Tiếng kêu thét Ba...a a ba bộc lộ tâm trạng cảm xúc như thế nào của nhân vật

Ngày 29/04/2022 17:48:04, lượt xem: 492

Đề bài: Viết bài văn trình bày cảm nhận của em về vẻ đẹp nhân vật bé Thu trong đoạn trích sau: "Ðến lúc chia tay, mang ba lô lên vai, sau khi bắt tay hết mọi người, anh Sáu mới đưa mắt nhìn con, thấy nó đứng trong góc nhà. Chắc anh cũng muốn ôm con, hôn con, nhưng hình như cũng lại sợ nó giẫy lên lại bỏ chạy, nên anh chỉ đứng nhìn nó. Anh nhìn nó với đôi mắt trìu mến lẫn buồn rầu. Tôi thấy đôi mắt mênh mông của con bé bỗng xôn xao. - Thôi! Ba đi nghe con! - Anh Sáu khe khẽ nói. Chúng tôi, mọi người - kể cả anh, đều tưởng con bé sẽ đứng yên đó thôi. Nhưng thật lạ lùng, đến lúc ấy, tình cha con như bỗng nổi dậy trong người nó, trong lúc không ai ngờ đến thì nó bỗng kêu thét lên: - Ba... a... a... ba! Tiếng kêu của nó như tiếng xé, xé sự im lặng và xé cả ruột gan mọi người, nghe thật xót xa. Ðó là tiếng "Ba" mà nó cố đè nén trong bao nhiêu năm, tiếng "Ba" như vỡ tung ra từ lòng nó, nó vừa kêu vừa chạy xô tới, nhanh như một con sóc, nó chạy thót lên và dang hai tay ôm chặt lấy cổ ba nó. Tiếng kêu của nó như tiếng xé, xé sự im lặng và xé cả ruột gan mọi người, nghe thật xót xa. Ðó là tiếng "Ba" mà nó cố đè nén trong bao nhiêu năm, tiếng "Ba" như vỡ tung ra từ lòng nó, nó vừa kêu vừa chạy xô tới, nhanh như một con sóc, nó chạy thót lên và dang hai tay ôm chặt lấy cổ ba nó. Nó vừa ôm chặt lấy cổ ba nó vừa nói trong tiếng khóc: - Ba! Không cho ba đi nữa! Ba ở nhà với con! Ba nó bế nó lên. Nó hôn ba nó cùng khắp. Nó hôn tóc, hôn cổ, hôn vai và hôn cả vết thẹo dài bên má của ba nó nữa. Trong lúc đó, ngoại nó cho tôi biết, đêm qua, bà đã tìm hiểu được vì sao nó không chịu nhận ba nó. Bà hỏi: - Ba con, sao con không nhân? - Không phải. - Đang nằm mà nó cũng giẫy lên. - Sao con biết là không phải? Ba con đi lâu, con quên rồi chứ gì? - Ba không giống cái hình ba chụp với má- - Sao không giống, đi lâu, ba con già hơn trước thôi - Cũng không phải già, mặt ba con không có cái thẹo trên mặt như vậy. À ra vậy, bây giờ bà mới biết. Té ra nó không nhận ba nó là vì cái vết thẹo, và bà cho nó biết, ba nó đi đánh Tây bị Tây bắn bị thương - bà nhắc lại tội ác mấy thằng Tây ở đồn đầu vàm cho nó nhớ. Nghe bà kể nó nằm im, lăn lộn và thỉnh thoảng lại thở dài như người lớn. Sáng hôm sau, nó lại bảo ngoại đưa nó về. Nó vừa nhận ra thì ba nó đã đến lúc phải đi rồi. Trong lúc đó, nó vẫn ôm chặt lấy ba nó. Không ghìm được xúc động và không muốn cho con thấy mình khóc, anh Sáu một tay ôm con, một tay rút khăn lau nước mắt, rồi hôn lên mái tóc con: - Ba đi rồi ba về với con. - Không - Con bé hét lên, hai tay nó siết chặt lấy cổ, chắc nó nghĩ hai tay không thể giữ được ba nó, nó dang cả hai chân rồi câu chặt lấy ba nó, và đôi vai nhỏ bé của nó run run. Nhìn cảnh ấy, bà con xung quanh có người không cầm được nước mắt, còn tôi bỗng thấy khó thở như có bàn tay ai nắm lấy trái tim tôi.

