Tội phạm có tính chất xuyên quốc gia theo công ước palermo? cho ví dụ về từng trường hợp.

Những ngày gần đây dân tình không khỏi xôn xao trước thông tin Triệu Vy là tội phạm quốc tế. Theo nguồn tin từ phía Trung Quốc cho hay. Triệu Vy đang là ngôi sao hạng A Cbiz đầu tiên có lệnh truy nã đỏ. Sau tin tức liên quan đến Triệu Vy. Hàng loạt ngôi sao xứ Trung vướng phải các cáo buộc liên quan đến sự nghiệp sau này. Vậy Tội phạm có tính chất quốc tế theo quy định pháp luật là gì?. Tội phạm này nghiêm trọng như thế nào. Mời quý bạn đọc hãy cùng Luật sư X tìm hiểu những quy định pháp luật về vấn đề này.

Căn cứ pháp lý

Quy chế Rome

Công ước Palermo năm 2000

Bộ luật hình sự Việt Nam năm 2015 sửa đổi bổ sung năm 2017

Nội dung tư vấn

Thế nào là tội phạm có tính chất quốc tế?

Để tìm hiểu Tội phạm có tính chất quốc tế theo quy định pháp luật là gì?. Trước hết cần hiểu thế nào là tội phạm. Căn cứ  Điều 8 Bộ luật hình sự năm 2015 sửa đổi bổ sung năm 2017. Tội phạm được hiểu là hành vi nguy hiểm cho xã hội được Bộ luật này quy định. Người thực hiện hành vi phạm tội là người có năng lực trách nhiệm hình sự.

Cá nhân này thực hiện một cách cố ý hoặc vô ý, xâm phạm tới những vấn đề sau:

  • độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thỗ Tổ quốc
  • xâm phạm chế độ chính trị, chế độ kinh tế, nền văn hóa, quốc phòng an ninh, trật tự, an toàn xã hội, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức.
  • xâm phạm tính mạng, sức khỏe, danh dự nhân phẩm, tự do, tài sản, các quyền, lợi ích hợp pháp khác của công dân,

Hiện nay có rất nhiều quan điểm về tội phạm có tính chất quốc tế. Tuy nhiên những quan điểm này đều được dựa trên quy định liên quan đến tội phạm nhưng có thêm yếu tố quốc tế. Theo quy chế Rome định nghĩa có thể hiểu tội phạm quốc tế là những hành vi đặc biệt nguy hiểm. Tội này do người có năng lực trách nhiệm hình sự, từ đủ 18 tuổi trở lên, thực hiện một cách cố ý, xâm phạm hòa bình an ninh quốc tế, gây lo ngại cho toàn thể cộng đồng quốc tế.

Có bao nhiêu nhóm tội phạm có tính chất quốc tế?

Về cơ bản tội phạm có tính chất quốc tế được chia làm 4 nhóm sau:

Nhóm thứ nhất: Các tội xâm phạm tội hợp tác hữu nghị và sự tồn tại bình thường của các quan hệ giữa các nước. Ví dụ tội khủng bố, tội cướp máy bay, phương tiện giao thông khác…

Nhóm thứ hai: Các tội xâm hại môi trường sống của con người, di sản văn hóa của dân tộc trên thế giới. Ví dụ như buôn lậu, buôn bán trái phép chất ma túy, làm và buôn bán tiền giả…

Nhóm thứ ba: Các tội xâm phạm nhân phẩm, danh dự con người. Ví dụ như tội cướp biển, tội tuyên truyền các xuất bản phẩm đồi trụy…

Nhóm thứ tư: Các tội phạm có tính quốc tế khác. Ví dụ như phá hoại các công trình ngầm dưới biển, các tội phạm được thực hiện trên máy bay, tàu thủy.

Tội phạm có tính chất quốc tế có những đặc điểm nào?

Tội phạm có tính chất là loại tội hoạt động thường có tính tổ chức, thậm chí có tính tổ chức rất cao. Với những âm mưu, thủ đoạn, ý đồ chính trị, chiến lược, sách lược nguy hiểm cũng như vì mục đích vụ lợi.

Đây là tội nhìn chung được thực hiện trên lãnh thổ của một vài quốc gia hoặc trên lãnh thổ không thuộc thẩm quyền tài phán của quốc gia bất kỳ nào.

