Thiết chế gia đình Việt Nam hiện nay

xã hội, các chức năng của gia đình cũng biến đổi dưới nhiều chiều cạnh khác nhau. Có thể nói, quá trình công nghiệp hoá và toàn cầu hoá đã tạo nhiều cơ hội, đồng thời cũng đặt gia đình và công tác gia đình trước nhiều khó khăn, thách thức. Mặt trái của cơ chế thị trường, cộng với lối sống thực dụng tác động mạnh tới các giá trị đạo đức truyền thống và lối sống lành mạnh. Nhiều gia đình nếu không được hỗ trợ, không được chuẩn bị đầy đủ sẽ không đủ năng lực đối phó với những thay đổi nhanh chóng về kinh tế - xã hội và không làm tròn các chức năng vốn có của mình [12].

Nghiên cứu về chức năng của gia đình và sự biến đổi của nó có khá được nhiều học giả quan tâm. Các nghiên cứu (Vũ Tuấn Huy, 1995; Trịnh Hòa Bình, 2008; Hà Việt Hùng, 2010; Lê Ngọc Văn, 2012) chỉ rõ, biến đổi gia đình cũng mang những nét cơ bản của biến đổi xã hội. Sự biến đổi đó được thể hiện ở các khía cạnh từ cấu trúc gia đình cho đến các chức năng của gia đình và các mối quan hệ trong gia đình. Nhìn chung, các tác giả đã cố gắng cung cấp những bằng chứng để nhận diện và lý giải sự biến đổi của gia đình. Điều này có nghĩa là, biến đổi gia đình đã và đang diễn ra trong bối cảnh kinh tế- xã hội ở nước ta hiện nay.

Để góp phần nhận diện và phân tích về chức năng của gia đình và sự biến đổi của nó, bài viết này khai thác những giá trị và hạt nhân hợp lý của lý thuyết cấu trúc chức năng nhằm đóng góp về mặt cơ sở lý luận trong việc lý giải sự biến đổi chức năng của gia đình hiện nay.

Nhận diện và lý giải chức năng của gia đình và sự biến đổi của nó trong bối cảnh kinh tế- xã hội hiện nay theo tiếp cận lý thuyết cấu trúc chức năng

Luận điểm cơ bản trong cách tiếp cận chức năng là phân tích cơ cấu của một xã hội, những mối liên hệ giữa các hệ thống khác nhau của nó. Họ coi xã hội tương tự như một cơ thể sống, bao gồm nhiều cơ quan, nhiều bộ phận. Các bộ phận, cơ quan này cùng hoạt động với nhau để cơ thể sống được. Các bộ phận khác nhau thực hiện các chức năng đối với nhau và với toàn cơ thể. Khi chức năng của một trong những bộ phận hoặc hệ thống xã hội thay đổi thì sẽ dẫn đến sự thay đổi chức năng của các bộ khác trong hệ thống xã hội [6].

Theo cách hiểu của cách tiếp cận này, gia đình cũng được coi là một thành phần trong cấu trúc của xã hội, nó thực hiện những chức năng cơ bản của xã hội nhằm đáp ứng nhu cầu của các thành viên gia đình và góp phần ổn định xã hội. Do đó, quan điểm này thường nhấn mạnh đến sự ổn định và hài hòa của gia đình. Sự ổn định của thiết chế gia đình góp phần vào sự ổn định và phát triển của xã hội. Vì thế, sự xung đột, mâu thuẫn và ly hôn đều là điều không mong muốn đối với đời sống gia đình [11]. Nhìn chung, trong lĩnh vực nghiên cứu về gia đình, cách tiếp cận chức năng cấu trúc là một trong những cách tiếp cận lý thuyết chủ đạo được dùng để lý giải gia đình hoạt động như thế nào, gia đình liên quan với xã hội bên ngoài và với các thành viên ra sao.

