Các cách lôi kéo người tham gia của các công ty đa cấp

Theo chuyên gia kinh tế PGS.TS Ngô Trí Long, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu thị trường giá cả (Bộ Tài chính), kinh doanh đa cấp là một hình thức kinh doanh chính thống được pháp luật thừa nhận. Nhưng kinh doanh đa cấp bất chính còn tồn tại, vươn vòi bạch tuộc ra khắp nơi, với vô vàn những chiêu lừa tinh quái.

“Các đối tượng lừa đảo thường “vẽ” viễn cảnh tươi sáng, làm việc trong môi trường năng động, học hỏi được nhiều kinh nghiệm, thu nhập hấp dẫn đến vài chục triệu đồng mỗi tháng… khiến không ít người đã bỏ tới đồng tiền cuối cùng của gia đình, hay đi vay nặng lãi để lao vào canh bạc đỏ đen mang tên đa cấp bất chính”, ông Long nói.

- Vậy làm cách nào để nhận diện “doanh nghiệp đa cấp bất chính”?

Hiện nay, bán hàng đa cấp là một hình thức kinh doanh khá phổ biến ở nhiều nơi, với rất nhiều người tham gia. Tuy nhiên, nhiều người chưa biết rõ phương thức kinh doanh nên xảy ra tình trạng bị lợi dụng, lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Hình thức hoạt động của họ là ký kết hợp đồng bán hàng đa cấp trực tiếp với cá nhân.

Các cách lôi kéo người tham gia của các công ty đa cấp

PGS.TS Ngô Trí Long, nguyên Viện trưởng Viện nghiên cứu thị trường giá cả (Bộ Tài chính).

Nhiều cá nhân tham gia bán hàng đa cấp là do tâm lý số đông, họ quen biết nhau, truyền miệng về phương thức trả hoa hồng siêu lợi nhuận của doanh nghiệp, sau đó họ lôi kéo nhau vào kinh doanh đa cấp, mua bán nhiều loại sản phẩm.

Do nhân viên kinh doanh đa cấp gồm nhiều đối tượng, nhiều thành phần. Họ tiếp xúc, giới thiệu và bán hàng trực tiếp cho người tiêu dùng ở mọi nơi, mọi thời điểm, cho nên ngành chức năng rất khó kiểm soát hoạt động kinh doanh cũng như chất lượng, giá cả sản phẩm.

Doanh nghiệp kinh doanh đa cấp bất chính thường có những dấu hiệu như sau:

Yêu cầu người tham gia phải đặt cọc, ký quỹ hoặc mua một số lượng sản phẩm nhất định hay phải trả tiền để được tham gia vào mạng lưới kinh doanh đa cấp.

Không cam kết mua lại hàng hóa trong thời gian luật định và không mua lại với số tiền tối thiểu là bằng 90% giá sản phẩm ở thời điểm bán.

Người tham gia mạng lưới không phải hưởng lợi ích từ việc bán sản phẩm mà là từ việc lôi kéo người khác tham gia vào mạng lưới. Lợi nhuận không phát sinh từ hoạt động bán hàng mà là từ tuyển dụng người tham gia.

Khuyến khích, hoặc đào tạo người tham gia tuyển người khác vào mạng lưới và hứa trả hoa hồng khi tuyển được người.

Cung cấp hàng hóa tuy nhiên hàng hóa đó chất lượng kém hoặc không có giá trị sử dụng để bán cho người tiêu dùng.

Người trong công ty bán hàng đa cấp hướng dẫn bạn cách vay tiền để mua sản phẩm hoặc vay tiền để đóng phí tham gia mạng lưới.

Bán hàng đa cấp đó buộc và hối thúc người tham gia mua hàng để bán dù biết hàng hóa đó khó tiêu thụ, không thể bán ra thị trường để thu hồi vốn.

- Doanh nghiệp đa cấp bất chính thường có vô vàn những chiêu lừa tinh quái, người dân cần làm gì để không bị lừa khi tham gia đa cấp, thưa ông?

Để tránh rơi vào bẫy của các hệ thống đa cấp bất chính, lừa đảo, người tham gia cần tìm hiểu về doanh nghiệp đa cấp trước khi tham gia trên các tiêu chí như giấy chứng nhận đăng ký hoạt động; doanh nghiệp đã từng có tranh chấp, khiếu nại, khiếu kiện hoặc bị cơ quan có thẩm quyền xử phạt chưa; tìm hiểu thông tin về lịch sử hình thành và hoạt động đa cấp của doanh nghiệp.

