Bài văn hay về đây thôn vĩ dạ

Khi được gọi tên cho phong trào thơ mới, nhà phê bình Đỗ Lai Thúy đã gọi đó là một “cây nấm lạ trên gia hệ của văn mạch dân tộc”. Cái “lạ” của Thơ mới, có người nhận thấy, có người không, nhưng cái “lạ” mà thi sĩ Hàn Mặc Tử mang theo khi bước vào làng thơ, thì hẳn ai cũng rõ. Những vần thơ điên loạn, ngập tràn ý tượng của hồn, trăng, và máu đã không thôi ám ảnh người đọc. Vậy mà, giữa rừng thơ ma quái ấy, lại mọc lên một bông hoa trong sáng tinh khôi, còn vương bao hương sắc ở đời. Bông hoa ấy chính là một thi phẩm tuyệt đẹp, được Hàn Mặc Tử đặt cho cái tên thật thương mến: “Đây thôn Vĩ Dạ”.

Bài thơ được sáng tác năm 1938, nằm trong tập thơ ‘Đau thương’ . Đó là thời điểm tác giả trở về Quy Nhơn vì căn bệnh hiểm nghèo của mình. Giữa những ngày đau đớn nhất, Hàn Mặc Tử nhận được bức ảnh sông nước xứ Huế đêm trăng cùng mấy dòng thư tín từ Hoàng Cúc – người con gái mà nhà thơ vẫn thầm thương trộm nhớ. Bao xúc cảm ùa về, cuộc hành hương trong tâm tưởng từ mà bắt đầu, và những vần thơ hay nhất đã bật trào trong nỗi nhớ… Tác phẩm vẽ nên bức tranh thôn Vĩ thơ mộng, thanh bình, cùng với vẻ đẹp lãng mạn, đắm say của sông nước mây trời và con người xứ Huế. Nhan đề bài thơ như một tiếng reo vui, mà cũng như lời giới thiệu về mảnh đất thôn Vĩ. Nó thật gần, ở ngay ‘đây’, trong tấm bưu thiếp trên tay, hay trong trái tim người thi sĩ; nhưng sao nó cũng thật xa xôi, vì ông sẽ chẳng có cơ hội đến nơi ấy nữa.

Hiện lên đầu tiên là bức họa rực rỡ, sáng trong về khung cảnh thôn Vĩ, được miêu tả từ xa đến gần, từ bao quát đến cụ thể. Câu hỏi tu từ mở đầu bài thơ, mang nhiều sắc thái: vừa hỏi, vừa nhắc nhở, trách móc, lại vừa như lời mời gọi thân tình: ‘Sao anh không về chơi thôn Vĩ’. Câu thơ bảy chữ ùa ra với sáu thanh bằng, làm dịu âm điệu trách móc, sao mà tha thiết và bâng khuâng, nhưng rồi lại vút nhẹ lên ở tiếng ‘Vĩ’ để đưa ta về với một địa chỉ thân thương: thôn Vĩ Dạ. Đây là một thôn trang nhỏ kề sát bên dòng sông Hương, nổi tiếng với vẻ đẹp trầm lắng thanh tao của những ngôi nhà có kiến trúc nhà vườn xinh xắn, như những bài thơ tư tuyệt ẩn hiện trong màu xanh lá, là nơi các tao nhân mặc khách thường lui tới. Có lẽ, câu thơ là lời của cô gái thôn Vĩ, song cũng có thể là sự phân thân của chủ thể trữ tình để độc thoại với chính mình. Hai chữ “không về” nhẹ nhàng mà xót xa, bởi ‘chưa về’ là có thể sẽ về, còn “không về” thì đã bao hàm sự tuyệt vọng.

Từ những cảm xúc được khơi gợi, hình ảnh Vĩ Dạ chợt bừng dậy ở ba câu tiếp theo:

‘Nhìn nắng hàng cau, nắng mới lên

Vườn ai mướt quá, xanh như ngọc

Lá trúc che ngang mặt chữ điền.’

