Biện pháp khắc phục trong kinh doanh dịch vụ lưu trú du lịch

Dịch vụ lưu trú là sản phẩm không thể thiếu trong chuỗi dịch vụ du lịch. Đây là khâu đầu tiên tạo ấn tượng với du khách, có vai trò quan trọng góp phần nâng cao chất lượng và sức cạnh tranh của ngành du lịch. Tuy vậy, các cơ sở lưu trú du lịch trên địa bàn tỉnh hiện nay vẫn chưa đáp ứng các yêu cầu của du khách. Vì vậy, để nâng cao chất lượng dịch vụ này cần có những giải pháp căn cơ, hiệu quả.

Biện pháp khắc phục trong kinh doanh dịch vụ lưu trú du lịch

Khu nghỉ dưỡng Flamingo Đại Lải Resort có nhiều các hoạt động vui chơi, giải trí hấp dẫn du khách. Ảnh Thế Hùng

Trong những năm qua, tỉnh đã dành nhiều nguồn lực, tập trung đầu tư hạ tầng, vật chất kỹ thuật phục vụ du lịch. Đến nay, du lịch Vĩnh Phúc bước đầu khẳng định được thế mạnh về du lịch nghỉ dưỡng, hội thảo hội nghị, du lịch kết hợp với chơi golf và du lịch văn hóa tâm linh.

6 tháng đầu năm nay, tỉnh đã thu hút được hơn 4,2 triệu lượt khách đến tham quan, nghỉ dưỡng. Trong đó có hơn 36 nghìn lượt khách quốc tế. Doanh thu du lịch đạt gần 1,8 nghìn tỷ đồng.

Cùng với sự phát triển của ngành du lịch, số lượng và chất lượng các cơ sở lưu trú du lịch trên địa bàn tỉnh đã tăng đáng kể.

Nếu như năm 2017, toàn tỉnh mới chỉ có 338 cơ sở lưu trú du lịch với hơn 5 nghìn buồng, và chỉ có 4 khách sạn đạt tiêu chuẩn từ 3 sao trở lên; thì đến nay, trên địa bàn tỉnh có 522 cơ sở lưu trú du lịch với 8.933 buồng. Trong đó có 4 khách sạn 5 sao; 02 khách sạn 4 sao; 08 khách sạn 3 sao; 48 khách sạn 2 sao; 21 khách sạn 1 sao và 439 sơ sở lưu trú đạt tiêu chuẩn.

Mặc dù vậy vẫn cần thừa nhận một thực tế là hệ thống cơ sở lưu trú du lịch trên địa bàn tỉnh chủ yếu có quy mô nhỏ. Các khách sạn được xếp hạng sao chiếm tỷ lệ thấp, khoảng 15% trong tổng số cơ sở lưu trú du lịch; trong số đó vẫn chủ yếu là các khách sạn 1 và 2 sao.

Dịch vụ lưu trú du lịch trong tỉnh vẫn tồn tại một số vấn đề như: Một bộ phận các cơ sở chưa chú trọng đầu tư nâng cấp cơ sở vật chất, thiếu chuyên nghiệp trong thiết kế, bài trí. Các dịch vụ bổ sung như nhà hàng, quầy bar, bể bơi… trong các cơ sở lưu trú chưa phong phú, chưa đáp ứng được yêu cầu ngày càng cao của du khách.

Tổng số lao động trong các cơ sở kinh doanh lưu trú du lịch hiện nay đạt trên 3 nghìn cán bộ, công, nhân viên, song trình độ chưa đồng đều.

Trong khi lực lượng lao động ở các khách sạn 3 -5 sao thường được đào tạo bài bản, có trình độ ngoại ngữ tốt và cách phục vụ chuyên nghiệp, thì tại các cơ sở lưu trú quy mô nhỏ, đội ngũ quản lý và lao động tại đây hầu như sử dụng lao động là người của gia đình, lao động mùa vụ, phần lớn được hướng dẫn và đào tạo tại chỗ. Nhiều lao động khó tránh khỏi thiếu kỹ năng, kiến thức chuyên môn.

Bên cạnh nhận thức của một bộ phận chủ cơ sở lưu trú còn hạn chế, sự tác động của yếu tố thời vụ là một trong những nguyên nhân chủ yếu dẫn tới những tồn tại trong chất lượng dịch vụ lưu trú hiện nay.

Cũng như nhiều tỉnh phía Bắc, lượng khách đến Vĩnh Phúc tham quan, nghỉ dưỡng chủ yếu tập trung vào các tháng đầu năm, dịp lễ hội và mùa hè và chủ yếu vẫn là khách tham quan trong ngày.

