Bài văn phân tích bài thơ ánh trăng năm 2024

Trong nghệ thuật, nếu như hoạ sĩ dùng đường nét và sắc màu, nhạc sĩ dùng giai điệu và âm thanh thì thi sĩ lại sử dụng hình ảnh và ngôn từ một cách linh hoạt, tạo thành kết cấu, giọng điệu để thể hiện chủ đề tác phẩm. Đến với “Ánh trăng”, người đọc đến với một tứ thơ sâu sắc, giọng điệu, một kết cấu ấn tượng, mang đến một chủ đề đầy ý nghĩa nhân văn. Mạch cảm xúc dâng trào mãnh liệt, ta cảm nhận được một ngòi bút sâu sắc, một trái tim tinh tế rung động, trước những đổi thay nhỏ bé nhất, và cả một khát khao ước vọng truyền cho mọi người lẽ sống, cách sống trọn vẹn, tình nghĩa.

Nguyễn Duy thuộc thế hệ các nhà thơ quân đội trưởng thành trong thời kì kháng chiến chống Mỹ cứu nước của dân. Tuy viết không nhiều nhưng thơ ông để lại dấu son đậm nét trong nền văn học Việt Nam thế kỉ 20. Thơ ông gần gũi với văn hóa dân gian, nhưng sâu sắc mà rất đỗi tài hoa, đi sâu vào cái nghĩa, cái tình muôn đời của con người Việt Nam, đôi khi lại có cái ngang tàng nhưng vẫn trầm tĩnh và giàu chiêm nghiệm sâu sắc khiến người ta phải giật mình suy nghĩ. Bài thơ Ánh trăng được viết năm 1978, ba năm sau ngày giải phóng tại Thành phố Hồ Chí Minh thể hiện sâu sắc những cảm nhận của nhà thơ về quá khứ nghĩa tình lối sống của con người trong hiện tại.

“Ánh trăng” như một câu chuyện riêng, có sự kết hợp hài hòa, tự nhiên giữa tự sự và trữ tình. Đó là một kết cấu độc đáo, tác giả như đang kể lại một câu chuyện từ quá khứ đến hiện tại, từ quá khứ gắn bó thân thiết với vầng trăng đến hiện tại sống với các tiện nghi hiện đại, đủ đầy, vầng trăng bị con người lãng quên, bị coi như là người dưng qua đường. Nhờ một đêm mất điện, những suy tư về quá khứ xuất hiện trong dòng hồi tưởng. Bài thơ tuy có kết cấu, nội dung đơn giản nhưng chứa đựng những triết lí sâu xa, khiến mỗi chúng ta đều phải nhìn lại chính mình. Giọng điệu tâm tình bằng thể thơ năm chữ, nhịp thơ khi tuôn chảy tự nhiên, nhịp nhàng theo nhịp kể, khi ngân nga, khi trầm lắng suy tư, cảm động. Tất cả những điều đó góp phần quan trọng trong việc thể hiện chủ đề chung của tác phẩm.

Qua hai khổ thơ đầu, Nguyễn Duy đã cho ta thấy tình cảm giữa người với trăng trong quá khứ. Chỉ vài câu thơ, tác giả đã đưa ta về với tuổi thơ bình dị, êm đềm:

“Hồi nhỏ sống với đồng với sông rồi với biển”

Từ “hồi” được lặp lại hai lần tạo thành một điệp ngữ, nhấn mạnh, gây ấn tượng vầ những mốc thời gian để lại ấn tượng sâu đậm trong lòng người, đó là suốt thời tuổi thơ sống chan hòa với “đồng”, “sông”, “bể”, “rừng”. Đó là những hình ảnh thiên nhiên gợi một không gian thoáng đãng và quen thuộc của tthời ấu thơ tinh nghịch, như được mở rộng cùng tuổi thơ, lớn dần lên theo thời gian trưởng thành của đứa trẻ. Con người được sống trong cái làng quê bình dị mà thắm đượm nghĩa tình. Thiên nhiên và con người như giao hòa, ôm bọc lẫn nhau. Tuổi thơ mấy ai không từng rong ruổi trên đồng trong những ngày hè nắng gió, hay bơi lội trên dòng sông quê, để cho làn nước trong mát xoa dịu cơ thể. Điệp từ “với” cùng các từ ngữ mang tính liệt kê đã diễn tả dòng cảm xúc đang trào dâng trong lòng nhà thơ. Phải chăng con người khi đã lớn lên thì gắn bó “với đồng” – biểu hiện của một tâm hồn trong sáng, điềm tĩnh. Rồi khi bước chân đi xa hơn đến“với sông”, rồi “với bể” – biểu hiện của sự trưởng thành và khát vọng vươn xa? Song, Do hoàn cảnh lịch sử của dân tộc, con người bước vào cuộc chiến má lửa với kẻ thù, vầng trăng vẫn luôn kề cận, cùng con người đến mọi nẻo đường:

“hồi chiến tranh ở rừng vầng trăng thành tri kỷ”.

