Ông phạm chánh trực là ai

(PLO)- "Tình trạng tham nhũng, nhóm lợi ích lũng loạn nhà nước đã đến mức báo động, cần phải chỉnh đốn Đảng mạnh mẽ trên quy mô toàn quốc". Ông Phạm Chánh Trực, nguyên Phó Bí thư Thường trực Thành ủy TP.HCM nói.

Ngày 19-8, Hội Khoa học kinh tế và quản lý TP.HCM đã tổ chức hội thảo khoa học “Suy nghĩ về một số vấn đề kinh tế-xã hội Việt Nam hiện tại” hướng tới Đại hội lần thứ XIII của Đảng.

Phải tiếp tục đổi mới mạnh mẽ hơn nữa


Ông Phạm Chánh Trực, nguyên Phó Bí thư Thường trực Thành ủy TP.HCM,  phát biểu tại hội thảo. Ảnh: PHƯƠNG THÙY

Ông Phạm Chánh Trực, nguyên Trưởng Ban Kinh tế Trung ương, nguyên Phó Bí thư Thường trực Thành ủy TP.HCM, cho rằng sau hơn 30 năm đổi mới đất nước đã phát triển khá xa so với thời kỳ trước, từ “xé rào”, “bung ra sản xuất” cho phép phát triển nhiều thành phần kinh tế sau đổi mới để khắc phục đói nghèo, nay cả nước đang ráo riết chuẩn bị tham gia cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư.

Tuy nhiên, ông cho rằng do quy mô nền kinh tế nhỏ bé, tốc độ tăng năng suất lao động xã hội thời kỳ sau đổi mới đến nay cũng kém hơn các nước trong khu vực và các nước như Trung Quốc, Hàn Quốc... nên nước ta vẫn còn tụt hậu xa hơn so với thế giới.

Ông Trực đã lấy số liệu về tốc độ tăng GDP đầu người qua các thời kỳ của các nước trong khu vực và Trung Quốc, Hàn Quốc để chứng minh điều ông nói. Nếu từ năm 1980 đến 2010, GDP đầu người của Trung Quốc có tỉ lệ tăng trưởng là hơn 14 lần, Hàn Quốc hơn 12 lần, Singapore hơn chín lần, Thái Lan hơn 6,8 lần... thì Việt Nam tỉ lệ tăng trưởng GDP đầu người chỉ đạt 2,52 lần.

“Nói cách khác muốn tăng GDP đầu người lên gấp hai lần, Trung Quốc và Hàn Quốc cần hơn bốn năm, Singapore cần hơn 6,5 năm, Thái Lan cần hơn tám năm... thì Việt Nam cần hơn 23 năm” - ông Trực nói.

Từ đó, ông Trực cho rằng tình trạng phát triển chậm như hiện nay sẽ dẫn đến đất nước lâm vào bẫy thu nhập trung bình và sẽ khó trở thành nước công nghiệp phát triển trong khoảng 50 năm tới.

Nhìn ở góc độ khác, ông Phạm Chánh Trực cũng cho rằng việc thực hiện ba đột phá theo nghị quyết Đại hội lần thứ XII của Đảng là chưa đạt yêu cầu, chưa thể hiện tính chất bùng nổ, thậm chí còn bất cập, chưa tạo ra động lực mạnh mẽ và vượt trội để thúc đẩy kinh tế và xã hội. Ba đột phá đó là về nguồn nhân lực, kết cấu hạ tầng kỹ thuật và thể chế kinh tế thị trường.

Theo ông Trực, nhân lực phần lớn còn ở trình độ lao động tay nghề trung bình và giản đơn, lao động chưa được tổ chức tốt, trình độ cao ít về số lượng và chưa đủ nhân lực chuyên nghiệp ngành nghề để sẵn sàng hướng tới cuộc cách mạng 4.0. Còn về hạ tầng kỹ thuật, đường sắt là hệ thống giao thông vận tải kém nhất, hạ tầng về thông tin - viễn thông chưa đảm bảo làm nền tảng vững chắc cho sự phát triển trong tương lai.