Người tham gia cũng cần lưu ý phương thức bán hàng. Mọi loại hình dịch vụ hoặc các hình thức kinh doanh khác như hợp tác đầu tư, huy động vốn... không được tiến hành kinh doanh theo phương thức đa cấp (trừ những trường hợp sẽ được pháp luật quy định rõ). Người tham gia cũng có quyền yêu cầu doanh nghiệp cung cấp tài liệu, chứng từ chứng minh nguồn gốc, chỉ tiêu chất lượng của hàng hóa.

Người tham gia đa cấp cần tìm hiểu kỹ chương trình trả thưởng, hoa hồng của doanh nghiệp. Hoa hồng lợi ích người tham gia chỉ có được khi bán hàng hóa, không phải từ việc lôi kéo dụ dỗ người khác tham gia vào mạng lưới đa cấp. Theo quy định, tổng trị giá hoa hồng, tiền thưởng và các lợi ích kinh tế khác trả cho người tham gia bán hàng đa cấp trong một năm quy đổi thành tiền không được vượt quá 40% doanh thu trong năm của doanh nghiệp bán hàng đa cấp.

Người tham gia bán hàng đa cấp có quyền chấm dứt hợp đồng với thông báo bằng văn bản cho doanh nghiệp trước thời hạn tối thiểu là 10 ngày làm việc. Trong thời hạn 30 ngày kể từ khi chấm dứt hợp đồng, doanh nghiệp bán hàng đa cấp có trách nhiệm thanh toán cho người tham gia tiền hoa hồng, tiền thưởng và các lợi ích kinh tế khác.

- Trường hợp chẳng may bị lợi dụng vì bán hàng đa cấp bất chính, người dân cần làm gì để bảo vệ quyền lợi chính đáng của mình?

Chính sự mơ hồ trong nhận thức về kinh doanh đa cấp, lòng tham, muốn giàu nhanh, thiếu hiểu biết về pháp luật của người dân (nạn nhân tiềm năng) đã tạo điều kiện thuận lợi để tội phạm khai thác, lợi dụng.

Hàng vạn người dân bị các nhóm lừa đảo dụ dỗ bỏ tiền mua các sản phẩm với giá cao để được quyền tham gia vào mạng lưới bán hàng đa cấp.

Khi bị lợi dụng vì bán hàng đa cấp bất chính, người dân cần liên hệ với doanh nghiệp để lấy lại tài sản hoặc các cơ quan chức năng để bảo vệ quyền lợi chính đáng của mình.

PGS.TS Ngô Trí Long

Khi bị lợi dụng vì bán hàng đa cấp bất chính, người dân cần liên hệ với doanh nghiệp để lấy lại tài sản hoặc các cơ quan chức năng để bảo vệ quyền lợi chính đáng của mình.

Trường hợp người tham gia bán hàng đa cấp đã liên hệ nhưng doanh nghiệp không giải quyết hoặc giải quyết không thỏa đáng, nếu có lý do để cho rằng doanh nghiệp có dấu hiệu lừa đảo hoặc vi phạm pháp luật hình sự, người tham gia bán hàng đa cấp cần trình báo ngay với cơ quan công an để được bảo vệ; hoặc có thể nộp đơn đến cơ quan tòa án có thẩm quyền để khởi kiện và yêu cầu bồi thường theo quy định của pháp luật trên cơ sở hợp đồng ký kết giữa các bên.

Trong quá trình bảo vệ quyền lợi của mình, người dân có thể liên hệ với Cục Quản lý cạnh tranh (Bộ Công Thương); Sở Công thương các địa phương hoặc Phòng Cảnh sát kinh tế - Công an địa phươngđể được tư vấn, hỗ trợ.

- Trên thực tế, rất nhiều người dân vẫn chưa hiểu rõ về bán hàng đa cấp. Ông có thể cho ví dụ đơn giản, ngắn gọn để khách hàng có thể phân biệt được bán hàng đa cấp với mô hình bán hàng truyền thống?

Bán hàng đa cấp là một hình thức bán hàng, trong đó công ty sẽ tạo ra sản phẩm độc quyền với thương hiệu riêng.

Còn người bán hàng đa cấp sẽ thực hiện công việc đưa sản phẩm tới thị trường hoặc tìm kiếm những người bán hàng có thể làm được công việc này. Với mỗi sản phẩm bán thành công nhà phân phối sẽ nhận được tiền hoa hồng trực tiếp, về lâu dài nếu xây dựng được các nhà phân phối tuyến dưới F1,F2,F3 thì mỗi sản phẩm F1,F2,F3… bán thành công nhà phân phối cũng nhận được mức hoa hồng tương ứng, trung bình khoảng 3-7% (giá trị sản phẩm).