Từ tuổi thơ mát rượi đột ngột đến “hồi chiến tranh ở rừng”. Gắn kết hai không gia xa cách ấy là “vầng trăng tròn”. Những ngày tuổi thơ, vầng trăng rọi sáng vườn quê, rọi sáng sông quê, rọi ánh nhiệm màu vào cả những giấc mơ, dệt nên mơ ước. Kí ức tuổi thơ bàng bạc ánh trăng vàng phủ bóng trên khắp làng quê bình dị. Còn lúc này, khi ở rừng, vầng trăng cũng tìm đến bầu bạn cùng với người lính, trở thành người bạn tâm giao, gắn bó với người lính trên mỗi bước hành quân, ở bên người lính những đêm rừng sâu thẳm, cùng xuất hiện với người lính trong trận chiến đấu với kẻ thù, theo bước người lính dẫu phải vào sinh ra tử. Những đêm rừng khuya tối vắng, không gian xa lạ và đơn điệu, vầng trăng chính là hình ảnh đẹp nhất gợi nhớ về quê hương, là động lực mạnh mẽ giúp họ vượt qua khó khăn và làm bùng lên khát khao hòa bình. Nó mãi mãi ám ảnh con người, nằm sâu trong trái tim như một phần của sự sống, được kết tinh bằng tình yêu cuộc sống, khát vọng hòa bình và ý chí vượt lên của con người. Giọng thơ lúc này chảy trôi bình thường theo nhịp kể, như lời thủ thỉ đầy tâm tình.

Nhìn lại khổ thơ người đọc nhận ra, vầng trăng đã cùng con người đi qua thời gian, nó gắn bó thiết tha, hòa quyện trong mối tình thiên thu giữa con người và trời đất:

“Trần trụi với thiên nhiên

hồn nhiên như cây cỏ

ngỡ không bao giờ quên

cái vầng trăng tình nghĩa.”

Trăng muôn đời là vậy, lúc nào cũng “trần trụi” không bao giờ che giấu hay giả tạo. Trăng lúc nào cũng “hồn nhiên” không bao giờ vụ lợi hay ích kỉ. Cứ cho đi và chẳng nhận lại cái gì. Cứ tỏa sáng rực rỡ trên bầu trời mà chẳng đòi hỏi một điều gì ở thế gian. Ở đây, tác giả sử dụng hình ảnh so sánh ngang bằng, thể hiện sự tri ân của người với cây cỏ, làm rõ hơn mối quan hệ gắn bó chặt chẽ với thiên nhiên, vầng trăng, vô tư, chân thành như bạn hữu. Tình cảm ấy được khằng định chắc chắn “không bao giờ quên”, thiêng liêng bền chặt. Vậy mà, tác giả hạ một chữ ngỡ bâng khuâng, đầy tiếc nuối như báo trước sự đổi thay, một nghĩa tình đáng trân trọng. Giọng điệu chảy trôi vẫn kéo dài, đầy thiết tha, nhịp nhàng theo dòng hồi tưởng, gây vấn vương cho người đọc.

Chiến tranh đau thương đã lùi xa, hòa bình lập lại, thành phố đã có cuộc sống mới:

“Từ hồi về thành phố

quen ánh điện cửa gương”

“Ánh điện cửa gương” là hoán dụ cho sự sung túc, đầy đủ, tiện nghi khép kín trong căn phòng hiện đại với gương đèn lấp lánh, rời xa thiên nhiên bên ngoài. Chốn phồn hoa đô thị giường như đã xóa đi cái hồn xanh mơ mộng của con người dù đã từng có một thời thủy chung, gắn bó. Vì thế lòng người chẳng còn mặn mà tình cảm như trước, nhưng vầng trăng lại không hề khác đi:

“vầng trăng đi qua ngõ

như người dưng qua đường.”

Biện pháp nhân hóa đặc sắc và lối so sánh táo bạo đã nâng ý nghĩa câu thơ lên nhiều lần. Vầng trăng bỗng trở thành con người hiện hữu, thủy chung ngay trong cuộc sống đời thường. Tuy nhiên, vầng trăng bây giờ đối với người lính năm xưa chỉ còn là dĩ vãng nhạt nhòa của quãng thời gian xa xôi nào, trở thành “người dưng” âm thầm đi quang bầu trời đêm đối với con người hờ hững, dửng dưng đến vô tình. Nhịp thơ vấn được duy trì từ hai khổ trên, nhưng đoạn thơ này có chút uẩn khúc, đọc lên nghe thật xót xa, cay đắng với những câu thơ như tiếng thở dài buồn bã, vừa giật mình ngỡ ngàng, vừa chạnh lòng tủi hổ.

