiệt ngã tàn bạo của môi trường và con người đã đánh thức dậy, làm phát triển hơn cái bản năng thú dữ trong sâu thẳm của Buck, mỗi ngày số phận đưa đẩy nó về gần gũi với tổ tiên loài sói rừng hoang dã.

       Những người đi tìm vàng ở vùng Bắc cực đã phải vất vả cực nhọc, chịu cái lạnh thấu xương 50 độ dưới không, băng qua hàng ngàn cây số. Muốn đi được họ phải dùng một phương tiện giao thông duy nhất là xe trượt tuyết do giống chó bắc cực khoẻ và chịu rét kéo. Buck là con chó như vậy. Nó đã sống, làm việc và gắn bó với đủ hạng người, những kẻ phần lớn là tàn bạo độc ác với loài vật. Chỉ có một người chiếm được thiện cảm của Buck. Đó là John Thorton, người đi đào vàng đã cảm hoá nó bằng tình nhân đạo rộng lớn. Lần đầu tiên trong cuộc sống khắc nghiệt, con vật cảm nhận được một điều đặc biệt – tình thương yêu của một con người.

   Tuy nhiên, sống trong môi trường hoang dã, bản chất nòi thú hoang có cơ sống dậy trong nó. Dần dần, từ một con chó hiền lành nó trở thành một con thú dữ, ranh mãnh hơn cả tổ tiên nó  là loài sói rừng. Chính con người, những kẻ xấu xa đã góp thêm phần độc ác cho nó. Khi Thorton bị đồng loại giết chết một cách thương tâm, Buck tuyệt vọng về con người. Chẳng còn tình cảm nào níu giữ nó nữa. Nó nghe theo tiếng gọi của sói rừng nơi hoang dã, chạy thẳng vào rừng sâu để trở lại là một sói hoang.

   Truyện còn toát lên tình thương yêu loài vật của nhà văn. Nhà văn tin rằng chỉ có một tình yêu vô hạn mới chiến thắng được những con vật dữ tợn. Ông có con mắt tinh tế khi quan sát, những am hiểu tuyệt vời về tâm lí và thói quen của loài vật. Ông là người ủng hộ học thuyết tiến hoá và chọn lọc tự nhiên của Charles Darwin, ông đã tônDarwinlà người thầy số một của mình.

        Qua truyện, Jack London thể hiện niềm tin tưởng vững mạnh rằng con người có thể làm cho thế giới trở thành công bằng, chính nghĩa phải thắng phi nghĩa,  cái thiện phải thắng cái ác, cái đẹp phải thắng cái xấu. Tuy vậy ông không tránh khỏi một thất vọng hiện thời rằng cuộc đấu tranh của xã hội con người cũng còn tàn bạo chẳng khác gì cuộc tranh đấu của thế giới hoang dã.

        Jack London mất ngày 22 tháng 11 năm 1916 lúc ông tròn 40 tuổi. Tuy mất sớm nhưng cuộc đời ngắn ngủi và lao khổ của ông là cả một trang huyền thoại. Ông đã để lại một di sản  sáng tác văn học phong phú và đa dạng. Ông đã phát triển những thành tựu của nền nghệ thuật dân chủ Mỹ và là một trong những nhà văn Mỹ có tính dân tộc sâu sắc. Xuất thân từ giai cấp công nhân, ông là nhà văn Mỹ đầu tiên miêu tả giai cấp mình với niềm thông cảm sâu sắc và rất nghiêm túc.

      Dĩ nhiên, cuộc đời sáng tác của ông cũng có lúc vấp váp sai lầm về nhận thức. Có lúc ông viết vì đồng đôla nên chỉ phục vụ thị hiếu tầm thường. V.I Lenine vào lúc sắp qua đời đã đọc truyện ngắn Love of Life nhưng trước đó Người vẫn phê bình những tác phẩm khác của J.London nhuốm căn bệnh tự nhiên chủ nghĩa trong một số tác phẩm, chưa xứng đáng với toàn bộ di sản đồ sộ của ông.

O’ HENRY

(1862–1910) 

Nhà văn Mỹ được xem là một trong số ít cây bút viết truyện ngắn được yêu thích nhất trong mọi thời đại.

William Sydney Porter

(tên thật là William Sydney Porter),

Bút danh: O’ Henry

Sinh ngày: 11 tháng 9 năm 1862

tạiGreensboro,North Carolina, Mỹ.

Mất ngày: 5 tháng 6 năm 1910

tại thành phốNew York

Nghề nghiệp: nhà văn, nhà báo, dược sĩ

Tiểu sử

O’Henry sinh dưới tên William Sidney Porter tại Greensboro, North Carolina, Hoa Kỳ. Ba mẹ ông qua đời vì bệnh lao khi ông mới được 3 tuổi, và ông theo học tại một trường tư do bà cô làm chủ cho đến năm lên 15. Đấy là quá trình giáo dục duy nhất mà ông tiếp nhận được. Ông bổ sung kiến thức của mình bằng cách đọc sách rất nhiều, và cũng bằng cách quan sát cùng lắng nghe những người quanh ông. Sau khi bỏ học, ông làm việc cho hiệu y dược của ông chú.

Năm 1882, khi bắt đầu có triệu chứng bệnh lao lây từ bà mẹ, ông được gửi đến sống trong một trang trại chăn nuôi ở Texasvới hy vọng khí hậu nơi đồng nội giúp vượt qua cơn bệnh – tương tự như nhân vật chính trong truyện Hygeia at the Solito. Ít lâu sau, ông đã thử viết những truyện ngắn đầu tay và mấy mẩu truyện vui cười cho các nhật báo miền Tây-Nam Hoa Kỳ. Kế đến, ông làm tại một cơ quan địa chính và lần lượt qua nhiều công việc khác nhau: vẽ kỹ thuật và kiến trúc, thư ký, đầu bếp nhà hàng, làm nhân viên cho công ty địa ốc, xưởng in, v.v. Hầu như từ mỗi ngành nghề, O’Henry đều có thể góp nhặt tư liệu cho các truyện ông viết.

Đến năm 1894, ông lập nên tờ tuần san hài hước The Rolling Stone và làm chủ bút. Tờ báo này không mấy thành công, trở nên chết yểu sau một năm. Ông cũng làm phóng viên cho báo khác và thỉnh thoảng đóng góp vẽ hí họa.

Kế đến, ông làm nhân viên ngân hàng First National Bank ở thành phố Austin, Texas. Năm 1896, nhà nước mở cuộc điều tra vì tình nghi ông biển thủ tiền của ngân hàng. Trước đấy khá lâu, ông đã phản đối là không thể nào cân đối sổ sách kế toán của ngân hàng vì việc quản lý tại đây quá lỏng lẻo. Mặc dù bố vợ ông đã chi trả hộ khoản tiền thất thoát, chính quyền liên bang vẫn muốn truy tố tội hình sự. Nếu ông chấp nhận ra hầu tòa, có lẽ ông đã được tha bổng vì số tiền liên quan chỉ nhỏ nhoi và có thể bào chữa là do lỗi lầm kế toán. Nhưng bạn bè ông khuyên ông nên trốn lánh. Ông nghe theo và bỏ đi đến nước Honduras ở Trung Mỹ – và có tư liệu cho vài truyện phiêu lưu lấy bối cảnh từ vùng đất này.

Sáu tháng sau, nghe tin vợ mình đang đau nặng, ông trở về Mỹ. Nhà cầm quyền đợi đến khi vợ ông qua đời mới đem ông ra xét xử. Đến lúc này thì sự kiện bỏ trốn đi khỏi nước là yếu tố rất bất lợi cho ông. Tuy thế, ông bị kết mức án tù nhẹ nhất có thể được là 5 năm. Trong nhà tù ở thành phố Columbus, Ohio, ông làm dược tá cho bệnh viện nhà tù, có thời giờ sáng tác để gửi tiền cho con gái, và bắt đầu dùng bút hiệu O’Henry. Sau khi đã qua hơn 3 năm trong tù, nhờ tư cách tốt ông được trả tự do sớm vào năm 1901. Ông đến cư ngụ tại thành phố Pittsburgh, Pennsylvania.

Năm sau, ông định cư hẳn tại thành phố New York, cố giấu tung tích mình là tù phạm cũ. Từ lúc này, các truyện ngắn của ông bắt đầu xuất hiện đều đặn trên các báo hàng ngày và tạp chí. Mười tập truyện lần lượt được ra đời trong thời gian 1904-1910.

Sau những năm tháng cùng quẫn, mặc dù đến lúc này đã trở nên nổi danh và có tiền nhuận bút khá, O’Henry vẫn không được hưởng hạnh phúc vào những năm cuối đời: cuộc hôn nhân thứ hai thiếu hạnh phúc, khó khăn về tài chính vì chi tiêu quá cao, lại thêm tái phát chứng lao phổi lây từ bà mẹ và tật nghiện rượu nhiễm từ ông bố. Ông qua đời một cách khổ sở tại Thành phố New York ngày 5 tháng 6 năm 1910 do bệnh lao cộng thêm chứng xơ gan. Thêm ba tập truyện được ấn hành sau khi ông mất.

Năm 1919, Hội Nghệ thuật và Khoa học (Society of Arts and Sciences) thiết lập “Giải thưởng Tưởng niệm O’Henry” (O’Henry Memorial Awards), hàng năm trao cho những truyện ngắn xuất sắc.

Tác phẩm

Có lẽ nhờ cuộc đời phong phú của tác giả nên các truyện ngắn của O’Henry (tổng cộng gần 400 truyện cộng thêm vài bài thơ) cũng thể hiện các nét đa dạng của xã hội Mỹ đương thời. Người ta có thể tìm thấy những nhân vật làm các nghề mà chính tác giả đã trải qua, và còn nữa: chủ cửa hiệu, nhân viên bán hàng, ký giả, họa sĩ, bác sĩ, diễn viên sân khấu, thợ cắt tóc, cảnh sát, thanh tra, dân đi tìm vàng, cũng có những người vô nghề nghiệp vô gia cư, và kể cả kẻ tội phạm và tù nhân.

Những bối cảnh trong các truyện ngắn cũng phong phú, với nhiều truyện lấy thành phố New York – nơi O Henry sống tám năm cuối đời ông – làm bối cảnh, cộng thêm những mẩu chuyện phiêu lưu trong vùng Trung và Tây-Nam nước Mỹ. Tất cả đều biểu hiện khung cảnh xã hội kinh tế nước Mỹ vào thời khoảng cuối thế kỷ 19 và đầu thế kỷ 20, lúc đường thành phố New York còn được thắp sáng bằng đèn gaz, người còn dùng xe ngựa để di chuyển, nhiều dân chăn bò (cowboy:”cao bồi”) vẫn còn sống bờ sống bụi và xem pháp luật bằng nửa con mắt, dân đi tìm vàng tự lập nên những thị trấn mới rồi “tự cai tự quản”, v.v.

Điểm đặc sắc trong truyện ngắn của O’Henry là những tình tiết ngẫu nhiên, có lúc khắc nghiệt hoặc oái oăm hoặc mỉa mai, nhiều lúc khôi hài hoặc dở khóc dở cười, để rồi kết thúc trong bất ngờ làm người đọc hoặc thích thú nhưng không quá sướng thỏa, hoặc bâng khuâng nhưng không quá nặng nề. Những dư hương nhẹ nhàng như thế đọng trong tâm tư người đọc khá lâu. Có lẽ do vậy mà vài truyện của O’Henry đã được chuyển thể qua sân khấu, sau này là điện ảnh và truyền hình, kể cả sân khấu kịch ở Việt Nam. Riêng truyện A retrieved reform, rút tư liệu từ thời gian tác giả ngồi tù (có ý kiến cho là dựa trên chuyện có thật), được chuyển thành kịch sân khấu rất thành công.

Nhiều người ngạc nhiên về tính đa dạng trong các truyện của O’Henry. Một ngày, khi ngồi với nhà văn trong một hiệu ăn, một người bạn ông đặt câu hỏi thay cho số đông người đọc: làm thế nào ông kết cấu được các tình tiết, ông tìm đâu ra những cốt truyện như thế? Nhà văn đáp: “Từ mọi nơi. Mọi thứ đều mang câu chuyện”. Rồi cầm lấy tờ thực đơn trên bàn ăn, ông nói: “Có một câu chuyện trong bản thực đơn này.” Đúng như thế: sau đấy ông viết nên truyện Springtime à la carte.

Sinh thời, O Henry gửi các truyện của ông cậy đăng trên nhiều báo cuối tuần và tạp chí văn học. Các truyện này sau đó được in lại trong những tập truyện ghi dưới đây:

Năm 1904, tác phẩm đầu tay in sách thành công rực rỡ “Cabbages and Kings”

Cabbages and Kings ( Những tên cắp vặt và những ông vua)

The Four Million (Bốn triệu người)

Heart of the West  (Trái tim miền Tây)

The Trimmed Lamp (Hàng đèn)

The Gentle Grafter (Kẻ hối lộ lịch sử)

The Voice of the City (Tiếng nói đô thị),

Options (Quyền lựa chọn)

Roads of Destiny (Con đường định mệnh)

Strictly Business (Việc làm minh bạch),

Whirligigs (Những bông vụ).

Sixes and Sevens (Những đứa bé  sáu tuổi và bảy tuổi)

Rolling Stones (Lăn đá)

Waifs and Strays  (Những đứa trẻ bơ vơ)

Những truyện được ưa thích:

After Twenty Years (Sau hai mươi năm): Một trong những truyện lấy bối cảnh thành phố New York (nơi O’Henry sống tám năm cuối đời ông) được ưa thích nhất.

A Cchaparral Prince (Hoàng tử đồng xanh): Chuyện phiêu lưu vùng Viễn Tây thời ấy, vừa hoang sơ, ngang tàng, mà cũng có khí phách anh hùng, pha trộn tai ương và phúc lành, lục lâm và hiệp sĩ.

The Church with an Overshot-wheel (Ngôi giáo đường với cối xay nước): Có người nhận xét “giống như truyện cổ tích”. Cốt chuyện dễ thương, và là một trong số ít truyện của O’Henry thể hiện văn tài tả cảnh tuyệt vời.

The Furnished Room (Căn phòng đủ tiện nghi): Truyện được những nhà phê bình nghiêm khắc xem là một trong những truyện nghiêm túc, có giá trị văn học nhất của O’Henry.

Georgia‘s Ruling (Phán quyết củaGeorgia): Cả trăm năm trước nước Mỹ rộng bao la đã có cơn “sốt đất” tạo ra nhiều vấn đề cho các sở địa chính, nhưng ở đây nằm trong bối cảnh khác: tình cha con mở rộng ra tình người. Ý tình thắm thiết nhưng ngôn từ cô đọng.

The Gift of the Magi (Món quà của các nhà thông thái): Một trong các truyện của O’Henry được người đọc phương Tây yêu thích nhất, cũng có thể được xem là một trong những truyện ngắn về Giáng sinh hay nhất mọi thời đại.

The Green Door (Cánh cửa mầu lục): Có ý kiến cho rằng tác giả thiên về tư cách nhà hoạt động xã hội (social activist) qua truyện này.

The Last Leaf (Chiếc lá cuối cùng), là một truyện ngắn nổi tiếng được biết đến nhiều nhất, đã được đưa vào sách giáo khoa của nhiều nước để giới thiệu văn học nước ngoài. Truyện nói về cuộc sống khổ cực của những người hoạ sĩ nghèo ở Mĩ. Cuộc sống cơ cực đã khiến Johnsy buồ bã với căn bệnh sưng phổi, nhưng nhờ có chiếc lá cuối cùng Johnsy đã hồi sinh.

