Theo anh chị hình ảnh hạt cát và viên ngọc trai sáng bóng và vô giá ẩn đủ cho điều gì

Một số đề thi và đáp án môn Ngữ văn 12

I .PHẦN ĐỌC HIỂU

Đọc câu chuyện sau và trả lời các câu hỏi hoặc thực hiện các yêu cầu ở phía dưới:

Một người nuôi trai lấy ngọc luôn suy nghĩ làm thế nào để tạo được viên ngọc trai tốt nhất, đẹp nhất trên đời. Ông ra bãi biển để chọn một hạt cát. Để chọn được một hạt cát theo ý muốn, ông đã hỏi từng hạt cát có muốn biến thành ngọc trai không. Các hạt cát lắc đầu nguầy nguậy khiến ông sắp tuyệt vọng.

Đang lúc đó có một hạt cát đồng ý. Các hạt cát khác đều giễu nó ngốc, chui đầu vào trong vỏ trai, xa lánh người thân, bạn bè, không thấy ánh sáng mặt trời trăng sao, gió mát, thậm chí thiếu cả không khí, chỉ có bóng tối ướt lạnh, cô đơn, rất đau khổ, thử hỏi có đáng không? Nhưng hạt cát vẫn theo người nuôi trai về không một chút oán than.

Vật đổi sao dời, mấy năm qua đi, hạt cát đã trở thành viên ngọc lung linh, đắt giá, còn những bạn bè chế giễu nó ngốc thì vẫn chỉ là những hạt cát…

                                                              (Qùa tặng cuộc sống)

1. Câu chuyện có ý nghĩa gì?

 2. Phương thức biểu đạt nào được dùng trong câu chuyện trên?

3. Anh/chị hãy viết một đoạn văn (khoảng 10 câu) trình bày suy nghĩ của mình về kết thúc của câu chuyện.

Đọc bài thơ sau và trả lời các câu hỏi bên dưới:

O du kích nhỏ giương cao súng

Thằng Mĩ lênh khênh bước cúi đầu

                        Ra thế to gan hơn béo bụng

                        Anh hùng đâu cứ phải mày râu?

                                           (Tấm ảnh – Tố Hữu)

4. Bài thơ đề cập đến nội dung gì?

5. Chỉ ra biểu hiện của nhân vật sử thi trong thơ?

6. Chỉ ra các biện pháp nghệ thuật đặc sắc được sử dụng trong bài thơ và nêu tác dụng của nó?

II. PHẦN TẠO LẬP VĂN BẢN

1. Trong cuộc sống hiện nay, vì bận quá nhiều việc nên đôi khi ta đã lơ là, ít quan tâm, chia sẻ với mọi người, thậm chí vô trách nhiệm với những người xung quanh, nhất là những cảnh đời đang gặp khó khăn, trắc trở…

Hãy viết một bài văn trình bày quan niệm và trải nghiệm của anh/ chị về vấn đề: làm thế nào để tâm hồn con người bớt chai sạn trong cuộc sống hiện nay?

2. Phân tích hình tượng Huấn Cao trong truyện ngắn Chữ người tử tù và hình tượng người lái đò trong tùy bút Người lái đò Sông Đà để thấy được sự thống nhất và khác biệt trong cách nhìn về con người của nhà văn Nguyễn Tuân trước và sau Cách mạng tháng Tám.

ĐÁP ÁN ĐỀ 1

I .PHẦN ĐỌC HIỂU

1. ý nghĩa của câu chuyện: Từ hạt cát bình thường để trở thành viên ngọc trai lung linh, quí giá phải trải qua một quá trình thử thách, trải qua những gian nan, vất vả, nhọc nhằn…Vì thế, mỗi chúng ta đừng nên ngại khó, ngại khổ mà hãy đương đầu với những chông gai, trắc trở trên đường đời…Chính những khổ đau, cay đắng của cuộc đời là điều kiện tôi luyện con người trở thành người hữu ích.

2. Phương thức miêu tả, tự sự, biểu cảm được sử dụng trong câu chuyện trên.

3. Từ hạt cát bình thường để trở thành viên ngọc trai lung linh, quí giá phải trải qua một quá trình thử thách, trải qua những gian nan, vất vả, nhọc nhằn…Vì thế, mỗi chúng ta đừng nên ngại khó, ngại khổ mà hãy đương đầu với những chông gai, trắc trở trên đường đời…Chính những khổ đau, cay đắng của cuộc đời là điều kiện tôi luyện con người trở thành người hữu ích. Ngược lại nếu lười biếng, ngại khó sợ khổ và ở mãi trong cái vỏ bọc an toàn thì con người không thể tiến lên được và như vậy sẽ không thế đóng góp nhiều cho xã hội.

4. Nội dung bài thơ: Cô du kích nhỏ áp giải tên lính Mĩ (phi công) to lớn bị bắt sống. Qua đó thấy được sự kiên cường, ga dạ dũng cảm của cô du kích và thái độ trân trọng, ngợi ca của tác giả.

5. Biểu hiện của nhân vật sử thi trong bài thơ: Bài thơ đã miêu tả hình ảnh một nữ du kích có vóc dáng nhỏ bé, đang cầm súng áp giải một viên lính Mĩ to lớn hơn cô rất nhiều. Bức chân dung đã kết tinh tư thế hiên ngang, khí phách, anh dũng kiên cường của nhân vật khi đối mặt với kẻ thù.

Cô du kích là biểu tượng đẹp cho lí tưởng và sức mạnh của cả dân tộc Việt Nam trong kháng chiến chống Mĩ.

Ngôn ngữ trang trọng, hình ảnh kì vĩ…

6.Các biện pháp nghệ thuật được sử dụng và tác dụng của chúng trong đoạn thơ:

- Nghệ thuật tương phản: O du kích nhỏ >< thằng Mĩ lênh khênh

                                  Giương cao súng >< bước cúi đầu

>>Nghệ thuật tương phản đã làm nổi bật tư thế hiên ngang của cô du kích áp giải tên lính Mĩ.

      - So sánh: to gan hơn béo bụng

>>Tác dụng: chủ nghĩa anh hùng được kết tinh từ tinh thần yêu nước , sự anh dũng bất khuất của nhân dân ta trong chiến tranh chống quân xâm lược Mĩ.

      - Từ láy tượng hinh: lênh khênh

           >> gợi hình dáng to lớn của tên phi công vừa thể hiện thái độ coi thường của tác giả.

- Hoán dụ: to gan >>chỉ tinh thần ngoan cường của cô gái

béo bung>>mỉa mai sự thất bại, thua trận của kẻ thù

- Câu hỏi tu từ: Anh hùng đâu cứ phải mày râu?

      >>khẳng định phẩm chất anh hùng của cô nói riêng và phụ nữ Việt Nam nói chung trong cuộc đấu tranh giữ nước.

II.PHẦN TẠO LẬP VĂN BẢN

1:Làm thế nào để tâm hồn con người bớt chai sạn trong cuộc sống hiện nay?

A, Giải thích: chai sạn là sự vô tâm vô tình giữa con người với con người trong xã hội, thái độ thờ ơ ghẻ lạnh với chính mình và với người khác. Xuất phát từ lối sống vị kỉ chỉ quan tâm chăm chút đến lợi ích của riêng mình…

B. Bình luận

- Thực trạng: Thực trạng chai sạn tâm hồn của con người trong cuộc sống hiện nay là một vấn đền cần quan tâm.

      Vì dụ: mọi người chạy theo đồng tiền, lợi nhuận, làm giàu bằng mọi cách, thậm chí bất chấp sức khỏe và mạng sống của người khác. Thực phẩm bẩn bán tràn lan…

 Chứng kiến tai nạn giao thông rất nhiều người thờ ơ chỉ dừng lại quay phim chụp ảnh hoặc bàn tán mà không tìm cách hỗ trợ giúp đỡ người bị nạn…

Đi trên xe buz, thanh niên không nhường chỗ cho người già, phụ nữ có thai và người tàn tật, trẻ em. Thường thì họ giả vờ ngủ, khi được nhắc nhở thì họ thể hiện thái độ thậm chí gây gổ với phụ xe…

- Nguyên nhân:

+Khách quan: Nhịp sống công nghiệp hóa, hiện đại hóa hối hả tấp nập, con người chọn lối sống vội hơn, gấp hơn, có phần ích kỉ hơn; sự tác động củ môi trường xung quanh…

+ chủ quan: ý thức và quan niệm sống của cá nhân có phần sai lệch

- Hậu quả:

 +Mối quan hệ giữa người với người trở nên rạn nứt, sứt mẻ. Niềm tin dánh cho thế giới xung quanh giảm dần; nhân cách con người bị mài mòn.

 +hàng loạt các tệ nạn xã hội diễn ra

+gánh nặng cho xã hội: vừa phải chăm lo cho đời sống vật chất, vừa phải giải quyết vấn nạn chai sạn, thờ ơ ghẻ lạnh của con người khiến xã hội chậm phát triển.

- Giải pháp:

     +Sống chan hòa, thân thiện, đoàn kết với mọi người xung quanh

     +sẵn sang cưu mang, giúp đỡ người khác khi họ gặp khó khăn, bất hạnh.

      +có ý thức rèn luyện nhân cách, phê phán, ngăn chặn những hiện tượng chai sạn, vô cảm đang diễn ra

C.  Liên hệ mở rộng

- Phê phán những cá nhân góp phần làm gia tăng vấn nạn chai sạn trong cuộc sống

- Ngược lại luôn biết khích lệ, ủng hộ những cá nhân, tổ chức đang ngày ngày làm cho con người ta nhân văn hơn, hướng con người tới chân, thiện, mĩ. Ví dụ trên truyền hình nhiều chương trình nhân văn: điều ước thứ 7, lục lạc vàng, trái tim cho em, vì bạn xứng đáng, việc tử tế…Trong xã hội có nhiều tổ chức, đoàn thể  hiến máu cứu người, tổ chức nhiều bữa cơm từ thiện tại các bệnh viện, những ổ bánh mì hoặc bình nước miễn phí trên các đường phố để ủng hộ người nghèo, chương trình bữa cơm có thịt cho học trò miền núi…

D. rút ra kết luận:

- sống và cống hiến hết mình, không nề hà, ngại ngần khi giúp đỡ người khác

2: So sánh hình tượng Huấn Cao và người lái đò để thấy nét thống nhất và khác biệt trong quan niệm về con người trước và sau 1945 của Nguyễn Tuân.

A. giới thiệu tác giả tác phẩm

       Nguyễn Tuân (1910- 1987) quê ở Thanh Xuân – Hà Nội, là cây đại thụ của nền văn học Việt Nam hiện đại. Sự nghiệp văn học của ông chia làm hai giai đoạn: trước và sau 1945. Trước 1945, Nguyễn Tuân thành công ở ba đề tài: vang bóng một thời, chủ nghĩa xê dịch và đời sống trụy lạc. Sau 1945, Nguyễn Tuân say mê viết về đất nước nhân dân trong lao động sản xuất cũng như trong chiến đấu, các tác phẩm tiêu biểu như: Đường vui, Tình chiến dịch, Sông Đà…Mỗi giai đoạn sáng tác nhà văn hướng về nội dung khác, cảm hứng khác nhưng đều hấp dẫn chúng ta ở các đặc điểm sau: một cái tôi nghệ sĩ phóng túng, sự tài hoa lịch lãm uyên bác, cảm hứng trước những cái phi thường khác thường, nhà văn suốt đời đi tìm cái đẹp, bậc thầy của thể tùy bút.

