Phận tích nghệ thuật xây dựng thế trận tiến công trong Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân năm 1975

Phận tích nghệ thuật xây dựng thế trận tiến công trong Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân năm 1975
Đại tướng Võ Nguyên Giáp và Tổ thường trực tham mưu trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân 1975. (ảnh tư liệu)

Thực hiện quyết tâm của Bộ Chính trị, toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta gấp rút chuẩn bị mọi mặt cả về tinh thần và lực lượng cho trận quyết chiến chiến lược. Nghệ thuật chớp thời cơ trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân 1975 được thể hiện ở những nội dung chủ yếu sau:

1. Nghiên cứu, đánh giá khách quan, toàn diện tình hình, xác định đúng thời cơ chiến lược. Thực hiện đánh đòn quyết định giải phóng miền Nam, thống nhất Tổ quốc đòi hỏi phải giải quyết vấn đề mang tính chiến lược. Nhưng trước hết phải nghiên cứu toàn diện, đánh giá đúng tình hình. Từ đó xác định chính xác thời cơ, lựa chọn phương châm chiến lược, phương thức tiến hành phù hợp. Vấn đề khó nhất, cũng là quan trọng nhất là phải trả lời được câu hỏi: liệu Mỹ có trở lại can thiệp miền Nam không? Và khả năng đó là bao nhiêu phần trăm? Để giải quyết bài toán hóc búa này, Bộ Chính trị đã kịp thời chỉ đạo các cơ quan chiến lược (Bộ Quốc phòng, Bộ Ngoại giao, cơ quan tình báo chiến lược, nhất là Cục Quân báo, Bộ Quốc phòng) tích cực, chủ động theo dõi, bám sát “nhất cử, nhất động” của Mỹ, ngụy cả trên chiến trường và ở nước Mỹ bằng nhiều “kênh” khác nhau. Theo đó, các cơ quan đã mưu trí, linh hoạt và khôn khéo thu thập được nhiều thông tin quan trọng: nội bộ nước Mỹ đang mâu thuẫn sâu sắc, phong trào phản đối chiến tranh xâm lược Việt Nam ở Mỹ tăng cao, R. Ních-xơn buộc phải từ chức Tổng thống Mỹ. Chính quyền Sài Gòn ngày càng gặp khó khăn về nhiều mặt do Mỹ liên tục cắt giảm viện trợ [1]. Về phía ta, cách mạng cả hai miền đang phát triển thuận lợi. Hậu phương lớn miền Bắc, do tính ưu việt của chế độ XHCN đã thúc đẩy kinh tế phát triển vượt bậc, cùng với sự giúp đỡ to lớn của các nước XHCN anh em, đủ sức đảm bảo cung cấp nhân lực, vật lực cho tiền tuyến lớn miền Nam. Tại tiền tuyến lớn miền Nam, quân và dân ta đã, đang giành thế chủ động, thế trận chiến tranh nhân dân phát triển rộng khắp trên cả 3 vùng chiến lược, đủ sức đánh những trận tiêu diệt lớn quân địch. Trên cơ sở phân tích, đánh giá khách quan, toàn diện tình hình, Bộ Chính trị xác định: chuẩn bị chu đáo, nắm chắc thời cơ, đánh đổ ngụy quyền nhanh, gọn thì Mỹ không dám vào, các thế lực khác không kịp trở tay. Nhưng để khẳng định việc Mỹ có quay lại chiến trường miền Nam không? Bộ Chính trị đã mưu trí, táo bạo chỉ đạo mở chiến dịch Phước Long - một tỉnh cận kề Sài Gòn, giáng một đòn chí mạng vào tuyến phòng thủ Sài Gòn - Gia Định, nơi mạnh nhất, quan trọng nhất nhưng hiểm yếu trên tuyến phòng thủ vòng ngoài của địch, làm thôi động tình hình để thăm dò thái độ của Mỹ. Chiến dịch Đường 14 - Phước Long thắng lợi, đẩy chính quyền Sài Gòn tiến gần đến “ngày tận thế”. Mặc dù quân ngụy đang trong tình thế “tiến thoái lưỡng nan”, nhưng Mỹ vẫn không có động thái quay trở lại, mà còn tuyên bố: Tổng thống G.R. Pho không có ý vi phạm những điều cấm (của Quốc hội) về việc sử dụng lực lượng quân sự Hoa Kỳ tại Việt Nam. Rõ ràng, Mỹ đã thua trận buộc phải rút quân ra, nay lại càng không thể quay trở lại. Đó là thời cơ chiến lược thúc đẩy Đảng ta nhanh chóng đi tới quyết định mở cuộc Tổng tiến công và nổi dậy với mục tiêu cuối cùng là đánh thẳng vào Sài Gòn - trung tâm đầu não của địch, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất Tổ quốc.