Về thể chế thị trường, ông Trực thẳng thắn nói thị trường đất đai đang bị méo mó. Chính sách đất đai và việc quản lý còn nhiều sơ sót làm cho sự phân hóa giàu nghèo trong xã hội ngày càng gay gắt. Một bộ phận người dân không có nhà để ở trong khi nhiều người khác sở hữu nhiều nhà, hàng nghìn ha đất. Còn về thị trường công nghệ chưa phát triển rộng rãi, thị trường tài chính tiền tệ khó tiếp cận và bị nhiều nhóm lợi ích chi phối...

“Ba đột phá không được như kỳ vọng dẫn tới tốc độ phát triển chưa cao. Chiến lược công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước không đạt yêu cầu. Nước ta chưa trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại như mục tiêu đến năm 2020” - ông Trực nói.

Từ đó, theo ông Trực, Đảng ta cần tiếp tục đổi mới mạnh mẽ hơn nữa nhằm tạo ra bước ngoặt phát triển kinh tế-xã hội và tạo thế tạo đà tiến vào thời đại mới. 

Muốn thế, ông Trực cho rằng cần phải quy hoạch không gian vùng kinh tế, khai thác nguồn lực đất đai hiệu quả, liên kết vùng như TP.HCM với vùng Nam bộ, Tây Nguyên và miền Trung. Bên cạnh đó, cần thực hiện quyết liệt ba đột phá chiến lược như nêu ở trên.

TS Trương Thị Minh Sâm, Chủ tịch Hội Khoa học kinh tế và quản lý TP.HCM, cho rằng tư duy lãnh đạo phải đổi mới nhanh và quyết liệt theo hướng tiến bộ và hiện đại. “Không thể duy trì mãi lối suy nghĩ cũ kỹ, lạc hậu, đề cao chủ nghĩa cá nhân, thu vén cho quyền lực và quyền lợi bản thân, phe nhóm” - bà Sâm nói.

Theo bà Sâm, đổi mới tư duy lãnh đạo, đón nhận làn sóng công nghiệp hiện đại từ cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 nhất định sẽ đưa đất nước tới đích “hùng cường, bền vững”.

Cần mạnh tay "trị" cán bộ tham nhũng

Một trong những nguyên nhân cần phải có giải pháp tháo gỡ trong thời gian tới để đưa đất nước phát triển, ông Phạm Chánh Trực cho rằng đó là còn một bộ phận cán bộ thiếu rèn luyện về đạo đức, chưa xứng tầm về bản lĩnh và nghị lực, ý chí, tinh thần trách nhiệm, xả thân cống hiến cho đất nước và phục vụ nhân dân. Tình trạng tham nhũng, nhóm lợi ích lũng loạn nhà nước đã đến mức báo động, cần phải chỉnh đốn Đảng mạnh mẽ trên quy mô toàn quốc.

Cũng ở góc nhìn về công tác cán bộ, GS Trần Đình Bút, nguyên là thành viên Ban Nghiên cứu của Thủ tướng Chính phủ, kiến nghị Đảng cần mạnh tay trị những cá nhân lợi dụng thời cơ, giấu mình bằng vỏ bọc trong sạch nhưng luôn lợi dụng vị thế của mình để leo cao hơn và tham nhũng mạnh hơn.


Các đại biểu thảo luận tại hội thảo. Ảnh: PHƯƠNG THÙY

Ông Diệp Văn Sơn, nguyên Phó Vụ trưởng Bộ Nội vụ, cho rằng thời gian gần đây xảy ra nhiều vụ án kinh tế lớn, nhiều vụ việc chính trị xảy ra vẫn được coi là đúng quy trình nhưng thực tế là vi phạm pháp luật có nguyên nhân xuất phát từ lối sống, thói quen “ăn sâu, bám rễ” trong tư duy của người Việt.

Theo ông Sơn, một trong những hành vi đáng nói nhất chính là lối sống, thói quen “xin-cho”. “Như chúng ta đã có luật đấu thầu nhưng chỉ cần tờ trình (thực chất là “xin”) và cấp trên đồng ý (thực chất là “cho”) là chuyển sang chỉ định thầu” - ông Sơn nói.