Chẳng phải “nắng ửng” trong làn khói mơ tan, hay “nắng chang chang” dọc theo bờ sông trắng, nắng ở đây là thứ “nắng mới”, không huyền hồ ảo diệu, không đậm màu đậm hương, mà nó nguyên sơ và trong trẻo đến lạ. Cây cau vươn lên cao nhất, đón tia nắng đầu tiên, với những tán lá lấp lánh sương đêm, với cái thân được chia đốt đều đặn tựa như cây thước của tự nhiên để đo mực nắng. Cả khu vườn bừng lên trong ánh sáng tinh khôi, những sắc xanh được hồi sinh từ bóng tối, trở thành ‘xanh mướt’ – mỡ màng, non tơ mà quý phái như viên ngọc của tạo hóa. Đại từ phiếm chỉ “ai” như dò tìm những kỉ niệm xưa cũ trong khu vườn thanh xuân, song vẫn mang nỗi niềm bâng khuâng khó tả. Cảnh vật càng thêm sinh động khi có sự xuất hiện của con người: ‘Lá trúc che ngang mặt chữ điền’. Hình ảnh thơ mang hơi hướng Á Đông cổ điển, tả cách điệu khuôn mặt đượm nét phúc hậu đoan trang. Nét mềm mại, thanh cao của lá trúc hài hòa với cái đầy đặn, vuông vức của khuôn mặt, khiến câu thơ mang vẻ e ấp của con người xứ Huế dịu dàng, chung thủy. Nơi ấy, vẻ đẹp con người và thiên nhiên hài hòa vào nhau, cùng tạo nên một bức tranh bình dị mà thơ mộng, trữ tình. Với việc xuất hiện dày đặc của màu xanh của ánh nắng báo hiệu vầng dương đang hé rạng, cùng bóng dáng con người Huế đằm thắm, thân thương, Hàn Mặc Tử dường như kín đáo bộc lộ niềm nuối tiếc về mảnh đời hoa niên tươi đẹp chưa mấy cách xa.

Nhưng liệu có phải sẽ thật thiếu sót khi nhắc về Huế mà bỏ quên cảnh sông nước đêm trăng vốn đã thành mảnh hồn riêng nơi đây? Bắt trọn được cái hồn riêng ấy, thi sĩ đã kéo cái nhìn của người đọc sang một miền không gian như mộng ảo với dự cảm chia lìa:

“Gió theo lối gió mây đường mây

Dòng nước buồn thiu hoa bắp lay”

Thoáng qua trước mắt là khung cảnh sông Hương với nhịp chảy khoan thai, mang thần thái quen thuộc của xứ Huế – đẹp mà buồn. Chơi vơi giữa gió mây, lặng im theo dòng nước, Hàn Mặc Tử vốn nhạy cảm trong cảnh ngộ riêng của mình đã nhận thấy sự chia li can thiệp vào những thứ vốn không thể xa cách, để rồi diễn tả qua những vần thơ đối kết hợp với phép điệp từ nhịp nhàng. Gió mây đôi ngả: gió đóng khung trong thế giới của gió, mây đóng khung trong thế giới của mây. Dòng Hương giờ đây chỉ được gọi thành hai tiếng ‘dòng nước’, nghĩa là đã có sự chia lìa nước với bãi bờ, chất chữa nỗi buồn thiu, nỗi chán chường lặng vào trong tâm tưởng. Hoa bắp với màu sắc ảm đạm và động thái lay, được nhìn trong sương sớm bình minh, hay trong những chiều tím hoàng hôn tê tái, sương mờ giăng mắc muôn nơi, và hơn hết là được nhìn qua dòng nước mắt của nhà thơ. Nó gợi sự sống yếu ớt, góp thêm vào vẻ u tối, cô liêu của miền sông nước. Phép lấy động tả tĩnh được vận dụng khéo léo, tôn lên cái tĩnh vắng tuyệt đối của dòng sông cùng cái bình lặng muôn đời của xứ Huế. Mọi vật chỉ khẽ khàng lay động, cơ hồ như sức tàn lực kiệt, mất hết nhựa sống. Khung cảnh tươi đẹp đã nhường chỗ cho một vũ trụ lạc điệu, hiu hắt, vô sai, vẽ nên của tâm trạng tăm tối của thân phận người thi sĩ mang thân bệnh, tâm bệnh.

