Cách cho trẻ nằm võng đúng cách

Cách cai võng cho bé đơn giản hiệu quả dễ thực hiện.

Chắc hẳn có mẹ từng ở trong hoàn cảnh:

Đặt bé xuống võng đung đưa thì bé ngủ ngon lành và say tít mù. Nhưng chỉ cần bế nhẹ bé lên. Ngay lập tức con thức giấc, khóc thét và không chịu ngủ.

Trước đây, có thời gian bé nhà em cũng ở tình trạng nghiện võng. Cứ nằm võng mới ngủ, còn không nằm võng thì trằn trọc không chịu ngủ.

Bé quen ngủ võng sẽ làm phát sinh một số vấn đề về sức khỏe và sinh hoạt cá nhân. Ví dụ làm cong vẹo cột sống, ảnh hưởng phát triển trí não trẻ. Hoặc khi con đi du lịch cùng bố mẹ, thường phải đem theo nôi điện hoặc đi tìm chỗ thuê võng để cho bé ngủ.

Chính vì vậy, em xin chia sẻ cách cai võng cho bé mà em đã thực hiện thành công.

Mời các mẹ nghe toàn bộ nội dung bài viết được ghi âm lại qua giọng đọc Hiền Vũ.

Hãy click vào và nghe nhé các mẹ:

Nội dung bài viết

  • 1. Trẻ sơ sinh nằm võng có tốt không
    • 1.1 Tại sao trẻ nằm võng lại ngủ ngon
    • 1.2 Nằm võng nhiều có hại không
    • 1.3 Bé nằm võng đúng cách
  • 2. Hội chứng rung lắc ở trẻ
    • 2.1 Dấu hiệu trẻ bị hội chứng rung lắc
    • 2.2 Nguyên nhân hội chứng rung lắc
    • 2.3 Làm sao để xác định trẻ bị hội chứng rung lắc hay không
    • 2.4 Cách xử lý khi trẻ bị hội chứng rung lắc
    • 2.5 Một số tổn thương cho trẻ khi bị hội chứng rung lắc
    • 2.6 Phòng và ngăn ngừa hội chứng rung lắc ở trẻ sơ sinh
  • 3. Cách cai trẻ ngủ võng
    • 3.1 Cai võng thần tốc
    • 3.2 Phương pháp bế lên đặt xuống
  • 4. Kết luận

1. Trẻ sơ sinh nằm võng có tốt không

Theo kinh nghiệm truyền lại thì các mẹ được khuyên là nên cho con nằm võng. Bé sẽ ngủ ngon, sâu giấc. Ngoài ra còn giúp đầu bé tròn, đẹp, không sợ bị bẹp đầu.

Nhưng ngày nay, có nhiều nghiên cứu chỉ ra rằng. Nếu cho trẻ sơ sinh nằm võng nhiều sẽ ảnh hưởng đến sự phát triển của hệ xương và trí tuệ của trẻ.

Chính vì vậy, em thường hay đưa vấn đề nên hay không nên cho trẻ sơ sinh nằm võng ra cùng bàn luận với các bà, các chị.

Phần lớn thường nhận được câu trả lời là:

Ngày xưa mẹ nuôi mày cho nằm võng suốt nên đầu của mày bây giờ mới tròn thế kia đấy, có việc gì đâu

Đúng vậy, đã từ lâu trẻ sơ sinh ở nhiều nước Châu Á nói chung, Việt Nam nói riêng có giấc ngủ suốt nhiều năm trên võng. Nhưng chúng ta đã không biết về Hội chứng đột tử xảy ra ở trẻ sơ sinh ( viết tắt là SIDS ) khi ngủ võng. Ngoài ra còn một số vấn đề khác ảnh hưởng đến sự phát triển toàn diện của trẻ chẳng hạn như: hội chứng rung lắc, hội chứng nghiện võng,

Vì thế, ngày nay các chuyên gia không khuyến khích trẻ sơ sinh nằm võng truyền thống. Bởi vì có tác động không tốt đến trẻ.

Nhưng nếu trẻ chưa thể cai võng. Thì bài viết này sẽ có những hướng dẫn về an toàn khi trẻ ngủ võng kèm theo nhiều phương pháp cai võng hiệu quả cho trẻ.

Võng truyền thống là võng được làm bằng vải, sợi thừng được căng hai đầu mắc vào dầm trần, cột nhà hoặc khung kim loại.

Cách cho trẻ nằm võng đúng cách
Cách cho trẻ nằm võng đúng cách
Võng truyền thống không thực sự tốt cho hệ xương và trí não của trẻ sơ sinh

1.1 Tại sao trẻ nằm võng lại ngủ ngon

Khi trẻ sơ sinh ngủ võng, cơ thể bé sẽ được ôm khít khao giống như được quấn tã giúp trẻ có cảm giác an toàn. Kết hợp với cảm giác đu đưa như khi còn ở trong bụng mẹ nên trẻ ngủ rất say giấc.