Hay như trong công tác cán bộ, ông Sơn nói: Thực tế cho thấy bổ nhiệm cán bộ này là sai quy định nhưng vì một lý do nào đó xin ý kiến cấp trên và được sự đồng ý thì bổ nhiệm vẫn đúng quy trình. Tình trạng con ông cháu cha dù không có năng lực trình độ nhưng vẫn được “sắp đặt” là do tư duy, thói quen “một người làm quan cả họ được nhờ” gây bức xúc trong dư luận lâu nay không được xử lý triệt để. Từ đó, ông cho rằng cần phải chấn chỉnh những tình trạng nói trên.

TÁ LÂM

Ngõ 47 Duy Tân, ngôi nhà có dàn hoa giấy phủ một màu xanh ngát chính là tổ ấm của ông Phạm Chánh Trực – Trưởng ban quản lý Khu Công nghệ cao TP.HCM. Nó yên tĩnh một cách lạ thường. Bức hình đen trắng của một thời trai trẻ ngày xưa treo trên tường làm tôi ngỡ ngàng. Bà Nguyễn Thị Nghĩa, tức Chín Ngân, vợ ông, một “nữ tướng” lãnh đạo toàn bộ hệ thống siêu thị Co-op Mart với mái tóc thật dài, gương mặt tròn xinh đẹp, đang nép vào vai ông. Bức hình như một câu chuyện tình thật đẹp về hôm qua, và cả hôm nay.

Tranh: Hoàng Tường

Ông mỉm cười đôn hậu đón tôi. Vẻ thư thái, đĩnh đạc của ông chợt làm cho mọi vật xung quanh đều trở nên ấm áp, gần gũi. Tôi không thể ngờ đằng sau vẻ hiền hòa kia là một bản lĩnh rắn như thép. Bạn bè thường bảo ông “tên sao, người vậy”, một người quyết đoán, dứt khoát, theo đuổi đến cùng cái đúng, mạnh dạn tháo gỡ, đổi mới, và đã là người đồng hành thực sự với doanh nghiệp, doanh nhân trong giai đoạn khó khăn nhất khi chuyển đổi từ cơ chế bao cấp sang thị trường.

Rời cương vị Phó Trưởng ban Kinh tế Trung ương, ông vẫn tiếp tục công việc lãnh đạo của mình ở tầng nấc chuyên sâu, đó là nguyện vọng bao năm của đời ông: xây dựng cho được khu công nghệ cao, như một bệ phóng để chuyển dịch cơ cấu kinh tế của thành phố góp phần cho cả nước. Ông đã dành cho Doanh nhân Sài Gòn Cuối tuần cuộc trò chuyện thẳng thắn và cởi mở.

  • Xem thêm: Không bao giờ bằng lòng với hiện tại

____
Được biết dự án khu công nghệ cao ông đã theo đuổi từ năm 1992 đến nay, lý do nào đã khiến ông dành hết tâm huyết sức lực của mình cho dự án này?

Việt Nam chuẩn bị khu công nghệ cao (CNC) từ khá sớm, gần như cùng lúc với Trung Quốc, nhưng đến nay họ đã có được 53 khu CNC, trong khi mình mới chỉ dừng lại ở… hai dự án. Tôi đã tham quan rất nhiều khu CNC trên thế giới – Pháp, Anh, Thụy Điển, Thụy Sĩ, Canada, Mỹ, Đài Loan, Trung Quốc… Thông thường, phải thực hiện công nghiệp hóa đất nước xong mới phát triển CNC.

Còn nước ta mới ở trình độ một nước nông nghiệp đang phát triển, dù bắt đầu mở cửa, nhưng chưa thoát khỏi cái nghèo, dự kiến phải đến 2020 mới công nghiệp hóa xong. Nhưng nếu không có CNC, không có một chiến lược phát triển đất nước theo một cơ cấu kinh tế thích hợp, cứ loay hoay ở nông nghiệp cổ điển, công nghiệp truyền thống, thì không thể bắt kịp các nước phát triển, kể cả các nước trong khu vực.