A Retrieved Reformation (Một cuộc đổi đời): Truyện rút tư liệu từ thời gian O’Henry ngồi tù, có ý kiến cho là dựa trên chuyện có thật.

The Dream (Giấc mộng): Đây là truyện cuối cùng của O’Henry. Tạp chí văn chương Cosmopolitan Magazine đã đặt hàng tác giả viết truyện này, nhưng sau khi nhà văn qua đời (tháng 6 năm 1910), tập bản thảo dang dở được tìm thấy trên bàn làm việc đầy bụi bặm của nhà văn. Truyện ngắn dang dở được ra mắt trên tờ Cosmopolitan Magazine tháng 9 năm 1910.

   Thời đó dân số New York có bốn triệu người, chất liệu vô tận cho O’Henry viết truyện ngắn, cùng với những tác giả đứng đắn viết về những vấn đề xã hội và kinh tế của giai cấp bị áp bức và bất hạnh, ông đưa những con người ấy vào tác phẩm trong sự cảm thông và lòng trắc ẩn. Những cô gái bán hàng cô đơn, những nghệ sĩ và diễn viên lo cái ăn từng bữa, những đôi tình nhân trẻ trung mà bất hạnh, những tay trộm cướp, những viên cảnh sát…đều là những nhân vật trong những tác phẩm nổi tiếng của ông, đặc biệt truyện The Four Million (Bốn triệu người)

    Sự thành công phi thường của O’Henry đã gây ảnh hưởng đáng kể đến sự phát triển của truyện ngắn Mỹ. Lối hành văn và hình thức mới mẻ của ông đã trở thành mẫu  mực cho thiên hạ. O’Henry có một óc sáng tạo kì diệu, có khả năng biến những sự kiện thông thường như một tờ thực đơn, một căn nhà buồn tẻ, một lối đi vào nhà…thành những nét sáng rực trong tác phẩm của ông. Ông dựng truyện dựa theo kinh nghiệm sống của mình vì thế mà những truyện ấy rất giàu tính hiện thực. Trong mạch văn lai láng, ông triển khai những câu chuyện một cách khéo léo và phong phú khiến độc giả không thể bỏ dở khi đọc và không tránh khỏi ngạc nhiên. Mục đích của ông là gây hứng thú cho người đương thời, những người thực sự cảm nhận được giá trị những truyện ngắn dí dỏm pha lẫn u buồn và lạc quan. Ngày nay những truyện ấy còn sức hấp dẫn thêm  vì chúng ghi lại được lịch sử của đời sống, tập quán của nước Mĩ  cuối thế kỉ 19, đầu thế kỉ 20.Ä

cb

TỔNG KẾT VĂN HỌC TÂY ÂU THẾ KỈ XIX

Chủ nghĩa lãng mạn

Chủ nghĩa lãng mạn là trào lưu tư tưởng và nghệ thuật của văn hóa châu Âu, bao trùm mọi loại hình nghệ thuật và khoa học; thời kì phồn thịnh của phong trào này là cuối thế kỉ XVIII, nửa đầu thế kỉ XIX.

Chủ nghĩa lãng mạn nảy sinh do hàng loạt nguyên nhân, cả những nguyên nhân xã hội-lịch sử lẫn nguyên nhân nội tại của nghệ thuật. Quan trọng nhất trong số những nguyên nhân ấy là tác động của kinh nghiệm lịch sử mới mà Cách mạng Pháp 1789 -1794 đưa lại. kinh nghiệm ấy đòi hỏi sự lí giải, kể cả lí giải bằng nghệ thuật, và bắt buộc phải xem xét lại các nguyên tắc sáng tác. Nhiều tư tưởng của chủ nghĩa lãng mạn trong suốt nửa thế kỉ tồn tại của nó đã bị biến đổi ở mức đáng kể, nhưng những tâm thế chung, có tính chất thế giới quan, vẫn được phát triển trong một định hướng thẩm mĩ thống nhất, và được sự hậu thuẫn của những đại diện của các trường phái lãng mạn khác nhau.

Trung tâm của phong trào lãng mạn là nước Đức: các nhà lãng mạn Anh, Pháp, Ba Lan, Nga đều tìm kiếm các ý tưởng của họ từ các tác phẩm của các nhà thơ và triết gia Đức. Thời đại chủ nghĩa lãng mạn – thay thế thời đại Ánh sáng – là thời đại đối lập với tư tưởng ánh sáng về nhiều mặt. Tuy vậy văn hóa Ánh sáng cũng đã sản sinh trong lòng nó cái hiện tượng được gọi là “chủ nghĩa tiền lãng mạn”. Tiền bối của nó là các nhà thơ của “chủ nghĩa cổ điển Weima” (Goeth, Shiller), là các nhà tư tưởng như Lessing, Hecze. Dù không đoạn tuyệt với truyền thống mỹ học Ánh sáng, những nhà tiền bối này của chủ nghĩa lãng mạn đã có thể nhận ra những mặt yếu của truyền thống ấy và đánh giá nó một cách có phê phán, chống lại việc tuyệt đối hóa các nhân tố hình thức của hoạt động nghệ thuật, chống lại việc lí giải một chiều duy lí đối với hoạt động ấy. Các nhà lãng mạn tiếp tục phê phán các nguyên tắc sáng tác của các nhà Ánh sáng; họ xem nghệ thuật như lĩnh vực giải phóng các năng lực đa dạng của cá nhân, như lĩnh vực mà cá nhân tự thực hiện mình một cách tự do và tự nguyện. Chính vì vậy, cả triết học, ngữ văn học, thậm chí cả những quan tâm đến khoa học tự nhiên , ở thời đại chủ nghĩa lãng mạn, đều mang sắc thái mỹ học, và đều gắn bó mật thiết với các vấn đề mỹ học và lý luận nghệ thuật.

Nhiều nhà lãng mạn cảm thấy những ảo tưởng nảy sinh bởi Cách mạng Pháp đã hoá thân thành thực tại xã hội tư sản mà lối sống tầm thường, dung tục của nó, tính chất ích kỉ, không có chỗ đứng cho tâm hồn trong các quan hệ xã hội của nó, v.v…họ thấy không thể chấp nhận. Họ đau đớn trải nghiệm sự đổ vỡ của những ảo tưởng ấy. Tính chất hai mặt của cảm quan lãng mạn chủ nghĩa tương ứng với bức tranh của các sự kiện khách quan: “Cái thể chế xã hội và chính trị được thiết lập bởi “thắng lợi của lý trí” hóa ra lại là ác, là bức biếm họa đối với những lời hứa xán lạn của các nhà Ánh sáng, gây nên sự thất vọng cay đắng” (Ănghen). Thực tại lịch sử hóa ra không tuân phục “lý trí”, nó hóa ra là một thực tại siêu lý trí, đầy những bí ẩn không thể thấy trước, còn thể chế hiện thời thì thù địch với bản chất người, với tự do của cá nhân. Thái độ không tin vào tiến bộ xã hội, công nghệ, chính trị, khoa học – cái tiến bộ đã đưa tới sự tương phản và đối kháng mới; sự thất vọng sâu sắc trước cái xã hội từng được tiên đoán, luận chứng và rao giảng bởi những khối óc ưu tú nhất châu Âu – dần dà được triển khai thành một chủ nghĩa bi quan có tầm “vũ trụ”. Sự thất vọng, bi quan ở chủ nghĩa lãng mạn mang tính phổ quát toàn nhân loại, đi kèm với một “nỗi đau toàn thế giới”. Đề tài về nỗi đau này (“căn bệnh thời đại”), đề tài về “người nằm trong cái ác”, về “thế gian khủng khiếp”(với quyền lực mù quáng của các quan hệ vật chất, với tính vô lý của số phận, với nỗi buồn về sự đơn điệu vĩnh cửu của đời sống thường ngày…) là những đề tài xuyên suốt lịch sử của văn học lãng mạn và được thể hiện rõ rệt nhất trong loại “kịch số mệnh”, “bi kịch số mệnh” Kleist (1777-1811) cũng như trong các tác phẩm của Byron, Brentano, Hoffmann, Poe, Hothornor…

Kinh nghiệm phức tạp của Cách mạng Pháp củng cố trong ý thức các nhà lãng mạn cái ý tưởng về tính chất nhiều chiều kích của thực tại khách quan (cả tự nhiên lẫn xã hội) ý tưởng về sự phong phú không thể khai thác hết của những khả năng vẫn tiềm ẩn trong thực tại. Đây là đề tài mà những nỗ lực chủ yếu của mỹ học và thực tiễn nghệ thuật lãng mạn chủ nghĩa tập trung khám phá. Quan niệm về chất mỉa mai (tiếng Pháp: ironie) có vị trí quan trọng ở mỹ học lãng mạn. Với tư cách một lập trường triết học và một biện pháp nghệ thuật đặc thù, chất mỉa mai lãng mạn chủ nghĩa là phương thức miêu tả thế giới xung quanh một cách hàm súc. Thoạt đầu, nó có nghĩa là thừa nhận tính hạn hẹp của bất kì điểm nhìn nào (kể cả điểm nhìn lãng mạn, nếu chỉ hướng tới cái “vô tận”), thừa nhận tính tương đối của mọi thực tại lịch sử, thừa nhận tính không trùng nhau giữa những khả năng vô hạn của tồn tại và cái thực tại kinh nghiệm được cảm nhận bởi con người. Về sau, mỉa mai còn phản ánh việc ý thức được tính phi thực tại của các lý tưởng lãng mạn chủ nghĩa, ý thức được tính đối địch vĩnh viễn giữa ước mơ và cuộc đời thực. Được nhìn qua lăng kính lãng mạn, những hoài nghi, bất tín nhiệm, thế giới bên trong của cá nhân con người và kịch tính của các quá trình lịch sử khách quan bỗng lộ ra sự phong phú của những khả năng còn tiềm ẩn., và được cảm nhận một cách đa diện. Tuy nhiên, ý đồ vươn lên trên chất “văn xuôi” dung tục của tồn tại ở các nhà lãng mạn đã không biến thành sự “mỹ hóa” đời sống một cách trừu tượng, vì vậy ý đồ đó vẫn gắn liền với hoạt động phê phán tỉnh táo của ý thức.

Các nhà lãng mạn đã phát hiện ra tính phức tạp, chiều sâu và tính đối kháng của thế giới tinh thần con người, tính vô tận nội tại của cá nhân con người. Đối với họ, con người là cả một tiểu vũ trụ. Chú ý đến những tình cảm mạnh mẽ, chói rực; đến những vận động bí ẩn của tâm hồn; đến những mặt “đen tối” của tâm hồn; đến trực giác và vô thức – là những nét cốt yếu của cảm quan lãng mạn chủ nghĩa. Bảo vệ tự do, chủ quyền và giá trị tự thân của cá nhân; chú ý đến cái đơn nhất không lặp lại ở con người; sùng bái cái cá nhân – cũng là những nét đặc trưng cho chủ nghĩa lãng mạn. Biện hộ cá nhân gần như là  cách tự bảo vệ trước tiến trình tàn nhẫn của lịch sử.

 Phản ứng mang tính hai mặt của các nhà lãng mạn đối với các sự kiện Cách mạng Pháp đã khiến họ “nhìn mọi thứ dưới ánh sáng trung đại, lãng mạn”; chính phản ứng này đã khiến họ quan tâm đến những hiện tượng dân gian mang tinh thần dân chủ của văn hóa thời trung đại và thời Phục hưng. Họ kế thừa cả chất giả tưởng huyền hoặc của văn hóa trung đại; nhưng cái mà họ thú vị hơn ở văn hóa ấy là các truyện kể, các niềm tin dị đoan, tinh thần tự do suồng sã của hội cacnavan, lối phóng đại nghịch dị và tính thoải mái giản dị của văn hoá Arap. Họ chú ý đến các truyền thuyết, các sáng tác dân gian, các phong tục tập quán của các dân tộc xa lạ, các phong cảnh xứ lạ. Thực tế vật chất thấp hèn bị họ đem đối lập với những dục vọng cao cả (đây là quan niệm của chủ nghĩa lãng mạn về tình yêu) và đời sống tinh thần mà những biểu hiện cao nhất, theo họ, là nghệ thuật, tôn giáo, triết học.

Yêu cầu về chủ nghĩa lịch sử và tính nhân dân (chủ yếu theo ý nghĩa là sự tái tạo trung thành màu sắc của địa điểm và thời gian)- là một trong những thành tựu vĩnh cửu của mỹ học lãng mạn. Chủ nghĩa lịch sử của tư duy ở các nhà lãng mạn bộc lộ rõ nhất trong thể loại tiểu thuyết lịch sử do họ tạo ra. Tính đa dạng của các đặc điểm địa phương, thời đại, dân tộc, lịch sử, cá nhân – trong cách nhìn của các nhà lãng mạn – có ý nghĩa triết học: nó là sự bộc lộ tính phong phú của một chỉnh thể, của thế giới phổ quát thống nhất.

Đối lập với nguyên tắc “bắt chước tự nhiên” của chủ nghĩa cổ điển, các nhà lãng mạn đề cao tính tích cực sáng tạo, quyền cải biến thực tại của nghệ sĩ: anh ta tạo ra một thế giới đặc biệt, của mình, đẹp hơn, chân thực hơn cái thực tại kinh nghiệm; bởi vì nghệ thuật, sáng tạo là thực chất thầm kín, là ý nghĩa sâu kín và là giá trị cao nhất của thế giới, cũng có nghĩa nó là thực tại cao nhất. Tác phẩm nghệ thuật được so sánh với cơ thể sống ; hình thức nghệ thuật được xem không phải như cái vỏ của nội dung  mà như một cái gì mọc lên từ đáy sâu và gắn liền với cái mà nó biểu đạt. Các nhà lãng mạn nhiệt liệt bảo vệ tự do sáng tác của người nghệ sĩ, bảo vệ quyền tưởng tượng của nghệ sĩ (“thiên tài không lệ thuộc các quy tắc mà là kẻ sáng tạo ra các quy tắc”), bác bỏ tính quy phạm.

Thời đại chủ nghĩa lãng mạn được đánh dấu bằng những cách tân về nghệ thuật: sáng tạo ra các thể tài tiểu thuyết lịch sử, truyện giả tưởng, trường ca sử thi – trữ tình, cải cách sân khấu. Thơ trữ tình đạt đến độ cực kỳ phồn thịnh; các khả năng của ngôn từ thi ca được mở rộng nhờ tính đa nghĩa, tính liên tưởng, tính ẩn dụ đậm đặc, nhờ các phát hiện trong lĩnh vực câu thơ. Tiểu thuyết được coi là hình thức phù hợp nhất của sự tổng hợp thi ca: đó là thể loại thống nhất thi ca với triết học, đẩy lùi giới hạn giữa thực tiễn nghệ thuật và lý luận, trở thành sự phản ánh như trong bức tiểu họa cả một thời đại văn học, kết hợp được sự lí giải bằng nghệ thuật và sự lí giải bằng lịch sử về thời đại. Các lý thuyết gia lãng mạn truyền bá tư tưởng về sự xói mòn của các loại thể văn học; về sự thâm nhập lẫn nhau của các ngành nghệ thuật; về sự tổng hợp nghệ thuật, triết học và tôn giáo; nhấn mạnh nhân tố âm nhạc trong thi ca. Về các nguyên tắc miêu tả, các nhà lãng mạn hướng tới giả tưởng, nghịch dị trào lộng, tính ước lệ lộ liễu của hình thức, mạnh dạn pha trộn chất đời thường và chất dị thường, chất bi và chất hài.

