Nội dung sách Một Đời như Kẻ tìm đường

Nội dung sách Một Đời như Kẻ tìm đường

Hôm nọ trò chuyện với một cô bé, tư duy của em trong cách xử lý công việc đôi khi còn đơn giản quá và có phần hơi trẻ con, dẫn đến đôi lúc cách hành xử vẫn chưa được chín chắn như một người trưởng thành. Lối tư duy một phần đến từ tính cách hồn nhiên của em, một phần đến từ môi trường em sinh sống khi mọi thứ phần lớn đều quá bình yên và ít sóng gió nên em chưa trải ngộ đủ chuyện đời để có thể trưởng thành theo đúng độ tuổi.

Có một khái niệm gọi là “tuổi tâm hồn”, dùng để chỉ độ tuổi trưởng thành về mặt nhận thức so với độ tuổi thật về mặt sinh học. Có những người tuy còn trẻ nhưng hay bị gọi là ông cụ non/bà cụ con vì có những suy nghĩ già dặn trước tuổi, hay ngược lại có những người thuộc lứa U30, U40 nhưng tâm hồn vẫn còn ngây thơ như trẻ nít.

Trong câu chuyện trên, mình có góp ý với em nếu muốn trưởng thành sớm thì nên ra trải đời nhiều. Nếu cuộc đời cũng dễ dãi quá không tìm ra chuyện cho mình trải thì có thể tìm đọc sách hay xem phim nào có chiều sâu về nhân sinh, chánh yếu để học cách nhìn cuộc đời qua lăng kính của người khác, đặc biệt của những người già dặn hơn em. Như vậy chỉ qua một kiếp sống, em có thể trải được cuộc đời của hàng chục, có khi hàng trăm người chứ không phải đợi đầu thai sang kiếp khác mới được trải nghiệm.

Như mình là cực kỳ mê đọc sách của lớp thế hệ vàng một thời của dân tộc như các cụ Nguyễn Hiến Lê, Nguyễn Duy Cần, Hoàng Xuân Việt và gần đây là giáo sư Phan Văn Trường. Ngoại trừ giáo sư Phan Văn Trường đang ở độ tuổi thất thập cổ lai hy thì 3 cụ kia tuy đã qua đời từ lâu nhưng di sản các cụ để lại là cả một kho tàng để khám phá.

Gần đây mình vừa đọc xong quyển “Một đời như kẻ tìm đường” của giáo sư, kỹ sư Phan Văn Trường. Cho những bạn nào chưa biết thì bác Phan Văn Trường là Cố vấn thường trực của Chính phủ Pháp về thương mại quốc tế từ thập niên 1990. Trong sự nghiệp của mình, bác giữ nhiều vị trí lãnh đạo cao cấp, kinh doanh, quản lý và quản trị chiến lược của nhiều tập đoàn hàng đầu thế giới và từ 2014 đã về Việt Nam giảng dạy tại Viện John Von Neumann – ĐH Quốc gia TP.HCM.

Nội dung sách Một Đời như Kẻ tìm đường

Cái duyên của mình khi biết đến tên tuổi của giáo sư Phan Văn Trường là từ quyển “Một đời thương thuyết” mua tại Hội sách TP.HCM lần thứ VIII năm 2014. Đợt đó mình rất ấn tượng với thiết kế bìa và lần đầu tiên thấy một tác giả Việt Nam viết về đề tài thương thuyết ở cấp quốc tế của những tập đoàn đa quốc gia chứ không phải chuyện hậu trường nhỏ bé chốn ao làng. Đến năm 2017, giáo sư Phan Văn Trường tiếp tục xuất bản quyển “Một đời quản trị” để chia sẻ sâu hơn chuyện hậu trường đầy khốc liệt ở những tập đoàn bác đã trải qua. Và mãi đến gần đây vào cuối năm 2019, quyển “Một đời như kẻ tìm đường” lại được ra mắt độc giả, mà quyển này có phần gần gũi với số đông công chúng hơn vì như một tập tự truyện của bác khi chiêm nghiệm lại cuộc đời mình hơn 70 năm qua.

Nội dung sách Một Đời như Kẻ tìm đường

Thật sự đây là một quyển sách mình rất khuyến đọc đối với những ai đang thấy mình còn trẻ, và đang loay hoay đi tìm một con đường cho riêng mình trong sự nghiệp lẫn trong cuộc sống.

“Trên đời người thú vị nhất là đến lúc mình đang tìm đường, thì con đường tự nó hiện ra trước mặt mình, làm cho mình chẳng còn chọn lựa gì nữa, phải cứ tiến lên thôi!” (Giáo sư Phan Văn Trường)

Phải khảng khái mà nói rằng, khi đọc tự truyện của những bậc tiền bối của thế hệ trước, không phải lứa cha chú mà là lứa cha chú của cha chú mình thì mới thấy được cái phông văn hóa và bối cảnh thời đại mà họ sống vĩ đại đến nhường nào. Từng câu chuyện thực tế họ chia sẻ đến những triết lý họ chiêm nghiệm khiến mình đi từ rúng động này đến rúng động khác, cả tâm can dường như bị chấn động mà khó có một tác giả Việt Nam hay nước ngoài nào ở lứa tuổi cha chú mình có thể làm được điều này, nhưng lớp thế hệ vàng trước đó lại là một đẳng cấp hoàn toàn khác.