Điều đó đã dần được sáng tỏ, như ở TP.HCM, nếu cứ tiếp tục duy trì công nghiệp truyền thống, thành phố sẽ chậm dần, trong khi những nơi khác tốc độ phát triển đang nhanh dần lên. Phải thay đổi cơ cấu kinh tế. Một mặt vẫn phải tiếp tục duy trì những ngành đang có, một mặt tập trung phát triển ngành dịch vụ, CNC, công nghiệp hiện đại, đó chính là chiến lược mà Đảng và Nhà nước đã thấy trước để chuẩn bị cho tương lai.

____
Theo ông, sau bao nhiêu năm đeo đuổi dự án, điều gì khó khăn nhất khiến dự án chậm trễ như vậy? Chủ trương “đi tắt, đón đầu” được cụ thể hóa như thế nào trong việc đầu tư xây dựng khu CNC này?

Do ý kiến trong nội bộ lãnh đạo không thống nhất, nên việc xúc tiến bị chậm lại. Vấn đề là phải biết cách làm, có phương thức thích hợp. Áp dụng quan điểm “đi tắt đón đầu” của Đảng bằng cách đưa sản xuất CNC vào Việt Nam để mình tiếp cận với họ.

Thu hút các công ty từ Bắc Mỹ, châu Âu, Nhật Bản, những nơi có công nghệ nguồn, vào tổ chức sản xuất tại Việt Nam, từ đó ta tiếp thu, vận dụng từng bước và tạo ra năng lực nội sinh. Nếu chúng ta tạo được trên một địa bàn cụ thể những điều kiện thu hút CNC như hạ tầng cơ sở, viễn thông, dịch vụ, nguồn lao động tốt… họ sẽ vào. Đương nhiên phải có chính sách ưu đãi, giá cạnh tranh so với các nước trong khu vực…

Đây là dự án quốc gia do Chính phủ quyết định thành lập, giao cho UBND TP.HCM chỉ đạo thực hiện, rộng 804 hecta, nằm ngay trung tâm vùng kinh tế động lực phía Nam. Chọn một khu vực không xa thành phố, gần kề đại học quốc gia, gần khu vui chơi giải trí, không xa cảng, sân bay, mọi dịch vụ nhanh, thuận tiện nhất, là một điều kiện rất quan trọng để thu hút đầu tư nước ngoài.

Đổi mới tư duy trong nội bộ, đổi mới phương thức hoạt động chính là khó khăn lớn nhất.

____
Ở cương vị Phó Trưởng ban Kinh tế Trung ương, ông có thấy công việc của mình thực sự hiệu quả?

Lúc này tôi có thời gian tập trung nghiên cứu, viết lách, đi lại tiếp xúc nhiều, nhờ đó có thể tổng hợp được tình hình, thực hiện nhiều công trình nghiên cứu mang tính học thuật, tìm hiểu và chỉ đạo anh em sát sao hơn. Nhưng tôi tự thấy mình không phát huy được năng lực một cách đúng mức. Thế mạnh của tôi là chỉ đạo thực tiễn.

____
Trong thời gian làm Phó Chủ tịch thành phố, bản thân ông đã tháo gỡ rất nhiều gút mắc về kinh tế, tạo điều kiện lớn cho việc kêu gọi đầu tư nước ngoài. Ông có thể kể về những khó khăn mà mình phải đương đầu để làm được điều đó?

Nhờ đổi mới, chúng ta đã thay đổi khá nhanh, Một sự kiện điển hình về chính sách, năm trước phải nhập khẩu gạo để ăn, năm sau ta đã xuất khẩu gạo. Cái khó của khách quan, ai cũng phải chịu giống nhau. Nhưng việc đổi mới tư duy trong nội bộ, đổi mới phương thức hoạt động, có những chủ trương biện pháp thực hiện không theo những quan điểm cũ của nền kinh tế tập trung… mới chính là khó khăn lớn nhất. Tức là khó khăn từ chính lực lượng lãnh đạo, không phải từ xã hội, từ khách quan.

Mặc dù có nghị quyết đổi mới, nhưng phải đi vào đấu tranh nội bộ kiên trì, có khi quyết liệt để thực hiện cho được nghị quyết của Đảng. Điều này không phải chỉ ở một vài cá nhân, mà do một ý thức tư tưởng đã hình thành từ lâu, chuyển biến nó và tiếp thu cái mới là rất khó.

