Vì sao vua nhà Nguyễn lại không muốn thực hiện những đề nghị canh tân đất nước của Nguyễn Trường tộ

Vì sao vua nhà Nguyễn lại không muốn thực hiện những đề nghị canh tân đất nước của Nguyễn Trường tộ
Cụ Nguyễn Trường Tộ - Ảnh: Pailema.edu.vn

Pailema.edu.vn - Trong những ngày cuối cùng của đời mình, Nguyễn Trường Tộ đã thốt lên những tiếng nói đầy bi thương: “Tôi sắp chết rồi đây, tôi bị bệnh tê bại đã liệt người mà vẫn nằm ngửa mặt để cố viết bản điều trần cuối cùng nữa, xin vua mau mau tỉnh ngộ...” Nhưng nhà vua và đám triều thần ngu muội đã không bao giờ tỉnh ngộ trước những lời cảnh tỉnh và lời kêu gọi canh tân đầy tâm huyết và ý thức trách nhiệm của Nguyễn Trường Tộ. Nỗi hận nghìn đời của Nguyễn Trường Tộ cũng chính là nỗi hận chung của cả dân tộc.

1. Những nguyên nhân thuộc về truyền thống văn hoá, lịch sử của dân tộc

Vì sao vua nhà Nguyễn lại không muốn thực hiện những đề nghị canh tân đất nước của Nguyễn Trường tộ
Lâu nay, khi đề cập đến nguyên nhân khiến cho tư tưởng canh tân của Nguyễn Trường Tộ không được chấp nhận và thi hành, hầu hết các nhà nghiên cứu đều cho rằng đó là do thái độ nhu nhược của vua Tự Đức và tinh thần thủ cựu, hẹp hòi của đám quan lại triều đình nhà Nguyễn. Điều đó không sai nhưng chưa đủ để giải thích vì sao nhà vua và đám triều thần đã bác bỏ các bản điều trần đề nghị cải cách của Nguyễn Trường Tộ.


Nhìn một cách tổng quát, có thể nói rằng, sau một thời gian kéo dài từ thời thượng cổ đến thế kỷ XV, bước đi của lịch sử thường bắt đầu từ phương Đông để toả sáng các vùng đất khác của thế gi (trong đó có châu Âu) thì đến cuối thế kỷ XV và đầu thế kỷ XVI, hướng đi của lịch sử đã bắt đầu xoay chiều: từ Âu châu, các làn sóng văn hoá và văn minh bắt đầu toả ngược sang châu Á. Khái niệm “châu Âu trung tâm” trở nên rất thịnh hành lúc bấy giờ. Đứng ở bình diện văn hoá mà nói, tiếng súng đại bác của các chiến thuyền Pháp bắn vào các đồn ở Đà Nẵng năm 1847 không chỉ mở màn cho cuộc chiến tranh xâm lược Việt Nam của bọn thực dân Pháp mà còn báo hiệu cuộc đụng độ giữa hai nền văn hoá hoàn toàn khác hẳn nhau đã thực sự bắt đầu.

Trong cuộc “đụng độ lịch sử này”, văn hoá đại bác phương Tây đã đè bẹp nền văn hoá bút nghiên của phương Đông và kết quả bi thảm là dân tộc Việt Nam phải sống trong cảnh nô lệ đầy tủi nhục đến gần một thế kỷ.

Trách nhiệm này trước hết thuộc về triều đình nhà Nguyễn, nhưng không thể không thấy rằng chính những lỗ hổng và những nhược điểm trong truyền thống văn hoá Việt Nam đã góp phần tạo ra sự sụp đổ của đất nước.

Một trong những nhược điểm có tính chất mãn tính của nền văn hoá này là tính thủ cựu thâm căn cố đế, tính tự kiêu mù quáng (chưa hiểu gì về nền văn hoá phương Tây và con người phương Tây đã vội vàng gọi tất cả họ bằng một cái tên khinh miệt chung là bọn “bạch quỷ”) và tính cận thị hẹp hòi chỉ biết có mình với sách vở của thánh hiền đời xưa, tin rằng chân lý trong sách vở là có tính chất bất di bất dịch.

Trong hoàn cảnh văn hoá đó, dù những tư tưởng canh tân của Nguyễn Trường Tộ có tiến bộ đến đâu thì đó cũng chỉ là những hạt giống được gieo trên một mảnh đất văn hoá đã khô cằn, không có đủ nội lực và khả năng tiếp thu những yếu tố mới từ bên ngoài vào và tất nhiên, với một mảnh đất văn hoá như thế thì hạt giống tư tưởng của Nguyễn Trường Tộ không nảy mầm được cũng là điều dễ hiểu.

