Tại sao bị bỏng độc tính thuốc tăng

Bỏng hóa chất là loại bỏng có khả năng gây ra các tổn thương bỏng nặng và làm cho nạn nhân vô cùng đau đớn. Tại Việt Nam, tỷ lệ bỏng hóa chất chiếm khoảng 5-6% trong các loại bỏng. Bỏng hóa chất có thể xảy ra trong gia đình, tại nơi làm việc hay trường học, hoặc kết quả của tai nạn, hành hung. Nếu không được xử lý kịp thời, vết bỏng có thể trở nên nghiêm trọng hơn, dẫn tới các biến chứng nguy hiểm cho người bị bỏng.

Bỏng hóa chất là tình trạng bỏng xảy ra khi da hoặc mắt tiếp xúc với các loại hóa chất như axit hoặc bazơ. Bỏng hóa chất có thể gây ra các phản ứng trên da hoặc trong cơ thể nạn nhân, làm tổn thương các cơ quan nội tạng nếu không may nuốt hóa chất vào người.

Hãy gọi cấp cứu ngay nếu bạn phát hiện ra có người bị bỏng hóa chất và bị bất tỉnh.

Nguyên nhân gây bỏng hóa chất

Acid và kiềm mạnh là các chất hóa học chủ yếu gây bỏng hóa chất. Ngoài ra, phốt pho dùng trong công nghiệp hoặc vôi mới tôi có thể gây nên tổn thương bỏng nặng và làm nạn nhân rất đau đớn. Bỏng có thể xảy ra tại trường học, nơi làm việc hoặc bất cứ địa điểm nào có hóa chất.

Một số sản phẩm có thể gây bỏng hóa chất: acid trong ắc qui xe hơi, thuốc tẩy trắng, amoniac, chất làm sạch răng giả, các sản phẩm làm trắng răng, sản phẩm khử trùng nước hồ bơi chứa clo.

Những đối tượng có nguy cơ bị bỏng hóa chất

Những đối tượng có nguy cơ cao nhất bị bỏng do hóa chất là trẻ nhỏ, người cao tuổi và những người tàn tật. Những nhóm đối tượng này có thể không đủ khả năng xử trí khi tiếp xúc với các hóa chất.

Bạn cũng sẽ có khả năng bị bỏng hóa chất nếu tiếp xúc với các chai lo đựng hóa chất mà không có dụng cụ bảo vệ.

Triệu chứng bỏng hóa chất

Các dấu hiệu và triệu chứng của bỏng hóa chất còn tùy thuộc vào các nguyên nhân gây bỏng khác nhau. Cụ thể là: loại hóa chất được hít hoặc nuốt phải, thời gian da tiếp xúc với hóa chất, tình trạng da: có vết thương hở, vết cắt hay còn nguyên vẹn khi tiếp xúc với hóa chất, vị trí tiếp xúc với hóa chất, hóa chất thuộc dạng nào? (khí, lỏng hay rắn), số lượng và độ mạnh của loại hóa chất sử dụng.

Dưới đây là một số triệu chứng phổ biến khi bị bỏng hóa chất do axit:

- Da chết hoặc cháy đen

- Da bị kích ứng, mẩn đỏ, bỏng rát tại vùng tiếp xúc với hóa chất

- Đau hoặc tê ở vùng bị ảnh hưởng

- Thay đổi tầm nhìn, mất thị lực nếu hóa chất tiếp xúc với mắt

Các triệu chứng có thể xảy ra khi nạn nhân nuốt phải chất hóa học, bao gồm:

- Nhức đầu, chóng mặt

- Huyết áp giảm

- Nhịp tim không ổn định

- Tim ngừng đập hoặc bị nhồi máu cơ tim

- Khó thở, ho

- Co giật cơ bắp

Bác sĩ sẽ phân loại bỏng hóa chất dựa theo mức độ tổn thương và độ sâu của vết bỏng để quyết định hướng điều trị:

- Tổn thương ở phần da trên cùng, hoặc lớp biểu bì, gọi là bỏng nông. Đây là bỏng cấp độ 1.