Với tư cách là một thiết chế xã hội, khi nghiên cứu gia đình luôn chú ý đến mối quan hệ giữa gia đình và xã hội, mối quan hệ và tác động lẫn nhau giữa gia đình với các thiết chế xã hội khác như nhà nước, kinh tế, tôn giáo, giáo dục, văn hóa. Nghiên cứu gia đình cũng cần đặt trong sự tác động qua lại giữa gia đình và xã hội thông qua việc thực hiện các chức năng của nó. Do đó, gia đình là nơi thực hiện các chức năng thiết yếu cho cả cá nhân và xã hội. Vì thế, W. Goode (1982) cho rằng nếu gia đình không thực hiện đầy đủ các chức năng của nó thì những mục tiêu rộng lớn của xã hội cũng sẽ không đạt được [3]. Khi cấu trúc gia đình thay đổi thì mô hình gia đình cũng biến đổi phù hợp để đáp ứng các nhu cầu xã hội. Như vậy, theo cách hiểu của Goode, thiết chế gia đình có chức năng cơ bản của nó và những chức năng này góp phần tạo nên sự ổn định xã hội. Bản thân gia đình cũng có sự vận động nhất định. Khi gia đình thay đổi về cấu trúc thì chức năng của gia đình cũng thay đổi theo nhằm đáp ứng yêu cầu của xã hội.

Đồng tình với kết luận của Goode, nhà xã hội học người Anh- Anthony Giddens là tác giả của lý thuyết cấu trúc hóa chức năng cho rằng con người với tư cách là những hình thể tái tạo cấu trúc đồng thời hành động của họ bị chi phối bởi cấu trúc xã hội. Thông qua hành vi, hành động của mình, con người tạo dựng, thay đổi những cấu trúc xã hội mà họ là thành viên. Sự thay đổi cấu trúc diễn ra trong thời gian, không gian và trong cuộc sống của mỗi cá nhân. Nhờ mặt tích cực của hoạt động cá nhân mà cấu trúc xã hội được tái tạo một cách sinh động, liên tục chứ không phải một cách máy móc [5]. Theo đó, khi cấu trúc gia đình bị phá vỡ, cá nhân sẽ tích cực tái một cấu trúc mới với các chức năng phù hợp hơn. Ví dụ, ly hôn sẽ làm cấu trúc gia đình thay đổi, từ cấu trúc gia đình đầy đủ vợ chồng nay trở thành cấu trúc gia đình thiếu vợ hoặc chồng. Sự thay đổi cấu trúc này kéo theo sự thay đổi hàng loạt các chức năng của gia đình như chức năng kinh tế bị xé lẻ, chức năng thỏa mãn tình cảm, tình dục bị thiếu vắng, chức năng giáo dục thiếu hụt sự giáo dục con cái của cha hoặc mẹ. Sự thay đổi này buộc từng cá nhân trong cấu trúc gia đình thiếu ấy phải có những cách ứng phó của mình phù với những quy tắc của cấu trúc gia đình thiếu [8].

Khi cách tiếp cận cấu trúc chức năng, gia đình được phân tích theo 3 hướng: (1) Các chức năng của gia đình là gì, (2) quan hệ chức năng giữa gia đình và các bộ phận khác của xã hội nghiên cứu và (3) gia đình thực hiện những chức năng gì cho các thành viên. Việc thực hiện 3 hướng nghiên cứu này sẽ góp phần trả lời cho tính ổn định và tính hiệu quả của gia đình đối với xã hội hiện nay [2].

