Sự khác nhau giữa sân khấu và điện ảnh

Trong khi việc chuyển thể các tác phẩm văn học lên màn ảnh rộng không còn xa lạ, ngày nay một số vở kịch ăn khách cũng được nhiều đạo diễn để mắt. Dù có nhiều lợi thế, nhưng để mang đến cho bộ phim một diện mạo mới không phải chuyện dễ dàng.

Hướng đi mở

Năm 2014, bộ phim Quả tim máu (đạo diễn Victor Vũ) dựa trên vở kịch ăn khách của diễn viên Thái Hòa tại Sân khấu kịch Phú Nhuận được ra mắt khán giả trên màn ảnh rộng. Phim thành công vang dội với doanh thu 85 tỷ đồng, đứng đầu phòng vé phim Việt trước khi bị Để mai tính 2 và sau đó là Em là bà nội của anh soán ngôi. Bộ phim được xem là cú bắt tay thành công lớn đầu tiên giữa sân khấu và điện ảnh. 

Thực tế cho thấy, các vở kịch, cải lương thành công được chuyển thể sang lĩnh vực phim ảnh không phải là hiếm, đặc biệt với phim truyền hình. Có thể kể đến hàng loạt phim: Ra riêng anh cưới em, Sông dài, Tấm lòng của biển, Khúc nguyệt cầm, Tần nương thất... đều được khán giả đón nhận nhiệt thành. Tuy nhiên, ở lĩnh vực điện ảnh, xu hướng này mới chỉ bắt đầu manh nha, đặc biệt trong bối cảnh phim Việt đang ngày càng thiếu trầm trọng những kịch bản hay.

Quả tim máu - vở kịch được chuyển thể thành công trên màn ảnh rộng

Khi được hỏi, xu hướng chuyển thể từ kịch nói sang điện ảnh liệu có là nhất thời? Đạo diễn Ngọc Hùng, “ông bầu” Sân khấu kịch Thế giới trẻ với nhiều vở kịch ăn khách, trả lời dứt khoát là không. Đạo diễn Ngọc Hùng cho biết: “Tôi nghĩ khi các đạo diễn cảm thấy phù hợp mới quyết định đưa chúng lên màn ảnh rộng. Bản thân giữa sân khấu kịch và điện ảnh đã hoàn toàn khác nhau chứ không thể là bê nguyên xi”. Sắp tới đây, đạo diễn Ngọc Hùng cùng ê kíp sẽ chuyển thể vở kịch Cõng mẹ đi chơi thành phim điện ảnh. Dự kiến phát hành vào dịp 8-3-2017.

Bên cạnh Quả tim máu và Cõng mẹ đi chơi, một dự án chuyển thể vừa được công bố là Thần tiên cũng nổi điên - bộ phim dựa trên vở kịch cùng tên cũng rất ăn khách tại Sân khấu Thế giới trẻ. “Đứa con tinh thần” này sẽ do đạo diễn Tấn Lộc lèo lái sau khi đã có hàng trăm suất diễn. Phim dự kiến phát hành dịp 2-9 tới. Sân khấu Thế giới trẻ dường như khá mát tay bởi sau 2 vở kịch nói trên, Chuyện tình Băng-cốc sẽ là tác phẩm thứ 3 đã được lên kế hoạch chuyển thể. 

Theo đạo diễn Ngọc Hùng, lợi thế lớn nhất khi chuyển thể từ kịch thành phim đó là bản thân vở kịch đã có câu chuyện với nội dung đủ sức hấp dẫn cho khán giả nên sang phiên bản điện ảnh, đạo diễn chỉ cần thêm những chất xúc tác nhằm làm cho phim trở nên hấp dẫn, kịch tính hơn.  

Không phải những bản “sao chép”

Cũng giống như việc chuyển thể các tác phẩm văn học lên màn ảnh rộng, việc chuyển thể những vở kịch thành phim không đơn thuần chỉ là sao chép toàn bộ câu chuyện. Với những vở kịch đã thành công, điều đó cũng đồng nghĩa có không ít áp lực đặt lên vai các đạo diễn.

“Chuyển thể một vở kịch thành một bộ phim, đặc biệt lại là dự án đầu tay dĩ nhiên có rất nhiều áp lực, buộc mình phải làm cái gì đó mới hơn. Tôi nghĩ, cái khó ở đây là nghĩ ra những cách của riêng mình để không bị ảnh hưởng từ sân khấu”, đạo diễn Tấn Lộc trăn trở trong buổi ra mắt phim Thần tiên cũng nổi điên. Anh cũng cho biết, trong phiên bản điện ảnh phải có những thay đổi nhất định so với sân khấu kịch. Khác biệt cũng là điều mà đạo diễn Victor Vũ từng trăn trở khi anh quyết định chuyển thể vở kịch Quả tim máu lên phim. Và trên thực tế, với những ai đã nằm lòng vở kịch này, khi xem phiên bản điện ảnh vẫn bị bất ngờ và cuốn hút bởi cái kết mà đạo diễn đã sáng tạo cho bộ phim.

