Phương pháp xây dựng khối đại đoàn kết dân tộc

Mục lục bài viết

  • 1. Nét đặc sắc trong nguyên tắc đại đoàn kết dân tộc của Chủ tịch Hồ Chí Minh
  • 2. Khái niệm về đại đoàn kết dân tộc
  • 3. Vai trò của địa đoàn kết dân tộc
  • 4. Lực lượng của khối đại đoàn kết dân tộc
  • 5. Phương thức thực hiện đại đoàn kết dân tộc

1. Nét đặc sắc trong nguyên tắc đại đoàn kết dân tộc của Chủ tịch Hồ Chí Minh

Thứ nhất, đại đoàn kết phải được xây dựng trên cơ sở thống nhất giữa lợi ích của quốc gia dân tộc với quyền lợi cơ bản của các giai tầng trong xã hội.

Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn có thái độ “cầu đồng tồn dị” - chấp nhận sự khác biệt của các giai tầng trong xã hội nhưng không trái với mục tiêu chung: Độc lập dân tộc, tự do, hạnh phúc của nhân dân.

Trong suốt chiều dài lịch sử, dân tộc Việt Nam luôn phải đương đầu với những kẻ thù xâm lược đến từ phương Bắc, sau này là từ phương Tây. Dựng nước gắn liền với giữ nước. Theo Hồ Chí Minh, mẫu số chung của mọi giai tầng trong xã hội Việt Nam, đó là khát vọng được độc lập, khát vọng vươn tới một cuộc sống tự do, ấm no, hạnh phúc. Người khẳng định: “Người Việt Nam ai cũng yêu nước, muốn nước thống nhất độc lập, ta khéo nhen chút than hồng ấy, nó sẽ cháy lên thành ngọn lửa”.

Thứ hai, tin vào dân, dựa vào dân, phấn đấu vì quyền lợi của nhân dân.

Dân trong tư tưởng Hồ chí Minh là những người cùng chung một nước, chung một cộng đồng, chung một lãnh thổ thống nhất. Người gọi nhân dân là “quốc dân”, là “đồng bào”, là “người trong một nước”. Dân là những người có chung một cội nguồn, tất cả sinh cùng một bọc, là “con Lạc cháu Hồng”, là “con Rồng cháu Tiên”, đều là con cháu Việt Nam, đều là anh em ruột thịt. Đó là toàn bộ đồng bào trong đại gia đình các dân tộc VN, kể cả những người ở nước ngoài, “không phân biệt nòi giống, gái trai, giàu, nghèo, giai cấp, tôn giáo”, trừ bọn tay sai cho đế quốc thực dân, bọn Việt gian, bọn phản bội lại lợi ích Tổ quốc.

Nguyên tắc này vừa là sự kế thừa tư duy chính trị truyền thống của dân tộc “Dân là gốc của nước”, vừa là sự quán triệt quan điểm của chủ nghĩa Mác – Lênin “cách mạng là sự nghiệp của quần chúng”. Hồ Chí Minh cho rằng: Dân là gốc rễ, là nền tảng của đại đoàn kết. "Trong bầu trời không gì quý bằng Nhân dân. Trong thế giới, không gì mạnh bằng lực lượng đoàn kết của Nhân dân". Dân là chủ thể của đại đoàn kết. Dân là nguồn sức mạnh vô tận, vô địch của khối đại đoàn kết. Dân là chỗ dựa vững chắc của Đảng Cộng sản và hệ thống chính trị. Do đó, cần phát huy sức mạnh của Nhân dân. Đoàn kết phải thực sự tạo thành sức mạnh vật chất và tinh thần. Đoàn kết phải thông qua các tổ chức chặt chẽ để tập hợp các tầng lớp Nhân dân. Trong Di chúc Người căn dặn:“Đoàn kết là một truyền thống cực ký quý báu của Đảng và Nhân dân ta”.