Tội phạm có chứa đựng yếu tố nước người (chủ thể tội phạm có quốc tịch khác nhau, khách thể là lợi ích của các quốc gia khác nhau bị xâm phạm, sự kiện phạm tội xảy ra ở nước ngoài…)

Những tên tội phạm này thường rất chuyên nghiệp. Chúng được đào tạo bài bản, được trang bị điều kiện đầy đủ và hiện đại.

Ngày nay, các loại tội phạm này thường có xu hướng móc nối liên kết với nhau. Ví dụ như tội rửa tiền, ma túy và buôn bán vũ khí thường đi kèm với nhau.

Xem thêm:

Rửa tiền là gì? Tội rửa tiền bị xử lý như thế nào?

Mua bán tiền ảo trên mạng có vi phạm pháp luật không?

Tham nhũng tiền cứu trợ covid 19 bị phạt tù bao nhiêu năm ?

 Trên đây là những tư vấn của Luật sư X về “Tội phạm có tính chất quốc tế theo quy định pháp luật là gì?”. Hy vọng bạn đọc có thêm những kiến thức bổ ích liên quan đến vấn đề này. Mọi thắc mắc cần giải đáp vui lòng liên hệ theo số hotline : 0833.102.102 để được hỗ trợ tư vấn cụ thể.

Câu hỏi thường gặp:

Người thực hiện hành vi rửa tiền có phải là một tội phạm có tính chất quốc tế?

Người thực hiện hành vi rửa tiền có thể là tội phạm có tính chất quốc tế. Tùy vào tính chất mức độ, hành vi cụ thể. Ví dụ hành vi rửa tiền tại nước A, sau đó tiêu thụ tiền đó tại nước B, C. Mục đích nhằm hợp pháp hóa tiền bẩn thành tiền sạch. Ngoài ra tại điều 324 Bộ luật hình sự Việt Nam quy định xử lý tội rửa tiền. Theo đó đối tượng tham gia, thực hiện có thể bị phạt đến 10 năm tù. Đồng thời có thể phải nộp tiền lên tới 5.000.0000.0000 đồng.

Ai có thẩm quyền xử lý tội phạm quốc tế?

Thông thường sẽ là quốc gia nơi diễn ra, bắt được tội phạm có tính chất quốc tế. Trong một số trường hợp sẽ do Tòa án quốc tế thực hiện. Nhưng cần lưu ý rằng Tòa án hình sự quốc tế chỉ có quyền tài phán bổ sung chứ không thay thế thẩm quyền của tòa quốc gia Trong trường hợp quốc gia không muốn xét xử hoặc không có khả năng. Hoạt động này sẽ do Tòa án hình sự quốc tế thực hiện.

Mức phạt tối đa của tòa án hình sự quốc tế là gì?

Tòa án hình sự quốc tế được hình thành với nhiều thành viên là các quốc gia. Theo đó các quy định của tòa án cần phù hợp với các công ước chung. Trong đó có công ước liên quan đến các quyền con người. Con người có quyền được sống. Chính vì vậy mức phạt tối đa của tòa án hình sự quốc tế chỉ là tù trung thân.

5 ra khỏi 5 (1 Phiếu bầu)

NỘI LUẬT HÓA QUY ĐỊNH CỦA CÔNG ƯỚC CHỐNG TỘI PHẠM CÓ TỔ CHỨC XUYÊN QUỐC GIA ĐỐI VỚI HÀNH VI HỢP PHÁP HÓA TÀI SẢN DO PHẠM TỘI MÀ CÓ TRONG BỘ LUẬT HÌNH SỰ VIỆT NAM NĂM 2015

Nguyễn Viết Tăng

Tóm tắt: Trong bài viết, tác giả tập trung phân tích ưu điểm cũng như những hạn chế, bất cập của Bộ luật hình sự Việt Nam năm 2015 về nội luật hóa hành vi hợp pháp hóa tài sản do phạm tội mà có theo Công ước chống tội phạm có tổ chức xuyên quốc gia (CTOC)[1] trong Tội rửa tiền[2], trên cơ sở đó đưa ra một số kiến nghị nhằm hoàn thiện quy định trong Bộ luật hình sự Việt Nam năm 2015.