Di sản văn hóa của chủ nghĩa lãng mạn, phản ứng tiêu cực của nó đối với thời đại sản sinh ra nó – thời đại phát triển công nghiệp và đô thị hóa – trở thành một trong số những căn cứ cho các nhà Tương lai học ở cuối thế kỉ XX nêu lên nhận định về tính giới hạn của tri thức khoa học công nghệ, tính huỷ hoại toàn cầu của việc phá hoại môi sinh và phá hoại các giá trị nhân văn trong quá trình phát triển nền sản xuất công nghiệp tự động hóa; từ đó đề xuất nhu cầu bảo vệ cân bằng sinh thái tự nhiên và tính ổn định nhân văn như một trong những nhu cầu cốt thiết của sinh tồn nhân loại.

Chủ nghĩa hiện thực

Những cơ sở làm nảy sinh chủ nghĩa hiện thực

  CƠ SỞ XÃ HỘI

Thái độ bất bình của mọi tầng lớp nhân dân trước thời đại tư bản chủ nghĩa phát triển. Nhu cầu tìm hiểu thực trạng xã hội khiến văn học hiện thực phát triển…

 CƠ SỞ TƯ TƯỞNG

Triết học duy vật phát triển ở Tây Âu  có mấy điểm chính:

+ Có một thế giới khách quan tồn tại ngoài ý thức con người

+ Ý thức con người có thể hiểu được thế giới đó

+ Ngành mĩ học phát triển với các nhà mĩ học như Bielinski, Sernysevski, Hegel CƠ SỞ KHOA HỌC TỰ NHIÊN, CÔNG NGHỆ, IN ẤN XUẤT BẢN…

Những cơ sở vật chất kĩ thuật cũng  tạo điều kiện cho văn xuôi hiện thực phát triển.

Cơ sở của nguyên tắc sáng tác này là: các tính cách và hoàn cảnh trong tác phẩm nghệ thuật được cắt nghĩa ở bình diện xã hội-lịch sử, sự liên hệ theo quy luật nhân quả giữa chúng (quyết định luận xã hội) được khám phá trong sự phát triển về chất (chủ nghĩa lịch sử) nhờ việc điển hình hóa các sự kiện tồn tại, tức là tương ứng với thực tại nguyên khởi. Theo một ý tưởng của Ănghen, “chủ nghĩa hiện thực đòi hỏi, bên cạnh tính chân thực của các chi tiết, tái hiện chân thực những tính cách điển hình trong hoàn cảnh điển hình”. Ở tác phẩm hiện thực chủ nghĩa, con người được bộc lộ như một sinh thể xã hội, tương tác với các điều kiện sống khách quan (quyết định luận xã hội chính là mối liên hệ điển hình giữa tính cách và hoàn cảnh).

Chủ nghĩa hiện thực nảy sinh như sự thừa kế đồng thời như sự đối lập với chủ nghĩa lãng mạn. Các nghệ sĩ hiện thực chủ nghĩa đầu tiên: các nhà văn như Puskin, Stendhale, Balzac, Dickens…đã không tự gọi mình là những nhà hiện thực chủ nghĩa. Tư tưởng lý thuyết đương thời không ý thức ngay được về ý nghĩa của một bước ngoặt trong nghệ thuật mà sau này sẽ được nêu lên: cho đến tận những năm 20 – 30 thế kỉ XIX, toàn bộ nghệ thuật thế giới trong việc lí giải con người và xã hội vẫn đặt chúng bên ngoài những điều kiện cụ thể của một môi trường xã hội ở một thời gian lịch sử nhất định. Ở chủ nghĩa hiện thực, tính cách con người được khám phá một cách gián tiếp, thông qua cái riêng, với tư cách là sự biểu thị cái chung ; điểm trọng tâm ở đây là giá trị của cái duy nhất không lặp lại xét về mặt lịch sử, các vấn đề xã hội – lịch sử ở đây hiện diện như là tuyến chính yếu của nghệ thuật.

Vào giữa thế kỉ XIX, các đối thủ văn học của nhà văn Pháp Champleury (1821- 1899) đã gọi những sáng tác phê phán sắc cạnh của ông và những người cùng xu hướng với ông là “chủ nghĩa hiện thực”. Champleury chấp nhận cách gọi này, đặt tên một cuốn sách tập hợp các bài báo là là “Chủ nghĩa hiện thực” (Réalisme,1857), mặc dù ông giải thích nó phần lớn theo tinh thần chủ nghĩa tự nhiên và phi lịch sử. Ở Nga, thuật ngữ này được nhà phê bình Annenkov (1812-1887) áp dụng lần đầu vào văn học (1849), trong khi các nhà phê bình như Bielinxki, Dobroliubov, Pixarev (1840-1868) không dùng nó. Với ý nghĩa là một nguyên tắc sáng tác cơ bản, thuật ngữ này trở nên thông dụng ở Nga và châu Âu từ những năm 60  thế kỉ XIX. Chỉ ở phê bình văn học và nghệ thuật dưới thời Xôviết từ những năm 20- 30 thế kỉ XX, ý nghĩa của khái niệm này như một phương pháp sáng tác mới được đề xuất và sử dụng. Cho đến gần cuối thế kỉ XX, nhiều nhà lý luận ở châu Âu và phương Tây vẫn hiểu “chủ nghĩa hiện thực” như sự phản ánh cái thực tại có sẵn, không phân biệt nó với “chủ nghĩa tự nhiên”. Ở học thuật Xô viết trong những năm 60- 80 thế kỉ XX có nhiều cuộc tranh luận về chủ nghĩa hiện thực, về các giới hạn thời gian của nó trong lịch sử văn học nghệ thuật thế giới. Một số nhà lý luận áp dụng khái niệm này vào nghệ thuật Phục hưng, nghệ thuật thế kỷ XVII, nghệ thuật Ánh sáng…Một số khác chỉ gắn điểm khởi đầu của nó với chủ nghĩa hiện thực phê phán thế kỉ XIX; ở khuynh hướng nghệ thuật này, việc khám phá tính cách được gắn liền với thời gian lịch sử, với việc phân tích các vấn đề xã hội. Nhiều nhà nghệ thuật học thừa nhận chủ nghĩa hiện thực đã có trong nghệ thuật tạo hình các thế kỷ XVII – XVIII, đôi khi của các thế kỷ xưa hơn nữa. So với văn học, chủ nghĩa hiện thực nói ở hội họa gắn bó nhiều hơn với những phương tiện miêu tả tạo hình gây được ảo giác xác thực thị giác; nhưng dấu hiệu chủ yếu của chủ nghĩa hiện thực ở đây là khám phá tính cách xã hội của con người, thể hiện những niềm vui, nỗi lo về thời đại cụ thể của mình và biểu lộ những tâm trạng tương ứng (nhất là loại hội họa có chủ đề, nơi mà chân dung không giữ vai trò quyết định). Vì vậy có thể cho là ở nghệ thuật tạo hình nói chung, chủ nghĩa hiện thực chỉ giành được chỗ đứng chắc chắn vào thế kỷ XIX chứ không thể sớm hơn.

 Khái niệm “chủ nghĩa hiện thực” được áp dụng chẳng những vào văn học và nghệ thuật tạo hình là các lĩnh vực mà sự phản ánh thực tại bằng hình tượng có thể đạt tới tính xác thực cảm giác-thị giác, mà còn được áp dụng vào khu vực được gọi là nghệ thuật biểu cảm. Ví dụ ở âm nhạc, chủ nghĩa hiện thực là sự truyền đạt những tâm trạng, những cảm quan của cá nhân trong các môi trường xã hội mà nó chấp nhận hoặc phản kháng tùy thuộc tính cách của nó và tính chất của môi trường xã hội theo nhận định của nó. Chủ nghĩa hiện thực gắn với tinh thần dân chủ. Trong khuôn khổ nội dung xã hội lịch sử của chủ nghĩa hiện thực, các nhà lý luận chia ra 2 phương pháp sáng tác cơ bản: chủ nghĩa hiện thực phê phán và chủ nghĩa hiện thực xã hội chủ nghĩa. Một số nhà lý luận và nghệ sĩ còn kì vọng luận chứng cho những phương pháp hiện thực chủa nghĩa khác, ví dụ “chủ nghĩa hiện thực cách mạng” với tư cách là bước quá độ sang chủ nghĩa hiện thực xã hội chủ nghĩa; chủ nghĩa hiện thực huyền ảo trong văn học và nghệ thuật các nước Mỹ  Latinh, nơi mà quyết định luận xã hội-lịch sử được kết hợp với sự lí giải thực tại theo mô hình những biểu tượng huyền thoại.

TĐVH bộ mới

Yêu cầu và câu hỏi nghiên cứu, ôn tập chương III

  1. Nắm vững nội dung khái quát Văn học Mỹ thế kỷ 19 để thấy Văn học Mỹ bắt đầu hội nhập với văn học Phương Tây.
  2. Nghiên cứu ba tác giả tiêu biểu: Mark Twain, Jack London và O’Henry và các tác phẩm tiểu biểu của họ.
  3. Giải thích vì sao loại tiểu thuyết phiêu lưu (tiêu biểu của Mark Twain) được ưa chuộng ở nước Mỹ
  4. Phân tích The Last Leaf của O’ Henry qua một số gợi ý sau :

So sánh hoàn cảnh 3 nghệ sĩ (giống nhau, khác nhau ?)

Bức tranh của bác Behrman có phải là “kiệt tác” không ? (có thể dựa vào

những quan điểm khác nhau mà đánh giá tác phẩm).

Nhờ đâu họa sĩ trẻ Johnsy vượt qua được cái chết ? 

Đọc thêm

NGHIÊN CỨU VỀ THI PHÁP

CỦA CHỦ NGHIÃ LÃNG MẠN VÀ CHỦ NGHĨA HIỆN THỰC

  1. THI PHÁP CHỦ NGHIÃ LÃNG MẠN

Sự phong phú đa dạng bút pháp khiến cho lí luận văn học không thể đúc kết đầy đủ.

Thi pháp học hiện đại có thể rút ra một số đặc điểm phổ biến như sau:

Cách nhìn của nhà văn

+ Tự khẳng định cái “tôi” chủ quan trong cách nhận thức và xây dựng hình tượng, lấy mộng tửơng thay cho thực tiễn bất khả tri, lấy cái ngẫu nhiên cá biệt thay cho cái phổ biến.

+ Cảm hứng yêu thương tha thứ cảm hóa thiết tha mãnh liệt.

+ Giải pháp cải tạo xã hội là “chủ nghĩa xã hội không tưởng” và “đức tin Thiên chúa”.

+ Chống giải pháp bạo lực.“Nơi nào có Ánh sáng (Chúa Trời) thì đừng đem lửa (bạo lực) đến làm gì !” – linh mục Myriel nói.

Thơ lãng mạn

Thơ là thể loại tiêu biểu nhất cho CNLM, ổn định về thi pháp tiêu biểu nhất là ở châu Âu thế kỉ XIX.

Cái tôi cá thể hóa cao độ, đứng cao hơn tất cả thế giới khách quan.

Cảm hứng tình yêu, cô đơn, nỗi đau buồn,  say mê cái đẹp phi thường…đặc biệt gắn bó với thiên nhiên (quay lưng với xã hội thì tìm bạn ở thiên nhiên vô tư…).

Hình thức biểu hiện rất phong phú…

Thi ca cổ điển phương Đông cũng như thi ca lãng mạn Phương tây thế kỉ XIX đã đạt đến mẫu mực thi pháp lãng mạn  như bản chất thơ trữ tình. Đó là trình độ lí tưởng để giaỉ bày chủ thể trữ tình với vô vàn phương thức đa dạng ( quan niệm nghệ thuật về con người, không gian nghệ thuật, thời gian nghệ thuật, đề tài lãng mạn, tổ chức chọn lựa ngôn ngữ (lời văn nghệ thuật) .v.v…

Tiểu thuyết lãng mạn

Cốt truyện: phát triển  theo khát vọng chủ quan của nhà văn.

Hoàn cảnh truyện: ngẫu nhiên, cá biệt, cảnh ngộ siêu phàm, nhân vật có tính cách phi thường.

Khai thác nội tâm nhân vật, tình yêu thơ mộng say sưa.

Biện pháp tương phản (bóng tối và ánh sáng, thiện và ác, cao cả và thấp hèn…) khoa trương, lí tưởng hóa (lòng nhân ái của cụ giám mục Myriel, Valjean, Gavroche…), cảnh vật tương phản “cống ngầm Paris đen tối dơ bẩn” và “tấm lòng sáng ngời của Valjean”, cuộc sống khốn khổ và tính cách Gavroche… tương phản giữa anh gù Quazimodo và phó linh mục…

            CNLM say sưa đề cao cái cao cả trác tuyệt ngay trong con người bình thường (“Cái bình thường là cái chết của nghệ thuật” là tuyên ngôn của họ)

  1. 2.     THI PHÁP CHỦ NGHIÃ HIỆN THỰC

Phân biệt mấy khái niệm

trước khi nghiên cứu thi pháp chủ nghĩa hiện thực

Cũng như tính lãng mạn, phản ánh hiện thực là một thuộc tính tất yếu của văn học dù nhà văn có ý thức nghiêm túc hay không. Trong những quan niệm cổ, văn dĩ tải đạo, văn ngôn chí, từ văn cổ điển đến văn siêu thực…đều có yếu tố hiện thực, ít nhiều đều phản ánh nội dung của đời sống hiện thực.

Nguyên tắc cơ bản của CNHT là tôn trọng sự thật khách quan.

Những cuộc bút chiến nổ ra giữa các phương pháp trong sáng tác, chúng vừa ảnh hưởng lẫn nhau lại vừa đấu tranh có khi rất gay gắt.

     Kiểu văn hiện thực: là khái niệm  chỉ cách xây dựng hình tượng theo nguyên tắc tái tạo cuộc sống. Văn chương ra đời khi hình thức “bắt chước” cuộc sống cũng ra đời

     Giá trị hiện thực: để chỉ phẩm chất chân thực của hiện tượng văn học, sự phản ánh đúng đắn, sâu sắc tâm tư khát vọng của con người. Nói cách khác, giá trị hiện thực  là phản ánh đúng đắn bản chất cuộc sống và con người trong một hoán cảnh lịch sử cụ thể.

     Chủ nghĩa hiện thực: là một trào lưu văn học hình thành rõ rệt ở châu Âu giữa thế kỉ XIX. Thực ra CNHT đã nảy sinh từ thời Phục hưng (gọi là CNHT Phục hưng). Thế kỉ XIX, CNHT  lên tới đỉnh cao với bộ “Tấn trò đời” của Balzac.

Mấy yếu tố thi pháp của chủ nghĩa hiện thực

Cái nhìn hiện thực

Triết học và mĩ học duy vật là nền tảng tư tưởng phương pháp luận nhận thức chính. Sernysevski “Cái đẹp là cuộc sống. Thực tế đẹp là thực tế trong đó ta nhìn thấy cuộc sống đúng như quan niệm của chúng ta. Một đối tượng đẹp là đối tượng trong đó cuộc sống được thể hiện, hay là nó nhắc ta nghĩ đến cuộc sống ”.