          Chữ người tử tù là truyện ngắn xuất sắc của Nguyễn Tuân in trong tập Vang bóng một thời (1940). Đây là thành tựu xuất sắc trong giai đoạn sáng tác trước 1945 của nhà văn. Bằng việc kể về cuộc kì ngộ khác thường giữa Huấn Cao và quản ngục trong nhà giam dành cho tử tù, Nguyễn Tuân đã ca ngợi nét đẹp trong vốn văn hóa cổ truyền của dân tộc – thú chơi chữ, đồng thời bộc lộ tấm lòng ngưỡng mộ đối với những sĩ phu yêu nước trong cuộc kháng Pháp giai đoạn đầu. Tác phẩm cũng kín đáo thể hiện lòng yêu nước và quan niệm nghệ thuật, quan niệm về con người trước 1945 của Nguyễn Tuân.

          Người lái đò Sông Đà là tác phẩm xuất sắc của Nguyễn Tuân trong tập tùy bút Sông Đà (1960). Tác phẩm là kết quả của những chuyến đi thực tế lên Tây Bắc từ những năm 1958 – 1960 của nhà văn. Đây cũng là thành tựu xuất sắc của Nguyễn Tuân thuộc giai đoạn sáng tác sau 1945. Với ngôn từ phong phú giàu có, sự tài hoa lịch lãm uyên bác cộng với tình yêu thiết tha với cái đẹp, Nguyễn Tuân đã phác họa chân thực, sinh động trước mắt độc giả hình ảnh con sông Đà vừa dữ dội hùng vĩ vừa thơ mộng mĩ lệ và hình ảnh người lái đò trí dũng tài hoa, khiêm tốn, lãng mạn. Nguyễn Tuân đã thể hiện cảm hứng say mê, hào hứng, tự hào khi khám phá chất vàng của thiên nhiên Tấy Bắc cũng như chất vàng mười đã qua thử lửa của tâm hồn con người Tây Bắc, đồng thời thể hiện được tình yêu nước thiết tha và quan niệm về nghệ thuật về con người sau 1945.

B. Phân tích

*** Huấn Cao: là nhân vật đại diện cho quan niệm về con người của Nguyễn Tuân trước 1945

- Huấn Cao tài năng: tài viết chữ đẹp. Tuy nhiên tài năng này không để ông Huấn tự bộc lộc mà thông qua cách đánh giá nhìn nhận của quan ngục. Đây là bút pháp vẽ mây nẩy trăng. Nhờ bút pháp này mà nhân vật hiện lên vừa khách quan vừa chân thật thuyết phục. Muốn biết tài của ông Huấn thế nào xem sở nguyện thích chữ đẹp cua quản ngục sẽ rõ  (phân tích sở nguyện thích chữ đẹp của quản ngục …)

- Huấn Cao thiên lương trong sáng: không vì tiền bạc, quyền lực mà ép mình cho chữ. Cả đời chỉ cho chữ có ba lần đó là cho ba người bạn mà ông yêu quí. Lúc đầu cảnh cho chữ không diễn ra ngay vì Huấn Cao ko hiểu quản ngục. Sau khi nghe câu chuyện của thầy thơ lại, hiểu và trân trọng tấm lòng ngục quan và quyết định cho chữ. Đêm cuối cùng của đời mình, Huấn Cao không nghĩ về mình về người thân mà dành trọn tài và tâm viết chữ tặng lại quản ngục. Như vậy Huấn Cao ko cúi đầu trước tiền bạc, quyền lực nhưng đã cúi đầu trước tấm lòng. Viết xong chữ còn khuyên quản ngục thay chốn ở đi tìm việc khác để làm rồi hãy nghĩ đến việc chơi chữ. Điều đấy cho thấy thiên lương đức độ của Huấn Cao.

- Huấn Cao anh hùng, khí phách: Bất hòa với xã hội, Huấn Cao đã chống lại triều đình. Sự việc thất bại, ông bị bắt vào nhà lao dành cho tử tù. Không hề run sơ trước tù ngục, trước cái chết, Huấn Cao vẫn rất ung dung tự tại. Điều đó được thể hiện qua hành động dũ gông, điềm nhiên thưởng thức rượu thịt, mắng và khuyên quản ngục, trong cảnh cho chữ là người mạnh nhất…

- Huấn Cao lãng mạn: thể hiện rõ nhất trong cảnh cho chữ. Cảnh xưa nay chưa từng có: không gian, thời gian và nhân vật tham gia cho chữ. Trong cảnh cho chữ đối lập giữa hương thơm và sự ô uế, đối lập giữa cái chết và sự bất tử, đối lập ánh sáng và bóng tối…

- Nghệ thuật xây dựng nhân vật:tình huống độc đáo để làm rõ tính cách, cảm hứng lãng mạn và bút pháp lí tưởng hóa, bút pháp tương phản đối lập, giọng văn chậm rãi, lời văn trang trọng tạo không khí cổ xưa đẻ làm rõ nhân cách nhân vật…

*** Người lái đò sông Đà

- Ngoại hình, lai lịch: ông lái đò Lai Châu bạn tôi. Ngoại hình: 70 tuổi nhưng rất khỏe mạnh, rắn chắc: tay lêu nghêu như con sào, chân khuỳnh khuỳnh như kẹp lấy cuống lái tưởng tượng, da dẻ như chất sừng chất mun, giọng nói ào ào như sóng nước…

- hoàn cảnh xuất hiện:Là nhà văn suốt đời đi tìm cái đẹp gắn với những cảm giác mạnh, hứng thú trước cái phi thường khác thường nên Nguyễn Tuân không để tài năng của ông đò bộc lộ trên dòng sông thơ mộng trữ tình mà là trên dòng sông hùng vĩ dữ dội với. Sông Đà hung bạo dữ dằn với đá bờ sông dựng vách thành, mặt ghềnh Hát Loong, những cái hút nước xoáy tít, thạch trận thác đá khi ở xa và gần…tất cả tạo thành sức mạnh ghê rợn muốn nuốt chửng bất kì người lái đò nào qua đó.

- Vẻ đẹp trí dũng, tài hoa thể hiện qua ba trùng vi thạch trận:

      +trùng vi thứ nhất: 4 cửa tử, một của sinh, cửa sinh nằm phía tả ngạn. Dù bị thương với khuôn mặt méo bệch đi và vết thương bỏng rát như lửa cháy nhưng với sự dũng cảm kiên cường của mình, ông đò đã chèo lái con thuyền ra khỏi vùng nguy hiểm và dõng dạc hô vang tiếng hô của người chỉ huy. Vòng vây này tô đậm sự dũng cảm của ông đò.

       +trùng vi thứ 2: cửa tử tăng lên rất nhiều, cửa sinh nằm phía hữu ngạn. Muốn vượt qua trùng vi này ông đò không chỉ dũng cảm bản lĩnh mà còn thông mình, dày dặn kinh nghiệm. Với kinh nghiệm của một người “nắm chắc binh pháp của thần sông thần đá”, ông đò biết rõ cách bày binh bố trận của thác đá và từng bước vượt qua: chỗ thì ông tránh mà rảo bơi chèo, chỗ thì đè sấn lên và chặt đôi, chỗ thì lái miết một đường chéo…Với kinh nghiệm và sự thông minh của người cầm lái, ông đò tiếp tục đưa con thuyền ra khỏi vòng nguy hiểm. Như vậy ở trùng vi này đè cao sự thông minh, kinh nghiệm của ông đò.

    +trùng vi thứ 3: toàn là cửa tử, cửa sinh ở phía chân bọn đá hậu vệ. Các phiến đá quần tụ bên nhau tạo nên những bức tường thành dày đặc, kiên cố vừa dẫn dụ vừa muốn nuốt chửng bất kì con thuyền nào qua đó. Ông đò ko chỉ dũng cảm, thông minh mà còn rất khéo léo đưa con thuyền ra khỏi vùng nguy hiểm. Hình ảnh con thuyền lao qua làn hơn nước như một mũi tên tre là hình ảnh đẹp đã thể hiện rất rõ sự điêu luyện khéo léo của một “tay lái ra hoa”. Con thuyền vừa lái được vừa xuyên được vừa lượn được. Ở trùng vi này tô đậm sự khéo léo của ông đò.

- Vẻ đẹp lãng mạn, giản dị, khiêm tốn: khi đưa con thuyền ra khỏi vùng nguy hiểm các ông đò ngồi lại bên nhau kể chuyện về cá dầm xanh, cá anh vũ, nướng ống cơm lam,  không một từ nào nói về những vất vả cũng như chiến công mình vừa trải qua…

- Nghệ thuật xây dựng nhân vật: Xây dựng tình huống vượt thác đầy kịch tính, tương phản lực lượng giữa thiên nhiên và con người để làm nổi bật tính cách anh dũng, tài trí, chất nghệ sĩ của nhân vật; tiết tấu nhanh, hơi văn dồn dập gợi không khí căng thẳng của trận quyết chiến…

C. So sánh

- giống nhau:

    + cả hai nhân vật đều là những con người tài năng: Huấn Cao có tài viết chữ đẹp, người lái đò có tài vượt thác leo ghềnh.

     +cả hai nhân vật đều khí phách anh hùng: Huấn Cao gây dựng sự nghiệp anh hùng nhưng thất bại. Người lái đò, cuộc đời cầm lái vật lộn với dòng sông hung dữ, luôn chiến thằng thiên nhiên hung bạo.

      +cả hai nhân vật đều xây dựng bằng bút pháp tương phản đối lập để nổi bật tính cách.

 >>cả hai nhân vật đều thống nhất ở điểm nhìn: khám phá tính cách ở phương diện tài hoa nghệ sĩ tạo nên một phong cách nhất quán trước và sau Cách mạng tháng Tám là chất tài hoa tài tử…

- Khác nhau:

     +Huấn Cao kiểu nhân vật tài năng hiếm có: là nhân vật toàn tài, năng lực phi phàm, có tâm hồn trong sáng, cao thượng. Người lái đò: là người lao động bình dị dễ tìm thấy trong cuộc sống. Đây là người anh hùng bình dị thầm lặng, yêu lao động, say mê nghề nghiệp.

      >>Trước 1945, quan niệm về cái tài của Nguyễn Tuân đối lập với xã hội, nhân vật là con người lạc loài trong thế giới tĩnh, ngưng đọng của “một thời vang bóng”. Người tài và cái tài hoa thường cô đơn và buồn. Qua nhân vật và cùng với nhân vật, nhà văn thể hiện cái nhìn khinh bạc đối với xã hội đương thời…

       >>Sau 1945, con người tài hoa và cái tài hoa chan hòa trong cuộc sống, được chắt lọc từ đời sống, luôn vận động, biến đổi không ngừng. Qua đó, nhà văn thể hiện cái nhìn tin yêu, ca ngợi cuộc sống mới, con người mới…

ĐỀ 2

I. PHẦN ĐỌC HIỂU

Đọc câu chuyện sau và trả lời các câu hỏi hoặc thực hiện các yêu cầu phía dưới:

                                      Cái lạnh

    Sáu con người, do tình cờ của số phận, mắc kẹt trong cái hang rất tối và lạnh. Mỗi người còn một que củi trong khi đống củi chính đang lụi dần.

    Người phụ nữ đầu tiên định quẳng que củi vào lửa, nhưng đột nhiên rụt tay lại. Bà vừa thấy một khuôn mặt da đen trong nhóm người da trắng.

    Người thứ hai lướt qua các bộ mặt quanh đống lửa, thấy một người trong số đó không đi chung nhà thờ với ông ta. Vậy là thanh củi đã bị thu về.

    Người thứ ba trầm ngâm trong một bộ quần áo nhàu nát. Ông ta kéo áo lên tận cổ, nhìn người đối diện nhủ thầm: “Tại sao mình lại phải hi sinh thanh củi để sưởi ấm cho con heo béo ị giàu có kia?”

    Người đàn ông giàu lui lại một chút nhẩm tính: “Thanh củi trong tay, phải khó nhọc lắm mới kiếm được, tại sao ta phải chia sẻ nó với tên khố rách áo ôm lười biếng đó?”