1.2 Nằm võng nhiều có hại không

Tuy rằng trẻ sơ sinh nằm võng thường ngủ ngon, say giấc. Nhưng cũng có rất nhiều mặt hạn chế và tác động không tốt về cả thể chất lẫn tinh thần của bé.

Các mẹ có thể thấy, trẻ sẽ quen với chuyển động lắc lư của võng khi ngủ. Nếu để lâu dài thì đây gần như nhu cầu không thể thiếu của trẻ. Và trẻ càng lớn sẽ càng phụ thuộc vào võng, nên rất khó cai võng.

Đối với các bé dưới 1 tháng tuổi, cơ hàm và cổ bé thường yếu. Nếu cho bé nằm võng có thể gây khó thở.

Với bé từ 4-5 tháng tuổi, đã có khả năng lẫy. Nếu bé lăn trong võng, có thể khiến bé bị lật úp, bít đường thở hoặc ngã xuống đất rất nguy hiểm.

Chưa kể nếu nằm võng nhiều sẽ ảnh hưởng đến cấu trúc xương bé khi lớn. Do đặc thù độ cong của võng, ko có khả năng đỡ vai và lưng. Vì vậy, có thể làm bé bị gù, dáng đi không thẳng khi lớn.

Nếu đưa võng mạnh cho bé khi ngủ, có thể làm bé bị say. Đặc biệt có thể làm tổn thương nghiêm trọng đến trí não còn non nớt của trẻ sơ sinh.

Tuy nhiên, trong một số trường hợp. Vì chưa thể cai võng ngay lập tức cho bé, các mẹ có thể áp dụng một số cách dưới đây để giảm tối đa tác động tiêu cực lên bé khi nằm võng.

1.3 Bé nằm võng đúng cách

Điều đầu tiên, đặc biệt phải nhớ là luôn luôn đặt bé nằm ngửa. Không cho bé nằm nghiêng hoặc nằm sấp để giảm hội chứng đột tử SIDS .

Sử dụng một tấm đệm ngay bên dưới võng phòng trường hợp bé lăn rơi ra khỏi võng.

Vải làm võng nên là cotton hoặc vải lanh mềm, mát. Đảm bảo chắn chắn rằng trạng thái của bề vải không bị rách, mục.

Chọn loại võng có khung chắc chắn, dễ dàng tháo lắp để giặt khi cần thiết. Điều chỉnh chiều cao của võng càng sát mặt sàn càng tốt. Điều này giảm tối thiểu khả năng bé bị chấn thương khi rơi khỏi võng.

Nếu là võng treo vào dầm trần, cần thường xuyên kiểm tra các nút buộc. Đảm bảo chắc chắn không có bất kỳ sự cố nào xảy ra với bé.

Không đặt các loại gối mềm, gấu bông hoặc bất kỳ một loại đồ chơi nào có nhiều chi tiết, tua dua, ruy băng. Vì có nguy cơ gây nghẹt thở, siết cổ bé.

Nếu nhà có anh chị lớn, không cho trèo leo và nằm cùng với bé. Đặc biệt, cần quan sát đề phòng trường hợp đung đưa bé quá mạnh.

Luôn luôn đảm bảo con ở trong tầm quan sát của các mẹ.

Cuối cùng, để tránh con nằm bị cong vẹo và rất thoáng mát. Các mẹ nên sử dụng chiếu và tấm lót khi cho trẻ nằm võng. Bản thân em dùng loại này thấy ổn áp lắm ạ.

Hoặc một phương án nữa có thể thay thế là các mẹ cho bé nằm nôi điện.

Ưu điểm:

Nôi điện bề mặt bằng phẳng, làm bằng các loại vải thoáng mát, không ảnh hưởng hệ xương và đường thở của trẻ khi ngủ. Ngoài ra ưu điểm rất tuyệt vời nữa là nôi điện có nhiều chế độ điều chỉnh rung, đưa võng tự động, các mẹ sẽ rất nhàn nhã khi sử dụng. Các mẹ có thể tham khảo loại nôi điện này

Dưới đây là video Giữ trẻ sơ sinh an toàn trong khi ngủ:

2. Hội chứng rung lắc ở trẻ

Khi bé nằm võng nhiều, đung đưa mạnh cũng ảnh hưởng đến não trẻ, do hệ thống thần kinh chưa hoàn thiện. Nếu kéo dài sẽ dẫn đến hội chứng rung lắc ( gọi là hội chứng Shaken baby) ở trẻ. Là hội chứng não trẻ sơ sinh hoặc trẻ mới biết đi bị chấn thương nghiệm trọng do bị lắc mạnh.

