Sự phát triển thể dục thể thao Việt Nam thời kỳ 1975 đến nay

Phát triển thể dục, thể thao nhằm nâng cao sức khỏe, thể lực và chất lượng cuộc sống của nhân dân, chất lượng nguồn nhân lực; đồng thời giáo dục ý chí, đạo đức, xây dựng lối sống và môi trường văn hóa lành mạnh, góp phần củng cố khối đại đoàn kết toàn dân.

Sự phát triển thể dục thể thao Việt Nam thời kỳ 1975 đến nay


Sự nghiệp thể dục thể thao Việt Nam thời gian qua


Phát triển thể dục thể thao luôn là một chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước ta. Ngay từ khi nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa non trẻ mới ra đời, công tác thể dục thể thao, nâng cao sức khỏe cho nhân dân đã được Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh rất quan tâm. Ngày 27-3-1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã công bố Sắc lệnh số 38 thành lập Nha Thanh niên và Thể dục thuộc Bộ Quốc gia Giáo dục, đánh dấu sự ra đời của nền thể dục thể thao cách mạng Việt Nam. Từ đó tới nay, dù gặp nhiều khó khăn nhưng thể dục thể thao nước ta vẫn liên tục có những bước phát triển đáng ghi nhận, góp phần vào thắng lợi của cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc và xây dựng đất nước.


Trong 2 cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, vượt qua những hoàn cảnh khắc nghiệt, ngành thể thao vẫn đào tạo được hàng nghìn cán bộ, huấn luyện viên, vận động viên, hướng dẫn viên các cấp; nhiều người trong số đó đã trực tiếp ra trận, chiến đấu vì độc lập, tự do của Tổ quốc. Thể dục, thể thao thực sự là một lĩnh vực mang ý nghĩa chính trị - xã hội to lớn, vừa góp phần nâng cao sức khỏe cho quân và dân ta, vừa cổ vũ tinh thần lao động sản xuất, xây dựng hậu phương miền Bắc xã hội chủ nghĩa và chi viện cho miền Nam. Từ phong trào “Khỏe vì nước” do Nha Thanh niên và Thể dục phát động năm 1946 tới những phong trào thiết thực sau này như “Chạy, nhảy, bơi, bắn, võ”, “Luyện vai trăm cân, luyện chân ngàn dặm”, đến các hội khỏe, đại hội thể thao, các giải đấu thể dục thể thao cấp tỉnh, quân khu hay toàn miền Bắc đã tạo nên không khí sôi nổi, nâng cao tinh thần chiến đấu của các cán bộ chiến sĩ. Sau khi đất nước thống nhất, thể dục thể thao tiếp tục thực hiện sứ mệnh chính trị, ổn định tình hình xã hội thông qua các phong trào thể dục thể thao trong quần chúng. Nhiều giải thi đấu thể thao được tổ chức vào các dịp diễn ra các sự kiện chính trị lớn của đất nước, có sức lan tỏa cao như: giải bóng đá Trường Sơn, Hồng Hà (khu vực phía Bắc), Cửu Long (giải các đội mạnh phía Nam) trong những năm từ 1975 - 1979, là tiền đề cho Giải vô địch bóng đá hạng A toàn quốc lần đầu tiên được tổ chức năm 1980. Cũng vào năm 1980, lần đầu tiên đoàn thể thao Việt Nam có mặt tại Thế vận hội Ô-lym-pích mùa hè tại Mát-xcơ-va (Liên Xô cũ). Hai năm sau, chúng ta tiếp tục cử đoàn thể thao tham dự Đại hội Thể thao châu Á tại Niu Đê-li (Ấn Độ). Năm 1989, đoàn thể thao Việt Nam lần đầu tham dự Đại hội thể thao Đông Nam Á - SEA

Games

15. Đó là những mốc đánh dấu sự tái hội nhập của thể dục thể thao Việt Nam với thế giới và khu vực sau những năm dài kháng chiến. Nhập cuộc với nền thể thao khu vực và thế giới, thể thao Việt Nam không chỉ tham gia thi đấu mà còn là những “sứ giả” của tình đoàn kết, hữu nghị, thể hiện tinh thần và chủ trương chủ động hội nhập quốc tế của nước ta. Các hoạt động thể dục thể thao cũng như giao lưu văn hóa, hợp tác đào tạo đã góp phần xóa bỏ dần rào cản của sự khác biệt về chế độ chính trị, khoảng cách địa lý, ngôn ngữ... Qua đó, hình ảnh Việt Nam trong mắt bạn bè quốc tế trở nên thân thiện hơn, thể hiện khao khát vươn lên với tinh thần Ô-lym-pích “nhanh hơn - cao hơn - mạnh hơn” của Việt Nam - một dân tộc đã anh dũng vượt qua sự tàn phá, đau thương của chiến tranh vẫn mong muốn được làm bạn với thế giới. Năm 2003, lần đầu tiên trong lịch sử, Việt Nam đăng cai một đại hội thể thao tầm cỡ khu vực - SEA Games 22, tạo được ấn tượng tốt đẹp về năng lực tổ chức và sự đồng thuận xã hội. Đây là một cú hích mạnh mẽ để thể thao Việt Nam có những bước phát triển tiếp theo đồng thời mang ý nghĩa chính trị - xã hội to lớn, góp phần quảng bá hình ảnh đất nước, con người Việt Nam.