Tolstoi “Nhân vật mà tôi yêu quí nhất ấy là sự thật”

Balzac “Lịch sử nước Pháp là một pho sử, còn tôi chỉ là thư ký trung thành của pho sử ấy”.

Stendale “Sự thật, sự thật chua chát” (Đỏ và đen)

Maupassant “Sự thật hèn mọn” (Một cuộc đời)

Cái nhìn “phê phán” được gắn thêm, nhấn mạnh sự phủ định (trái với CNHT xã hội chủ nghĩa có cảm hứng chính là ca ngợi)

Cái nhìn nhân đạo, yêu thương những con người đau khổ…

Cảm hứng bi kịch in dấu đậm trong hầu hết tác phẩm HTCN.

Miêu tả “chi tiết chính xác cao” nhưng là “cái giống thật” chứ không phải “cái thật” (Tránh khuynh hướng xã hội học “dung tục” đòi hỏi nội dung tiểu thuyết phải là “cái thật trần trụi”).

Trước đây có khuynh hướng lí luận phê bình CNHT vướng cái nhìn “bi quan”. Họ đã hiểu sai chữ “bi quan”,  thực ra về mặt tinh thần, nhân vật thất bại nhưng vẫn lạc quan với ý thức vươn lên …

         Phương pháp điển hình hóa là xác định mối quan hệ giữa hoàn cảnh và tính cách

Yêu cầu tạo ra “những tính cách chính xác”

Không gian- thời gian xác định, cụ thể.

Chi tiết chân thực, bình thường (phổ biến)

Engels yêu cầu có cả hai “điển hình và cụ thể sinh động”.

Chủ nghĩa hiện thực nhấn mạnh vai trò của hoàn cảnh. Hoàn cảnh là cơ hội để cho tính cách bộc lộ, có thể làm biến đổi, phát triển tính cách, tạo ra hoàn cảnh mới. Môi trường hiện thực là môi trường tha hóa, rất nhiều tính cách là nạn nhân của môi trường (Charles, Grandet, Rastignac, Lucien, Julien…).

 Dưới sự tác động của hoàn cảnh, nhân vật được xây dựng với sự tôn trọng logic khách quan, logic bên trong của tính cách. Nhân vật nhờ đó có sự vận động tự thân, không chịu tuân theo sự “ép buộc” của tác giả (Eugenie của Balzac, nhân vật Anna “nổi loạn” của L.Tolstoi).

 Tuy nhiên CNHT cũng không bỏ qua các biện pháp cường điệu, ước lệ và cả thủ pháp lãng mạn, đôi khi dùng cả huyền thoại, hoang đường…

CNHT cũng dùng cả bút pháp trào phúng hài hước nhuốm màu bi-hài kịch.

Phụ lục

George Sand và Alfred Musset  – Tình yêu trong đời và trong thơ

Có những người sinh ra là để yêu, yêu cuồng nhiệt, yêu quên trời đất. Người đó chính là Alfred de Musset. Từ mấy năm rồi chàng cứ thấp thỏm, đợi chờ một tình yêu. Musset viết thư cho bạn mình rằng: Chỉ cần một người đàn bà đến với tôi là tôi quên tất cả những gì tự nguyện trong mấy tháng ẩn dật, yếm thế. Nàng chỉ cần đưa mắt nhìn tôi là tôi sẽ thờ phụng nàng ít ra trong sáu tháng. Sao người ta tàn nhẫn để tôi ở đây quá lâu như vậy ! Tôi cần một bàn chân đẹp và một thân hình mảnh mai. Tôi cần được yêu. Tôi có thể yêu bà chị họ già khọm và xấu xí của tôi nếu mụ ta không hách dịch và hà tiện. Mới 17 tuổi đầu, Musset đã “lên cơn sốt” ái tình mãnh liệt như thế.

Mỗi lần ra đường chân chàng lúc nào cũng rảo bước trên đại lộ Gand, mắt liếc gái ngang dọc, Musset coi bộ người lớn trong chiếc quần màu da trời và áo đuôi tôm màu lục. Một chiếc nón “model” chụp lên mái tóc vàng, dài, uốn thành lọn. Gương mặt trịnh trọng, sáng rỡ và trái cổ cứ chạy lên chạy xuống mỗi lần có một nàng tiên nào lướt qua.

Ánh mắt đột nhiên mơ mộng, vầng trán cao chợt nhăn khẽ. Còn chiếc miệng, thì như Lamartine nhận xét, “nó bất định giữa nguồn vui và nỗi buồn”. Con người có thân hình dong dỏng cao, đỏm dáng đó chưa chợp bắt được tình yêu, nhưng cứ làm thơ tình tưởng tượng như điên. Năm 1830, Musset được 20 tuổi, tập thơ bỏng cháy khát vọng yêu đương đầu tay ra đời. Bà dì già khó tính của Musset là một nữ tu, khi đọc tập thơ “lẳng lơ ” của chàng, bà đã từ bỏ cháu mình và không cho hưởng gia tài, chỉ vì thơ chi mà toàn là yêu với đương, mê với loạn, trai với gái, con người đức hạnh như bà làm sao chịu nổi.

Càng ngày chàng “thợ săn ái tình” càng lùng kiếm ráo riết “con mồi trong mơ” của mình, có lúc tưởng bắt được nhưng với hai bàn tay không chàng chộp hụt “con mồi” đó, nó bay tít lên những căn nhà lộng lẫy, cao ngất nghểu trong thành phố. Mãi đến tháng 6 năm 1833, Musset mới ôm được vào lòng một con chim có cánh nhưng không muốn bay, đó là nữ nam tước Aurore Dupin, nàng đổi thành bút hiệu George Sand, xuất hiện trên văn đàn nước Pháp như một hiện tượng mới lạ qua tác phẩm “Indiana”.

Nhà phê bình văn học Sainte Beuve muốn dẫn Musset lại giới thiệu với George Sand, mặt dù đã nghe tên tuổi của chàng, nhưng G. Sand vẫn từ chối: “Nghĩ kỹ lại tôi không muốn anh dẫn Alfred đến giới thiệu với tôi. Hắn “con gái” quá, không hợp tính với tôi, vả lại tôi không muốn hắn hiếu kỳ… Tôi nghĩ hắn muốn làm quen để thỏa mãn cái gì đó … Tình cảm chân chính vẫn tốt hơn”.

Nhưng ghét của nào trời trao của ấy, trong một bữa ăn có xếp đặt trước ở quán Frères Provancaux, chàng hai mươi tuổi ngồi kế nàng hai mươi chín tuổi. Chàng tán nàng nghe. Chàng thực hành tiếng Pháp hay đến nỗi nàng phải bật cười, thầm công nhận cách ăn nói của Musset.

Hôm đó, nhà thơ trẻ hết sức phấn khởi, cố gắng đem miệng lưỡi thuyết khách ra chinh phục nữ văn sĩ có đôi mắt đen, đẹp và sâu thẳm đó. Mái tóc màu hạt huyền, nước da màu long diên hương của nàng chính là người trong mộng, trong thơ của chàng:

Tôi thường nguyện sẽ chọn nàng

Ở Napples, nơi rám nắng vì ánh mặt trời chì

Làm lão mục đồng phải ngái ngủ trong bóng tối

Một làn môi của gái Thổ, và dưới một chiếc cổ thiên nga

Là một ngực trinh bạch, vàng ánh như màu nho non.

Và đêm về, Musset cứ thả hồn mơ mộng, mỉm cười một mình. Ái tình quá thật thần tiên. Nó là một loại tiếng sét dữ dội nhưng êm như nhung, làm sảng khoái tinh thần hơn trăm hộp thuốc bổ. Sau vài lần la cà thăm viếng, vài bữa ăn cho thêm thân mật, vài cuộc đi dạo đàm luận văn chương, hôm nọ, để chứng tỏ với người đẹp là mình đã mê nàng quá rồi, chàng nhảy ùm xuống biển Baltique, khốn thay hành động ấy không lay động con tim nàng. Musset buồn bã viết cho nàng một bức thư: “Cô George thân mến, Tôi có vài chuyện vẩn vơ và kỳ cục muốn nói với cô. Tôi viết cho cô một cách ngu xuẩn như vầy thay vì phải nói thẳng với cô trước, sau cuộc đi dạo hôm ấy, tôi không biết vì sao. Tôi yêu cô. Yêu từ ngày đầu gặp gỡ. “

Ở cái tuổi 29, người đàn bà nào không cảm thấy thích thú khi có chàng trai trẻ tỏ tình. Nhưng muốn một kẻ quá tải ái tình như nàng yêu thì phải có thời gian. George Sand không trả lời. Musset tấn công phát thứ hai: “Cô hãy yêu những kẻ biết yêu. Riêng tôi, tôi chỉ biết đau khổ. Có những ngày tôi muốn tự tử, nhưng rồi tôi khóc, rồi tôi cười. ..”

George Sand vẫn tỉnh như sáo trước lời ong bướm lâm li đó, nhưng câu chót của bức thư khiến nàng rạo rực một cảm giác kỳ lạ :

“Vĩnh biệt George, tôi yêu cô như một đứa trẻ.”

“Như một đứa trẻ” nàng thốt lên bàng hoàng, bàn tay run rẩy bóp chặt lá thư. Chàng yêu mình như một đứa trẻ ! Mon Dieu ! Chúa ơi ! Chàng đã đánh động đến điều bí mật của mình – những cái sâu thẳm trong mong ước đau khổ !.

Quả thật nàng đang cần được yêu “như một người mẹ”. Và đêm 29 tháng 7 năm 1833, người đàn bà thích có một “tình cảm thiêng liêng” như thế đã trao thân cho chàng, cho một đứa trẻ lao đầu xuống biển Baltique, hô hấp nhân tạo cho hắn hồi sinh trong bầu dưỡng khí tình cảm “rất mẹ” của nàng. George làm kẻ cứu độ hay người quy hàng trước một cậu bé ? Có điều chắc chắn rằng nàng yêu “mỗi ngày tôi yêu chàng thêm, mỗi ngày tôi thấy những tính xấu của chàng đã làm tôi đau khổ tan dần…”.

Cuộc tình như vườn hoa mùa xuân, đơm hoa kết nụ rực rỡ trong căn phòng số 19 đường Malaquais, khách sạn Bouillon. Nàng cảm thấy sung sướng và trẻ lại rất nhiều trong cái “con nít” của người yêu. Căn phòng ngát hương tình, lộng gió yêu thương, nước mắt rơi cho hạnh phúc đong đầy.

George đứng trong phòng. Giữa hai bình hoa. Mắt mờ lệ.

Nàng đứng tựa cửa phòng, trên người khoác áo lụa màu vàng, mang giày không gót, thắt cà vạt như đàn ông, mái tóc trùm một chiếc lưới kiểu Tây Ban Nha, mơ màng nhìn Alfred trong làn khói thuốc xì gà tỏa ra từ chiếc tẩu làm bằng gỗ anh đào trên tay nàng. Chàng đang chống tay lên giường, chống ngược đầu, hai bàn chân quơ quơ trong không khí, đập nhịp theo tiếng hát trẻ trung đang phát ra từ lồng ngực tràn ngập niềm vui của chàng. Tiếng cười của hai kẻ đang yêu giòn tan như pháo cưới.

Một hôm George đang tiếp nhà báo Lerminier ở phòng khách, Alfred muốn tạo một mẻ cười bất ngờ, chàng cải trang thành nhân viên nữ khách sạn, mặc váy ngắn, mang vớ màu để dọn ăn cho lão già khắc khổ, đạo mạo đó. Giả bộ trợt chân, Alfred bưng khay thức ăn đổ ụp lên đầu cây bút chính trị của tạp chí Revue de Deux Mondes. Lão chưa kịp phản ứng thì chàng ngang nhiên ngồi cạnh lão, đôi nhân tình được một trận cười đứt ruột, còn lão già đành nuốt giận làm vui cho phải đạo “nhập gia tùy tục”.

George Sand là một con người thâm trầm, sâu sắc, nhưng từ khi quen với Alfred, thói quen lý luận, đào sâu những vấn đề trừu tượng tạm thời lắng xuống, hiện giờ nàng chỉ có nguồn vui làm nàng say mê nhất là tính bông đùa của chàng, “ông con Alfred của tôi”. Tình yêu mỗi ngày mỗi đậm đà hơn, thi vị hơn, “sống thân mật với chàng rất êm dịu, và những sở thích của chàng rất quý với tôi”.

Vào mùa thu, đôi uyên ương đến Fontainebleau. Hai người lang thang trong rừng khi đêm đến. George thích mặc đồ con trai nên nàng vận áo xanh sậm, quần tây, đội mũ bằng nhung đen, miệng ca hát nghêu ngao, còn Alferd thì nắm tay nàng, chạy len lỏi qua hàng cây. Chàng ôm “anh con trai” đó vào lòng rồi kéo “anh con trai” trên đám thạch thảo. Hai người hôn nhau đắm đuối và …

Chung quanh họ, tất cả đều lịm chết, chìm trong cành lá

Hoa trong bàn tay, côn trùng dưới bàn chân

Và trên những mảnh vụn đó, bàn tay họ gắn bó nhau.

Bóng đêm như một căn phòng thênh thang, phủ một màn sương lành lạnh lên hai sinh thể đang cuộn siết trong ân ái. Suối róc rách chảy hoà lẫn tiếng thở dồn dập của họ và âm thanh của vạn vật như những giai điệu bất tận ru hồn người.

Fontainebleau về đêm thật huyền ảo, tuyệt đẹp nhưng có cái đẹp nào của thiên nhiên giữ được hai trái tim luôn khao khát nhịp độ yêu đương mới lạ. Thế là chàng và nàng quyết định sang Italia, hay Venise. Họ làm một trò xin xăm hên xui, quăng đồng tiền lên trời và ông tơ bà nguyệt đã chọn giùm cho họ là Venise. Nhưng mẹ Musset không muốn cậu quý tử của mình đi xa. George phải đến trổ tài hùng biện theo lối lập luận của các bà mẹ, cuối cùng nàng thuyết phục được mẹ Musset, cả hai lên đường.

Vào một buổi chiều tháng chạp, Musset và George bước lên xe tứ mã, nàng vận bộ đồ đàn ông, đội mũ kết, mặc quần màu xám ngọc trai, trên tay cầm một chai sâm banh và mẩu bánh dồn thịt, còn Musset vận áo đuôi tôm, tươi tắn và yêu đời.

Từ Marseille, họ đi tàu đến Gênes (Italia) và đặt chân lên thành phố Venise vào một buổi tối u buồn, ẩm ướt, tràn ngập cái lạnh quen thuộc của những ngày tháng Giêng 1834.

George bị cảm lạnh run lẩy bẩy, nàng choàng thêm chiếc áo len dầy cộm bên ngoài. Khi đến khách sạn Danieli, Musset dìu nàng lên phòng và George nằm liệt giường suốt mấy ngày sau đó. Alfred không có thói quen săn sóc người bệnh, chàng cảm thấy chán nản khi nhìn khuôn mặt xanh mét đang bị cơn sốt làm cho già nua đi của nàng. Alferd nhăn mặt :

-Một người đàn bà bệnh thật buồn và thật chán !

Musset nhờ chủ khách sạn kêu giùm y sĩ. Sau cú điện thoại, năm phút sau một người đàn ông cao lớn, khỏe mạnh bước vào, trên tay xách một túi dụng cụ y khoa. Người đó là y sĩ Pietro Pagello Ông ta nhanh nhẹn bước đến bắt mạch cho một người đàn bà kỳ lạ, mái tóc quăn quấn trong một chiếc băng đỏ kiểu Thổ Nhi Kỳ. Người đàn bà nhìn gương mặt Pietro Pagello, ánh mắt đang đờ đẫn chợt thoáng hiện một chút sinh khí lạ lùng.