Người buồn đời nhưng không chán đời, nên khi không tìm thấy sự đồng điệu trong cõi thực, người sẽ đi tìm sự hài hòa trong cõi mộng:

“Thuyền ai chở bến sông trăng đó

Có chở trăng về kịp tối nay?”

Không gian trở về với ánh sáng trong trẻo của vầng trăng – vốn là người bạn tri âm tri kỉ, biết khóc, biết cười trong biết trong vần thơ của Hàn Mặc Tử:

“Trăng nằm sõng soài trên cành liễu

Đội gió đông về để lả lơi” (Bẽn lẽn)

Còn ở bài thơ này, được bao bọc trong ánh trăng cõi mộng, vạn vật như trút bỏ lớp ngoài trần tục để sông hoá sông trăng, thuyền hóa thuyền trăng. Lời thơ miên man phiêu lãng xoá nhoà đi ranh giới thực ảo, phủ lên không gian vũ trụ một màu ánh trăng. Tuy nhiên, trong bối cảnh ấy, con người xuất hiện qua đại từ phiếm chỉ ai với lời khẩn cầu và mong ngóng, da diết. Dường như chủ thể trữ tình không còn biết bấu víu vào đâu, không còn biết tin ai trên cõi đời này nữa. “Kịp tối nay” như thu bớt quỹ thời gian cho thấy một thực tại ngắn ngủi, mang ám ảnh về sự muộn màng. Không có âm vọng hồi đáp, nhưng lời mong ngóng da diết ấy đã cho thấy khát khao giao cảm, được xoa dịu và an ủi, chứa đầy hi vọng của người thi sĩ hoạn nạn nơi trần thế.

Bài thơ khép lại trong niềm hi vọng, mong mỏi mà thường trực sự hoài nghi của lòng người qua những câu thơ chìm trong cõi mộng mơ hư ảo:

“Mơ khách đường xa khách đường xa

Áo em trắng quá nhìn không ra

Ở đây sương khói mờ nhân ảnh

Ai biết tình ai có đâm đà?”

Chữ “mơ” được đặt lên đầu câu một cách chơi vơi, để rồi tiếp nối là là tiếng gọi “khách đường xa” đầy khắc khoải, hụt hẫng, bỏ lại bao ngẩn ngơ buồn tiếc. Điệp từ “khách đường xa” thể hiện sự trông ngóng đến da diết vì nỗi xa cách về tâm hồn, xa về thời gian và cũng có thể là “đường đến trái tim xa”. Đó phải chăng là hình ảnh đang dần khuất bóng của chính nhà thơ – vị khách trên đường tìm về thôn Vĩ, hay là bóng dáng người thiếu nữ đang nhạt nhòa trong sắc áo trắng lạ lùng. Sắc trắng kì lạ đó được diễn tả bằng một cảm quan đặc biệt, như hòa lẫn trong khoảng không gian mờ ảo, để cực tả vẻ đẹp trinh khiết mà thi nhân hằng tôn thờ. Hai câu thơ cuối là sự trở về của nhà thơ, về với lãnh cung chia lìa, bất hạnh, với nỗi đau có thực của lòng mình. Không gian lạnh lẽo, mịt mùng trong sương khói, huyền hồ trong ảo ảnh, trùm lên cả ý thức và tiềm thức, thắt buộc lòng người đến tê dại. Một lần nữa, đại từ ‘ai’ cho thấy tín hiệu tình người, nhưng chưa đủ để cứu rỗi linh hồn bất hạnh. Thi sĩ hoài nghi về tình cảm của người thôn Vĩ, của người đời, liệu có chóng tan như màn sương khói. Trong nỗi đau đời, nỗi đau thế hệ, ông vẫn tha thiết hướng về cái tuyệt đỉnh của tình người – ‘đậm đà’. Câu hỏi mang chút hờn giận nhẹ nhàng, phủ bóng hoài nghi, song trên hết là niềm mong muốn sự ghi nhận một tấm lòng.