Trong xu thế phát triển mới của thể dục thể thao thế giới và điều kiện kinh tế - xã hội cụ thể của đất nước, ngày 03-12-2010, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 2198/QĐ-TTg phê duyệt Chiến lược phát triển thể dục, thể thao Việt Nam đến năm 2020, trong đó đặt ra mục tiêu của ngành thể dục thể thao Việt Nam là xây dựng và phát triển nền thể dục, thể thao nước nhà, chú trọng đến các nội dung như thể dục, thể thao quần chúng, giáo dục thể chất và thể thao trong nhà trường, thể dục thể thao trong lực lượng vũ trang, thể thao thành tích cao và chuyên nghiệp, góp phần nâng cao sức khỏe nhân dân, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, tăng tuổi thọ của người Việt Nam theo tinh thần vì dân cường, nước thịnh, hội nhập và phát triển. Tiếp đó, Nghị quyết số 08-NQ/TW ngày 01-12-2011 của Bộ Chính trị về tăng cường sự lãnh đạo của Ðảng, tạo bước phát triển mạnh mẽ về thể dục, thể thao đến năm 2020 cũng khẳng định: phát triển thể dục, thể thao là một yêu cầu khách quan của xã hội, là trách nhiệm của các cấp ủy đảng, chính quyền và nhân dân; góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống của nhân dân; giáo dục ý chí, đạo đức, xây dựng lối sống và môi trường văn hóa lành mạnh; củng cố khối đại đoàn kết toàn dân; mở rộng quan hệ hữu nghị và hợp tác quốc tế. Quan điểm của Đảng ta luôn xác định việc đầu tư cho thể dục, thể thao là đầu tư cho con người, cho sự phát triển của đất nước; việc giữ gìn, tôn vinh những giá trị thể dục, thể thao dân tộc, tiếp thu tinh hoa văn hóa của nhân loại và phát triển nền thể dục, thể thao nước ta mang tính dân tộc, khoa học, nhân dân, văn minh, là những quan điểm có ý nghĩa quan trọng trong quá trình hội nhập và phát triển.


Với những quan điểm đó, Đảng, Nhà nước đã có những chính sách tăng tỷ lệ chi ngân sách và huy động các nguồn lực xã hội để đầu tư xây dựng cơ sở vật chất thể dục, thể thao; đổi mới phương thức quản lý, phát huy mạnh mẽ chủ trương phân cấp, phân quyền và xã hội hóa trong quản lý, điều hành, tổ chức các hoạt động thể dục, thể thao. Nhờ đó, sự nghiệp thể dục, thể thao nước ta đã có những bước phát triển mới. Phong trào thể dục, thể thao quần chúng ngày càng được mở rộng với nhiều hình thức đa dạng, tích cực, góp phần cải thiện đời sống văn hóa, tinh thần của nhân dân, tiêu biểu là phong trào “Toàn dân rèn luyện thân thể theo gương Bác Hồ vĩ đại”. Những hoạt động thể dục, thể thao của người cao tuổi, người khuyết tật cũng được quan tâm hơn, thể hiện qua các hội thi được tổ chức đều đặn hằng năm. Công tác giáo dục thể chất trong nhà trường cũng có những chuyển biến tích cực cả về hình thức lẫn nội dung. Thể thao thành tích cao đạt được nhiều kết quả, một số môn đã vươn tới trình độ châu Á và thế giới. Hợp tác quốc tế về thể thao được tăng cường, vị thế của thể thao Việt Nam được nâng cao, nhất là ở khu vực Ðông - Nam Á. Tại SEA Games 26 năm 2011 và SEA Games 27 năm 2013, đoàn thể thao Việt Nam liên tục đứng trong tốp 3 các nước dẫn đầu khu vực Đông Nam Á; tại Đại hội thể thao trong nhà và võ thuật châu Á 2013, Việt Nam xếp thứ 3/45 quốc gia và vùng lãnh thổ; đứng thứ 7/45 ở Đại hội thể thao châu Á trẻ năm 2013. Nhiều đề án phát triển, chiến lược đào tạo vận động viên hay các chủ trương đẩy mạnh nghiên cứu và ứng dụng các tiến bộ của khoa học vào lĩnh vực thể dục, thể thao cũng được triển khai có hiệu quả trong thời gian qua.