2. Gấp rút chuẩn bị mọi mặt cho trận quyết chiến chiến lược. Rõ ràng, thời cơ kết thúc cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước đã chín muồi; vấn đề còn lại là chớp thời cơ đó ra sao? Điều đó phụ thuộc vào hành động của ta. Công tác chuẩn bị cho cuộc Tổng tiến công và nổi dậy không thể sớm hơn và càng không thể muộn hơn thời gian mà Bộ Chính trị ấn định (năm 1975). Với kinh nghiệm lãnh đạo cách mạng dày dạn qua 45 năm, Đảng ta nhận thức sâu sắc: thời gian là lực lượng, nên đã kịp thời chỉ đạo toàn dân và toàn quân phát huy sức mạnh tổng hợp của cả dân tộc chuẩn bị mọi mặt cho trận quyết chiến cuối cùng: xây dựng thế trận, phát triển lực lượng; vật chất hậu cần, kỹ thuật; mạng lưới đường cơ động chiến lược, chiến dịch, mở rộng vùng giải phóng... Thực hiện quyết tâm của Bộ Chính trị, toàn dân và toàn quân đã tích cực củng cố và hoàn chỉnh thế chiến lược liên hoàn từ Bắc vào Nam, từ rừng núi Trị - Thiên đến Tây Nguyên, miền Đông Nam Bộ và đồng bằng sông Cửu Long. Các binh đoàn chủ lực cơ động được thành lập [2], từng bước cơ động vào từng hướng chiến trường bảo đảm đánh địch ở cả vùng rừng núi, thành thị và nông thôn đồng bằng. Nguồn dự trữ chiến lược được bổ sung [3] đáng kể trên những địa bàn quan trọng; đặc biệt là địa bàn Tây Nguyên. Vùng giải phóng tiếp tục được mở rộng, nhất là các vùng nông thôn, đồng bằng Nam Bộ, tạo các bàn đạp ở vùng phụ cận thành thị lớn. Qua thống kê cho thấy, chúng ta đã phát triển được hàng vạn ki-lô-mét đường chiến lược, chiến dịch trên từng hướng và đường ống dẫn dầu từ Bắc vào Nam; tổ chức vận chuyển hàng vạn tấn vũ khí (gấp hơn 3 lần khối lượng vận chuyển năm 1972). Nhờ có sự lãnh đạo sáng suốt, tài tình của Đảng, sự chủ động nỗ lực của quân và dân ta, công tác chuẩn bị chiến lược được triển khai chu đáo, chặt chẽ, sáng tạo, toàn diện cả về chính trị, quân sự và ngoại giao; thế trận, lực lượng và vũ khí, phương tiện cơ sở vật chất, kỹ thuật...

3. Kịp thời chuyển cuộc tiến công chiến lược thành cuộc Tổng tiến công chiến lược. Hạ tuần tháng 3/1975, Chiến dịch Tây Nguyên toàn thắng. Hơn 10 vạn quân địch bị loại khỏi vòng chiến đấu; hơn 60 vạn dân thuộc các dân tộc Tây Nguyên được giải phóng. Hệ thống phòng thủ chiến lược của quân ngụy ở miền Nam đứng trước nguy cơ bị chia cắt. Tuyến phòng ngự của địch dọc ven biển miền Trung bị uy hiếp trực tiếp. Thế nhưng, Mỹ vẫn không có hành động gì, càng làm tăng thêm sự hoang mang, suy sụp của chính quyền Sài Gòn. Với tầm nhìn chiến lược, nghệ thuật phân tích, đánh giá chính xác tình hình so sánh lực lượng ta - địch và dự báo sớm tình huống, Bộ Chính trị hạ quyết tâm chiến lược: giải phóng miền Nam ngay trong năm 1975, không chờ đến năm 1976. Để thực hiện quyết tâm trên, Bộ Tổng tư lệnh đã tập trung nghiên cứu xác định hướng tiến công chiến lược, tổ chức nghi binh lừa địch cả về hướng, thời gian và lực lượng; nhanh chóng điều chỉnh lực lượng, bố trí thế trận và tích cực chỉ đạo hoạt động tác chiến trên các hướng. Với sự chỉ đạo tác chiến táo bạo, linh hoạt của Bộ Tổng tư lệnh và được sự giúp đỡ của chính quyền, nhân dân các địa phương dọc tuyến đường hành quân, Quân đoàn 1 đã kịp thời cơ động vào chiến trường đúng thời gian quy định; các sư đoàn chủ lực ở mặt trận Tây Nguyên bí mật hành quân vào áp sát Sài Gòn; tăng cường 2 trung đoàn xe tăng, 2 trung đoàn pháo binh và 3 trung đoàn pháo cao xạ cho Mặt trận B2... Cùng với Nghệ thuật chỉ đạo chiến tranh tài tình, sắc sảo của Bộ Chính trị, nghệ thuật tạo thế, lực và nhất là nghệ thuật chớp thời cơ, Bộ Thống soái quyết định hạ quyết tâm chuyển cuộc tiến công chiến lược thành cuộc Tổng tiến công chiến lược, nhằm hoàn thành kế hoạch hai năm (1975, 1976) trước mùa mưa năm 1975. Mục tiêu tiến công chiến lược là Sài Gòn. Trước mắt, nhanh chóng tiến công tiêu diệt lớn và làm tan rã lực lượng địch ở Vùng 1 chiến thuật từ Quảng Trị đến Quảng Ngãi, giải phóng Huế - Đà Nẵng, tiếp đó “Thần tốc, táo bạo, bất ngờ” tiến đánh sào huyệt cuối cùng của Chính quyền Sài Gòn.

