Tại sao Việt Nam không dùng chữ Nôm

Tin học hóa chữ Nôm - Tại sao không?

Tại sao Việt Nam không dùng chữ Nôm
Một trong số 4 bản rập ngự bút của vua Lê Dụ Tông (bản đề tại chùa Pháp Vũ).

Không chỉ là văn tự của quá khứ

Hình thành vào khoảng thế kỷ XIII, phát triển rực rỡ vào thế kỷ XVIII-XIX với các kiệt tác văn học như Quốc âm thi tập, Truyện Kiều, Chinh phụ ngâm, Cung oán ngâm khúc..., chữ Nôm được coi là một biểu tượng đậm nét cho ý chí tự cường dân tộc của người Việt. Do những biến cố của lịch sử và sự khắc nghiệt của khí hậu, số di vật, di tích chữ Nôm còn sót lại khá ít ỏi và vẫn đang đứng trước nguy cơ bị mai một dần.

Theo số liệu thống kê, Viện Nghiên cứu Hán Nôm hiện đang lưu giữ hơn 20.000 đầu sách Hán Nôm, hơn 48.000 đơn vị thác bản văn khắc Hán Nôm. Kho sách Hán Nôm của Thư viện Quốc gia lưu giữ 5.202 cuốn, trong đó có 910 cuốn là sách chép tay.

Tuy nhiên, tài liệu chữ Nôm chỉ chiếm một số lượng khá khiêm tốn với 1.559 cuốn bao gồm các sách thuần Nôm, sách Hán xen Nôm và sách Hán diễn Nôm.

Đối với không ít người, chữ Nôm đã là thứ văn tự của quá khứ, chỉ cần đào tạo một số chuyên gia có khả năng tiếp xúc với các văn bản Hán Nôm do người xưa để lại là đủ.

Bức xúc với suy nghĩ này, ông John Balaban - Chủ tịch Hội Bảo tồn di sản chữ Nôm (Hoa Kỳ) cho rằng: "Bên ngoài Việt Nam, phần lớn các văn bản Nôm đều bị nhận diện lầm là chữ Trung Quốc hay Hán Việt cho dù độc giả Trung Quốc không thể đọc được chúng. Chúng trông đơn giản tựa như chữ Trung Quốc. Ai biết cái gì có thể đang nằm ở thư viện toà thánh Vatican hay các bản lưu trữ thuộc địa Pháp ở Aixen-Provence? Việt Nam đã bị mất đi những kho báu nào? Cách duy nhất để trả lời được các câu hỏi trên là phải nhận diện được các văn bản chữ Nôm trên toàn thế giới. Hiện các thư viện quốc gia chính không thể công bố các tài sản chữ Nôm bởi vì họ không có độc giả và danh mục chữ Nôm".

Theo giáo sư Nguyễn Quang Hồng (Viện Nghiên cứu Hán Nôm), chữ Nôm - di sản văn hoá quý giá của dân tộc sẽ không còn nguy cơ bị mai một nếu như thế hệ những người Việt hôm nay và mai sau không còn "kính nhi viễn chi" nó nữa. Tin học hoá chữ Nôm nhằm đáp ứng những nhu cầu mới trong xã hội là giải pháp được các nhà khoa học tính đến.

Tin học hoá chữ Nôm - Tại sao không?

Bài toán tin học hoá chữ Nôm đã được đưa ra từ 10 năm trước. Các chuyên gia ở Viện Nghiên cứu Hán Nôm Việt Nam và các chuyên gia tin học trong và ngoài nước đã thực hiện những bước đi đầu tiên là xác lập kho chữ Nôm và thực hiện việc mã hóa chúng trong chương trình chung của Nhóm công tác về chữ biểu ý (IRG) thuộc tổ chức ISO quốc tế.

Các chuyên gia của Viện Nghiên cứu Hán Nôm Việt Nam đã tôn trọng thực trạng đa dạng của chữ Nôm và ưu tiên những chữ Nôm thuần Việt trong quá trình cung cấp danh sách chữ Nôm cho IRG.

Đến cuối năm 2000, 9.229 chữ của Việt Nam đã có mặt trong bảng tổng hợp chữ biểu ý của nhóm IRG và một danh sách chữ Nôm khác đang tiếp tục được đăng ký để cấp mã quốc tế. Theo giáo sư Nguyễn Quang Hồng: "Một trong những hướng ứng dụng các phần mềm chữ Nôm là làm chế bản và in lại các tác phẩm chữ Nôm của người xưa để cung cấp cho độc giả ngày nay một loại hình văn bản mới của tác phẩm cũ - văn bản chữ Nôm in ấn điện tử. Đưa chữ Nôm lên máy tính sẽ là một bước tiến dài trong việc bảo tồn và gìn giữ nó trong đời sống hiện đại".

Quan tâm đến khối lượng lớn tài liệu chữ Nôm chưa được nhận diện đúng vẫn đang lưu giữ tại các thư viện lớn trên thế giới, Hội Bảo tồn di sản chữ Nôm (Hoa Kỳ) đang thực hiện kế hoạch đưa các ký tự chữ Nôm vào chuẩn Unicode và ISO. Nhóm Nôm Na thuộc Hội Bảo tồn Di sản chữ Nôm đã được thành lập tại Hà Nội vào tháng 6-2002. Bốn chuyên gia trẻ về Hán Nôm và công nghệ thông tin đã triển khai việc nghiên cứu, tạo font và chế bản cuốn Giúp đọc Nôm và Hán Việt của Linh mục Trần Văn Kiện để xuất bản thành sách và sử dụng tra cứu trên mạng.

Cho tới cuối mùa hè 2004, khoảng 16.000 ký tự Nôm, trong đó có hơn 6.000 chữ thuần Việt đã được "khắc họa". Hội Bảo tồn di sản chữ Nôm hy vọng sau khi kho ký tự Nôm được hoàn thành, hệ thống các tư liệu Nôm quý giá trên thế giới sẽ được nhận diện.