Có thể khẳng định, sau hơn 2 năm thực hiện Nghị quyết 08-NQ/TW, dù còn tồn tại một số vấn đề bất cập, song thể dục, thể thao Việt Nam cũng đã có những đóng góp tích cực trong việc thực hiện những nhiệm vụ chính trị, xã hội, công tác đối ngoại của Đảng, Nhà nước ta.


Phát triển thể dục thể thao Việt Nam trong tình hình mới


Chiến lược phát triển thể dục, thể thao đến năm 2020 đã đề ra những chỉ tiêu phát triển cụ thể cho thể dục, thể thao Việt Nam. Theo đó, nền thể dục, thể thao nước ta phấn đấu đến năm 2015, số người tham gia luyện tập thể dục, thể thao thường xuyên đạt tỷ lệ 28% và năm 2020 đạt 33% dân số; số gia đình luyện tập thể dục thể thao đến năm 2015 đạt 22% và năm 2020 đạt 25% tổng số hộ gia đình trong toàn quốc; số trường học phổ thông có câu lạc bộ thể dục, thể thao, có hệ thống cơ sở vật chất đủ phục vụ cho hoạt động thể dục, thể thao thường xuyên, có đủ giáo viên và hướng dẫn viên thể dục, thể thao; thực hiện tốt hoạt động thể thao ngoại khóa đến năm 2015 đạt 45% và đến năm 2020 đạt từ 55 - 60% tổng số trường học; 90% học sinh, sinh viên đạt tiêu chuẩn rèn luyện thân thể; các trường học, xã, phường, thị trấn, khu công nghiệp có đủ cơ sở vật chất thể dục, thể thao phục vụ việc tập luyện của nhân dân. Về thể thao thành tích cao, chỉ tiêu đề ra là thể thao Việt Nam giữ vững vị trí trong top 3 dẫn đầu của thể thao khu vực Đông Nam Á; năm 2020, có khoảng 45 vận động viên vượt qua các cuộc thi vòng loại, có huy chương tại Đại hội Thể thao Ô-lym-pích lần thứ 32; tập trung đầu tư cho các môn thể thao trọng điểm; bảo đảm các điều kiện để sẵn sàng đăng cai tổ chức thành công các sự kiện thể thao lớn của châu Á và thế giới. Để hoàn thành được các mục tiêu của Chiến lược, đưa thể dục thể thao Việt Nam vươn cao trên trường quốc tế thì sự phối hợp đồng bộ của các cấp, các ban, ngành từ trung ương đến địa phương là vô cùng cần thiết và cấp bách. Bên cạnh đó, Đại hội Thể dục thể thao toàn quốc lần thứ VII sẽ diễn ra vào tháng 11-2014 cũng đặt ra những yêu cầu phát triển của nền thể dục thể thao nước nhà trong tình hình mới, khi nước ta đang đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế sâu rộng. Đây là cuộc tổng động viên lực lượng toàn dân, toàn quân; vừa thiết thực hưởng ứng lời kêu gọi toàn dân tập thể dục của Bác Hồ vĩ đại vừa là cơ hội để phát hiện các tài năng thể thao trong nước, để các vận động viên ở các môn thể thao hiện đại và thể thao dân tộc được rèn luyện, cọ xát. Để chuẩn bị cho Đại hội Thể dục thể thao toàn quốc lần thứ VII năm nay, ngày 06-6-2012, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Đề án tổ chức Đại hội thể dục thể thao các cấp và Đại hội thể dục thể thao toàn quốc năm 2014; trong đó chỉ rõ mục đích yêu cầu của Đại hội phải được tổ chức thiết thực, hiệu quả, tiết kiệm; tích cực huy động các nguồn lực của xã hội; thông qua Đại hội để đánh giá kết quả phát triển sự nghiệp thể dục thể thao nước ta giai đoạn 2010 - 2014.