Thấy có người gánh giùm trách nhiệm, Musset đi ra ngoài. Chàng không phải là người tận tụy với nỗi đau của người khác, nuôi bệnh không phải là vai trò của chàng. Trong khi Musset ngoạn cảnh thành phố Venise, uống Valpolicello và rượu vang Vérone trong quán cóc thì người yêu của chàng đang run lẩy bẩy với cơn sốt, thế mà lúc chân nam đá chân chiêu trở về phòng, Musset còn trách George là “một sự chán chường tượng hình” chàng cất giọng lè nhè nói:

            – George, anh đã lầm. Anh xin lỗi em, nhưng anh không bao giờ yêu em.

Tội nghiệp cho George, nàng chỉ có một cái tội duy nhất là bị bệnh khi đi du lịch, khi tuổi ba mươi và có một chàng nhân tình mới hai mươi ba tuổi.

George vô cùng đau khổ. Nàng không ngờ những ngày ở xứ lạ quê người lại buồn thảm đến như thế. Nàng không sợ cơn bệnh đang giày vò mà chỉ sợ lời nói, cách cư xử của Musset, nó như những nhát dao bén ngọt chém vào trái tim nàng, bật máu và đau đớn vô cùng. Vết thương lại lên cơn nhức nhối khủng khiếp khi nàng nghĩ đến cảnh Musset ngất ngưởng trong quán rượu, nhạc xập xình rộn vang và chàng đang ngả ngớn với mấy cô gái thơm ngon …

Hai người cảm thấy có một khoảng cách vô hình xuất hiện. Tuy nhiên họ vẫn cố đối xử với nhau như bạn bè. Nhưng gặp mặt George, Musset cảm thấy gớm gớm làm sao ? “Trong lúc tôi làm thơ cô ta cắm đầu viết từng xấp giấy. Tôi ngâm thơ lớn lên, thế mà cô ta vẫn cứ viết được. Cô ta rặn đẻ tiểu thuyết cũng dễ dàng như tôi, cứ chọn mãi những luận đề bi thảm nhất, tội ác, bắt bớ, con giết cha mẹ, đến cả những chuyện đàng điếm lưu manh. Cô ta cũng không quên chửi chính phủ ở vài đoạn về tranh đấu vẩn vơ cho sự thoát xác của đàn bà. Không bao giờ cô ta dùng một cốt truyện trước khi viết, và cũng không xóa bỏ một hàng nào khi viết xong. Đúng là loại gà mái cầm bút điển hình”.

Sau này, Alfred đã tự bào chữa bằng luận điệu ngụy biện rằng “Tôi còn trẻ và còn thích lạc thú. Sống cả ngày với một người đàn bà lớn tuổi hơn tôi lại mắc bệnh và buồn chán, gương mặt càng ngày càng trở nên nghiêm trang khắc khổ, tất cả cái đó làm tuổi trẻ tôi vùng dậy, bất mãn và làm tôi tiếc đến độ chua chát đời sống tự do lúc trước”.

Trời bất dung gian cho Musset, chàng ngã bệnh và sốt mê man. Có lúc chàng không còn biết gì nữa, Musset cởi quần áo, chạy khắp phòng la hét như một thằng điên, George phải nhờ hai người đàn ông mới kềm chàng được. Bác sĩ Pagello lại đến săn sóc người bệnh mới, George túc trực bên giường cả ngày, chăm lo cho người yêu. Nhưng khi không gian chật hẹp trong một căn phòng, ở đó một người đang đắm chìm thiêm thiếp ngủ trong nỗi mệt nhọc do bệnh tật gây ra, chỉ còn một người đàn ông và một người đàn bà ngồi bên nhau suốt đêm, điều gì xảy ra ? Nếu quan hệ giữa Musset và George vẫn mặn nồng như ngày mới quen thì không nói gì, còn bây giờ George muốn trả cái hận bị Musset ruồng bỏ, ông ăn chả thì bà cũng có quyền ăn nem.

Chàng thi sĩ cành hoa đẹp

Ta muốn uống nhụy mật của chàng

Nhụy đã làm ta say, nhụy đã đầu độc ta

Và trong một ngày giận dỗi

Ta đã tìm một chất độc khác để kết liễu đời ta.

Tình cờ Pagello đọc tờ giấy có ghi những dòng chữ đó trên bàn, ông không hiểu. Một ngày kia, Pagello hỏi George :

         – Hình như bà định viết một quyển tiểu thuyết về thành phố Venise thơ mộng này ?

Nàng trả lời :

         – Có lẽ thế.

George ấm ức, nàng ngồi vào bàn viết liền một mạch. Một giờ sau, nàng đưa tờ giấy cho bác sĩ Pagello. Ông vẫn chưa hiểu người đàn bà muốn nói gì.

– Bà muốn nhờ tôi trao tờ giấy này cho ai ?

– Cho tên Pagello ngu xuẩn !

Anh bác sĩ tròn mắt đọc :

   “Em ở gần chàng như bức tượng phai mờ, em nhìn chàng ngạc nhiên, đầy thèm muốn, lo âu… Đối với em, chàng sẽ là một nơi nương tựa hay một người chủ ? Chàng có an ủi được những đau khổ em đã gánh chịu trước khi gặp chàng ? Chàng không phải là một người đàn ông ư? Trong lồng ngực khỏe mạnh, trong đôi mắt sáng và vầng trán thông minh kia, chàng ấp ủ những gì ? Ban đêm trong giấc ngủ, chàng có mơ thấy mình bay tận lên trời không ? Khi bị người ta làm cho đau khổ, chàng có cầu cứu đến Chúa Trời không ? Em sẽ là bạn hay nô lệ của chàng ? Chàng có yêu, có thèm muốn em không ? Khi đã thỏa mãn, chàng sẽ cám ơn em ? Khi em làm chàng sung sướng, chàng sẽ nói cho em biết ? Những lạc thú ái tình sẽ làm chàng mệt mỏi, chán ngán, hay chàng sẽ hưởng chung một sự đam mê thần tiên ? Hồn chàng có còn liền với xác khi chàng rời bỏ bộ ngực của người yêu ?

Những dòng chữ đầy những dấu chấm hỏi của George giống như các cánh tay rờ rẫm từng sợi dây thần kinh trong óc Pagello, nó làm cho người đàn ông này rùng mình. Dẫu thời đại văn minh và là thời kỳ lãng mạn, con người thoát lên trên những ràng buộc của đời thường, song bác sĩ Pagello cũng hơi choáng một lát, tuy nhiên, một người Ý  như ông- không lẩn trốn.

Ông biến ra công trường Saint Marc, chui vào một quán nhạc, gọi café và hút liên tiếp mấy điếu thuốc. Sau khi suy tính một lúc, ông trở lại phòng của George, trả lời những câu hỏi nóng bỏng đó. Không biết ông nói thế nào mà George đã ngã vào vòng tay của ông. Đằng kia, Musset nằm vật vã với cơn sốt, trong giấc mơ mệt nhọc chàng thấy mình nắm tay George chạy len lỏi dưới hàng cây trong khu rừng ở Fontainebleau, hai người cười vang rồi ngã chồng lên nhau trên bãi cỏ, nụ hôn nhốt tiếng cười trong hai lồng ngực. Nhưng bầu trời đột nhiên tối sầm, sấm sét nổ ầm từng cơn. Musset thấy tự nhiên George biến đâu mất, những hàng cây xoay tít, phết những màu xanh màu vàng lên không gian đen đậm. Musset chới với huơ tay chụp những chiếc bong bóng trong suốt như phalê, bay chập chờn trước mắt chàng.

Bất chợt, Musset thấy mình đang ngồi trong một quán rượu, vòng tay siết chặt thân thể một người đàn bà xa lạ …

Mấy ngày sau, bệnh tình thuyên giảm, Musset lờ mờ hiểu được những gì xảy ra chung quanh, chàng biết mình xuống dốc trầm trọng và chàng vẫn còn yêu George, yêu đến điên cuồng. Musset nài nỉ George:

– Hãy trở về với anh, anh nguyện sẽ hối cải. Anh nguyền sẽ yêu em …

Đêm nọ, thấy đèn phòng của George còn sáng, Musset nhẹ nhàng bước vào, bắt gặp nàng đang viết thư tình cho Pagello. Chàng cầm tờ giấy lên đọc, nhưng George vội vàng giật lại, xé thư rồi quăng ra cửa sổ. Sáng hôm sau, lúc hừng đông, Musset thấy nàng mặt áo ngủ, xuống kiếm những mảnh giấy vụn của bức thư trên lề đường. Musset nhìn dáng dấp loay hoay, khuôn mặt thẩn thờ của nàng mà lòng đau khôn tả. Chàng chống tay lên thành cửa sổ, chồm người ra hét lớn, giọng mỉa mai :

– Em không tìm được chúng đâu. Gió đã quét đi cả rồi.

George giật mình ngước lên phía cửa sổ, rồi bỏ chạy, nhảy lên một con thuyền. Người chủ thuyền chưa kịp tháo dây, rời bến thì Musset đã tới nơi, chàng nhảy xuống ngồi kế bên George. Hai người im lặng.

– Thưa ông bà, chúng ta đi đâu ạ ?

– Nghĩa địa Do Thái – George lên tiếng.

Con thuyền lướt lên dòng kênh đen, xuôi mái về hạ nguồn qua lâu đài Calergi (ngày nay là đài vô tuyến truyền thanh và truyền hình Venise ). Đến nơi, George như điên cuồng, chạy ôm từng phiến đá trên nấm mồ thổn thức khóc… rồi thú thật với Musset rằng nàng đang yêu Pagello.

Musset giận tím người, cơn ghen bốc cháy trong đầu khiến chàng choáng váng. Chàng cố gắng kìm hãm những lời nói thô tục sắp sửa bắn vọt ra cửa miệng. Musset vuốt ve bờ vai đang run rẩy của George, thở dài.

Lúc trở về khách sạn Danieli, George vẫn cứ giọng điệu điên cuồng, nàng rên rỉ :

– Tôi yêu Pagello, tôi khẳng định là yêu.

Musset chịu hết nổi, chàng gằn giọng nguyền rủa:

– Tao sẽ đặt lên mộ mày một tấm mộ bia có thể làm xanh mặt những ai đọc nó.

Musset làm dữ, gây náo loạn cả khách sạn, đòi thách Pagello đấu gươm, đòi bẻ họng George … Nàng cũng không vừa, đêm đó George đe dọa sẽ nốc cạn một chai thuốc độc. Sau cùng, Musset đấu dịu, chịu thua và cuốn hành lý trở về quê hương, bỏ George lại thành phố Venise ngập ánh nắng vàng và người tình ngốc nghếch của nàng.

Chàng viết thư gửi mẹ: “Con sẽ đem về cho mẹ một tấm thân bệnh hoạn, một tâm hồn sa đọa, một con tim rướm máu nhưng vẫn còn thương mẹ”.

Giới nghệ sĩ ở Pháp thời bấy giờ sống ở trên tất cả những quy phạm của xã hội. Chủ nghĩa lãng mạn đã kêu gọi họ tiến lên, sống hết mình và nhiệm vụ vinh quang của họ là xả thân cho nghệ thuật. Cái quan trọng mà người đời cần là tác phẩm của họ, còn đời tư, xin một sự cúi đầu lảng tránh, hãy để họ sống, yêu và quyết định cuộc đời họ.

Mặc dù ở hai phương trời, nhưng Musset và George vẫn viết thư cho nhau:

“Tội nghiệp cho em ! Em đã lầm, em tưởng em là người yêu của anh, nhưng thật ra em chỉ là một người mẹ. Trời đã sinh ra hai chúng mình để gặp nhau như hai con chim núi bay sà vào nhau, nhưng vòng tay ôm đã quá mạnh. Chúng mình đã phạm loạn luân rồi …”

Và Musset trả lời :

“Em đã là một người yêu hay người mẹ của anh, điều đó không cần ! Dù em đã đối với anh bằng tình yêu hay tình bạn, dù em đã sung sướng hay đã khổ bên anh, tất cả điều đó cũng không làm em thay đổi tâm hồn hiện nay.”

Thật vậy ! Lúc này Pagello là trên hết. Nàng là tất cả của Pagello, “một thiên thần đầy đức tin, đáng được hưởng hạnh phúc”, một người biết tôn trọng nỗi buồn kinh niên của nàng một cách thiêng liêng.

Và George viết tiếp cho Musset :

“Em đã trải qua những giờ phúc êm đềm nhất với Pagello khi nhắc nhở đến anh”…Alfred buồn như đưa đám. Chàng thường lui tới đường Malaquais, nơi đã hưởng những hạnh phúc hoa mộng buổi đầu với George. Chàng tìm hút một tàn thuốc của George còn sót lại trong phòng của nàng, lấy một chiếc lược gãy đã đôi lần vuốt ve mái tóc đen huyền của nàng để về ôm ấp, mộng mơ.

Tháng 8 năm 1834, George trở về Paris, mang theo người tình đau khổ Pagello. Nàng mướn một căn phòng ở khách sạn Orléans. Theo đúng tinh thần lãng mạn, tư duy “hiện đại” của những con người làm nghệ thuật, Musset và George gặp nhau, hẹn hò và yêu đương như thuở ban đầu. Lúc đó, vị bác sĩ của thành Venise, một người sống cho khoa học tự nhiên, không còn hiểu tình đời ra sao nữa. Ông đã ngoan ngoãn bỏ cuộc, tách xa người đàn bà có “cặp mắt sơn miêu”. Con người thiếu chất lãng mạn này đâm ra đau khổ, nhưng ông vẫn là người ít đau khổ nhất trong ba người. Trở về nước Italia, Pagello bỏ lại đôi nhân tình kỳ lạ, cấu xé nhau, yêu nhau rồi xa nhau, tìm gặp nhau, đày đọa nhau, khóc lóc rồi la hét, nổi điên rồi muốn tự tử. George cắt mái tóc đẹp của nàng để chứng tỏ mối tình chân thật với Musset. Còn chàng thì như một võ sĩ qua nhiều lần lên võ đài, chàng thấm mệt và cảm thấy lòng đam mê của mình nguội lạnh dần.

Bản tình ca đến giai đoạn cao trào, cuộn dâng những âm thanh mãnh liệt, cuốn trôi hai tâm hồn vào một thế giới mơ hoa để rồi chấm dứt bằng một hợp âm nghịch. Chàng và nàng xa nhau thật sự.

Tháng 3 năm 1835, George thu hết can đảm, chạy trốn về Nohant, và Alfred không theo nàng. Chàng không buồn cất một lời gọi lại. Nhưng tình yêu đã biến thành những vần thơ sầu thảm của chàng nghệ sĩ Musset :

“Xấu hổ cho mi người đàn bà đầu tiên

Đã dạy cho ta sự phản bội

Xấu hổ cho mi, người đàn bà có đôi mắt u ám

Mà mối tình thảm hại

Đã chôn vùi trong bóng tối

mùa xuân và những ngày đẹp nhất của ta.”

Và George trả lời :

“Thôi đủ rồi, nhà thơ ơi. Bên cạnh một kẻ bội tình

Khi những ảo ảnh của nàng chỉ kéo có một ngày

Đừng nguyền rủa ngày đó khi nói đến nàng

Nếu muốn được yêu, hãy kính trọng tình yêu.”

