Sau cách mạng tháng tám năm 1945, ngân hàng đông dương nằm trong tay ai?

I- Chính sách bóc lột bằng tô thuế của thực dân Pháp trước cách mạng tháng Tám 1945

Ngay sau khi hoàn thành công cuộc xâm chiếm và đặt ách đô hộ lên đất nước ta, thực dân Pháp bắt tay ngay vào công cuộc khai thác thuộc địa và tăng cường bóc lột nhân dân ta bằng tô thuế.


Năm 1892, chính quyền thực dân cấp cho Tô mê 4.000ha đất trên địa bàn thung lũng sông Lục Nam để thử nghiệm xây dựng đồn điền.. Tômê đã chiêu mộ nhân công phần lớn là những nông dân phiêu tán lập thành 14 làng với trên 2.000 dân. Đến năm 1898, số dân đã tăng lên ngót 5.000 người, lập thành 43 làng. Kết quả này đã khuyến khích bọn thực dân đổ xô vào Bắc Giang chiếm đất lập đồn điền. Đến năm 1907, trong tổng số 244 đồn điền ở Bắc Kỳ thì Bắc Giang chiếm 36 cái, đứng hàng đầu những tỉnh có đồn điền, với số đất bị chiếm 31.995ha. Những đồn điền lớn có Công ty khai khẩn Trung Bắc Kỳ do Đờ Mông pơza quản lý, chiếm 8.575ha ở Lục Nam, Lục Ngạn; đồn điền Tataranh chiếm 6.902ha ở Hiệp Hoà, Việt Yên; đồn điền Setnay chiếm 7.025ha ở Yên Thế, Lục Nam ...
Bọn chủ đồn điền bóc lột dưới 2 hình thức.
- Chiêu mộ người đến sản xuất dưới sự điều khiển trực tiếp của chúng.
- Phát canh thu tô.
Mỗi đồn điền có cách quản lý và thu tô không giống nhau, nhưng nhìn chung mức địa tô mà tá điền phải nộp cho chủ thường từ 1/3 đến 1/2 thu hoạch.
Thiết lập ách thống trị, thực dân Pháp không xoá bỏ thiết chế phong kiến mà còn duy trì, củng cố và biến nó thành công cụ đắc lực để đàn áp và bóc lột, phục vụ cho những mục tiêu của chủ nghĩa thực dân ở thuộc địa. Cũng như nhân dân cả nước, người dân Bắc Giang, trước hết là nông dân, giờ đây sống khổ gấp bội. Bộ máy quản lý các làng xã dưới thời phong kiến được thực dân Pháp duy trì và tìm mọi cách để nắm chặt hơn, biến bọn lý dịch, kỳ hào thành những tên tay sai phục vụ đắc lực cho bọn thống trị. Thông qua bộ máy hào lý này, bọn thực dân tiếp tục huy động sự đóng góp của các làng xã theo phương thức truyền thống của chế độ phong kiến như thuế đinh, thuế điền, sưu dịch và binh dịch nhưng với mức độ khắc nghiệt hơn cùng với những thủ đoạn thâm hiểm hơn.
Thuế đinh (còn gọi là thuế thân hay sưu) đánh vào đàn ông từ 18 tuổi trở lên. Cho đến trước chiến tranh thế giới lần thứ nhất (1914), ở Bắc Kỳ nói chung mỗi người đóng khoảng 0,5 đồng Đông Dương. Từ năm 1919, mọi người dân (kể cả nội đinh và ngoại đinh cũng như các tầng lớp ở đô thị) phải đóng 2,5 đồng. Năm 1933, tỉnh Bắc Giang có 68.093 suất đinh, với số tiền phải nộp là 195.216,23 đồng, bình quân 2,86 đồng một suất.
Bên cạnh thuế thân, người nông dân còn phải đóng thuế điền (thuế ruộng đất) và thuế thổ cư (thuế đất ở). Để tăng thuế, thực dân Pháp thay đổi đơn vị tính diện tích (quan điền xích) và thay đổi hạng ruộng như lời tố cáo của đồng chí Nguyễn Ái Quốc:
"Khi cần thiết, Nhà nước bảo hộ Pháp chỉ có việc thay đổi hạng ruộng. Chỉ một mét bát thần kỳ là họ biến một đám ruộng xấu thành ruộng tốt .
Như thế vẫn chưa hết. Người ta còn tăng diện tích ruộng đất lên một cách giả tạo bằng thủ đoạn rút bớt đơn vị đo đạc. Bằng cách đó, thuế lập tức tăng lên, nơi thì một phần ba, nơi thì hai phần ba (1)".
Thời Tự Đức (triều Nguyễn), một mẫu Bắc Bộ là 4970 m2, nay thực dân Pháp rút xuống còn 3600m2. Các loại thuế ruộng, thuế đất đánh theo mẫu mới và chia thành nhiều loại khác nhau.
Thuế ruộng đất có 4 hạng:
Thượng đẳng: Mức thuế 4 đồng 1 mẫu.
Hạng 1: Mức thuế 3 đồng 1 mẫu.
Hạng 2: Mức thuế 2,5 đồng 1 mẫu.
Hạng 3: Mức thuế 2 đồng 1 mẫu.
Thuế đất chia làm 6 loại:
Loại 1: Mức thuế 5 đồng một mẫu
Loại 2: Mức thuế 3 đồng một mẫu
Loại 3: Mức thuế 1,4 đồng một mẫu
Loại 4: Mức thuế 0,8 đồng một mẫu
Loại 5: Mức thuế 0,2 đồng một mẫu
Loại 6: Mức thuế 0,006 đồng một mẫu
Phân hạng như vậy, nhưng khi phân bổ thuế, bọn kỳ hào thường đánh đổ đồng xấu tốt như nhau, nên người nông dân đã ít ruộng, phần lớn là ruộng xấu lại phải đóng thuế thay cho bọn địa chủ nhiều ruộng và toàn ruộng tốt. Năm 1933, tỉnh Bắc Giang có 363.739 mẫu ruộng, số thuế phải nộp là 370.226 đồng, bình quân mỗi mẫu phải nộp trên một đồng.
Như vậy, chỉ hai thứ thuế đinh và điền, năm 1933, tỉnh Bắc Giang phải nộp 565.442 đồng, tương đương với 229.720 tấn thóc ở cùng thời điểm.
 
Sưu dịch là chế độ lao động bắt buộc không công, phục vụ giai cấp thống trị, mỗi năm một số ngày nhất định. Từ năm 1920 những khoản đóng góp này đã tính vào thuế thân nhưng trên thực tế, người dân vẫn phải đi lao dịch làm các công trình giao thông, thuỷ lợi, sân bay ...
Thuế rượu cũng là một nguồn thu lớn của chính quyền thực dân. Hãng Phôngten của tư Pháp độc quyền sản xuất, chính quyền thuộc địa độc quyền bán, nghiêm cấm dân nấu rượu, dùng biện pháp hành chính cưỡng bức việc tiêu thụ rượu. Chúng căn cứ vào số đinh trong làng rồi bắt phải lên các đại lý của hãng Phông ten mua rượu. Năm 1944, bình quân đầu người phải tiêu thụ 5 lít rượu.
Sưu cao thuế nặng, phu phen tạp dịch, thiên tai lũ lụt làm cho đời sống người dân vô cùng cực khổ, phải bỏ nhà cửa, ruộng vườn đi tha phương cầu thực. Toàn quyền Đông Dương Đơ Lanétxăng khi đi qua Bắc Giang cũng phải thú nhận: "... chính mắt tôi trông thấy trên con đường Phủ Lạng Thương nhiều làng xã tan tác và những di tích của những đồng ruộng mênh mông bị bỏ hoang thành ao vũng".
Từ khi phát xít Nhật nhảy vào Đông Dương, nhân dân ta phải chịu cảnh "một cổ hai tròng". Để phục vụ cho chiến tranh, phát xít Nhật bắt dân ta phải nhổ lúa trồng đay, trồng thầu dầu, thẳng tay vơ vét thóc gạo phục vụ cho chiến tranh. Từ năm 1940, phát xít Nhật đặt ra một loại thu mới là đảm phụ quốc phòng. Năm 1940 mức đóng đảm phụ quốc phòng là 6%, năm 1941 bãi bỏ, nhưng năm 1942 lại đặt ra với mức 8%, năm 1943 tăng lên 58% và năm 1944 là 158%.
Với những chính sách dã man, thâm độc trên đây, phát xít Nhật và thực dân Pháp đã gây ra nạn đói khủng khiếp năm 1945 làm hơn hai triệu người chết đói, trong đó tỉnh Bắc Giang có hàng nghìn người, chỉ riêng huyện miền núi Sơn Động cũng đã có gần 500 người. Đây là một tội ác tày trời của phát xít Nhật và thực dân Pháp đối với nhân dân Việt Nam nói chung, nhân dân Bắc Giang nói riêng.
 
II - Hoạt động tài chính của Đảng trên địa bàn tỉnh Bắc Giang trước Cách mạng tháng Tám năm 1945
Trước cách mạng tháng Tám năm 1945, nước ta là một nước thuộc địa nửa phong kiến, dưới sự thống trị vô cùng hà khắc của đế quốc Pháp và tay sai. Đảng ta và các tổ chức cách mạng phải hoạt động bí mật. Trong thời kỳ này những cán bộ cách mạng phải dựa vào sự nuôi dưỡng và che chở của nhân dân, sự ủng hộ của gia đình, người thân và quần chúng cách mạng để hoạt động.