Từ khóa: Tài sản do phạm tội mà có, tội rửa tiền, tội phạm nguồn…

Abstract: In the article, the author focuses on analyzing the advantages and disadvantages of the Vietnamese Penal Code in 2015 on the domestic legalization of criminal offenses committed under the Convention against Transnational Organized Crime (CTOC) on money laundering, on the basis of which a number of recommendations to complete the provisions of the Vietnam Penal Code in 2015.

Keywords: Property acquired by crime, Money laundering, Source crime…

Trong bối cảnh toàn cầu hóa ngày nay, song song với quá trình hội nhập giữa các quốc gia, người phạm tội trong từng quốc gia đơn lẻ cũng liên kết với nhau, mở rộng phạm vi và địa bàn hoạt động. Vì vậy, tội phạm cũng phát triển và trở thành hiện tượng mang tính toàn cầu làm cho cuộc đấu tranh của từng quốc gia đơn lẻ không đem lại hiệu quả mong muốn, đòi hỏi cần phải có sự hợp tác, đấu tranh của các quốc gia trên thế giới, đặc biệt là đối với nhóm các tội rửa tài sản do phạm tội mà có. Ngày 15 tháng 11 năm 2000 tại Palermo,[3] cộng đồng quốc tế đã thể hiện ý chí trong việc thúc đẩy sự hợp tác nhằm ngăn ngừa và đấu tranh với tội phạm có tổ chức xuyên quốc gia một cách hiệu quả bằng việc thông qua Công ước về Chống tội phạm có tổ chức xuyên quốc gia (CTOC).

Trong Công ước đòi hỏi các quốc gia phải hình sự hóa hành vi hợp pháp hóa tài sản do phạm tội mà có với những quy định tại Điều 6[4]. Hiện nay hầu hết các quốc gia đã tội phạm hóa hành vi rửa tiền, đặc biệt là các quốc gia đã phê chuẩn các Công ước của Liên hợp quốc liên quan đến tội phạm rửa tiền[5].

Việt Nam đã có những nỗ lực nhất định trong hợp tác nhằm đấu tranh, phòng ngừa, ngăn chặn các tội phạm được quy định trong Công ước nói chung và tội hợp pháp hóa tài sản do tội phạm mà có nói riêng. Đảng và Nhà nước ta khẳng định: “Ký kết và gia nhập các công ước quốc tế về chống khủng bố quốc tế, chống tội phạm có tổ chức xuyên quốc gia, chống rửa tiền, chống tham nhũng, các hiệp định tương trợ tư pháp. Chú trọng việc nội luật hóa những điều ước quốc tế mà Nhà nước ta là thành viên liên quan đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội”.[6]

Thực hiện định hướng này, ngày 08/06/2012, Việt Nam đã phê chuẩn Công ước chống tội phạm có tổ chức, xuyên quốc gia (CTOC). Đồng thời, chúng ta đã thực hiện nghĩa vụ nội luật hóa hành vi hợp pháp hóa tài sản do phạm tội mà có trong Công ước vào Bộ luật Hình sự Việt Nam năm 2015. Tuy nhiên, vẫn còn tồn tại một số hạn chế, bất cập, chưa phù hợp với quy định của Công ước CTOC cần tiếp tục bổ sung, hoàn thiện nhằm đảm bảo thống nhất trong áp dụng pháp luật hình sự, đảm bảo quyền con người theo pháp luật quốc tế.

Hiện nay, hành vi hợp pháp hóa tài sản do phạm tội mà có theo Công ước CTOC được quy định là Tội rửa tiền trong Bộ luật hình sự Việt Nam 2015 tại Điều 324.[7]

Về yếu tố lỗi, CTOC quy định tội phạm được thực hiện một cách cố ý và vào thời điểm thực hiện hành vi rửa tiền, người phạm tội biết rằng đối tượng của hành vi là tài sản do phạm tội mà có.

Theo quy định của BLHS năm 2015, khẳng định rõ trạng thái tinh thần của người phạm tội khi rửa tài sản không phải do mình phạm tội mà có là: “Biết hay có cơ sở để biết là do người khác phạm tội mà có” là một quy định tiến bộ. Đồng thời, quy định này cũng được áp dụng đối với tội “Chứa chấp hoặc tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có”.[8]

Ngoài ra, cần nói thêm rằng Hiến pháp và pháp luật một số quốc gia (ví dụ như Thụy Điển, Đức) không cho phép truy tố và xử phạt một người cả về tội phạm nguồn và tội phạm rửa tiền. Trong trường hợp sau khi thực hiện tội phạm nguồn, người phạm tội thực hiện hành vi “rửa” đối với tài sản mà họ có được từ việc thực hiện tội phạm nguồn, người phạm tội chỉ bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội phạm nguồn[9]. Về vấn đề này CTOC cho phép các quốc gia, căn cứ vào các nguyên tắc cơ bản trong pháp luật của mình, không truy cứu trách nhiệm hình sự về hành vi rửa tiền đối với người thực hiện tội phạm nguồn, nếu như tài sản trong hành vi rửa tiền có được từ việc thực hiện tội phạm nguồn[10].

