Ấn độ là nước như thế nào

Ấn Độ có ranh giới với Pakistan, Trung Quốc, Myanma, Bangladesh, Nepal, Bhutan và Afghanistan. Ấn Độ là nước đông dân thứ nhì trên thế giới, với dân số trên một tỉ người, và đồng thời lớn thứ bảy về diện tích. Cộng hoà Ấn Độ xuất hiện trên bản đồ thế giới vào ngày 15 tháng 8 năm 1947. Sự thiết lập nhà nước Ấn Độ là đỉnh cao của cuộc đấu tranh của những người tại Nam Á để thoát khỏi ách thống trị của Đế quốc Anh. Ấn Độ có nền văn minh sông Ấn (Indus) phát triển rực rỡ cách đây 5 nghìn năm. Ấn Độ là nơi sinh trưởng của bốn tôn giáo quan trọng trên thế giới: Ấn Độ giáo (Hindu), Phật giáo, đạo Jaini và đạo Sikh.

Trước ngày độc lập, Ấn Độ là một bộ phận trong tiểu lục địa Ấn Độ thuộc Anh. Việc thành lập quốc gia này có công rất lớn của Mohandas Gandhi, người được ca tụng là “người cha của Ấn Độ”. Ông đã thuyết phục chính phủ Anh trao trả độc lập cho Ấn Độ bằng con đường hòa bình và được chấp nhận. Nhưng Anh đã quyết định tách Ấn Độ thành hai quốc gia: một có đa số dân theo đạo Hindu là Ấn Độ; một có đa số dân theo Hồi giáo là Pakistan, nước này lại gồm hai phần: phần phía đông Ấn Độ gọi là Đông Pakistan (sau này là Bangladesh), phần phía tây gọi là Tây Pakistan (Cộng hòa Hồi giáo Pakistan ngày nay).

Hai phần lãnh thổ này cách nhau trên 2000 km băng qua lãnh thổ Ấn Độ. Những địa điểm cư trú Thời đồ đá với những bức tranh tại Bhimbetka, Madhya Pradesh là những dấu vết sớm nhất từng biết về đời sống con người tại Ấn Độ hiện nay. Những khu định cư thường xuyên sớm nhất được biết đã xuất hiện từ 9.000 năm trước, và dần phát triển vào Văn minh lưu vực sông Ấn, đã bắt đầu từ khoảng năm 3300 TCN và lên tới tột đỉnh từ khoảng giữa năm 2500 TCN và 1500 TCN. Các thành phố của nền văn hóa này có những đặc tính đô thị và khoa học tiến bộ như những hệ thống thoát nước dân sự ở mức độ cao.

Tiếp sau nó là Văn minh Vệ Đà, do các bộ tộc Ấn-Aryan từng lập ra các cơ sở cổ đại của Ấn Độ giáo và các khía cạnh văn hóa khác tạo ra. Trong những văn bản Vedic cổ và thần thoại Ấn Độ, vùng đất được coi là Bharatavarsha. Từ khoảng năm 550 TCN, nhiều vương quốc độc lập như Mahajanapadas đã được lập nên khắp đất nước. Nước này có một văn hóa tôn giáo rất phức tạp, là nơi sinh ra Đạo Giai na và Phật giáo. Các trường học cổ đã xuất hiện ở Taxila, Nalanda, Pataliputra và Ujjain. Cuối thế kỉ thứ 3 TCN, vương triều Maurya của Chandragupta Maurya và Ashoka Đại đế đã thống nhất hầu hết Nam Á hiện nay.

Từ năm 180 TCN, một loạt các cuộc tấn công từ Trung Á của người Ấn-Hy Lạp, Ấn-Scythia, Ấn-Parthia và Kushan xảy ra ở phía tây bắc tiểu lục địa Ấn Độ. Từ thế kỷ thứ 3 TCN, vương triều Gupta đã cai trị ở khoảng thời gian được coi là “Thời đại vàng son” trong lịch sử cổ đại Ấn Độ. Ở phía nam, các vương triều Chalukya, Rashtrakuta, Chera, Chola, Pallava và Pandya nổi lên ở những giai đoạn khác nhau. Khoa học, Cơ khí, nghệ thuật, văn chương, toán học, thiên văn học, tôn giáo và triết học phát triển mạnh dưới thời cai trị của triều đạu này. Sau những cuộc xâm lược từ Trung Á, giữa thế kỷ thứ 10 và 12, đa phần bắc Ấn Độ đã thuộc quyền cai quản của Vương quốc Hồi giáo Delhi và Đế quốc Môgôn.