Giữa năm 1927, đồng chí Ngô Gia Tự - Bí thư Tỉnh hội Việt Nam cách mạng Thanh niên Bắc Giang lên hoạt động ở Bắc Giang thường đến nhà bà Hoàng Thị Cần (phố Phủ, nay là phố Tiền Giang) ăn, ở. Từ nhà bà Cần, đồng chí Ngô Gia Tự đi tuyên truyền, tổ chức thanh niên, học sinh thị xã và các vùng lân cận vào tổ chức Hội Việt Nam cách mạng Thanh niên.
Trong thời kỳ Mặt trận Dân chủ, các đồng chí lãnh đạo phong trào tỉnh Bắc Giang đã mượn hiệu ảnh Vĩnh Thịnh ở phố Tân Ninh (nay là phố Quang Trung) của ông Nguyễn Trung Tẩy, một người có cảm tình với cách mạng, làm địa điểm liên lạc của phong trào Dân chủ tỉnh Bắc Giang, làm nơi phân phát sách báo, tài liệu của Đảng và Mặt trận Dân chủ cho các địa phương trong tỉnh. Hiệu ảnh Vĩnh Thịnh vừa là địa điểm làm kinh tế (chụp ảnh, tiền hoa hồng phân phát sách, báo) lấy tiền nuôi cán bộ hoạt động, vừa để che mắt địch.
Trong cuộc bầu cử vào Viện dân biểu Bắc Kỳ năm 1938 do chính quyền thực dân Pháp tổ chức, ông Nguyễn Trung Tẩy và vợ là Đỗ Thị Dung đã ủng hộ 5.000 đồng tiền Đông Dương (tương đương 100 cây vàng) cho việc vận động bầu cử người của Đảng vào Viện dân biểu Bắc Kỳ.
Tháng 9/1940, cuộc khởi nghĩa Bắc Sơn bùng nổ. Thực dân Pháp và phát xít Nhật tập trung lực lượng đàn áp cuộc khởi nghĩa. Thi hành Thông cáo khẩn cấp của Ban Thường vụ Trung ương Đảng, từ tháng 12/1940 đến tháng 3/1941, Ban cán sự Đảng tỉnh đã lãnh đạo các chi bộ rải truyền đơn, dán áp phích, mít tinh ca ngợi tinh thần chiến đấu dũng cảm của cán bộ, đảng viên và nhân dân Bắc Sơn, đồng thời phát động nhân dân trong tỉnh ủng hộ về vật chất cho cuộc khởi nghĩa. Nhân dân trong tỉnh đã ủng hộ hơn hai tạ quần áo, hàng chục tạ gạo, hàng tạ muối, hàng trăm con dao, mã tấu, kiếm cho du kích và nhân dân Bắc Sơn.
Tháng 11/1944 nổ ra cuộc khởi nghĩa vũ trang ở Võ Nhai (Thái Nguyên). Do nổ ra không đúng lúc, quân địch tập trung lực lượng đàn áp khốc liệt. Theo chủ trương của Trung ương, lực lượng Cứu quốc quân rút sang Bắc Giang để bảo toàn lực lượng. Trung tuần tháng 1/1945, trên 100 người gồm Cứu quốc quân và thân nhân đã vượt vòng vây rút sang Yên Thế an toàn. Việc tiếp đón, bảo vệ, nuôi dưỡng các chiến sỹ Cứu quốc quân được Ban cán sự Đảng tỉnh chăm lo chu đáo. Ban cán sự Đảng tỉnh phân công đồng chí Hà Thị Quế phụ trách lo ăn, ở cho Cứu quốc quân. Mặc cho địch lùng sục suốt ngày đêm, các cơ sở Đảng và quần chúng cách mạng ở Đồng Điều, Cầu Sa, Yên Lý vẫn tiếp tế và đón nhận anh em Cứu quốc quân và người thân của họ về nhà mình, tiêu biểu là xóm Đồng Điều nằm sát đường Cầu Gồ đi Nhã Nam và chỉ cách Nhã Nam gần 1 km. Lúc này tết Nguyên đán Ất Dậu đang đến gần, nạn đói lại đang diễn ra, việc lo ăn, ở cho hơn một trăm người là vấn đề cực kỳ khó khăn. Ban cán sự tỉnh đã phân công cán bộ về các huyện quyên góp lương thực, quần áo, chăn chiếu ... mang lên Yên Thế hỗ trợ anh em Cứu quốc quân và người thân của họ. Nhờ sự đùm bọc, nhường cơm, sẻ áo không chỉ của nhân dân địa phương, mà của cả nhân dân trong tỉnh, anh em Cứu quốc quân cùng người thân của họ vẫn đủ cơm ăn, áo mặc, chăn đắp, ngày tết vẫn có bánh chưng.
Sau ngày Nhật làm đảo chính hất cẳng Pháp độc chiếm Đông Dương, cách mạng nước ta bước vào thời kỳ tiền khởi nghĩa. Song song với nhiệm vụ phản đế, Đảng ta bắt đầu thực hiện nhiệm vụ phản phong.
Thực hiện chủ trương của Ban Thường vụ Trung ương Đảng, dưới sự chỉ đạo trực tiếp của đồng chí Trường Chinh, Tổng bí thư của Đảng, Ban cán sự Đảng tỉnh Bắc Giang tiến hành việc tạm chia ruộng đất ở hai đồn điền Cọ, Vát (Hiệp Hoà) cho nông dân.
Ngày 8/5/1945, một cuộc hội nghị đại biểu Uỷ ban dân tộc giải phóng các xã trong huyện Hiệp Hoà được triệu tập tại đình làng Quế Sơn. Hội nghị đã bầu Uỷ ban dân tộc giải phóng huyện và nhất trí thông qua nghị quyết về vấn đề tạm cấp ruộng đất ở các đồn điền Cọ, Vát cho nhân dân trong vùng không có ruộng và ít ruộng. Trong nghị quyết có phần quy định về địa tô, cụ thể như sau:
1. Địa tô giảm 1/4. Thí dụ tô chủ lấy một mẫu tám phương thì bây giờ tá điền nộp sáu phương.
2. Ruộng làng nào hay ấp nào thuộc địa phận làng ấy thì Uỷ ban dân tộc giải phóng làng ấy thu địa tô và tập trung lên cả quỹ chung của Uỷ ban dân tộc giải phóng huyện.
Ấp nào đã có Uỷ ban dân tộc giải phóng thì chia làm hai phần:
- Một phần bỏ vào quỹ cứu tế dân nghèo
- Một phần bỏ vào quỹ cách mạng.
3. Trong cuộc Nhật Pháp bắn nhau, những tá điền bỏ ruộng về quê đến mùa lại lên gặt thì ngoài số địa tô phải nộp cho quỹ chung, còn phải trích ra một phần hoa lợi của mình để trả cho những người có công trông nom ruộng giúp mình.
Việc trích này giao cho Uỷ ban dân tộc giải phóng xã tuỳ theo nhân công trông nom ruộng đất kia mà xét định.
4. Những thể lệ thu hoạch địa tô này được đem thi hành ngay vụ chiêm này.
Với việc tịch thu ruộng đất của hai đồng điền Cọ và Vát chia cho nông dân, Bắc Giang là địa phương đầu tiên thực hiện chính sách ruộng đất của Đảng trong cách mạng dân chủ. Với việc quy hoạch định mức nộp địa tô đối với những người được chia ruộng trong hai đồn điền Cọ và Vát, Bắc Giang cũng là địa phương đầu tiên thực hiện chính sách thuế dưới chính quyền cách mạng.
Trong thời kỳ chuẩn bị và thành lập Đảng đến khi lãnh đạo thành công cuộc cách mạng tháng Tám 1945, Đảng ta phải hoạt động bí mật, đầy gian khổ, hy sinh. Các đồng chí cán bộ, đảng viên nhờ vào sự giúp đỡ, che chở, đùm bọc của nhân dân. Điều đó càng nói lên mối quan hệ máu thịt giữa Đảng và dân.
 
III. Hoạt động tài chính của tỉnh sau ngày Cách mạng tháng Tám thành công (9/1945 - 12/1946).
Cách mạng tháng Tám 1945 thành công với sự ra đời của nước Việt Nam dân chủ cộng hoà đã đưa nước ta bước vào một trang sử mới: từ thân phận là kẻ nô lệ, nhân dân ta đã trở thành chủ nhân đất nước; nước ta từ một nước thuộc địa nửa phong kiến đã trở thành một nước độc lập.
Ngay sau khi chính quyền cách mạng được thành lập, một vấn đề cấp bách đặt ra là muốn xây dựng đất nước, bảo vệ chính quyền cách mạng vững chắc, kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược thắng lợi, cần phải bắt tay ngay vào việc phát triển kinh tế, trong đó vấn đề có tính quyết định và bức thiết là xây dựng một nền tài chính mới thay thế nền tài chính của thực dân Pháp.
Ngày 28/8/1945, ngành Tài chính Việt Nam chính thức ra đời.