- Tổn thương ở lớp da thứ hai, hoặc ở lớp hạ bì gọi là bỏng dầy cục bộ. Đây là bỏng cấp độ 2.

- Tổn thương ở lớp da thứ ba, hoặc lớp mô dưới da, được gọi là bỏng dầy toàn bộ. Đây là bỏng cấp độ 3.

Cách sơ cứu khi bị bỏng hóa chất

- Rửa ngay, rửa liên tục bằng nước sạch càng nhiều càng tốt. Tốt nhất là rửa dưới vòi nước chảy, nếu không các tổ chức ở vùng bỏng sẽ bị hoại tử hoàn toàn. Nếu bỏng mắt do hóa chất cần được rửa mắt bằng cách ngụp mặt vào chậu nước và chớp mắt liên tục cho hoá chất trôi ra hết. Nếu trong mắt vẫn còn những hạt vôi nhỏ thì phải rửa mạnh để làm bật những hạt vôi đó ra.

- Phải nhanh chóng tháo bỏ ngay quần áo bị dính hóa chất. Khi tháo phải lưu ý bảo vệ tay của người làm động tác đó (không dùng tay trần để tháo). Không cởi quần áo người bị bỏng rất dễ gây lột da, tốt nhất là nên xé bỏ quần áo dính hoá chất.

- Nếu vết bỏng chảy nhiều máu thì phải sau khi rửa sạch dưới vòi nước nên băng vết bỏng lại. Lưu ý không băng chặt và phải dùng bông, gạc sạch.

Sau khi sơ cứu xong, cần chuyển ngay nạn nhân tới trung tâm y tế gần nhất để được điều trị kịp thời.

Phòng chống sốc bỏng

Sốc bỏng là một trạng thái phản ứng toàn thân của cơ thể khi bị chấn thương bỏng với mức độ tổn thương mô lớn gây rối loạn bệnh lý: suy sụp tuần hoàn, rối loạn hô hấp, rối loạn cân bằng nước điện giải, rối loạn cân bằng kiềm toan trong cơ thể. Để phòng chống sốc bỏng cần làm như sau:

– Đặt nạn nhân ở tư thế nằm. Động viên an ủi nạn nhân

- Cho nạn nhân uống nước vì nạn nhân rất khát nhất là khi phải chuyển nạn nhân đi xa. Chú ý chỉ cho nạn nhân uống nước khi nạn nhân tỉnh táo, không bị nôn và không có những chấn thương khác. Có thể cho nạn nhân uống nước đường hoặc oresol.

- Dùng thuốc aspirin giảm đau cho nạn nhân. Trước khi dùng thuốc giảm đau phải chú ý nếu nghi ngờ nạn nhân có chấn thương bên trong thì không được dùng thuốc giảm đau, an thần mạnh.

– Nhanh chóng chuyển nạn nhân tới cơ sở điều trị càng sớm càng tốt.

Phòng tránh bỏng do hóa chất

Phòng tránh các tai nạn bỏng do hóa chất bằng cách tuân thủ theo những quy tắc an toàn khi tiếp xúc với hóa chất, bao gồm:

- Để hóa chất xa tầm tay trẻ em.

- Bảo quản hóa chất trong các bình chứa phù hợp và an toàn sau khi sử dụng.

- Sử dụng hóa chất trong phòng thoáng khí.

- Hóa chất phải được giữ trong đúng bình chứa và có ghi nhãn rõ ràng bên ngoài.

- Nếu có thể nên tránh sử dụng hóa chất.

- Không nên trộn lẫn các loại hóa chất với nhau.

- Chỉ mua những hóa chất được đựng trong những bình chứa còn nguyên vẹn.

- Bố trí vị trí bảo quản hóa chất xa đồ ăn thức uống.

- Đeo găng tay và các thiết bị bảo hộ khi sử dụng hóa chất.  

Hồng Vân