Tình huống phong cách lãnh đạo

Jim Rohn, diễn giả người Mỹ có tầm ảnh hưởng nhất thế giới, đã từng nói Lãnh đạo người khác là giúp họ thay đổi tư duy, niềm tin và hành động cho điều tốt đẹp hơn. Thật vậy, định hình phong cách lãnh đạo phù hợp có vai trò vô cùng to lớn trong việc thu phục lòng tin mọi người, tạo bàn đạp thành công mỹ mãn cho công việc. Có nhiều kiểu lãnh đạo, song 6 phong cách sau đây được nhiều người đứng đầu theo đuổi nhất hiện nay. Đó là những phong cách lãnh đạo gì và chúng có ưu, nhược điểm như thế nào?

Nghiên cứu đầu tiên trên thế giới về phong cách lãnh đạo được thực hiện vào năm 1939 bởi Kurt Lewin tạo tiền đề hình thành nên những mô hình phong cách hiệu quả nhất hiện nay. Tùy vào tính chất công việc, môi trường cạnh tranh mà mỗi nhà lãnh đạo thông thái sẽ lựa chọn một trong những phong cách phổ biến sau:

1.Phong cách lãnh đạo độc đoán (chuyên quyền)
Đúng như cái tên, nhà lãnh đạo theo đuổi phong cách độc đoán có xu hướng chỉ thị nhân viên mình làm theo những gì họ muốn, đồng thời phải tuân theo cách thức thực hiện do người đứng đầu đề xuất. Theo đó, quyền kiểm soát hoàn toàn tập trung trong tay nhà lãnh đạo, các cá nhân khó có cơ hội được đóng góp ý kiến.
Tổng thống của Mỹ, Abraham Lincoln được đánh giá là một nhà lãnh đạo chuyên quyền vì nhiều quyết định tự trị mà ông đã đưa ra trong suốt Nội chiến. Đặt trong lịch sử Hoa Kỳ có nhiều bất ổn (1861 1865), đất nước yêu cầu có một tổng thống táo bạo, người sẵn sàng đưa ra các quyết định khó khăn nhất. Từ đó, Lincoln đã vươn lên và trở thành nhà lãnh đạo độc đoán, nhưng vẫn chú trọng kết hợp hài hòa thái độ đúng đắn.

Tình huống phong cách lãnh đạo
Abraham Lincoln nổi tiếng với phong cách lãnh đạo độc đoán
Trên thực tế, phong cách này cũng mang đến những lợi ích sau:

  • Tạo ra sự phân chia rõ ràng quyền hành giữa người lãnh đạo và các thành viên.
  • Tính chất chuyên quyền phù hợp khi đặt trong trường hợp công việc khẩn cấp, người đứng đầu cần đưa ra quyết định nhanh chóng khi đã nắm rõ toàn bộ thông tin cần thiết.
  • Ngăn chặn các doanh nghiệp hoặc dự án trở nên trì trệ vì tổ chức kém hoặc thiếu lãnh đạo.
  • Yêu cầu các cá nhân trong nhóm hoàn thành nhiệm vụ đúng thời hạn.

Giống như William Arthur Ward đã từng nói Tài lãnh đạo dựa trên sự truyền cảm hứng, không phải sự chi phối; dựa trên sự hợp tác, không phải sự dọa dẫm.

Những vấn đề tồn tại trong việc lạm dụng phong cách lãnh đạo độc đoán có thể xảy ra như sau:

  • Tập thể bị hạn chế những ý tưởng sáng tạo hay phương hướng giải quyết phong phú.
  • Tạo áp lực nặng nề cho nhân viên.
  • Ngăn cản mối quan hệ cởi mở, thân mật giữa lãnh đạo và cấp dưới.

2.Phong cách lãnh đạo có sự tham gia (dân chủ)
Nếu người lãnh đạo có thời gian để điều hướng công việc và mong muốn tạo động lực từ nhân viên, thì họ nên sử dụng phong cách tham gia (dân chủ). Theo Lewin, phong cách lãnh đạo có sự tham gia đóng góp của tất cả cá nhân trong tập thể thường là phong cách lãnh đạo thực tế và hợp lý trong cách tiếp cận giải quyết vấn đề và đánh giá hiệu quả của nhân viên.
Sự lãnh đạo của CEO Apple Tim Cook cũng được xem là một minh chứng tiêu biểu của phong cách dân chủ. Khi ý tưởng về iWatch bắt đầu hình thành, Tim Cook đã chọn ít tham gia vào các chi tiết kỹ thuật và giao nhiệm vụ cho các thành viên tin cậy trong nội các của mình. Nhân viên của hãng Táo khuyết cũng đánh giá ông là người chu đáo, tận tình và có mối quan hệ tốt đẹp với mọi người trong công ty.