Nhưng rồi, con người vô tình, đáng trách ấy lại gặp trăng, gặp người bạn cố tri năm nào trong một tình huống đặc biệt, được đưa ra rất tự nhiên, rất nhanh ngỡ như được sắp đặt:

“Thình lình đèn điện tắt

phòng buyn-đinh tối om

vội bật tung cửa sổ

đột ngột vầng trăng tròn”.

Đây là khổ thơ quan trọng trong cấu tứ của toàn bài, là sự chuyển biến có ý nghĩa bước ngoặt của mạch cảm xúc, bộc lộ rõ chủ đề tư tưởng của bài thơ. Bằng việc sử dụng hợp lý nghệ thuật đảo ngữ với từ láy “thình lình”, tác giả nhấn mạnh sự thay đổi ngẫu nhiên, bất ngờ, ngoài sự tính con người. Vốn quen với ánh điện sáng lòa, quen với đèn màu và hào quang ánh sáng, và khi đèn điện cúp bất chợt, nhân vật trữ tình theo phản xạ “bật tung cửa sổ” để tìm nguồn sáng, qua đó nhận ra bấy lâu mình bị bao quanh bởi bốn bức tường kín, bị lừa dối bởi ánh sáng đèn màu, bị tách biệt với thế giới bên ngoài. Một lần nữa, nghệ thuật đảo ngữ cùng từ láy “đột ngột” lại gây ấn tượng cho người đọc về sự xuất hiện của “vầng trăng tròn”. Chữ “tròn” như muốn khẳng định trăng vẫn vẹn nguyên chung thủy tình nghĩa như xưa. Ở đây, tác giả đã làm nổi bật sự đối lập trong không gian chật hẹp của phong tối và không gian ánh sáng thoáng đãng bên ngoài nơi có vầng trăng. Vầng trăng ấy không chỉ chiếu sáng cho phòng tối mà còn chiếu vào phần khuất lấp của con người, đánh thức sự ngủ quên về tâm hồn của họ khi cuộc sống đã đổi thay. Giọng điệu bài thơ đột ngột cất cao, thể hiện sự ngỡ ngàng trước bước ngoặt của sự việc.

Thời gian lúc này như ngừng trôi cho cuộc gặp gỡ kì diệu giữa hai tâm hồn. Trong giây phút ấy, khi gặp lại người bạn cố tri năm nào, nhà thơ như lặng đi với cái nhìn thiêng liêng thành kính, trong lòng trào dâng nỗi xúc động mãnh liệt”

“Ngửa mặt lên nhìn mặt

có cái gì rưng rưng”

Hai từ “mặt” được dùng với cả nghĩa gốc và nghĩa chuyển, chỉ mặt trằn và mặt người đang cùng đối diện đàm tâm. Từ láy “rưng rưng” diễn tả nỗi xúc động không thể kìm nén, trở thành nỗi nghẹn ngào khó tả của nhà thơ. Rưng rưn của những niềm thương nỗi nhớ, của những lãng quên lạnh nhạt, của một lương tri đang thức tỉnh sau những ngày đắm chìm trong sự đầy đủ tiện nghi của thế giới hiện đại, rưng rưng của nỗi ân hận và ăn năn. Một chút áy náy, day dứt, chút tiếc nuối xót xa đau lòng, tất cả đã làm nên cái “rưng rưng”, cái “thổn thức” trong sâu thăm trái tim người lĩnh. Và trong phút giây nhân vật trữ tình nhìn thẳng vào trăng – biểu tượng đẹp đẽ của một thời xa vắng, nhìn thấu vào tâm hồn mình, bao kỉ niệm chợt ùa về chiếm trọn tâm tư. Kí ức về quãng đời ấu thơ trong sáng, về lúc chiến tranh máu lửa, về cái ngày xưa hồn hầy dần hiện lên rõ dần:

“như là đồng là bể

như là sông là rừng”

Điệp từ « là », « như là » được sử dụng liên tiếp ở hai dòng thơ cùng liệt kế « đồng », « sông », « bể », « rừng » – những hình ảnh thiên nhiên đất nước bình dị, của quá khứ đong đầy ân tình, ân nghĩa đã xuất hiện ở khổ thơ đầu, gắn bó với khoảng trời kỉ niệm. Cấu trúc song hành của hai câu thơ cùng biện pháp tu từ được sử dụng đã khắc họa rõ hơn về thời gần gũi, chan hòa với thiên nhiên, với vầng trăng lớn lao sâu nặng, nghĩa tình, tri kỉ. Chính thứ ánh sáng dung dị, đôn hậu đó của trăng đã chiếu tỏ nhiều kỉ niệm thân thương. Một niềm tủi hổ hòa lẫn trong niềm vui hội ngộ tràn ngập trong lòng. Người đọc như cũng bị cuốn theo dòng cảm xúc hồi tưởng dù trong dây lát bởi giọng thơ ngân nga đầy âm vang tha thiết.