Lập luận về việc gia đình thực hiện chức năng gì cho các thành viên, các tác giả (Mai Huy Bích, 2011; Lê Ngọc Văn, 2011) đã khẳng định  kết quả nghiên cứu của Murdock (1957) rằng,  ở tất cả các xã hội mà Murdock nghiên cứu thì gia đình thực hiện bốn chức năng cơ bản và phổ biến mà ông gọi là chức năng tính dục, tái sinh sản, kinh tế và giáo dục. Murdock đã lập luận rằng, những chức năng này hết sức quan trọng đối với xã hội vì nếu không có chức năng tính dục và tái sinh sản, sẽ không có các thành viên của xã hội; nếu không có chức năng kinh tế, ví dụ việc cung ứng và chế biến nấu nướng món ăn, cuộc sống sẽ không còn nữa. Và, nếu không có chức năng giáo dục, tức là xã hội hóa, sẽ không có văn hóa, mà nếu không có văn hóa thì xã hội con người sẽ không thể vận hành. Vì thế, ông đã cho rằng chỉ có gia đình mới thực hiện các chức năng trên và người ta chưa tạo ra thể chế xã hội nào có hiệu qủa như gia đình. Do đó, gia đình có vai trò cực kỳ quan trọng đối với đời sống xã hội.

Cùng với Murdock, T. Parson đã thừa nhận, gia đình cũng thực hiện các chức năng cơ bản trên. Tuy nhiên, ông còn lý giải thêm rằng do sự chuyển biến xã hội và việc bước sang xã hội công nghiệp hiện đại, gia đình có thay đổi. Theo lý thuyết của ông về tiến hóa xã hội, xã hội biến đổi qua một qúa trình "phân hóa về cấu trúc", nghĩa là các thể chế tiến hóa bằng cách chuyên biệt hóa và thực hiện ít chức năng hơn. Điều này có nghĩa là, gia đình không còn thực hiện nhiều chức năng như trước nữa, mà có sự chuyển giao bớt các chức năng của gia đình cho các thể chế khác (nhà trường, bệnh viện, nhà thờ, nhà trẻ v.v...). Gia đình mất đi nhiều chức năng và gần như trở thành "không còn chức năng" nữa. Cụ thể, trừ một số ngoại lệ, nó không còn tham gia nhiều vào hoạt động kinh tế - sản xuất; nó không phải một đơn vị quan trọng trong hệ thống quyền lực chính trị v.v. Các thành viên riêng lẻ của gia đình tham gia vào tất cả những chức năng trên, nhưng với tư cách cá nhân chứ không phải với tư cách thành viên gia đình [2]. Như vậy, theo Parson, chức năng của gia đình sẽ thay đổi dưới sự tác động quá trình công nghiệp hiện đại. Mặc dù vậy, Parson vẫn khẳng định rằng, gia đình vẫn còn thực hiện chức năng cơ bản như xã hội hóa cá nhân và ổn định nhân người lớn. Điều này không đồng nghĩa rằng, gia đình mất đi hoặc suy giảm tầm quan trọng mà gia đình chỉ trở nên “chuyên biệt” hơn [2].

Theo cách hiểu của cách tiếp cận cấu trúc chức năng, nhiều nhà nghiên cứu xã hội học đều thống nhất rằng gia đình có một số chức năng cơ bản như:  (1) chức năng thỏa mãn tình cảm giữa các thành viên trong gia đình, (2) chức năng giáo dục, (3) chức năng sinh sản, (4) chức năng xã hội hóa và (5) chức năng kinh tế (Trịnh Hòa Bình, 2008; Lê Ngọc Văn, 2011; Hà Việt Hùng và Đặng Ánh Tuyết, 2012).

Có thể nói, với tiếp cận cấu trúc chức năng, gia đình được coi là một đơn vị quan trọng và thực hiện những chức năng cơ bản, then chốt đối với xã hội. Gia đình không chỉ có mối quan hệ với các thiết chế xã hội khác mà các yếu tố thành thiết chế gia đình cũng có mối quan hệ chặt chẽ với nhau. Với ý nghĩa này, gia đình là yếu tố cấu thành cơ cấu xã hội của một xã hội và thực hiện một số chức năng cơ bản của nó. Cơ cấu xã hội này tạo ra bối cảnh chung về văn hóa và tổ chức, đến lượt mình, bối cảnh này ảnh hưởng đến đời sống gia đình. Lẽ đó, biến đổi xã hội sẽ kéo sự biến đổi chức năng của gia đình là một tất yếu. Một khi gia đình thay đổi về cấu trúc thì các yếu tố cấu thành nên gia đình cũng theo đó mà thay đổi.