Cùng chung quan điểm nói trên, đạo diễn Ngọc Hùng cho biết, khác biệt đầu tiên mà anh muốn thay đổi chính là dàn diễn viên. Trong Cõng mẹ đi chơi, dàn diễn viên trên sân khấu kịch gồm: NS Đàm Loan, La Thành, Quang Tuấn, Thu Trang... được thay thế bằng hàng loạt tên tuổi khác: NSƯT Kim Xuân, Huỳnh Đông, Ngọc Thuận, Thúy Nga... Đoàn phim Thần tiên cũng nổi điên mời chào nhiều gương mặt mới như: Đại Nghĩa, Lê Khánh, Hạnh Thảo... bên cạnh Quang Tuấn, Hoàng Phi, Thu Trang... vẫn được trọng dụng nhưng được trao cho các vai diễn mới. 

Nhưng khác biệt lớn nhất mà đạo diễn Ngọc Hùng chia sẻ, đó là về mặt ngôn ngữ chuyển thể: “Sân khấu thường có lời thoại nhiều, mang tính toàn cảnh để khán giả cảm nhận được tinh thần, không khí của vở kịch. Trong khi đó, chuyển thể thành phim, ngôn ngữ điện ảnh sẽ giúp tác phẩm trở nên sinh động hơn, diễn tả sắc nét hơn tâm lý của nhân vật, đặc biệt là những góc máy cận cảnh”. 

Câu chuyện phát hành và doanh thu cũng là hai vấn đề đáng bàn đối với những bộ phim chuyển thể. Bà Tường Thị Thu Tâm, đại diện nhà phát hành CGV từng chia sẻ, đơn vị này nhận phát hành Thần tiên cũng nổi điên ngay từ khi đọc kịch bản mà không cần đợi đến khi được xem bản nháp của phim như cách họ vẫn làm. “Chúng tôi đồng ý bởi nhiều lý do: đây là vở kịch đã thành công trên sân khấu; phim có sự kết hợp lần đầu tiên giữa Thu Trang và Lê Khánh... Nhưng điều quan trọng nhất, tôi tin đây là bộ phim hài khác biệt có câu chuyện, thông điệp nhiều ý nghĩa”. Trong khi đó, đạo diễn Ngọc Hùng chia sẻ rất thẳng thắn, vì Cõng mẹ đi chơi thuộc thể loại phim tâm lý, tình cảm rất khó để ăn khách nên đoàn phim không đặt nặng quá nhiều chuyện doanh thu. “Tôi cũng như nhà đầu tư, sản xuất muốn có một bộ phim nghệ thuật giàu cảm xúc và cũng hy vọng phim không rơi vào thua lỗ”, anh chia sẻ. Việc có được các nhà phát hành ưu ái và được khán giả đón nhận để những phim chuyển thể từ kịch có trở thành dòng phim ăn khách hay không, sẽ rất khó để nói trước.

VĂN TUẤN

Thứ Sáu, 01/07/2016, 08:44 [GMT+7]


Truyền hình và phát thanh

Sự khác biệt lớn nhất giữa phát thanh và truyền hình là ở chỗ: Phát thanh chỉ có thể tác động đến thính giác của con người thì truyền hình lại tác động tới thị giác của con người.Trong truyền hình công chúng không còn phải tưởng tượng ra bối cảnh, địa điểm, thể chất của nhân vật vì được xem chương trình bằng cả thính giác và thị giác trực tiếp.

Trên cơ sở âm thanh, phát thanh có khả năng ảnh hưởng mạnh đến trí tưởng tượng và sự sáng tạo nơi thính giả.

Truyền hình kế thừa ở Phát thanh việc sử dụng âm thanh ( Tiếng động hiện trường, tiếng động giả, âm nhạc và giọng nói của người dẫn chương trình…)

Truyền hình và sân khấu

Nghệ thuật Sân khấu và truyền hình có những nét tương đồng là cùng một thời điểm công chúng được chứng kiến sự vật, hiện tượng của cuộc sống thông qua thị giác. Công chúng vừa được nghe vừa được nhìn thấy những gì đang diễn ra.Tuy nhiên số lượng khán giả thì có sự khác biệt lớn. Truyền hình bằng những trang thiết bị truyền dẫn phát sóng hiện đại có thể có đến cả tỷ khán giả cùng theo dõi và cùng sống với một sự kiện đặc biệt của thế giới ví dụ như cúp bóng đá thế giới, Olimpic…

Sự khác nhau giữa truyền hình và sân khấu thể hiện qua sự tác động của khán giả trực tiếp đến vở kịch còn với truyền hình thì không. Tuy nhiên sự phát triển của truyền hình tương tác ngày nay đã dần dần xóa đi sự khác biệt này.Quả là sự so sánh luôn chỉ là tương đối!