Năm 1950, Bác Hồ đến thăm và nói chuyện với lớp đào tạo cán bộ Tư pháp. Đó là một đêm mùa Hè ở vùng núi chiến khu Việt Bắc, tiết trời rất nóng nực. Bác mặc chiếc áo sơ-mi bằng vải màu vàng đã sờn bạc, để lộ bên trong chiếc áo may-ô nhuộm màu nâu. Dưới ánh đèn dầu le lói, một tay cầm chiếc quạt giấy, tay kia Bác rút trong cặp ra một xếp giấy, gồm những câu hỏi mà học viên trong lớp đã gửi lên để nhờ Bác giải đáp.Bác đọc từng câu, vừa trả lời vừa giải thích thật cặn kẽ và dễ hiểu. Đáng nhớ nhất có câu hỏi: “Làm thế nào để Tư pháp gần được dân?”. Bác trả lời: “Muốn gần dân thì đừng xa dân!”.

Sự ủng hộ của nhân dân là hết sức to lớn. Ví dụ: Sự ủng hộ về vật chất và tinh thần cho Chính phủ ta sau khi CMT8 thành công, Tổng tuyển cử, “Tuần lễ vàng”, “Hũ gạo cứu đói”…

Thứ ba, đại đoàn kết một cách tự giác, có tổ chức, có lãnh đạo; đoàn kết lâu dài, chặt chẽ.

Đại đoàn kết theo tư tưởng Hồ Chí Minh là đoàn kết trên lập trường vô sản, theo ngọn cờ chủ nghĩa Mác – Lênin, đó là một tập hợp có tổ chức, dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản, nền tảng là khối liên minh công - nông - trí thức.

Hồ Chí Minh nêu rõ: “Đoàn kết của ta không những rộng rãi mà còn đoàn kết lâu dài. Đoàn kết là một chính sách dân tộc, không phải là một thủ đoạn chính trị. Ta đoàn kết để đấu tranh cho thống nhất và độc lập của Tổ quốc; ta còn phải đoàn kết để xây dựng nước nhà”. Đoàn kết rộng rãi, chặt chẽ, đồng thời phải củng cố. Nền có vững, nhà mới chắc chắn, gốc có tốt thì cây mới tốt tươi.

Thứ tư, đại đoàn kết phải chân thành, thẳng thắn, thân ái; đoàn kết phải gắn liền với tự phê bình và phê bình.

Xuất phát từ tinh thần yêu nước, lòng tự tôn dân tộc của con người Việt Nam, Chủ tịch Hồ Chí Minh chủ trương tập hợp mọi lực lượng dân tộc trong khối đại đoàn kết. Đồng thời, Người cho rằng, trong đoàn kết có đấu tranh, đấu tranh để củng cố đoàn kết. “Đoàn kết thật sự nghĩa là vừa đoàn kết, vừa đấu tranh, học những cái tốt của nhau, phê bình những cái sai của nhau và phê bình trên lập trường thân ái, vì nước, vì dân”. Do đó, trong đoàn kết phải thực hiện tự phê bình và phê bình, để khắc phục, sửa chữa khuyết điểm, phát huy những ưu điểm, củng cố nội bộ, củng cố tổ chức, tăng cường đoàn kết.

Trong tác phẩm Di chúc, điều mong muốn cuối cùng của Người là: Toàn đảng, toàn dân ta đoàn kết phấn đấu, xây dựng một nước Việt Nam hoà bình, thống nhất, độc lập, dân chủ và giàu mạnh, và góp phần xứng đáng vào sự nghiệp cách mạng thế giới.