Trong những ngày đầu của đất nước mới giành được độc lập, tình hình hết sức khó khăn. Nhân dân ta vừa phải chống giặc đói, giặc dốt, giặc ngoại xâm vừa bảo vệ chính quyền cách mạng còn non trẻ; thù trong, giặc ngoài với cùng một âm mưu:
“- Tiêu diệt Đảng ta
- Phá tan Việt Minh
- Giúp bọn phản động Việt Nam đánh đổ chính quyền nhân dân, để lập một chính phủ phản động làm tay sai cho chúng" (1).
Nền tài chính quốc gia hầu như khánh kiệt khi giành chính quyền, tiền mặt ở ngân khố Trung ương chỉ còn có 1.250.000đ, trong đó 580.000đ là đồng hào rách. Trong khi đó ngân khố cũ để nợ lại Ngân hàng Đông Dương (Ngân hàng thuộc Pháp) là 564 triệu đồng. Ngân sách Đông Dương thiếu hụt 185 triệu đồng. Tiền Quan Kim (đồng tiền Tưởng Giới Thạch) tràn ngập thị trường Việt Nam, kéo lạm phát lên tới 700 - 800%. Nền kinh tế, thương mại của chính quyền mới trong tình trạng nguy ngập, không còn khả năng thanh toán thu - chi.
Ngay sau ngày tuyên bố độc lập, Ban Thường vụ Trung ương Đảng, Chính phủ lâm thời và Chủ tịch Hồ Chí Minh đã vạch ra những phương hướng và biện pháp đầu tiên nhằm đem lại quyền tự do cho nhân dân và đối phó với âm mưu và hành động của kẻ thù. Hai nhiệm vụ cấp bách nhất được đề ra lúc đó là cứu đói ở miền Bắc và kháng chiến ở miền Nam.
1. Đảng bộ và chính quyền tỉnh tập trung giải quyết nạn đói, phát động phong trào tăng gia sản xuất.
Nằm trong bối cảnh chung của cả nước, sau ngày cách mạng tháng Tám thành công, Bắc Giang cũng gặp không ít khó khăn.
Đầu tháng 9/1945, quân đội Tưởng Giới Thạch kéo vào nước ta giải giáp quân đội Nhật đã đi qua Bắc Giang và để lại 2.000 tên đóng rải rác ở các địa phương. Quân Tưởng đã gây khó khăn cho ta về nhiều mặt.
Được quân Tưởng hậu thuẫn, bọn Quốc dân đảng tập hợp lực lượng nổi lên chống phá chính quyền cách mạng ở nhiều nơi trong tỉnh. Bọn chúng lập trụ sở ở phố Á Lữ, nhà Tần (Phủ Lạng Thương), nhà ký Thiêm (Đạo Ngạn)... ở những nơi này, chúng treo cờ Quốc dân đảng, có lính gác, bắc loa phóng thanh ra rả suốt ngày nói xấu Đảng Cộng sản, Mặt trận Việt Minh, Chính phủ Cách mạng lâm thời, hô hào quần chúng lật đổ chính quyền cách mạng.
Ở các huyện miền núi Sơn Động, Lục Ngạn, Yên Thế, Hữu Lũng, bọn thổ phỉ (phần lớn là người Hoa) nổi lên cát cứ cướp bóc của cải của nhân dân, chém giết lẫn nhau, làm cho tình hình không ổn định.
Bọn phản động người Hoa ở các huyện Sơn Động, Lục Ngạn, Hữu Lũng dựa vào quân Tưởng tổ chức Hoa kiều thành bang, đặt ra luật lệ và tổ chức ra lực lượng vũ trang riêng, mua chuộc, dụ dỗ kể cả cưỡng bức đồng bào thuộc một số dân tộc ít người trong vùng phải "Hoa kiều hoá" nhằm gây mâu thuẫn trong nhân dân và có lúc đã chống lại chính quyền cách mạng địa phương.
Cũng như nhiều tỉnh khác ở miền Bắc, nạn lụt năm 1945 làm ngập hàng nghìn hecta lúa và hoa màu của các huyện Yên Dũng, Việt Yên, Hiệp Hoà, Lạng Giang, trong khi đó các huyện miền núi lại bị hạn hán nghiêm trọng, hàng nghìn hécta đất không có nước cầy cấy phải bỏ hoang.
Nạn đói xảy ra từ cuối năm 1944 đầu năm 1945 làm cho hàng nghìn người chết, sau ngày cách mạng tháng Tám thành công vẫn chưa chấm dứt. Trong khi đó hàng nghìn người ở các tỉnh miền xuôi kéo lên Bắc Giang, một số đã chết, số còn lại sống lang thang khắp nơi. Đói rét, mất vệ sinh là nguyên nhân gây ra các loại dịch bệnh như sốt rét vàng da, tả, lỵ, thương hàn ... xảy ra ở hầu hết các địa phương làm cho hàng vạn người chết.
Đứng trước tình hình trên, thực hiện chủ trương của Trung ương Đảng và lời kêu gọi của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Tỉnh uỷ, Uỷ ban nhân dân cách mạng lâm thời tỉnh đã tập trung cứu đói và phát động phong trào tăng gia sản xuất coi đây là một nhiệm vụ quan trọng để củng cố và bảo vệ chính quyền cách mạng. Ban cứu tế từ tỉnh đến cơ sở được thành lập. Mặt trận Việt Minh, Ban cứu tế xã hội và các đoàn thể cứu quốc tổ chức thành nhiều đoàn tỏa về các địa phương tuyên truyền vận động nhân dân lạc quyên cứu đói với các phong trào "lọ gạo cứu đói", "ngày đồng tâm nhịn đói", "nhường cơm sẻ áo". Được nhân dân các dân tộc trong tỉnh nhiệt liệt hưởng ứng, Mặt trận Việt Minh, Ban cứu tế xã hội đã quyên góp được 13 vạn đồng (tiền Đông Dương) và nhiều loại vật dụng, lương thực trị giá gần 19 vạn đồng. Theo chủ trương của tỉnh, Ban cứu tế xã hội đã tổ chức trợ cấp cho nhân dân các dân tộc Sơn Động 20.000đ, cấp cho 350 người ở trại tế bần đủ lương ăn trong 132 ngày, giúp cho đồng bào tỉnh Thái Bình lưu tán đến Bắc Giang cư trú 10 tấn thóc để cứu đói và ổn định cuộc sống. Tỉnh còn cung cấp cho trại di dân của Chính phủ đặt tại địa phương một số lương thực, thực phẩm trị giá trên 16.000 đồng.
Việc giải quyết nạn đói của tỉnh được tiến hành khẩn trương và tích cực nên tình trạng chết đói nhanh chóng chấm dứt. Nhân dân phấn khởi tin tưởng vào Chính phủ, vào Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Song song với nhiệm vụ chống đói, chính quyền, Mặt trận đã phát động phong trào tăng gia sản xuất, thực hành tiết kiệm. Các tiểu ban tăng gia sản xuất, đê điều và sông máng đều cử cán bộ về cơ sở vận động nhân dân làm thuỷ lợi, đẩy mạnh tăng gia sản xuất. Chính quyền các địa phương đã huy động nhân dân đắp đê sông Cầu, sông Thương và Cổ Mân được 41.600 m3 đất đá. Chính quyền cũng đã tiến hành cấp ruộng đất của các đồn điền, ruộng công các làng xã cho nông dân thiếu ruộng và thực hiện giảm tô 25% theo Sắc lệnh của Chính phủ. Các đơn vị bộ đội, cơ quan, công xưởng, trường học đều tranh thủ thời gian trồng thêm lúa, ngô, khoai, sắn. Để khắc phục khó khăn về giống, tại hai cơ sở thí nghiệm giống lúa ở Nam Xương và Nghĩa Thương (Phủ Lạng Thương) đã gây thành công 24 giống vụ mùa năm 1946 thu được 55.477 kg. Số thóc trên, tỉnh cung cấp cho nông dân nghèo 10.000 kg, tặng và bán cho tỉnh Bắc Ninh 13.200kg. Ngoài lúa, nông dân trong tỉnh đã trồng hàng nghìn mẫu ngô, khoai, sắn ... đến cuối năm 1945 thu hoạch được 4.800 tấn.
Trước tình hình nhân dân ở các tỉnh khác lưu tán đến Bắc Giang khá đông, tỉnh đã tổ chức sắp xếp việc làm cho 259 người và thành lập các trại tăng gia ở bến Lường, bến Trăm, Cầu Lồ, thu hút nhân dân các nơi đến sản xuất.
Cùng với trồng trọt, chăn nuôi cũng từng bước được phục hồi và phát triển. Nhân dân trong tỉnh đã bán ra thị trường và cung cấp cho các cơ quan, đơn vị bộ đội hàng trăm con trâu bò và gần 5000 con lợn. Tỉnh còn giúp đỡ một số tỉnh đồng bằng nhiều lợn giống và trâu bò cày kéo.
Sản xuất tiểu thủ công nghiệp và giao thông vận tải bước đầu được khôi phục. Từ cuối năm 1945 đến đầu năm 1946, công nhân xưởng ép dầu sản xuất được 63.190 kg dầu thực vật. Nhà máy xay xát gạo, xay xát được 126.177 kg thóc. Lò sứ Mai Khê và các lò gốm Thổ Hà vẫn tiếp tục hoạt động, nhưng hiệu quả thấp do thiếu nhân công và nguyên nhiên liệu.