Ví dụ, bạn muốn mua một hộp sữa, bạn có thể ra chợ, siêu thị hay tiệm tạp hóa để mua. Đây là các điểm phân phối của hình thức bán hàng truyền thống. Còn nếu một hộp sữa được bán bởi một người nào đó, mang đến tận nhà cho bạn, người này được hưởng hoa hồng. Thì trường hợp này chính là kiểu bán hàng đa cấp.

Hoa hồng hay thưởng là khoản được trích từ lợi nhuận của công ty để trả công cho các nhà phân phối. Vì họ đã giúp công ty bán được hàng.

Bán hàng đa cấp khác với bán hàng truyền thống ở chỗ không xây dựng hệ thống đại lý hay cửa hàng mà chỉ xây dựng hệ thống nhà phân phối cá nhân.

- Ông nhận định gì về cơ hội, tiềm năng và giải pháp phát triển kinh doanh đa cấp hiện nay tại Việt Nam?

Bán hàng đa cấp đã được thừa nhận rộng rãi trên thế giới từ rất lâu, là phương thức quản lý mới giúp các công ty đầu tư nhiều hơn cho việc nghiên cứu nâng cao chất lượng sản phẩm, phát triển mặt hàng mới và tạo ra sản phẩm độc đáo, chất lượng tốt, đem lại nhiều lợi ích cho người tiêu dùng.

Để hoạt động kinh doanh đa cấp thực sự lành mạnh thì công tác quản lý nhà nước lẫn ý thức cộng đồng về lĩnh vực này cần được nhận thức một cách đúng mức.

Cần nhìn nhận đúng, đánh giá đúng vai trò của các doanh nghiệp kinh doanh đa cấp lành mạnh, bên cạnh đó cần kịp thời lên án và xử lý nghiêm khắc với các doanh nghiệp kinh doanh đa cấp bất chính, lợi dụng hình thức bán hàng đa cấp để lừa gạt người tiêu dùng.

Bản thân doanh nghiệp bán hàng đa cấp phải tự tôn trọng mình bằng việc thực thi theo đúng khuôn khổ pháp luật và bảo đảm quyền lợi khách hàng.

Các doanh nghiệp cần có các chương trình đào tạo, huấn luyện về kiến thức pháp luật, đạo đức hành nghề, văn hóa doanh nghiệp và những chế tài xử phạt nghiêm minh khi vi phạm hoặc đôn đốc kiểm tra để tránh tình trạng một số nhà phân phối vì chạy theo lợi nhuận mà nói sai sự thật về công dụng sản phẩm, nói sai về chính sách hoa hồng…dẫn tới lừa dối người tiêu dùng và ngay cả các nhà phân phối tuyến dưới của mình gây nên những bất bình trong xã hội, làm ảnh hưởng tới hình ảnh bán hàng đa cấp.

- Xin cảm ơn ông!

Hòa Bình

Chào bạn! Cảm ơn bạn đã tin tưởng và gửi câu hỏi đề nghị tư vấn luật đến Bộ phận luật sư tư vấn pháp luật của Công ty Luật Minh Khuê. Nội dung câu hỏi của bạn đã được đội ngũ luật sư của Chúng tôi nghiên cứu và tư vấn cụ thể như sau:

1. Cơ sở pháp lý

Nghị định số 42/2014/NĐ-CP của Chính phủ : Về quản lý hoạt động bán hàng đa cấp

2. Nội dung giải đáp

Cháu là sinh viên, 22 tuổi. Cháu đang tìm hiểu về bán hàng đa cấp. Vậy nhờ luật sư tư vấn giúp bán hàng đa cấp là như thế nào và có nên tham gia bán hàng đa cấp không? Cháu cảm ơn.

Hoạt động bán hàng đa cấp bắt đầu xuất hiện tại Việt Nam từ những năm 1998 - 2000, bán hàng đa cấp là một hoạt động bán hàng được đánh giá là có nhiều điểm ưu việt , thông minh , tiến bộ , tuy nhiênsau một thời gian phát triển mạnh hoạt động đã có nhiều diễn biến phức tạp, đã xuất hiện dấu hiệu biến tướng thành hoạt động bán hàng đa cấp bất chính. Để có thể phân biệt được đâu là hoạt động bán hàng đa cấp (chân chính) và đâu là biến tướng của mô hình tháp ảo hay mô hình kim tự tháp (Pyramid Selling) mà Luật Cạnh tranh năm 2004 của Việt Nam gọi là hoạt động bán hàng đa cấp bất chính, bạn có thể tham khảo một số phân tích sau để có thể phân biẹt bán hngf đa cấp và bán hàng đa cấp bất chính :

Thứ nhất, doanh nghiệp bán hàng đa cấp có cung ứng cho thị trường hàng hóa “thực sự”?