Đối chiếu với pháp luật Việt Nam, Điều 324 BLHS năm 2015 đã khẳng định cá nhân rửa tiền sẽ phải chịu trách nhiệm hình sự đối với hành vi rửa tài sản do mình phạm tội mà có.

Mặc dù đã có những quy định tiến bộ hơn như đã phân tích. Tuy nhiên, so với yêu của CTOC quy định của BLHS Việt Nam vẫn còn tồn tại một số hạn chế cần tiếp tục nghiên cứu hoàn thiện.

Thứ nhất, về hành vi, mục đích và yếu tố lỗi

Hoạt động rửa tiền chủ yếu được thực hiện qua hoạt động tài chính, ngân hàng; vì vậy khi tội phạm hóa hành vi chuyển đổi, chuyển giao tài sản do phạm tội mà có, BLHS Việt Nam đã cố ý nhấn mạnh một số hình thức phổ biến của việc chuyển đổi, chuyển giao tài sản. Đó là: Tham gia trực tiếp hoặc gián tiếp vào các giao dịch tài chính, ngân hàng; sử dụng tiền, tài sản do mình phạm tội mà có hoặc biết hay có cơ sở để biết là do người khác thực hiện… vào việc tiến hành các hoạt động kinh doanh. Tuy nhiên, sau khi liệt kê một số hình thức chuyển đổi, chuyển giao tài sản phổ biến; để đảm bảo sự bao quát, BLHS đã mở rộng không giới hạn các hình thức chuyển đổi, chuyển giao với cụm từ “hoặc hoạt động khác”. Xét về kỹ thuật lập pháp, cách thức quy định tại điểm a và b của khoản 1 Điều 324 BLHS năm 2015 về hành vi khách quan của tội phạm là chưa chặt chẽ. Theo tôi, nhà làm luật nên sử dụng cách diễn tả tại Điều 6 của công ước CTOC “Chuyển đổi hay chuyển giao tài sản” như vậy vừa đảm bảo tính bao quát, đồng thời cũng tránh được việc diễn đạt lòng vòng, gây khó khăn cho các cơ quan có thẩm quyền áp dụng pháp luật.

Ngoài ra, theo quy định tại điểm a khoản 1 Điều 324 BLHS năm 2015, khi thực hiện các hành vi “tham gia trực tiếp hoặc gián tiếp vào các giao dịch tài chính, ngân hàng hoặc giao dịch khác liên quan đến tiền, tài sản do mình phạm tội mà có hoặc biết hay có cơ sở để biết là do người khác phạm tội mà có”, người phạm tội phải có mục đích là “che giấu nguồn gốc bất hợp pháp của tiền, tài sản đó”. Trong khi đó, theo quy định tại điểm b khoản 1 Điều 324 BLHS Việt Nam năm 2015, khi thực hiện các hành vi “sử dụng tiền, tài sản do phạm tội mà có hoặc biết hay có cơ sở để biết là do người khác thực hiện hành vi phạm tội mà có vào việc tiến hành các hoạt động kinh doanh hoặc hoạt động khác”, người phạm tội không nhất thiết phải có mục đích che giấu nguồn gốc bất hợp pháp của tiền, tài sản đó. Theo quy định của CTOC, khi thực hiện hành vi chuyển đổi, chuyển giao tài sản; người phạm tội phải có mục đích “che giấu nguồn gốc bất hợp pháp của tài sản”.[11] Về điểm này, quy định của CTOC là chặt chẽ và phù hợp với bản chất của rửa tiền, đó là việc làm cho “tiền có hình thức bẩn” trở thành “tiền có hình thức sạch”; làm cho “tiền có hình thức bất hợp pháp” trở thành “tiền có hình thức hợp pháp”. Chính vì vậy, cần quy định thêm dấu hiệu mục đích phạm tội vào nhóm hành vi nêu tại điểm b khoản 1 Điều 324 BLHS năm 2015. Việc quy định thêm dấu hiệu mục đích của hành vi phạm tội đồng nghĩa nếu vào thời điểm thực hiện hành vi, người phạm tội không có mục đích che giấu nguồn gốc bất hợp pháp của tài sản, thì họ chỉ bị truy cứu hình sự đối với tội phạm nguồn mà không bị truy cứu thêm về tội rửa tiền.