2. Khái niệm về đại đoàn kết dân tộc

Hồ Chí Minh đưa ra quan niệm về đại đoàn kết, đại đoàn kết dân tộc

Tư tưởng Hồ Chí Minh về địa đoàn kết dân tộc là một bộ phận quan trọng hợp thành trong hệ thống tư tưởng của Người về những vẫn đề cơ bản của cách mạng Việt Nam. Nghiên cứu toàn bộ di cảo của Người có thể nhận thấy cum từ “đoàn kết” được Người nhắc tới hơn hai ngàn lần và cụm từ “đại đoàn kết” được Người nhắc tới tám mươi lần, điều đó nói lên sự quan tâm đối với vấn đề đoàn kết ở mọi điều kiện, mọi hoàn cảnh của lich sử, đồng thời tỏ rõ tầm chiến lược tư tưởng đoàn kết của Người. Đoàn kết có thể hiểu một cách đơn giản là sự tập hợp, kết thành một khối thống nhất, cùng hoạt động vì một mục đích chung nào đó. Còn đại đoàn kết là đoàn kết rộng rãi tức muốn nhấn mạnh tới thành phần, quy mô, lực lượng của khối đoàn kết.

Hồ Chí Minh nới nhiều tới đoàn kết, đại đoàn kết, tuy nhiên chỉ một lần duy nhất Người định nghĩa về khái niệm đại đoàn kết: “Đại đoàn kết tức là trước hết phải đoàn kết đại đa số nhân dân, mà đại đa số nhân dân là công nhân, nông dân và các tầng lớp nhân dân lao động khác. Đó là nền gốc của đại đoàn kết. Nó cũng như cái nền của nhà, cái gốc của cây. Nhưng đã có nền vững, gốc tốt, còn phải đoàn kết các tầng lớp nhân dân khác”. Tư tưởng về đại đoàn kết tiếp tục được Hồ Chí Minh cụ thể hóa hơn trong các cụm từ như” “đại đoàn kết toàn dân”, “đoàn kết toàn dân”, “đoàn kết dân tộc”, “toàn dân tộc ta đoàn kết”. Tuy cách diễn đạt có thể khác nhau, nhưng nội hàm của các khái niệm trên đầu thống nhất khi khẳng định lực lượng của khối đại đoàn kết là của toàn thể nhân dân Việt Nam.

Như vây, đại đoàn kết dân tộc theo tư tưởng Hồ Chí Minh là đại đoàn kết các dân tộc, giai cấp, mọi giới, mọi lứa tuổi, mọi vùng của đất nước, đoàn kết mọi thành viên trong đại gia đình dân tộc Việt Nam dù sống trong nước hay định cư ở nước ngoài thành một khối vững chắc trên cơ sở thống nhất về mục tiêu chung và những lợi ích căn bản.

3. Vai trò của địa đoàn kết dân tộc

Hồ Chí Minh chỉ ra vai trò của đại đoàn kết dân tộc đối với cách mạng Việt Nam

Khi đề cập đến vị trí, vai trò của đoàn kết dân tộc, Hồ Chí Minh khẳng định, đại đoàn kết dân tộc là một chiến lược cơ bản, nhất quán, lâu dài, là vấn đề sống còn, quyết định thành công của cách mạng. Đó là chiến lược tập hợp mọi lực lượng nhằm hình thành và phát triển sức mạnh to lớn của toàn dân trong cuộc đấu tranh chống kẻ thù của dân tộc, của nhân dân. Theo Người, đoàn kết làm nên sức mạnh và là cội nguồn của mọi thành công: “Đoàn kết là một lực lượng vô địch của chúng ta để khắc phục khó khăn, giành lấy thắng lợi”; “Đoàn kết, đoàn kết, đại đoàn kết; Thành công, thành công, đại thành công”.