Hàng hoá “thực sự” có thể hiểu là sản phẩm của doanh nghiệp phải có giá trị sử dụng, có thể sử dụng cho nhiều đối tượng hoặc cho những đối tượng cụ thể (thực phẩm ăn kiêng) và doanh nghiệp ứng dụng kinh doanh đa cấp là để tiêu thụ sản phẩm chứ không phải sản phẩm được sử dụng để làm cho phương thức kinh doanh đa cấp vận hành, để tuyển người vào mạng lưới bán hàng của doanh nghiệp đó.

Thứ hai, có hay không việc bán hàng thực sự?

Hãy phân tích mô hình hoạt động của doanh nghiệp kinh doanh đa cấp (chủ yếu là phân tích cách thức trả thưởng) ở trạng thái động và trạng thái tĩnh. Phân tích cách thức trả thưởng ở trạng thái tĩnh để xác định doanh nghiệp quy định trả hoa hồng cho người tham gia mạng lưới bán hàng đa cấp chủ yếu nhờ việc bán hàng hay chỉ nhờ việc giới thiệu người mới tham gia vào mạng lưới. Phân tích cách thức trả thưởng trong trạng thái động để tìm hiểu xem người tham gia mạng lưới bán hàng đa cấp sử dụng thời gian vào việc gì? tuyển người hay bán hàng?. Nếu người tham gia mạng lưới bán hàng đa cấp dành thời gian chủ yếu vào việc tuyển người thì đó là một dấu hiệu của mô hình kim tự tháp.

Bởi vì, hoạt động chính của những người tham gia mạng lưới bán hàng đa cấp làbán lẻ hàng hóa, tức là hàng hóaphải là mối quan tâm hàng đầu của những người đã tham gia và thu nhập chính của họ là mức hoa hồng (khoản chênh lệch giữa giá bán cho người tiêu dùng cuối cùng so với giá họ phải trả cho doanh nghiệp của số lượng hàng mà cá nhân đó và mạng lưới do anh ta tuyển dụng được đã bán cho người tiêu dùng) chứ không phải là hoạt động tìm kiếm người, tuyển người là mối quan tâm hàng đầu của người tham gia, và doanh nghiệp chỉ khuyến khích hoặc đào tạo người tham gia kỹ năng tìm kiếm và tuyển người hay hứa trả thưởng nếu người tham gia giới thiệu hoặc tuyển chọn được người tham gia vào mạng lưới.

Thứ ba, hãy xem xét những quy định liên quan đến số lượng hàng phải tiêu thụ của một cá nhân hay của cả nhóm phân phối để được hưởng hoa hồng và/hoặc các lợi ích kinh tế khác.

Trên thực tế nhiều doanh nghiệp đã quy định chỉ trả tiền hoa hồng và/hoặc các lợi ích kinh tế cho người tham gia hoặc nhóm người tham gia dựa trên trên kết quả tiêu thụ sản phẩm nhưng lại buộc những người tham gia phải mua một lượng lớn hàng hoá với giá rất cao so với giá thành sản phẩm (hoặc giá của sản phẩm tương tự đang bán trên thị trường) và không được trả lại (hoặc cản trở việc trả lại) những hàng hoá đã mua. Trên thế giới gọi đó là hiện tượng “Inventory Loading”, tức là người tham gia mạng lưới bán hàng đa cấp phải mua lượng sản phẩm vượt quá khả năng tiêu thụ của anh ta và mạng lưới của anh ta. Việc mua hàng này sẽ tạo ra lượng tiền hoa hồng đủ để doanh nghiệp chia cho người tham gia mạng lưới bán hàng đa cấp ở các tầng trên. Mục đích thực của quy định không nhằm tiêu thụ sản phẩm mà nhằm tuyển người mới để ép họ mua hàng với số lượng lớn, nhưng đa số họ sẽ không thể sử dụng hết hoặc bán lại được, như vậy, việc bán hàng hoá chỉ là vỏ bọc cho việc tuyển người. Đó là dấu hiệu của bán hàng đa cấp bất chính hay ”mô hình kim tự tháp ảo”.