Dưới triều Akbar Đại đế, kinh tế và văn hóa Ấn Độ phát triển không ngừng cùng với chính sách dung hòa tôn giáo. Các hoàng đế Môgôn cũng dần dần mở rộng quyền kiểm soát của mình ra toàn tiểu lục địa Ấn Độ. Tuy nhiên, nhiều vương quốc bản xứ cũng phát triển mạnh, đặc biệt ở phía nam, như Đế chế Vijayanagara hay Đế quốc Maratha. Trong thế kỷ thứ 18 và 19, nhiều nước Châu Âu, gồm Bồ Đào Nha, Hà Lan, Pháp và Anh Quốc, ban đầu đến Ấn Độ với tư cách là những nhà buôn, sau đó lợi dụng tình trạng bất hòa trong các mối quan hệ giữa các vương quốc để thành lập ra các thuộc địa ở Ấn Độ.

Tới năm 1856, đa phần Ấn Độ thuộo quyền kiểm soát của Công ty Đông Ấn Anh Quốc, với thủ đô tại Calcutta. Một năm sau, những cuộc cổi dậy quân sự diễn ra khắp nơi, người Ấn Độ gọi đó là Chiến tranh giành độc lập lần thứ nhất (trong tiếng Anh gọi là Sepoy Mutiny), cuộc nổi dậy không thành công vì nó đe dọa nghiêm trọng quyền cai trị của người Anh. Vì thế Ấn Độ bị Đế chế Anh quản lý trực tiếp. Đầu thế kỷ 20, một cuộc đấu tranh giành độc lập diễn ra do Quốc hội quốc gia Ấn Độ tiến hành, dưới sự lãnh đạo của những người Ấn Độ như Bal Gangadhar Tilak, Mahatma Gandhi, Sardar Vallabhbhai Patel và Jawaharlal Nehru.

Hàng triệu người chống đối đã tham gia vào những chiến dịch bất tuân dân sự với lời tuyên thệ ahimsa – bất bạo động – và họ đã hành động đúng như vậy. Gandhi sẽ dẫn dắt người dân Ấn Độ vào cuộc hành trình muối Dandi (Dandi Salt March) để thách thức thuế muối, và một cuộc nổi dậy toàn quốc năm 1942 yêu cầu nước Anh “Rời khỏi Ấn Độ”. Ấn Độ giành lại độc lập ngày 15 tháng 8 năm 1947 – 565 tiểu quốc do các ông hoàng cai trị đã thống nhất với các tỉnh từ thời thuộc địa Anh để lập nên một quốc gia duy nhất, nhưng chỉ sau khi các tỉnh có đa số người Hồi giáo đã tách ra, hậu quả của chiến dịch ly khai do Liên đoàn Hồi giáo lãnh đạo, để thành lập Pakistan.

Từ khi giành được độc lập, Ấn Độ đã nhiều lần phải đối mặt với bạo lực giữa các giáo phái và những vụ nổi loạn ở nhiều vùng trong nước, nhưng họ vẫn giữ được sự thống nhất và dân chủ. Ấn Độ có tranh chấp biên giới còn chưa giải quyết xong với Trung Quốc, vụ việc này đã leo thang trở thành một cuộc Chiến tranh Trung-Ấn ngắn ngủi năm 1962; và với Pakistan, dẫn tới các cuộc chiến tranh năm 1947, 1965, 1971 và năm 1999 tại Kargil. Ấn Độ là thành viên sáng lập của Phong trào không liên kết và Liên hiệp quốc. Năm 1974, Ấn Độ đã tiến hành thử nghiệm vũ khí hạt nhân ngầm dưới đất, khiến họ trở thành thành viên không chính thức của “câu lạc bộ hạt nhân”.