Bản điều trần “Thiên hạ phân hợp đại thế luận” của ông gửi cho nhà vua vào năm 1863 đã thể hiện một tầm nhìn rộng lớn của một nhà văn hoá lỗi lạc biết trước thời cuộc thế giới sẽ đi về đâu và nêu kiến nghị với nhà vua cần phải làm gì để tránh được cơn tai hoạ sẽ đến từ phương Tây. Thế nhưng triều đình nhà Nguyễn đã ngoảnh mặt làm ngơ với bản kiến nghị này....



2. Những nguyên nhân thuộc về hoàn cảnh xã hội và lịch sử thời bấy giờ

Vì sao vua nhà Nguyễn lại không muốn thực hiện những đề nghị canh tân đất nước của Nguyễn Trường tộ
Cụ Nguyễn Trường Tộ - Ảnh: Pailema.edu.vn
Có một giả thuyết đã được nêu ra là: Nếu những bản điều trần của Nguyễn Trường Tộ được đưa ra trước năm 1861 khoảng 20 năm, tức là trong khoảng thời gian lịch sử tương đối im ắng, khi quan hệ Pháp-Việt chưa đến nỗi quá xấu thì có lẽ cùng với tiếng súng đại bác của Pháp, những bản điều trần của Nguyễn Trường Tộ có thể phần nào được triều đình chú ý và đem ra thực hiện chăng? Trong thực tế, khoảng thời gian mà Nguyễn Trường Tộ viết các bản điều trần (từ năm 1863 đến 1871) cũng là khoảng thời gian xảy ra nhiều biến cố lịch sử thời đại, triều đình đang bối rối trước cuộc tiến công xâm lược của thực dân Pháp nên không thể có đủ các điều kiện cần thiết để nghiên cứu các bản điều trần của Nguyễn Trường Tộ, chứ đừng nói đến việc áp dụng các bản điều trần này. Giả thuyết nói trên cho rằng thời gian các bản điều trần được đưa ra quá muộn khi mưu đồ xâm lược của Pháp đã thể hiện bằng hành động trong thực tế và cho dù nhà vua và triều đình có muốn canh tân đi nữa thì cũng đã để lỡ chuyến tàu lịch sử. Tuy nhiên, vấn đề quan trọng là, ngoài quyết định cuối cùng của nhà vua thì giới sĩ hu và dân trí nói chung lúc bấy giờ có đủ trình độ và phẩm chất trí tuệ để nhận thức đúng về tình hình, thời thế, về những chỗ yếu, chỗ mạnh của xã hội Việt Nam và của chính giai cấp mình hay không. Về tầng lớp sĩ phu, có thể nói rằng đại đa số khi đi vào con đường học tập chỉ cốt để làm quan và có được địa vị tôn quí trong xã hội chứ ngoài ra không có mục đích nào khác. Cái biết của họ cũng chỉ quanh quẩn trong Tứ Thư Ngũ Kinh cùng những lời chú thích của các bậc tiên Nho, hoàn toàn có tính chất hư văn, không giải quyết được những vấn đề do thời đại đem lại. Giới có học mà còn mục nát, hủ bại như thế thì giới bình dân ít học nếu hoàn toàn không có một chút hiểu biết gì về tình hình, thời thế, về vận mệnh của đất nước trước ngã rẽ của lịch sử cũng không phải là một điều lạ. Lời kêu cứu của Nguyễn Trường Tộ chỉ là những tiếng kêu vô vọng trong sa mạc. Lọt thỏm vào trong ao tù của những tư tưởng cũ kỹ, lạc hậu, các quan niệm tiến bộ của ông không đủ sức khuấy đọng cái ao tù tư tưởng đó lên, trái lại, còn bị một số người, chủ yếu là bọn quan lại triều đình kết án là một thứ “yêu ngôn” làm mê hoặc quần chúng. Dù sao, Nguyễn Trường Tộ và những người cùng chí hướng với ông cũng chứng tỏ được một điều: không phải tất cả giới sĩ phu trong nước đều là những người ngu xuẩn, mê muội và không phải người có học nào cũng ôm ấp cái mộng được làm quan để vinh thân phì gia!