Musset đã là quá khứ của nữ tiểu thuyết gia George Sand, nàng đã sang một bến bờ tình ái khác. Giờ đây, nàng mới nhớ đến người chồng cũ của nàng, nhớ đến hai đứa con, nhưng nàng vẫn như con thiêu thân lao đầu vào ánh sáng ái tình hư ảo. Trong vòng một năm, sau khi xa Musset nàng say sưa với những mối tình mới, hờ hững và chóng qua.

George cảm thấy mệt mỏi, đau khổ, nàng muốn xa lánh tất cả những người đàn ông để hàn gắn vết thương lòng đầy nhục cảm tội lỗi của nàng. Nhưng đối với một người viết văn, chỉ có cái chết mới làm họ hết yêu và George lại sang trang tình sử khác. Một giọng văn mới cho cuộc tình mới của nàng bắt đầu …

(*): trích từ YEUVIETNAM.COM.

Sau khi Musset chết năm 47 tuổi, bà viết lại chuyện tình của họ.

Năm 1838, George Sand 34 tuổi gặp nhạc sĩ Ba Lan thiên tài Fédéric Chopin 28 tuổi. Hai người rất ngưỡng mộ tài nhau. George Sand rất yêu thương Chopin, đúng vào lúc bệnh lao phổi của Chopin bắt đầu chớm phát. Càng ngày sức khoẻ của Chopin càng yếu kém vì làm việc quá say mê, không để ý đến sức khỏe, không kể giờ giấc, trong những điều kiện khó khăn của mùa đông giá lạnh, khi soạn 24 bài nhạc hoà tấu opéra. Sand luôn luôn ở bên cạnh săn sóc, với tất cả tinh thần hy sinh không điều kiện. Khi trở lại Pháp, Chopin đã lành bệnh lấy lại sức khoẻ. Từ năm 1839 đến năm 1846, suốt thời gian này, Chopin ở đồng quê Nohant trong lâu đài lộng lẫy của George Sand. Đây là thời gian sống hạnh phúc giữa hai người. Niềm đam mê trong tình yêu đã tạo hứng khởi cho Chopin, ông đã viết lên những bản nhạc bất hủ như: La Polonaise Héroique, Ballade số 4, la Barcarolle, les dernières Valses…

(*) //www.vantuyen.net/index

Truyện ngắn

Bố của Simon

Le Papa de Simon

Tác giả: Guy de Maupassant

Dịch giả: Lê Hồng Sâm

Chuông báo trưa vừa dứt. Cửa trường mở, và bọn trẻ con chen lấn nhau ùa ra cho nhanh. Nhưng chúng không mau tản mát về nhà ăn trưa như mọi ngày mà còn dừng lại, cách đó vài bước, tụ tập thành nhóm, thì thào to nhỏ.

Chẳng là sáng nay, Simon, thằng con nhà chị Blanchotte lần đầu tiên đến lớp học.

Ở nhà chúng đều đã từng nghe nói đến chị Blanchotte; và mặc dù ngoài chốn công chúng, người ta niềm nở với chị nhưng riêng giữa các bà mẹ với nhau thì cách các bà mẹ đối đãi với chị có cái vẻ ái ngại hơi khinh miệt, điều này lan sang cả những đứa trẻ tuy chúng chẳng hiểu vì sao.

Còn về Simon thì chúng không quen biết nó, vì nó không đi chơi bao giờ, và không lêu lổng với chúng ngoài đường làng hoặc trên bờ sông. Bởi vậy chúng chẳng ưa nó cho lắm; và chúng vừa thinh thích vừa hết sức ngạc nhiên đón nghe và truyền lại cho nhau câu nói của một thằng mười bốn mười lăm tuổi, thằng này xem chừng am hiểu nhiều điều vì nó cứ nhay nháy mắt một cách tinh ranh:

-Chúng mày biết chứ…thằng Simon……này, nó không có bố đâu nhé.

Đến lượt thằng bé con chị Blanchotte xuất hiện trên thềm nhà trường. Nó độ bảy tám tuổi, hơi xanh xao, rất sạch sẽ và nhút nhát, gần như vụng dại.

Nó định về nhà thì tốp các bạn học của nó vẫn cứ thì thào vừa nhìn nó với cặp mắt ranh mãnh và tai ác của những đứa trẻ đang nghiền ngẫm một vố gì xấu, xúm quanh nó dần dần và cuối cùng thì vây hẳn lấy nó. Nó đứng ngây ra giữa bọn chúng, ngạc nhiên và lúng túng không hiểu người ta sắp làm gì mình. Nhưng cái thằng vừa đưa tin ra, hãnh diện vì đã được hoan nghênh, hỏi nó:

-Mày tên gì?

Nó trả lời:

-Simon.

-Simon gì? – Thằng bé kia hỏi tiếp.

Chú bé nhắc lại, hết sức bối rối:

-Simon.

Thằng kia hét lên với chú:

-Người ta tên là Simon gì kia….Simon… thế cóc phải là tên…

Và chú, sắp phát khóc trả lời lần thứ ba:

-Tớ tên là Simon.

Tụi trẻ cười. Thằng kia đắc thắng cất cao giọng:

-Chúng mày thấy rõ là nó không có bố nhé.

Tất cả lặng ngắt. Những đứa trẻ kinh ngạc vì cái điều kỳ dị, quái đản, không thể có được ấy – một thằng bé không có bố; chúng nhìn em như một hiện tượng kì quái, một sinh vật ngoài lề của tạo hoá và chúng cảm thấy lớn lên trong chúng niềm khinh bỉ – cho đến bấy giờ chưa giải thích nổi – như mẹ của chúng đối với chị Blanchotte.

Còn Simon, em tựa mình vào một thân cây cho khỏi ngã và em như rụng rời vì một tai hoạ không phương cứu chữa. Em tìm cách bày tỏ. Nhưng em chẳng kiếm nổi điều gì để trả lời chúng nó, để cải chính cái điều ghê gớm là em không có bố. Cuối cùng, người nhợt nhạt, em kêu hú hoạ với chúng.

-Có, tao có bố.

Thằng kia hỏi:

-Bố mày đâu?

Simon im bặt; em không biết. Bọn trẻ cười rất kích động; và những đứa con của ruộng đồng này, chúng gần gũi với súc vật hơn, chúng cảm thấy cái nhu cầu tàn ác thúc đẩy những con gà trong sân chăn nuôi kết liễu hẳn một con trong bầy khi con này vừa bị thương. Bỗng Simon chợt thấy thằng bé hàng xóm, con một bà goá, em vẫn thấy thằng này, y như em, lúc nào cũng thui thủi một mình với mẹ. Em nói:

-Thế cả mày nữa, mày cũng không có bố.

Thằng kia đáp:

– Có chứ, tao có bố.

Simon vặn :

-Bố mày đâu ?

-Bố tao chết rồi – Thằng bé kia tuyên bố hết sức tự hào – Bố tao ở ngoài nghĩa địa ấy.

Một tiếng rì rào tán thưởng nổi lên giữa đám trẻ, dường như cái sự kiện có bố chết ở ngoài nghĩa địa đã làm cho bạn chúng lớn cao lên để đè bẹp cái thằng kia chẳng có bố gì hết. Và bọn lau nhau này, mà những người bố phần lớn đều hung ác, rượu chè, trộm cắp, và nghiệt ngã với vợ, chúng cứ chen chúc xích gần nhau thêm mãi dường như chúng, những kẻ hợp pháp muốn bóp nghẹt cái đứa ở ngoài vòng luật lệ.

Bất thình lình, một đứa ở sát Simon, bỗng thè lưỡi ra một cách tinh quái và hét lên với em: “Không có bố! Không có bố!”.

Simon túm lấy tóc nó bằng cả hai tay và đá liên hồi vào chân nó, trong khi nó cắn nghiến vào má chú. Có một sự vật lộn kinh khủng. Hai đấu sỹ được lôi rời nhau ra, và Simon bị đánh tơi tả, ê ẩm, lăn lóc dưới đất, ở giữa tụi trẻ đứng quây tròn, reo hò hoan hô. Thấy em vừa dậy vừa lấy tay phủi một cách máy móc chiếc áo khoác nhỏ lấm bụi bê bết, một đứa nào đó hét lên bảo em:

-Về nói với bố mày ấy.

Thế là em cảm thấy trong lòng có một sự sụp đổ ghê gớm. Chúng nó khỏe hơn em, chúng đã đánh đập em và em không thể nào chống lại chúng được vì em cảm thấy rõ là quả thật em không có bố. Đầy kiêu hãnh, em cố tranh đấu vài giây với những giọt nước mắt làm em nghẹn thở. Em ứ lên một cái, rồi không gào thét, em khóc nấc lên từng hồi dài khiến người rung lên nức nở .

Thế là một niềm thích thú dữ tợn bung lên trong các địch thủ của em, và tự nhiên, cũng như những người man rợ trong các cơn vui kinh khủng của họ, chúng nắm lấy tay nhau, vừa nhảy nhót vòng quanh em, vừa lặp đi lặp lại một điệp khúc: “Không có bố! Không có bố!”.

Nhưng bất thình lình Simon nín khóc. Một cơn điên khùng khiến em cuồng dại. Dưới chân em có đá; em nhặt lên và lấy hết sức mình ném vào những kẻ hành hạ em. Hai ba đứa gì đó bị ném trúng, vừa kêu vừa bỏ chạy; và trông em dữ dội đến mức những đứa khác phát hoảng. Hèn nhát, hệt như đám đông bao giờ cũng hèn nhát trước một người phẫn nộ, chúng bỏ trốn toán loạn.

Còn lại một mình, em bé không có bố chạy về phía các cánh đồng, vì em chợt nhớ một kỷ niệm, khiến trong óc em nảy ra một quyết định lớn. Em muốn gieo mình xuống sông cho chết đuối.

Quả thực em nhớ lại cách đây tám ngày, một kẻ khốn khó vẫn đi ăn xin đã trẫm mình ở sông vì không còn tiền. Simon có mặt ở đấy lúc người ta vớt bác ta lên và cái nhà bác tội nghiệp thường ngày em vẫn thấy thiểu não, bẩn thỉu và xấu xí, lúc đó đã khiến em sửng sốt vì cái vẻ an tĩnh của bác với bộ mặt xanh tái, với chòm râu dài, ướt, và cặp mắt mở, rất bình thản. Xung quanh họ bảo: “Hắn chết rồi”. Một người nào đó nói thêm: “Bây giờ hắn thật sung sướng”. Và Simon cũng muốn trẫm mình vì em không có bố, cũng như cái bác khốn khổ kia, bác ta không có tiền.

Em đến sát bên mặt nước và nhìn nước chảy. Vài con cá lội loăng quăng, thoăn thoắt, giữa giòng nước trong, lúc lúc lại khẽ nhảy lên đớp những con ruồi lượn trên mặt sông. Em nín khóc để xem cá, vì em rất thích cái trò của chúng. Nhưng thỉnh thoảng cũng như giữa lúc bão lặng bỗng dội lên từng cơn gió mạnh rung chuyển cây cối rồi tan đi mãi chốn chân trời, cái ý nghĩ này lại trở về với em, đau nhói: “Mình sẽ nhảy xuống sông cho chết đuối vì mình không có bố”.

Trời rất ấm, rất dễ chịu. Ánh nắng êm đềm sưởi ấm cỏ. Nước lấp lánh như gương. Và Simon có những phút giây khoan khoái, có cái cảm giác uể oải thường theo sau khi khóc lóc, em rất thèm được nằm ngủ ở đây, trên mặt cỏ, dưới nắng ấm.

Một chú nhái con màu xanh lục nhảy dưới chân em. Em định bắt nó. Nó thoát được. Em đuổi theo nó và vồ hụt ba lần liền. Cuối cùng em tóm lấy hai đầu chân sau của nó và em bật cười nhìn con vật cố giấy giụa thoát thân. Nó thu mình lại trên đôi cẳng lớn, rồi bật phắt lên ……

Em chẳng nghĩ nữa, em chẳng nhìn thấy gì nữa và em chỉ khóc mà thôi.

Bỗng nhiên một bàn tay chắc nịch đặt lên vai em và một giọng ồm ồm hỏi em:

– Có điều gì làm chú buồn phiền nhiều đến thế, chú bé?

Simon quay lại.Một bác thợ cao lớn, râu tóc đen, quăn đang nhìn chú với vẻ nhân hậu. Chú trả lời, mắt đẫm lệ, giọng đầy nước mắt:

-Chúng nó đánh cháu… vì.. cháu… cháu… không có…. bố… không có bố.

-Sao thế cháu – người đàn ông mỉm cười bảo – ai mà chẳng có bố.

Em bé nói tiếp một cách khó khăn, giữa những cơn nấc giật buồn tủi:

-Cháu…cháu không có bố.

Bác thợ bỗng nghiêm mặt lại; bác nhận ra thằng bé con nhà chị Blanchotte, và mặc dù mới đến vùng này, bác cũng đã mong manh biết chuyện chị. Bác nói:

-Thôi nào, nguôi nào, cháu bé, rồi đi với chú về nhà mẹ. Người ta sẽ cho cháu… một ông bố.

Họ lên đường, người lớn dắt tay người bé và bác đàn ông lại mỉm cười vì bác chằng hề phật ý đến gặp chị Blanchotte, nghe đồn chị là một trong những cô gái đẹp nhất vùng, và trong thâm tâm bác cũng tự nhủ thầm rằng một tuổi xuân đã lầm lỡ rất có thể lỡ lầm nữa.

Họ đến trước một ngôi nhà nhỏ, quét vôi trắng, hết sức sạch sẽ.

Đứa trẻ nói:

– Đây rồi.- Và em gọi to : – Mẹ ơi!

Một thiếu phụ xuất hiện và người thợ bỗng tắt nụ cười, vì bác hiểu ra ngay là không bỡn cợt được nữa với cô gái cao lớn, xanh xao, đứng nghiêm nghị trước cửa nhà mình, như muốn cấm đàn ông bước lên thềm ngôi nhà nơi cô đã bị một kẻ khác lừa dối. E dè, bỏ mũ cầm tay, bác ấp úng:

-Đây thưa bà, tôi dắt về trả bà cháu bé bị lạc ở gần sông.

Nhưng Simon nhảy lên ôm lấy cổ mẹ và vừa nói với mẹ, vừa khóc trở lại:

-Không mẹ ạ, con muốn nhảy xuống sông cho chết đuối, vì chúng nó đánh con… đánh con… tại con không có bố.

Hai má thiếu phụ đỏ ửng và tê tái đến tận xương tuỷ, chị ôm con hôn ấy hôn để, trong khi nước mắt lã chã tuôn rơi. Người đàn ông xúc động vẫn đứng đó, không biết bỏ đi thế nào cho phải. Nhưng Simon bỗng chạy đến bên bác, nói với bác:

-Chú có muốn làm bố cháu không ạ.

Im bặt như tờ. Chị Blanchotte lặng ngắt và quằn quại vì hổ thẹn, dựa người vào tường, hai tay ôm lấy ngực. Thấy người ta không trả lời mình, em bé nói tiếp:

-Nếu chú không muốn, cháu quay trở lại sông cho chết đuối.

Bác thợ coi như chuyện đùa và cười đáp:

-Có chứ, chú muốn vậy.

Em bé liền hỏi:

-Thế chú tên là gì, để cháu trả lời chúng nó khi chúng nó muốn biết tên chú.

-Philip.- Người đàn ông đáp.