Sau đó họ tiến hành thêm năm vụ thử nghiệm nữa trong năm 1998. Những cải cách kinh tế đáng chú ý diễn ra từ năm 1991 đã biến Ấn Độ trở thành một trong những nền kinh tế phát triển nhanh nhất thế giới, làm tăng vị thế của họ trong vùng và trên toàn thế giới. Ấn Độ là nền dân chủ lớn nhất thế giới. Nó là một nước dân chủ liên bang gồm 28 bang và 7 vùng lãnh thổ. Trong khi các bang có quyền tự trị và quyền quản lý của riêng mình, các luật quốc gia có quyền lực cao hơn các luật pháp bang. Ấn Độ có ba nhánh chính phủ: Lập pháp, Hành pháp và Tư pháp ở mức độ bang và quốc gia. Tổng thống là nguyên thủ quốc gia, người bảo vệ hiến pháp và Tư lệnh tối cao của Các lực lượng vũ trang Ấn Độ.

Tổng thống và Phó tổng thống được bầu gián tiếp bởi một đoàn bầu cử với nhiệm kỳ năm năm. Nghị viện Ấn Độ theo chế độ lưỡng viện, với hạ viện được bầu cử phổ thông và trực tiếp, gọi là Lok Sabha (Nghị viện nhân dân), được bầu với nhiệm kỳ 5 năm, và thượng nghị viện, Rajya Sabha (Hội đồng quốc gia), được bầu xen kẽ với nhiệm kỳ 6 năm bởi một hội đồng gồm các thành viên lập pháp quốc gia. Thủ tướng là lãnh đạo chính phủ và là người có quyền hành pháp lớn nhất. Thủ tướng được bầu ra bởi các nhà lập pháp của đảng chính trị hay liên minh đa số trong nghị viện, và có nhiệm kỳ năm năm.

Hiến pháp không quy định rõ chức danh Phó thủ tướng, nhưng chức danh này trên thực tế vẫn tồn tại. Tất cả các công dân Ấn Độ trên 18 tuổi đều đủ tư cách bỏ phiếu. Thủ tướng lãnh đạo Hội đồng bộ trưởng. Bất kỳ bộ trưởng nào đều phải là thành viên của hạ hoặc nghị viện. Trong hệ thống nghị viện Ấn Độ, hành pháp phải phụ thuộc vào lập pháp. Ngành tư pháp độc lập của Ấn Độ gồm Tòa án tối cao, do Tổng chưởng lý lãnh đạo. Tòa án tối cao vừa có quyền tài phán nguyên gốc bản đối với mọi tranh chấp giữa nhà nước và trung ương vừa có quyền tài phán phúc thẩm đối với các Tòa án cấp cao Ấn Độ.

Có 18 Tòa án cấp cao sơ thẩm, mỗi tòa có quyền tài phán đối với một bang hay một nhóm bang nhỏ. Mỗi bang có một hệ thống tòa án cấp thấp hơn. Sự xung đột giữa lập pháp và tư pháp được giao cho Tổng thống giải quyết. Phần đa trong lịch sử độc lập của mình, chính phủ Ấn Độ thuộc Đảng Quốc Đại Ấn Độ. Đảng này luôn chiếm đa số trong nghị viện chỉ trừ hai giai đoạn ngắn trong thập kỷ 1970 và cuối 1980. Thời kỳ này đã bị ngắt quãng ở khoảng giữa 1977 đến 1980, khi liên minh của Đảng Janata chiến thắng trong cuộc bầu cử nhờ sự bất mãn của cử tri với “Tình trạng khẩn cấp” do Thủ tướng lúc ấy là Indira Gandhi ban bố.