    Ánh lửa bùng lên một lần cuối, soi rõ khuôn mặt một người da đen đang đanh lại, lộ rõ những nét hằn thù: “Không, ta không cho phép mình dùng thanh củi này để sưởi ấm những gã da trắng!”

     Chỉ còn lại người cuối cùng trong nhóm. Nhìn những người khác trầm ngâm trong im lặng, ta tự nhủ: “Mình sẽ cho thanh củi, nếu có ai đó ném phần của họ vào đống lửa trước”.

     Cứ thế, đêm buông dần. Sáu con người nhìn nhau căng thẳng, tay nắm chặt những khúc củi. Đống lửa chỉ còn than đỏ rồi vụt tắt. Sáng hôm sau, khi những người cứu hộ tới nơi, cả sáu người đều đã chết cóng.

                                      (Theo Lời nói của trái tim, Nxb Văn hóa Sài Gòn)

1.Câu chuyện có ý nghĩa gì?

2.Phương thức biểu đạt nào được sử dụng trong câu chuyện?

3.Các cụm từ “nhìn nhau căng thẳng”, “tay nắm chặt những khúc củi” gợi cho anh chị suy nghĩ gì về cách ứng xử giữa người với người, nhất là trong cơn hoạn nạn?

4.Viết một đoạn văn ngắn khoảng 10 câu trình bày suy nghĩ của mình về cách nghĩ và hành động của sáu con người trong câu chuyện trên.

Đọc văn bản sau và trả lời các câu hỏi bên dưới:

                                      Mẹ ta không có yếm đào

                             Nón mê thay nón quai thao đội đầu

                                       Rối rent ay bí tay bầu

                             Váy nhuộm bùn áo nhuộm nâu bốn mùa

                                      Cái cò…sung chát…đào chua…

                             Câu ca mẹ hát gió đưa về trời

                                      Ta đi trọn kiếp con người

                             Cũng không đi hết những lời mẹ ru

                                                (Ngồi buồn nhớ mẹ ta xưa – Nguyễn Duy)

1.Hãy cho biết nội dung chủ yếu trong đoạn thơ trên? Cho biết tâm trạng của tác giả qua đoạn thơ?

2.Theo em chất dân tộc của đoạn thơ được thể hiện theo những yếu tố nào?

3.Biện pháp tu từ nào được tác giả sử dụng trong câu thơ “Váy nhuộm bùn áo nhuộm nâu bốn mùa” ?Phép tu từ đó làm nổi bật hình ảnh nào?

4.Câu thơ “Câu ca mẹ hát gió đưa về trời” gợi cho em biết nhân vật trữ tình đang nhớ về mẹ trong hoàn cảnh nào? Điều đó có ý nghĩa gì?

5.Theo em, ngoài lời ru, điều gì từ mẹ có thể theo em đến cả cuộc đời?

6.Trong chương trình Ngữ văn 12 có nhiều tác phẩm ca ngợi tình mẫu tử, tình mẹ dành cho con. Em hãy kể tên những bà mẹ đó, những tác phẩm đó?

II. TẠO LẬP VĂN BẢN

1. Đừng theo lối mòn, hãy băng qua nơi không có dấu chân để tạo nên con đường. Anh chị hãy nêu suy nghĩ của mình về ý kiến trên.

2. Hãy phân tích vẻ đẹp tính cách và tâm hồn của các nhân vật Tràng, người vợ nhặt, bà cụ Tứ trong truyện ngắn Vợ nhặt của nhà văn Kim Lân (Phần trích trong Ngữ văn 12, tập 2, Nxb Giáo dục Việt Nam, 2011)

ĐÁP ÁN ĐỀ 2

I. PHẦN ĐỌC HIỂU

1. Ý nghĩa của câu chuyện: trước những khó khăn thử thách trong cuộc sống, con người cần hỗ trợ, giúp đỡ nhau. Nếu ai cũng nhỏ nhen, ích kỉ chỉ  khư khư giữ lợi ích cho riêng mình mà vô cảm trước những khó khăn, đau khổ của đồng loại thì họ không thể chết về thể xác mà còn chết về tâm hồn.

2. Phương thức được sử dụng trong câu chuyện: tự sự, miêu tả, biểu cảm.

3. Các cụm từ “nhìn nhau căng thẳng”, “tay nắm chặt những khúc củi” gợi nên những suy nghĩ về cách ứng xử giữa người với người, nhất là trong cơn hoạn nạn đó là: sự ích kỉ, tị nạnh, đố kị…

4.Trong câu chuyện “Cái lạnh” tác giả đã tạo ra một tình huống điển hình độc đáo: sáu người mắc kẹt trong một cái hang tối và lạnh, mỗi người chỉ còn một que củi trong khi đống lửa chính đang lụi dần. Chính hoàn cảnh điển hình ấy đã bộc lộ suy nghĩ và hành động điển hình của con người. Thay vì bỏ que củi vào đống lửa để cùng được sưởi ấm thì họ lại tị nạnh, ích kỉ và đắn đo chần chừ trong hành động. Họ phân biệt đối xử qua màu da, sở thích, hình thức, giàu nghèo. Họ tính toán thiệt hơn. Họ tị nạnh, đố kị, ích kỉ. Chính lối suy nghĩ và hành động ấy đã đẩy 6 người đến kết cục bi thảm: đống lửa đã lụi tắt và 6 người đều chết cóng trước khi người cứu hộ tới nơi. Lối suy nghĩ và hành động tiêu cực ấy đã làm hại họ và đồng loại. Như vậy trước những khó khăn thử thách trong cuộc sống, con người cần hỗ trợ, giúp đỡ nhau. Nếu ai cũng nhỏ nhen, ích kỉ chỉ khư khư giữ lợi ích cho riêng mình mà vô cảm trước những khó khăn, đau khổ của đồng loại thì họ không thể chết về thể xác mà còn chết về tâm hồn.

5. Nội dung chủ yếu của đoạn thơ: tình cảm sâu nặng của người con đối với mẹ. Tâm trạng của tác giả là tâm trạng yêu thương, nuối tiếc và tự hào, kính trọng.

6. Chất dân tộc được thể hiện qua những yếu tố sau:

- Về nội dung đề cập đến một tình cảm gốc: tình mẫu tử…

- Về nghệ thuật:

+thể thơ lục bát của dân tộc

          + Sử dụng những hình ảnh, thi liệu của ca dao dân ca

          +âm hưởng ngọt ngào của lời ru

7. “Váy nhuộm bùn áo nhuộm nâu bốn mùa”. Tác sự dụng phép tu từ hoán dụ qua hình ảnh “váy nhuộm bùn” “áo nhuộm nâu” nhằm làm nổi bật hình ảnh người mẹ nghèo, vất vả, gian nan. Đó là người mẹ hi sinh cả cuộc đời mình cho những đứa con, dành trọn tình yêu thương cho những đứa con.

8. “Gió đưa về trời” là một cách nói giảm. Người mẹ không còn nữa hình ảnh của bà được tái hiện bằng kí ức, bằng nỗi nhớ thương của người con. Đoạn thơ là những hoài niệm chân thực của người con về mẹ - những hình ảnh sống mãi trong lòng những đứa con thân yêu. Đó là tình cảm rất đỗi gần gũi mà thiêng liêng.

9. Ngoài loải ru, thì những tình cảm, những lời dạy bảo của mẹ có thể theo em đi suốt cuộc đời.

10. Trong chương trình Ngữ văn 12 có hai tác phẩm ngợi ca tình mẫu tử: Vợ nhặt của Kim Lân và Chiếc thuyền ngoài xa của Nguyên Minh Châu. Hình ảnh người mẹ thể hiện qua các nhân vật: bà cụ Tứ trong Vợ nhặt (Kim Lân) và người đàn bà hàng chài trong Chiếc thuyền ngoài xa (Nguyễn Minh Châu).

II. PHẦN TẠO LẬP VĂN BẢN

1. – Giải thích

Lối mòn là con đường nhiều người đi, quen thuộc.

Nơi không có dấu chân: một nơi mới, một cái mới

>>một lời khuyên đúng đắn, sâu sắc, hướng con người tới lối sống tích cực, chủ động dấn thân trước mọi hoàn cảnh. Suy cho cùng để tạo được một giá trị mới như hình ảnh “con đường” trong câu nói, thì đòi hỏi con người cần phải biết vượt qua lối tư duy, cách suy nghĩ quen thuộc, có sẵn để bước vào con đường mới, xác lập giá trị mới.

- Bình luận

       +Khi con người đi theo lối mòn là đi theo lối đã định sẵn. Cách lựa chọn này an toàn nhưng về lâu dài con người sẽ thụ động trước hoàn cảnh, sẽ bó hẹp tư duy và sáng tạo của bản thân.

Ví dụ: Nhiều bạn trẻ sau khi tốt nghiệp cấp 3, không thi đại học theo sở thích của mình mà theo sự sắp đặt của bố mẹ vì đảm bảo ra trường có việc làm. Tuy nhiên vì không thích nên sau khi tốt nghiệp đại học đi làm, các bạn này sẽ không phát huy được khả năng và đam mê của mình dẫn đến chán nản…

        +Khi con người biết băng qua nơi không có dấu chân người để tạo nên con đường thì sẽ tạo nên tính cách chủ động trước hoàn cảnh. Đó là lối sống tich cực, sáng tạo, tiên phong và dấn thân:

Ví dụ: Sinh ra và lớn lên trong cảnh nước mất nhà tan, hơn ai hết Bác hiểu được nỗi đau của dân tộc khi sống trong vòng nô lệ. Với lòng căm thù giặc sục sôi, tình yêu nước nồng nàn, tư tưởng tích cực chủ động, Bác quyết tâm tìm con đường cứu nước đưa dân tộc thoát khỏi lầm than, nô lệ. Tuy nhiên không đi theo con đường cứu nước mà các bậc tiền bối Phan Bội Châu, Phan Chu Trinh đã đi, Bác có lựa chọn của riêng mình. Ngày 5 tháng 6 năm 1911, tại bến cảng Nhà Rồng, Bác làm phụ bếp cho một tàu buôn của Pháp và bắt đầu hành trình cứu nước gian khổ nhưng cũng vẻ vang của mình. Sau 30 năm sau khi lênh đenh khắp các nước ở châu Á, châu Âu, châu Phi…Bác đã tìm được con đường cứu nước cho dân tộc. Năm 1941 Bác trở về Việt Nam chèo lái con thuyền cách mạng và đưa dân tộc Việt Nam đến bến bờ của sự hạnh phúc, tự do, độc lập.

       Đặng Lê Nguyên Vũ – ông chủ tập đoàn cà phê Trung Nguyên cũng là một ví dụ tiêu biểu về bài học của sự dấn thân, lối sống tích cực chủ động. Sinh ra ở một làng quê nghèo của mảnh đất Tây Nguyên, Đặng Lê Nguyên Vũ trăn trở mãi về bài toán làm thế nào để thoát nghèo. Tại sao những người Tây Nguyên dù rất chăm chỉ cần cù bên những ruộng cà phê mà họ vẫn nghèo. Tại sao lại không làm giàu bằng chính những cây cà phê của quê hương. Chính những suy nghĩ đó đã thôi thúc Đặng Lê Nguyên Vũ. Thời sinh viên anh đã cùng với nhóm bạn cùng sở thích, đam mê mày mò học cách rang và pha chế cà phê. Sau đó là mở rộng địa bàn kinh doanh tại thành phố Hồ Chí MInh bằng cách uống miễn phí. Không chỉ mở rộng địa bàn, anh còn tìm cách tiếp thị quảng cáo cho thương hiệu cà phê của mình…Chủ động, sáng tạo, dấn thân cuối cùng anh đã thành công, cà phê Trung Nguyên không chỉ là thương hiệu trong nước mà có mặt trong nhiều nước trên thế giới.