Quá trình hoạt động tại UBND thành phố của tôi cũng là quá trình nỗ lực lớn nhất để cùng thống nhất về chủ trương và biện pháp thực hiện ngay từ nội bộ, và là quá trình sáng tạo ra những cái mới, xây dựng nền kinh tế mới từng bước, từng phần, từng lĩnh vực… Còn những khó khăn cụ thể đều có thể khắc phục được.

____
Týp người mạnh dạn và đổi mới như ông hẳn sẽ gặp rất nhiều khó khăn trong cuộc sống?

Mình muốn đổi mới, nhưng điều đó đâu có dễ. Ví dụ khi thuyết phục các đối tác đặt khu công nghiệp, khu chế xuất, nhà máy điện ra phía Nhà Bè, tôi chấp nhận làm chuyện khó, nhưng có ý kiến cho rằng phiêu lưu, có người lại nói tại sao không đưa về khu đất cao ở phía trên thành phố? Tôi suy nghĩ khác. Truyền thống lâu đời của thành phố là thương cảng, sự phát triển thành phố nếu không dựa vào biển, hướng ra biển, là một thiếu sót chiến lược… Tôi thấy một số anh em không nghĩ gì đến hậu quả ô nhiễm môi trường, mà chỉ thấy lợi ích trước mắt.

Ở Nhà Bè, các nhà đầu tư nước ngoài đã thăm dò nguồn nước ngầm thành công, và xin được khai thác. Chủ trương của tôi là kiên quyết không cho, yêu cầu phải làm đường ống dẫn nước từ Thủ Đức về khu chế xuất, chấp nhận tốn kém hơn, chịu cực hơn, để khai thác hết nước trên bề mặt, hàng năm đổ bỏ biết bao nhiêu ra biển… Phải chấp nhận khó khăn để phát triển cho con cháu sau này còn có thể tiếp tục, không nên cái gì ngon, sẵn thì ăn hết, đến thế hệ con cháu chỉ còn miếng xương thì chết. Quản lý của mình về khai thác nước ngầm hiện còn rất lỏng lẻo, ai cũng có thể làm được, rất tự phát, hết sức nguy hiểm.

____
Trải qua rất nhiều chức vụ, lĩnh vực khác nhau, vừa là người làm công tác thanh niên, mặt trận, vừa là người phụ trách đối ngoại của thành phố… điều đó đã giúp ông có được một kiến thức tổng hợp, một tầm nhìn thế nào?

Đúng là tôi đã được thay đổi nhiệm vụ nhiều lần, từ cơ sở, đoàn thể, mặt trận, chính quyền… nhờ đó học được rất nhiều khi gần gũi quần chúng, hay học từ các đồng chí lãnh đạo thành phố lúc bấy giờ như Võ Văn Kiệt, Nguyễn Văn Linh, Mai Chí Thọ… Đồng thời cũng học qua tiếp xúc với nước ngoài. Thời kỳ đó người ta tiếp xúc với nước ngoài dè dặt lắm, nhưng tôi cũng thuộc loại “xé rào” (cười).

Tôi tiếp từ quan chức cao cấp các nước tới các công ty, không nề hà gì. Có đồng chí còn nhắc nhở tôi “tiếp khách nhiều quá”. Tôi chỉ trả lời: “Công việc đòi hỏi phải như vậy”. Tôi đã tìm được rất nhiều người để trao đổi, học hỏi. Thời kỳ đó Mỹ chưa bỏ cấm vận, nhưng tôi có điều kiện tiếp xúc với các quan chức Mỹ, nghị sĩ Mỹ, nhân đó tôi đấu tranh và thuyết phục họ có một cái nhìn khách quan, thiện cảm với Việt Nam hơn.

Tôi là người đam mê công việc, đam mê sáng tạo, thích cái mới. Tôi không ưa sự nhàm chán, cũ kỹ, kể cả trong suy nghĩ.