Ngành đường sắt từ trước cách mạng tháng Tám đã gặp nhiều khó khăn, phần lớn đầu máy xe lửa bị hỏng, các nhà ga bị địch tàn phá, đường sắt bị phá hỏng ở nhiều nơi. Từ cuối năm 1945 đến tháng 8/1946, công nhân xưởng máy hoả xa đã sửa chữa được 9 đầu máy xe lửa. Ban xa lộ tổ chức san lấp hố bom, sửa lại cầu Mẹt, cầu Lường và những đoạn đường hỏng. Với tinh thần cố gắng của anh em công nhân, chỉ trong một thời gian ngắn, tầu xe đã đi lại được bình thường.
Ngành bưu điện nối lại được các đường điện tín từ thị xã Phủ Lạng Thương đi Hà Nội, Lạng Sơn, Lục Nam, Chũ, An Châu. Đến cuối năm 1946, Sở Bưu điện đặt được 14 máy điện thoại cho các cơ quan, công sở. Công văn, bưu phẩm báo chí được phát hành nhanh chóng đến các phủ, huyện, cơ sở... phục vụ các cơ quan và nhân dân.
2. Nhân dân Bắc Giang hăng hái ủng hộ “Quỹ độc lập” và “Tuần lễ vàng”.
Nhằm khắc phục những khó khăn trước mắt về tài chính, ngày 4/9/1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ký Sắc lệnh đặt ra "Quỹ độc lập" để thu nhận các món tiền và đồ vật mà nhân dân sẵn lòng quyên giúp Chính phủ để ủng hộ nền độc lập của quốc gia". Trong khuôn khổ "Quỹ độc lập" có "Tuần lễ vàng" với mục đích "thu góp số vàng trong nhân dân nhất là của các nhà giàu có để dùng vào việc cần cấp và quan trọng nhất của chúng ta lúc này là việc quốc phòng". Tuần lễ vàng tổ chức từ ngày 17 đến ngày 24/9/1945.
Thi hành Sắc lệnh của Chính phủ, ngay từ đầu tháng 9/1945, Mặt trận Việt Minh và chính quyền tỉnh tổ chức phát động rộng rãi trong nhân dân hưởng ứng "Tuần lễ vàng" và "Quỹ độc lập". Nhiều hình thức tuyên truyền, vận động cho "Tuần lễ vàng" như diễn thuyết, mít tinh, kẻ vẽ khẩu hiệu kèm theo những câu ca dao:
Người còn thì của cũng còn
Nhà tan nước mất vàng son làm gì.
Tinh thần yêu nước của các tầng lớp nhân dân, các dân tộc trong tỉnh đã được khơi dậy mạnh mẽ. Nhiều người đã ủng hộ cả những đồ trang sức là vật kỷ niệm quý giá của đời mình như nhẫn cưới, khuyên, vàng, dây chuyền ... Nhân dân vùng Yên Thế hạ (Tân Yên ngày nay) đã ủng hộ Chính phủ 5 kg vàng, hàng trăm kilôgam bạc trắng (tiền Pháp đúc bằng bạc) và hàng tấn đồng gồm các vật dụng quý như nồi, mâm, chậu, đỉnh, chuông... trong đó xã Song Vân 5 đồng cân vàng, 20 kg bạc trắng; xã Hùng Tiến ủng hộ nhiều trâu, bò, thóc gạo, tiền, vàng, bạc ... Riêng ông Triệu Trí Thành, chủ lò bát xã Hương Vĩ ủng hộ hai triệu đồng (tương đương 1620 tấn thóc). Nhân dân xã Tân Dĩnh (Lạng Giang) ủng 4,5 lạng vàng; xã Hoàng An (Hiệp Hoà) ủng hộ nhiều khuyên vàng, xà tích và một mâm thau bạc trắng. ở một số nơi, Mặt trận Việt Minh, các đoàn thể cứu quốc tổ chức rước kiệu đựng vàng, bạc, tiền, vật dụng quý đến trụ sở Uỷ ban nhân dân cách mạng lâm thời để ủng hộ Chính phủ.
Trong hoàn cảnh vừa bị ảnh hưởng chiến tranh lâu dài, tiếp đến nạn đói, nạn lụt, nhưng nhân dân Bắc Giang đã tự nguyện quyên góp cho Chính phủ một số tài sản, tiền và vàng bạc, điều đó cho thấy lòng yêu nước của nhân dân các dân tộc tỉnh ta rất cao, nhất là nhân dân lao động.
3. Tình hình thuế và ngân sách của tỉnh.
Sau cách mạng tháng Tám thành công, trong Uỷ ban nhân dân cách mạng lâm thời từ tỉnh đến xã đều có một uỷ viên phụ trách tài chính giúp Đảng và chính quyền thu gom các tài sản của chế độ cũ để sử dụng, chi tiêu hoặc làm vốn kinh doanh, đồng thời tiếp nhận các khoản lạc quyên và tìm ra các nguồn thu mới.
Tỉnh lúc này là một đơn vị thuộc Chính phủ, yêu cầu chi rất lớn. Ngân sách Trung ương rất khó khăn, phần lớn chi tiêu tỉnh phải tự lo liệu. Ngân sách thu lúc này chủ yếu là dựa vào quyên góp của nhân dân. Các loại thuế của chính quyền Pháp, kể cả thuế thân tạm thời xoá bỏ để chờ thay đổi chính sách thuế mới. Tuy vậy, để ban hành các sắc thuế mới đòi hỏi phải có thời gian nghiên cứu, Ngân sách tỉnh từ tháng 9/1945 đến tháng 12/1946 gồm các khoản thu:
- Đảm phụ quốc phòng,
- Phụ thu tem bưu điện,
- Phụ thu về vé hoả xa,
- Tiền và hiện vật nhân dân ủng hộ kháng chiến.
Trong các khoản thu trên, đảm phụ quốc phòng, khoản thu đầu tiên mang tính chất nghĩa vụ, được quy định như sau: Tất cả những người nghèo khổ, tàn tật, binh sỹ tại ngũ, thương binh, cha mẹ, vợ hoặc chồng liệt sỹ đều được miễn hẳn; những người già cả khó khăn, đau ốm, tai biến đột xuất thì được miễn hoặc giảm, còn lại công dân cả nam và nữ từ 18 đến 65 tuổi đều đóng 5 đồng/người.
Ngoài ra những người có nhiều ruộng đất, có cửa hàng buôn bán lớn, những người có mức lương cao quá mức nhất định thì phải nộp thêm một số đảm phụ luỹ tiến tương xứng với khả năng đóng góp của mỗi người.
Theo báo cáo của Ty Ngân khố tỉnh Bắc Giang, từ tháng 9/1945 đến tháng 10/1946 Ty Ngân khố đã thu các khoản được 9.400.000đ, chi nghiệp vụ hành chính 1.000.000đ, nộp Trung ương 3.650.000đ. Số còn lại (3.750.000đ) không đủ chi cho các khoản cần thiết khác.
Từ ngày khởi nghĩa giành chính quyền tỉnh (18/8/1945) đến ngày toàn quốc kháng chiến (19/12/1946) chính quyền cách mạng tỉnh ta vừa tròn 16 tháng. So với lịch sử, khoảng thời gian này thật ngắn ngủi, nhưng dưới sự lãnh đạo của Đảng, Chính phủ, đứng đầu là Chủ tịch Hồ Chí Minh, chính quyền cách mạng tỉnh ta đã giải quyết được nhiều việc quan trọng, trong đó có vấn đề tài chính. Nhờ làm tốt công tác này, chính quyền cách mạng được củng cố và giữ vững, tạo điều kiện để Đảng bộ và nhân dân tỉnh ta tiến bước vào những giai đoạn cách mạng tiếp theo.
 
IV. Tài chính tỉnh Bắc Giang trong giai đoạn 1947-1951.
Với âm mưu xâm lược nước ta một lần nữa, thực dân Pháp đã vi phạm Hiệp định sơ bộ ngày 6/3/1946 và Tạm ước ngày 14/9/1946 đã ký giữa Chính phủ ta và Chính phủ Pháp, liên tiếp khiêu khích và gây xung đột với ta ở nhiều nơi. Ngày 17,18/12/1946 quân Pháp trắng trợn đánh chiếm một số nơi thuộc thủ đô Hà Nội và gửi tối hậu thư đòi Chính phủ ta phải đầu hàng.
Trước vận mệnh sống còn của đất nước, ngày 18/12/1946, tại làng Vạn Phúc (Hà Đông), Ban Thường vụ Trung ương Đảng đã họp hội nghị khẩn cấp, quyết định phát động nhân dân cả nước tiến hành cuộc kháng chiến nêu lên quyết tâm của cả dân tộc:
"Chúng ta thà hy sinh tất cả, chứ nhất định không chịu mất nước, nhất định không chịu làm nô lệ".