Với Hồ Chí Minh, đại đoàn kết không phải là một chủ trương, một chiến lược xuất phát từ nguyện vọng, từ ý muốn chủ quan của lực lượng lãnh đạo mà là sự đúc kết những đòi hỏi khách quan của sự nghiệp cách mạng do quần chúng tiến hành. Nếu như xuất phát từ nhu cầu của lực lượng lãnh đạo cách mạng, đại đoàn kết dân tộc sẽ chỉ dừng lại là một thủ đoạn chính trị nhằm đạt được mục đích, một ý đồ nhất định. Ngược lại, nhìn nhận đoàn kết dân tộc như một đòi hỏi tự thân, khách quan của quần chúng nhân dân trong cuộc đấu tranh tự giải phóng thì đại đoàn kết là sự nghiệp của dân, do dân và vì dân. Do đó, trong tiến trình lãnh đạo cách mạng, Người yêu cầu không được có bất cứ lúc nào lơ là nhiệm vụ xây dựng khối đại đoàn kết dân tộc. Xây dựng khối đại đoàn kết dân tộc không chỉ dừng lại trong nhận thức mà được cụ thể hóa trong mọi bước đi, giai đoạn phát triển của cách mạng, Người nói: “Ta đoàn kết để đấu tranh cho thống nhất và độc lập của Tổ quốc; ta còn phải đoàn kết để xây dựng nước nhà”

4. Lực lượng của khối đại đoàn kết dân tộc

Hồ Chí Minh chỉ ra lực lượng của khối đại đoàn kết dân tộc là toàn dân trong đó lấy liên minh giữa giai cấp công nhân với giai cấp nông dân và đội ngũ trí thức làm nền tảng

Kế thừa và nâng tầm tư duy chính trị truyền thống của cha ông: “Nước lấy dân làm gốc”; đồng thời thấm nhuần nguyên lý mác xít “Cách mạng là ngày hội của quần chúng”, Hồ Chí Minh đã tìm sức mạnh và cái cẩm nang thần kỳ của công cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước ở lực lượng vô địch của nhân dân: “Trong bầu trời không có gì quý bằng nhân dân. Trong thế giới không có gì mạnh bằng lực lượng đoàn kết của nhân dân”. Trong tư tưởng Hồ Chí Minh, dân, nhân dân có một nội hàm rất rộng. Người dùng các khái niệm này để chỉ tất cả con dân của nước Việt Nam, những người được gọi là “con Lạc cháu Hồng”. Tư tưởng đại đoàn kết dân tộc của Người là đoàn kết tất cả các tầng lớp nhân dân, các giai cấp, các chính đảng, đoàn thể, các dân tộc, tôn giáo, kể cả những người trước đây lầm đường lạc lối nhưng đã biết hối cải, quy về với chính nghĩa của dân tộc. Đoàn kết trong tư tưởng của Người là đoàn kết rộng rãi, mở rộng và tranh thủ tất cả những lực lượng và bộ phận có thể tranh thủ. Nguyên tắc đoàn kết rộng rãi được dựa trên điểm tương đồng là: “Bất kỳ ai mà thật thà tán thành hòa bình, thống nhất, độc lập, dân chủ, thì dù những người đó trước đây chống chúng ta, bây giờ chúng ta cũng thật thà đoàn kết với họ”. “Ai có tài, có sức, có đức, có lòng phụng sự Tổ quốc và phục vụ nhân dân thì ta đoàn kết với họ”.

Như vậy, trong tư tưởng Hồ Chí Minh luôn có sự kết hợp hài hòa, quyện chặt và nhất quán giữa yếu tố dân tộc và yếu tố giai cấp. Đoàn kết dân tộc trên cơ sở lấy liên minh công nông làm gốc, không một lúc nào quên đi lợi ích giai cấp song Người cũng có một tư duy vượt trước khi khẳng định chủ ghĩa dân tộc là một động lực lớn của cách mạng Việt Nam.