(Trích Chiếc lược ngà, Nguyễn Quang Sáng, Ngữ văn 9, tập 1, NXB Giáo dục Việt Nam, năm 2019, trang 198, 199)

Tiếng kêu thét Ba...a a ba bộc lộ tâm trạng cảm xúc như thế nào của nhân vật
“Công cha như núi Thái Sơn Nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra Một lòng thờ mẹ kính cha Cho tròn chữ hiếu mới là đạo con.” Một trong những tình cảm thiêng liêng nhất của con người trong cuộc đời là tình phụ tử, tình mẫu tử. Trong vườn hoa văn học Việt Nam, tình mẫu tử luôn được đến với thái độ tôn trọng, tôn kính nhất. Tuy không nổi bật trong các tác phẩm như tình mẫu tử nhưng tình phụ tử cũng là một thứ tình cảm thiêng liêng, đáng quý, đáng trân trọng. Xuôi theo dòng chảy văn học của Việt Nam, ta bắt gặp tình cha con trong bài thơ “Nói với con” của tác phẩm Y Phương, tình cảm giữa người con trai đi làm xa và lão Hạc trong tác phẩm “Lão Hạc” của Nam Cao,... những tình cảm đó đều diễn ra theo chiều hướng tốt đẹp với tình cảm sâu sắc mà cha và con dành cho nhau. Hiếm có một tác phẩm nào như “Chiếc lược ngà” của tác giả Nguyễn Quang Sáng viết về tình cảm cha con giữa ông Sáu và bé Thu lại gây ấn tượng với người đọc như vậy. Một bé Thu không yêu quý cha từ đầu nhưng đến cuối tác phẩm lại khiến người đọc trào nước mắt cảm động khi nhận ba, khi bộc lộ tình yêu thương với ba trước lúc ba lên đường qua đoạn trích: “Đến lúc chia tay, mang ba lô lên vai,……bỗng thấy khó thở như có bàn tay ai nắm lấy trái tim tôi.” Nguyễn Quang Sáng là nhà văn chuyên viết về cuộc sống và con người Nam Bộ với rất nhiều thể loại khác nhau như tiểu thuyết, truyện ngắn, kịch,.. Tác phẩm “Chiếc lược ngà” được sáng tác vào năm 1966 tại chiến trường miền Nam trong thời kì kháng chiến chống Mĩ đang diễn ra quyết liệt. Truyện thể hiện thật thấm thía, cảm động tình cảm cha con sâu nặng và cao đẹp trong cảnh ngộ éo le của chiến tranh. Qua đó, chúng ta thấy được tài năng xây dựng tình huống truyện độc đáo, nghệ thuật khắc họa miêu tả tâm lí, tính cách nhân vật khéo léo của nhà văn Nguyễn Quang Sáng.

Câu chuyện kể về cuộc trùng phùng đầy nước mắt của hai cha con anh Sáu. Anh Sáu đi kháng chiến, sau một khoảng thời gian dài tám năm thì được nghỉ ba ngày phép để về thăm nhà. Bao nhớ thương, khao khát dồn nén mong nhớ gặp lại con, thèm được nghe con gọi một tiếng ba nhưng thật trớ trêu thay, bé Thu không nhận ra cha mình do vết sẹo trên gương mặt của anh Sáu. Đến khi hai cha con gặp gỡ và nhận nhau thì đó cũng là lúc anh Sáu phải trở về đơn vị. giữ lời hứa với bé Thu, anh làm cho con chiếc lược ngà nhỏ xinh để chải tóc với bao tình yêu thương gửi gắm trong đó nhưng cuộc đời thật trớ trêu, ông trời đã không cho anh gặp được con lần cuối. Trước khi nhắm mắt trút hơi thở cuối cùng, anh chỉ kịp trao lại cho bác Ba- người bạn thân của mình.