Thực hiện Nghị quyết của Ban Thường vụ Trung ương Đảng và lời kêu gọi của Chủ tịch Hồ Chí Minh, ngay đêm 19/12/1946, quân dân Hà Nội đã nổ súng tấn công quân Pháp, mở đầu cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược. Phối hợp với Hà Nội, quân dân Bắc Giang cũng bao vây tiến công quân Pháp đang đồn trú tại Phủ Lạng Thương. Ta tiêu hao được một phần sinh lực địch. Ngày 31/12/1946, quân địch rút về Hà Nội.
Sau khi rút khỏi Phủ Lạng Thương chưa lâu, đầu tháng 3/1947, quân Pháp từ Quảng Ninh tràn sang đánh chiếm Sơn Động và Lục Ngạn. Thực hiện chủ trương của Chính phủ, từ đầu năm 1947, tỉnh Bắc Giang triệt để tiêu thổ kháng chiến. Đến cuối năm 1947, thị xã Phủ Lạng Thương chỉ còn là một đống đổ nát, hoang vắng. Đình chùa, đền, miếu, công sở, hiệu buôn, chợ, ga xe lửa, xưởng máy, cầu sắt, hoàn toàn bị phá sập. Con đường quốc lộ 1A, 13B và nhiều con đường khác bị băm nát. Đường sắt không còn một thanh tà vẹt. Sông Thương, sông Lục Nam, sông Cầu nổi lên nhiều đập chắn, bãi cọc để cản tàu chiến, ca nô của địch.
Sau khi cuộc kháng chiến toàn quốc bùng nổ, nhiều cơ quan Trung ương đã sơ tán về Bắc Giang. Nhân dân các huyện Nam phần và thị xã Bắc Ninh tản cư lên Bắc Giang khá đông. Tỉnh đã thành lập Ban tản cư cấp tỉnh và huyện chuyên lo tổ chức, sắp xếp địa điểm cho các cơ quan ăn ở, làm việc, cho đồng bào tản cư có nơi ăn, chốn ở.
Ngày 13/7/1949, quân Pháp mở chiến dịch Battilo (Bastile) mở rộng địa bàn chiếm đóng ra các tỉnh Bắc Ninh, Bắc Giang, Phúc Yên. Phần lớn tỉnh Bắc Giang bị địch chiếm đóng. Vùng tự do của tỉnh chỉ còn các huyện Hiệp Hoà, Yên Thế và một phần huyện Lạng Giang.
Khi cuộc kháng chiến toàn quốc bùng nổ, với tương quan lực lượng nghiêng hẳn về phía địch cả về quân sự và chính trị, thực dân Pháp đề ra kế hoạch đánh nhanh, thắng nhanh hòng sớm kết thúc chiến tranh.
Về phía ta Trung ương Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh nhận định với tương quan lực lượng ta yếu hơn địch rất nhiều, vì thế, cuộc chiến đấu đánh đuổi thực dân Pháp xâm lược, giữ vững độc lập tự do của dân tộc ta phải lâu dài, gian khổ, dựa vào dân để tiến hành kháng chiến với khẩu hiệu "Toàn dân kháng chiến, toàn diện kháng chiến, vừa kháng chiến, vừa kiến quốc".
1. Thực hiện đường lối tự cấp tự túc.
Chiến tranh làm cho đường xá bị phá huỷ, đi lại khó khăn, thị trường bị chia cắt thành nhiều khu vực, mỗi địa phương trở thành một vùng kinh tế. Vì thế, đường lối của Đảng ta lúc này là: Động viên lòng yêu nước của nhân dân, ở nơi nào dựa vào nhân dân nơi đó để tự cung, tự cấp về mọi mặt. Về tài chính thì chuyển từ tài chính tập trung sang tài chính phân tán. Mỗi địa phương phải tự cung, tự cấp các khoản chi tiêu bằng cách dựa vào nhân dân địa phương, động viên nhân dân ủng hộ kháng chiến, Chính phủ Trung ương chỉ trợ cấp một phần.
Ngày 15/10/1947, Trung ương ra Chỉ thị nêu rõ: "Toàn quốc phải tiến tới tự cấp, tự túc thật sự, không nên nhất nhất ỷ lại vào Chính phủ Trung ương".
Thực hiện Chỉ thị của Trung ương, đầu năm 1948, Tỉnh uỷ đã đề ra chủ trương "Tự túc ăn, mặc" và phát động thành một phong trào rộng rãi trong nhân dân các dân tộc, trong các cơ quan và lực lượng vũ trang. Chủ trương này xuyên suốt trong cuộc kháng chiến. Đây là một khó khăn, thách thức đối với Đảng bộ và nhân dân Bắc Giang. Dân số tỉnh Bắc Giang trong những năm kháng chiến tăng rất nhanh vì nhân dân các tỉnh khác tản cư đến Bắc Giang khá đông. Tính đến năm 1948, dân số tỉnh Bắc Giang có 327.271 người.
Số lượng công nhân viên chức, lực lượng vũ trang của tỉnh cũng khá đông. Tính đến năm 1950, chỉ tính riêng số cán bộ, nhân viên khối chính quyền cả tỉnh có 1857 người; lực lượng du kích thoát ly có 6000 người, mỗi huyện có một đại đội bộ đội địa phương, tỉnh có một tiểu đoàn chủ lực (tiểu đoàn 61) và một số đơn vị khác.
Từ sau thất bại trong chiến dịch đánh lên Việt Bắc thu đông năm 1947, địch thường xuyên dùng máy bay bắn phá vùng tự do của ta giết hại trâu bò, phá các công trình thuỷ lợi, thả côn trùng phá hoại mùa màng ... gây cho ta rất nhiều khó khăn trong sản xuất.
Để thực hiện chủ trương trên, Tỉnh uỷ đã chỉ đạo chính quyền và các cơ quan chuyên môn tiến hành chia ruộng đất của các đồn điền cho nông dân thiếu ruộng theo Sắc lệnh của Chính phủ. Đến năm 1950, tỉnh đã tạm cấp 19.737 mẫu ruộng của 47 đồn điền cho 22.614 người. Ruộng đất bỏ hoang, ruộng vắng chủ, ruộng công của các làng cũng được chia cho nông dân, đồng thời Tỉnh uỷ cũng chỉ đạo chính quyền bắt các điền chủ phải giảm tô 25%.
Thực hiện chủ trương của Nhà nước, các điều chủ huyện Yên Dũng đã họp hội nghị bàn về thực hiện giảm tô, giúp đỡ tá điền công ăn việc làm. Được tin, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã gửi tới hội nghị và toàn thể đồng bào huyện Yên Dũng bức thư dưới đây:
"Tôi đã nhận được bản nghị quyết của cuộc hội nghị ngày 8/12/1948.
Tôi rất vui lòng biết rằng đồng bào điền chủ chẳng những sẵn sàng giảm địa tô 25 phần trăm, mà còn hết sức giúp tá điền cơm ăn, việc làm.
Đó là một cử chỉ tốt đẹp. Nó tỏ rằng đồng bào chủ điền đang thực hiện cái:
Tinh thần toàn dân đoàn kết.
Tinh thần nhường cơm sẻ áo.
Tinh thần công bằng "Kẻ có công, người có của"(1) .
Đến năm 1950, hầu hết địa chủ và 80 hộ phú nông ở vùng tự do đã chấp hành giảm tô 25%.
Để giải quyết khó khăn về sức kéo, giống, vốn, nông cụ ... từ năm 1948 đến năm 1950, mỗi năm quỹ tín dụng tỉnh cho nông dân vay từ 18 - 20 triệu đồng. Các công trình thuỷ lợi được nạo vét, tu sửa đảm bảo nước tưới cho đồng ruộng.
Bằng những chủ trương và biện pháp trên đây đã thúc đẩy sản xuất nông nghiệp của tỉnh có bước phát triển đáng kể: Sản lượng lương thực năm 1948 đạt 104.000 tấn, năm 1950 đạt 106.600 tấn. Với kết quả sản xuất nông nghiệp, Bắc Giang đã căn bản tự túc được lương thực và giành một phần đóng góp cho kháng chiến.
Để tự túc vải mặc tỉnh đã phát động phong trào trồng dâu nuôi tằm, trồng bông dệt vải rầm rộ khắp các địa phương từ miền núi về đồng bằng. Khẩu hiệu "mỗi gia đình trồng 10 gốc dâu" được nhân dân nhiệt liệt hưởng ứng. Năm 1949, cả tỉnh đã trồng 376 ha bông, 550 ha dâu, dệt được hàng vạn mét vải các loại.
Sản xuất nông nghiệp phát triển đã tác động đến sản xuất tiểu thủ công nghiệp. Các nghề dệt vải, thuộc da, sản xuất giấy ép dầu ... phục hồi và phát triển. Một số tụ điểm buôn bán xuất hiện như Thắng, Trại Cờ (Hiệp Hoà), Cao Thượng, Nhã Nam (Yên Thế), Chũ (Lục Ngạn)... người buôn bán qua lại đông đúc cả ngày lẫn đêm.
2. Vận động đóng góp sức người, sức của cho kháng chiến.
Từ sau chiến thắng Việt Bắc thu đông năm 1947, cuộc kháng chiến của dân tộc ta đã bước sang giai đoạn mới yêu cầu chi tiêu về mọi mặt ngày một lớn. Chính phủ đã đề ra chủ trương dựa vào nhân dân để đảm bảo cung cấp cho những nhu cầu kháng chiến.