Đồng tiền cũng vậy, không nên quan tâm, vì khi mình tạo ra điều gì tốt cho xã hội thì mình sẽ có đủ ăn đủ mặc. Tiền chỉ là một phương tiện để được sử dụng vào việc có nghĩa cử, chứ không phải là cái mốc để đánh giá con người. Họa may, nó đánh giá một cơ hội, một cuộc đua tranh, nhưng nếu con muốn được xem là người cao sang thì phải coi đồng tiền như một nô lệ của mình, một dụng cụ để sử dụng, không hơn không kém. Cũng vì vậy mà người xưa đánh giá chữ Quý cao hơn chữ Phú rất nhiều. Quý là cao sang, cao thượng, là người có phẩm chất cao nhất. Phú chỉ định sự giàu có. Người nào đi theo con đường Phú, khi giàu rồi thì chỉ có một giấc mơ là mua được một chút Quý, tựa như lấy tiền mua chức. Con ạ, dù có bao nhiêu tiền cũng không mua được sự Quý phái.

Nội dung sách Một Đời như Kẻ tìm đường

Nếu như ở “Một đời thương thuyết”, giáo sư mượn câu chuyện thằng Bờm có cái quạt mo và cuộc đổi chác với phú ông để phân tích nghệ thuật thương thuyết thì ở “Một đời như kẻ tìm đường”, câu chuyện Từ Thức gặp tiên được bác phân tích hết sức xuất sắc từ những đoạn trường thơ từ cố thi sĩ Đoàn Thêm về câu chuyện cổ dân gian này.

Từ Thức không nhìn thấy cảnh vật chung quanh mình dưới trần tục là một hạnh phúc giản đơn. Chẳng ai mất công chỉ đi tìm sự hão huyền mà ngược lại, tiếp tục sống một cuộc đời chất phác giản dị. Mà sống như vậy nào có ai khổ đâu. Sống một nghìn năm trong nhung lụa, không có việc gì làm ngoài những thú thể xác và thú rượu chè có lẽ không phải là một phương án khả dĩ đem lại hạnh phúc thực sự. Phải chăng, cuộc sống trần tục với nhiều thăng trầm nhưng trong sự ấm áp tình người, hiểu được giá trị của sự cố gắng, nỗ lực, sự hy sinh nhường nhịn, mới chính là cuộc sống thực. Sống thực là phải đối mặt với thực tế, mà thực tế bao giờ cũng có mặt khó khăn đó mới đem lại hạnh phúc cho người vượt được những khó khăn. Âm dương là thế: không có khổ thì không thể có sướng. Trên cõi tiên đời sống nhạt nhẽo, vì có ai được trải nghiệm sự khổ là gì đâu để có thể với được tới cảm nhận hạnh phúc là gì?

Chỉ qua 20 chương sách trong “Một đời như kẻ tìm đường”, độc giả như thâu tóm được những kinh nghiệm hết sức quý báu từ một người đã sống trọn vẹn hơn 70 năm cuộc đời, trong khi bạn chỉ cần mất vài ngày để đọc xong quyển sách. Đây là một giá trị hết sức to lớn mà bằng câu chữ mình rất khó diễn đạt ra thành lời văn, nó như ý mình chia sẻ ở đầu bài, bạn không cần phải trải qua 70 năm cuộc đời để ngộ ra những bài học đó mà có thể học hỏi, tích lũy được cho bản thân qua câu chuyện cuộc đời của người khác.

Và tự truyện là một dạng chắt lọc tinh hoa của những người đã sống một cuộc đời đáng sống. Tất nhiên bài học cuộc đời họ chỉ có giá trị thực tiễn khi bản thân mình rơi vào trường hợp tương tự và biết áp dụng đúng cách để tạo ra kết quả tích cực, còn đọc rồi quên mất biệt, đến lúc rơi vào tình cảnh đó lại không biết mở túi khôn của ta đây để lấy dùng thì có não cũng chỉ để trưng tủ kiếng.

Lớp thế hệ như giáo sư Phan Văn Trường với mình như một lớp thế hệ vàng son của thời đại, mà tư tưởng, quan điểm, giá trị sống của họ rất khác với suy nghĩ của lớp trẻ bây giờ. Nói đến đoạn này thì lại nhớ đến hình tượng bà Hiền trong “Một người Hà Nội” của Nguyễn Khải:

Một người như cô phải chết đi thật tiếc, lại một hạt bụi vàng của Hà Nội rơi xuống chìm sâu vào lớp đất cổ. Những hạt bụi và lấp lánh đâu đó ở mỗi góc phố Hà Nội hãy mượn gió mà bay lên cho đất kinh kì chói sáng những ánh vàng!

Qua những tầng phong ba của thời đại, những hạt bụi vàng ấy đã hoặc sẽ bay về trời. Nhưng mấy ai đủ cơ duyên để chứng kiến được thời khắc họ lấp lánh hay hưởng ké chút lấp lánh đó của họ?

Từ từ, mình sẽ chia sẻ nhiều hơn về các cây bút vàng một thời vang bóng này để tiếp tục lan tỏa chút lấp lánh của họ đến càng nhiều lớp trẻ sau càng tốt, như một sự tri ân vì những gì mình học hỏi được từ họ.

Nội dung sách Một Đời như Kẻ tìm đường
Nếu bạn thấy nội dung bài viết hữu ích và giá trị, bạn có thể ủng hộ Chơn Linh để tác giả có thêm động lực chia sẻ nhiều hơn:

📖Ủng hộ tác giả
(Subscribe blog để nhận bài mới hằng tuần qua email)