Janata Dal chiến thắng trong cuộc bầu cử năm 1989, nhưng chính phủ của họ chỉ cầm quyền được trong hai năm. Từ 1996 đến 1998, đã có một giai đoạn thay đổi chính trị liên tục với chính phủ ban đầu thuộc cánh hữu theo đường lối quốc gia của Đảng Bharatiya Janata tiếp sau là chính phủ của Mặt trận quốc gia thiên tả. Năm 1998, BJP thành lập Liên minh dân chủ quốc gia (NDA) với các đảng nhỏ địa phương, và trở thành chính phủ liên minh không thuộc Quốc đại đầu tiên tồn tại đủ một nhiệm kỳ năm năm. Trong cuộc bầu cử năm 2004 Đảng Quốc Đại đã chiếm đa số ghế để thành lập một chính phủ lãnh đạo Liên minh hiệp nhất tiến bộ, và được các đảng cánh tả phản đối BJP ủng hộ.

Từ khi giành lại độc lập, Ấn Độ duy trì quan hệ tốt với hầu hết các quốc gia. Nước này giữ vai trò lãnh đạo trong việc ủng hộ các cựu thuộc địa Châu Âu tại Châu Phi và Châu Á giành lại độc lập trong thập niên 1950. Trong Chiến tranh Lạnh, Ấn Độ cố gắng giữ vai trò trung lập và là một trong những thành viên sáng lập của Phong trào không liên kết. Sau Chiến tranh Trung-Ấn và Chiến tranh Ấn Độ-Pakistan năm 1965, các mối quan hệ của Ấn Độ với Liên bang Xô viết ấm lên cùng với những sút giảm trong quan hệ với Hoa Kỳ và điều này kéo dài tới hết Chiến tranh Lạnh. Ấn Độ luôn từ chối ký kết CTBT và NPT để giữ chủ quyền đối với chương trình vũ khí hạt nhân của họ dù có những chỉ trích và trừng phạt quân sự từ phía các cường quốc.

Những cuộc thương lượng gần đây của chính phủ Ấn Độ đã tăng cường các quan hệ của họ với Hoa Kỳ, Trung Quốc và Pakistan. Trong lĩnh vực kinh tế, Ấn Độ có quan hệ thân thiết với các nước đang phát triển ở Nam Mỹ, Châu Á và Châu Phi, đặc biệt với Brasil và Mexico. Trong những năm gần đây, Ấn Độ đã đóng vai trò có tầm ảnh hưởng lớn tại ASEAN, SAARC và WTO, và họ là phía đã mang lại bước ngoặt quan trọng cho Thỏa thuận tự do thương mại Nam Á. Ấn Độ từ lâu đã là nước ủng hộ Liên hiệp quốc, với hơn 55.000 quân thuộc quân đội Ấn Độ và nhân viên cảnh sát từng phục vụ trong 35 chiến dịch gìn giữ hòa bình của Liên hiệp quốc tại bốn châu lục. Ấn Độ được chia thành 28 bang và bảy lãnh thổ liên bang.

Tất cả các bang và các lãnh thổ liên minh của Delhi và Pondicherry đều có chính phủ do bầu cử. Năm vùng lãnh thổ liên minh còn lại có các quan chức hành chính do trung ương chỉ định. Các bang lại được chia thành các huyện. Dưới các huyện là các tehsil và dưới nữa là các xã. Tuy nhiên, một số bang có thể còn có thêm các cấp hành chính địa phương nữa như vùng hành chính, phó huyện, hobli. Lãnh thổ Ấn Độ chiếm một phần lớn tiểu lục địa Ấn Độ, nằm trên Mảng kiến tạo Ấn Độ (India Plate), phần phía bắc Mảng kiến tạo Ấn-Úc, phía nam Nam Á. Các bang phía bắc và đông bắc Ấn Độ nằm một phần trên dãy Himalaya.

Phần còn lại ở phía bắc, trung và đông Ấn gồm đồng bằng Ấn-Hằng phì nhiêu. Ở phía tây, biên giới phía đông nam Pakistan, là Sa mạc Thar. Miền nam Bán đảo Ấn Độ gồm toàn bộ đồng bằng Deccan, được bao bọc bởi hai dãy núi ven biển, Tây Ghats và Đông Ghats. Ấn Độ là nơi khởi nguồn của nhiều con sông lớn, gồm sông Hằng, Brahmaputra, Yamuna, Godavari, Kaveri, Narmada và Krishna. Ấn Độ có ba quần đảo – Lakshadweep ngoài khơi bờ biển tây nam, Quần đảo Andaman và Nicobar dãy đảo núi lửa phía đông nam và Sunderbans ở vùng châu thổ sông Hằng ở Tây Bengal. Khí hậu Ấn Độ biến đổi từ nhiệt đới ở phía nam đến ôn hoà ở phía bắc, các vùng phía bắc có độ cao lớn thường có tuyết rơi trong thời gian dài.