Như vậy, cách tiếp cận này đã góp phần nhận diện các chức năng của gia đình và cũng lý giải được sự biến đổi chức năng của gia đình theo một cách chung rằng, biến đổi gia đình là do sự tác động của biến đổi xã hội và sự biến đổi của gia đình về cấu trúc sẽ làm các yếu tố cấu thành gia đình. Song, các tiếp cận này vẫn chưa lý giải một cách thấu đáo về những tác nhân nào dẫn sự biến đổi của nó. Vì thế, cần phải tổng tích hợp các cách tiếp cận khác như tiếp cận lý thuyết biến đổi xã hội, lý thuyết hậu công nghiệp…để lý giải sự biến đổi chức năng của gia đình một cách thấu đáo hơn.

Sự biến đổi chức năng của gia đình Việt Nam trong bối cảnh hiện nay từ các nghiên cứu thực tiễn

Cách tiếp cận cấu trúc chức năng cho thấy, gia đình là một thiết chết xã hội và có đầy đủ những chức năng cơ bản của nó. Đồng thời, gia đình luôn có mối quan hệ với các thiết chế xã hội khác và cũng chịu tác động của bối cảnh xã hội mà nó đang tham gia. Do đó, những biến đổi kinh tế-xã hội đã diễn ra mạnh mẽ trên mọi khía cạnh của đời sống kinh tế-xã hội kéo theo sự biến đổi của gia đình, biến đổi chức năng của gia đình. Nhìn chung, các chức năng cơ bản của gia đình như chức năng kinh tế, chức năng sinh sản, chức năng giáo dục - xã hội hóa; chức năng tâm - sinh lý, tình cảm… được phục hồi, có điều kiện thực hiện tốt hơn và có vai trò đặc biệt quan trọng không chỉ đối với từng thành viên gia đình mà còn tác động mạnh mẽ đến sự phát triển của đời sống kinh tế - xã hội đất nước. Tuy nhiên, thực tế nhiều gia đình đã không tuân thủ các chức năng đó.

Chức năng kinh tế, vai trò gia đình trong tổ chức lao động ở các vùng nông thôn ngày càng bị hạn chế trong những điều kiện dân số ngày càng đông, đất đai canh tác ngày càng bị thu hẹp. Sự dôi dư lao động ngày càng nhiều đã đẩy một tỷ lệ lớn những người trong độ tuổi lao động đi tìm kiếm công việc ở bên ngoài, đi tới các khu công nghiệp hay ra thành phố. Ở thành phố Hà Nội hiện nay, ước tính có khoảng 80-85.000 phụ nữ từ các vùng nông thôn ra làm nghề giúp việc gia đình. Từ đó, gia đình dần mất đi vai trò của đơn vị sản xuất và vai trò là đơn vị tiêu dùng ngày càng thể hiện rõ ràng hơn [1].  Một nghiên cứu khác của nhóm tác giả Đặng Thị Ánh Tuyết, Hà Việt Hùng và Phan Thuận (2016) cho thấy, trong quá trình hiện đại hóa, các chức năng gia đình đang thay đổi khá mạnh mẽ, trong đó sự biến đổi chức năng kinh tế của gia đình đã dẫn tới sự thay đổi các chức năng khác của gia đình. Khi bước sang xã hội công nghiệp hiện đại, gia đình có thay đổi nhanh chóng. Gia đình không còn thực hiện nhiều chức năng như trước nữa, mà có sự chuyển giao bớt các chức năng của gia đình cho các thể chế khác. Gia đình mất đi nhiều chức năng và các thành viên của gia đình tham gia vào tất cả những chức năng của gia đình, nhưng với tư cách cá nhân, không phải với tư cách thành viên gia đình. Một đặc điểm nổi bật trong biến đổi gia đình ở các xã hội công nghiệp hóa là sản xuất tách rời khỏi nhà ở, các thành viên gia đình rời nhà đi làm để kiếm thu nhập mua các hàng hóa mà trước kia gia đình có thể sản xuất được [10].