Trong lực lượng phong phú của Mặt trận, Đảng Cộng sản Việt Nam được xác định là một thành viên, bởi Đảng là bộ phận ưu tú nhất của giai cấp công nhân. Tuy nhiên, Đảng không phải là một thành viên bình thường, mà là người lãnh đạo của khối đại đoàn kết toàn dân. Một trong những nhiệm vụ hàng đầu của Đảng là tuyên truyền, giáo dục để quần chúng giác ngộ sự cần thiết phải đoàn kết lại; chọn lựa những hình thức, phương pháp tổ chức thích hợp để có thể thu hút rộng rãi các lực lượng yêu nước, tiến bộ trong dân chúng; hướng dẫn khối đại đoàn kết toàn dân đấu tranh, lao động sáng tạo theo những mục tiêu, nhiệm vụ phù hợp với lợi ích thiêng liêng của dân tộc và nguyện vọng chính đáng của nhân dân. Người cũng nhấn mạnh quyền lãnh đạo Mặt trận không phải Đảng tự phong cho mình, mà phải được nhân dân thừa nhận: “Đảng không thể đòi hỏi Mặt trận thừa nhận quyền lãnh đạo của mình, mà phải tỏ ra là một bộ phận trung thành nhất, hoạt động nhất và chân thực nhất. Chỉ trong đấu tranh và công tác hàng ngày, khi quần chúng rộng rãi thừa nhận chính sách đúng đắn và năng lực lãnh đạo của Đảng, thì Đảng mới giành được địa vị lãnh đạo”.

Tóm lại, lực lượng góp thành sức mạnh của đại đoàn kết dân tộc là toàn dân, trogn đó lấy liên minh công nhân - nôgn dân - trí thức làm nền tảng được tập hợp trong một Mặt trận thống nhất đặt dưới sự lãnh đạo của Đảng. Thực tiễn đã trả lời chỉ trên cơ sở tuân thủ nguyên tắc này, địa đoàn kết dân tộc mới có sức sống bền vững và trường tồn.

5. Phương thức thực hiện đại đoàn kết dân tộc

Hồ Chí Minh chỉ ra phương thức thực hiện đại đoàn kết dân tộc

Đại đoàn kết được xây dựng trên cơ sở bảo đảm lượi ích tối cao của dân tộc và những lợi ích chính đáng của nhân dân lao động. Thực tiễn lịch sử đã xác nhận, suy đến cùng, mối quan hệ giữa các tầng lớp nhân dân trở nên bền chặt hay không do chính vấn đề lợi ích quy định. Ngược lại nếu không thỏa mãn những vấn đề tối thiểu về lợi ích thì mọi khẩu hiệu về đoàn kết chỉ là những khẩu hiệu trống rỗng. Tuy nhiên, mối quan hệ lợi ích giữa các giai cấp, tầng lớp luôn là vấn đề hết sức phức tạp, chồng chéo, luôn chứa đựng những yếu tố thống nhất, mâu thuẫn và không ngừng vận động biến đổi cùng với đời sống thực tiễn.

Mẫu số chung của khối đại đoàn kết dân tộc, theo Người là chân lý: “Không có gì quý hơn độc lập tự do”. Độc lập, tự do là nội dung cơ bản về quyền thiêng liêng, bất khả xâm phạm của mỗi quốc gia dân tộc, của mỗi cá nhân, thành viên trong dân tộc đó. Quyền được sống, quyền tự do và quyền mưu cầu hạnh phúc là thiêng liêng và bất khả xâm phạm của mỗi con người. Song, con người không bao giờ là một chủ thể tách biệt xã hội, con người luôn là con người xã hội và sống trong lòng mỗi quốc gia dân tộc cụ thể. Vì lẽ đó, quyền của con người luôn gắn liền với quyền của quốc gia, dân tộc. Con người chỉ có thể mưu cầu hạnh phúc cho chính mình, được sống và được tôn trọng phẩm giá khi quốc gia dân tộc độc lập, tự do. Như vậy, xác định mục tiêu phản ánh được lợi ích cản bản, cấp bách và nóng bỏng nhất của toàn thể dân tộc Việt Nam đang sống trong cảnh độc lập, tự do của Tổ quốc bị đe dọa là phương thức quan trọng để quy tụ sức mạnh toàn dân tộc của Người.