Simon im lặng một giây, để ghi nhớ cái tên ấy trong óc, rồi, hoàn toàn khuây khoả, em chìa hai tay nói:

-Thế nhé! Chú Philip, chú là bố cháu đấy.

Bác thợ nhấc bổng em lên, đột ngột hôn vào hai má em, rồi sải từng bước dài, rút lui rất nhanh.

Ngày hôm sau, khi em đến trường, một tràng cười ác ý đón em, và lúc tan học, khi thằng kia muốn lặp lại chuyện cũ, Simon ném vào mặt nó những lời nói này, như ném một hòn đá:

-Bố tao ấy, bố tao tên là Philip.

Tứ phía bật lên những tiếng la hét thích thú:

– Philip là gì?… Philip nào? … Philip là cái gì?…mày lấy ở đâu ra Philip của mày thế?

Simon không trả lời gì hết; và một mực tin tưởng sắt đá, em đưa mắt thách thức chúng, sẵn sàng chịu hành hạ còn hơn là trốn chạy chúng. Thầy giáo giải thoát cho em và em trở về với mẹ.

Suốt ba tháng ròng, bác thợ cao lớn thường tạt qua nhà chị Blanchotte, và đôi khi bác đánh bạo nói chuyện với chị, khi thấy chị ngồi khâu bên cửa sổ. Chị trả lời bác nhã nhặn, lúc nào cũng nghiêm trang, chẳng bao giờ cười với bác và không bao giờ để bác vào nhà. Tuy nhiên, cũng hợm mình đôi chút như mọi người đàn ông, bác cứ tưởng tượng rằng chị hay đỏ mặt hơn thường lệ, mỗi khi trò chuyện với bác.

Nhưng một thanh danh đã bị mai một thật khó mà gây dựng lại và cũng rất đỗi mong manh, đến mức, mặc dù chị Blanchotte ngại ngùng giữ gìn, trong vùng đã thấy đồn đại.

Còn về Simon thì em rất yêu ông bố này và hầu như chiều nào, xong việc em cũng đi chơi với bố. Em đến trường đều đặn và đi qua giữa các bạn học, hết sức đàng hoàng, không bao giờ đáp lại chúng.

Thế mà một hôm cái thằng khốn nạn đã tấn công em đầu tiên bảo với em:

-Mày nói dối, mày chẳng có bố nào tên là Philip.

-Sao lại thế? – Simon rất xúc động hỏi.

Thằng kia xoa hai tay vào nhau. Nó tiếp:

-Bởi vì nếu mày có bố thì ông ấy phải là chồng của mẹ mày.

Simon mất bình tĩnh trước tính chính xác của lập luận ấy, tuy vậy em vẫn trả lời:

-Nhưng cứ là bố của tớ.

Thằng kia cười khẩy bảo :

-Có thể lắm, nhưng không phải bố của mày hẳn hoi.

Chú bé con chị Blanchotte cúi đầu xuống và vừa mơ màng vừa đi về phía lò rèn của cụ Loison, nơi bác Philip làm việc.

Cái lò rèn này như ẩn mình dưới bóng cây. Bên trong rất tối, chỉ có ánh lửa đỏ của một cái lò cực lớn bập bùng chiếu sáng năm bác thợ rèn để cánh tay trần đang nện xuống đe ầm ầm dữ dội. Họ đứng, hứng ánh sáng đỏ như quỷ thần, mắt nhìn chăm chăm vào thanh sắt nóng bỏng mình đang khảo đả; và niềm suy tưởng nặng nề của họ lên xuống theo nhịp búa.

Simon vào, không ai trông thấy, và em rón rén đến kéo áo bác thợ. Bác quay lại. Công việc bỗng dừng, cả mấy người đàn ông cùng nhìn, hết sức chăm chú.

Thế là, giữa sự im lặng bất thường đó, cất lên giọng nói nhỏ nhẹ của Simon:

-Bố Philip này, lúc nãy thằng con bác Michot bảo con rằng bố không phải là bố của con hẳn hoi.

Bác thợ hỏi:

-Sao lại thế?

Chú bé trả lời với tất cả sự ngây thơ của chú:

-Vì bố không phải là chồng của mẹ.

Không ai cười hết. Philip vẫn đứng, trán úp vào mu những bàn tay to lớn tỳ ở cán búa dựng trên đe. Bác mơ màng. Bốn người bạn nhìn bác, và bé tí xíu giữa những vị khổng lồ này, Simon lo lắng chờ đợi. Đột nhiên bác thợ rèn lớn tuổi nhất, đáp ứng ý nghĩ của tất cả mọi người nói với Philip:

-Dù thế nào, Blanchotte vẫn là một cô gái tốt bụng, trung hậu và mặc dầu gặp chuyện không hay, vẫn can đảm và nền nếp, cô ấy sẽ là một người vợ xứng đáng, với một người đàn ông tử tế.

-Đúng như vậy- Ba người kia nói.

Bác thợ tiếp:

-Cái cô gái ấy, nếu có lầm lỡ, thì lỗi ở cô chăng? Họ hứa sẽ cưới cô, và tôi biết khối bà khác giờ đây rất được coi trọng cũng từng làm như thế.

-Đúng như vậy. – Ba người đàn ông đồng thanh đáp .

Bác lại tiếp:

-Thật tội nghiệp, cô ta đã vất vả biết bao nhiêu để một mình nuôi dạy con và đã khóc biết bao nhiêu từ cái ngày chỉ bước ra khỏi nhà để đến nhà thờ, những điều ấy chỉ có riêng Chúa biết mà thôi.

-Cũng lại đúng như vậy – Những người khác nói .

Thế là người ta chỉ còn nghe thấy tiếng bễ thổi lửa trong lò. Philip đột ngột cúi xuống với Simon:

          – Về bảo với mẹ là tối nay bố sẽ đến nói chuyện với mẹ.

Rồi bác nắm vai em bé đẩy ra ngoài.

Bác trở lại với công việc, và năm lưỡi búa nện xuống đe cùng một nhát đập. Họ cứ rèn như vậy cho đến tối, mạnh mẽ, tươi vui, cũng như những lưỡi búa hài lòng thoả mãn. Và giống quả chuông lớn tiếng trầm của một ngôi nhà thờ, trong các ngày lễ vang dội lên trên tiếng reo của những quả chuông khác, lưỡi búa của Philip cũng vậy, nó át tiếng ầm ầm của những lưỡi búa khác, và cứ từng giây lại giáng xuống rộn ràng inh ỏi. Và bác, mắt sáng rực, đứng giữa các tia lửa, rèn rất say sưa.

Trời đầy sao khi bác đến gõ cửa nhà chị Blanchotte. Bác mặc áo khoác ngày chủ nhật, sơ mi mới và râu tóc đã sửa sang. Thiếu phụ bước ra thềm và bảo bác vẻ phiền muộn:

-Thưa ông Philip, ông đến lúc đêm hôm thế này quả thực không phải lắm.

Bác muốn trả lời, bác ấp úng và bối rối đứng trước chị. Chị tiếp :

-Mà ông cũng biết rằng không nên để người ta bàn tán về tôi nữa.

Thế là bác nói, hết sức đột ngột:

-Thì có sao đâu nếu cô chịu làm vợ tôi!

Không ai trả lời bác, nhưng bác tưởng tượng như trong bóng tối căn phòng, có người gục xuống. Bác bước vào thật nhanh: và Simon nằm trên giường, nghe thấy tiếng hôn và mấy lời mẹ thì thầm rất khẽ. Rồi đột nhiên, em thấy mình được bế bổng lên trong tay bác và bác nhấc bổng em trên hai cánh tay hộ pháp, hét lên bảo em:

-Nói với các bạn học của con rằng bố con là Philip Remy, bác thợ rèn, và bố sẽ kéo tai tất cả những đứa nào bắt nạt con.

Ngày hôm sau, thấy trường đã đông chật và giờ học sắp bắt đầu, Simon đứng dậy, mặt tái nhợt, môi run run: “Bố tớ ấy, – em nói rành rọt, – bố tớ là Philip Remy, bác thợ rèn, và bố tớ hứa sẽ kéo tai tất cả những đứa nào bắt nạt tớ”.

Lần này chẳng người nào cười nữa, vì cái nhà bác Philip Remy, thợ rèn, thì biết rõ lắm rồi, và đấy thật là một ông bố, mà ai có được cũng phải lấy làm tự hào .

Chiếc lá cuối cùng

(nguyên tác The Last Leaf của O’ Henry)

Trong một khu nhỏ ở phía Tây quảng trường Washington, đường phố chạy ngoằn ngoèo và tự cắt thành những mảnh nhỏ gọi là “biệt khu”. Những “biệt khu” này tạo thành những góc và đường lượn kì lạ. Mỗi con phố tự cắt một hoặc hai lần. Một dạo, có nghệ sĩ đã khám phá ra khả năng hữu ích của con phố này. Thử hình dung, một người khi thu hoá đơn tiền sơn, tiền giấy và tiền vải vẽ đi qua phố ấy, bỗng nhiên nhận thấy mình quay lại mà chưa thu được lấy một xu nào.

Vậy nên chẳng mấy chốc cánh nghệ sĩ đổ xô dến ngôi làng Greenwich cổ kính kì quặc đó, săn tìm những cửa sổ phía Bắc, những đầu hồi thế kỉ thứ mười tám và những căn phòng áp mái kiểu Hà Lan với giá thuê rẻ. Rồi họ nhập khẩu vài cái xô chậu đúc bằng hợp kim chì và thiếc, một hoặc hai cái bếp lẩu từ đại lộ Thứ Sáu rồi hình thành nên “khu hoạ sĩ”.

Áp mái toà nhà gạch ba tầng thấp tịt, Sue và Johnsy có một xưởng vẽ. Johnsy là tên gọi thân mật của Joanna. Một người từ Maine đến, còn người kia đến từ California.

            Họ gặp nhau tại Table d’hôte trong tiệm Delmonico trên phố Thứ Tám và nhận thấy có cùng sở thích về nghệ thuật, về món salad rau diếp, về kiểu ống tay áo ngoài rộng và hợp nhau đến nỗi kết quả là một xưởng vẽ chung ra đời.

Dạo ấy là vào tháng Năm. Tháng Mười một, gã khách lạ chưa hề được thấy mặt, lạnh lẽo, mà bác sĩ gọi là gã Viêm Phổi, rình rập đến khu hoạ sĩ, thỉnh thoảng vươn những ngón tay lạnh buốt của mình chạm vào ai đó. Khắp mạn Ðông, kẻ hủy diệt ấy hùng dũng bước đi, quật ngã hàng chục nạn nhân; nhưng khi qua những “biệt khu” đầy rêu và những con phố hẹp loằng ngoằng, bàn chân gã bước đi dè dặt.

Ngài Viêm Phổi không thuộc hàng chính nhân quân tử. Một phụ nữ mảnh mai, máu kiệt dần bởi những cơn gió Tây miền California khó có thể là đối thủ chính đáng của gã đần có nắm đấm đỏ, thở dốc, già nua kia. Nhưng gã vẫn quật ngã Johnsy; cô nằm, hầu như không động đậy trên chiếc giường sắt sơn của mình, nhìn qua những ô kính cửa sổ nhỏ kiểu Hà Lan lên bức tường trống trơn của ngôi nhà gạch đối diện.

Sáng nọ, ông bác sĩ có đôi mày rậm, đốm bạc gọi Sue ra hành lang.

– Ta có thể nói cơ hội sống của cô ấy chỉ còn lại một phần mười, – ông nói khi lắc nhiệt kế để thuỷ ngân hạ xuống. – Nhưng cái phần đó còn phụ thuộc vào việc cô ấy có muốn sống nữa hay không. Cái kiểu con người cứ sắp hàng bên cạnh ông chủ nhà hòm như thế thì thuốc men cũng chẳng có nghĩa lí gì. Cô bạn bé nhỏ của cô đã nghĩ rằng mình sẽ không bình phục nữa. Cô ấy có điều gì vướng mắc trong đầu không?

– Bạn ấy – bạn ấy mong ước có ngày vẽ được vịnh Naples, – Sue đáp.

– Vẽ ư? Hừ! Cô ấy không có điều gì đáng để bận tâm gấp bội lần hơn ư? – một chàng trai, chẳng hạn?

– Một chàng trai à? – Sue nói, cao giọng như thể tiếng đàn chợt buông dây. – Một người đàn ông thì tốt ư? Nhưng, không, thưa bác sĩ, không có chuyện đó đâu.

– À, vậy ra chỉ tại yếu thôi, – bác sĩ nói. – Tôi sẽ cố hết sức chữa chạy bằng tất cả vốn liếng y học của mình. Nhưng một khi bệnh nhận bắt đầu tính có bao nhiêu xe dự tang lễ của mình thì tôi phải trừ đi năm mươi phần trăm công hiệu cứu chữa của thuốc men. Nếu cô có thể làm cho cô ấy hỏi về những mốt mới mùa đông, tay áo chẳng hạn, thì tôi chắc trong mười phần cô ấy đã khá lên hai thay vì một như bây giờ.

Sau khi bác sĩ ra về, Sue vào phòng làm việc, khóc ướt đẫm cả chiếc khăn Nhật. Rồi cô bình tĩnh mang bảng vẽ vào phòng Johnsy, miệng huýt sáo một điệu nhạc jazz.

Johnsy nằm, quay mặt về phía cửa sổ, tấm chăn trên người hầu như không gợn vết nhăn nào. Sue ngừng huýt sáo bởi tưởng bạn đã ngủ.

Cô dựng bảng vẽ và bắt đầu vẽ bức minh hoạ cho câu chuyện tạp chí bằng bút sắt. Những hoạ sĩ trẻ phải lát con đường đến nghệ thuật bằng các bức tranh minh hoạ cho những truyện trên tạp chí do các cây bút trẻ đã lát xuống để đến với văn học.

Khi Sue đang vẽ phác chiếc quần dài cưỡi ngựa trang nhã và chiếc kính một mắt cho nhân vật chính của truyện, anh chàng cao bồi Idaho, thì cô nghe có tiếng thì thầm lặp đi lặp lại nhiều lần. Cô bước vội đến bên giường.

Mắt Johnsy mở to. Cô đang nhìn ra cửa sổ và đếm – đếm lùi lại.

– Mười hai, – cô đếm, ngừng một lát, – “mười một”, rồi “mười”, “chín”; rồi gần như cùng một lúc “tám” và “bảy”.

Sue lo lắng nhìn ra ngoài của sổ. Ðếm cái gì ở ngoài đó? Trong tầm mắt chỉ có một cái sân trơ trụi, ảm đạm và bức tường trống trơn của ngôi nhà gạch cách chừng sáu mét. Một dây trường xuân già, rất già, gốc cong queo và mục nát, leo đến giữa bức tường gạch. Hơi thở lạnh lẽo của mùa thu đã bứt lá của nó ra khỏi thân cho đến lúc chỉ còn trơ đám cành cây gần trụi hết lá bám vào những viên gạch nẻ sứt.

– Cái gì vậy hả bạn? – Sue hỏi.

– Sáu, – Johnsy nói như thể là tiếng thì thào. – Giờ thì chúng rụng nhanh hơn. Ba hôm trước phải gần cả trăm. Nó làm đầu mình phát đau lên khi đếm. Nhưng bây giờ thì dễ rồi. Một chiếc nữa đã đi. Giờ chỉ còn năm.

– Năm cái gì hả bạn? Nói cho Sudie của bạn biết đi.