Chức năng thỏa mãn tình cảm, vai trò của gia đình trong tổ chức sinh hoạt cuộc sống hàng ngày đang ngày càng giảm đi. Cùng với sự đẩy mạnh quá trình đô thị hoá, làn sống di cư từ nông thôn ra thành thị-khi người dân ở nông thôn bị mất đất-ngày càng ồ ạt. Một số thành viên trong các gia đình nông thôn, nhiều nhất là thanh niên, đã rời bỏ nông thôn, từ bỏ nghề nông để đổ xô về thành phố, thị xã, thị trấn tìm kiếm việc làm, sinh sống ngày một đông. Chính vì sự phân tán về nơi cư trú và lối sống thị thành mới đã khiến cho sự gắn bó, mối liên kết giữa họ với các thành viên trong gia đình- vốn trước đây chặt chẽ- cũng dần có phần bị lơi lỏng và ngày càng trở nên lỏng lẻo hơn. Do đó, có thể nói, quá trình đô thị hoá đã tách các thành viên trong gia đình ra khỏi vòng tay yêu thương của người thân. Thực tế đó, đã làm cho mối quan hệ huyết thống ngày càng phai nhạt.

Một vấn đề nữa là, tình cảm vợ chồng cũng bị ảnh hưởng không nhỏ bởi nhịp sống hiện nay. Các cặp vợ chồng mãi lao vào cuộc sống vì “cơm áo, gạo tiền” đã bỏ quên sự chia sẻ tình cảm với nhau. Chính điều đó đã khiến không ít cặp vợ chồng lựa chọn quyết định ly hôn khi tình yêu trong hôn nhân đã bị nguội lạnh. Số vụ ly hôn tăng lên hàng năm là một bằng chứng thực tế. Nếu năm 2000 chỉ có 51.361 vụ ly hôn thì năm 2005 đã tăng lên 65.929 vụ và 90.092 vụ vào năm 2009 [7], con số này tăng lên 18.308 vụ vào năm 2013 và 27.948 vụ của năm 2017. Trong đó, đáng báo động tình hình ly hôn ở đông bằng sông Cửu Long cao nhất của cả nước, có khoảng 8.830 vụ năm 2017 so với 4.951 vụ của đồng bằng sông Hồng, 5.686 vụ của Đông Nam bộ [9].

Chức năng xã hội hóa, vai trò gia đình trong việc nuôi dạy con cái cũng bị suy giảm. Ở thành phố, nhiều bậc phụ huynh có rất ít thời gian dành cho con cái. Nhiều gia đình phải phó mặc cho người giúp việc. Phần lớn các trường tiểu học và trung học cơ sở đã tổ chức học bán trú cả ngày, nên hầu như việc học hành, dạy dỗ con cái từ nhà trẻ, mẫu giáo trở lên là các gia đình dường như giao cho nhà trường và xã hội. Ở các vùng thôn quê, nhiều bậc cha mẹ  phải đi làm ăn xa nên việc nuôi dạy con cái thường phải dựa vào ông bà, bà con họ hàng hay thậm chí con cái họ phải tự lo cuộc sống hàng ngày [4].