        Đừng theo lối mòn hãy băng qua những nơi không có dấu chân để tạo nên con đường, là một bài học đặt ra bức thiết đối với các nghệ sĩ. Trong nghệ thuật, sự lặp lại chính mình hay sự lặp lại của người khác đều là cái chết của nghệ thuật. Nhà văn phải biết “khơi những nguồn chưa ai khơi” và “sáng tạo những gì có” để tạo ra sự độc đáo, riêng biệt. Có như vậy những tác phẩm đó mới có dấu ấn trong lòng độc giả. Ví như Nguyễn Tuân, Nam Cao, Xuân Diệu…

       Dựa theo cốt truyện dân gian nhưng vở kịch Hồn Trương Ba, da Hàng Thịt của Lưu Quang Vũ vẫn được bạn đọc say mê, yêu thích. Bởi lẽ ở truyện dân gian, ông Trương Ba vẫn điềm nhiên sống trong thân xác ông hàng thịt mà không một chút suy nghĩ đắn đo, đau khổ. Mọi sự xung đột chỉ ở phía các bà vợ. Và kết thúc tác phẩm là phiên tòa được mở ra với sự thắng thế của gai đình ông Trương Ba và tiếng cười hả hê của tác giả dân gian. Ông Trương Bà trở về sống bên vợ một cách tự nhiên, bình thường như không có chuyện gì xẩy ra mặc dù đang trong thân xác anh hàng thịt. Ngược lại trong tác phẩm của Lưu Quang Vũ, từ khi sống trong thân xác anh hàng thịt, ông Trương liên tiếp rơi vào các bi kịch: bi kịch bị tha hóa biến chất khi sống nhờ sống dựa vào thân xác người khác, bi kịch không được thừa nhận, bi kịch sửa sai càng sai. Những bi kịch làm cho ông Trương Ba đau khổ và đi đến quyết định: chết đi để mọi người nghĩ về mình với những điều tốt đẹp. Qua vở kịch này Lưu Quang Vũ gửi đến độc giả những bài học sâu sắc: được sống và làm người thì thật hạnh phúc, nhưng sống như thế nào còn quan trọng hơn. Sống không chỉ là tồn tại mà sống phải có ý nghĩa. Con người ta chỉ thực sự hạnh phúc khi sống hài hòa giữa thể xác và tâm hồn, không thể bên trong một đằng bên ngoài một nẻo được. Con người luôn phải đấu tranh chống lại cái ác, cái xấu trong bản thân mình và cái ác cái xấu ngoài xã hội đẻ vươn tới sự tốt đẹp, cao thượng…

     +Thấy được ý nghĩa của lối sống tích cực, chủ động để tạo nên những giá trị mới, có ý nghĩa cho cá nhân và xã hội.

      +Để cho mỗi người đừng theo lối mòn quen thuộc và băng qua nơi không có dấu chân để tạo nên con đường, cần phải đảm bảo những yếu tố khách quan và chủ quan.

- Liên hệ mở rộng

        + Phê phán lối sống thụ động dựa dẫm, ỷ lại, làm theo thói quen của một bộ phận trong xã hội, đặc biệt là giới trẻ hiện nay.

Ví dụ nhiều bạn trẻ ỷ lại bố mẹ, ỷ lại sự giàu có của gia đình mà không phấn đấu, không dấn thân. Công việc thậm chí cả tình yêu hôn nhân đều theo sự sắp đặt của bố mẹ…Nhiều công chức, viên chức sáng cắp cặp đi tối cắp cặp về, không sáng tạo, dẫn đến nhàm chán, hiệu quả công việc không cao…

      +Đề cao lối sống chủ động, sáng tạo, dấn thân…Nhiều bạn trẻ có tài năng tự mở những công ty riêng đóng góp thu nhập cao cho ngân sách quốc gia, tạo công ăn việc làm cho nhiều người…

       +Bên cạnh đề cao lối sống tích cực, chủ động tự mình xác lập con đường thì cũng cần rút ra kinh nghiệm, kế thừa những giá trị tốt đẹp từ những người đi trước. Không được phủ định sạch trơn mà phải biết kế thừa những cái tốt, cái hữu ích từ những người đi trước…

- Bài học rút ra cho bản thân:

       +tích cực chủ động trong cuộc sống…

2. Vẻ đẹp tính cách và tâm hồn của các nhân vật: Tràng, người vợ nhặt, bà cụ Tứ trong tác phẩm Vợ Nhặt (Kim Lân).

- Giới thiệu tác giả, tác phẩm

          Kim Lân (1920 – 2007) tên thật là Nguyễn Văn Tài, quê ở Bắc Ninh. Ông là cây bút truyện ngắn xuất sắc của văn học Việt Nam hiện đại. Kim Lân viết không nhiều, suốt đời cầm bút ông chỉ để lại hai tập truyện “Nên vợ nên chống” và “Con chó xấu xí”. Tuy nhiên những tác phẩm của ông lại để lại dấu ấn hết sức sâu đậm. Kim Lân có sở trường về truyện ngắn. Những tác phẩm của ông thường viết về nông thôn và những thú vui tao nhã ở chốn quê nghèo: chọi gà, thả diều…Những người nông dân trong tác phẩm của Kim Lân dù nghèo khổ nhưng lại thật thà chất phác lạc quan yêu đời…Vợ nhặt có tiền thân là tiểu thuyết Xóm ngụ cư. Lấy bối cảnh năm đối 1945, Kim Lân viết tiểu thuyết Xóm ngụ cư nhưng còn dang dở và sau đó mất bản thảo. Đến năm 1954, khi hòa bình lặp lại ở miền Bắc, Kim Lân dựa vào cốt truyện cũ để viết thành truyện ngắn Vợ nhặt. Đến năm 1962, tác phẩm in trong tập Con chó xấu xí.  Từ tình huống độc đáo: Tràng nhặt được vợ trong ngày đói, nhà văn đã phản ánh thân phận rẻ rúng của con người trong năm đói, tố cáo bọn thực dân Pháp phát xít Nhật đã đẩy con người tới cuộc sống bi đát, đồng thời cũng ca ngợi phẩm chất tốt đẹp của con người đặc biệt là khát vọng sống, khát vọng hạnh phúc. Cũng qua tình huống độc đáo này Kim Lân đã có cơ hội phác họa chân thực tính cách và tâm hồn của Tràng, người vợ nhặt và bà cụ tứ.

- Phân tích vẻ đẹp tính cách và tâm hồn

     + anh cu Tràng: là người lao động nghèo, ngoại hình thô kệch vụng về trong ăn nói giao tiếp nhưng vui tính, dễ gần, được trẻ con yêu quí, có lòng cưu mang yêu thương đồng loại, đặc biệt có khát vọng sống, khát vọng hạnh phúc và có ý thức xây dựng hạnh phúc. Trong bối cảnh năm đói cưu mang thêm một người chẳng khác nào kí tên vào bản án tử hình. Nhưng với lòng tốt, sự hào hiệp, Tràng vẫn cưu mang cô thị. Mặc dù là vợ theo nhưng Tràng đối xử tử tế, không hề hắt hủi cô vợ nhặt. Buổi sáng đầu tiên sau khi có vợ, thấy nhà của sạch sẽ gọn gang, Tràng cảm thấy yêu thương và gắn bó, có trách nhiệm với gia đình, nhận ra bổn phận phải lo lắng cho vợ con sau này.

      +Người vợ nhặt cũng là nạn nhân của cái đói. Cái đói làm cho thị bị biến dạng cả hình hài lẫn tính cách. Chị tiều tụy rách rưới, đanh đá, chua ngoa, chỏng lỏn, gợi chuyện ăn uống lộ liễu, đánh mất lòng tự trọng theo không người đàn ông xa lạ chỉ vì cái đói. Nếu đặt những việc làm hành động này trong hoàn cảnh bình thường của đời sống, ta không thể cảm thông. Nhưng đặt trong bối cảnh của năm đói, hành động đó không chỉ được cảm thông mà còn đáng trân trọng vì nó xuất phát từ khát vọng sống mãnh liệt. Khi về làm vợ anh cu Tràng, người vợ nhặt có nhiều thay đổi theo chiều hướng tính cực: chị e lệ, kín đáo, đảm đang tháo vát và đặc biệt là khát vọng sống khát vọng hạnh phúc và niềm tin ở tương lai.

      +Nhân vật bà cụ Tứ: là người mẹ nghèo khổ, vẻ ngoài khắc khổ, tiều tụy nhưng đó lại là người mẹ rất mưc thương con, thương dâu; đồng cảm sâu sắc với người cùng cảnh ngộ, luôn an ủi động viên con sống tốt, có niềm tin vào tương lai, hạnh phúc tươi sáng.

- so sánh:

      +giống nhau: các nhân vật được xây dựng trên tình huống truyện độc đáo. Nghệ thuật trần thuật tự nhiên, dựng cảnh sinh động có nhiều chi tiết đặc sắc. Nhân vật được khắc họa sinh động, đối thoại hấp dẫn, ấn tượng thể hiện tâm lí nhân vật tinh tế. Ngôn ngữ mộc mạc, giản dị nhưng chắt lọc, tinh tế, giàu sức gợi. Cả ba nhân vật đều được miêu tả với hình dáng bên ngoài xấu xí, khắc khổ, tiều tụy, nhưng tính cách bên trong lại đẹp đẽ cao cả.

        +khác nhau: vẻ đẹp của Tràng là vẻ đẹp của con người tốt bụng, hào hiệp. Vẻ đẹp của cô vợ nhặt là vẻ đẹp của cô dâu mới về nhà chồng trong bối cảnh năm đói. Vẻ đẹp của bà cụ Tứ là vẻ đẹp của người mẹ giàu lòng trắc ẩn, và yêu thương con. 

ĐỀ 3:

I. PHẦN ĐỌC HIỂU

Đọc đoạn thơ sau và trả lời câu hỏi:

                             Ta chào Việt Bắc, ta xuôi,

                   Quê hương cách mạng muôn đời suy tôn

                             Mẹ nghèo vẫn cố nuôi con:

                   Lúc bùi măng nứa, khi ngon củ mài,

                             Sẻ từng hạt muối cắn đôi,

                   Nhà sàn chung ở, chăn sui đắp cùng.

                             Khi lên: non nớt, ngại ngùng,

                   Khi về: thép ở trong lòng đã tôi.

                             Xưa nay li biệt ngậm ngùi,

                   Giờ đây đưa tiễn là vui lên đường

                             Rời quê hương, đến quê hương

                   Thủ đô năm cánh, sao vàng chờ ta.

                             Tám năm Hà Nội cách xa,

                   Tấm lòng Việt Bắc cùng ta trở về.

                                      (Ta chào Việt Bắc, về xuôi – Xuân Diệu)

1.Anh chị cho biết, đoạn thơ trên được viết bằng thể thơ gì? Qua đoạn thơ tác giả muốn thể hiện điều gì?

2.Chỉ ra biện pháp nghệ thuật và hiệu quả của nó được nhà thơ sử dụng trong câu thơ:       

 Khi lên: non nớt, ngại ngùng,

                   Khi về: thép ở trong lòng đã tôi.

3.Đọc đoạn thơ sau, anh chị liên tưởng tới đoạn trích nào, tác phẩm nào đã học trong chương trình Ngữ Văn 12? Hãy chỉ ra những điểm tương đồng giữa đoạn trích, tác phẩm đã học với đoạn thơ này

4.Cảm nhận về đoạn thơ trên một học sinh đã viết như sau: “Qua những giòng thơ viết về Việt Bắc đã cho người đọc thấy được tình cảm tha thiết, sâu nặng của thi nhân đối với mảnh đất này”. Theo anh chị với cách viết như vậy, bạn học sinh đã mắc những lỗi nào? Hãy nêu cách chữa?