Khí hậu Ấn Độ bị ảnh hưởng lớn từ dãy Himalaya và Sa mạc Thar. Núi Himalaya, cùng với dãy núi Hindu Kush ở Pakistan, là một tấm chặn tự nhiên ngăn gió lạnh từ Trung Á thổi đến. Chúng khiến cho đa phần lục địa Ấn Độ ấm hơn hầu hết các nơi khác có cùng vĩ độ. Sa mạc Thar khiến gió mùa tây nam mang theo nhiều hơi ẩm vào trong lục địa Ấn Độ gây ra mưa từ tháng 6 tới tháng 9. Khí hậu đa dạng chính là lý do khiến Ấn Độ được liệt vào quốc gia có đa dạng sinh học cao nhất thế giới, cả về số loài và số lượng cá thể. Số loài động thực vật ở tiểu lục địa Ấn Độ chỉ đứng thứ hai trên thế giới sau toàn Châu Phi, và có nhiều loài chỉ có mặt tại đây.

Ấn Độ hiện là quê hương của hơn 3000 hổ Bengal, 10000 voi châu Á và khoảng 8000 con bò tót, những loài thú quý hiếm bậc nhất thế giới. Kinh tế Ấn Độ là nền kinh tế lớn thứ tư thế giới nếu tính theo sức mua ngang giá, với GDP tính theo đôla Mỹ đạt 3.63 nghìn tỷ. Nếu tính theo tỷ giá hối đoái với USD, nó là nền kinh tế lớn thứ mười hai thế giới với GDP tính theo đôla Mỹ đạt 775 tỷ (2005). Ấn Độ là nền kinh tế phát triển nhanh thứ hai thế giới, với tỷ lệ tăng trưởng GDP đạt 8.1% ở cuối quý đầu tiên năm 2005–2006. Tuy nhiên, dân số khổng lồ của Ấn Độ khiến thu nhập trên đầu người đứng ở mức $3.400 và được xếp vào hạng nước đang phát triển.

Trong đa phần lịch sử độc lập của mình Ấn Độ luôn có khuynh hướng tiếp cận chủ nghĩa xã hội, với quản lý chặt chẽ của chính phủ trên lĩnh vực tư nhân, thương mại nước ngoài, và đầu tư trực tiếp nước ngoài. Từ đầu thập kỷ 1990, Ấn Độ đã dần mở cửa thị trường thông qua các biện pháp cải cách kinh tế bằng cách giảm bớt quản lý chính phủ trên thương mại nước ngoài và đầu tư. Tư nhân hoá các nghành công nghiệp thuộc sở hữu nhà nước và mở cửa một số lĩnh vực cho các nhà đầu tư tư nhân và nước ngoài dần xuất hiện trong những cuộc tranh luận chính trị. Ấn Độ có một lực lượng lao động 496.4 triệu người trong số đó nông nghiệp chiếm 60%, công nghiệp 17%, và dịch vụ 23%.

Nông nghiệp Ấn Độ sản xuất ra gạo, lúa mì, hạt dầu, cốt tông, sợi đay, chè, mía, khoai tây; gia súc, trâu, cừu, dê, gia cầm và cá. Các ngành công nghiệp chính gồm dệt may, hóa chất, chế biến thực phẩm, thép, thiết bị vận tải, xi măng, mỏ, dầu khí và cơ khí. Gần đây, Ấn Độ cũng đã lợi dụng được số lượng đông đảo dân số có trình độ học vấn cao, thành thạo tiếng Anh để trở thành một vị trí quan trọng về dịch vụ thuê làm bên ngoài (outsourcing), tư vấn khách hàng (customer service) và hỗ trợ kỹ thuật của các công ty toàn cầu. Nó cũng là một nước xuất khẩu hàng đầu về nhân lực trình độ cao trong lĩnh vực dịch vụ phần mềm, tài chính và chế tạo phần mềm.