Do đó, để đúng với bản chất của rửa tiền, nhóm hành vi nêu tại điểm b khoản 1 Điều 324 BLHS năm 2015 cần được bổ sung mục đích phạm tội là “che giấu nguồn gốc bất hợp pháp của tài sản”. Tuy nhiên, cách thức liệt kê một vài hình thức rửa tiền phổ biến sau đó mở ra đến mọi hình thức khác là chưa phù hợp và nên tích hợp điểm a và điểm b khoản 1 Điều 324 BLHS theo mô hình của CTOC.

Đối với nhóm hành vi “che giấu nguồn gốc, bản chất thực sự, vị trí, quá trình di chuyển hoặc quyền sở hữu đối với tiền, tài sản do mình phạm tội mà có hoặc biết hay có cơ sở để biết là do người khác phạm tội mà có” đã được tội phạm hóa tại khoản 1 Điều 324 BLHS năm 2015. Đối với nhóm hành vi này, cả CTOC và BLHS Việt Nam không đòi hỏi dấu hiệu mục đích của hành vi là “che giấu nguồn gốc bất hợp pháp của tài sản”, bởi lẽ ngay chính hành vi phạm tội đã là hành vi che giấu các khía cạnh bất hợp pháp của tài sản.

Ngoài ra, trong quy định của BLHS chỉ giới hạn đối tượng bị che giấu là “thông tin”, điều này làm cho phạm vi các hành vi bị coi là tội phạm hẹp hơn rất nhiều so với quy định của CTOC. Theo quy định của CTOC, đối tượng bị che giấu không chỉ là “thông tin” mà bao gồm ngay chính “vị trí của tài sản”, “bản chất thực sự của tài sản”, “quá trình di chuyển”. Trong khi đó, theo quy định của BLHS Việt Nam năm 2015, những hành vi này không phải là hành vi phạm tội rửa tiền, mà chỉ những hành vi che giấu “thông tin” về vị trí của tài sản hoặc hành vi che giấu thông tin về quá trình di chuyển của tài sản mới là hành vi khách quan của tội rửa tiền. Chính vì vậy, BLHS cần chỉnh sửa quy định này bằng cách bỏ cụm từ “thông tin” thì sẽ phù hợp với các quy định của CTOC.

Thứ hai, về đối tượng tác động

Theo quy định tại Điều 2(e) CTOC, đối tượng tác động của tội phạm là “Tài sản do phạm tội mà có”. Nghĩa là “bất cứ tài sản nào bắt nguồn hay có được một cách trực tiếp hay gián tiếp từ việc phạm tội”. Như vậy, đối tượng tác động của hành vi hợp pháp hóa tài sản do phạm tội mà có trước hết là tài sản “có được” một cách trực tiếp hoặc gián tiếp từ việc thực hiện một tội phạm. Ngoài ra, đối tượng tác động của tội phạm còn bao gồm tài sản “bắt nguồn” từ việc thực hiện tội phạm. Đây có thể là những tài sản phái sinh từ những tài sản có được một cách trực tiếp hoặc gián tiếp từ việc thực hiện tội phạm. Về các loại tài sản là đối tượng tác động của tội rửa tiền, Điều 2(d) của Công ước nêu rõ: “Tài sản ở mọi hình thức, hữu hình hay vô hình, động sản hay bất động sản, vật chất hay phi vật chất, và toàn bộ các văn bản hoặc giấy tờ có giá trị pháp lý chứng nhận quyền sở hữu, hay các lợi ích liên quan đến tài sản đó”. Như vậy, CTOC áp dụng cách hiểu khá rộng về đối tượng tác động của tội phạm rửa tiền.