Đọc câu chuyện sau và trả lời câu hỏi bên dưới:

                                  Nhà bác học qua sông

Một hôm, có một nhà bác học ngồi trên thuyền qua sông. Ngồi không, cảm thấy buồn chán, nhà bác học bèn nói với người chèo thuyền. Ông ta ngẩng cao đầu kiêu ngạo hỏi:

- Anh có nghiên cứu triết học không? Đó là thứ học vấn cần thiết nhất trên thế giới đấy!

Im lặng hồi lâu, người chèo thuyền trả lời một cách ngượng ngập:

- Tôi suốt ngày chỉ biết chèo thuyền, không có thời gian nghiên cứu triết học.

- Như vậy là anh đã lãng phí mất một nửa cuộc đời rồi – nhà bác học nói.       Nói xong ông ta quay mặt ra ngoài, ngắm nhìn sông nước, không nói chuyện với người chèo thuyền nữa.

  Nào ngờ một lúc sau, trời nổi going bão, con thuyền đã xa bờ, chao đảo trong sóng gió, lúc nào cũng như sắp bị chìm.

     Bỗng nhiên, một cơn gió lớn thổi đến, con thuyền nhỏ bị lật, cả nhà bác học và người chèo thuyền đều bị rơi xuống nước.

- Ông có biết bơi không? – Người lái đò hét lớn, hỏi nhà bác học.

Lúc này nhà bác học chìm đến tận cổ, lập cập trả lời:

- Không biết!

- Vậy thì ông đã lãng phí cả cuộc đời mình rồi…! – người chèo thuyền nói.

                             (200 bài học đạo lí, Nxb Văn hóa thông tin, 2011)

5. Câu chuyện có ý nghĩa gì?

6. Phương thức biểu đạt nào được sử dụng trong câu chuyện trên?

7. Thái độ của nhà bác học gợi cho em suy nghĩ gì về cách nhìn đối với người thấp kém hơn mình?

8. Có ý kiến cho rằng: học kĩ năng sống cũng quan trọng như học văn hóa. Điều đó có đúng không? 

II. PHẦN TẠO LẬP VĂN BẢN

1.Hãy viết một bài văn khoảng 600 từ trình bày quan điểm của em về câu nói sau: “Nơi nào có ý chí và những con sóng thì nơi đó có cách để lướt sóng” (Nick Vujicic)

2. “Nhặt” vợ - câu chuyện bi đát về tình cảnh tũng quẫn trong nạn đói hay câu chuyện về niềm tin, niềm lạc quan vượt lên cái đói, cái chết để đươc sống và hạnh phúc.

      Qua việc tìm hiểu tình huống của truyện ngắn Vợ nhặt hãy bình luận về ý kiến trên?

ĐÁP ÁN ĐỀ SỐ 3

I.PHẦN ĐỌC HIỂU

1.Đoạn thơ trên được viết theo thể thơ lục bát. Đoạn thơ đã thể hiện tình cảm nhớ thương tha thiết, tấm lòng biết ơn sâu sắc của người ra đi với người dân Việt Bắc, quê hương cách mạng anh hùng.

2.Biện pháp nghệ thuật được sử dụng trong câu thơ: phép điệp, đối, ẩn dụ; vừa có tác dụng nhấn mạnh ý, vừa tạo nhịp thơ cân đối hài hòa, hình ảnh thơ giàu sức gợi, hàm súc cô đọng…

3.Liên tưởng tới đoạn trích đã học trong chương trình Ngữ Văn 12: Việt Bắc của nhà thơ Tố Hữu.

- Những điểm tương đồng giữa đoạn thơ này và Việt Bắc: thể thơ lục bát, hình ảnh thơ bình dị, thân thuộc gắn liền với cuộc sống người dân Việt Bắc, giọng điệu trữ tình, nhẹ nhàng sâu lắng, thể hiện tình cảm thắm thiết, son sắt thủy chung của nhà thơ với con người quê hương cách mạng…

4.– Xác định lỗi: lỗi chính tả: giòng ; lỗi ngữ pháp: câu trên mới có trạng ngữ và vị ngữ, thiếu chủ ngữ

- Chữa lỗi và viết lại: Qua những dòng thơ viết về Việt Bắc, tác giả Xuân Diệu đã cho người đọc thấy được tình cảm tha thiết, sâu nặng của thi nhân đối với mảnh đất này

5.ý nghĩa câu chuyện: câu chuyện ngắn gọn nhưng thấm thía, đã đúc kết bài học sâu sắc về cuộc sống, gợi ra suy nghĩ cho người đọc: hậu quả của việc thiếu kĩ năng sống cùng thói kiêu ngạo, coi thường người khác mà nhà bác học kia nhận lấy.

- Câu chuyện nhắc mối người nên khiêm tốn khi đánh giá bản thân và đừng bao giờ đánh giá thấp người khác.

6.Phương thức biểu đạt sử dụng trong câu chuyện: tự sự, miêu tả, biểu cảm.

7.Thái độ của nhà bác học đối với ngươi lái đò gợi cho chúng ta nghĩ đến cách ứng xử của nhiều người với người thấp hơn họ trong xã hội. Cần phê phán thái độ chê bai, coi khinh người khác. Bởi kiến thức là vô cùng, không ai khẳng định rằng mình biết tuốt mọi thứ. Người mạnh mặt này, người giỏi mặt kia, phải học hỏi lẫn nhau, giúp đỡ nhau. Vì thế cần phải có thái độ khiêm nhường trong ứng xử.

8.Học kĩ năng sống cũng quan trọng như học văn hóa, điều đó hoàn toàn đúng. Bởi hậu quả của việc thiếu kĩ năng sống rất nguy hiểm, thậm chí đe dọa tính mạng con người. Trong xã hội ngày nay việc học kĩ năng sống được đè cao..

II.PHẦN TẠO LẬP VĂN BẢN

1.– Giải thích:

    +ý chí là hoài bão, quyết tâm, lí tưởng kiên định  của con người

 +”con sóng” là những hình ảnh ẩn dụ, những thử thách biến cố, khó khăn mà ta bất ngờ gặp phải trong cuộc sống.

- Bình luận

     + để vượt qua những “con sóng” trong cuộc đời con người cần có ý chí

     +khi đã có ý chí, người ta nhất định sẽ tìm được cho mình cách lướt sóng – cách vượt qua những con sóng, những trở ngại khó khăn của bản thân trên đường đời để đạt được thành công

     +tác dụng của ý chí: ý chí mang đến cho chúng ta niềm tin và sức mạnh, ngay cả khi chúng ta làm những việc nhỏ. Ý chí khi gặp những “con sóng” sẽ phát huy mạnh mẽ hơn tác dụng của mình. Nó sẽ giúp ta chinh phục mọi khó khăn phía trước, vươn tới thành công.

      Ví dụ: bản thân Nick là một ví dụ tiêu biểu về sự kiên định, quyết tâm vượt qua những thử thách khó khăn để đạt được ước mơ của mình. Sin h ra không chân không tay nhưng với ý chí mạnh mẽ, lòng dũng cảm, Nick đã rèn luyện và làm được tất cả những việc mà mọi người bình thường có thể làm được: từ sinh hoạt cá nhân, lướt sóng, đóng phim, bơi lội…Thậm chí anh còn trở thành diễn giả nổi tiếng của thế giới đi khắp nơi để truyền lửa truyền nhiệt huyết cho người khuyết tật nói riêng và người bình thường nói chung…

      Các nhà bác học như Êđi sơn đã mất rất nhiều thời gian tâm lực trong phòng thí nghiệm, thất bại rất nhiều lần. Nhưng với ý chí nghị lực Eđisơn đã thành công và các phát minh của ông đóng góp to lớn cho xã hội loài người.

     Hành trình tìm đường cứu nước của Bác Hồ đầy những gian nan thử thách. Nhưng với ý chí, niềm tin Bác đã tìm được con đường cứu nước cho dân tộc.

    Thầy giáo Nguyễn Ngọc Kí bị liệt hai tay. Nhưng thầy kiên trì luyện tập và sử dụng đôi chân thành thạo. Với nghị lực phi thường, thầy đã trở thành thấy giáo ưu tú…

- Liên hệ mở rộng

     +phê phán những người buông xuôi, nản chí khi gặp khó khăn thử thách nào đó

      +Nhiều người hiểu sai về ý chí, biến nó thành sự cứng đầu, bảo thủ một mực lao vào những “con sóng” mà không suy xét kĩ càng

- Bài học rút ra

     +rèn luyện những kĩ năng sống cần thiết, đặc biệt là ý chí

     +bên cạnh ý chí còn cần một mục tiêu rõ ràng để đạt đến thành công.

2.“Nhặt” vợ - câu chuyện bi đát về tình cảnh tũng quẫn trong nạn đói hay câu chuyện về niềm tin, niềm lạc quan vượt lên cái đói, cái chết để đươc sống và hạnh phúc

- giải thích:

     +nhặt vợ là câu chuyện bi đát về tình cảnh túng quẫn trong nạn đói: Câu chuyện về anh cu Tràng nhặt được vợ diễn ra trong bối cảnh tăm tối, bi đát của lịch sử dân tộc – nạn đói năm 1945. Vì túng quẫn con người đã đến với nhau trong một hoàn cảnh khá éo le, bi đát. Cả anh cu Tràng, người vợ nhặt, bà cụ Tứ đều trải qua những tình cảnh khốn cùng nhất trong nạn đói.

      +nhặt vợ  - câu chuyện về niềm tin tưởng, lạc quan vượt lên trên cái đói cái chết để được sống và hạnh phúc: giữa sự túng đói quay quắt, giữa tình cảnh khốn cùng ấy, con người vẫn vượt lên cái chết, cái thảm đạm để được sống, khát khao hạnh phúc…

     >>Như vậy hai ý kiến trên không mâu thuẫn mà bổ sung cho nhau: nhặt vợ là tình huống vừa buồn vừa vui, vừa bi vừa hài, vừa éo le cảm động vừa tràn đầy lạc quan tin tưởng.

- bình luận

  ***Nhặt vợ là câu chuyện éo le bi đát về tình cảnh túng quẫn trong nạn đói. Ở tình huống này mọi giá trị đều bị đảo lộn, các nhân vật đều là nạn nhân

          -Nhân vật Tràng: chuyện lấy vợ là chuyện trọng đại trong đời người đàn ông: “Tậu trâu cưới vợ làm nhà – Trong ba việc ấy thật là khó thay”. Ấy vậy mà anh cu Tràng dân ngụ cư, nghèo khổ, thô kệch bỗng nhiên có vợ theo chỉ bằng một câu hò vu vơ, một câu nói tầm phơ tầm phào, bốn bát bánh đúc, một cái thúng con, một bữa cơm no ở chợ. Hôn nhân là chuyện trọng đại hóa thành chuyện tầm phào. Một câu hò vu vơ đã trở thành lời hứa hẹn, một lời mời đã trở thành lời cầu hôn, bốn bát bánh đúc trở thành lễ vật ngày cưới, tiệc cưới chỉ là cháo cám thảm hại. Đám cưới kì lạ đã diễn ra như thế. Những gì thiêng liêng, bỗng chốc lại như hạ thấp xuống hàng bèo bọt, rẻ rung.