 

ĐỌC THÊM Điều còn lại mà chiến tranh không thể lấy đi trong tác phẩm "Chiếc lược ngà" (Nguyễn Quang Sáng)


Truyện gây ấn tượng mạnh mẽ với bạn đọc qua nhân vật bé Thu. Thu là một cô bé đầy tình cảm, những hành động của cô bé lúc này khác hẳn với những ngày đầu khi anh Sáu trở về. Trái ngược nhưng lại nhất quán bởi nó quá yêu ba, quá nhớ ba, không cho phép ai thay đổi hình ảnh ba trong tâm trí nó. Khi hiểu được nguyên nhân của sự việc, nó muốn giữ ba ở lại, muốn thời gian ngắn ngủi còn lại kéo dài mãi mãi. Có lẽ chưa bao giờ cô bé mong thời gian ngừng trôi như bây giờ để níu kéo cuộc trò chuyện, cuộc gặp gỡ với ba. Nó ôm chầm lấy anh, “hôn lên mặt, lên tóc, lên cả vết sẹo trên má của anh”, dường như nó hiểu ra ba nó vẫn là ba của nó, vết sẹo ấy không những không làm ba mất đi mà còn làm ba trở nên đáng nể trong lòng nó. Có lẽ vì vậy mà sau này, khi lớn lên, Thu tiếp tục bước tiếp bước chân của ba trên hành trình bảo vệ Tổ quốc. Cô bé tám tuổi ngang bướng ngày nào giờ trở thành cô giao liên nhanh nhẹn, linh hoạt, lặng lẽ, âm thầm chiến đấu trả thù cho Tổ quốc, cho gia đình, cho tình cha con bất diệt. Thu là cô bé có tình yêu thương cha sâu sắc, mãnh liệt. Tình yêu thương ấy được thể hiện qua sự thay đổi về thái độ của em trước giờ phút chia tay.. Trong đêm trước hôm ba lên đường, bà ngoại đã giảng cho nó nghe, phân tích cho nó hiểu. Con bé đã biết rằng chính ông Sáu là cha của mình. Nó hiểu rằng cái vết thẹo xấu xí trên mặt kia của ông là do chiến tranh gây nên. Ba nó cũng dũng cảm và hiên ngang như bao người khác ấy chứ. Sau khi hiểu được nguồn gốc vết thẹo, bé Thu lặn lội suốt một đêm không ngủ được: ‘Nghe bà kể nó nằm im, lăn lộn và thỉnh thoảng lại thở dài như người lớn.” Có lẽ nó hối hận lắm vì đã từng đối xử không tốt với ba. Lúc này, bé Thu không chỉ yêu ba mà còn thương ba nữa. Người đọc được chứng kiến cuộc chia tay cảm động vào buổi sáng hôm sau trước khi ông Sáu lên đường. Bé Thu cũng có mặt ở buổi đưa tiễn nhưng lại mang một tâm trạng khác: “ Vẻ mặt của nó có cái gì hơi khác, nó không bướng bỉnh hay nhăn mày cau có nữa, vẻ mặt nó sầm lại buồn rầu, cái vẻ buồn trên gương mặt ngây thơ của con bé trông rất dễ thương.” Thu không ngơ ngác, không lạnh lùng nữa mà nhìn với vẻ nghĩ ngợi sâu xa. Phải chăng đó là ánh mắt của cô bé ngây thơ bối rối xen lẫn sự hối hận. Hối hận vì không yêu ba sớm hơn, hối hận vì đã trách lầm cha. Khi đối diện với ông Sáu, “đôi mắt mênh mông của con bé bỗng xôn xao.” Độc giả cảm nhận được ẩn sâu trong đôi mắt mênh mông xôn xao ấy đang xáo động biết bao tình cảm. Khi ông Sáu chào mọi người, nói với bé Thu: “Thôi! Ba đi nghe con.” Tình thương cha bấy lâu đã đè nén trong lòng cô bé đã trỗi dậy mạnh mẽ, bé Thu cất tiếng gọi. Sự khao khát tình cha con bấy lâu nay bị kìm nén bỗng bật lên thành tiếng - tiếng thét gọi : “Ba…ba….a….ba”. Tác giả sử dụng từ “kêu thét” mà không phải là kêu gào, kêu lớn, đã phần nào diễn tả tâm trạng của bé Thu: lo sợ, buồn tủi. Bé kêu thét- sự đột ngột, sự dồn nén cảm xúc đã từ lâu giờ mới có cơ hội để thổ lộ. “Tiếng kêu của nó như tiếng xé, xé sự im lặng và xé cả ruột gan mọi người, nghe thật xót xa”, tiếng kêu đó xé cả bức tường mỏng manh ngăn dòng cảm xúc của người đọc , tất cả như vỡ òa. Người đọc thổn thức cùng bé Thu, thổn thức với tình cảm của bé. Tình cảm trong sáng, chân thành từ một đứa trẻ vô cùng yêu ba. Miêu tả những biến đổi tình cảm của bé Thu, tác giả đã một lần nữa tô đậm tình yêu thương ba của cô bé. Qua đó, ta thấy bé Thu bướng bỉnh, gan góc nhưng cũng giàu tình cảm. Những đau đớn thay, giây phút nhận ra ba lại là giây phút chia xa. Có lẽ cũng chính vì thế mà cô bé hiểu không còn nhiều thời gian bên ba nữa nên mới khóc nấc lên như vậy. Tình phụ tử trong giây phút này thật thiêng liêng biết bao nhiêu. Nó khiến người đọc phải suy ngẫm đến tình cảm của bản thân với ba mẹ: “Liệu mình đã làm đủ tốt chưa? Mình có phải hối hận vì điều gì không?” Tiếng “ba” này em đã ấp ủ lâu biết bao nhiêu, nuôi dưỡng nó lớn lên từng ngày, tiếng “ba” như “vỡ tung ra từ đáy lòng”. Tình cảm dồn nén biết bao năm nay vỡ tung qua tiếng gọi “ba”, qua hành động của bé: “nó vừa kêu vừa chạy xô tới, nhanh như một con sóc”, em chạy thật nhanh vì sợ ba đi mất, người ba mà em đã chờ thật lâu chuẩn bị phải chia xa, chuẩn bị đi rồi. Nó hôn ba nó cùng khắp, hôn cả vết thẹo dài trên má, cái vết thẹo mà trước kia nó thấy ghê sợ và xấu xí vô cùng. Đến bây giờ hiểu được vì sao ba có vết thẹo ấy, Thu tương ba lắm. Hành động của bé Thu như muốn xoa dịu đi nỗi đau đã gây ra cho ba.Em leo lên người ba, vòng tay qua cổ ba, ôm thật chặt rồi như sợ không giữ được ba, em còn giữ chặt bằng cả hai chân. Một suy nghĩ trẻ thơ đánh mạnh vào trái tim người đọc, em dung tất cả sức mình để giữ chặt ba lại. Những giọt nước mắt lăn trên má bé Thu. Em khóc vì thương cha, vì ân hận, vì đã không phải với người ba của mình, vì không biết đến bao giờ mới được gặp lại ba. Tất cả những hành động của bé Thu lúc này đều gấp gáp dồn dập chẳng muốn mất đi một điều gì. Tác giả tinh tế chỉ ra điểm đặc biệt, điểm nổi bật của tình cảm mà bé Thu dành cho ba: “Tôi thấy làn tóc tơ sau ót nó như dựng đứng lên”. Tóc tơ rất nhỏ, rất mảnh, mềm và thường khó thấy nhưng tác giả lại thấy nó như dựng đứng lên- sự run rẩy, sợ hãi của một đứa trẻ đến tột độ, đến ngay cả sợi tóc tơ dường như cũng có cảm xúc. Bên cạnh tình yêu thương ba thì cô bé còn có niềm tự hào vô bờ, niềm kiêu hãnh về một người cha chiến sĩ, người cha ấy đã hi sinh cả tuổi thanh xuân, đã cống hiến cả cuộc đời mình cho độc lập dân tộc và giờ đây người cha ấy lại lên đường theo con đường vinh quang mà cả dân tộc đang đi. Tình yêu thương cha của bé Thu đã trao cho ông Sáu niềm tin,sức mạnh vượt qua mọi xã cách và gieo niềm hi vọng về ngày đoàn tụ.