Trẻ sơ sinh thường có bộ não mềm, các mạch máu mỏng manh và cơ cổ yếu. Nếu lắc trẻ liên tục có thể khiến não bị tổn thương vì tác động va chạm với hộp sọ. Điều này có thể làm chảy máu não và sưng não. Thêm nữa, do cơ cổ yếu có thể tổn thương cột sống và cổ em bé.

Trẻ dưới 2 tuổi bị tác động nặng nề nhất với hội chứng rung lắc. Đặc biệt, các trường hợp mắc hội chứng này thường xảy ra ở trẻ từ 6 đến 8 tuần tuổi. Nhưng hội chứng này vẫn có thể tác động tiêu cực cho tới khi trẻ 5 tuổi.

Các mẹ tránh bồng trẻ sơ sinh và đung đưa thô bạo. Hoặc tung bé lên trên không trung. Những việc này thường gây cho bé những tổn thương về xương và não bộ.

2.1 Dấu hiệu trẻ bị hội chứng rung lắc

Các triệu chứng khi trẻ bị hội chứng rung lắc có thể nhận biết:

  • Trẻ ngủ li bì, khó thức giấc.
  • Khó thở
  • Ăn kém
  • Bé nôn khan
  • Làn da bé đổi màu
  • Lên cơn co giật
  • Trẻ hôn mê
  • Tê liệt chân tay.
  • Run cơ thể

Các mẹ cần đưa trẻ đến bệnh viện gần nhất ngay lập tức nếu thấy những triệu trứng như trên.

2.2 Nguyên nhân hội chứng rung lắc

Hội chứng rung lắc xảy ra khi trẻ sơ sinh hoặc trẻ mới tập đi bị rung lắc mạnh. Trường hợp hay gặp nhất đó là khi trẻ không ngừng khóc. Do bực mình, tức giận nên đôi khi các mẹ thường cố gắng đung đưa, lắc bé thật mạnh ( bế trên tay hay sử dụng võng) mong sao bé ngừng khóc và có thể ngủ.

Hãy ngừng hành động này ngay lập tức. Thực sự rất nguy hiểm, vì nếu rung lắc với một lực quá mạnh có thể khiến não bé bị tổn thương vĩnh viễn.

Mặt khác, trẻ sơ sinh cổ rất yếu, nên não của trẻ có thể bị văng rất mạnh va đập vào hộp sọ khi bị rung lắc. Ngoài ảnh hưởng đến xương cổ còn khiến não bé bị bầm tím, sưng và chảy máu.

Cách cho trẻ nằm võng đúng cách
Cách cho trẻ nằm võng đúng cách
Trẻ nằm võng không đúng cách và đưa võng quá mạnh có thể là nguyên nhân của hội chứng rung lắc

2.3 Làm sao để xác định trẻ bị hội chứng rung lắc hay không

Ngoài những dấu hiệu có thể nhận biết bên ngoài như liệt kê bên trên. Để chuẩn đoán chính xác các mẹ cần đưa trể đến bệnh viện để các bác sĩ tìm kiếm các hội chứng cơ bản như:

  • Trẻ có bị sưng não, phù não không ?
  • Có dấu hiệu xuất huyết dưới màng cứng hay bị chảy máu não không ?
  • Xuất huyết võng mạc hay chảy máu võng mạc không ?

Tất cả các hội chứng sẽ được kết luận chính xác dựa trên kết quả xét nghiệm để đánh giá có các tổn thương não hay không, bao gồm các xét nghiệm:

  • Quét MRI ( tạo hình ảnh rõ nét của não)
  • Chụp CT cắt lớp, sẽ nhìn thấy hỉnh ảnh cắt ngang của não
  • Chụp X-quang xương cột sống, xương sườn, hộp sọ.
  • Kiểm tra mắt có chấn thương và chảy máu mắt không.
  • Xét nghiệm máu để loại trừ các nguyên nhân bệnh lý khác

2.4 Cách xử lý khi trẻ bị hội chứng rung lắc

Việc đầu tiên cần làm ngay là giữ cho bé có nhịp thở đều. Trước khi đưa đến trung tâm y tế cần làm một số việc như:

  • Hãy cố định đầu và cổ bé thẳng nếu nghi ngờ xương cổ bé bị chấn thương.
  • Tuyệt đối không cho trẻ bú, ăn trong trường hợp này
  • Hô hấp nhân tạo nếu trẻ ngừng thở
  • Gọi xe cứu thương, tránh đưa trẻ đến bệnh viện bằng xe thông thường.

2.5 Một số tổn thương cho trẻ khi bị hội chứng rung lắc

Có một số tổn thương trẻ sẽ gặp phải như:

  • Trẻ mất thị lực một phần hoặc toàn bộ
  • Giảm thính lực, nghe kém
  • Co giật không kiểm soát.
  • Gây tình trạng chậm phát triển, thiểu năng trí tuệ
  • Nặng nề là chứng bại não.