           - Nhân vật cô vợ nhặt: chuyện lấy chống cũng là chuyện trọng đại trong đời người con gái. Ngày lấy chồng phải là ngày hạnh phúc nhất, phải được cha đưa mẹ đón và sự chúc phúc của họ hàng hai bên. Phải trải qua các nghi thức hỏi, cưới. Ở đây chỉ là vợ nhặt, vợ theo. Để được sống người phụ nữ này đánh mất lòng tự trọng theo không người đàn ông xa lạ. Nói cách khác, thị đã bám lấy TRàng như người chết đuối vớ được cọc. Tình cảnh khốn quẫn khiến thị không nghĩ được sâu xa. Chỉ cần được sống qua từng thời khắc con người đã cúi đầu hạ mình một cách xót xa, tủi nhục… Cô dâu về nhà chống trong bộ quần áo tả tơi như tổ đỉa, trong ánh mắt ái ngại, lo âu của những người dân xóm ngụ cư…Thật xót xa khi giá trị của người vợ được ví như một món ăn hay món nợ đèo bong.

          -Nhân vật bà cụ Tứ: bà cụ Tứ cũng chính là nạn nhân cũng năm đói. Cái đói khiến gia cảnh càng ngày càng túng quẫn, anh con trai không có tiền cưới vợ mà chỉ có vợ theo. Bà cụ Tứ luôn sống trong tâm trạng tủi hờn về trách nhiệm làm mẹ chưa trọn của mình. Thậm chí không có một vài mâm cơm đẻ ra mắt thiết đãi họ hàng làng xóm. Bữa cơm mừng nàng dâu mới của bà mẹ chồng cũng chỉ là cháo cám thảm hại, đắng nghét. Bà cụ Tứ đã phải tiếp đãi nàng dâu mới bằng một thứ thức ăn vốn không dành cho con người.

 ***Nhặt vợ là câu chuyện về niềm tin, niềm lạc quan vươn lên cái đói, cái chết để được sống và hạnh phúc:

-Sự chiến thắng của con người đối với hoàn cảnh éo le, tăm tối. Cái đói cái chết không ngăn cản được con người khao khát sống, khao khát hạnh phúc: câu chuyện bắt đầu từ một chuyện đùa, nhưng đùa mà hóa thật. Hai con người ấy rất cần cho nhau, người đàn bà vì bản năng ham sống mãnh liệt mà chấp nhận thân phận vợ nhặt, Tràng cần có một người đàn bà để có được một gia đình. Trong tình cảnh ngay cả mạng sống của mình chưa chắc được bảo toàn mà con người không thôi nghĩ về hạnh phúc và trân trọng hạnh phúc của mình. Đó là tư cách làm người trong mỗi con người. Niềm khao khát hạnh phúc gia đình khiến Tràng vượt qua hoạn nạn để lấy vợ, bản năng tự nhiên khiến con người tuyên chiến với cái chết để giữ được hạnh phúc.

-thể hiện trong sự vận động của các tình tiết trong mạch truyện: đi từ bóng tối ra ánh sáng, u ám đến rực rỡ, từ bế tắc khốn cùng đến hi vọng, lạc quan, từ cái chết đến sự sống…Trước khi Tràng dẫn người đàn bà về thì bao trùm lên xóm ngụ cư là cái bóng âm u, ảm đạm, chết chóc. Âm thanh ghê rợn với tiếng quạ kêu từng hồi thê thiết, tiếng trống thúc thuế, tiếng hờ khóc của những nhà có người chết. Không khí ảm đảm chết chóc với mùi gây của xác người, mùi đấm rấm khét lẹt. Hình ảnh tang thương, tiêu điều với người chết đói như ngả dạ, ngày nào cũng có ba bốn thây chết còng queo ở chợ, người sống thi bồng bế nhau đi tản cư, dật dờ như những bóng ma. Thế nhưng khi TRàng dẫn người đàn bà về thì cảnh vật không khí có sự đồi khác. Mọi người đứng ra cửa nhà bàn tán, trẻ con xúm lại trêu đùa Tràng. Có một cái gì tươi mát làm cho khuôn mặt u tối của họ sáng lên. Đi giữa sự bủa vây của cái chết nhưng Tràng và người vợ nhặt vẫn lạc quan, tin tưởng gắn bó với nhau và hướng về phía trước. Truyện mở đầu bằng buổi chiều xám xịt với cái đói cái chết bủa vây nhung kết thúc là ánh bình minh rực rỡ với hình ảnh lá cờ đỏ thắm, điều đó thể hiện sự vận động của cốt truyện đã đi từ bóng tối ra ánh sáng.

-thể hiện trong sự biến đổi tâm trạng và tính cách nhân vật: nhờ có hạnh phúc, có gia đình, Tràng trở nên người có trách nhiệm hơn: bây giờ hắn mới thấy hắn nên người. Đặc biệc sau đêm tân hôn, Tràng trở thành một người đàn ông trưởng thành thực sự. Người con trai bỗng dưng may mắn có được vợ khiến bà cụ Tứ trở nên vui tươi, đầy hi vọng. Sau những lo lắng, tủi hờn thương xót, người mẹ già nua, lọng khọng ấy đã vun vén nhà cửa cho con, nói toàn những chuyện vui để động viên các con vượt qua ngày đói hướng tới những điều tốt đẹp ở tương lai. Sự biến đổi ở người vợ nhặt là rõ ràng nhất. Từ tình cảm vất vưởng lang thang đầu đường xó chợ, thị đã có một nơi ấm áp nương tựa. Từ chỗ tận cùng của cái đói, cận kề cái chêt chị đã được sống, chia sẻ với cuộc sống gia đình. Từ chỗ chao chat chỏng lỏn khiến chị trở nên hiền thục, đảm đang. Từ chỗ liều mình, cạn nghĩ thị đã sớm bộc lộ sự ý tứ, sâu sắc trong lời ăn tiếng nói, hành động của mình…

****Nhận xét, đánh giá

>>Như vậy nhặt vợ là tình huống độc đáo đã làm nổi bật được bức tranh tăm tối, túng quẫn của cuộc sống con người trong năm đói ghê gớm, nó góp phần tạo nên giá trị hiện thực và ý nghĩa tố cáo cho truyện. Nhưng tình huống vợ nhặt cũng là tình huống chứa đầy niềm tin và hi vọng. Đây là chiều sâu tư tưởng nhân đạo của Kim Lân. Hai ý kiến không mâu thuẫn mà hợp nhất tạo nên cái nhìn hoàn chỉnh về tình huống truyện vợ nhặt, nó góp phần định hướng cho người đọc khi tiếp cận vẻ đẹp của tác phẩm cũng như giá trị hiện thực nhân đạo sâu sắc của tác phẩm.

>>Nghệ thuật xây dựng tình huống truyện: tình huống đơn giản mà hấp dẫn. Ở đó nhà văn đã tạo được những xung đột nghịch lí tưởng chừng như không thể dung hòa: con người đi tìm kiếm hạnh phúc trong hoàn cảnh cực kì nghèo khó về vật chất; hạnh phúc đôi lứa nảy sinh trong nỗi tuyệt vọng và đói khát, sự sống nảy sinh giữa cái chết, hi vọng nảy sinh trong cơ cực, chua chát. Nhà văn cũng đã xây dựng được một tình huống độc đáo, dồn nén, có kịch tính, thể hiện bản lĩnh của một ngòi bút tài năng…

ĐỀ 4

I.PHẦN ĐỌC HIỂU

Đọc đoạn văn sau và trả lời các câu hỏi bên dưới:

        “Nhưng bây giờ thì hắn tỉnh. Hắn bâng khuâng tỉnh dậy sau một cơn say rất dài. Cũng như những người say tỉnh dậy, hắn thấy miệng đắng, lòng mơ hồ buồn. Người thì bủn rủn, chân tay không buồn nhấc. Hay là đói rượu? Nghĩ đến rượu hắn hơi rung mình. Ruột gan lại nôn nao lên một tí. Hắn sợ rượu cũng như những người ốm thường sợ cơm. Tiếng chim hót ngoài kia vui vẻ quá! Có tiếng cười nói của những người đi chợ. Anh thuyền chài gõ mái chèo đuổi cá. Những tiếng quen thuộc ấy hôm nào chả có. Nhưng hôm nay, hắn mới nghe thấy…Chao ôi là buồn!

-         Vải hôm nay bán mấy?

-         Kém ba xu, dì ạ.

-         Thế thì còn ăn thua gì?

-         Có khéo co mới được một tấm năm xu.

-         Thật thế đấy. Nhưng chẳng lẽ rằng lại chơi…

      Chí Phèo đoán chắc rằng một người đàn bà hỏi một người đàn bà khác đi buôn vải ở Nam Định về. Hắn lại nao nao buồn, là vì mẩu chuyện ấy nhắc cho hắn một cái gì rất xa xôi. Hình như có một thời hắn đã ao ước có một gia đình nho nhỏ. Chồng cuốc mướn cày thuê, vợ dệt vải. Chúng lại bỏ một con lợn nuôi để làm vốn liếng. Khá giả thì mua dăm ba sào ruộng làm”

                             (Chí Phèo, Nam Cao, Ngữ văn 11, Nxb giáo dục)

1.Đoạn văn trên miêu tả tâm trạng nào của Chí Phèo? Tại sao Chí Phèo lại có tâm trạng đó?

2.Câu “Hình như có một thời hắn đã ao ước có một gia đình nho nhỏ” có những nghĩa tình thái nào?

3.Dựa vào ngữ cảnh giao tiếp trên, hãy cho biết nghĩa hàm ẩn của câu “ Nhưng chẳng lẽ rằng lại chơi…”

4.Trong đoạn văn tác giả thường sử dụng từ láy để miêu tả Chí Phèo. Đó là những từ nào và cho biết giá trị biểu cảm của nó.

5.Cảm nhận của em về sự thức tỉnh của Chí Phèo qua đoạn văn trên.

Đọc đoạn thơ sau và trả lời câu hỏi phía dưới:

                   Anh bỗng nhớ em như đông về nhớ rét

                   Tình yêu ta như cánh kiến hoa vàng

                   Như xuân đến chim rừng long trở biếc

                   Tình yêu làm đất lạ hóa quê hương

                             (Tiếng hát con tàu – Chế Lan Viên)

6.Qua đoạn thơ, tác giả muốn thể hiện điều gì?

7.Chỉ ra biện pháp tu từ được tác giả sử dụng và nêu tác dụng của nó?

8.Nhận xét về cách sử dụng ngôn ngữ, hình ảnh của tác giả?

9.Hãy tìm ra câu thơ thể hiện rõ chất suy tưởng và triết lí của nhà thơ Chế Lan Viên? Và lí giải vì sao câu thơ lại chứa đựng chất suy tưởng triết lí?

II. PHẦN TẠO LẬP VĂN BẢN

1.Từ truyện ngắn Chiếc thuyền ngoài xa của Nguyễn Minh Châu, hãy viết bài văn khoảng 600 từ trình bày suy nghĩ của anh chị về  vấn đề: Trẻ em sẽ sống ra sao nếu bạo lực gia đình xảy ra?

2.“Thời nào cũng thế, thân phận người phụ nữ là hình ảnh nổi bật cho thân phận con người.”

      Từ cảm nhận về nỗi thống khổ của nhân vật Mị (Vợ chồng A Phủ - Tô Hoài) và nhân vật người vợ nhặt (Vợ nhặt – Kim Lân), anh chị hãy bình luận ý kiến trên.

ĐÁP ÁN ĐỀ 4

I. PHẦN ĐỌC HIỂU

1. Tâm trạng của Chí là buồn, một nỗi buồn nao nao. Đó là tâm trạng của Chí Phèo trong một buổi sáng sau cái đêm gặp Thị Nở. Chí nghe những ấm thanh trong cuộc sống nhớ lại những ước mơ trong quá khứ. Tất cả đã bỏ Chí Phèo ra đi, Chí Phèo không còn là con người lương thiện bình thường nữa.

