Thấu hiểu là gì

Thấu hiểu là gì

Thấu cảm Thấu hiểu người khác

Tháng Mười 10, 2020/0 Comments/in chia sẻ, Khóa học, Tin giáo dục /by Lien Le

Trong đề thi THPT Quốc gia môn Ngữ Văn năm 2017 [1], Bộ Giáo dục và Đào tạo đã đặt vấn đề về thấu cảm, được trích từ cuốn Thiện, Ác và Smartphone của tác giả Đặng Hoàng Giang (NXB Hội nhà văn, 2017, tr.275) với câu hỏi Theo em, thấu cảm là gì?. Sau khi công bố đề thi, rất nhiều nhà văn, nhà thơ và các nhà chuyên môn đã đem ra tranh cãi và thắc mắc về định nghĩa và tính chất của thấu cảm trong cuộc sống. Do vậy, bài viết dưới đây sẽ giúp bạn có một cái nhìn sâu sắc về thấu cảm cũng như chỉ ra nguyên nhân vì sao năng lực/kỹ năng này quan trọng trong thế kỷ 21 này.

Thấu cảm trong ngữ cảnh tiếng Anh

Trong tiếng Anh, từ empathy có nguồn gốc từ tiếng Đức Einfühlung, có nghĩa là feeling-in cảm nhận bên trong. Tuy nhiên, nhiều nhà tâm lý học dùng ngôn ngữ Anh lại đưa ra cách giải nghĩa khác như lòng hăng hái (animation), thiện cảm (aesthetic sympathy), sự tương đồng (semblance) và sự đóng kịch (play). Đến năm 1908, hai nhà tâm lý học đến từ trường Đại học Cornell và Cambridge đã khẳng định, thấu cảm (empathy) bắt nguồn từ tiếng Hi Lạp empathos em là in (bên trong), còn pathos là feeling (cảm nhận); nhờ kết luận này, mọi tranh luận đã dừng lại. [2]

Thêm vào đó, Tomlinson và Murphy (2018) đã giải thích thấu cảm là khả năng hiểu và chia sẻ cảm xúc của người khác, để nhìn và cảm nhận sự việc từ góc nhìn của người đó. Trong khi, Bob và Megan Tschannen-Moran (2010) miêu tả thấu cảm như một sự trân trọng và thấu hiểu không phán xét về trải nghiệm của người khác (trang 21). [3]

Bên cạnh những ý kiến đã nêu trên, nhà tâm lý học xã hội C. Daniel Batson đã từng nghiên cứu về thấu cảm trong nhiều năm biện luận rằng, từ này gắn liền với tám ý nghĩa khác nhau: (1) biết cảm nhận và suy nghĩ của chính mình; (2) hình dung cảm nhận và suy nghĩ của người khác; (3) tiếp nhận, quan sát thái độ, góc nhìn của người khác; (4) thực sự cảm nhận được những cảm xúc mà người khác đang trải qua; (5) cảm nhận chính mình sẽ có cảm giác như thế nào khi đặt mình vào vị trí của người khác; (6) cảm thấy đau buồn, xót thương trước nỗi đau của người khác; (7) cảm nhận được nỗi đau của người khác (hay còn gọi là lòng trắc ẩn), và (8) đặt vị trí của mình vào người khác. [2]

Nhìn chung, thấu cảm là sự hiểu biết về hoàn cảnh, nhu cầu, khó khăn của một người từ quan điểm của họ và đặt mình vào vị trí của họ để có một cái nhìn sâu sắc hơn.

Thấu hiểu là gì

Thấu cảm khi câu chuyện của tôi đồng điệu với câu chuyện của bạn. Nguồn: FCB Brasil

Thấu cảm trong tiếng Việt

Tuy nhiên, định nghĩa về thấu cảm trong tiếng Việt không hề dễ dàng như các nhà tâm lý học, xã hội học nước ngoài đã đề ra. Một phần khá nhiều người Việt nhầm lẫn giữa đồng cảm, thấu cảm và thông cảm bởi sự đa dạng vốn từ tiếng Việt. Các ông bà ngày xưa có câu: Phong ba bão táp không bằng ngữ pháp Việt Nam quả cũng không sai.

Ngay sau khi đề bài môn Ngữ Văn THPT Quốc gia ngữ Văn năm 2017 được công bố, khá nhiều nhà văn, nhà thơ, dịch giả và nhà báo tranh luận về định nghĩa và nguồn gốc của thấu cảm trong tiếng Việt.

Nữ tiến sỹ Bùi Thiên Thai, Viện Văn học đã chia sẻ: Thấu cảm không có nguồn gốc tiếng Trung mà từ thấu và cảm là hai từ Hán Việt khác nhau. Thấu nghĩa là thấm, thẩm thấu là thấm qua, xuyên qua, còn cảm là cảm xúc. Do vậy, thấu cảm là cách tạo từ mới của tiếng Việt, dựa trên hai từ Hán Việt đã có. Tổng thư ký Hội Ngôn ngữ học Việt Nam cũng góp ý thêm: Từ thấu cảm, cũng như trắc ẩn có trong Từ điển tiếng Việt được định nghĩa là: cảm nhận và thấu hiểu một cách sâu sắc. [4]

Thế nhưng, khi đem ra so sánh giữa thấu cảm, đồng cảm và thông cảm, thì đâu mới là từ chính xác để bàn về sự thấu hiểu giữa mình với người bằng cách đặt mình vào vị trí của người khác?