Thu là một cô bé Nam Bộ ngây thơ hồn nhiên, trong sáng, cá tính mạnh mẽ. Vì đang ở độ tuổi hồn nhiên, trong sáng nên khi thấy anh Sáu không giống cha mình, em đã kiên quyết không nhận ba. “Ba không giống cái hình ba chụp với má”, “Cũng không phải già, mặt ba con không có cái thẹo trên mặt như vậy.”Nó không cho phép ai mạo nhận làm ba nó- một người ba đáng kính mà nó ngưỡng mộ xưa nay, phải là người ba trong bức hình chụp cùng với má. Bởi vậy, người đọc hoàn toàn có thể thông cảm trước sự ương bướng của bé Thu, và còn thương em thật nhiều. Một cô bé Nam Bộ có cá tính mạnh mẽ, là người yêu ghét rạch ròi, rõ ràng. Khi Thu chưa nhận cha, cô bé kiên quyết từ chối mọi sự quan tâm của ông Sáu. Khi được ông Sáu quan tâm trong bữa ăn giấc ngủ, thể hiện tình yêu thương nhưng Thu đã gạt phắt đi, thẳng tay chối bỏ những tình cảm của ba mình. Nhưng khi hiểu được ông Sáu là cha, Thu chủ động tìm về với cha, kiên trì chờ đợi, trực tiếp bộc lộ tình cảm mãnh liệt, sâu sắc.