Đối tác thương mại quan trọng nhất của Ấn Độ là Hoa Kỳ, Liên minh Châu Âu, Nhật Bản, Trung Quốc, và Các Tiểu Vương quốc Ả Rập Thống nhất. Ấn Độ là nước đông dân thứ hai trên thế giới với ước tính khoảng 1,19 tỷ người năm 2006. Hầu hết 70% dân số sống tại các vùng nông thôn. Vùng thành thị đông dân nhất là Mumbai, Kolkata, Delhi, Chennai và Bangalore. Những nỗ lực nhằm loại trừ tình trạng mù chữ đã đạt được những thành công đầu tiên. Năm 1947 tỷ lệ mù chữ tại Ấn Độ là 11%*. Ngày nay, 65,1% dân số của nó (53,4% phụ nữ, 75,3% nam giới) có thể đọc và viết. Tình trạng nạo thai để lựa chọn giới tính và giết trẻ sơ sinh vẫn tồn tại ở các vùng nông thôn.

Tỷ lệ giới tính quốc gia là 933 phụ nữ trên 1000 nam giới. Độ tuổi trung bình là 24,66, và tỷ lệ tăng dân số là 22,32 trẻ trên 1.000. Dù 80,5% dân số theo Hindu giáo, Ấn Độ cũng là đất nước có số lượng tín đồ Hồi giáo đứng thứ ba thế giới (13,4%). Các nhóm tôn giáo khác gồm Thiên chúa giáo (2,3%), đạo Sikh (1,84%), Phật giáo (0,76%), Đạo Jai-na (0,40%), Do Thái giáo, Hỏa giáo và Bahá’í. Số lượng ngôn ngữ mẹ đẻ tại Ấn Độ được ước lượng lên tới 1.652[5]. Đa số những ngôn ngữ đó xuất phát từ hai nhóm ngôn ngữ chính: Ấn-Aryan (được sử dụng bởi 74% dân số) và Dravidian (được 24% sử dụng); 2% còn lại dựa trên các nhóm Nam Á và Tạng-Miến.

Tiếng Hindi và tiếng Anh được dùng làm ngôn ngữ chính thức của chính phủ, và trong giáo dục cao học. 21 ngôn ngữ khác cũng được coi là chính thức. Ấn Độ có một di sản văn hóa phong phú và đặc trưng duy nhất, và họ luôn tìm cách giữ gìn những truyền thống của mình trong suốt thời kỳ lịch sử trong khi vẫn hấp thu các phong tục, truyền thống và tư tưởng từ phía cả những kẻ xâm lược và những người dân nhập cư. Nhiều hoạt động văn hoá, ngôn ngữ, phong tục và các công trình là những ví dụ cho sự đan xen văn hóa qua hàng thế kỷ đó. Những công trình nổi tiếng như Taj Mahal và các công trình kiến trúc có ảnh hưởng Hồi giáo là di sản từ triều đại Mughal.

Chúng là kết quả của một truyền thống hợp nhất mọi yếu tố từ mọi phần của quốc gia. Âm nhạc Ấn Độ được thể hiện ở rất nhiều hình thức. Hai hình thức chính của âm nhạc cổ điển là Carnatic từ Nam Ấn, và Hindustani từ Bắc Ấn. Các hình thức phổ thông của âm nhạc cũng rất phổ biến, nổi tiếng nhất là âm nhạc Filmi. Ngoài ra còn có nhiều truyền thống khác nhau về âm nhạc dân gian từ mỗi nơi trên đất nước. Có nhiều hình thức nhảy múa cổ điển hiện diện, gồm Bharatanatyam, Kathakali, Kathak và Manipuri. Chúng thường ở hình thức tường thuật và lẫn với những yếu tố sùng đạo và tinh thần.

