Tổng hợp hình phạt của nhiều bản án là gì năm 2024

Theo nguyên tắc, tất cả hành vi phạm tội phải được đưa ra xét xử kịp thời, đúng quy định pháp luật. Tuy nhiên, thực tiễn xét xử cho thấy một người đang chấp hành một bản án vẫn có thể bị phát hiện hành vi phạm tội mà họ thực hiện trước đó hoặc có thể họ sẽ thực hiện một hành vi phạm tội mới. Tùy theo tính chất, mức độ của hành vi phạm tội mà người thực hiện hành vi phạm tội bị áp dụng hình phạt khác nhau (không cùng loại). Trong phạm vi bài viết, tác giả trình bày, phân tích quy định về tổng hợp hình phạt của nhiều bản án theo Điều 56 Bộ luật Hình sự (BLHS) năm 2015 và một số vướng mắc trong thực tiễn.

So với quy định tại Điều 51 BLHS năm 1999 thì Điều 56 BLHS năm 2015 quy định về tổng hợp hình phạt của nhiều bản án không có gì thay đổi. Theo đó, việc tổng hợp hình phạt của nhiều bản án được quy định trong 03 trường hợp sau:

1. Trường hợp một người đang phải chấp hành một bản án mà lại bị xét xử về tội đã phạm trước khi có bản án này (khoản 1 Điều 56 BLHS năm 2015)

Trong thực tế thì có thể một người thực hiện hai hành vi phạm tội. Hành vi phạm tội lần đầu có thể bị xét xử sau hành vi phạm tội thứ hai hoặc ngược lại. Vì vậy, quy định tại khoản 1 Điều 56 BLHS năm 2015 có thể hiểu là khi một người bị xét xử về một hành vi phạm tội bằng một bản án có hiệu lực pháp luật mà sau đó người này lại bị xét xử về một tội khác và hành vi phạm tội lần sau được thực hiện trước khi có bản án đã có hiệu lực pháp luật thì tòa án quyết định hình phạt đối với tội đang xét xử. Sau đó, tổng hợp với hình phạt của bản án trước đã có hiệu lực pháp luật. Thời gian chấp hành hình phạt của bản án trước sẽ được trừ vào hình phạt chung sau khi đã tổng hợp hình phạt. Thẩm quyền tổng hợp hình phạt là của hội đồng xét xử đang xét xử vụ án.

Tuy nhiên, thực tiễn hiện nay vẫn còn cách hiểu khác nhau về thời điểm được coi là “đang phải chấp hành một bản án”. Cách hiểu thứ nhất là thời điểm người đó thực tế đã và đang chấp hành một bản án đã có hiệu lực pháp luật. Cách hiểu thứ hai là chỉ cần khi bản án có hiệu lực pháp luật.

  1. Trường hợp một người đang phải chấp hành một bản án mà lại thực hiện hành vi phạm tội mới (khoản 2 Điều 56 BLHS năm 2015)

Khác với trường hợp quy định tại khoản 1 Điều 56 BLHS năm 2015, việc tổng hợp hình phạt theo khoản 2 Điều 56 BLHS năm 2015 là khi một người đã bị kết án về một hành vi phạm tội và đang chấp hành một bản án đã có hiệu lực pháp luật mà sau đó người này tiếp tục có hành vi phạm tội khác.

Ví dụ 1: Ngày 03/01/2019, Nguyễn Văn B bị tòa án huyện X tuyên phạt 02 năm tù về tội trộm cắp tài sản. Ngày 04/02/2019 là ngày bản án có hiệu lực pháp luật. Ngày 05/02/2019, chánh án tòa án huyện X chưa ra quyết định thi hành án thì B bị đưa ra xét xử về hành vi cố ý gây thương tích cho người khác tại nhà tạm giữ công an huyện X. Trường hợp này khi xét xử hành vi phạm tội cố ý gây thương tích của B thì tòa án huyện X tổng hợp hình phạt theo khoản 2 Điều 56 BLHS năm 2015.

Ví dụ 2: Trần H đang chấp hành án tại Trại giam B thuộc Bộ Công an. Trong thời gian chấp hành án H có hành vi cố ý gây thương tích cho phạm nhân khác cũng đang chấp hành án tại Trại giam B. Trường hợp này khi xét xử hành vi phạm tội cố ý gây thương tích của H thì tòa án sẽ tổng hợp hình phạt theo khoản 2 Điều 56 BLHS năm 2015.

3. Trường hợp một người phải chấp hành nhiều bản án đã có hiệu lực pháp luật mà các hình phạt của các bản án chưa được tổng hợp (khoản 3 Điều 56 BLHS năm 2015)

Việc tổng hợp hình phạt theo khoản 1 và khoản 2 Điều 56 BLHS năm 2015 có một điều kiện bắt buộc chung là người bị tòa án xét xử phải là người đang chấp hành một bản án, tức là đã có một bản án có hiệu lực pháp luật kết tội người đó về một tội nào đó. Cho nên quy định tại khoản 3 Điều 56 BLHS năm 2015 là để tổng hợp hình phạt của nhiều bản án đã có hiệu lực pháp luật nếu như khi xét xử tòa án không thể tổng hợp hình phạt theo khoản 1 và khoản 2 Điều 56 BLHS năm 2015. Thẩm quyền tổng hợp hình phạt là của chánh án tòa án mà không phải là hội đồng xét xử.

Ví dụ: Ngày 03/01/2019, tòa án nhân dân huyện X tuyên phạt bị cáo Nguyễn Văn B 01 năm tù về tội trộm cắp tài sản. Ngày 15/01/2019, tòa án nhân dân huyện Y lại xét xử Nguyễn Văn B về tội cố ý gây thương tích. Trong trường hợp này, tòa án dân dân huyện Y không thể áp dụng khoản 1 Điều 56 BLHS năm 2015 để tổng hợp hình phạt, vì bản án kết tội Nguyễn Văn B của tòa án nhân dân huyện X chưa có hiệu lực pháp luật. Trong trường hợp này, chánh án tòa án nhân dân huyện Y sẽ tổng hợp hình phạt khi hai bản án của tòa án nhân dân huyện X và tòa án nhân dân huyện Y có hiệu lực pháp luật.

Hiện nay chưa có văn bản hướng dẫn cụ thể về việc tổng hợp hình phạt của nhiều bản án có hiệu lực pháp luật theo quy định tại khoản 3 Điều 56 của BLHS năm 2015. Tuy nhiên, việc tổng hợp hình phạt của nhiều bản án có hiệu lực pháp luật hiện nay có thể tham khảo hướng dẫn tại mục 5 của Thông tư liên tịch số 02/TT-LN ngày 20/12/1991 của Tòa án nhân dân tối cao – Viện kiểm sát nhân dân tối cao. Nội dung cụ thể như sau:

– Trong trường hợp các bản án đã có hiệu lực pháp luật đều của cùng một tòa án thì chánh án tòa án đó ra quyết định tổng hợp hình phạt.

– Trong trường hợp các bản án đã có hiệu lực pháp luật là của các tòa án khác nhau nhưng cùng cấp (cùng cấp huyện trong một tỉnh hoặc khác tỉnh, cùng cấp tỉnh, cùng cấp khu vực, cùng cấp quân khu), thì chánh án tòa án ra bản án sau cùng (về mặt thời gian) ra quyết định tổng hợp hình phạt, cụ thể là: nếu các bản án đã có hiệu lực pháp luật là của các tòa án cấp huyện khác nhau (trong cùng một tỉnh hay khác tỉnh), thì chánh án tòa án cấp huyện đã ra bản án sau cùng ra quyết định tổng hợp hình phạt; nếu các bản án đã có hiệu lực pháp luật là của các tòa án quân sự khu vực khác nhau (trong cùng một quân khu hay khác quân khu), thì chánh án tòa án quân sự khu vực đã ra bản án sau cùng quyết định tổng hợp hình phạt; nếu các bản án đã có hiệu lực pháp luật đều là của các tòa án cấp tỉnh (hoặc đều là của tòa án quân sự cấp quân khu), thì chánh án tòa án cấp tỉnh (hoặc chánh án tòa án quân sự cấp quân khu) ra bản án sau cùng ra quyết định tổng hợp hình phạt.

– Trong trường hợp các bản án đã có hiệu lực pháp luật là của các tòa án không cùng cấp thì chánh án tòa án cấp cao hơn ra quyết định tổng hợp hình phạt, không phụ thuộc vào việc bản án của tòa án cấp cao hơn có trước hay có sau.

– Trong trường hợp trong số các bản án đã có hiệu lực pháp luật có bản án là của tòa án nước ngoài đã được tòa án Việt Nam công nhận, có bản án là của tòa án Việt Nam, thì Chánh án Tòa án nhân dân tối cao ra quyết định tổng hợp hình phạt.