2. Câu “Hình như có một thời hắn đã ao ước có một gia đình nho nhỏ” có hai nghĩa tình thái.: sự việc không được chắc chắn “hình như”, sự việc đã diễn ra trong quá khứ từ rất lâu: “có một thời”

3. Đặt trong ngữ cảnh đoạn văn, câu “Nhưng chẳng lẽ rằng lại chơi” có nghĩa hàm ẩn là dù rẻ mạt thì vẫn cứ phải làm (dù vải có kém thì vẫn cứ phải đệt chứ không thể ngồi chơi).

4. Tác giả sử dụng các từ láy: bang khuâng, nao nao, bủn rủn, nôn nao để miêu tả Chí Phèo. Những từ láy này lại mang giá trị biểu cảm rất lớn, thể hiện một nỗi buồn âm ỉ, chất chứa nhiều nỗi niềm.

5. Sau đêm gặp Thị Nở, sớm hôm sau Chí Phèo tỉnh dậy lòng mơ hồ buồn. Chí bắt đầu cảm nhận được âm thanh của cuộc sống: tiếng chim hót vui vẻ, tiếng những người đàn bà đi buôn vải ở Nam Định về bàn tán về giá cả, tiếng mái chèo khua nước. Những âm thanh ấy ngày nào chẳng có. Nhưng trước đây khi chìm trong sơn say dài mênh mông vô tận, khi trượt dài trên con dốc của sự tha hóa, khi đạp đổ biết bao hạnh phúc và làm chảy máu và nước mắt biết bao người dân lượng thiện, Chí không nhận thấy. Giờ đây những âm thanh ấy tác động đến thế giới tâm hồn của Chí. Đây là dấu hiệu đầu tiên của quá trình thức tỉnh. Âm thanh của hiện tại lại gợi nhắc quá khứ. Chí nhớ về quá khứ với ước mơ thánh thiện tuổi đôi mươi: “Chồng cày thuê…”. Một ước mơ nhỏ bé, bình dị nhưng thánh thiện đáng trân trọng biết bao. Qua đó cho ta thấy bản tính lương thiện  Chí.

6. Qua đoạn thơ tác giả muốn thể hiện tình cảm gắn bó thiết tha với nhân vật em, một đối tượng để tác giả bộc lộ tình cảm với nhân dân, với mảnh đất Tây Bắc của Tổ quốc.

7. biện pháp tu tù được nhà thơ sử dụng trong đoạn thơ là: nhân hóa, so sánh

- tác dụng nhấn mạnh nỗi nhớ, tình cảm sâu nặng của nhân vật trữ tình với em – nhân dân, mảnh đất Tây Bắc. Khẳng định tình yêu thiết tha được ví như đông nhớ rét, cánh kiến hoa vàng và chim rừng với mùa xuân.

8. tác giả sử dụng ngôn ngữ, hình ảnh giản dị nhưng giàu giá trị tạo hình và biểu cảm.

9. Câu thơ thể hiện tính triết lí suy tưởng: “Tình yêu làm đất lạ hóa quê hương”. Câu thơ này thể hiện một triết lí nhân sinh ở đời. Tình yêu sự gắn bó sẽ lầm cho những mảnh đất lạ thành quê hương thân thiết trong mỗi con người. Cũng giống như hai câu “Khi ta ở chỉ là nơi đất ở - Khi ta đi đất đã hóa tâm hồn”

II. PHẦN TẠO LẬP VĂN BẢN

1.-  Giới tiệu ngắn gọn tác phẩm Chiếc thuyền ngoài xa và vấn đề “trẻ em sẽ sống ra sao nếu bạo lực gia đình xảy ra”

        Trong truyện ngắn Chiếc thuyền ngoài xa, khi Phác chứng kiến cảnh bố đánh mẹ trên bãi phá thì Phác đã lao vào đánh bố giải thoát cho mẹ… Truyện đã gợi cho người đọc suy nghĩ về vấn đề: bạo lực gia đình và tương lai của trẻ em nếu sống trong một gia đình luôn bị bạo hành.

-  Thực trạng bạo lực gia đình trong xã hội ngày nay?

      Là vấn đề nhức nhối trong xã hội: chồng đánh vợ, vợ đánh chồng, con cái đánh bố mẹ, bố mẹ đánh con cái…

-  Nguyên nhân dẫn đến bạo lực gia đình

      + do bản tính con người, do tư tưởng lạc hậu

      +do nghèo đói, cơm áo gạo tiền đè nặng (trong truyện bạo lực gia đình là do cái nghèo cái đói)

       +do nhận thức của một số người còn thấp

-  Hậu quả

        +gia đình không hạnh phúc, dẫn đến cảnh đổ vỡ

        +đối với trẻ em:

             -trẻ em là những mầm non tương lai của đất nước, cần được giáo dục tốt trong một môi trường tốt để có cơ hội phát triển đầy đủ và toàn diện nhất.

         -bạo lực gia đình xẩy ra làm ảnh hưởng đến khả năng phát triển của trẻ.

         -gây ra những nhận thức sai lệch về cuộc sống xung quanh, trẻ dễ bắt chước những hành động của người lớn.

        -hình thành những vết đen trong nhân cách trẻ. Những vết đen ấy sẽ càng lớn dần theo thời gian, hủy hoại nhân cách của trẻ. Đây là một trong những con đường ngắn nhất để dẫn đến tệ nạn xã hội.

-  Giải pháp

      +đối với gia đình: các bậc cha mẹ cần hoàn thiện bản thân, xóa bỏ bạo lực gia đình

      +đối với nhà trường: có định hướng và giáo dục học sinh về tác hại của bạo lực với gia đình, xã hội và chính bản thân mỗi người

      +đối với xã hội: tuyên truyền về tác hại của bạo lực gia đình đến với mỗi người, giáo dục thông qua các phương tiện truyền thông, có biện pháp và phương tiện xử lí đúng đắn đối với những gia đình xảy ra bạo lực. Hỗ trợ những gia đình nghèo (việc làm, lương thực, đảm bảo việc đến trường cho trẻ)

      +đối với cá nhân trẻ: cần nhận thấy tác hại của bạo lực, từ đó tránh và có những hành động đúng đắn trong mỗi trường hợp.

-  Bài học rút ra cho bản thân

           Chiếc thuyền ngoài xa của Nguyễn Minh Châu nêu lên thực trạng đáng chú ý trong xã hội, nhất là xã hội phát triển như hôm nay: bạo lực gia đình. Qua đó thể hiện những bài học nhận thức sâu sắc về vai trò của gia đình trong việc phát triển, định hình nhân cách, hành động cho trẻ.

2. “Thời nào cũng thế, thân phận người phụ nữ là hình ảnh nổi bật cho thân phận con người.”

Từ cảm nhận về nỗi thống khổ của nhân vật Mị (Vợ chồng A Phủ - Tô Hoài) và nhân vật người vợ nhặt (Vợ nhặt – Kim Lân), anh chị hãy bình luận ý kiến trên. 

- Vài nét về tác giả tác phẩm

      +Kim Lân và Vợ nhặt

      +Tô Hoài và Vợ chồng A Phủ

- Giải thích ý kiến

       +thân phận là nỗi đau khổ của kiếp người, là cảnh ngộ không may mắn mà do số phận định đoạt, con người phải trải qua

       +ý nghĩa: nỗi khổ đau đã trở thành thân phận của người phụ nữ là nét tiêu biểu cho nỗi đau khổ của thân phận con người

- Phân tích chứng minh

        +Nỗi khổ đau của nhân vật người vợ nhặt. Đây là nhân vật có số phận bất hạnh. Cuộc đời chị gói gọn trong số không tròn trĩnh: không tên tuổi, không quê quán, không nghề nghiệp, không nhan sắc. Năm đói đến chị tiếp tục là nạn nhân. Cái đói làm chị bị biến dạng cả hình hài lẫn tính cách. Chị gầy sọp đi, khuôn mặt lưỡi cày xám xịt, ngực gầy, quần áo rách như tổ đỉa. Đánh mất tất cả sự đoan trang nữ tính chị trở lên đanh đá, chua ngoa, chỏng lỏn, gợi chuyện ăn uống lộ liễu, rồi đánh liều theo không người đàn ông xa lạ chỉ vì đói. Cái đói cũng biến một chuyện trọng đại trong đời chị trở thành một trò đùa. Nhẽ ra ngày cưới phải là ngày hạnh phúc nhất của cô gái, phải được cha đưa mẹ đón, trải qua các nghi thức cưới hỏi, được sự chúc phúc của hai bên gia đình. Ở đây hò hẹn chỉ có hai bận tình cờ, đính hôn cũng chỉ là bốn bát bánh đúc, tân hôn là hai hào dầu, và tiệc cưới chỉ là cháo cám thảm hại. Đám cưới diễn ra trên nền bối cảnh của sự chết chóc với âm thanh, không khí, hình ảnh tiêu điều, tang thương, xơ xác, ảm đạm của xóm ngự cư khi cái đói tràn về vây bủa. Thân phận người vợ nhặt nhỏ bé, vô danh, bèo bọt…như một cọng rơm cọc rác bị cuộc đời xô đẩy và người ta có thể nhặt về làm vợ. Để làm nổi bật thân phận của cô vợ nhặt, cây bút truyện ngắn xuất sắc Kim Lân đã phối kết hợp nhiều biện pháp nghệ thuật khác nhau. Từ tình huống bất ngờ oái oăm – Tràng nhặt được vợ trong ngày đói, Kim Lân đã làm nổi bật số phận nhân vật cô vợ nhặt. Cùng với đó là ngôn ngữ đối thoại tự nhiên, sinh động, phù hợp với tâm lí hoàn cảnh.

+Nỗi khổ của Mị: Mị là cô gái Tây Bắc lí tưởng (xinh đẹp, hiếu thảo, có tài thổi sáo, yêu lao động, yêu tự do) nhưng vì món nợ truyền kiếp, Mị bị bắt về làm con dâu gạt nợ cho nhà Pá Tra. Từ khi về nhà Pá Tra, Mị chịu ba nỗi khổ: bóc lột sức lao động, chà đạp lăng nhục nhân phẩm và bị cầm tù về tinh thần. Mị phải làm việc quần quật cả ngày lẫn đêm, giặt đay, thái cỏ ngựa, bẻ bắp…Đi đâu, Mị cũng bỏ một bó đay trong cánh tay áo để khi nào rảnh bỏ ra tước sợi. Trong tác phẩm hai lần nhà văn so sánh thân phận Mị với con trâu, con ngựa nhà Pá Tra. Nhưng nếu con trâu, con ngựa còn có lúc nghỉ ngơi để nhai cỏ, gãi chân thì con người như Mị không biết đến nghỉ ngơi. Mị còn bị lăng nhục nhân phẩm. Trong tác phẩm, ba lần A Sử đã đánh Mị.  Đêm tình mùa xuân Mị muốn đi chơi, A Sử đã trói Mị bằng cả một thúng dây đay và cột tóc lên trần nhà. Khi A Sử bị A Phủ đánh, Mị đã thức cả đêm thoa thuốc cho chồng, mệt quá thiếp đi, A Sử tỉnh dậy lấy chân đạp vào mặt Mị. Những đêm mùa đông Tây Bắc rất lạnh, Mị không ngủ được thức để hơ tay sưởi lưởi, A Sử đi chơi về đạp cho Mị ngã lăn bên của bếp. Mị còn bị cầm tù về mặt tinh thần. Khi Pá Tra bắt Mị về làm con dâu gạt nơ hắn đã thắp hương lầm rầm khấn vái cúng trình ma. Mị sống trong một căn buồng tối om, giao tiếp với bên ngoài chỉ là ô cửa bằng bàn tay trông ra ngoài không biết là sương hay là nắng. Mị giống như con rùa lùi lũi nuôi sau xó cửa. Như vậy sống kiếp con dâu nhà giàu, Mị bị hành hạ về thể xác, đầy đọa về tinh thần, bị vùi dập đến mức tê liệt sức sống và khát vọng. Để làm nổi bật thân phận Mị, tác giả cũng sử dụng nhiều biện pháp nghệ thuật. Nhân vật được đặt trong một tình huống bi kịch để làm nổi rõ thân phận, nội tâm nhân vật được diễn tả tinh tế, phong phú, phức tạp; lời kể của nhà văn hòa vào dòng tâm tư của nhân vật.