Sự khác nhau giữa thấu cảm (empathy) và thông cảm (sympathy)

Thấu hiểu là gì

Nguồn: Pinterest.

Thông cảm (sympathy) có thể được hiểu là sự quan tâm mà chưa hề có trải nghiệm cá nhân về những khó khăn, nỗi đau của đối phương, và mình thường có cảm giác thương hại khi nhìn thấy họ. Ví dụ: Bạn có thể gặp một người vô gia cư và nói với ông ấy rằng ông sẽ ổn thôi dù bạn chưa từng là người vô gia cư.

Trong khi thấu cảm là sự quan tâm, hiểu và cảm nhận được sự khó khăn mà đối phương đã và đang gặp phải do bản thân đã từng ở trong hoàn cảnh đó trước đây. Chẳng hạn, nếu bạn từng là người vô gia cư, và bạn nhìn thấy người vô gia cư trên đường thì bạn sẽ cảm thấy buồn phiền, đau lòng và bạn muốn cho người ta một chút tiền.

Từ điều này, con người có thể hướng đến lòng trắc ẩn (compassion), lòng trắc ẩn bao gồm thấu cảm hoặc cảm thông và sự sẵn lòng hành động để tìm ra giải pháp phù hợp. Khi bạn nhìn thấy người vô gia cư, bạn dành thời gian nói chuyện với họ, bạn hỏi họ cần gì, và bạn muốn giúp đỡ họ, mong muốn đáp ứng những nhu cầu, nguyện vọng của họ.

Theo Brene Brown, giáo sư người Mỹ nghiên cứu tại trường Đại học Houston đã kết luận, thấu cảm là cảm nhận với một ai đó (feeling with) trong khi thông cảm là thấy thương cảm, thương tiếc cho một điều gì đó (feeling for). Thế nên sự khác biệt giữa thấu cảm và thông cảm là giữa cảm nhận với ai đó và cảm nhận vì điều gì. Chẳng hạn, tôi cảm thấy thông cảm cho những người đã chịu nhiều tổn thất trong trận lũ là ví dụ điển hình cho sự thông cảm. Điều này được hiểu là Họ có thể hiểu cảm xúc và sự mất mát của đối phương do trận lũ gây ra nhưng những cảm xúc này có thể thay đổi theo thời gian dựa vào trải nghiệm của họ. [5]

Thấu hiểu là gì

Cấp độ các phạm trù về cảm xúc. Nguồn: Pinterest

Để rõ ràng hơn nữa, theo quan điểm của tác giả Như Trang, chúng ta có thể sắp xếp cấp độ các phạm trù về cảm xúc: (1) Sự thờ ơ (Apathy), (2) Thông cảm, (3) Đồng cảm, (4) Thấu cảm. [6] Thông cảm, đồng cảm và thấu cảm là mức độ gia tăng về cảm xúc và sự gắn kết đặt mình vào vị trí của người khác. Việc bạn cảm thấy thông cảm thường là điều dễ gặp khi bạn có thể thông cảm cho một ai đó khi họ đi trễ, nộp bài muộn hay có những sai sót nhỏ trong học tập và làm việc. Trong khi đồng cảm và thấu cảm đòi hỏi sự đầu tư về cảm xúc và trải nghiệm nhiều hơn, đặc biệt thấu cảm là cấp độ cao nhất (hay đi liền với lòng trắc ẩn).

Thêm nữa, đồng cảm là khi bạn nhận diện, cảm nhận được sự tồn tại của vấn đề, hiểu cảm xúc và hoàn cảnh mà đối phương đang gặp phải. Còn thấu cảm là bạn đặt chính bạn vào vị thế của đối phương mà cảm nhận và suy nghĩ do đã từng trải qua cảm giác ấy trước đây. Bạn không chỉ công nhận nỗi đau một cách chung chung (đồng cảm) mà còn cần cảm thấy đau cùng người ấy (thấu cảm).

Rèn luyện khả năng thấu cảm

Ở một số trường THPT ở Hồ Chí Minh, các bạn học sinh được khuyến khích đóng kịch, hóa thân vào các nhân vật trong tác phẩm văn học để hiểu hơn về nhân vật cũng như tác phẩm. Từ đó, các em có cơ hội nâng cao khả năng thấu cảm, hiểu sâu hơn về nhân vật, dù chưa có trải nghiệm thực tế về điều đó. [7]

Hay chương trình ManBirth Khi đàn ông mang bầu được ra mắt năm 2018 ở Việt Nam [8] là một hình thức trải nghiệm thực tế để thấu cảm người khác. Ba cặp nghệ sỹ khi tham gia sẽ được trải nghiệm cảm giác mang bầu và sinh đẻ. Họ được cảm nhận cảm giác co thắt như mang bầu thật và vừa phải làm việc nhà, đi chợ, dọn dẹp, buôn bán mưu sinh, không được phép chạy nhảy hay hoạt động mạnh. Nhờ những trải nghiệm này, người tham gia sẽ có cái nhìn cảm thông hơn về sự vất vả của người phụ nữ và có ý thức yêu thương các bà, các mẹ, vợ và các chị em nhiều hơn.

