Tại sao cần tuyên truyền giáo dục về công tác phòng không nhân dân

Nam Định nằm ở phía Nam châu thổ sông Hồng, có bờ biển dài 72km và hệ thống quốc lộ: 10, 21, 37B, 38B, các tỉnh lộ: 490, 487, 488, 489..., có 45km đường sắt với 6 nhà ga. Hệ thống sông ngòi có mật độ tương đối dày đặc với một số sông lớn như: sông Hồng, sông Đáy, sông Đào, sông Ninh Cơ và sông Sò, các sông hợp thủy đổ ra biển qua 4 cửa sông lớn là: Ba Lạt, Hà Lạn, Lạch Giang và Ninh Cơ. Hệ thống giao thông liên đường bộ, đường sắt và đường thủy tạo thành mạng lưới giao thông thuận lợi cho việc giao lưu phát triển kinh tế - xã hội với các địa phương lân cận. Trong nội địa có các điểm cao như: núi Gôi, núi Già, núi Phương Nhi, dãy núi Tiên Hương tạo thành địa bàn chiến lược quan trọng đối với tỉnh, Quân khu 3 và cả nước. Do đó Nam Định được Bộ Quốc phòng xác định là tỉnh trọng điểm về công tác phòng không. Nhận thức rõ vai trò, vị trí, tầm quan trọng của công tác phòng không nhân dân (PKND) trong chiến lược bảo vệ Tổ quốc, Bộ CHQS tỉnh xác định đây là nội dung quan trọng trong kế hoạch phòng thủ dân sự, kịp thời bảo vệ tài sản Nhà nước, tính mạng, tài sản của nhân dân khi có chiến tranh xảy ra.

Tại sao cần tuyên truyền giáo dục về công tác phòng không nhân dân
Lãnh đạo Bộ CHQS tỉnh và Ban CHQS huyện Trực Ninh kiểm tra mô hình học cụ tại thị trấn Ninh Cường.

Quán triệt sâu sắc các quan điểm, tư tưởng của Đảng về nhiệm vụ quốc phòng, quân sự địa phương (QP-QSĐP), trong những năm qua, Ban TVTU thường xuyên ban hành nghị quyết lãnh đạo thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội gắn với củng cố quốc phòng - an ninh, trong đó đề ra nhiều chủ trương, giải pháp lãnh đạo công tác QP-QSĐP. Nhận thức của các cấp ủy Đảng, chính quyền, các ban, ngành, đoàn thể và các tổ chức chính trị - xã hội về nhiệm vụ công tác PKND được nâng lên. Ban Chỉ đạo PKND các cấp đã nắm vững được công tác chỉ đạo, xây dựng kế hoạch, điều hành nhiệm vụ công tác PKND phù hợp với điều kiện tình hình cụ thể của địa phương trong tác chiến phòng thủ, góp phần giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, xây dựng tiềm lực chính trị, tinh thần trong khu vực phòng thủ tỉnh, đối phó có hiệu quả âm mưu, thủ đoạn của kẻ thù trong mọi tình huống. Trong công tác tuyên truyền giáo dục, cấp ủy, chính quyền các cấp đã chỉ đạo cơ quan quân sự phối hợp với các ban, ngành chức năng tham mưu nội dung tuyên truyền, giáo dục phù hợp với từng đối tượng, làm cho mọi cán bộ, đảng viên, lực lượng vũ trang và nhân dân nắm vững quan điểm xây dựng nền quốc phòng toàn dân, quan điểm kết hợp kinh tế với quốc phòng, quốc phòng với kinh tế. Trong 5 năm qua, đã tổ chức tập huấn được 157 lớp bồi dưỡng kiến thức quốc phòng - an ninh cho trên 19 nghìn lượt đội ngũ cán bộ các cấp, giáo dục kiến thức quốc phòng cho gần 213 nghìn lượt học sinh, sinh viên. Bộ CHQS tỉnh cũng đã tổ chức tập huấn 15 lớp cho 95 lượt cán bộ Ban Phòng không và phụ trách phòng không của Ban CHQS 10 huyện, thành phố; 55 lớp cho 275 lượt cán bộ đại đội, trung đội, khẩu đội pháo phòng không, súng máy phòng không dân quân tự vệ của 10 huyện, thành phố; tổ chức huấn luyện được 22 lớp cho 120 đồng chí kiêm nhiệm trực khẩu đội 12,7mm của cơ quan quân sự tỉnh và Ban CHQS các huyện, thành phố; 65 lớp cho 195 đồng chí kiêm nhiệm trực tổ bắn mục tiêu bay thấp; 5 lớp cho 220 lượt cán bộ, chiến sĩ đại đội pháo phòng không 37mm cho lực lượng dân quân, tự vệ; 10 đợt cho 1.725 lượt cán bộ, chiến sĩ trung đội súng máy phòng không 12,7mm của các huyện. Hàng năm, lực lượng phòng không kiêm nhiệm phòng không lục quân, PKND được huấn luyện theo đúng nội dung, chương trình quy định của Bộ Quốc phòng. Cơ quan thường trực Ban chỉ đạo PKND các cấp thường xuyên duy trì, bảo đảm hệ thống thông tin liên lạc thông suốt giữa cơ quan với đơn vị thuộc quyền và các đơn vị hiệp đồng. Ngoài ra còn phối hợp, hiệp đồng với đài quan sát phòng không thuộc Sư đoàn 363 (Quân chủng Phòng không - Không quân) tại xã Nam Điền (Nghĩa Hưng) và đài dẫn đường Hàng không dân dụng thuộc địa bàn xã Đại An (Vụ Bản) để quản lý vùng trời trong khu vực; lắp đặt hệ thống còi báo động PKND tại thành phố Nam Định, Ban CHQS huyện Giao Thủy nhằm kịp thời thông báo, báo động và phục vụ tốt cho lãnh đạo, chỉ huy trong mọi tình huống.

