Tiền lương và thu nhập là gì

Thu nhập luôn là chủ đề mà bất kì ai trong chúng ta cũng rất quan tâm đặc biệt là trong quá trình thực hiện kê khai nộp thuế. Nhắc đến thu nhập, với cá nhân chúng ta thường nghĩ đến tiền lương, với doanh nghiệp thì chúng ta thường nghĩ đến doanh thu.

Tuy nhiên, thực tế khái niệm thu nhập không chỉ được hiểu với ý nghĩa đơn thuần là tiền lương hay doanh thu như chúng ta vẫn thường nghĩ. Vậy thu nhập là gì? Thu nhập chịu thuế đối với cá nhân và doanh nghiệp được pháp luật quy định như thế nào? Giữa thu nhập và tiền lương, thu nhập và doanh thu có sự khác biệt như thế nào?

Để nhằm giúp quý độc giả có thể hiểu hơn về vấn đề này, chúng tôi xin gửi đến quý độc giả những thông tin dưới bài viết sau.

Thu nhập là gì?

Thu nhập là khoản tiền mà một cá nhân, doanh nghiệp hoặc một nền kinh tế nhận được trong một khoảng thời gian nhất định từ việc sở hữu và cung ứng các nhân tố sản xuất.

Hiện nay, trong hệ thống pháp luật Việt Nam chưa có quy định khái niệm tường minh thu nhập là gì mà chỉ có quy định liệt kê các khoản thu nhập đối với cá nhân trong Luật thuế thu nhập các nhân và các khoản thu nhập đối với doanh nghiệp trong Luật thuế thu nhập doanh nghiệp.

Khái niệm Thu nhập trong từ điển Tiếng Việt được hiểu là: Khoản tiền mà một cá nhân, doanh nghiệp hay một nền kinh tế nhận được trong một thời gian nhất định (quý, tháng, năm).

Theo từ điển Kinh tế học- Nguyễn Văn Ngọc- Đại học Kinh tế Quốc dân: Thu nhập là khoản tiền thu được từ việc sở hữu và cung ứng các nhân tố sản xuất trong một thời kì. Các khoản tiền thu được từ lao động, tư bản, đất đai và năng lực kinh doanh là thu nhập từ tiền lương, lãi suất, địa tô và lợi nhuận. Doanh nhân (người sở hữu năng lực kinh doanh) là người kết hợp các nhân tố sản xuất để tạo ra sản lượng và thu nhập cho các nhân tố sản xuất.

Ngoài những thông tin trên về thu nhập là gì?, Luật Hoàng phi xin gửi đến quý độc giả một số thông tin liên quan đến thu nhập sau.

Tiền lương và thu nhập là gì

Thu nhập chịu thuế đối với cá nhân?

Nội dung trên đã giải thích chi tiết về thu nhập là gì? nội dung này sẽ cung cấp thông tin về thu nhập chịu thuế đối với cá nhân.

Thu nhập chịu thuế đối với cá nhân được quy định tại Điều 3 Luật thuế thu nhập cá nhân 2007 sửa đổi bổ sung 2012, theo đó có các khoản thu nhập cá nhân chịu thuế như sau:

Thu nhập từ kinh doanh.

Thu nhập từ tiền lương, tiền công.

Thu nhập từ đầu tư vốn.

Thu nhập từ chuyển nhượng vốn.

Thu nhập từ chuyển nhượng bất động sản.

Thu nhập từ trúng thưởng.

Thu nhập từ bản quyền.

Thu nhập từ nhượng quyền thương mại.

Thu nhập từ nhận thừa kế.

Thu nhập từ nhận quà tặng.

Thu nhập chịu thuế đối với doanh nghiệp?

Thu nhập chịu thuế đối với doanh nghiệp được quy định tại Điều 3 Luật thuế thu nhập doanh nghiệp 2008 sửa đổi bổ sung 2014 (sau đây gọi tắt là Luật thuế thu nhập doanh nghiệp), theo đó có các khoản thu nhập doanh nghiệp chịu thuế như sau:

Thu nhập từ hoạt động sản xuất, kinh doanh hàng hóa, dịch vụ.