2.6 Phòng và ngăn ngừa hội chứng rung lắc ở trẻ sơ sinh

  • Không đung đưa bé mạnh khi bế hoặc khi bé nằm trên võng

Nếu bé đang nghiện võng, để ngăn ngừa hội chứng này. Cách tốt nhất các mẹ hãy làm là tìm cách cai võng cho bé

3. Cách cai trẻ ngủ võng

Tất cả là do các mẹ đã tạo ra thói quen cho các bé. Vì vậy, để cai võng cho bé thì bây giờ các mẹ cần phải rèn luyện cho trẻ một thói quen khác. Vì để càng lớn sẽ càng khó cai võng.

Có hai trường phái cai võng cho con

3.1 Cai võng thần tốc

Đó chính là bỏ mặc con tự ngủ ( còn gọi là cry-it-out). Cốt lõi của phương pháp này chính là để con khóc, mệt quá sẽ tự ngủ thiếp đi.

Bỏ mặc con khóc mệt quá tự ngủ, có vẻ hơi phũ phàng nhưng thực tế là vậy. Cách này cũng có rất nhiều mẹ áp dụng khi cai sữa cho con

Do đó, để thành công đòi hỏi các mẹ phải có tinh thần thép. Vì con sẽ khóc rất dữ dội. Nếu mẹ nào xót con thì khó lòng thực hiện.

Ưu điểm : Thời gian cai võng cho con rất nhanh, thường có kết quả chỉ sau 3 đến 4 ngày.

Nhược điểm: Con bị tách đột ngột ra khỏi chỗ ngủ quen thuộc nên khóc nhiều và lâu.

Để làm theo phương pháp này, cần một số điều kiện cần và đủ sau:

  • Bản thân bé phải khỏe mạnh, không mắc các bệnh về hô hấp như hen xuyễn, viêm phế quản, viêm phổi
  • Có sự đồng lòng nhất trí của ông xã. Ngoài ra các mẹ phải là người cứng rắn, tinh thần thép chịu đựng được tiếng khóc của con.
  • Ở độc lập, không sống chung cùng bố mẹ, ông bà. Vì ông bà rất thương cháu, nên các mẹ sẽ không thể thực hiện được nếu ở chung 3 thế hệ.

Thực lòng mà nói, em đã thử làm theo cách này. Mặc dù đã đến ngày thứ 2, con đã giảm khóc và chịu ngủ giường. Nhưng do thời gian này, em ở cùng ông bà nội. Vì vậy mà không thành công.

Kết quả là, em phải thay đổi chiến thuật, sử dụng phương pháp cai võng từng bước cho con.

Cách cho trẻ nằm võng đúng cách
Cách cho trẻ nằm võng đúng cách
Cai võng thần tốc cho bé luôn luôn đạt hiệu quả nếu quyết tâm cao

3.2 Phương pháp bế lên đặt xuống

Phương pháp này là giúp cho con quen dần với giường, ít khóc hơn. Nhưng cần có sự phối hợp của người thân ( ông xã hoặc ông, bà nội ngoại,) thức đêm hôm thay nhau bế bé những lúc bé khóc.

Ưu điểm: bé khóc ít hơn

Nhược điểm: thời gian cai võng kéo dài. Thường sau 7-10 ngày liên tục mới thành công.

Cách thực hiện:

Chọn ra một số vị trí khác nhau để tập cho bé ngủ ví dụ: nôi, cũi, ghế ngủ của bé, giường,

Theo quy luật vòng tròn

Khi bé buồn ngủ, các mẹ đặt bé xuống nôi cho bé ngủ. Nếu bé khóc thì bế bé lên dỗ dành sau đó đặt xuống cũi. Nếu bé lại khóc không ngủ thì tiếp tục bế bé lên dỗ dành cho bé ngủ lại và đặt bé xuống ghế ngủ. Trường hợp bé khóc thì các mẹ lại bế bé lên dỗ dành sau đó đặt xuống giường.

Kiên trì lặp đi lặp lại trong vòng 1 tuần, gần như bé bị ép buộc không có lựa chọn nào khác bé sẽ cai ngủ võng và chuyển sang ngủ giường.

4. Kết luận

Mục đích cuối cùng, các mẹ đều cố gắng tạo ra môi trường và điều kiện ngủ tốt nhất cho sức khỏe của con. Chính vì vậy, lựa chọn cách cai võng nào hiệu quả cho bé sẽ phụ thuộc vào điều kiện thực tế của từng gia đình. Chúc các mẹ thành công.

Hãy để lại comment dưới bài viết nếu các mẹ thấy thực sự hữu ích.

Cảm ơn các mẹ.

Xem thêm bài viết

  • 12 nguyên nhân trẻ sơ sinh quấy khóc không chịu ngủ