____
Bản tính ông rất quyết đoán, cương trực, lại rất nhân hậu và nghĩa tình, vậy có bao giờ ông cảm thấy khó xử trước một việc nào đó giữa tình và lý, giữa chung và riêng?

Rất ít khi bị dằn vặt, vì tôi là người rất tự tin mỗi khi ra quyết định. Tôi không nghĩ gì cho riêng mình, mà chỉ nghĩ việc đó đòi hỏi phải vậy, dân cần như thế, Đảng cần như thế… nên khi quyết đoán công việc rất nhẹ nhàng. Nhưng để tìm biện pháp thực hiện, hay suy nghĩ chiến lược, phải tính toán kỹ càng, luôn ám ảnh ray rứt trong suy nghĩ của mình.

Thậm chí đi ngoài đường cũng suy nghĩ. Thói quen này có từ hồi còn trẻ, khi hoạt động bí mật, bởi lẽ viết sẵn tài liệu, bài báo để mang theo mình thì rất nguy hiểm, nên cứ vừa đạp xe vừa nghĩ, tới nơi chốc lát đã hoàn thành bài vở. Hồi trẻ thì do bắt buộc, nhưng giờ do công việc dồn ép, nên ở đâu, lúc nào tôi cũng có những điều cần suy nghĩ, cần nhớ để làm… Tôi là người đam mê công việc, đam mê sáng tạo, thích cái mới. Tôi không ưa sự nhàm chán, cũ kỹ, kể cả trong suy nghĩ.

____
Trong nhà, vợ ông là người phụ trách hệ thống Co-op Mart, một việc cụ thể, có tính vi mô, còn ông lại là người của vĩ mô, hai người có hay mâu thuẫn nhau trong những tranh luận, bàn bạc về công việc và cuộc sống?

Tôi không dám nhận mình là vĩ mô, nhưng chúng tôi thảo luận thường xuyên, tranh luận thường xuyên. Tôi hay hăng hái góp ý kiến, hỏi han nọ kia. Cô ấy cũng là một con người quyết đoán, dám làm, dám chịu trách nhiệm. Nhưng cô ấy tính toán nhanh, tính kỹ hơn tôi, còn tôi chỉ tính đại khái mà thôi. Cô ấy hay hơn tôi ở chỗ quan hệ bạn bè rộng rãi, còn tôi hơi bó hẹp hơn, đối tác mới nhiều hơn, bạn thân mới. Trong gia đình, chúng tôi rất dễ đồng ý với nhau trong mọi chuyện. Cái khó, nỗi khổ tâm của vợ tôi chính là trong công việc. Mỗi lần vợ gặp khó khăn, tôi cũng hay nghĩ phụ, đưa ra nhiều phương án này kia, cô ấy cũng lắng nghe, nhưng cái gì không hợp lý là cô ấy bỏ ngay (cười thật tươi).

  • Xem thêm: Đam mê cháy bỏng của một đời người

____
Vậy điều gì quan trọng nhất đối với cuộc đời ông?

Đó là lẽ sống, là lý tưởng. Không có lẽ sống thì khó mà biết mình đi đâu, làm gì, thành đạt thế nào. Lý tưởng của tôi cũng là lý tưởng mà Đảng dạy cho mình, không tìm đâu ra lý tưởng nào hay hơn thế.

____
Suy nghĩ của ông về những đứa con, về lớp trẻ hiện nay? Họ đã thật sự có được một lý tưởng sống đẹp?

Con gái tôi tốt nghiệp Đại học Kinh tế, hiện đang tham gia dự án khu CNC, còn con trai tôi tốt nghiệp Đại học Kiến trúc, đang làm việc với mẹ. Tôi cảm thấy các con mình trước hết cũng có cái chất của truyền thống gia đình, xác định được mối quan tâm đối với người khác và cho xã hội.

Tuy nhiên đó chỉ là ý muốn, còn làm được hay không, vẫn là điều đáng lo, vì có nhiều áp lực từ cuộc sống. Thực tế giới trẻ thường quan niệm phải lo cho mình cỡ nào đó, rồi mới lo cho người khác, phải sống khá hơn, thoải mái hơn, tự do hơn; trong khi thế hệ mình đã được một quá trình lịch sử rèn luyện theo kiểu khác. Ngày nay không có được những tác động cùng chiều gần như tuyệt đối như thời trẻ của mình.