Sự khác biệt nữa là đặc tính thay đổi tiêu cụ của camera và chia cắt không gian tạo ra một dòng chảy liên tục các hình ảnh trong truyền hình là sự khác biệt lớn với nghệ thuật sân khấu.

Ngày nay với các chương trình sân khấu truyền hình, sẽ có sự khác biệt lớn bởi tác phẩm sân khấu được sáng tạo hoặc làm giảm giá trị nghệ thuật khi được truyền hình trực tiếp trên sóng. Ví dụ như chương trình nhà hát truyền hình phát sóng trực tiếp trên VTV1 vào tối thứ bảy hàng tuần.

Truyền hình và điện ảnh

Trong các loại hình nghệ thuật, thì Điện ảnh gần với Truyền hình hơn cả vì sự hiện hữu của màn hình hai chiều chứa đựng những hình ảnh chuyển động và âm thanh.

Truyền hình vay mượn của điện ảnh ngôn ngữ cùng các thủ pháp dựng phim, nhưng nó lại có sự khác biệt là khả năng đưa những hình ảnh của cuộc sống hiện tại lên màn hình, tạo ra sự hành động và cùng sống với nhân vật và sự kiện. Đó chính là tính chất đặc biệt của truyền hình giữa không gian tiếp nhận và màn hình. Điện ảnh là loại hình nghệ thuật dành cho nhận thức của số đông, trong khi truyền hình hướng tới dư luận xã hội. Hơn thế nó còn tạo ra dư luận xã hội. Nói cách khác truyền hình có chức năng báo chí, còn điện ảnh là chức năng nghệ thuật.

Cũng như sân khấu, truyền hình sử dụng đài từ và diễn xuất của diễn viên, nhưng nhờ phương tiện kỹ thuật nó tạo cho công chúng cảm giác trung thực về thời gian và không gian.

Sự khác nhau giữa sân khấu và truyền hình ở chỗ môi trường và điều kiện tiếp nhận khác biệt nhau.Trước mắt công chúng truyền hình là khoảng không gian được định hình và bị chia nhỏ bởi nghệ thuật dựng phim, nghệ thuật quay phim thông qua cỡ cảnh, động tác máy, khuôn hình nên tác động tới công chúng mạnh hơn sân khấu.

Sự khác biệt giữa phát thanh và truyền hình nằm ở trong các phương tiện biểu cảm.. Âm thanh là phương tiện biểu hiện duy nhất của phát thanh, còn truyền hình lại tác động bằng hình ảnh.Để có được cái nhìn chính xác hơn về truyền hình, chúng ta hãy cùng điểm lại những đặc trưng cơ bản của Điện ảnh.

Ba đặc trưng của nghệ thuật điện ảnh là Tính quần chúng, tính Phức hợp và tính tổng hợp.

Tính quần chúng:Vì số lượng người xem rất đông đảo, lại rất khác nhau về trình độ, kinh nghiệm, giới tính, tôn giáo, sắc tộc nên yêu cầu đầu tiên của tính quần chúng là phải truyền đạt những cái khó, phức tạp một cách dễ hiểu

Yêu cầu thứ hai của tính quần chúng là phải hấp dẫn công chúng. Đây là một yêu cầu vô cùng khó khăn phức tạp đối với tác giả, đòi hỏi sự lao động suốt cả cuộc đời.

Và để làm ra sự hấp dẫn của tác phẩm điện ảnh chúng ta phải nghiên cứu một môn học, đó là kịch học điện ảnh. Yêu cầu thứ ba của tính quần chúng là không độc hại với con người trong sự đa dạng của phong tục, tập quán và văn hóa của các dân tộc trên trái đất.

Tính phức hợp:

Trong nghệ thuật điện ảnh chúng ta thấy tác phẩm điện ảnh là nghệ thuật kể chuyện bằng hình có thêm tiếng phụ hoạ nhờ phương pháp tạo hình.

Để đảm bảo tính phức hợp của điện ảnh là phải thể hiện nghệ thuật quốc tế và những quy ước quốc tế một cách hết sức dân tộc và không lặp lại.

Chúng ta phải tận dụng những tiến bộ của khoa học kỹ thuật, nhưng tránh lạm dụng vì kỹ thuật nâng cánh cho nghệ thuật nhưng không phải là yếu tố quyết định chất lượng của phim.

Tính tổng hợp:

Vì nghệ thuật điện ảnh là nghệ thuật thứ bảy sau văn học, kiến trúc, hội hoạ, sân khấu, âm nhạc, nhiếp ảnh nên nó không chỉ là phép cộng của các loại hình nghệ thuật kia cộng lại. Nó chính là tiếp thu những ưu điểm của các nghệ thuật trước nó phục vụ cho điện ảnh.

Sau những so sánh giữa truyền hình và các loại hình báo chí và nghệ thuật, chúng ta sẽ cùng nhau tìm hiểu đặc trưng của Truyền hình.

( Còn tiếp)

Nhà báo, Thạc sĩ Vũ Quang

Phó giám đốc Trung tâm đào tạo- VTV

Video liên quan

Chủ đề