Đối chiếu với quy định của Bộ luật hình sự Việt Nam thấy rằng, hiện nay trong Bộ luật hình sự không có quy định nào liên quan tới tài sản, mà việc giải thích thuật ngữ này lại được quy định trong Bộ luật Dân sự[12] và trong Thông tư 09/2011.[13] Do đó, để có thể vừa áp dụng thống nhất trong pháp luật hình sự, vừa đơn giản hóa trong quy định mà vẫn đầy đủ ý nghĩa, tôi cho rằng chúng ta nên thay đổi nhận thức và hiểu theo nghĩa rộng thuật ngữ “tài sản do phạm tội mà có” gồm “tài sản có được hoặc bắt nguồn từ việc thực hiện tội phạm” như theo quy định của CTOC và quy định cụ thể thành một điều luật trong Bộ luật hình sự hiện hành.

Thứ ba, về tội phạm nguồn

CTOC khuyến nghị các quốc gia thành viên áp dụng tội phạm rửa tiền đối với phạm vi rộng nhất các tội phạm nguồn. Đồng thời CTOC yêu cầu các quốc gia xác lập những tội phạm sau đây là tội phạm nguồn: Tất cả các tội phạm nghiêm trọng như định nghĩa tại CTOC[14], các tội phạm nêu trong CTOC và tất cả các tội liên quan đến một nhóm tội phạm có tổ chức[15]. Ngoài ra, để đấu tranh triệt để với hoạt động rửa tiền, theo yêu cầu của CTOC, các quốc gia thành viên phải coi những tội phạm thực hiện ở ngoài lãnh thổ của quốc gia cũng là tội phạm nguồn của tội rửa tiền. Lưu ý là những hành vi thực hiện ngoài lãnh thổ của quốc gia chỉ coi là tội phạm nguồn khi hành vi đó được quy định là tội phạm trong cả pháp luật của quốc gia nơi hành vi đó được thực hiện và trong pháp luật của quốc gia áp dụng điều này[16].

Điều 324 BLHS Việt Nam năm 2015 không giới hạn phạm vi tội phạm nguồn, điều này được hiểu là mọi loại tội phạm, bao gồm tội phạm ít nghiêm trọng, đều có thể trở thành tội phạm nguồn của tội rửa tiền. Quy định này phù hợp với khuyến nghị của CTOC, tuy nhiên, có ý kiến cho rằng việc không giới hạn tội phạm nguồn có thể dẫn đến “quá sức” đối với cơ quan chức năng trong việc xác định tội phạm rửa tiền trên thực tế[17]. Tôi đồng ý với quan điểm cần thiết giới hạn phạm vi xử lý hình sự đối với hành vi rửa tiền. Việc giới hạn có thể thực hiện thông qua giới hạn tội phạm nguồn hoặc định lượng tối thiểu tài sản tẩy rửa.

CTOC yêu cầu các quốc gia thành viên phải coi những tội phạm được thực hiện ở nước ngoài là tội phạm nguồn của tội rửa tiền để đấu tranh hiệu quả với hoạt động rửa tiền. Theo quan điểm cá nhân của tôi, vấn đề tội phạm nguồn nước ngoài không cần phải đưa vào BLHS, bởi vì theo quy định như hiện nay không giới hạn xử lý đối với tội phạm nguồn ở nước ngoài. Vấn đề áp dụng hay không chỉ phụ thuộc vào thực tế nhận thức của cơ quan tiến hành tố tụng và người tiến hành tố tụng, do đó vấn đề này có thể giải quyết bằng một văn bản hướng dẫn áp dụng BLHS.

Trên đây là những phân tích và quan điểm của cá nhân về việc hình sự hóa hành vi hợp pháp hóa tài sản do phạm tội mà có trong BLHS Việt Nam năm 2015, trên cơ sở phân tích những ưu điểm và những hạn chế, tác giả có đưa ra một số kiến nghị nhằm hoàn thiện các quy định của pháp luật Việt Nam liên quan đến tội phạm này.