- Đánh giá nhận xét

          Ý kiến trên hoàn toàn đúng. Tô Hoài và Kim Lân đều là những nhà văn có tư tưởng nhân đạo sâu sắc, quan tâm đến số phận con người đặc biệt là thân phận người phụ nữ.

          Hình tượng nhân vật Mị và nhân vật người vợ nhặt thể hiện những đóng góp quan trọng của nhà văn. Đây là những khám phá sâu sắc về thân phận người phụ nữ ở những cảnh ngộ, tình huống khác nhau, nhưng đều tiêu biểu cho nỗi khổ đau của thân phận con người trong mọi hoàn cảnh

          Nỗi thống khổ của hai nhân vật được khắc họa bằng nghệ thuật điêu luyện nên càng có ý nghĩa tiêu biểu.

ĐỀ 5

I. PHẦN ĐỌC HIỂU

Đọc đoạn thơ và thực hiện yêu cầu sau:

                   Con gặp lại nhân dân như nai về suối cũ

                   Cỏ đón giêng hai chim én gặp mùa

                   Như đứa trẻ thơ đói lòng gặp sữa

                   Chiếc nôi ngừng bỗng gặp cánh tay đưa

                                      (Tiếng hát con tàu – Chế Lan Viên)

1. Đoạn thơ thể hiện tư tưởng, tình cảm gì của tác giả

2. Xác định biện pháp tu từ trong đoạn thơ và nêu tác dụng của chúng

3. Theo anh chị “con” và “nhân dân” trong đoạn thơ đề cập đến ai? Cách xưng hô như thế thể hiện tâm tư, tình cảm gì của “con”?

Đọc đoạn văn sau và trả lời câu hỏi phía dưới:

     “Chiều, chiều rồi. Một chiều êm ả như ru, văng vẳng tiếng ếch nhái kêu ran ngoài đồng ruộng theo gió nhẹ đưa vào. Trong cửa hàng hơi tối muỗi đã bắt đầu vo ve. Liên ngồi yên lặng bên mấy quả thốc sơn đen, đôi mắt chị bóng tối ngập đầy dần và cái buồn của buổi chiều quê thấm thía vào tâm hồn ngây thơ của chị. Liên không hiểu sao nhưng chị thấy lòng buồn man mác trước cái giờ khắc của ngày tàn.

- Em thắp đèn lên chị Liên nhé?

Nghe tiếng An, Liên đứng dậy trả lời:

- Hẵng thong thả một lát nữa cũng được. Em ra ngồi đây với chị kẻo trong ấy muỗi

  An bỏ bao diêm xuống bàn cùng chị ra ngoài chõng ngồi; chiếc chõng nan lún xuống và kêu cót két

- Cái chõng này sắp gãy rồi chị nhỉ?

 - Ừ để rồi chị bảo mẹ mua cái khác thay vào”

(Hai đứa trẻ, Thạch Lam, Ngữ Văn 11, Nxb giáo dục)

4.Hãy cho biết không gian, thời gian và tâm trạng của nhân vật trong đoạn văn trên?

5. Câu “Cái chõng này sắp gãy rồi chị nhỉ?” có các nghĩa tình thái nào?

6. Qua đoạn đối thoại trên, em hãy cho biết vị thế, mối quan hệ, tính cách của nhân vật Liên và An?

7. Tìm các từ tượng thanh trong đoạn văn và cho biết giá trị biểu cảm của chúng?

8. Cảm nhận của em về tình quê, tình người trong đoạn văn?

II. PHẦN TẠO LẬP VĂN BẢN

1.“Nơi nào có ý chí nơi đó có con đường” . Viết một bài văn ngắn khoảng 600 từ trình bày suy nghĩ của em về ý kiến đó.

2.Cảm nhận của anh chị về khát vọng sống của Mị và người vợ nhặt trong tác phẩm Vợ chồng A Phủ của Tô Hoài và Vợ nhặt của Kim Lân.

ĐÁP ÁN ĐỀ 5

I. PHẦN ĐỌC HIỂU

1.Đoạn thơ thể hiện niềm vui, niềm hạnh phúc lớn lao của nhà thơ khi được trở về với nhân dân

2. Các biện pháp tu từ được sử dụng trong đoạn thơ: biện pháp so sánh được sử dụng dày đặc

      Tác dụng: Nhấn mạnh niềm hạnh phúc lớn lao và ý nghĩa sâu xa của việc trở về với nhân dân. Trở về với nhân dân vui sướng hạnh phúc như con nai trở về môi trường suối nguồn quen thuộc, như cỏ cây chim muông vào xuân, như đứa trẻ đói gặp bầu sữa mẹ, chiếc nôi ngừng bỗng được tay mẹ đưa nôi. Điều đó phù hợp với qui luật bởi vì về với nhân dân là về với ngọn nguồn của sự sáng tạo nghệ thuật, về với những gì thân thiết của lòng mình.

3.“Con” chính là nhà thơ Chế Lan Viên, “nhân dân” là đồng bào Tây Bắc, đó là anh du kích, em liên lạc, bà mế…Cách xưng hô này thể hiện tình cảm thân tình, ruột thịt của nhà thơ với đồng bào, nhân dân Tây Bắc – những người đã cưu mang đùm bọc che chở mình trong những năm tháng chống Pháp gian khổ.

4.Không gian: đó là không gian phố huyện nghèo. Nơi đó có gian hàng tạp hóa của chị em Liên.

    Thời gian đang chuyển dần từ chiều về tối và bóng tối bắt đầu bao trùm phố huyện

     Tâm trạng của nhân vật: chứng kiến thời khác buồn của ngày tàn, tâm trạng Liên và An cũng đượm buồn…

5.Từ “sắp” nghĩa tình thái chỉ sự việc dự kiến sẽ diễn ra rất gần

Từ “nhỉ” thái độ gần gũi, thân mật của người nói.

6.Qua đoạn đối thoại với hai lượt hỏi của An, hai lượt trả lời của Liên có thể thấy vị thế quan hệ tính cách của họ như sau:

 - Vị thế, quan hệ: An ở vị thế thấp (em), Liên ở vị thế cao (chị). Cả hai đều rất gần gũi, thân thuộc, yêu thương lẫn nhau.

   - An còn vô tư và mọi thắc mắc là hỏi chị. Liên tuy còn trẻ nhưng có tâm hồn nhạy cảm, chin chắn, lo toan và có khả năng giải quyết những câu hỏi do An đưa ra.

7.Các từ tượng thanh trong đoạn văn: văng vẳng, vo ve, cót két. Tác giả đã dùng cái động để tả cái tĩnh, mang lại giá trị biểu cảm rõ nét. Đó chỉ là những âm thanh rất nhỏ càng làm nổi bật cảnh phố huyện đìu hiu, vắng vẻ với cái buồn man mác. Nó làm cho đoạn văn mang đậm chất thơ.

8.Cảm nhận từ đoạn văn là tình quê tình người chứa chở. Buổi chiều quê ở phố huyện Cầm Giàng  qua cái nhìn tinh tế, nhạy cảm của Liên hiện ra thật yên ả, nên thơ, tĩnh lặng và đượm buồn. Âm thanh nhỏ bé của tiếng muỗi vo ve, tiếng ếch nhái kêu ngoài đồng ruộng càng tăng thêm sự tịch mịch của buổi chiều quê vắng lặng, yên ả. Phải yêu quê hương lắm Liên mới có thể phác họa buổi chiều quê đẹp đến vậy. Bên cạnh tình quê là tình người sâu đậm. Đó là tình chị em thân thiết. Điều đó được thể hiện qua những câu thoại thân mật giữa An và Liên và sự quan tâm chăm sóc  mà Liên dành cho em mình…

II. PHẦN TẠO LẬP VĂN BẢN

1.– giải thích

    +ý chí là nghị lực tinh thần thuộc phần nội tại của con người, có tác dụng giúp họ kiên trì theo đuổi mục đích đã được đặt ra, thực hiện được lí tưởng, sự nghiệp đã được hướng tới.

    +con đường được đề cập ở đây là con đường đi đến thành công, đạt được mục đích thể hiện được mục đích cao quí của cuộc đời.

    +Nội dung của câu nói: ý chí, niềm tin là yếu tố tạo nên thành công trên mọi con đường. Nói cách khác để tìm ra con đường đi tới thành công trong cuộc đời cần có ý chí, sự nỗ lực, quyết tâm, kiên trì theo đuổi mục đích.

- Bình luận

      +ý chí là  nghị lực tinh thần giúp con người kiên trì theo đuổi mục đích cao quí của cuộc đời. Khi kiên trì theo đuổi mục đích, chúng ta sẽ tìm ra con đường đi tới thành công

      +Có ý chí và lòng quyết tâm, con người sẽ vượt qua tất cả mọi khó khăn ngáng trở trên đường đời.

      +Không có ý chí con người sẽ nản lòng, chùn bước, gục ngã trước những khó khăn.

- liên hệ mở rộng

       +phê phán những con người ỷ lại, trước những khó khăn nhanh chóng đầu hàng

- bài học nhận thức và hành động

    +Đây không phải tư tưởng duy ý chí mà là một nhân sinh quan tích cực

      +ý kiến trên thực sự là một chân lí, là kim chỉ nam hành động cho mọi người, nhất là đối với thanh niên chúng ta

2. – vài nét về tác giả, tác phẩm

 - Phân tích

          +Khát vọng sống của Mị:

               -Nói qua về số phận bi kịch+ làm con dâu gạt nợ

                                     +bóc lột sức lao động

                                      +cầm tù về tinh thần

                                      +lăng nhục nhân phẩm

               -Sự trỗi dậy của khát vọng sống + khi mới về làm dâu.

                                            +đêm tình mùa xuân

                                            +đêm đông cởi trói cứu A Phủ

               -Nghệ thuật thể hiện: +tình huống bi kịch

          +Nghệ thuật miêu tả tâm lí nhân vật

         +ngôn ngữ sinh động, chọn lọc, giàu chất thơ

+Khát vọng sống của người vợ nhặt

         - Nói qua về số phận bi kịch

   +cuộc đời gói gọn trong số không

   +nạn nhân của năm đói: biến dạng hình hài lẫn tính cách…

    +cái đói biến chuyện lấy chống trở thành trò đùa…

       - Khát vọng sống:

            +đánh mất lòng tự trọng theo không người đàn ông xa lạ vì đói

          + Thay đổi theo chiều hướng tích cực: đảm đang tháo vát…

       - Nghệ thuật biểu hiện

            +Tình huống oái oăn Tràng nhặt vợ trong ngày đói.

            +Ngôn ngữ đối thoại tự nhiên, sinh động, phù hợp với tâm lí…

          +Miêu tả tâm lí phức tạp của nhân vật

- So sánh

 +điểm giống: - đều có số phận bi kịch

                             - đều vượt lên số phận

                             - đều được xây dựng bằng bút pháp hiện thực

                             - miêu tả tâm lí sắc sảo, tinh tế.

+khác nhau:Mị là nạn nhân trực tiếp của bọn phong kiến miền núi thì người vợ nhặt là nạn nhân của bọn thực dân Pháp, phát xít Nhật. Nhân vật Mị được xây dựng trên bối cảnh xã hội nông thôn miền núi những năm trước khi cuộc kháng chiến chống Pháp thắng lợi, còn nhân vật người vợ nhặt đặt trong bối cảnh xã hội Việt Nam trong nạn đói 1945