Báo động về văn hóa ứng xử hiện nay

Cụm từ “văn hóa ứng xử” được nhắc đến nhiều trong thời gian gần đây, đặc biệt khi ngày càng có nhiều vụ việc cho thấy ứng xử nơi cộng của những thành phần thuộc tầng lớp cán bộ, nhân viên hoặc thậm chí tinh hoa trí thức, người văn hóa… còn có nhiều vấn đề.

Báo động sự “xuống cấp” của văn hóa ứng xử

Không khó để ta có thể bắt gặp những hành vi ứng xử không đẹp ở nơi công cộng như chen lấn, xô đẩy nhau khi đi nhận đồ từ thiện; hình ảnh hàng trăm người dẫm đạp lên nhau để “cướp” lộc tại những lễ hội; rồi hình ảnh “người đi, rác ở lại” sau khi kết thúc một hoạt động thu hút đông người ở nơi công cộng khiến nhiều người ngán ngẩm. Thậm chí, đã từng có người đi đường "hứng" chọn túi nôn của một vị khách ngồi trên ô tô quăng xuống...

Báo động về văn hóa ứng xử hiện nay

Hình ảnh "người đi, rác ở lại" thường xuyên xuất hiện ở những nơi công cộng.

Cách đây ít ngày, khi đưa con đi học, người viết và nhiều phụ huynh khác đã chứng kiến một hình ảnh không đẹp của một vị phụ huynh với cô con gái nhỏ của mình. Có lẽ do nghỉ hè quá lâu, nên ngày đầu tiên trở lại trường, bé khóc và không chịu vào lớp. Thay vì dỗ dành bé thì vị phụ huynh này lại lớn tiếng la mắng con, rồi kéo cháu bé từ trên lớp xuống sân.

Mặc cho cháu bé khóc lóc, vị phụ huynh ấy đã cố đẩy cháu lên xe chở về, vừa đẩy vừa lớn tiếng hằn học, quát mắng cháu trước những ánh mắt ngỡ ngàng của nhiều phụ huynh và các cháu học sinh có mặt ở sân trường hôm ấy.

Đành rằng trong chúng ta, ai cũng có những lúc nóng giận, không làm chủ được bản thân trước những sự việc không như ý muốn hay trước sự bướng bỉnh không nghe lời của con cái. Nhưng không phải vì thế mà ta tự cho mình cái quyền được chửi bới, mắng mỏ, sỉ nhục người khác ở nơi công cộng, đặc biệt là đối với các cháu nhỏ, cho dù đó là con hay cháu của mình đi nữa thì những hành động ấy cũng không được chấp nhận ở nơi công cộng.

Những hành vi, ứng xử của người lớn sẽ tác động đến tâm lý của con trẻ, việc phải chứng kiến cha, mẹ mình có những hành vi ứng xử không đẹp nơi công cộng, sẽ làm cho trẻ có suy nghĩ tiêu cực khi lớn lên. Những hành vi không đẹp ấy sẽ ăn sâu vào trí nhớ non nớt của trẻ, để rồi khi lớn lên, chúng sẽ cho rằng những gì người lớn làm được thì mình cũng làm được.

Tuy nhiên, không phải đứa trẻ nào cũng bị tác động xấu từ những hành vi không đẹp của người lớn như câu chuyện của một chị bạn chia sẻ với người viết cách đây không lâu. Chị kể, có lần chị chở cậu con trai của mình đi học, uống xong ly cà phê chị tiện tay quăng ngay xuống vệ đường, ngay lập tức chị bị cậu con trai “nhắc nhở” là mẹ bỏ rác không đúng nơi quy định. Nghe cậu con trai nhắc nhở, chị cảm thấy xấu hổ với hành động của mình, chị đã xin lỗi con và tự hứa với lòng sẽ không bao giờ lặp lại hành động đó.

Để văn hóa ứng xử thành thói quen tốt

Không phải ngẫu nhiên mà các cơ quan, ban ngành phải ban hành Quy chế ứng xử nơi công sở. Năm 2007, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số: 129/2007/QĐ-TTg về Ban hành Quy chế văn hóa công sở tại các cơ quan hành chính nhà nước.

Từ đó, các địa phương, Ban, Ngành đồng loạt ban hành Quy chế ứng xử nơi công sở của cán bộ công chức, viên chức ở địa phương, đơn vị mình dựa trên Quyết định số:129 của Thủ tướng Chính phủ. Và mới đây nhất, đầu năm 2019, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã phê duyệt đề án “Văn hóa công vụ” có đề cập tới chuẩn mực về đạo đức, lối sống của cán bộ, công chức, viên chức.

Riêng đối với ngành Công an, từ ngày 6/10/2017, Bộ trưởng Bộ Công an đã ký ban hành quy định về Quy tắc ứng xử của Công an nhân dân, trong đó điều 11 quy định: “Gương mẫu chấp hành nội quy, quy tắc nơi công cộng, các chuẩn mực đạo đức công dân được pháp luật quy định hoặc đã được cộng đồng dân cư thống nhất thực hiện; ứng xử văn minh, thân thiện, giữ trật tự, vệ sinh công cộng; Không có lời nói, hành vi vi phạm các chuẩn mực về thuần phong, mỹ tục, bản sắc văn hóa dân tộc nơi công cộng”.

Đã gọi là văn hóa ứng xử, mà lại là ứng xử ở nơi công cộng thì cần phải văn minh, lịch sự; nói chuyện hay tranh luận cũng phải nhẹ nhàng có học thức, chứ không phải cứ phật ý hay không đạt được mục đích việc gì là gắt gỏng, chửi mắng, nói xấu người này, người kia, chỉ nhăm nhăm đến quyền lợi của bản thân mình mà bỏ qua quyền lợi của những người xung quanh. Những hành động nhỏ như vứt rác cũng phải đúng nơi, đúng chỗ.

Văn hóa ứng xử không thể đem ra để cân đong hay đo đếm và không hẳn cứ những ai học cao, hiểu rộng là văn hóa ứng xử sẽ tỷ lệ thuận với trình độ học vấn của người đó, mà nó phụ thuộc nhiều vào trình độ nhận thức của mỗi người hay vào sự định hướng, giáo dục của gia đình, nhà trường và xã hội.

Để văn hóa ứng xử nơi công cộng trở thành một thói quen tốt và xây dựng một xã hội văn minh; Để không còn những hành vi kém văn hóa, ứng xử kém văn minh như hiện tượng nói tục, chửi thề; hút thuốc lá nơi công cộng; khạc nhổ, vứt rác bừa bãi; sử dụng lời lẽ và hành vi khiếm nhã nơi công cộng thiết nghĩ, cần phải có những chế tài đủ mạnh, đủ sức răn đe. Đối với cán bộ, công chức nếu vi phạm cần phải xử lý thật nặng, thật nghiêm để làm gương.

Ngoài ra, mỗi người trong chúng ta cần phải trang bị cho mình một văn hóa ứng xử đúng chuẩn mực; phải tự nâng cao hơn nữa ý thức của bản thân, biết tôn trọng bản thân mình và mọi người xung quanh; kết hợp với nhà trường, xã hội nhắc nhở, giáo dục và định hướng con em mình biết tôn trọng nội quy và ứng xử văn minh nơi công cộng.

Để góp phần chung tay xây dựng xã hội của chúng ta ngày càng tốt đẹp, Ban biên tập Báo Diễn đàn Doanh nghiệp mở diễn đàn “NGƯỜI VIỆT TỬ TẾ” mong nhận được những ý kiến, bài viết của quý độc giả, học giả, chuyên gia về vấn đề trên.