Truyền thống văn học sớm nhất Ấn Độ là hình thức truyền miệng, và sau này mới ở hình thức ghi chép. Đa số chúng là các tác phẩm linh thiêng như (kinh) Vedas và các sử thi Mahabharata và Ramayana. Văn học Sangam từ Tamil Nadu thể hiện một trong những truyền thống lâu đời nhất Ấn Độ. Đã có nhiều nhà văn Ấn Độ hiện đại nổi tiếng, cả với các tác phẩm bằng tiếng Ấn Độ và tiếng Anh. Nhà văn Ấn Độ duy nhất đoạt giải Nobel văn học là nhà văn dùng tiếng Bengal Rabindranath Tagore. Ấn Độ cũng là nước sản xuất ra số lượng phim hàng năm cao nhất thế giới. Vùng sản xuất chính nằm tại Mumbai, cho ra lò hầu như tất cả phim thương mại Ấn Độ, thường được gọi là “Bollywood”.

Cũng có một số lượng lớn tác phẩm điện ảnh sử dụng tiếng Kannada, tiếng Malayalam, tiếng Tamil, tiếng Telugu và tiếng Bengal. Các hoạt động tôn giáo theo nhiều đức tin khác nhau là một phần không thể thiếu trong đời sống xã hội. Giáo dục được coi trọng bởi mọi thành viên ở mọi giai cấp. Các giá trị gia đình truyền thống Ấn Độ đã phát triển để đạt tới một hệ thống gia đình hạt nhân, bởi vì những hạn chế về kinh tế xã hội của hệ thống gia đình liên kết truyền thống cũ. Tôn giáo ở Ấn Độ là một vấn đề công cộng, với nhiều hoạt động đã trở thành phô trương tráng lệ và cùng với nó là sự sút giảm các giá trị tinh thần.

Ẩm thực Ấn Độ rất đa dạng, về thành phần, hương vị và cách chế biến khác biệt theo từng vùng. Gạo và bột mì là hai thực phẩm chính của nước này. Ấn Độ nổi tiếng về số lượng các món chay và không chay. cuisine. Thực phẩm nhiều gia vị và đồ ngọt rất phổ biến ở Ấn Độ. Trang phục truyền thống tại Ấn Độ khác biệt rát lớn theo từng vùng về màu sắc và kiểu dáng, và phụ thuộc trên nhiều yếu tố, bao gồm cả khí hậu. Các kiểu trang phục dân dã gồm sari truyền thống cho phụ nữ và dhoti truyền thống cho nam giới. Môn thể thao được ưa chuộng nhất Ấn Độ là hockey trên cỏ, dù cricket hiện trên thực tế là một môn thể thao quốc gia, đặc biệt phía đông bắc, bóng đá là môn thể thao dân dã nhất và được theo dõi đông đảo.

Những năm gần đây tennis cũng trở nên phổ biến ở Ấn Độ. Ấn Độ cũng nổi tiếng về cờ vua, với những kỳ thủ ở tầm vóc quốc tế như Vishwanathan Anand. Các môn thể thao truyền thống địa phương như kabaddi và gilli-danda, được thi đấu ở hầu hết mọi nơi trong nước. Ấn Độ cũng được biết tới là một đất nước của các lễ hội. Vì là quốc gia đa tôn giáo, Ấn Độ có các lễ hội rất đa dạng, nhiều lễ hội dành cho mọi thành phần xã hội. Các lễ hội nổi tiếng và có nhiều người tham gia nhất gồm các lễ hội Hindu tại Diwali, Holi, Pongal và Dussehra và lễ hội của người Hồi giáo tại Eid. Một số lễ hội được tổ chức ở đa phần đất nước; tuy nhiên, chúng được gọi theo những cái tên khác nhau tùy theo vùng hay có thể được tổ chức dưới hình thức khác biệt. Mọi lễ hội đều được chào mừng theo một kiểu duy nhất. Ấn Độ có ba ngày lễ quốc gia. Những ngày lễ khác, từ chín đến mười hai, gắn liền với các lễ hội, ngày lễ tôn giáo và ngày sinh các lãnh đạo được quy định theo từng bang.