Lớp trẻ bây giờ rất giỏi, nhạy bén với cái mới, tiếp thu rất nhanh cái hiện đại và văn minh. Điều đó tốt. Nhưng theo tôi, tiếp thu cái mới phải trên cơ sở nhận thức sâu sắc về lịch sử, văn hóa dân tộc. Không nên xem nhẹ việc rèn luyện cái gốc dân tộc, tính cách, tâm hồn Việt Nam. Cần phải có sự giáo dục xã hội tốt hơn để giúp họ.

Tôi không bao giờ đốp chát, ăn miếng trả miếng với ai, nếu không chơi được thì tránh đi, không đụng chạm.

____
Một ngày làm việc của ông thế nào? Dường như ông chưa cho phép mình nghỉ ngơi?

Chưa, tôi làm việc suốt ngày, lúc nào mệt thì nghỉ một chút, tuy nhiên không còn phải thức đêm nhiều như ngày còn làm Phó Chủ tịch. Giờ tôi chủ động hơn, tối còn có thể xem đá bóng. Tôi mê xem đá bóng nhất. Mùa Euro này lại… thức đêm.

____
Ông thích đội nào thắng?

Pháp thôi, trừ những cái bất thường. Đội Pháp rất hoàn hảo, trừ thủ môn thỉnh thoảng bất thường.

____
Ông còn có giải trí nào khác?

Đọc sách, báo, chơi với cháu ngoại, và sắp tới là chơi với cháu nội nữa. Tôi thường đọc sách khoa học, kinh tế, văn hóa, cái gì mới là tôi đọc. Tôi cũng thích sách lịch sử, và đang tham gia vào việc viết lách, như công trình Lịch sử Nam bộ kháng chiến, tôi chủ trì một mảng nhỏ về phong trào đô thị.

____
Trải qua những khó khăn, ách tắc của cuộc đời, đức tính nào giúp ông vượt qua được những điều không như mình mong muốn?

Với tôi có lẽ là sự kiên trì, chịu đựng. Tôi không bao giờ đốp chát, ăn miếng trả miếng với ai. Còn nếu không chơi được, thì tránh đi, không đụng chạm, nếu đó là lợi ích chung quá cần thì phải kiên trì thuyết phục. Chỉ đối với kẻ thù mới phải đấu tranh tận cùng, bằng mọi biện pháp, còn đối với đồng chí, bạn bè, tôi rất ghét dùng thủ đoạn, biện pháp này nọ.

____
Bắt đầu chặng mới của cuộc đời với một dự án khu CNC, ông lại chấp nhận một thách thức rất lớn ở phía trước, có bao giờ ông cảm thấy mệt mỏi?

Làm việc, nhất là trong công việc mới, tôi luôn hăng hái, dù khó gì cũng cố gắng, phấn khởi, bởi đâu có ai ép mình? Tôi thường xuyên tự nhủ mình và giáo dục con cái trong nhà luôn luôn phải giữ thế chủ động.

____
Ước nguyện của riêng ông?

Có sức khỏe để làm được nhiều hơn cho xã hội, đem thêm những giá trị mới cho xã hội. Đất nước mình đang có thời cơ để vượt lên, phải hết sức khẩn trương, không nên tính tới hưởng thụ bây giờ.

____
Bạn bè có tầm quan trọng thế nào trong cuộc đời ông?

Tôi cũng ít có nhu cầu cá nhân, nhu cầu lớn nhất sau gia đình là bạn bè. Không thể sống mà không có bạn bè, tôi rất hạnh phúc vì hầu hết bạn bè tôi đều là bạn chiến đấu năm xưa. Mỗi lần gặp nhau vẫn thắm thiết như ngày nào. Tôi coi trọng chuyện bạn bè, thậm chí còn ước mong thành lập được một câu lạc bộ để ngày nào cũng có bạn bè đến đánh cờ, vui chơi, bình luận bóng đá với nhau, nhưng rất tiếc bây giờ chưa có thời gian và điều kiện.

Video liên quan

Chủ đề