Thời gian qua, tuy thể dục thể thao Việt Nam đã đạt được những thành tích nhất định song vẫn tồn tại không ít những hạn chế. Sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy đảng, chính quyền đối với công tác thể dục, thể thao ở một số địa phương và ngành chưa được nhận thức đầy đủ; phong trào thể dục, thể thao phát triển chưa sâu rộng, nhất là ở nông thôn, miền núi và các khu công nghiệp; giáo dục thể chất và hoạt động thể thao trong học sinh, sinh viên chưa thường xuyên và kém hiệu quả; thành tích thể thao chưa bền vững, đặc biệt là các môn thể thao Ô-lim-pích; văn minh, văn hóa trong thể thao và hưởng thụ thể thao còn thấp; tiêu cực trong thể thao, nhất là trong bóng đá và thể thao thành tích cao còn nhiều; hệ thống tổ chức ngành thể dục, thể thao chưa ổn định, đội ngũ cán bộ, cơ sở vật chất và khoa học, công nghệ chưa đáp ứng yêu cầu; các nguồn lực đầu tư cho thể dục, thể thao còn hạn chế. Để khắc phục những hạn chế đang tồn tại, Đảng ta đã xác định cần tăng cường sự lãnh đạo của Ðảng, tạo bước phát triển mạnh mẽ về thể dục, thể thao đến năm 2020 với những giải pháp chủ yếu sau:


Một là, nâng cao chất lượng, hiệu quả giáo dục thể chất và hoạt động thể thao trong trường học - bộ phận quan trọng của phong trào thể dục, thể thao. Thực hiện “Ðề án tổng thể phát triển giáo dục thể chất và thể thao trường học”; phát triển mạnh các hoạt động thể thao của học sinh, sinh viên, bảo đảm mục tiêu phát triển thể lực toàn diện và kỹ năng vận động cơ bản của học sinh, sinh viên, góp phần đào tạo năng khiếu và tài năng thể thao. Đổi mới chương trình và phương pháp giáo dục thể chất, gắn với giáo dục tri thức, đạo đức, giáo dục quốc phòng, giáo dục sức khỏe và kỹ năng sống của học sinh, sinh viên. Mở rộng và nâng cao chất lượng đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ giáo viên, hướng dẫn viên thể dục cho trường học.


Hai là, nâng cao chất lượng hoạt động thể dục, thể thao quần chúng thông qua phong trào “Toàn dân rèn luyện thân thể theo gương Bác Hồ vĩ đại”; gắn việc chỉ đạo phát triển phong trào thể dục, thể thao với cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở cơ sở” và Chương trình xây dựng nông thôn mới, xây dựng khu đô thị văn minh. Phát triển phong trào thể dục, thể thao người cao tuổi, người khuyết tật và người lao động tại các khu công nghiệp. Bảo tồn, phát triển các môn thể thao dân tộc và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc trong các hoạt động thể dục, thể thao; chú trọng phát triển thể dục, thể thao trong lực lượng vũ trang đáp ứng yêu cầu xây dựng lực lượng vũ trang cách mạng chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại.


Ba là, nâng cao hiệu quả đào tạo tài năng thể thao, chú trọng đội ngũ kế cận có chất lượng; củng cố và phát triển các trường, lớp năng khiếu thể thao ở các tỉnh, thành phố. Mở rộng quy mô và hiện đại hóa các trung tâm huấn luyện thể thao quốc gia. Đổi mới tổ chức, quản lý thể thao thành tích cao theo hướng chuyên nghiệp; ưu tiên đầu tư của Nhà nước và huy động các nguồn lực xã hội hỗ trợ cho các cơ sở đào tạo vận động viên các môn thể thao, nhất là những môn trọng điểm; đấu tranh khắc phục những hiện tượng tiêu cực trong thể thao.


Bốn là, nâng cao chất lượng đào tạo, bồi dưỡng cán bộ nghiên cứu, ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ và đội ngũ chuyên gia đầu ngành, giáo viên, huấn luyện viên, cán bộ quản lý có đủ phẩm chất, năng lực đáp ứng yêu cầu phát triển sự nghiệp thể dục, thể thao. Tăng cường hợp tác quốc tế trong đào tạo và tạo điều kiện thuận lợi cho các tổ chức xã hội và tư nhân tham gia đào tạo cán bộ, vận động viên thể dục, thể thao.


Năm là, đổi mới tổ chức, nâng cao hiệu lực quản lý của Nhà nước, nhất là năng lực triển khai thực hiện các chính sách, kế hoạch thể dục, thể thao. Đẩy mạnh cải cách hành chính và phân cấp quản lý thể dục, thể thao. Phát triển các tổ chức xã hội và mở rộng giao lưu, hợp tác quốc tế trên cơ sở bình đẳng, giúp đỡ lẫn nhau để phát triển sự nghiệp thể dục, thể thao.


Sáu là, tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy đảng, chính quyền đối với công tác thể dục, thể thao. Đẩy mạnh hoạt động tuyên truyền, giáo dục, tạo sự chuyển biến sâu sắc về nhận thức của các cấp, các ngành và toàn xã hội đối với công tác thể dục, thể thao. Xây dựng tổ chức và bố trí cán bộ có phẩm chất và năng lực để lãnh đạo, quản lý công tác thể dục, thể thao./.


Vương Bích Thắng