Nhà thơ chợt nhận ra một điều phủ phàng trong ái ngại, giọt nước mắt rưng rưng không làm nhòe vầng trăng sáng, được thể hiện qua đoạn thơ tập trung ý nghiã biểu tượng, chiều sâu tư tưởng mang tính triết lý của tác phẩm :

“Trăng cứ tròn vành vạnh Kể chi người vô tình Ánh trăng im phăng phắc Đủ cho ta giật mình”.

Từ “cứ” được sử dụng tự nhiên để khẳng định sự bất biến, vĩnh cửu của vầng trăng cho dù năm tháng có trôi qua, lòng người có đổi thay. Vầng trăng được nhà thơ nhân hóa, trở thành một người bao dung, độ lượng, “kể chi người vô tình”. Trăng như một đứa trẻ con không biết suy tính, biết cảm giận nhưng lại không vô tình. Chẳng một lời trách cứ, trăng sẵn sàng tha thứ cho nhân vật trữ tình – con người dường như đã quên lãng quá khứ, bị những tiện nghi vật chất, nhịp sống hối hả của đô thị cuốn theo. Chính cái “im phăng phắc” của vầng trăng đã đánh thức con người, làm xáo động tâm hồn người lính năm xưa. Con người “giật mình” trước ánh trăng là sự bừng tỉnh của nhân cách, là sự trở về với lương tâm trong sạch, tốt đẹp. Cái “giật mình” chứa đựng cả niềm tin yêu, hy vọng không chỉ của mình nhà thơ mà còn là của “ta”, của chung nhiều người. Lúc này, giọng thơ đã trở nên trầm lắng, chất đầy những suy tư sâu sắc và thấm đẫm triết lí.

Như vậy, kết cấu và giọng điệu của bài thơ góp phần tạo tính chân thực, chân thành, gợi sức truyền cảm cho tác phẩm, gây ấn tượng mạnh cho người đọc, đồng thời làm nổi bật chủ đề. Từ một câu chuyện riêng, bài thơ cất lên lời tự nhắc nhở thấm thía về thái độ, tình cảm đối với những năm tháng quá khứ gian lao, tình nghĩa đối với thiên nhiên, đất nước bình dị, hiền hậu.

Với chủ đề ấy, “Ánh trăng” không chỉ là một câu chuyện riêng của nhà thơ, của một người mà còn có ý nghĩa với cả một thế hệ – thế hệ từng trải qua năm dài tháng khổ, gian nan vất vả của chiến tranh, từng gắn bó với thiên nhiên, sống với nhân dân tình nghĩa; giờ họ được sống trong hòa bình tiện nghi đầy đủ, hiện đại. Hơn thế, bài thơ còn có ý nghĩa với nhiều người, nhiều thời bởi nó đặt ra vấn đề về thái độ với quá khứ, đối với những người đã khuất và đối với chính mình. Cũng như Tố Hữu trong “Việt Bắc”, ngày rời Thủ đô gió ngàn về với Thủ đô cờ và hoa từng đau đáu:

“Nhà cao còn nhớ núi đồi nữa chăng?

Sáng đèn còn nhớ mảnh trăng cuối rừng?”

Với Nguyễn Duy, những ân tình xưa cũ trong kháng chiến là những điều không dễ gì quên được. Tình đồng đội gắn bó, tình quân dân cả nước “bát cơm sẻ nửa, chăn sui đắp cùng” là những mảng kí ức thiêng liêng tồn tại mãi mãi.

Với thể thơ năm chữ linh hoạt, cách xây dựng tình huống đặc sắc, ngôn ngữ tự nhiên mà đầy triết lí, chất thơ mộc mạc chân thành như vầng trăng hiền hòa, giàu tính biểu cảm, đặc biệt là giọng điệu, kết cấu ấn tượng, chủ để gần gũi với cuộc sống, “Ánh trăng” của Nguyễn Duy đã đánh động tình cảm nơi người đọc, khơi gợi trong lòng ta về trách nhiệm với quá khứ và trước cuộc đời. Qua đó nhà thơ cũng nghiêm khắc nhắc nhở mình về lối sống nghĩa tình, hiện đại mà không quên quá khứ, sung sướng mà vẫn nhớ đến những tháng ngày gian khổ. Và đó cũng là bài học sâu sắc, là hành trang cho mỗi chúng ta đang tiến bước trên con đường đi đến tương lai.