Tình huống phong cách lãnh đạo

Tim Cook - CEO Apple được mọi người biết tới là 1 nhà lãnh đạo dân chủ
Về ưu điểm, mỗi cá nhân cảm thấy bản thân là một phần quan trọng của tập thể. Các nhà lãnh đạo vừa tham gia khuyến khích các thành viên trong nhóm đóng góp ý tưởng, đồng thời vẫn giữ được tiếng nói cuối cùng trong quá trình ra quyết định.

Bass, giám đốc sáng lập của Trung tâm Nghiên cứu Lãnh đạo khẳng định các nhà lãnh đạo dân chủ không nhấn mạnh khoảng cách xã hội. Theo đó, mối quan hệ bền vững được xây dựng trên sự tin tưởng lẫn nhau giữa người lao động và quản lý, trong khi các nhà lãnh đạo chuyên quyền dường như phô trương địa vị xã hội cao hơn của họ với cấp dưới.

Về nhược điểm, năng suất làm việc của nhà lãnh đạo dân chủ thường kém hơn so với nhà lãnh đạo độc đoán. Các nhà lãnh đạo có thể trở nên phụ thuộc quá mức vào chuyên môn và kinh nghiệm của cấp dưới. Điển hình là việc phân quyền cho các nhân viên Apple thực hiện phần lớn dự án iWatch khiến Tim Cook đưa ra quyết định chậm trễ và thiếu sáng suốt trong việc lắp ráp ổ đĩa.

Các nhà nghiên cứu cũng cảnh báo rằng các nhà lãnh đạo nên cẩn thận khi sử dụng phong cách có sự tham gia vì nó có thể gây tác dụng ngược. Đôi lúc, người đứng đầu xem xét và bỏ qua ý kiến không phù hợp của một vài thành viên. Điều này có thể dẫn đến những cá nhân cảm thấy thất vọng và năng suất làm việc của họ giảm xuống.

3. Lãnh đạo Phái Đoàn hay lãnh đạo ủy quyền (Laissez-faire)
Laissez-faire trong tiếng Pháp có nghĩa là không can thiệp vào công việc của người khác. Thay vì trực tiếp tham gia vào quá trình đưa ra quyết định, nhà lãnh đạo ủy quyền đặt sự tín nhiệm của mình vào những thành viên tiềm năng, tạo cho họ không gian tự do phát triển ý tưởng, đồng thời, trợ giúp những nguồn lực và lợi khuyên cần thiết. Tuy không tham gia đưa ra quyết định cuối cùng cùng nhóm, người lãnh đạo vẫn phải chịu trách nhiệm về các quyết định đó.

Về ưu điểm:

  • Người lãnh đạo không ôm xuể mọi công việc và phải đặt ưu tiên cũng như ủy thác một số nhiệm vụ nhất định.
  • Tăng năng lực phân tích tình huống và xác định phương hướng giải quyết của các thành viên.
  • Hữu ích trong các tình huống tập hợp các chuyên gia có trình độ cao, gắn kết sự tin tưởng, đồng lòng giữa cấp trên và cấp dưới.

Về nhược điểm:

  • Nhóm bị thiếu định hướng và chỉ định sát sao, các thành viên có xu hướng đổ lỗi cho nhau và từ chối trách nhiệm cá nhân.
  • Công việc kém hiệu quả nếu các thành viên trong nhóm không quản lý tốt thời gian hoặc không có kiến thức, kỹ năng chuyên môn.
  • Lạm dụng sự tín nhiệm để lén lút đưa ra quyết định quá quyền hạn.