Công phiếu kháng chiến:
Ngày 11/4/1948, Chính phủ ra Sắc lệnh số 166 SL phát hành công phiếu kháng chiến. Tổng số tiền các loại công phiếu phát hành quy thành tiền là 500 triệu đồng. Trong 3 năm 1948,1949,1950 nhân dân Bắc Giang đã mua 17.415.000 đồng.
Quỹ tham gia kháng chiến :
Ngày 8/5/1949, Chính phủ ra Sắc lệnh số 36 SL đặt ra quỹ tham gia kháng chiến. Quỹ tham gia kháng chiến quy định:
Chủ ruộng đất chịu thuế điền thổ, chủ nhà buôn nộp thuế môn bài, những người này nộp bằng cách thêm số bách phân phụ thu là 10% vào thuế chính đang phải nộp.
- Những người lĩnh lương hàng năm từ 3.600 đ trở lên phải đóng 1,5% số lương thu được.
- Những người được miễn tương tự như đảm phụ quốc phòng, còn công dân nói chung đều phải nộp ấn định mức 10 ngày sinh hoạt phí của bộ đội (60 đồng/tháng).
Theo báo cáo năm 1949 của Uỷ ban kháng chiến hành chính tỉnh Bắc Giang, tổng số dự thu 6.000.000đ đã thu được 4.082.004đ.
Bán gạo cho Hồ Chủ Tịch khao quân:
Nhân dịp Quốc khánh 2/9/1949, Hồ Chủ Tịch gửi thư kêu gọi đồng bào cả nước bán gạo cho Người để khao quân. Thấu hiểu tình cảm của Người đối với lực lượng vũ trang, nhân dân trong tỉnh đã bán hơn một nghìn tấn thóc để Bác khao quân.
Công trái quốc gia:
Ngày 11/9/1950, Chính phủ ra Sắc lệnh số 139 SL phát hành công trái quốc gia nhằm mục đích phục vụ chủ yếu cho yêu cầu quân sự, thu bớt tiền dư thừa trong dân, giảm bớt phát hành tiền, giữ giá đồng bạc, ổn định giá cả. Đây là khoản Nhà nước vay của dân, thời gian 5 năm, lãi suất 3%/năm.
Sau khi có Sắc lệnh của Chính phủ, các cấp, các ngành trong tỉnh đã mở một đợt tuyên truyền vận động nhân dân mua công trái. Tính đến ngày 30/11/1951 nhân dân Bắc Giang đã mua 54.956.563 đồng. Một số cá nhân đã mua số lượng lớn như ông Mai Triền Nam mua một tấn thóc, ông Đội Đinh (Đào Quán, Lạng Giang) mua 1,5 tấn thóc, ông Chánh Ngạnh (Đào Quán, Lạng Giang) mua một tấn thóc, ông Chánh Triệu (Đào Quán, Lạng Giang) mua một triệu đồng, ông Nguyễn Xuân Phúc (Thịnh Liệt, Lạng Giang) mua 2,5 tấn thóc, bà Nguyễn Thị Chương (Việt Hương, Yên Thế) mua 1,6 triệu đồng... Đặc biệt học sinh trường Ngô Sỹ Liên đi làm cỏ, kiếm củi được 196.940 đồng mua công trái.
Ngoài các khoản đóng góp theo Sắc lệnh của Chính phủ, nhân dân Bắc Giang đã hăng hái đóng góp vào hũ gạo kháng chiến, quỹ nuôi quân, quỹ giúp binh sĩ bị nạn, quỹ huấn luyện dân quân, quỹ bình dân học vụ, quỹ giúp đồng bào tản cư, tham gia các cuộc vận động mùa đông binh sỹ, đỡ đầu bộ đội, đón thương binh về làng...
Năm 1950, tình hình trong nước và ngoài nước có nhiều chuyển biến quan trọng. Về quân sự, lực lượng ta mạnh lên nhiều, trong khi lực lượng địch ngày càng suy sụp. Cách mạng Trung Quốc thành công có ảnh hưởng tích cực tới cuộc kháng chiến của dân tộc ta. Về ngoại giao, Liên Xô và các nước xã hội chủ nghĩa lần lượt công nhận Chính phủ ta, làm cho địa vị quốc tế của nước ta được đề cao, thế của ta thêm mạnh. Cuộc kháng chiến của ta chuyển sang giai đoạn tổng phản công, nhu cầu về nhân lực, vật lực cung cấp cho cuộc kháng chiến ngày càng lớn.
Ngày 12/2/1950, Hồ Chủ tịch ra lệnh tổng động viên nhân lực, vật lực, tài lực theo phương châm "Tất cả cho tiền tuyến, tất cả để chiến thắng".
Thực hiện lệnh tổng động viên, trong năm 1950, Bắc Giang đã có 1205 người tòng quân, huy động 1.706.213 ngày công phục vụ các chiến dịch, cung cấp 1500 tấn gạo, 382 con trâu bò, 510 con lợn, 10 tấn muối ... Chỉ tính riêng chiến dịch Hoàng Hoa Thám diễn ra cuối năm 1950 đầu năm 1951, đã có trên 4 vạn dân công của tỉnh tham gia phục vụ chiến dịch, riêng huyện Lục Ngạn đã cung cấp cho chiến dịch 100 tấn gạo, hàng trăm con trâu, bò, lợn ...
3. Tiền tệ, giá cả và đấu tranh chống âm mưu bao vây, phá hoại kinh tế của địch.
Đi đôi với tấn công ta về quân sự, chính trị, địch tìm mọi thủ đoạn bao vây, phá hoại kinh tế, tài chính của ta.
Âm mưu dùng hàng hoá tấn công ta được tiến hành từ đầu năm 1947 khi quân Pháp trở lại đánh chiếm Sơn Động, Lục Ngạn. Các loại hàng xa xỉ phẩm của địch từ vùng tạm chiếm thẩm lậu vào vùng tự do bày bán khắp các nơi. Đối với một số loại hàng hoá ta cần như thuốc tân dược, nguyên nhiên liệu ... địch kiểm soát rất ngặt, cấm không được vận chuyển ra vùng tự do. Ngày 17/7/1949, Hội đồng quốc phòng ra văn bản bài trừ hàng xa xỉ phẩm và ngoại hoá, triệt để dùng hàng nội. Văn bản quy định hoá giá ngay các thứ hàng ngoại để cho các thứ đó không lên giá, đánh tụt giá đồng tiền Đông Dương. Tỉnh đã lập nhiều trạm kiểm soát ở các khu vực giáp ranh giữa vùng tự do và vùng tạm chiếm để ngăn chặn không cho hàng hoá của địch tràn vào vùng tự do và không cho vận chuyển một số loại hàng từ vùng tự do vào vùng tạm chiếm tiếp tế cho địch. Cuộc đấu tranh này khá gay go và quyết liệt cho đến ngày kết thúc chiến tranh.
Cuộc chiến tranh trên lĩnh vực tiền tệ giữa ta và địch cũng không kém phần gay go và phức tạp. Âm mưu của địch là làm mất giá đồng tiền Việt Nam, gây khó khăn cho ta về kinh tế. Sau cách mạng tháng Tám 1945, Nhà nước ta phát hành đồng bạc Việt Nam cùng lưu hành song song với tiền Ngân hàng Đông Dương. Ngày 30/4/1948, Chính phủ ra Sắc lệnh số 160 SL cấm tàng trữ, lưu hành giấy bạc Đông Dương, trừ giấy bạc có mệnh giá 1 đồng được lưu hành đến hết năm 1950.
Mặc dù Chính phủ đã có nhiều biện pháp để giữ tỷ giá hối đoái giữa đồng bạc Việt Nam và tiền ngân hàng Đông Dương, nhưng do địch dùng nhiều thủ đoạn để phá hoại, đồng bạc Việt Nam tiếp tục mất giá. Tại Bắc Giang vào thời điểm tháng 8/1951, 800 đồng tiền Việt Nam mới đổi được 1 đồng tiền Ngân hàng Đông Dương. Đồng tiền Việt Nam mất giá làm cho giá cả các loại hàng hoá tăng vọt, đặc biệt là lương thực: Giá 1 tạ gạo tháng 3/1949 là 720 đồng, đầu năm 1951 là 70.000 đồng, đến cuối năm tăng lên 200.000 đồng. Địch cấm dân trong vùng tạm chiếm không được tiêu tiền Việt Nam, chúng còn in bạc giả tung vào vùng tự do gây cho ta rất nhiều khó khăn.
Thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ II (2/1951), ngày 6/5/1951, Chính phủ ra Sắc lệnh số 15 SL thành lập Ngân hàng Quốc gia Việt Nam; Ngày 12/5/1951, Chính phủ ra Sắc lệnh số 19 SL phát hành tiền Ngân hàng Quốc gia Việt Nam thay thế cho giấy bạc tài chính. Những chủ trương này nhằm ổn định tình hình kinh tế, tài chính đưa cuộc kháng chiến của dân tộc ta tiến mạnh hơn nữa.
