Tại sao aspirin hấp thu tốt ở dạ dày

Tại sao aspirin hấp thu tốt ở dạ dày
Phóng to

Cần tránh những thức ăn có thể làm thay đổi tác dụng của thuốc

Thức ăn có thể làm thay đổi tác dụng của thuốc do cản trở hấp thu thuốc theo cơ chế cơ học. Sự tháo sạch thức ăn của dạ dày ảnh hưởng đến tốc độ di chuyển của thuốc trong đường tiêu hóa. Nếu uống thuốc lúc đói, thuốc chỉ lưu lại dạ dày 10-30 phút rồi được tống ngay xuống ruột. Ngược lại, nếu uống thuốc sau bữa ăn, thuốc có thể lưu lại dạ dày khoảng 1-4 giờ.

Các thuốc kém bền vững trong môi trường acid (ampicilin, erythromycin, lincomycin...) hay các thuốc bào chế dưới dạng viên bao tan ở ruột hoặc các thuốc được thiết kế để giải phóng hoạt chất kéo dài (aspirin, adalat LA, adalat LP...) thì việc giữ lại tại dạ dày lâu là hoàn toàn bất lợi vì màng bao viên và các cấu trúc bào chế đặc biệt của dạng thuốc sẽ bị phá vỡ. Trái lại, các thuốc có độ tan kém (propoxyphen) sẽ có lợi nếu lưu lại lâu ở dạ dày.

Thức ăn còn cản trở sự di chuyển của thuốc trong lòng ruột. Các loại thuốc cần tác dụng tại chỗ trong lòng ruột (neomycin, sulfaguanidin...) sẽ có lợi khi uống sau ăn khoảng 1 giờ. Mặt khác, thức ăn còn cản trở sự tiếp xúc của thuốc với bề mặt ống tiêu hóa, làm giảm tác dụng của các thuốc có tác dụng toàn thân. Tuy nhiên, tác dụng kích ứng trên niêm mạc dạ dày của một số thuốc và các thuốc gây nôn do cơ chế ngoại biên sẽ bớt tác dụng phụ này nếu uống thuốc trong khi ăn.

Thức ăn giàu chất béo có tác dụng kích thích bài tiết dịch mật. Vì thế, thuốc nào tan mạnh trong lipid và từ đó hấp thu tốt thì nên dùng trong bữa ăn giàu lipid (griseofulvin, sulfamid, các vitamin A, D, E và K...). Thức ăn còn làm thay đổi độ pH của dạ dày. Nhiều thuốc kém bền vững trong môi trường acid của dịch vị (benzylpenicilin khi dùng đường uống chỉ đạt sinh khả dụng khoảng 10%, ampicilin chỉ có sinh khả dụng khoảng 30%). Một số thức ăn có tác dụng hoạt hóa các tác nhân vận chuyển thuốc qua thành ruột, nhờ đó sự hấp thu các thuốc có bản chất là hợp phần dinh dưỡng (vitamin, acid amin, chất khoáng...) sẽ dễ dàng hơn.

Thức ăn còn ảnh hưởng đến tác dụng của thuốc thông qua việc tác động đến chuyển hóa thuốc. Với các thuốc chuyển hóa mạnh ở gan (hormon, morphin...) thì bữa ăn sẽ làm tăng lượng thuốc qua gan, tăng lượng thuốc có hoạt tính trong máu. Một số thức ăn (thịt ninh, bắp cải, củ cải...) kích thích các men chuyển hóa thuốc ở gan. Khi ăn một lượng lớn các thức ăn này sẽ dẫn tới giảm tác dụng của một số thuốc (warfarin, dicoumarol, phenytoin, theophyllin...).

Một số thức ăn lại làm thay đổi độ pH của nước tiểu do đó làm thay đổi thải trừ thuốc. Các chất có bản chất là các kiềm yếu (quinidin, amphetamin...) sẽ thải nhanh khi nước tiểu có pH acid. Ngược lại, các thuốc có bản chất là các acid yếu (aspirin, sulfamid) sẽ thải nhanh khi nước tiểu kiềm.