Bài thơ tựa một khúc đoản ca về tình yêu và niềm khao khát, hướng về mảnh vườn tuổi hoa niên, mảnh tình đầy kỉ niệm, về cõi nhân gian ăm ắp sự sống, biêng biếc sắc màu. Nhà thơ như một tay cờ chữ lão luyện khi tạo ra mối quan hệ tuyệt đẹp giữa những quân cờ ngôn ngữ. “Tứ thơ Hàn Mặc Tử vận động trong sự đứt gãy của hệ thống thi hành, cảm xúc liên tục chuyển điệu, hình ảnh liên tục chuyển kênh, ý nọ và ý kia tương chừng rất xa nhau nhưng thật ra vẫn có mạch ngầm nối kết” (Chu Văn Sơn). Với những hình ảnh thơ tượng trưng siêu thực, những câu hỏi tu từ trải đều trên các khổ thơ cùng lối viết cách điệu hóa, pha lồng ảo thực, “Đây thôn Vĩ Dạ” là một thi phẩm có thi từ đẹp đẽ, trong sáng nhất.

Trải qua bao năm tháng, cái tình của Hàn Mặc Tử vẫn còn tươi nguyên, nóng hổi và day dứt trong lòng người đọc. “Tình yêu trong ước mơ của con người đau đớn ấy có sức bay bổng kì lạ” nhưng nó cũng giản dị, trong sáng và tươi đẹp như làng quê Vĩ Dạ.

Bài thơ Đây thôn Vĩ Dạ viết về đề tài gì?

Bài thơ "Đây thôn Vĩ Dạ" được sáng tác vào năm 1938 và được in trong tập Thơ điên về sau đổi thành Đau thương. Tác phẩm này có nguồn cảm hứng từ tấm ảnh về phong cảnh Huế và lời hỏi thăm của Hoàng Cúc - người mà Hàn Mặc Tử ôm ấp mối tình đơn phương khi còn làm việc tại sở Đạc Điền.

Bài thơ Đây thôn Vĩ Dạ được lấy cảm hứng từ đầu?

Hoàn cảnh sáng tác. Bài thơ lúc đầu có tên là Ở đây thôn Vĩ. Theo một số tài liệu, bài thơ được gợi cảm hứng từ mối tình của Hàn Mặc Tử với một cô gái vốn quê ở thôn Vĩ Dạ. Năm 1938, Hoàng Cúc nhận được hung tin nói trên từ Hoàng Tùng Ngâm.

Đây thôn Vĩ Dạ được viết cho ai?

Theo đó, năm 1933, Hàn Mặc Tử - tác giả Đây thôn Vỹ Dạ vào làm cho Sở Đạc điền Quy Nhơn và quen Hoàng Tùng Ngâm - em họ Hoàng Cúc. Hoàng Tùng Ngâm sống trong ngôi nhà nhỏ cạnh nhà Hoàng Cúc, anh em bè bạn thường tụ tập chơi đùa, bình phẩm văn thơ.

Cô gái trong bài thơ Đây thôn Vĩ Dạ là ai?

Bóng hình kiều nữ trong bài thơ tình được coi là thành công của nhà thơ Hàn Mặc Tử là hình ảnh của cô thôn nữ Hoàng Cúc. Nàng tên thật là Hoàng Thị Kim Cúc, sinh ngày 5/12/1913, kém Hàn Mặc Tử 1 tuổi. Hoàng Cúc năm 30 tuổi trong trang phục y tá tình nguyện.