Doanh thu thấp khiến nhiều đơn vị kinh doanh, nhất là các cơ sở lưu trú nhỏ gặp khó khăn trong việc tái đầu tư, nâng cấp buồng phòng, mở rộng dịch vụ, nhất là giữ chân lao động có kinh nghiệm, chuyên môn cao qua mùa thấp điểm.

Hơn thế, trong gần 3 năm vừa qua, dưới ảnh hưởng của dịch Covid -19, không ít thời điểm hoạt động du lịch bị đóng băng, nhiều đơn vị kinh doanh dịch vụ lưu trú gặp khó khăn. Điều này phần nào cũng gây trở ngại cho đầu tư, nâng cấp cơ sở vật chất, thậm chí nhiều đơn vị phải cắt giảm nhân công để duy trì hoạt động.

Anh Đỗ Hoàng Dương, Trưởng phòng Quản lý du lịch, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch chia sẻ: “Muốn nâng cao chất lượng cơ sở lưu trú, trước hết phải nâng cao chất lượng nguồn nhân lực và cơ sở vật chất kỹ thuật, sau đó mới tính đến các biện pháp khác để thúc đẩy, tạo điều kiện cho các cơ sở lưu trú phát triển như việc tuyên truyền, quảng bá, kiểm tra, đánh giá…”.

Tỉnh đang xây dựng dự thảo Nghị quyết Quy định một số chính sách hỗ trợ phát triển du lịch trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc giai đoạn 2022 -2026.

Trong đó dự kiến đưa vào một số nội dung nhằm thúc đẩy dịch vụ lưu trú du lịch phát triển như hỗ trợ đầu tư dự án xây dựng khách sạn đạt tiêu chuẩn từ 3 sao trở lên; hỗ trợ các tổ chức, cá nhân kinh doanh dịch vụ nhà ở có phòng cho khách du lịch thuê (homestay) mua sắm vật dụng, thiết bị, tạ tầng kỹ thuật; hỗ trợ các tổ chức cá nhân kinh doanh lĩnh vực du lịch một phần kinh phí đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ kỹ năng nghề cho lao động nghề du lịch.

Song song với hỗ trợ của tỉnh, các cơ sở lưu trú du lịch cũng cần phát huy tính chủ động trong đầu tư trang thiết bị, nâng cấp cơ sở vật chất, đào tạo bồi dưỡng kỹ năng nghề và nâng cao thái độ ứng xử văn minh cho nhân viên để nâng cao chất lượng dịch vụ.

Đồng thời, tìm hiểu nhu cầu thị hiếu của khách du lịch, có chiến lược kinh doanh phù hợp để thu hút khách du lịch, góp phần nâng cao doanh thu, góp phần phát triển du lịch bền vững.

Nguyễn Hường

(HNM) - Sở Du lịch Hà Nội cho biết, một trong những nhiệm vụ trọng tâm trong tháng 8-2021 là đơn vị sẽ xây dựng giải pháp khắc phục những khó khăn, rủi ro trong kinh doanh lưu trú, dịch vụ du lịch trong bối cảnh ảnh hưởng của dịch Covid-19.

Theo đó, Sở Du lịch tiếp tục triển khai ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý nhà nước; duy trì chế độ luân phiên tổ chức giao ban liên ngành với các khu cách ly tập trung và UBND các quận, huyện, thị xã có liên quan.

Bên cạnh đó, Sở Du lịch Hà Nội yêu cầu các đơn vị, doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân kinh doanh du lịch trên địa bàn thành phố thực hiện nghiêm túc các quy định về phòng, chống dịch Covid-19 trong tình hình mới; kiểm tra các đơn vị kinh doanh du lịch trong việc đăng ký và đăng nhập đánh giá an toàn Covid-19 theo yêu cầu của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch. Ngoài ra, Sở vẫn tiếp tục triển khai kế hoạch quảng bá du lịch Hà Nội…

Theo Sở Du lịch Hà Nội, dịch Covid-19 tác động lên hầu hết các mặt của đời sống, trong đó ngành du lịch dịch vụ chịu thiệt hại nặng nề. Lượng khách du lịch trong nước và quốc tế đến Hà Nội giảm mạnh, gây thiệt hại lớn cho các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ du lịch lữ hành. Theo thống kê, trong chín tháng đầu năm 2020, khách du lịch đến Hà Nội đạt 6,72 triệu lượt, giảm 68,7% so với cùng kỳ năm 2019; khách quốc tế đến Hà Nội đạt 1,03 triệu lượt, giảm 77,6% so với cùng kỳ năm 2019. Tổng thu từ khách du lịch đạt 23,4 nghìn tỷ đồng, giảm 68,3% so với cùng kỳ (giảm hơn 50 nghìn tỷ đồng). Từ đầu tháng 3 đến nay, khách nước ngoài đến Hà Nội chủ yếu là khách công vụ, ngoại giao, chuyên gia, lao động kỹ thuật nước ngoài làm việc tại các dự án ở Việt Nam. Cùng với đó, công suất sử dụng phòng tại các khách sạn, cơ sở lưu trú chín tháng đầu năm chỉ đạt 28%. Trong đó gần 1.000 cơ sở lưu trú dừng hoạt động, gần 16 nghìn lao động mất việc làm hoặc chuyển sang các công việc thời vụ khác.