4. Phong cách lãnh đạo chuyển đổi
Lãnh đạo chuyển đổi thường được xem là phong cách hiệu quả nhất hiện nay trong lĩnh vực kinh doanh. Chuyên gia lãnh đạo James McGregor Burns lần đầu tiên định nghĩa lãnh đạo biến đổi là một quá trình trong đó các nhà lãnh đạo và những người cộng sự cùng nâng đỡ nhau để đạt đến các cấp độ đạo đức và động lực cao hơn. 7 năm sau đó, Bernard M. Bass đã phát triển khái niệm lãnh đạo chuyển đổi là mô hình của sự liêm chính và công bằng, đồng thời nó có khả năng đặt mục tiêu rõ ràng và tạo kỳ vọng cao.
Để theo đuổi phong cách lãnh đạo chuyển đổi trong thời đại mới, người đứng đầu phải đáp ứng 4 tiêu chí sau :

  • Vạch ra một tầm nhìn đầy cảm hứng về tương lai
  • Thúc đẩy mọi người đóng góp ý tưởng và phân phối tầm nhìn
  • Quản lý phân phối tầm nhìn
  • Xây dựng mối quan hệ bền vững dựa trên niềm tin của cộng sự với người lãnh đạo.

Một trong số ưu điểm chính của phong cách lãnh đạo là khả năng thúc đẩy, truyền cảm hứng cho mỗi thành viên trong nhóm vì họ luôn mong đợi những điều tốt đẹp đến từ sự kết nối. Các nhà lãnh đạo chuyển đổi được đánh giá là có giao tiếp tốt, trí tuệ thông thái và nhạy bén về cảm xúc. Điều này dẫn đến năng suất cao trong công việc, thu hút sự tham gia và đồng cam cộng khổ cùng nhau khám phá, thực hiện chiến lược hiệu quả.

Nghiên cứu của nhóm tác giả Kurt Lewin đã tiết lộ rằng phong cách lãnh đạo này mang đến hiệu suất cao hơn và sự hài lòng của nhóm được cải thiện hơn so với các phong cách lãnh đạo khác. Một nghiên cứu cũng cho thấy rằng, khả năng lãnh đạo biến đổi đã giúp cải thiện mức độ hạnh phúc giữa các thành viên trong nhóm. Tuy nhiên, sếp thuộc phong cách lãnh đạo chuyển đổi phải điều chỉnh cách tiếp cận của mình để phù hợp với tình huống khó khăn, ví dụ như khi nhân viên bất hợp tác trong việc xây dựng tầm nhìn.

5. Phong cách lãnh đạo giao dịch
Khác với kiểu lãnh đạo chuyển đổi, phong cách tiếp theo xem mối quan hệ giữa sếp và nhân viên như là một giao dịch. Giao dịch thường liên quan đến tiền. Có thể hiểu rằng, mỗi tổ chức sẽ trả tiền cho nhân viên thông qua đánh giá nỗ lực và sự tuân thủ của họ đối với một nhiệm vụ ngắn hạn. Người lãnh đạo có quyền trừng phạt các thành viên trong nhóm nếu công việc của họ không đáp ứng tiêu chuẩn đề ra.

Lãnh đạo giao dịch, hay còn được gọi là lãnh đạo quản lý, tập trung vào vai trò giám sát, tổ chức và thực hiện công việc nhóm. Lãnh đạo giao dịch có mặt trong nhiều tình huống điều hành doanh nghiệp và nó mang lại một số lợi ích như:

Xác định vai trò rõ ràng, mỗi thành viên biết những gì họ được yêu cầu làm và những phần thưởng dành khi hoàn thành các nhiệm vụ này.
Cho phép các nhà lãnh đạo đưa ra nhiều sự giám sát và định hướng nếu cần thiết.
Nhân viên được thúc đẩy bởi các phần thưởng hấp dẫn và có xu hướng phát triển hơn.
Tuy nhiên, một trong những nhược điểm lớn nhất là phong cách giao dịch chính là vấn đề kìm hãm sự sáng tạo và tư duy vượt trội của mỗi cá nhân. Bên cạnh đó, cơ chế thưởng phạt rạch ròi khiến mối quan hệ giữa chủ và nhân viên trở nên xa cách.

6. Phong cách lãnh đạo theo tình huống
Phong cách cuối cùng được giới thiệu đó là phong cách lãnh đạo theo tình huống. Theo hai nhà khoa học Hersey và Blanchard, tình huống liên quan đến khả năng và mức độ sẵn sàng hoàn thành nhiệm vụ được giao của cấp dưới. Họ chia mức độ sẵn sàng (SS) đó làm 4 tình huống:

SS1. Cấp dưới không có khả năng và không sẵn lòng làm việc. Họ không đủ năng lực và tự tin.
SS2. Cấp dưới không có khả năng nhưng sẵn lòng làm việc. Họ có động lực nhưng thiếu kỹ năng phù hợp.
SS3. Cấp dưới có khả năng nhưng không sẵn lòng làm những điều người lãnh đạo muốn.
SS4. Cấp dưới vừa có khả năng lại sẵn lòng làm những việc được yêu cầu.
Người lãnh đạo tình huống phải nắm bắt được 4 loại hình trên của nhân viên để đưa ra quyết định phân bổ nguồn lực sáng suốt. Đôi lúc, họ còn cần phải kết hợp linh hoạt các phong cách khác nhau với cùng một người.
Ví dụ, lần đầu lãnh đạo tin tưởng phân chia nhiệm vụ cho một nhân viên, anh ta tự tin và có khả năng thực hiện tốt, tuy nhiên, khi một nhiệm vụ mới được giao cho anh ta sẽ lại đòi hỏi một phong cách quản lý khác. Điều quan trọng là phương pháp lãnh đạo tình huống phải đi đôi với mục tiêu là làm cho nhân viên của mình phát triển kỹ năng và tăng tính độc lập hơn.

7. Phong cách lãnh đạo nào là tốt nhất ?
Không ít những nhà lãnh đạo trẻ hiện nay băn khoăn về việc theo đuổi phong cách nào cho phù hợp. Mỗi kiểu vận hành lại có một ưu và nhược điểm riêng.

Phong cách chuyên quyền tuy độc đoán nhưng mang đến hiệu suất cao, phong cách dân chủ tuy thu hút sự tham gia nhiệt tình nhưng làm giảm mức độ ảnh hưởng của người lãnh đạo.
Suy cho cùng, không có phong cách nào là tối ưu nhất, hoàn hảo nhất. Nhưng có thể khẳng định rằng, người lãnh đạo tài giỏi nhất là người biết kết hợp khéo léo và linh hoạt những phong cách trong những tình huống thích hợp và dựa vào nguồn nhân lực sẵn có.

Một vài gợi ý về những cách quản lý hiệu quả mà nhà lãnh đạo có thể áp dụng:

  • Đối với nhân viên mới, người lãnh đạo có năng lực nên thực hiện phong cách lãnh đạo độc đoán giống như một huấn luyện viên khắt khe. Nhờ vậy, nhân viên càng có động lực để học hỏi thêm nhiều điều mới.
  • Đối với những nhân viên đã thành thạo công việc và có tinh thần hăng hái đưa ra ý kiến đóng góp, nên sử dụng phong cách lãnh đạo có sự tham gia. Người lãnh đạo vẫn kiểm soát được quá trình mà mỗi cá nhân lại được đáp ứng nguyện vọng đóng góp một phần cho nhóm.
  • Đối với những nhân viên có kiến thức chuyên môn sâu rộng, thậm chí hơn cả kiến thức của cấp trên, nên sử dụng phong cách ủy thác. Người lãnh đạo không thể gồng gánh hết mọi dự án, họ cần san sẻ công việc của mình với những người thân tín và dày dạn kinh nghiệm, Ngoài ra, điều này cho phép công việc đạt được năng suất cao hơn.

Từ đó có thể thấy, xác định các đặc điểm cốt lõi của bản thân là nguyên tắc hàng đầu để nhà lãnh đạo sáng suốt đưa ra quyết định phong cách vận hành tổ chức. Cho dù bạn là người hướng nội hay hướng ngoại, tuân thủ kỷ luật hay thiên về hành động, bạn sẽ có xu hướng thực hiện theo cách tốt nhất để đạt được kỳ vọng. Đứng đầu một tổ chức, phải là con người không sợ thất bại mà chỉ sợ bản thân chưa cố gắng hết sức.

8. Tổng Kết
Tóm lại, Thước đo giá trị thực sự của bất cứ người lãnh đạo và quản lý kinh doanh nào là hiệu quả (Brian Tracy). Thực tiễn luôn vận động và phát triển không ngừng, người lãnh đạo càng cần phải nhạy bén trước mọi tình huống, chủ động đối mặt với rủi ro. Nhưng trước hết, bản thân họ phải là tiêu biểu cho phong cách lãnh đạo cho cấp dưới học tập và noi theo. Đó cũng là lý do những doanh nghiệp lớn trên thế giới như Amazon, Alibaba, Microsoft, Apple, Google luôn phát triển thịnh cường từ hàng thập kỷ qua nhờ sự lãnh đạo tài tình của những người đứng đầu đi vào huyền thoại như Jeff Bezos, Jack Ma, Bill Gates, Steve Jobs.

>>Tìm hiểu thêm: Khơi dậy xúc cảm cho nhà lãnh đạo