Với quyết tâm trên, một lần nữa cho thấy tầm tư duy quân sự của Bộ thống soái tối cao đưa đến một quyết định chiến lược dũng cảm và chính xác. Nhờ đó, cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân 1975, mà đỉnh cao là Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử đã giành toàn thắng. Quân và dân ta đã đập tan toàn bộ bộ máy chiến tranh to lớn của chính quyền tay sai Mỹ ở miền Nam, quét sạch bộ máy ngụy quyền mà đế quốc Mỹ đã xây dựng trong hơn 20 năm. Ta đã giải phóng hoàn toàn miền Nam, cả các đảo do quân ngụy chiếm giữ, giành lại “giang sơn đất nước” gồm cả vùng trời, vùng biển ở miền Nam Việt Nam. Nhân dân ta đã giành được độc lập, tự do, tiến tới thực hiện thống nhất Tổ quốc, đưa cả nước đi lên CNXH.

Đại tá, TS. Dương Đình Lập

-----------------------

[1] - Đại tá Lữ trưởng ngụy quân (Nguyễn Văn Thọ) khi bị hỏi cung: không có Mỹ thì ngụy chịu được bao lâu? đã trả lời: chỉ được hai năm; Ngoại trưởng Mỹ H. Kít-xinh-giơ trả lời câu hỏi của đồng chí Phạm Văn Đồng: Dân tộc Việt Nam đã ba lần đánh thắng quân Nguyên... còn các ông, liệu các ông đánh chúng tôi mấy lần? Ngoại trưởng Mỹ khẳng định: Nước Mỹ đang bê bối lắm! Cho kẹo quân Mỹ cũng không dám đánh trở lại Việt Nam; ngày 22/01/1975, Tổng thống Mỹ G.R. Pho tuyên bố: Không có hành động nào khác ngoài việc bổ sung viện trợ cho Sài Gòn. Sẽ không can thiệp vào Nam Việt Nam nếu xét ra không phù hợp với hiến pháp và pháp luật; năm 1974 - 1975, Mỹ viện trợ cho chính quyền Sài Gòn 701 triệu đô-la, không bằng một nửa tài khóa 1972 - 1973 (Theo: Đại tướng Võ Nguyên Giáp với cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, Nxb QĐND, H. 2005, tr. 849, 862, 879, 850).

[2] - Quân đoàn 1 được thành lập ngày 24/10/1973, tại Ninh Bình; Quân đoàn 2, ngày 17/5/1974, tại Thừa Thiên - Huế; Quân đoàn 4, ngày 20/7/1974, tại miền Đông Nam Bộ; Quân đoàn 3, ngày 26/3/1975, tại Tây Nguyên.

[3] - Lượng vật chất hậu cần, kỹ thuật dự trữ ở chiến trường đạt gần 255 nghìn tấn, bố trí đều khắp ở các căn cứ hậu cần chiến lược, chiến dịch. Riêng ở Mặt trận Tây Nguyên, lượng dự trữ bảo đảm đủ cho các đơn vị chủ lực hoạt động liên tục trong cả năm 1975. Trong gần 2 năm (1973 - 1975), ta đã chuẩn bị được một khối lượng vật chất lớn chưa từng có, bằng cả 13 năm trước đó.

Theo: mod.gov.vn