Giám đốc Công ty du lịch lữ hành Thành Nam Lê Nam Thành cho biết, do lượng khách du lịch giảm mạnh, cho nên trong tháng 8 và tháng 9-2020 doanh nghiệp này không mở các tua du lịch mà đóng cửa tạm dừng kinh doanh. Vì vẫn phải chi phí nhiều khoản để duy trì sự tồn tại cho nên doanh nghiệp gặp rất nhiều khó khăn. Khoảng một nửa lao động của doanh nghiệp mất việc làm và nhận bảo hiểm thất nghiệp. Số còn lại tự tìm các công việc khác mang tính chất thời vụ với thu nhập thấp. Mặc dù doanh nghiệp và người lao động đã nhận được sự hỗ trợ tích cực từ các cơ quan chức năng, nhưng không đáng kể so với khó khăn, thiệt hại đang gặp phải.

Còn tại TP Hồ Chí Minh, chín tháng đầu năm, lượng khách du lịch cũng giảm mạnh. Hầu hết các tua đón khách quốc tế bị hủy hoặc đình hoãn khiến khoảng 80% đến 90% số doanh nghiệp kinh doanh du lịch ngừng hoạt động. Thống kê của Sở Du lịch cho thấy, tám tháng đầu năm, khách du lịch quốc tế đến TP Hồ Chí Minh chỉ đạt hơn 1,3 triệu lượt, giảm 76,4% so với cùng kỳ. Ða số các doanh nghiệp lữ hành phải cho nhân viên luân phiên chia ca làm việc trực tuyến ở nhà hoặc nghỉ không lương. Số lượng tua của doanh nghiệp lữ hành tổ chức hiện nay chỉ đạt được từ 3% đến 5% số chuyến so với dự kiến ban đầu. Tương tự, hoạt động cơ sở lưu trú cũng hết sức khó khăn, công suất phòng hiện tại giảm 91,5% so với cùng kỳ, số lượng lao động cũng giảm 61% so với cùng kỳ.

Theo Tổng cục Du lịch, tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp đã tác động tiêu cực đến hoạt động của ngành du lịch; một số nhiệm vụ quan trọng năm 2020 phải điều chỉnh, ảnh hưởng lớn đến tiến độ triển khai kế hoạch. Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Tổng cục Du lịch, lãnh đạo các đơn vị trực thuộc Bộ tập trung rà soát lại toàn bộ cơ chế, chính sách để chủ động đề xuất các giải pháp tiếp tục tháo gỡ khó khăn, báo cáo Chính phủ ban hành chính sách hỗ trợ doanh nghiệp. Giải quyết các vấn đề cấp bách như hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận vốn, người lao động tiếp cận nguồn hỗ trợ của Chính phủ, nhất là hỗ trợ về việc làm. Ngành du lịch phối hợp các bộ, ngành chức năng và các doanh nghiệp tăng cường hoạt động kích cầu du lịch thông qua chất lượng dịch vụ, thủ tục xuất nhập cảnh, giá tua.

Bên cạnh sự nỗ lực của Chính phủ, các bộ, ngành, từng địa phương có nhiều giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp kinh doanh du lịch lữ hành. Sở Du lịch TP Hồ Chí Minh kiến nghị các cơ quan chức năng tham mưu chính sách hỗ trợ doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ du lịch chậm nộp thuế thu nhập cá nhân, thuế giá trị gia tăng trong năm 2020 với khoảng thời gian từ 6 đến 12 tháng; giảm 50% thuế thu nhập doanh nghiệp và thuế giá trị gia tăng trong năm 2020. Còn tại Hà Nội, nhiều chương trình kích cầu, quảng bá nhằm thu hút khách đến với Thủ đô được đẩy mạnh thực hiện. Ngành du lịch Hà Nội phấn đấu năm 2020 đón lượng khách nội địa đạt từ 50% đến 60% so với năm 2019, tương đương tám triệu lượt khách, tạo đà cho năm 2021 phấn đấu đón lượng khách nội địa đạt từ 70% trở lên so với năm 2019.

THÁI QUÂN