4. Thuế và thu chi ngân sách của tỉnh Bắc Giang.
Đi đôi với việc phát huy nhiệt tình cách mạng của nhân dân, động viên nhân dân tự nguyện đóng góp sức người, sức của cho kháng chiến, Đảng và Chính phủ đã tìm mọi cách chấn chỉnh công tác tài chính, nghiên cứu xây dựng và ban hành các chính sách, chế độ tài chính mới, nhằm thực hiện đóng góp công bằng, hợp lý, vừa đảm bảo nhu cầu của kháng chiến, vừa không quá khả năng đóng góp của mọi tầng lớp nhân dân.
Về tài chính, phương hướng đề ra là động viên đến mức cao nhất khả năng đóng góp của nhân dân một cách công bằng, hợp lý. Một chuyển hướng quan trọng về tài chính là từ năm 1950, các thứ thuế chính không thu bằng tiền mà thu bằng hiện vật, chủ yếu là thóc để tránh ảnh hưởng của lạm phát và để bảo đảm cung cấp lương thực cho bộ đội và công nhân viên chức.
Ngày 15/1/1950, Chính phủ ra Sắc lệnh số 3/SL đặt ra quỹ công lương để thay thế quỹ tham gia kháng chiến. Mọi công dân đều có nghĩa vụ đóng góp cho Nhà nước theo mức quy định trong pháp luật. Mức đóng góp quỹ công lương là 10 kg thóc. Theo báo cáo của Uỷ ban kháng chiến hành chính tỉnh Bắc Giang, năm 1951, tỉnh Bắc Giang đã thu được 4380 tấn thóc quỹ công lương.
Thuế điền thổ cũng có những sửa đổi đáng kể. Theo Sắc lệnh số 96-SL ngày 22/5/1950 của Chính phủ, thuế điền thổ thu theo luỹ tiến vào tổng số hoa lợi của chủ ruộng đất để vừa tăng thu cho ngân sách Nhà nước, vừa công bằng, hợp lý, sát với khả năng của người nộp thuế hơn. Thuế điền thổ căn cứ vào số thu hoạch của từng thửa ruộng qua kiểm điền. Thuế thu theo luỹ tiến, mức thấp nhất là 5%, cao nhất là 22%. Thuế thu bằng thóc, có thể tạm thu từ vụ chiêm để kịp thời có lương thực cung cấp cho tiền tuyến và bình ổn vật giá. Nhờ sự thay đổi trên đây, thuế điền thổ ngày càng chiếm vị trí quan trọng trong ngân sách Nhà nước. Năm 1950, tỉnh Bắc Giang thu được 6470 tấn thóc thuế điền thổ.
Thuế công thương nghiệp đánh vào các hoạt động công thương nghiệp căn cứ vào nội dung, tổ chức, quy mô kinh doanh. Thuế công thương nghiệp cũng chiếm một phần quan trọng trong ngân sách Nhà nước. Năm 1951, tỉnh Bắc Giang thu được 158.834.815 đồng thuế công thương nghiệp.
Thuế xuất nhập khẩu cũng là một nguồn thu đáng kể của ngân sách tỉnh Bắc Giang. Nguồn thu này ngày càng tăng. Năm 1951, hàng hoá xuất trị giá 573.745.345 đ, hàng hoá nhập trị giá 786.699.920 đồng. Số tiền thuế thu được 181.377.220 đồng.
Song song với việc tăng các nguồn thu cho ngân sách, Chính phủ cũng tiến hành sắp xếp lại bộ máy Nhà nước nhằm giảm bớt quỹ lương.
Ngày 11/10/1949, Chính phủ ra Thông tư số 909 chỉnh đốn bộ máy chính quyền các cấp. Quy định Uỷ ban kháng chiến hành chính tỉnh có 4 phòng:
Phòng I: Chức năng công văn, vật liệu, khánh tiết
Phòng II: Tài chính chi trả lương
Phòng III: Theo dõi, kế hoạch, tuyên truyền, thi đua, tin tức, báo chí, thư viện, pháp chế, thống kê.
Phòng IV: Theo dõi các cơ quan chuyên môn.
Ngày 10/10/1950, Thủ tướng Chính phủ có Thông tư số 53 TTg giải thích và đề ra kế hoạch giảm chính bộ máy chính quyền. Thực hiện Thông tư của Thủ tướng Chính phủ, năm 1951, tỉnh Bắc Giang đã tiến hành giảm biên chế bộ máy chính quyền.
Tổng số nhân viên khối chính quyền toàn tỉnh trước khi giảm biên chế có 1837, số nhân viên sau khi giảm biên chế có 1157, số nhân viên đã giảm 680.
Số chi sinh hoạt phí trước khi giảm biên chế: 86.044kg.
Số chi sinh hoạt phí sau khi giảm biên chế: 56.621 kg.
Ngân sách tiết kiệm được: 34.693 kg.
Để đảm bảo đời sống cho cán bộ, bộ đội, công nhân viên chức, chế độ lương bổng được tính theo gạo (mức tối thiểu là 35kg, tối đa là 72 kg), vợ con công nhân viên chức cũng được trợ giúp một phần (vợ 11kg, con dưới 16 tuổi 5,5kg). Vì vậy quỹ lương chiếm một tỷ lệ lớn trong ngân sách. Việc tinh giảm bộ máy cơ quan Nhà nước làm cho quỹ lương giảm đi, tập trung chi cho những nhu cầu khác của cuộc kháng chiến đang đòi hỏi.
Những năm 1950, 1951 kinh tế tài chính của cả nước nói chung, Bắc Giang nói riêng gặp rất nhiều khó khăn do hoàn cảnh khách quan của cuộc kháng chiến và do nguyên nhân chủ quan của ta, trong đó có khuyết điểm về công tác quản lý kinh tế tài chính còn nhiều lúng túng bị động và việc tổ chức thực hiện còn nhiều thiếu sót.
V. Ty Tài chính tinh Bắc Giang ra đời, hoạt động của Ngành Tài chính tỉnh Bắc Giang trong giai đoạn cuối cùng của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp (1952-1954).
1. Ty Tài Chính tỉnh Bắc Giang ra đời.
Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ II của Đảng họp tháng 2/1951. Trong Báo cáo Chính trị đọc tại Đại hội, Hồ Chủ tịch đã vạch ra phương hướng công tác kinh tế tài chính của nước ta trong giai đoạn mới gồm những nội dung:
- Bảo vệ kinh tế của ta, đấu tranh kinh tế với địch.
- Thuế khoá phải công bằng hợp lý.
- Phấn đấu thăng bằng thu chi tài chính.
Hội nghị Ban chấp hành Trung ương Đảng lần thứ II (10/1951) đã cụ thể hoá chính sách kinh tế tài chính của Đại hội II trong 6 điểm.
1. Phát triển và bảo vệ sản xuất, bảo đảm cung cấp cho cán bộ, bộ đội, ổn định tương đối đời sống nhân dân.
2. Động viên sự đóng góp của nhân dân trên cơ sở một chính sách thuế công bằng, hợp lý.
3. Đấu tranh kinh tế với địch, tranh thủ trao đổi kinh tế có lợi với vùng tạm bị chiếm đóng.
4. Thành lập Ngân hàng Quốc gia Việt Nam để quản lý phát hành tiền tệ.
5. Thành lập mậu dịch quốc doanh để phục vụ đời sống.
6. Đối với xí nghiệp quốc doanh, trong điều kiện khángchiến chỉ nên thành lập những xí nghiệp nào có ý nghĩa kinh tế và tác dụng thiết thực.
Để thực hiện những nhiệm vụ kinh tế tài chính của Đảng trong giai đoạn mới, Hội đồng Chính phủ đã ra Nghị quyết thành lập Ty Tài chính ở các tỉnh và thành phố. Tháng 11/1951, Ty Tài chính tỉnh Bắc Giang được thành lập mà tiền thân là phòng II Uỷ ban kháng chiến hành chính tỉnh. Đồng chí Nguyễn Kháng được bổ nhiệm làm Trưởng ty. Tổng số cán bộ, nhân viên của Ty có 24 người, chia làm 2 phòng:
- Phòng thuế nông nghiệp: 11 người;
- Phòng Kế toán ngân sách: 13 người (kể cả Trưởng ty).
2. Hoạt động của Ngành Tài chính tỉnh Bắc Giang thực hiện chủ trương, chính sách kinh tế mới của Đảng, đó là thống nhất quản lý thu chi tài chính.
Từ năm 1951 trở về trước, công tác quản lý, thu chi tài chính rất phân tán, các địa phương, các ngành tự xoay xở phần lớn chi tiêu của mình. Trung ương không nắm được thu chi ngân sách của các địa phương, các ngành, trong khi đó ngân sách Trung ương vẫn phải cung cấp. Công cuộc kháng chiến của dân tộc ta yêu cầu chi tiêu ngày càng lớn. Việc huy động nhân tài, vật lực trước đây chưa đúng mức và chưa công bằng hợp lý. Vì vậy, yêu cầu thống nhất tài chính, tăng cường thu, chấn chỉnh công tác quản lý chi trở nên cấp bách. Ngày 18/7/1951 Thủ tướng Chính phủ đã ra Thông tư số 101 TTg nhắc nhở các địa phương "...việc thống nhất quản lý thu chi tài chính phải được thực hiện một cách gấp rút".