N.V.T

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. Liên hợp quốc (2000), Công ước chống tội phạm có tổ chức xuyên quốc gia (CTOC);

2. Quốc hội nước Cộng hòa XHCN Việt Nam (2017), Bộ luật hình sự Việt Nam năm 2015, Nxb Hồng Đức;

3. Nguyễn Thị Phương Hoa (2016), Nội luật hóa các quy định của Công ước chống tội phạm có tổ chức xuyên quốc gia trong bộ luật hình sự Việt Nam, Nxb Hồng Đức – Hội luật gia Việt Nam;

4. Nguyễn Ngọc Chí (2013), Những vấn đề lý luận, thực tiễn về luật hình sự quốc tế, NXB Chính trị quốc gia;

5. Đại học Luật Thành phố Hồ Chí Minh (2013), Giáo trình Công pháp quốc tế - quyển 2, Nxb Hồng Đức – Hội Luật gia Việt Nam;


[1] Convention against Transnational Organized Crime

[2] Điều 324 Bộ luật Hình sự Việt Nam năm 2015

[3] Công ước Chống tội phạm có tổ chức xuyên quốc gia (CTOC) được thông qua ngày 15/11/2000 (Nghị quyết số 55/25). Công ước được mở để các quốc gia ký kết từ ngày 13/12/2000 đến 31/12/2002 (Điều 36, 38), có hiệu lực từ ngày 29/09/2003. Hiện nay, đã có 147 nước ký, 149 nước thành viên, Việt Nam ký Công ước vào ngày 13//12/2000 và đã phê chuẩn năm 2012.

[4] “Điều 6 Công ước chống tội phạm có tổ chức xuyên quốc gia CTOC

Hình sự hoá hành vi hợp pháp hoá tài sản do phạm tội mà có

1. Phù hợp với những nguyên tắc cơ bản trong pháp luật trong nước của mình, mỗi quốc gia thành viên sẽ ban hành pháp luật hoặc những biện pháp cần thiết khác để coi các hành vi sau là tội phạm khi chúng được thực hiện một cách cố ý:

(a) (i) Chuyển đổi hay chuyển giao tài sản, dù biết rằng những tài sản này do phạm tội mà có, nhằm che đậy hoặc che dấu nguồn gốc bất hợp pháp của tài sản hoặc nhằm giúp đỡ bất cứ người nào liên quan đến việc thực hiện một hành vi vi phạm nguồn lẩn tránh những hậu quả pháp lý do hành vi của người đó gây ra;

(ii) Che đậy hoặc che dấu bản chất thực sự, nguồn gốc, địa điểm, việc chuyển nhượng, chuyển dịch hoặc quyền sở hữu hay những quyền đối với tài sản, dù biết rằng tài sản này do phạm tội mà có;…”

[5] Nguyễn Thị Phương Hoa (2016), Nội luật hóa các quy định của Công ước chống tội phạm có tổ chức xuyên quốc gia trong bộ luật hình sự Việt Nam, Nxb Hồng Đức – Hội luật gia Việt Nam [Ngoài các quy định tại Điều 6 của Công ước Palermo, hành vi rửa tiền còn được quy định tại Điều 3(b) United Nations Convention against Illicit Traffic in Narcotic Drugs and Psychotropic Substanes, 20 December 1988, 1582 UNTS 95, enter into force 11 November 1990]95, Tr 75 - 76

[6] Nghị quyết số 48-NQ/TW ngày 24/05/2005 của Bộ chính trị về chiến lược xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật Việt Nam đến năm 2010, định hướng đến năm 2020

[7] Xem Điều 324 Bộ luật Hình sự Việt Nam năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017)

[8] Trong Bộ luật hình sự năm 2015 tội này được quy định tại Điều 323 với những dấu hiệu tương đối hoàn thiện nên tác giả sẽ không phân tích thêm.

[9] Nguyễn Thị Phương Hoa (2016), Nội luật hóa các quy định của Công ước chống tội phạm có tổ chức xuyên quốc gia trong bộ luật hình sự Việt Nam, Nxb Hồng Đức – Hội luật gia Việt Nam, Tr 264 - 282

[10] Điều 6(1)(a)(ii) CTOC

[11] Điều 6(1)(a(ii) CTOC

[12] Điều 105 Bộ luật Dân sự 2015

[13] Thông tư 09/2011/TTLT-BCA-BQP-BTP-NHNNVN-VKSNDTC-TANDTC ngày 30/11/2000

[14] Hình phạt tù tối đa đối với tội phạm đó là ít nhất 4 năm tù

[17] Dương Tuyết Miên, “đánh gia tương thích của pháp luật hình sự Việt Nam về tội rửa tiền với quy định tương ứng của chuẩn mực quốc tế và một số kiến nghị”, Tạp chí Tòa án nhân dân kỳ II, tháng 2/2011 (số 4), tr.43

                                                                                            Nguồn: Tạp chí An ninh nhân dân số 78, tr57-61