Chức năng thỏa mãn và điều tiết tình dục, vai trò gia đình trong việc đáp ứng nhu cầu tình dục rõ ràng là giảm đi trong bối cảnh xã hội đang hàng ngày thay đổi, kể cả trong nước và trên thế giới, khi quan niệm về quan hệ tình dục trước hôn nhân và ngoài hôn nhân không còn khắt khe như trong các xã hội truyền thống. Trong công tác phòng chống HIV/AIDS, các nhà quản lý và chuyên gia đã phải thừa nhận thực tế này để có thể đưa ra những thông điệp truyền thông phù hợp liên quan đến vấn đề sử dụng bao cao su khi có nhiều bạn tình, thực hành tình dục an toàn v.v…

Tóm lại, cách tiếp cận cấu trúc chức năng coi gia đình là một thiết chế xã hội cơ bản và nó có các chức năng cơ bản để đáp ứng nhu cầu của xã hội. Đồng thời cách tiếp cận này xem xét gia đình là một bộ phận trong hệ thống xã hội, là yếu tố trung gian giữa cá nhân và xã hội. Vì vậy, gia đình có ảnh hưởng quan trọng đến xã hội và ngược lại, nó cũng chịu tác động của bối cảnh xã hội. Có thể nói, cách tiếp này đã góp phần nhận diện chức năng của gia đình trong đời sống xã hội và lý giải sự biến đổi chức năng của gia đình là điều tất yếu. Mặc dù, một số chức năng của gia đình có sự biến đổi trước sự biến đổi của kinh tế- xã hội, song  gia đình vẫn giữa vai trò quan trọng đối với việc xã hội hóa cá nhân và ổn định nhân cách của con người.

Như vậy, nghiên cứu về chức năng của gia đình và sự biến đổi của nó không chỉ bằng thực nghiệm mà còn tiếp cận nó ở giác độ lý thuyết nhằm có đủ cơ sở lý luận góp phần lý giải vấn đề liên quan đến chức năng và sự biến đổi chức năng của gia đình một cách khoa học mà không bị võ đoán. Hơn nữa, góp phần xem xét vấn đề mang tính toàn diện và có hiệu quả hơn.

  1. Ngô Thị Ngọc Anh (2010), Một số loại hình giúp việc gia đình ở Hà Nội hiện nay và các giải pháp quản lý, NXB Lao động.
  2. Mai Huy Bích (2011),  Xã hội học Gia đình, NXB KHXH, Hà Nội.
  3. Goode, W (1982), The Family. Second Edition, Englewood Cliffs: Prentice Hall.
  4. Hà Việt Hùng (2010), “Công nghiệp hóa, hiện đại hóa và biến đổi gia đình”, Tạp chí Xã hội học, số 3.
  5. Lê Ngọc Hùng (2009), sđd, trang 233.
  6. Lê Ngọc Hùng (2008), Lịch sử và lý thuyết xã hội học, NXB Đại học Quốc gia, Hà Nội.
  7. Phan Thuận (2012), “Ảnh hưởng của yếu tố tôn giáo đến đời sống hôn nhân”, Tạp chí Khoa học xã hội Việt Nam, số 10.
  8. Phan Thuận (2009),  Báo cáo nghiên cứu: “Tìm hiểu đời sống tình dục của nam giới sau ly hôn tại Thành phố Cần Thơ” do quỹ Ford tài trợ.

Tổng hợp số vụ ly hôn năm 2017, tại www.gso.gov.vn, ngày truy cập 30/10/2018.

  1. Đặng Thị Ánh Tuyết, Hà Việt Hùng, Phan Thuận (2016), Biến đổi chức năng kinh tế hộ gia đình nông thôn  ở ĐBSSH, NXB LLCT, Hà Nội.
  2. Lê Ngọc Văn (2011), Gia đình và biến đổi gia đình ở Việt Nam (sách chuyên khảo), NXB Khoa học xã hội, Hà Nội.

Unicef, Bộ Văn hóa-thể thao và du lịch, Tổng Cục thống kê và Viện nghiên cứu Gia đình và Giới (2008), Báo cáo tóm tắt: Kết quả điều tra gia đình năm 2006, NXB Thống kê, Hà Nội.