Ngoài ra, một số nhà nghiên cứu cũng khẳng định tất cả chúng ta đều có thể học thấu cảm dù có những người khi sinh ra đã có sẵn hoặc không có khả năng thấu cảm, và việc rèn luyện này sẽ là một quá trình dài để trải nghiệm và hiểu hơn về người khác. [9]

Các nhà nghiên cứu [9] gợi ý khả năng thấu cảm có thể được rèn luyện qua thiền yêu thương (loving-kindness meditation). Họ cho rằng tập luyện thiền yêu thương sẽ kết nối bộ não và tạo liên kết giữa chính mình và người khác. Mỗi ngày, bạn chỉ cần dành vài phút ngồi chánh niệm, gửi những suy nghĩ và tình cảm đầy yêu thương đến (1) Gia đình và bạn bè, (2) Một ai đó mà bạn có xích mích, tranh cãi, (3) Những người lạ đang chịu đau khổ xung quanh bạn hoặc trên thế giới, (4) Lòng tự trắc ẩn, tha thứ và yêu thương bản thân.

Khi bạn rèn luyện 4 bước này mỗi ngày, não bộ của bạn có khả năng kết nối với tâm trí và tình cảm, lan tỏa và chia sẻ tình yêu thương để hướng đến sự thấu cảm.

Kết lại, dù sự đa dạng nguồn gốc và định nghĩa về thấu cảm ở mỗi nơi là khác nhau nhưng chúng ta cần hiểu rằng, để thấu cảm một ai đó, chúng ta hãy mở lòng, sẵn sàng lắng nghe và chia sẻ câu chuyện từ những người đến từ mọi tầng lớp, hoàn cảnh xã hội để đặt chính mình vào vị trí của người khác, đây mới là điều quan trọng để trải nghiệm và thực hành.

Kiều Khanh Nguyễn

Tài liệu tham khảo:

[1] Zing.vn (2017). Đề thi, bài giải môn Văn THPT quốc gia 2017. Truy cập ngày 23/09/2020 tại

https://zingnews.vn/de-thi-bai-giai-mon-van-thpt-quoc-gia-2017-post756598.html

[2] Susan Lanzoni. (2015). A Short History of Empathy. Retrieved from

https://www.theatlantic.com/health/archive/2015/10/a-short-history-of-empathy/409912/

[3] Carol Ann Tomlinson and Michael Murphy. (2018). The Empathic School. Leading the Energized School. Pages 20-27. March 2018. Volume 75. Number 6. Educational Leadership.

[4] Nông Hồng Diệu. (2017). Thấu cảm lạ nhưng đủ hiểu. Truy cập ngày 23/09/2020 tại https://www.tienphong.vn/van-nghe/thau-cam-la-nhung-du-hieu-1161246.tpo

[5] Teach Thought (2020). The Difference Between Empathy And Sympathy. Retrieved from

https://www.teachthought.com/learning/difference-empathy-sympathy/

[6] Như Trang dịch. Thấu cảm (Empathy) là gì?. Retrieved from https://trangtamly.blog/2018/04/24/thau-cam-empathy-la-gi/

[7] Trần Ngọc Hiếu. (2017). Hướng đến sự thấu cảm trong việc dạy-học văn ở nhà trường phổ thông. Truy cập ngày 23/09/2020 tại

https://tiasang.com.vn/-giao-duc/Huong-den-su-thau-cam-trong-viec-dayhoc-van-o-nha-truong-pho-thong-10771

[8] P.N. Thường Đoan Lee Phong. (2018). Gameshow Manbirth Khi đàn ông mang bầu thực tế và đầy kịch tính. Tuần Báo Văn Nghệ TP.HCM số 499. Truy cập ngày 24/09/2020 tại

http://tuanbaovannghetphcm.vn/gameshow-manbirth-khi-dan-ong-mang-bau-thuc-te-va-day-tinh-nhan-van-so-499/

[9] Christopher Bergland. (2013).The Neuroscience of Empathy. Retrieved from

https://www.psychologytoday.com/us/blog/the-athletes-way/201310/the-neuroscience-empathy

Tags: câu chuyện văn hóa, công dân toàn cầu, giao thoa văn hóa, kiến thức, năng lực giao thoa văn hóa, trí thông minh văn hoá, trí tuệ cảm xúc
Share this entry
  • Share on Facebook
  • Share on Twitter
  • Share on WhatsApp
  • Share on Pinterest
  • Share on LinkedIn
  • Share on Reddit
  • Share by Mail
https://stepforward.edu.vn/wp-content/uploads/2020/11/Empathy-3.jpg 318 616 Lien Le https://stepforward.edu.vn/wp-content/uploads/2020/08/Step-Forward-Education.png Lien Le2020-10-10 08:07:132021-03-06 12:39:19Thấu cảm Thấu hiểu người khác