– Những chiếc lá. Trên cây trường xuân. Khi chiếc cuối cùng rơi, chắc mình cũng ra đi. Mình biết điều đó đã ba ngày nay. Bác sĩ không nói gì với bạn sao?

– Ồ, mình không nghe những chuyện nhảm nhí như vậy đâu, – Sue trách với vẻ ân cần quả quyết. – Mấy chiếc lá trường xuân già đó thì có liên quan gì đến việc bạn bình phục kia chứ? Tại bạn quá yêu các dây leo ấy, thế đấy, bạn hư quá. Ðừng có nói dại nữa! À, sáng nay bác sĩ bảo mình rằng cơ hội bình phục nhanh của bạn là – để mình nhớ chính xác lời ông ấy – ông nói cơ hội chiếm đến chín phần mười! À, đấy là cơ hội gần chắc chắn như khi chúng ta đi ô tô hay đi bộ vượt qua một toà nhà mới ở New York. Bây giờ hãy cố ăn tí cháo và để Sudie quay lại với bức vẽ, có thế thì bạn ấy mới có thể bán cho người biên tập rồi mua rượu vang port cho cô bé ốm yếu của bạn và lườn lợn cho cái bụng háu ăn của bạn ấy.

– Bạn không cần phải mua rượu vang nữa đâu, – Johnsy nói, mắt vẫn nhìn ra ngoài cửa sổ. – Một chiếc nữa rơi rồi. Không, mình không muốn ăn cháo tí nào. Chỉ còn bốn chiếc lá. Mình muốn xem chiếc cuối cùng rụng trước khi trời tối. Rồi mình cũng sẽ đi theo.

– Bạn Johnsy yêu quý ơi, – Sue cúi người xuống nói, – bạn có hứa với mình là sẽ nhắm mắt và không nhìn ra ngoài cửa sổ cho đến khi mình làm xong việc không? Mình phải nộp mấy bức này vào ngày mai. Mình cần ánh sáng, nếu không thì mình đã buông rèm xuống.

– Bạn không thể vẽ ở phòng khác sao? – Johnsy hờ hững hỏi.

– Mình thích ở đây, bên bạn, – Sue đáp. – Hơn nữa mình không muốn bạn cứ dán mắt vào những chiếc lá trường xuân ngớ ngẩn ấy.

– Khi nào bạn xong thì báo ngay cho mình nhé, – Johnsy nói, nhắm mắt lại và nằm im, tái nhợt như một pho tượng đổ, – bởi vì mình mình muốn xem chiếc lá cuối cùng rụng. Mình mệt mỏi vì chờ đợi. Mình rã rời vì suy nghĩ. Mình muốn tháo tung mọi thứ ràng buộc và dong buồm lướt đi, lướt đi tựa như một trong những chiếc lá mòn mỏi đáng thương kia.

– Hãy cố ngủ đi, – Sue nói. – Mình phải mời ông lão Behrman lên làm mẫu bức người thợ mỏ già khắc khổ. Mình sẽ đi một chốc thôi. Ðừng cố di chuyển cho đến khi mình quay lại.

Ông lão Behrman là hoạ sĩ sống ở tầng trệt bên dưới nhà họ. Lão đã ngoài sáu mươi, có bộ râu xoăn như bức tượng Moses của Michael Angelo, lượn như tóc từ đầu của thần Satyr xuống thân hình một con quỷ nhỏ. Behrman không thành công trong nghệ thuật. Ðã bốn mươi năm múa bút mà lão chưa hề chạm tới được gấu áo Nữ thần của mình. Lão luôn ấp ủ ý định vẽ một kiệt tác, nhưng vẫn chưa bắt đầu. Suốt nhiều năm nay, lão chẳng vẽ được gì ngoại trừ thỉng thoảng làm mấy đường quảng cáo hay chào hàng. Lão kiếm được ít tiền bằng cách ngồi mẫu cho mấy nghệ sĩ trẻ trong khu “hoạ sĩ” ấy, những người không đủ tiền thuê người mẫu chuyên nghiệp. Lão uống gin quá độ, nhưng vẫn nói về kiệt tác sắp vẽ của mình. Còn những lúc khác, lão là một lão già nhỏ thó hung tợn, luôn chế nhạo tính nhu mì của bất kì ai và luôn tự xem mình như loại khuyển đặc biệt, canh phòng bảo vệ hai nghệ sĩ trẻ ở xưởng vẽ bên trên.

Sue tìm thấy lão Behrman nồng nặc mùi rượu dâu nặng trong cái hang mờ tối của lão bên dưới. Trong góc phòng, một tấm vải trống, căng sẵn trên giá, vẫn đợi suốt hai mươi lăm năm nay chờ nét vẽ đầu tiên của bức kiệt tác. Cô kể cho lão nghe ý nghĩ lạ lùng của Johnsy và cái cách bạn ấy thực sự đuối đi, sắp lìa tung như một chiếc lá bay xa khi sự níu giữ mỏng manh của bạn ấy với thế giới này ngày một yếu hơn.

Lão Behrman, đôi mắt đỏ ngấn lệ, oang oang biểu lộ sự khinh thường và công kích của mình trước chuyện tưởng tượng ngu ngốc như thế.

– Chà! Trên thế gian này còn có người ngốc đến độ muốn chết vì những chiếc lá lìa xa cái dây leo dớ dẩn kia ư? Ta chưa bao giờ nghe chuyện nào như thế cả. Không, ta sẽ không ngồi làm mẫu lão già đần độn khắc khổ ù lì của cô đâu. Sao cô lại để cái chuyện ngu ngốc ấy chui vào óc của cô ta? Ôi, tội nghiệp thay cho Johnsy bé bỏng.

– Bạn ấy ốm yếu lắm, – Sue nói, – và sốt đã làm đầu óc bạn ấy đâm bệnh hoạn, đầy rẫy những ý tưởng hoang đường. Thôi được, bác Behrman à, nếu bác không ngồi mẫu cho cháu thì cũng chẳng sao. Nhưng cháu nghĩ bác là một lão già cục cằn, ba hoa, lọm khọm.

– Cô đúng là đồ đàn bà! – lão Behrman hét lên. – Ai bảo ta không ngồi mẫu? Ði nào. Ta đi cùng cô. Ta đã nói suốt nửa tiếng đồng hồ rằng ta sẽ làm mẫu rồi cơ mà. Lạy Chúa! Ðây không phải là nơi để một người tử tế như cô Johnsy nằm dưỡng bệnh. Hôm nào đó ta sẽ vẽ kiệt tác đó và tất cả chúng ta sẽ giã từ chốn này. Lạy Chúa! Ðúng đấy.

Johnsy đang ngủ khi hai người lên gác. Sue kéo rèm xuống che kín cửa sổ rồi ra hiệu cho lão Behrman sang phòng bên. Ở đấy, họ lo lắng nhìn ra cửa sổ, về phía cây trường xuân. Rồi hai người im lặng nhìn nhau một lát. Một cơn mưa lạnh, dai dẳng lẫn với tuyết đang rơi. Vận chiếc sơ mi xanh cũ, Behrman ngồi trên cái ấm lật úp, giả làm hòn đá trong tư thế người thợ mỏ khắc khổ.

Sáng hôm sau, Sue thức giấc sau khi chợp mắt được một tiếng đồng hồ, cô bắt gặp đôi mắt mở to, vô cảm của Johnsy nhìn trân trân vào tấm rèm xanh nơi cửa sổ.

– Kéo hộ nó lên đi; mình muốn nhìn, – cô thì thào giục.

Sue miễn cưỡng nghe lời.

Nhưng, kìa! Sau một đêm mưa quật, gió mạnh lồng lộng không ngớt, trên bức tường gạch kia chiếc lá trường xuân vẫn đứng nương vào vách. Ðấy là chiếc lá cuối cùng. Vẫn xanh thẫm nơi gần cuống lá, nhung quanh rìa đã ngả màu vàng sẫm và hư hoại; chiếc lá vững chãi bám chắc vào cành cây cách mặt đất chừng sáu mét.

– Ðấy là chiếc lá cuối cùng, – Johnsy nói. – Mình tưởng chắc nó đã rơi đêm qua rồi. Mình nghe tiếng gió. Hôm nay chắc nó sẽ rơi và lúc ấy mình cũng sẽ chết.

– Bạn yêu quý, – Sue nói, mặt hốc hác cúi xuống gối, – nếu bạn không nghĩ về bản thân thì hãy nghĩ đến mình. Mình biết làm gì bây giờ?

Nhưng Johnsy không trả lời. Trên cõi đời này, cái cô độc nhất là một linh hồn đang chuẩn bị sẵn sàng để đi xa trên hành trình bí ẩn của nó. Ý nghĩ đó dường như chế ngự cô mạnh hơn khi từng tí, sợi dây ràng buộc cô với tình bạn, với thế gian này đang chùng ra.

Ngày trôi qua và ngay đến khi trong ánh hoàng hôn họ vẫn còn thấy chiếc lá trường xuân cô đơn bám chặt lấy thân cây tựa trên bờ vách. Và rồi khi bóng đêm tràn đến, gió bắc lại lồng lên trong lúc mưa vẫn nặng hạt quật vào cửa sổ, rơi xuống từ mái hiên thấp kiểu Hà Lan.

Lúc trời vừa hửng sáng, Johnsy tàn nhẫn yêu cầu kéo rèm lên.

Chiếc lá trường xuân vẫn còn đó.

Johnsy nằm nhìn nó hồi lâu. Lát sau cô gọi nhẹ Sue, đang nấu cháo gà cho cô trên cái bếp ga.

– Mình đúng là đồ tệ thật, Sudie à, – Johnsy nói. – Cái điều đã khiến chiếc lá cuối cùng kia nằm đấy đã cho mình thấy mình là kẻ nhẫn tâm như thế nào. Muốn chết là tội lỗi. Bây giờ bạn cho mình xin một tí cháo, ít sữa có pha tí rượng vang, và… khoan đã, đưa cho mình chiếc gương tay trước rồi sắp mấy cái gối quanh mình, mình sẽ ngồi dậy xem bạn nấu.

Một giờ sau cô nói:

– Sudie à, hôm nào đó mình hi vọng sẽ vẽ vịnh Naples.

Buổi chiều bác sĩ đến, khi ông về, Sue kiếm cớ để theo ra hành lang.

– Thoát rồi, – bác sĩ nắm bàn tay gầy guộc run run của Sue và nói. – Bằng tài chăm sóc khéo léo, cô đã chiến thắng. Bây giờ tôi phải đi thăm một ca khác ở dưới lầu. Behrman, tên ông ấy… tôi chắc đó là một nghệ sĩ. Cũng bị viêm phổi. Ông ấy đã già yếu mà bệnh tình thì lại nguy kịch. Không còn hi vọng, nhưng hôm nay ông ấy sẽ nhập viện để được chăm sóc kĩ càng hơn.

Hôm sau bác sĩ bảo Sue:

– Cô ấy đã qua cơn hiểm nghèo. Cô đã thắng. Bây giờ chỉ cần bồi dưỡng và chăm sóc chu đáo, thế thôi.

Chiều hôm ấy Sue đến bên giường, nơi Johnsy đang nằm bình thản đan nhì nhằng chiếc khăn choàng len xanh thẫm và choàng tay ôm lấy người Johnsy với cả đống gối.

– Mình có chuyện kể đây, chuột bạch này, cô nói- Hôm nay, bác Behrman mất vì viêm phổi ở bệnh viện. Bác chỉ ốm có hai ngày. Sáng hôm đầu tiên, người gác cổng đã thấy bác quằn quại đau trong phòng của bác nơi tầng trệt. Giày và quần áo bác ướt sũng, lạnh băng. Họ không thể hình dung bác đã ở đâu vào cái đêm khủng khiếp như thế. Rồi khi họ tìm thấy chiếc đèn lồng, hãy còn sáng và cái thang đã bị kéo khỏi chỗ của nó, mấy chiếc bút lông vương vãi và một bảng pha màu với xanh vàng hoà lẫn, và… nhìn ra cửa sổ kia, bạn, chỗ chiếc lá trường xuân cuối cùng ấy. Bạn không ngạc nhiên là tại sao nó chẳng hề rung rinh hay di chuyển khi gió thổi? Ồ, bạn thân thương ơi, đấy là kiệt tác của bác Behrman… bác vẽ nó ở đó vào cái đêm chiếc lá cuối cùng rơi.

(Lê Huy Bắc dịch)

c a f
TÀI LIỆU THAM KHẢO

  1. Đắc Sơn.1996. Đại cương văn học sử Hoa Kỳ. Tp.Hồ Chí Minh:Nxb tp Hồ Chí Minh
  2. Đặng Anh Đào, Hoàng Nhân, Lương Duy Trung, Nguyễn Đức Nam, Nguyễn Thị Hoàng, Nguyễn Văn Chính, Phùng Văn Tửu. 1999. Văn học Phương Tây. Hà Nội: Nxb Giáo dục
  3. Đỗ Đức Hiểu chủ biên, nhiều tác giả. 2004.Từ điển văn học bộ mới. Hà Nội: Nxb Thế giới.
  4. Honore de Balzac, 2004, Lão Goriot, Xuân Dương dịch, Hà Nội: Nxb Hội nhà văn
  5. Honore de Balzac, 2007, Eugenie Grandet, Huỳnh Lý dịch, Hà Nội: Nxb Văn hóa Thông tin.
  6. Honore de Balzac, 2001, Vỡ mộng, Trọng Đức dịch, Hà Nội : Nxb Văn học.
  1. Kathryn Vanspanckeren, 2001,Phác thảo Văn học Mỹ, Lê Đình Sinh, Hồng Chương dịch, tp HCM: Nxb Văn nghệ tp.Hồ Chí Minh.
  2. O Henry, 2002, Tuyển tập truyện ngắn, Diệp Minh Tâm dịch, Hà Nội :Nxb Hội nhà văn.
  3. Victor Hugo, 2004, Những người khốn khổ, Huỳnh Lý, Lê Trí Viễn, Vũ Đình Liên, Đỗ Đức Hiểu dịch, Hà Nội:  Nxb Văn học
  4. Victor Hugo, 2001, Những người khốn khổ, bản rút gọn của Gisele Vallery, Huỳnh Phan Anh dịch, tp HCM: Nhà xuất bản Trẻ
  5. Viện Hàn Lâm Khoa Học Liên Xô,1945, Lịch sử văn học Anh, Moskva:  Nxb Moskva .
  6. Viện Hàn Lâm Khoa Học Liên Xô, 1946, Lịch sử văn học Pháp, Moskva:  Nxb Moskva .

Đại học An Giang 2008

Phùng Hoài Ngọc

Biên soạn

[1] Cũng dịch là Con dế trong tổ ấm gia đình.

1 Ở phương Tây, gà gô là một trong những món ăn không thể thiếu trong  đêm Noel.

2 Theo Michael và Moly Hacun – Từ điển  Dickens, Future Publications limited –London, 1976.tr. 34.

1 Những đoạn trích trong David Copperfield chúng tôi đều lấy ở bản dịch của Nhữ Thành, Nxb Văn học.

2 U.C. Booth “Khoảng cách và điểm nhìn” trong Thi pháp truyện kể, NXB Senib,Paris 1997, tr.86.

Ä Tại Việt Nam đã có nhiều bản dịch một số truyện ngắn của O’Henry. Truyện ngắn Chiếc lá cuối cùng đã được đưa vào chương trình văn học nhà trường).

Video liên quan

Chủ đề