ĐỌC THÊM Phân tích nhân vật ông Sáu trong "Chiếc lược ngà"


Bằng nghệ thuật miêu tả tâm lí và xây dựng tính cách nhân vật đặc sắc, từ chỗ Thu ngạc nhiên hoảng sợ đến lạnh lùng, cuối cùng là sự bùng nổ những yêu thương do bị dồn nén. Phải yêu trẻ con nhiều lắm, am hiểu tâm lí trẻ em nhiều lắm, yêu mến, trân trọng những tình cảm trẻ thơ thì tác giả Nguyễn Quang Sáng mới có thể làm nên tác phẩm thành công, ấn tượng với độc giả như vậy. Cùng với ngôn ngữ giản dị đậm chất Nam Bộ và tình huống bất ngờ hợp lí đã bộc lộ tình yêu thương tha thiết bé Thu dành cho ba của mình. Qua đó, đoạn trích cũng như tác phẩm đã thể hiện một cách chân thực và cảm động tình cảm yêu thương sâu nặng của hai cha con trong hoàn cảnh chiến tranh khốc liệt.

Truyện ngắn “Chiếc lược ngà” là một áng văn bất hủ ca ngợi tình phụ tử giản dị mà thiêng liêng, với những con người giàu tình cảm và đẹp đẽ,như nhân vật bé Thu và ông Sáu. Câu chuyện không chỉ ca ngợi tình cha con sâu nặng thắm thiết, mà còn gợi cho chúng ta những suy ngẫm và thấm thía được tình sự đau thương, mất mát của chiến tranh tàn khốc gây ra. Vì thế mà ta càng quý cuộc sống thanh bình của ngày hôm nay, quý tình cha cao thượng và vĩ đại. Mỗi người đều lưu giữ trong trái tim mình hình ảnh một người cha, hãy biết trân trọng tình yêu và sự hy sinh vô điều kiện mà cha đã dành cho ta. Vòng đời mới ngắn ngủi làm sao, đừng mãi sống ích kỷ, chỉ biết nhận tình cảm thương yêu từ cha mẹ mà chẳng bao giờ đền đáp lại. Nếu bạn còn cha, và một người cha đúng nghĩa thì hãy cảm ơn thượng đế vì bạn đã được sinh ra trong cuộc sống này.

Để giúp ích cho các em thật nhiều trong kì thi quan trọng sắp tới thì chỉ có thể là những buổi học tại KHÓA HỌC CHẠY VĂN LỚP 9 – một khóa học sẽ giúp các em cải thiện cũng như nâng cao kĩ năng làm bài để đạt được kết quả cao nhất.

Đăng ký khóa học và đọc thêm nhiều bài viết hấp dẫn khác của Học Văn Chị Hiên tại đây:
Facebook Học Văn Chị Hiên THCS
Youtube Học Văn Chị Hiên

Instagram Học Văn Chị Hiên
Tiktok Học Văn Chị Hiên