3. Những nguyên nhân thuộc về chính bản thân triều đình nhà Nguyễn

Công và tội của triều đình nhà Nguyễn đối với đất nước hiện vẫn còn là một vấn đề lịch sử lớn mà giới sử gia trong và ngoài nước vẫn tiếp tục nghiên cứu. Nhưng dù triều đình nhà Nguyễn có được đánh giá lại như thế nào đi nữa thì vẫn không thể phủ nhận được trách nhiệm chủ yếu của triều đình Nguyễn trước việc đất nước bị mất vào tay bọn thực dân Pháp, trước hết là trách nhiệm của vua Tự Đức và đám quần thần. - Vua Tự Đức: Mặc dù nhà vua là người có đạo dức và giỏi thơ văn, chữ nghĩa, nhưng tài và đức ấy không đủ để lãnh đạo đất nước trong một giai đoạn đặc biệt của lịch sử dân tộc, khi mà hai nền văn minh Âu Á bắt đầu đối chọi nhau trên vũ đài lịch sử. Nhà vua lại thếu hẳn tầm nhìn rộng, thiếu cương nghị và quyết đoán về những vấn đề trọng đại của quốc gia. Khi nhận được các bản điều trần của Nguyễn Trường Tộ, nhà vua cũng có xem qua và trong ý nghĩ không phải là không có một ít nhận xét đúng đắn về nội dung của các bản điều trần, nhưng lại không có đủ tri thức và năng lực cần thiết để thực hiện các đề nghị cải cách của Nguyễn Trường Tộ và tỏ ra nhu nhược khi chuyển các bản điều trần đó qua tay các quan để xem xét, thẩm định, trong khi bọn quan lại này, mặc dỳ có nhiều cái đầu nhưng vẫn không sao có được những tư tưởng “đồng thanh tương ứng” với Nguyễn Trường Tộ. - Đám quần thần: quần thần chính là những người được tuyển chọn từ giới sĩ phu qua con đường khoa cử, nhưng lại ít có điều kiện tiếp xúc với các nền văn hoá khác truyền thống phương Đông nên không có được những tư tưởng tiến bộ, đã vậy lại còn mắc bệnh chung là hay đố kỵ, bè phái, tìm cách hại nhau để đạt mục tiêu ích kỷ của mình. Một số quan đại thần dưới triều Tự Đức như Nguyễn Văn Tường, Tôn Thất Thuyết cũng không sáng suốt gì hơn nhà vua trong việc hoạch định ra đường lối chính sách cai trị thích hợp. Trong thâm tâm của đám quần thần, có lẽ họ coi Nguyễn Trường Tộ chỉ là một người thấp kém, “dưới cơ” của họ, không xứng đáng ngồi cùng chiếu với họ chứ đừng nói đến việc họ phải làm theo những đề nghị cải cách của ông. May mà nhà vua Tự Đức còn có một chút sáng suốt cuối cùng, nếu không tính mệnh của Nguyễn Trường Tộ và các đồng chí của ông có thể bị lâm nguy!