Cùng với đó, những năm gần đây, tỉnh đã đầu tư hàng tỷ đồng để xây dựng, kiên cố hóa hệ thống đê biển, kênh mương phục vụ sản xuất, trồng trọt gắn với xây dựng thế trận phòng thủ. Hiện nay, tỉnh đã có kế hoạch đầu tư xây dựng khu vực phòng thủ của tỉnh tại núi Tiên Hương, núi Gôi, trận địa pháo phòng không 37mm thuộc địa bàn thị trấn Thịnh Long (Hải Hậu) và gần 5 tỷ đồng tu sửa, cải tạo các công trình phòng thủ, đường hầm sở chỉ huy, đường hầm pháo, đường hầm bộ binh và các trận địa phòng không ở các khu vực trọng điểm, đồng thời tiếp tục khảo sát các vị trí cần bố trí trận địa hỏa lực, công trình chiến đấu để tiếp tục đưa vào kế hoạch xây dựng trong những năm tới. Bằng nguồn kinh phí của Bộ Quốc phòng và địa phương, hệ thống sở chỉ huy các cấp đang từng bước được đầu tư nâng cấp, xây dựng. Đến nay, trên địa bàn tỉnh đã xây dựng cơ bản các trận địa súng máy phòng không với tổng kinh phí gần 3 tỷ đồng. Hàng năm, các địa phương đã đầu tư hàng nghìn ngày công cho việc bảo quản, tu sửa các công trình quốc phòng trên địa bàn toàn tỉnh.

Đại tá Lương Văn Kiểm, Ủy viên Ban TVTU, Chỉ huy trưởng Bộ CHQS tỉnh cho biết: Để tiếp tục xây dựng lực lượng PKND, phát huy hiệu quả của công tác PKND, Ban Chỉ đạo công tác PKND tỉnh tiếp tục quán triệt các chỉ thị, hướng dẫn của Trung ương, Bộ Quốc phòng về Chiến lược bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới, về xây dựng khu vực phòng thủ; tập trung thực hiện tốt Nghị định số 74/2015/NĐ-CP của Chính phủ về PKND; tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp, các ngành, phát huy tốt vai trò tham mưu của Ban chỉ đạo PKND các cấp, triển khai thực hiện, hoàn thành nhiệm vụ công tác PKND. Ban chỉ đạo PKND các cấp, xây dựng, bổ sung, điều chỉnh kế hoạch tổng thể phù hợp với tình hình thực tế của địa phương, cơ sở, thực hiện tốt chức năng chỉ đạo, quản lý Nhà nước về PKND ở các cấp, các ngành. Duy trì hoạt động có nền nếp của Ban chỉ đạo PKND các cấp, tăng cường công tác tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức cho các cấp, các ngành và nhân dân về công tác PKND; triển khai thực hiện chương trình giáo dục phổ thông PKND trong các nhà trường, huấn luyện chuyên môn nghiệp vụ, tổ chức luyện tập, diễn tập sát điều kiện thực tế của địa phương. Xây dựng lực lượng phòng không có số lượng hợp lý, chất lượng cao, đồng thời tiếp tục đổi mới nâng cao chất lượng huấn luyện sát với tình huống và phương án chiến đấu đối tượng tác chiến và địa bàn hoạt động. Từng bước đầu tư nâng cấp mạng thông tin chỉ huy, thông báo, báo động phòng không bảo đảm kịp thời, đủ điều kiện xử lý chính xác các tình huống trên không, không để bị động, bất ngờ, giữ vững bình yên vùng trời, vùng biển thuộc địa bàn tỉnh quản lý góp phần hoàn thành các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn tỉnh./.