Thức ăn cũng có thể đối kháng trực tiếp với tác dụng của thuốc: thức ăn giàu vitamin K như bắp cải, súplơ, đậu quả, cà chua, rau diếp, các loại rau có màu xanh sẽ cản trở và đối kháng tác dụng với thuốc chống đông nhóm coumarin (warfarin, dicoumarol). Các thức ăn chứa nhiều tyramin (phomat, chuối, gan gà...) sẽ làm tăng tác dụng phụ (tăng nhịp tim, tăng huyết áp) của một số thuốc chống trầm cảm (nialamid, iproniazid...). Thuốc corticoid, glycosid... khi dùng phải kiểm soát lượng natri, kali trong chế độ ăn.

Tại sao aspirin hấp thu tốt ở dạ dày

Con gái tôi năm nay 18 tuổi, cháu bị viêm khớp dạng thấp nên thường xuyên phải sử dụng aspirin, trong quá trình dùng thuốc tôi luôn phải để ý đến tác dụng phụ của thuốc.

Con gái tôi năm nay 18 tuổi, cháu bị viêm khớp dạng thấp nên thường xuyên phải sử dụng aspirin, trong quá trình dùng thuốc tôi luôn phải để ý đến tác dụng phụ của thuốc. Gần đây trên thị trường có loại aspirin bao tan ở ruột (aspirin pH8), tôi nghe nói dùng loại này sẽ không sợ bị viêm loét dạ dày có đúng không?

Trần Văn Thoan (Hà Nội)

Aspirin là thuốc có thành phần là acid acetylsalicylic, thuộc nhóm thuốc chống viêm, hạ sốt, giảm đau non – steroid; đây là thuốc được sử dụng sớm nhất trong nhóm.

Aspirin nói riêng và nhóm thuốc non - steroid nói chung vừa ức chế sự tổng hợp prostaglandin gây viêm (thông qua việc ức chế hoạt động của enzym có tên COX – 2) nên có tác dụng chống viêm giảm đau, nhưng mặt khác các thuốc này lại ức chế luôn cả enzym có tên COX – 1 nên chúng ức chế sự tạo thành prostaglandin sinh lý (có tác dụng làm tăng tiết chầt nhày bảo vệ niêm mạc dạ dày) nên nhóm thuốc này có thể gây kích ứng đường tiêu hóa, thậm chí có thể gây xuất huyết. Hiện nay có một số thuốc chỉ có tác dụng ức chế chọn lọc COX – 2 nên ít gây tổn thương dạ dày hơn. Điểm đáng chú ý, là ngoài tác dụng phụ lên dạ dày do ức chế enzym COX – 1, thì việc tiếp xúc giữa thuốc với niêm mạc dạ dày cũng gây nên những tổn thương đáng kể, do vậy các thuốc này thường được khuyên dùng sau khi ăn no.

Cũng vì đặc điểm đó, nên hiện nay trên thị trường xuất hiện các loại thuốc chống viêm có dạng bao tan ở ruột (tức là viên thuốc không tan rã ở dạ dày mà chỉ tan rã khi đến tá tràng) và chỉ khi đó mới phóng thích dược chất ra để hấp thu vào máu và phát huy tác dụng. Aspirin pH8 là một trong các loại thuốc này. Tuy nhiên như đã nói ở trên, thuốc bao tan chỉ có tác dụng hạn chế ảnh hưởng đến dạ dày do tiếp xúc, chứ không làm mất hẳn nguy cơ gây viêm loét dạ dày – tá tràng, do không làm mất đi khả năng ức chế enzym COX - 1. Do vậy, người dùng thuốc chống viêm giảm đau có bao tan ở ruột, thậm chí dùng dạng tiêm hay dạng viên đặt hậu môn, vẫn có nguy cơ bị viêm loét dạ dày – tá tràng chứ không hoàn toàn được an toàn. Vì vậy, trước khi dùng thuốc cần có ý kiến của bác sĩ.

BS. Vân Anh