Thực tế ở Việt Nam, trong nội quy mua bán hàng hoá hoặc trong hợp đồng tham gia bán hàng đa cấp một số công ty đã quy định “bằng cách ký vào đơn đặt hàng mới này, nhà phân phối cam kết đã bán được tối thiểu 70% số lượng hàng hóa của các đơn đặt hàng trước”, như vậy phần nào loại bỏ được hiện tượng trên.

Thứ tư, có hay không việc bán hàng cho “người tiêu dùng thực sự”?

Người tiêu dùng thực sự phải là người tiêu dùng không nằm trong mạng lưới tức là không phải là người tham gia mạng lưới bán hàng đa cấp của Công ty đó. Ở Việt Nam đã có Công ty quy định“Quý khách yêu cầu người bán phải ký HĐ NPP để được hưởng các quyền lợi sau này”. Và tại điều khoản khác quy định“NPP được hưởng các quyền lợi: Nhận HH, bảo hành, bảo hiểm, thi đua, khen thưởng”. Trên thế giới, nhiều doanh nghiệp bán hàng đa cấp chân chính khi xây dựng kế hoạch kinh doanh đều quy định và đảm bảo thực thi chính sách ít nhất 70 % khối lượng hàng hóa mà nhà phân phối mua từ doanh nghiệp phải được bán cho những người không tham gia mạng lưới. Thâm trí có doanh nghiệp còn quy định lượng hàng được tiêu dùng cá nhân trong mạng lưới không được tính vào mức tiêu thụ hàng hóa của mạng lưới đó, vì lượng hàng đó không được coi là đã bán cho người tiêu dùng thực sự.

Thứ năm, doanh nghiệp có hay không thực hiện chế độ mua lại sản phẩm?

Luật cạnh tranh và các văn bản hướng dẫn thi hành đã có nội dung quy định về chế độ mua lại, theo đó, chế độ mua lại sản phẩm phải được ghi nhận trong hợp đồng giữa người tham gia mạng lưới bán hàng đa cấp và doanh nghiệp với mục đính hạn chế doanh nghiệp ép buộc người tham gia mạng lưới bán hàng đa cấp mua lượng hàng lớn hơn so với khả năng tiêu dùng và bán lẻ của họ. Chính sách mua lại sản phẩm đòi hỏi doanh nghiêp phải mua lại hàng hóa có thể bán được từ nhà phân phối của họ với mức giá không thấp hơn 90% mức giá nhà phân phối đã mua của doanh nghiệp. Khi đó, các khoản hoa hồng hoặc lợi ích kinh tế doanh nghiệp đã trả cho người tham gia mạng lưới bán hàng đa cấp từ việc bán sản phẩm được hoàn lại hoặc khấu trừ vào thu nhập của họ.

Thưa luật sư , tôi có quen một chị gái , chị ấy có cô em họ học cùng trường với tôi, tôi thấy nói chuyện khá hợp, tôi cũng thường xuyên chat với chị, tuần vừa rồi chị bảo chủ nhật đi chơi , mà tôi là sinh viên năm nhất, tuần nào cũng về quê, thì nghe chị rủ tôi đồng ý, tôi cứ ngỡ chị dẫn tôi đi chơi công viên hay nơi nào đó, nhưng khôngngờ chị kéo tôi vào công ty đa cấp. Trước những lợi nhuận tôi bị hoa mắt, mọi người trong đấy cũng nói vào đây là một đại cơ hội, do cả tin quá tôi đã gửi cho họ trước 7 triệu500 nghìn, và sau khi biết đây là công ty đa cấp bất chính, luật sư có thể tư vấn hộ tôi cách giải quyết cũng như cách lấy lại được 7triệu 500 nghìn không ạ, tôi xin chân thành cảm ơn!

