Vì sao Nga coi trong thị trường châu á

QPTD -Thứ Hai, 14/09/2015, 08:58 (GMT+7)

Xung quanh chiến lược “xoay trục” sang châu Á của Liên bang Nga

Gần đây, trước các động thái hướng Đông của Nga, có ý kiến cho rằng, Mát-xcơ-va đang điều chỉnh chính sách để đối phó với biện pháp trừng phạt của Mỹ và phương Tây. Tuy nhiên, nghiên cứu kỹ có thể thấy, việc “xoay trục” sang châu Á của nước này không phải là giải pháp tình thế, mà là chiến lược nhằm tạo các đòn bẩy mới, thúc đẩy sự phát triển vững chắc của Nga.

Vì sao Nga coi trong thị trường châu á
Hạm đội Thái Bình Dương của Nga diễu hành ở Vladivostok (Ảnh: Reuters)

Bối cảnh điều chỉnh Chiến lược của Nga

Sau khi Liên Xô tan rã, nước Nga dưới thời Tổng thống B. En-xin chủ trương hội nhập vào “nền văn minh phương Tây” để phát triển đất nước. Lúc đó, vị Tổng thống đầu tiên của nước Nga mới đã hết lời ca ngợi mô hình của chủ nghĩa tư bản; thậm chí, ông từng cho rằng, tổ chức quân sự Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) không còn là mối đe dọa đối với Nga, rằng NATO đi tới đâu sẽ đem dân chủ tới đó, v.v. Thế nhưng, sau gần 10 năm được các nước phương Tây “giúp” tư nhân hóa ồ ạt nền kinh tế, nước Nga không những không phát triển mà còn lún sâu vào cuộc khủng hoảng toàn diện cả về chính trị và kinh tế - xã hội. Từ một xã hội thuần nhất, Nga đã trở thành quốc gia có hàng trăm đảng phái, tổ chức phi chính phủ mọc lên như nấm sau mưa. Chúng đã sử dụng mọi thủ đoạn, từ mua chuộc, lôi kéo, dụ dỗ, tuyên truyền, xuyên tạc những giá trị của chủ nghĩa Mác – Lê-nin đến tổ chức các hoạt động phá hoại xã hội Nga. Không những thế, Mỹ và phương Tây còn ngấm ngầm hỗ trợ, kích động các tổ chức khủng bố gây ra cuộc chiến tranh huynh đệ tương tàn ở Cộng hòa tự trị Che-xnhi-a; từ đó gây ra làn sóng xung đột sắc tộc và ly khai với toan tính làm tan rã nước Nga từ bên trong. Vì thế, giới quan sát đã không quá khi cho rằng, nếu Chiến tranh lạnh đã làm Liên Xô sụp đổ về chính trị, thì giai đoạn tư nhân hóa ồ ạt sau Chiến tranh lạnh (từ năm 1991) đã tàn phá nước Nga cả về chính trị, kinh tế, văn hóa, giáo dục và quân sự, hòng làm suy yếu, tiến tới xóa bỏ vai trò của Mát-xcơ-va trên trường quốc tế.

Đặc biệt, với chiêu bài “nhân quyền cao hơn chủ quyền”, Mỹ và NATO đã phát động cuộc chiến tranh xâm lược Cộng hòa Xéc-bi-a (năm 1999), nhằm đòi độc lập cho Cô-xô-vô và biến nơi đây thành căn cứ quân sự lớn nhất thế giới của Mỹ. Từ căn cứ này, NATO có thể kiểm soát toàn bộ tình hình khu vực Ban Căng, Trung Á tới Trung Đông - những nơi nước Nga có lợi ích địa - chính trị quan trọng; đồng thời, từng bước đưa cơ sở hạ tầng quân sự của NATO đến sát biên giới Nga. Đây được ví như “giọt nước làm tràn ly” và là động lực để giới lãnh đạo Nga phải lựa chọn con đường phát triển khác cho đất nước, thay vì hội nhập vào phương Tây như lúc ban đầu. Điều này đã được thực hiện từ năm 2000 khi Tổng thống Nga V. Pu-tin bắt tay xây dựng cơ sở cho chiến lược hướng tới châu Á của Nga. Phát biểu trước báo giới trong chuyến thăm Trung Quốc lần đầu tiên (năm 2000), Tổng thống V. Pu-tin đã khẳng định: “Nga là cường quốc nằm trên hai châu lục Á và Âu. Nước Nga như con chim bay trên hai cánh, một cánh là châu Âu, cánh kia là châu Á”. Ngay trong nhiệm kỳ tổng thống đầu tiên, ông V. Pu-tin đã nỗ lực phát triển quan hệ giữa Nga với các nước châu Á, như: Trung Quốc, Ấn Độ, Mông Cổ, Hàn Quốc, các nước ASEAN và Nhật Bản, nhằm hướng tới các nền kinh tế năng động nhất thế giới để phát triển đất nước. Gần đây, trước sự bao vây, cấm vận kinh tế của Mỹ và phương Tây (do liên quan tới cuộc khủng hoảng ở U-crai-na), càng thôi thúc Nga ưu tiên hướng tới châu Á và coi đây là ngọn gió đẩy cánh buồm kinh tế Nga hướng về phía trước. Như vậy, chiến lược “Xoay trục” của Nga tới châu Á là có chủ đích từ lâu, được tiến hành theo lộ trình cụ thể, chứ không phải là “sự trả đũa” nhất thời đối với phương Tây như một số người lầm tưởng. Theo Thủ tướng Nga Mét-vê-đép, đó là sự phát triển bình thường, là đòi hỏi khách quan, nhằm ứng phó với sự biến đổi của môi trường, giúp Nga cải thiện vị trí của mình với phần còn lại của thế giới.

Mục tiêu và những trụ cột của Chiến lược

Mặc dù không công bố thành văn bản chiến lược cụ thể, nhưng các động thái “hướng vào châu Á” của Nga được coi là sự thay đổi có tính bước ngoặt và được Mát-xcơ-va kỳ vọng đạt được nhiều mục tiêu, trong đó có các mục tiêu chủ yếu sau. Thứ nhất, thể hiện sự cự tuyệt của Nga đối với “những giá trị phổ quát” của phương Tây ở châu Âu. Thứ hai, về địa chính trị, nhằm tạo ra một khuôn khổ an ninh đa phương, đối lập với hệ thống đồng minh lấy Mỹ làm trung tâm ở khu vực. Qua đó, kiến tạo một môi trường mà ở đó, Nga có thể vừa hợp tác, vừa tạo sự ảnh hưởng trong giải quyết các vấn đề khu vực và quốc tế. Thứ ba, về địa kinh tế, nhằm đưa Nga trở thành một phần không thể thiếu của nền kinh tế châu Á đang phát triển năng động; từ đó, thu hút đầu tư, thúc đẩy phát triển vùng Viễn Đông và Xê-bê-ri của Nga thành trung tâm sản xuất; trên cơ sở đó, tăng cường cơ sở hạ tầng ở khu vực này, tiến tới thực hiện chủ nghĩa Á - Âu mà Mát-xcơ-va từng theo đuổi. Tuy nhiên, do tác động của toàn cầu hóa, khu vực châu Á - Thái Bình Dương tuy phát triển ngày càng năng động, nhưng cũng là nơi cạnh tranh, tranh giành ảnh hưởng quyết liệt của các nước lớn. Vì thế, để chiến lược “Xoay trục” sang châu Á thành công, giới chức Nga chủ trương đẩy mạnh hợp tác toàn diện với các quốc gia châu Á; trong đó, hợp tác về kinh tế và quân sự là hai trụ cột trọng yếu.

Về kinh tế, Mát-xcơ-va đã sẵn sàng hợp tác để trở thành nhà cung cấp lớn cho thị trường năng lượng châu Á, nhất là với các đối tác: Trung Quốc, Ấn Độ, Nhật Bản, Hàn Quốc,… và một số nước ASEAN; trong đó, quan hệ hợp tác với Trung Quốc là một trong những hướng ưu tiên quan trọng nhất của Nga. Theo hướng đó, hơn 10 năm qua, hàng loạt hiệp định đối tác hợp tác chiến lược giữa hai nước đã được ký kết. Năm 2013, các công ty dầu của Nga đã ký một hợp đồng bán dầu trả trước cho Trung Quốc, trị giá 70 tỷ USD. Tiếp đó, tháng 10-2014, nhân chuyến thăm Nga của Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường, hai bên đã ký hơn 30 hiệp định hợp tác về kinh tế; thậm chí, Bắc Kinh còn đặc cách để Mát-xcơ-va phát hành trái phiếu bằng đồng nhân dân tệ mà không cần sự can dự của các ngân hàng quốc tế. Đặc biệt, trước đó (tháng 5-2014), sau nhiều vòng đàm phán, Nga đã ký với Trung Quốc một thỏa thuận cung cấp khí đốt lịch sử, trị giá 400 tỷ USD, với khối lượng 38 tỷ m3 khí và được thực hiện trong vòng 30 năm. Bên cạnh đó, quan hệ hợp tác thương mại hai chiều giữa Nga với Nhật Bản, Hàn Quốc, Ấn Độ tiếp tục có nhiều triển vọng, bất chấp sức ép của Mỹ về các lệnh trừng phạt nhằm vào Mát-xcơ-va. Các thị trường vốn hàng đầu của châu Á, như: Hồng Kông, Thượng Hải, Sin-ga-po đang là các nguồn lực đầy tiềm năng mà Nga nhắm tới.

Mặt khác, trong điều kiện trọng tâm của nền kinh tế toàn cầu đang dịch chuyển tới châu Á, việc “xoay trục” của Nga không chỉ thúc đẩy hợp tác về thương mại, mà còn tận dụng mọi khả năng từ sự tăng trưởng của châu Á để phát triển vùng Viễn Đông và Xê-bê-ri của nước này. Đây là tham vọng lớn nhất trong chiến lược “hướng tới châu Á” của Nga. Lần đầu tiên trong lịch sử, sự phát triển của vùng Viễn Đông và Xê-bê-ri trở thành một nhu cầu tất yếu của Mát-xcơ-va, nhằm cải thiện tình hình kinh tế - xã hội của cả một vùng rộng lớn, tạo động lực để Nga trở thành cường quốc trong thế kỷ XXI. Theo luận giải của các chuyên gia kinh tế Nga, sự phát triển vùng Viễn Đông và Xê-bê-ri là nhằm nâng cao chất lượng toàn bộ nước Nga chứ không chỉ nhằm vào một vùng địa lý riêng biệt và không thể có sự phát triển này nếu Mát-xcơ-va không hội nhập sâu, rộng vào châu Á. Vì thế, việc “xoay trục” sang châu Á của Nga là yêu cầu khách quan và Mát-xcơ-va cần tận dụng cơ hội này để phát triển, trở thành đối tác tin cậy, có trách nhiệm và đóng vai trò cân bằng trong cục diện địa chính trị phức tạp ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương.

Hợp tác quốc phòng, quân sự giữa Nga với các quốc gia châu Á đã, đang mở ra tiềm năng lớn. Trong bối cảnh môi trường an ninh khu vực châu Á - Thái Bình Dương có những diễn biến phức tạp, khó lường, nên đa phần các nước châu Á đều có xu hướng hiện đại hóa lực lượng vũ trang; từ đó tạo ra thị trường mua bán vũ khí sôi động, nhất là đối với các loại vũ khí, khí tài hiện đại. Trong khi đó, Nga là nhà sản xuất vũ khí lớn, hiện đại hàng đầu thế giới, chỉ đứng sau Mỹ, nhưng có những lĩnh vực lại vượt Mỹ. Do vậy, việc Mát-xcơ-va tăng cường thể hiện niềm tin chiến lược đối với các nước châu Á sẽ là bảo đảm để nước này tiếp cận, chiếm lĩnh thị trường vũ khí rộng lớn của khu vực. Trong khoảng 15 năm trở lại đây, Nga đã xuất khẩu sang các nước châu Á nhiều vũ khí, trang bị quân sự mới, hiện đại với các hợp đồng trị giá hàng chục tỷ USD; trong đó, Trung Quốc là một trong những đối tác lớn của nước này. Theo đánh giá của các chuyên gia quân sự, gần đây, hợp tác quân sự, quốc phòng giữa Nga và Trung Quốc ngày càng đi vào chiều sâu với các cuộc tập trận chung giữa hai bên cùng nhiều hợp đồng được ký kết trong lĩnh vực kỹ thuật quân sự. Theo đó, Nga đã xuất khẩu và chuyển giao công nghệ cho Trung Quốc các loại vũ khí hiện đại, như: hệ thống tên lửa phòng không tầm cao, tầm xa (S-300PMU2); máy bay chiến đấu Su-27, Su-30; tàu ngầm lớp Ki-lô cùng các loại tên lửa đối không, đối hạm, đối đất, chống ra-đa và các loại đạn đặc chủng, v.v.

Cùng với đó, Nga cũng đặc biệt quan tâm hợp tác với Ấn Độ, nhằm định hình cán cân quyền lực ở châu Á. Những mối quan hệ chính trị, quân sự lâu nay giữa hai nước là phần không thể tách rời trong chính sách “xoay trục” sang châu Á của Nga. Hiện tại, đa phần vũ khí, trang bị hiện đại của Quân đội Ấn Độ có xuất xứ từ Nga, như: các loại máy bay MiG, MiL-17V-5, Su-30MKI, xe tăng, tàu ngầm, v.v. Đặc biệt, chương trình nghiên cứu và sản xuất thành công tên lửa Bra-mốt giữa hai nước là một trong những điển hình của sự hợp tác. Ngoài ra, Nga cũng thúc đẩy hợp tác quốc phòng với Triều Tiên, Hàn Quốc, Nhật Bản và các nước Đông Nam Á; trong đó, quan hệ hợp tác Nga - Nhật Bản đang ở trạng thái “tương đối tốt”. Gần đây, hai nước đã tổ chức cuộc gặp cấp bộ trưởng Quốc phòng và Ngoại giao theo phương thức “2 + 2” để xây dựng niềm tin, cải thiện quan hệ. Hai bên cũng đồng thuận tiến hành các cuộc tập trận hải quân chung với mục đích chống khủng bố, hải tặc, nhằm tăng cường an ninh và ngoại giao.

Như vậy, với vị thế của một cường quốc nằm trên hai lục địa Á - Âu, chiến lược “Xoay trục” sang châu Á của Nga có nhiều điều kiện thuận lợi cần thiết cả bên trong và bên ngoài để tạo sự bứt phá mới. Tuy nhiên, trong bối cảnh bị phương Tây “cấm vận”, việc Nga “ngả” về châu Á là tất yếu và nằm trong dự đoán của dư luận, nhưng trước tình hình kinh tế Trung Quốc tăng trưởng chậm lại, môi trường an ninh châu Á còn tiềm ẩn nguy cơ mất ổn định,… liệu chính sách này có mang lại sự phát triển thực sự cho Mát-xcơ-va hay không đang là vấn đề còn bỏ ngỏ lời giải.

NGÔ QUYỀN