Thu nhập khác bao gồm: thu nhập từ chuyển nhượng vốn, chuyển nhượngquyền góp vốn; thu nhập từ chuyển nhượng bất động sản, chuyển nhượng dự án đầu tư, chuyển nhượng quyền tham gia dự án đầu tư, chuyển nhượng quyền thăm dò, khai thác, chế biến khoáng sản; thu nhập từ quyền sử dụng tài sản, quyền sở hữu tài sản, kể cả thu nhập từ quyền sở hữu trí tuệ theo quy định của pháp luật; thu nhập từ chuyển nhượng, cho thuê, thanh lý tài sản, trong đó có các loại giấy tờ có giá; thu nhập từ lãi tiền gửi, cho vay vốn, bán ngoại tệ; khoản thu từ nợ khó đòi đã xóa nay đòi được; khoản thu từ nợ phải trả không xác định được chủ; khoản thu nhập từ kinh doanh của những năm trước bị bỏ sót và các khoản thu nhập khác.

Doanh nghiệp Việt Nam đầu tư ở nước ngoài chuyển phần thu nhập sau khi đã nộp thuế thu nhập doanh nghiệp ở nước ngoài của doanh nghiệp về Việt Nam thì đối với các nước mà Việt Nam đã ký Hiệp định tránh đánh thuế hai lần thì thực hiện theo quy định của Hiệp định; đối với các nước mà Việt Nam chưa ký Hiệp định tránh đánh thuế hai lần thì trường hợp thuế thu nhập doanh nghiệp ở các nước mà doanh nghiệp chuyển về có mức thuế suất thuế thu nhập doanh nghiệp thấp hơn thì thu phần chênh lệch so với số thuế thu nhập doanh nghiệp tính theo Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp của Việt Nam.

Phân biệt thu nhập và tiền lương?

Theo Khoản 1 Điều 90 Bộ luật lao động 2019: Tiền lương là số tiền mà người sử dụng lao động trả cho người lao động theo thỏa thuận để thực hiện công việc, bao gồm mức lương theo công việc hoặc chức danh, phụ cấp lương và các khoản bổ sung khác.

Như vậy, trên cơ sở khái niệm tiền lương nêu trên và phần thu nhập chịu thuế đối với cá nhân đã nêu ở phần đầu, có thể thấy rằng khái niệm thu nhập có ý nghĩa rộng hơn và bao hàm khái niệm tiền lương, tiền lương chỉ là một khoản trong thu nhập .

Phân biệt thu nhập và doanh thu?

Theo Điều 8 Luật thuế thu nhập doanh nghiệp: Doanh thu là toàn bộ tiền bán hàng, tiền gia công, tiền cung ứng dịch vụ, trợ giá, phụ thu, phụ trội mà doanh nghiệp được hưởng. Doanh thu được tính bằng đồng Việt Nam; trường hợp có doanh thu bằng ngoại tệ thì phải quy đổi ngoại tệ ra đồng Việt Nam theo tỷ giá giao dịch bình quân trên thị trường ngoại tệ liên ngân hàng do Ngân hàng Nhà nước Việt Nam công bố tại thời điểm phát sinh doanh thu bằng ngoại tệ.

Khoản 2 Điều 7 Luật thuế thu nhập doanh nghiệp quy định về thu nhập chịu thuế như sau: Thu nhập chịu thuế bằng doanh thu trừ các khoản chi được trừ của hoạt động sản xuất, kinh doanh cộng thu nhập khác, kể cả thu nhập nhận được ở ngoài Việt Nam.

Qua trên, có thể thấy thu nhập và doanh thu không đồng nhất với nhau; doanh thu phải trừ đi các khoản chi được trừ của hoạt động sản xuất, kinh doanh và cộng thu nhập khác, kể cả thu nhập được ở ngoài Việt Nam thì mới ra thu nhập chịu thuế.