Ngày 7/12/1951, Ban Kinh tế- Tài chính tỉnh Bắc Giang ra Nghị quyết số 13-NQ "Thực hiện thống nhất quản lý tài chính". Nghị quyết nhấn mạnh: "Các ngành, các cấp phải triệt để thi hành: Trong một thời hạn nhất định, các ngành, các cấp phải báo cáo về tỉnh số tiền và thóc đã sử dụng, quá thời hạn này không báo cáo sẽ chịu kỷ luật. Các ngành, các cấp muốn chi tiêu đều phải đề nghị lên tỉnh và phải được sự đồng ý của tỉnh mới được chi tiêu.
Các Huyện uỷ có trách nhiệm kiểm tra sự thu chi của các ngành trong phạm vi huyện”.
Về thu: Nhà nước đã ban hành chính sách thuế mới thống nhất gồm 7 thứ thuế:
- Thuế nông nghiệp;
- Thuế công thương nghiệp;
- Thuế hàng hoá;
- Thuế xuất nhập khẩu;
- Thuế sát sinh;
- Thuế trước bạ;
- Thuế tem.
Ngoài 7 thứ thuê trên, nhân dân không phải đóng một thứ thuế nào khác.
Về chi: Chính phủ thống nhất quản lý các khoản chi tiêu của Nhà nước cho đến cấp huyện.
Từ năm 1951, tỉnh Bắc Giang thực hiện tăng thu theo chính sách thuế mới.
Trong chính sách thuế mới, thuế nông nghiệp giữ vai trò đặc biệt quan trọng:
Ngày 1/5/1951, Chính phủ ra Sắc lệnh số 13-SL đặt ra thuế nông nghiệp. Sắc lệnh quy định:
- Thuế nông nghiệp mỗi năm tính lập bộ thuế một lần thu bằng thóc vào hai vụ gặt chiêm và mùa, có thể tạm thu trước;
- Thuế nông nghiệp do người thu hoa lợi ruộng đất nộp, gồm thuế chính tăng và tỷ lệ phần trăm phụ thu cho ngân sách xã, ngoài ra chủ ruộng đất không phải nộp thêm khoản gì khác.
Thuế nông nghiệp, mức thu không quá 20% hoa lợi thường niên theo biểu luỹ tiến, thấp nhất 5%, cao nhất 45%. Mức tính khởi điểm nộp thuế là 61kg đầu nhân khẩu trong hộ.
Để phù hợp với hoàn cảnh kháng chiến, thuế nông nghiệp ở vùng du kích nhẹ hơn vùng căn cứ, thuế vùng căn cứ nhẹ hơn vùng tự do.
Thuế nông nghiệp cũng thể hiện chính sách dân tộc của Đảng và Chính phủ: Thuế nông nghiệp miền núi nhẹ hơn ở miền xuôi, thuế nương rẫy nhẹ hơn thuế ruộng nước.
Thuế nông nghiệp còn có biện pháp để ưu đãi những gia đình có công với kháng chiến: Thương binh, liệt sỹ, những người đi bộ đội tại ngũ ... đều được tính là nhân khẩu nông nghiệp để giảm nhẹ thuế cho gia đình.
Nhận rõ vị trí, tầm quan trọng của thuế nông nghiệp, Tỉnh uỷ xác định, công tác thuế nông nghiệp là nhiệm vụ trung tâm năm 1951. Đây là một công tác hoàn toàn mới mẻ, có tính chất kinh tế, chính trị, xã hội phức tạp. Để nhân dân hưởng ứng và tích cực thực hiện chính sách thuế nông nghiệp, ngay sau khi có Sắc lệnh của Chính phủ, Uỷ ban kháng chiến hành chính tỉnh đã tổ chức học tập cho cán bộ các cấp, các ngành thông suốt tư tưởng và nắm vững chính sách. Theo chủ trương của trên, để chuẩn bị chu đáo, thuế nông nghiệp không thể thực hiện ngay từ vụ chiêm năm 1951, mà phải làm công tác tạm vay, do ở Bắc Giang đạt kết quả thu thấp, đến hết tháng 11/1951 mới thu được 1110 tấn.
Rút kinh nghiệm công tác tạm vay, việc thu thuế nông nghiệp của Bắc Giang từ năm 1951 đến năm 1954 đạt kết quả rất tốt.
Năm 1951 thu được : 9.311 tấn.
Năm 1952 thu được: 10.120 tấn.
Năm 1953 thu được: 11.215 tấn.
Năm 1954 thu được: 13.664 tấn.
Sau thuế nông nghiệp, thuế công thương nghiệp cũng là một nguồn thu quan trọng của ngân sách tỉnh.
Chính sách thuế công thương nghiệp là thuế đánh vào các ngành nghề kinh doanh công nghiệp, tiểu công nghiệp và thương nghiệp có mục đích kiếm lợi, bao gồm các doanh nghiệp hoạt động thường xuyên, có cơ sở tương đối khá, các quán hàng và các hoạt động buôn chuyến.
Thuế công thương nghiệp gồm nhiều hình thức. Đối với các doanh nghiệp có 2 thứ thuế là thuế doanh thu tính 1%, 2% hoặc 3% trên tổng số tiền thu về bán hàng tuỳ theo loại hàng và thuế thực lãi tính luỹ tiến từ 5% đến 27% trên số lãi kinh doanh đã trừ chi phí hợp lệ.
Thuế quán hàng tính luỹ tiến căn cứ vào thu nhập ước lượng hàng tháng.
Thuế buôn chuyến tính tỷ lệ trên giá trị hàng bán ra.
Số tiền thu thuế công thương nghiệp của tỉnh Bắc Giang mỗi năm một tăng:
Năm 1951 : 158.834.815đ.
Năm 1952: 319.704.300đ.
Năm 1953: 581.869.348đ.
Năm 1954: 699.000.000đ.
Chính sách thuế công thương nghiệp ngoài tác dụng động viên các tầng lớp tư sản dân tộc và tiểu tư sản công thương đóng góp theo khả năng vào kháng chiến, còn bảo đảm thu hồi một phần tiền mặt ở thị trường để góp phần bình ổn vật giá và bảo vệ tiền tệ.
Thuế xuất nhập khẩu là công cụ để quản lý việc xuất, nhập khẩu hàng hoá giữa vùng tự do và vùng tạm bị chiếm, bảo vệ và phát triển kinh tế của vùng tự do. Ty quản lý xuất nhập khẩu tỉnh Bắc Giang được thành lập tháng 11/1951, Ty lập các đồn kiểm soát và thu thuế vận chuyển, buôn bán giữa vùng tự do và vùng tạm chiếm ở Trại Cờ (Hiệp Hoà) Chũ (Lục Ngạn)... Số thuế xuất nhập khẩu năm 1953 thu được 2.383.720.000 đồng (gấp 4 lần thuế công thương nghiệp) quy ra thóc là 7339 tấn. Điều này cho thấy hoạt động xuất nhập khẩu trong những năm kháng chiến ở Bắc Giang khá nhộn nhịp, khối lượng hàng hoá buôn bán giữa vùng tự do và vùng tạm chiếm rất lớn. Đây là 3 thứ thuế chính, chiếm phần lớn ngân sách của tỉnh.
Đi đôi với tăng thu, công tác chi tiêu, thực hiện chế độ thống nhất quản lý thu chi tài chính cũng được chấn chỉnh.Thực hiện chủ trương của Đảng và Chính phủ, hàng năm, Tỉnh uỷ, Uỷ ban kháng chiến hành chính tỉnh đều chỉ đạo các cấp, các ban ngành kiện toàn tổ chức, sắp xếp lại bộ máy cho hợp lý vừa đỡ cồng kềnh, chồng chéo, vừa tiết kiệm ngân sách cho Nhà nước; thực hiện nghiêm chỉnh tiêu chuẩn cung cấp và chế độ chi tiêu thường xuyên. Mặt khác, muốn giảm chi cần triệt để thực hiện chính sách tiết kiệm. Năm 1952, Đảng và Chính phủ phát động phong trào sản xuất và tiết kiệm. Các cấp uỷ Đảng và chính quyền trong tỉnh đã coi trọng công tác giáo dục chính trị, tư tưởng, thường xuyên kiểm tra, nhắc nhở cán bộ, bộ đội, nhân dân thực hiện kế hoạch tăng gia sản xuất gắn liền với tiết kiệm.
Thực hiện chính sách tài chính mới tăng thu, giảm chi, thống nhất quản lý thu chi, ngành Tài chính Bắc Giang đã đạt được những kết quả nhất định. Tuy nhiên, do việc chấp hành chính sách mới chưa được triệt để nên kết quả còn hạn chế.

Cùng với sự trưởng thành của cuộc kháng chiến, ngành Tài chính Bắc Giang cũng từng bước trưởng thành. Từ chỗ dựa vào dân, thực hiện chủ trương tự cấp, tự túc, ngành Tài chính Bắc Giang đã cùng ngành Tài chính cả nước thực hiện thắng lợi chính sách kinh tế, tài chính mới của Đảng và Chính phủ, đảm bảo đời sống cán bộ, bộ đội, cung cấp cho các chiến dịch lớn, đặc biệt là chiến dịch Điện Biên Phủ, góp phần vào thắng lợi chung của quân và dân cả nước trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược.