Vì sao tp hcm cần trồng nhiều cây xanh

Công viên Lê Thị Riêng (Quận 1). (Ảnh: Thanh Vũ/TTXVN)

Thành phố Hồ Chí Minh đã bước vào mùa mưa. Vấn đề an toàn cây xanh một lần nữa thu hút sự quan tâm của người dân khi chỉ trong chưa đầy một tháng qua đã xảy ra hàng loạt sự cố cây xanh bật gốc, ngã đổ đè lên người đi đường do dông, lốc mạnh.

Các cơ quan chức năng của thành phố đang đẩy mạnh các giải pháp cắt ngọn, tỉa cành nhằm hạn chế cây đổ bất ngờ, bảo đảm an toàn cho người dân.

Tuy nhiên, các chuyên gia về cây xanh cho rằng, bên cạnh những yếu tố khách quan thuộc về thiên nhiên, thời tiết, sâu bệnh..., cần quan tâm đến kỹ thuật chọn cây, trồng cây phù hợp với môi trường đô thị của thành phố cũng như những tác động tiêu cực của việc phát triển đô thị quá mức đến sự phát triển của cây xanh để có hướng giải quyết triệt để, hiệu quả.

Người dân bất an khi ra đường lúc mưa lớn

Theo thông tin từ Trung tâm Quản lý hạ tầng kỹ thuật Thành phố Hồ Chí Minh (Sở Xây dựng Thành phố Hồ Chí Minh), từ đầu mùa mưa năm 2020 đến nay, tại thành phố, hàng chục trường hợp cây đổ, gãy nhánh và bật gốc đã xảy ra, trong đó có ba vụ nghiêm trọng, khiến hai người tử vong và hai người bị thương.

Vụ mới nhất xảy ra tối 13/6, một cây xanh trên đường Tô Hiến Thành, Phường 13 (Quận 10), bất ngờ gãy nhánh. Cành cây ở độ cao gần 10m đổ xuống đường, đè trúng một người đàn ông chạy xe máy ngang qua khu vực, khiến nạn nhân tử vong tại chỗ.

[TP.HCM ứng phó với nguy cơ cây xanh gãy đổ trong mùa mưa]

Cũng trong chiều hôm đó, cây xanh trên đường Ba Tháng Hai, Phường 11 (Quận 10) gãy nhánh làm hai người đang điều khiển xe máy ngang qua bị thương phải đi cấp cứu.

Trước đó không lâu, sáng 26/5, cây phượng trong sân Trường Trung học Cơ sở Bạch Đằng (Quận 3) bật gốc, đè một học sinh 12 tuổi tử vong.

Ngoài ra, nhiều tuyến đường trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh cứ mỗi khi mưa lại xảy ra tình trạng cây xanh gãy đổ, làm thiệt hại tài sản. Tuy may mắn không gây thương vong về người nhưng tình trạng này khiến người dân rất bất an mỗi khi phải ra đường lúc mưa lớn.

Muôn kiểu “bức tử” cây xanh

Tiến sĩ Đinh Quang Diệp, nguyên giảng viên Trường Đại học Nông Lâm Thành phố Hồ Chí Minh cho biết, tiêu chuẩn quốc gia TCVN 9257:2012 về Quy hoạch cây xanh sử dụng công cộng trong các đô thị quy định chọn giống cây trồng trong đô thị là cây phải có thân thẳng, phân cành cao từ 3m trở lên, rễ cọc phát triển sâu; cây có sức đề kháng cao, chống chọi tốt với gió bão và bệnh hại; hoa, quả, cây không có mùi khó chịu, không chứa chất gây hại sức khỏe.

Các loại cây trồng ven đường càng phải tuyệt đối tuân thủ theo bộ tiêu chuẩn này để bảo đảm an toàn cho người dân.

Tuy nhiên, theo ông Đinh Quang Diệp, tình trạng cây gãy, đổ ở Thành phố Hồ Chí Minh hiện nay ít phụ thuộc vào chất lượng cây mà chủ yếu là do kỹ thuật trồng và đất trồng.

Trên thực tế, hầu hết các giống cây đang được trồng ở Thành phố Hồ Chí Minh như bằng lăng tím, me tây, lim xẹt... đều là cây rễ cọc, phân cành cao, đáp ứng đúng tiêu chuẩn quy định. Một số loại cây rễ chùm như sọ khỉ, trước đây trồng khá nhiều nay chính quyền thành phố cho đốn hạ bớt.

Dù vậy, cứ mỗi mùa mưa bão, các giống cây, bất kể rễ cọc hay rễ chùm vẫn bị bật gốc.

Xảy ra tình trạng trên, ông Đinh Quang Diệp cho rằng, do môi trường sống cho cây xanh ở thành phố còn nhiều bất cập. Việc trồng cây đô thị thường chỉ được tiến hành sau khi đã hoàn tất các hạng mục khác như lát vỉa hè, thi công công trình ngầm... khiến diện tích trồng cây bị thu hẹp, vỉa hè rộng 6-7m nhưng đất trồng cây chỉ khoảng 1-1,2m.

Ngoài ra, hiện tượng “bêtông hóa” cùng hệ thống cáp ngầm xây quá sát gốc cây làm quá trình trao đổi nước của cây với tầng đất bên dưới bị hạn chế, rễ cây không thể phát triển để bám giữ đất khiến cây rất dễ bị bật gốc khi gặp gió mạnh.

Hiện trường cây đổ trong sân trường tại TP.HCM. (Ảnh: TTXVN phát)

Bên cạnh đó, Thành phố Hồ Chí Minh nói riêng, Việt Nam nói chung vẫn chưa có quy hoạch cây xanh đô thị, chỉ mới thiết kế được khu vực dùng để trồng cây chứ chưa chỉ ra được đất ở khu vực đó phù hợp với loại cây gì.

Việc này dẫn đến nhiều giống cây rễ cọc chất lượng rất tốt nhưng gặp đất không phù hợp nên sinh trưởng chậm, đề kháng kém, dễ bị sâu hại tấn công khiến cây bị rỗng ruột, mục rễ, không thể chống chọi khi gặp mưa to gió lớn.

Cũng có khi, sự xâm hại dẫn đến gãy đổ của cây xanh đô thị lại đến từ một bộ phận người dân thiếu ý thức, trong đó phổ biến tình trạng chặt rễ và xây bệ trám bít gốc cây, thậm chí vì nhiều nguyên nhân mà tự ý đầu độc cho cây chết.

Gần đây nhất, theo thông tin từ Công ty Trách nhiệm hữu hạn một thành viên Công viên cây xanh thành phố Hồ Chí Minh, trên đường Trần Quang Khải (Quận 1), một cây dầu trăm tuổi bị chết khô bất thường, cây bật rễ nghiêng hẳn ra đường phải đốn bỏ gấp. Kết quả kiểm tra cho thấy, cây chết do bị đào bới gốc để đổ hóa chất độc hại vào.

Chung tay bảo tồn mảng xanh đô thị

Trước nguy cơ cây xanh gãy đổ mỗi mùa mưa bão, ông Lê Công Phương, Giám đốc Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên Công viên cây xanh Thành phố Hồ Chí Minh cho biết, giải pháp khả thi nhất hiện nay là phải quyết liệt ngăn chặn, giảm đến mức thấp nhất các tình huống xâm hại cây xanh đô thị.

Theo ông Lê Công Phương, từ góc độ đơn vị được giao trực tiếp quản lý, chăm sóc phần lớn cây xanh trên địa bàn thành phố (100.000 trong tổng số 155.000 cây xanh), vào đầu mỗi mùa mưa, Công ty Công viên cây xanh luôn chủ động thực hiện kiểm tra, phát hiện cây xanh sâu bệnh, có dấu hiệu gãy, đổ để cắt tỉa hoặc chặt hạ kịp thời; cử nhân viên túc trực 24/24 giờ tại các tuyến đường thường xảy ra sự cố cây gãy, đổ để thu dọn, xử lý trong mọi tình huống.

Tuy nhiên, những nỗ lực của Công ty chỉ có thể ứng phó được với những tác động đến từ mưa dông, lốc xoáy thuộc về yếu tố thiên nhiên, thời tiết, còn những tác động do con người gây ra, chỉ như “muối bỏ biển” nếu không có sự chung tay hỗ trợ giải quyết từ các cấp, ngành.

Ông Lê Công Phương mong muốn có sự thống nhất, đồng bộ khi thi công các hạng mục hạ tầng kỹ thuật đô thị, chỉnh trang vỉa hè và tối ưu là đơn vị thi công, đơn vị chủ đầu tư công trình nên có sự phối hợp với Công ty Công viên cây xanh.

Khi đó, những chuyện cây xanh bị chặt rễ, bị đầu độc hoặc trồng sai quy cách sẽ không xảy ra. Sự sinh trưởng, độ bền chắc và tuổi thọ của cây xanh đường phố sẽ được bảo đảm hơn. Nguy cơ bật gốc, gãy cành khi mưa to dông lốc sẽ giảm đi đáng kể.

Theo ý kiến từ Hiệp hội Công viên - Cây xanh Việt Nam, biện pháp trước mắt cho vấn đề cây xanh gãy đổ là cơ quan chức năng cần tăng cường kiểm tra, phát hiện sớm những cây bị sâu bệnh. Giải pháp dài hạn là huy động sự góp sức của giới chuyên môn, khoa học trong vấn đề bảo tồn, phát triển hệ thống cây xanh đô thị.

Trong đó, các hội thảo chuyên đề về cây xanh đô thị là một kênh hiệu quả để các nhà quản lý tham vấn ý kiến từ các chuyên gia làm cơ sở đề ra chính sách, đường hướng bảo vệ và phát triển mảng xanh đô thị.

Việc tập hợp tri thức từ giới chuyên gia càng đặc biệt quan trọng hơn trong bối cảnh biến đổi khí hậu đang là vấn đề nóng và xu hướng tiếp tục đô thị hóa mạnh mẽ ở nhiều nơi.

Thời gian qua, nhằm phòng ngừa cây xanh gãy, đổ trong mùa mưa, Sở Xây dựng Thành phố Hồ Chí Minh đã có văn bản yêu cầu Trung tâm Quản lý hạ tầng kỹ thuật, Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên Công viên cây xanh thành phố Hồ Chí Minh khẩn trương rà soát, kiểm tra tình trạng sinh trưởng, phát triển của toàn bộ các cây xanh đang được phân cấp quản lý; kiểm tra khả năng bảo đảm an toàn của cây xanh; xử lý kịp thời các trường hợp cây xanh có nguy cơ gây nguy hiểm; chủ động cắt tỉa, đề phòng tình trạng cây gãy, đổ mất an toàn giao thông, nhất là cây xanh ở khu vực trường học, bệnh viện, khu dân cư…

Hệ thống cây xanh là một bộ phận hợp thành hữu ích của cấu trúc hạ tầng đô thị hiện đại thông qua vai trò tạo ra cảnh quan thiên nhiên, làm đẹp bộ mặt mỹ quan đường phố, tạo ra mảng xanh cải thiện khí hậu và môi trường sống của cư dân thành thị.

Vấn đề bảo tồn, phát triển mạng lưới cây xanh chính vì thế cần được coi trọng và thực hiện nghiêm túc. Đặc biệt, các cơ quan chức năng cần có giải pháp ngăn chặn hiệu quả những hành vi xâm hại, làm tổn hại đến sinh trưởng của hệ thống cây xanh đô thị, vốn đang tồn tại như một vấn nạn nhức nhối trong suốt thời gian qua./.

Hồng Giang (TTXVN/Vietnam+)

Hàng cây xanh trên đường Lê Duẩn (Q.1, TP.HCM) góp một phần cho giá trị cuộc sống ở đô thị thêm xanh - Ảnh: DUYÊN PHAN

Tuổi Trẻ trân trọng giới thiệu góc nhìn của ông Nguyễn Đăng Sơn - phó viện trưởng Viện Nghiên cứu đô thị và phát triển hạ tầng - về sức khỏe "lá phổi" đô thị TP.HCM hiện nay.

99% diện tích cây xanh ở... ngoại thành

Nghiên cứu tại Singapore và Mỹ cho thấy thành phố có nhiều cây xanh có thể giảm nhiệt độ ngoài trời khoảng 4 độ C (giảm "hiệu ứng đảo nhiệt đô thị"), giảm chi phí năng lượng khoảng 12%, giảm độ bụi 13%, tăng các giao dịch thương mại thêm 12% và giá trị đất đai tăng 23%. Một thành phố có nhiều cây xanh sẽ là nơi trong lành để sinh sống và hấp dẫn để đầu tư.

TP.HCM có trên 540 triệu m2 cây xanh, nhưng phân bố cây xanh ở nội và ngoại thành rất không đồng đều (nội thành chỉ chiếm khoảng 1%). Tỉ lệ che phủ cây xanh toàn thành phố là 26,3%, tỉ lệ che phủ nội thành là 3,9%. Tỉ lệ diện tích cây xanh trên đầu người trung bình toàn thành phố là 13,74m2/người, bình quân trong nội thành chỉ có 1,95m2/người.

Cây xanh thành phố tập trung ở Bình Chánh, Củ Chi, Hóc Môn và Cần Giờ. Trong khi đó, TP.HCM có cơ cấu hiếm thấy trên thế giới khi có đến hơn 90% cư dân tập trung tại khu vực đô thị hóa với khoảng 7% diện tích thành phố. Nghĩa là phần đông dân cư thành phố này đang sống giữa vùng không gian quá thiếu thốn xây xanh.

Để góp phần cải thiện bầu không khí đang ngày càng ô nhiễm hơn, vẫn cần phải nâng diện tích cây xanh trong nội thành lên mức 10-15m2/người (dù chỉ bằng 1/2 diện tích cây xanh của nhiều thành phố xanh trên thế giới) và nâng cao chất lượng các khoảng xanh ở ngoại thành để đảm bảo được chức năng phòng hộ cho nội thành.

Cần giải pháp quyết liệt

Theo đó, khu vực ngoại thành sẽ tổ chức cây xanh đặc biệt như lâm viên, rừng phòng hộ, kết hợp với khu vui chơi giải trí cuối tuần. Thành phố cần bảo tồn các khu rừng đước ngập mặn ở huyện Cần Giờ (33.000ha), rừng cây đất phèn ở huyện Bình Chánh, các khu rừng này chính là lá phổi xanh của thành phố.

Ở nội đô cần có giải pháp bổ sung công viên - cây xanh kết hợp với mặt nước, cây xanh hè phố, vỉa hè xanh thẩm thấu nước... và các công viên cây xanh.

Ở đô thị, yếu tố cây xanh thường được gắn liền với mặt nước tạo cảnh quan đặc sắc. TP.HCM là thành phố sông nước hiền hòa, gồm có các sông Sài Gòn, Đồng Nai, Nhà Bè với 11 kênh rạch tỏa vào thành phố và rừng ngập mặn Cần Giờ. Tổng chiều dài kênh rạch lên tới 700km. Diện tích kênh rạch nội thành khoảng 835ha, hầu hết tập trung vào phía Nam và Đông thành phố.

TP.HCM đã có quy định các khoảng lùi từ bờ sông rạch tạo mảng xanh, kết hợp cây xanh với mặt nước. Dọc theo các sông lớn và kênh rạch giữa lòng thành phố có thể phát triển những không gian xanh lớn hơn nhiều.

Việc trồng cây xanh trên mái nhà không còn quá xa lạ với các nước trên thế giới và trong khu vực, nhưng ở Việt Nam nó vẫn là khái niệm mới mẻ. Cần khuyến khích xây dựng kiến trúc xanh để tiết kiệm năng lượng. Cần phát triển thêm diện tích đường lộ, vỉa hè, đến mái nhà và mặt đứng nhà sẽ từng bước giúp tăng dần diện tích cây xanh nội đô.

Ở TP.HCM, các đường Đồng Khởi, Đông Du, Lý Tự Trọng, Mạc Thị Bưởi, Lê Duẩn, Nguyễn Du, Phùng Khắc Khoan trồng cây me; đường Mạc Đĩnh Chi và nhiều đường khác trồng cây hoa dầu; đại lộ Đông Tây, các đường Lê Trọng Tấn, Tây Thạnh, Huỳnh Tấn Phát, Cộng Hòa trồng cây bằng lăng hoa tím; trước Hội trường Thống Nhất trồng cây sao và đường đi bộ Nguyễn Huệ trồng cây lộc vừng.

Những hàng cây hai bên đường phố ở TP.HCM cũng là một phần giá trị cuộc sống ở đô thị. Cần có thêm những đại lộ xanh, ngoài việc trồng cây xanh dọc theo trục lộ, còn có hố cây xanh thấm lọc, mương thực vật. Lát gạch vỉa hè nên sử dụng các loại gạch tổ ong để trồng cỏ xen kẽ và giúp thoát nước mưa nhanh xuống đất.

Tăng cây xanh, tăng sức khỏe cho lá phổi thành phố, đó là cách tăng chất lượng sống cho người dân đô thị như cách người ta thường xuyên thăm khám, chăm sóc sức khỏe lá phổi của mình. Trước thực tế ô nhiễm không khí ngày càng nặng nề hơn hiện nay, phát triển cây xanh là việc cấp bách cần phải làm bằng những giải pháp quyết liệt nhất.

Những năm gần đây, mỗi năm TP có thêm khoảng 200.000-300.000 người nhập cư. Hiện TP đã có hơn 10 triệu người trong khi công viên cây xanh có rất ít. Quỹ đất trống trên địa bàn hầu như không còn nhiều.

Từ sau năm 2000 đến nay, ngoại trừ một số công viên đã có từ trước như: Tao Đàn, Lê Văn Tám, Thảo cầm viên, Hoàng Văn Thụ, Đầm Sen, Suối Tiên, Kỳ Hòa..., việc đầu tư xây mới công viên có quy mô lớn còn khá hạn chế. Theo đó, TP.HCM chỉ phát triển thêm công viên Gia Định (quận Phú Nhuận) giai đoạn 1 và 2 với khoảng 21ha và công viên 23-9 (quận 1) khoảng 9ha.

Rửa đường giảm bụi: chỉ là giải pháp tạm

Sở GTVT TP.HCM vừa đề xuất rửa 31 tuyến đường trục chính với chiều dài hơn 260km, để giảm ô nhiễm không khí đang có dấu hiệu gia tăng tại TP. Trước đó, UBND các quận ở TP Hà Nội cũng đề nghị triển khai việc rửa đường đang mù bụi ở các tuyến đường có mật độ giao thông cao.

Rửa đường chỉ là giải pháp tạm thời có thể giúp cải thiện một phần tình trạng ô nhiễm không khí đô thị, nhưng về lâu dài phải có phương án căn cơ để giảm khói bụi độc hại. Bảo vệ và phát triển cây xanh để lọc không khí là một giải pháp cho lâu dài.

Hàng ngàn cây cổ thụ đã nhường chỗ cho những công trình giao thông. Quá nhiều nhà cao tầng, chung cư "mọc" lên vắng bóng cây xanh. Lúc lập quy hoạch, mảng xanh được vẽ thật đẹp nhưng sau đó cây xanh thưa thớt.

Cần các biện pháp cho việc phát triển cây xanh, mảng xanh đô thị. Các dự án xây dựng phải ưu tiên cho mảng xanh, đánh giá và chấm điểm các công trình, tòa nhà, khách sạn, khu dân cư dựa trên tiêu chí cây xanh.

Trồng cây trên đường phố cần chăm sóc và bảo vệ đúng mức, chọn cây phù hợp, ưu tiên khả năng lọc không khí. Các trường hợp xâm hại cây xanh đều phải bị xử lý nghiêm để răn đe, cảnh báo.

ĐỖ NGÔ TRẦN

Siết tiêu chuẩn khí thải, tăng diện tích cây xanh để giảm ô nhiễm

Ông NGUYỄN ĐĂNG SƠN (Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu đô thị và phát triển hạ tầng)

Video liên quan

Chủ đề