Theo quy định tại Điều 5Nghị định 42/2014/NĐ-CP về quản lý hoạt động bán hàng đa cấp

"1. Cấm doanh nghiệp bán hàng đa cấp thực hiện những hành vi sau đây:

a) Yêu cầu người muốn tham gia bán hàng đa cấp phải đặt cọc hoặc đóng một khoản tiền nhất định dưới bất kỳ hình thức nào để được quyền tham gia mạng lưới bán hàng đa cấp;

b) Yêu cầu người muốn tham gia bán hàng đa cấp phải mua một số lượng hàng hóa dưới bất kỳ hình thức nào để được quyền tham gia mạng lưới bán hàng đa cấp;

c) Yêu cầu người tham gia bán hàng đa cấp phải trả thêm một khoản tiền dưới bất kỳ hình thức nào để được quyền duy trì, phát triển hoặc mở rộng mạng lưới bán hàng đa cấp của mình;

d) Hạn chế một cách bất hợp lý quyền phát triển mạng lưới của người tham gia bán hàng đa cấp dưới bất kỳ hình thức nào;

đ) Cho người tham gia bán hàng đa cấp nhận tiền hoa hồng, tiền thưởng, lợi ích kinh tế khác từ việc dụ dỗ người khác tham gia bán hàng đa cấp;

e) Từ chối chi trả không có lý do chính đáng các khoản hoa hồng, tiền thưởng hay các lợi ích kinh tế khác mà người tham gia bán hàng đa cấp có quyền hưởng;..."

Theo thông tin bạn cung cấp, bạn bị 1 công ty bán hàng đa cấp lừa mua hàng hóa với giá trị là hơn 7 triệu, căn cứ theo điểm b khoản 1 nêu trên, công ty đãcó dấu hiệu bán hàng đa cấp bất chính, là một trong những hành vi cạnh tranh không lành mạnh bị nhằm thu lợi bất chính từ việc tuyển người tham gia mạng lưới bán hàng bị cấm bởi Luật cạnh tranh. Để bảo vệ quyền lợi của mình, trước hếtbạn cầnliên hệ với Cục Quản lý cạnh tranh (Bộ Công Thương) và các sở công thương tại địa phương để được tư vấn, hỗ trợ theo quy định tại Điều 58 Luật cạnh tranh 2004:

"Điều58.Khiếu nại vụ việc cạnh tranh

1. Tổ chức, cá nhân cho rằng quyền và lợi ích hợp pháp của mình bị xâm hại do hành vi vi phạm quy định của Luật này (sau đây gọi chung là bên khiếu nại) có quyền khiếu nại đến cơ quan quản lý cạnh tranh.

2. Thời hiệu khiếu nại là hai năm, kể từ ngày hành vi có dấu hiệu vi phạm pháp luật về cạnh tranh được thực hiện."

TạiĐiều 36 Nghị định 71/2014/NĐ-CP quy định chi tiết Luật cạnh tranh về xử lý vi phạm pháp luật trong lĩnh vực cạnh tranh quy định về hành vi vi phạm quy định về bán hàng đa cấp:

"3. Phạt tiền doanh nghiệp bán hàng đa cấp từ 60.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây:

c) Yêu cầu người muốn tham gia bán hàng đa cấp phải mua một số lượng hànghóadưới bất kỳ hình thức nào để được quyền tham gia mạng lưới bán hàng đa cấp;

5. Ngoài việc bị phạt tiền theo quy định tại Khoản 1, Khoản 2, Khoản 3 và Khoản 4 Điều này, doanh nghiệp vi phạm còn có thể bị áp dụng một hoặc một số hình thức xử phạt bổ sung và biện pháp khắc phục hậu quả sau:

a) Thu hồi Giấy chứng nhận đăng ký hoạt động bán hàng đa cấp đối với hành vi quy định tại Điểm d, Điểm đ Khoản 1 Điều này và hành vi quy định tại Khoản 3 Điều này trừ trường hợp kinh doanh theo phương thức đa cấp mà không đăng ký hoạt động bán hàng đa cấp với cơ quan nhà nước có thẩm quyền;

b) Tịch thu tang vật, phương tiện được sử dụng để thực hiện hành vi vi phạm bao gồm cả tịch thu khoản lợi nhuận thu được từ việc thực hiện hành vi vi phạm;

c) Buộc cải chính công khai."

Bạn cũngcó thểtrình báo ngay với cơ quan công an để được bảo vệ; hoặc có thể nộp đơn đến cơ quan tòa án có thẩm quyền để khởi kiện và yêu cầu bồi thường theo quy định của pháp luật trên cơ sở hợp đồng ký kết giữa các bên.

Mọi vướng mắc bạn vui lòng trao đổi trực tiếp với bộ phận luật sư tư vấn pháp luật trực tuyến qua tổng đài 24/7 gọi số:1900.6162hoặc liên hệ văn phòngđể nhận được sự tư vấn, hỗ trợ từ Luật Minh Khuê.

Rất mong nhận được sự hợp tác!

Trân trọng./.

BỘ PHẬN TƯ VẤN PHÁP LUẬT DÂN SỰ.