4. Những nguyên nhân khác

Về bản thân con người Nguyễn Trường Tộ, có người so sánh ông với Ito Hirobumi- một người sống cùng thời với ông và cũng là người có công rất lớn đối với việc canh tân đất nước dưới thời Minh Trị Thiên hoàng. Có người cho rằng, nếu Nguyễn Trường Tộ cũng hành động quyết liệt như giới sĩ phu Nhật nói chung và Ito Hirobumi nói riêng, nghĩa là bất chấp những cấm đoán của nhà vua, cứ dũng cảm đưa người xuất dương du học, đem lại những điều mới lạ, bố trí về phục vụ cho quê hương và khi cần thiết, mạnh dạn liên kết với những người cùng chí hướng, dùng bạo lực để lật đổ chế độ thì mới có thể có đủ quyền lực để thực hiện tư tưởng cải cách của mình. Ý kiến này cho rằng Nguyễn Trường Tộ là một con người tốt bụng, có lòng yêu nước nồng nàn, có ý chí canh tân mãnh liệt, có lòng kiên nhẫn vô bờ, nhưng lại quá ngây thơ tin vào thiện chí và khả năng thực hiện cải cách của triều đình. Đây là ý kiến có tính cực đoan, đặt ra yêu cầu quá cao với Nguyễn Trường Tộ, nói cách khác là không hiểu rõ con người của ông- một người đã thấm sâu vào mình quan niệm “Quốc gia hưng vong thất phu hữu trách”. Phải thừa nhận rằng, sống trong một thời đại có tính chất quyết định đối với vận mệnh của lịch sử dân tộc, nhận thấy mối hiểm nguy to lớn đang đe doạ ở trước cửa nhà (thậm chí đã vào tận trong nhà), lại là người có tư tưởng thức thời nhất, có lòng yêu nước nồng nàn, Nguyễn Trường Tộ không thể không lên tiếng, dù biết rằng những đề nghị cải cách của mình có thể giống như gió lọt vào nhà trống. Nguyễn Trường Tộ thực sự đã làm tròn trách nhiệm của mình đối với đất nước và cả đối với nhà vua. Trách nhiệm còn lại thuộc về chính triều đình nhà Nguyễn. Nếu nói Nguyễn Trường Tộ có tội thì đó là cái tội ông sinh ra bất phùng thời và tư tưởng của ông đã đi trước quá sớm so với tư tưởng của thiên hạ trong nước. Vả lại, thời đại mà Nguyễn Trường Tộ ống là một thời đại mà tất cả quyền lực nằm trong tay nhà vua. Hơn nữa, quyền lực đó gắn liền với bạo lực, chứ chưa phải quyền lực của nhân dân, của trí tuệ. Dân chủ, môi trường tốt nhất để nảy sinh các ý tưởng mới và cũng là điều kiện để thực hiện các ý tưởng này, đã không có thì những tư tưởng cải cách của Nguyễn Trường Tộ đã không thực hiện được cũng là điều dễ hiểu. Điều đáng khâm phục nhất của Nguyễn Trường Tộ là ông đã dám ném những viên đá canh tân đầu tiên lên cái ao tù của xã hội và tư tưởng dưới thời nhà Nguyễn. Ngoài ra, chúng ta có thể đặt thêm một giả thuyết khác: cứ cho là triều đình thực tâm chấp nhận và cũng muốn thực hiện những đề nghị cải cách của Nguyễn Trường Tộ thì trong trường hợp này, giữa ý muốn cải cách và hiện thực được cải cách là cả một quá trình xa xôi, gian khổ, phức tạp không dễ gì vượt qua trong một thời gian ngắn. Ngay ở Nhật Bản lúc đó, ngoài thuận lợi có tính chất quyết định là có được một Minh Trị Thiên hoàng sáng suốt, nước Nhật phần nào cũng đã xây dựng được những cơ sở vật chất và giai cấp làm nền tảng cho việc tiếp nhận các tư tưởng mới. Thậm chí, ngay trong thế kỷ XXI, khi khoa học và kỹ thuật tiến như vũ bão, có khi hiện thực hoá một ý tưởng cũng đòi hỏi nhiều thời gian thích đáng và không phải là luôn luôn dễ dàng khắc phục được các trở ngại. Huống hồ là ở thời đại của Nguyễn Trường Tộ, khi nếp sống tiểu nông đã chi phối hầu hết các gia đình Việt Nam, thời gian không có ý nghĩa là sức mạnh và của cải như ngày nay. Trên đây là một số nguyên nhân đã góp phần vào việc giải thích vì sao tư tưởng canh tân của Nguyễn Trường Tộ đã bị thất bại, không thể đem áp dụng vào thực tiễn Việt Nam ở dưới triều vua Tự Đức. Thật ra, điều quan trọng đối với chúng ta ngày nay không phải là đi truy tìm những nguyên nhân (hay có thể nói một hệ thống các nguyên nhân) đã dẫn đến việc triều đình nhà Nguyễn đã bác bỏ các đề nghị cải cách của Nguyễn Trường Tộ. Điều quan trọng và có ý nghĩa hơn đối với chúng ta, con cháu của Nguyễn Trường Tộ sinh ra sau ông hơn một thế kỷ, là chúng ta có thể rút ra được những bài học gì từ sự kiện lịch sử nói trên. Và chúng ta có thực sự nhập tâm những bài học lịch sử đó hay không.

Trần Trung Lượng


“Vì sao tư tưởng canh tân của Nguyễn Trường Tộ bị thất bại” (hay: Nỗi hận nghìn đời của Nguyễn Trường Tộ), trích trong cuốn “Nguyễn Trường Tộ với vấn đề canh tân đất nước”, Viện Khoa học xã hội- Trung tâm nghiên cứu Hán Nôm, NXB Đà nẵng, 2000. 

Vì sao vua nhà Nguyễn lại không muốn thực hiện những đề nghị canh tân đất nước của Nguyễn Trường tộ