Cách làm phân hữu cơ từ bèo tây

Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Thừa Thiên-Huế thông qua Trung tâm Ứng dụng tiến bộ Khoa học và Công nghệ thực hiện thành công dự án: "Hỗ trợ nhân rộng mô hình xử lý vấn nạn bèo tây bằng chế phẩm sinh học Micromix-3 thành phân hữu cơ sinh học".

Dự án được triển khai trước thực trạng tại Thừa Thiên - Huế, bèo tây phát triển mạnh quá mức trên các ao hồ, sông suối, gây cản trở dòng chảy, ảnh hưởng sinh hoạt và cuộc sống của người dân trong khu vực. Tại các huyện, thị xã như Quảng Điền, Phong Điền, Hương Trà, Hương Thủy, Phú Vang, Phú Lộc..., bèo tây phát triển và sinh sản nhanh làm nghẽn ao hồ, kênh rạch, sông; gây ô nhiễm, ảnh hưởng đến hệ động thực vật tự nhiên của môi trường nước.

Các địa phương trong tỉnh phải tiêu tốn hàng trăm triệu đồng mỗi năm cho việc vớt bèo, khơi thông dòng chảy trước mùa mưa lũ, nhằm hạn chế việc sập cầu cống do bèo, rác vướng vào.

Bèo tây sau khi vớt lên đưa vào các đống ủ đảm bảo đạt khối lượng, quá trình xới đảo kết hợp bổ sung chế phẩm Micromic-3 theo quy trình kỹ thuật đã được hướng dẫn; thời gian thực hiện vào khoảng tháng 5-8 trong năm (theo dương lịch) là thuận lợi nhất.

Cách làm phân hữu cơ từ bèo tây

Trong thời gian từ 1-3 tháng, đống ủ đạt yêu cầu, độ hoại mục và phân hủy của đống ủ tốt. Từ kết quả của các mô hình phân tán và trình diễn trong vùng dự án, bước đầu đã có 250 hộ dân đã tiếp cận được quy trình kỹ thuật, cũng như lợi ích sử dụng chế phẩm Micromic-3 để biến bèo tây thành phân bón hữu cơ sinh học tại chỗ, sử dụng cho sản xuất nông nghiệp của gia đình.

Hiện tại trong vùng dự án, hầu hết người dân sử dụng phân hữu cơ sinh học trong quá trình trồng rau màu là chính, một số ít dùng trong trồng hoa như xã Thủy Vân và Thủy Thanh (thị xã Hương Thủy) và trồng cây cảnh, bón phân cho lúa ở xã Hương Vinh (thị xã Hương Trà); thị trấn Phú Đa và xã Vinh Thái (huyện Phú Vang).

Theo phản ảnh của người dân, sau khi hoa màu được bón bằng phân hữu cơ sinh học thì có tốc độ tăng trưởng tốt, ít sâu bệnh, sản phẩm có chất lượng và cho hiệu quả cao về sản lượng.

Riêng về trồng hoa, cây sinh trưởng tốt, cho ra hoa đẹp (màu hoa đẹp, tươi thắm, bộ lá tốt, sẫm màu và nhiều hoa hơn), không thấy tình trạng sâu hại cây.

Đáng chú ý, trong khi phân hữu cơ sinh học trên thị trường có giá thấp nhất là 1.500 đồng thì phân hữu cơ sinh học sử dụng chế phẩm Micromic-3 chế biến từ bèo tây chỉ có 860 đồng/kg; quy ra, mỗi tấn phân người nông dân tiết kiệm được 860.000 đồng.

Theo thống kê của các cấp hội nông dân trong vùng dự án, đã có 1.522m3 bèo tây được vớt lên từ các ao, hồ, sông ở địa phương; sau khi xử lý cho ra gần 254 tấn phân hữu cơ sinh học đảm bảo yêu cầu.

Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Thừa Thiên-Huế đề nghị chính quyền các địa phương quan tâm, hỗ trợ cho người dân thêm về chế phẩm sinh học Micromix-3 góp phần thúc đẩy việc nhân rộng mô hình này. Nhờ đó, hiệu quả sẽ được nhân đôi khi nông dân có thêm phân hữu cơ sinh học để cải tạo đất và môi trường nước cũng được cải thiện đáng kể.

Năm qua, Trung tâm Khuyến nông - Khuyến ngư tỉnh phối hợp với Trạm Khuyến nông huyện Vị Thủy thực hiện thành công dự án “Mô hình sử dụng bèo lục bình ủ phân hữu cơ và trồng các loại rau”. Thông qua các mô hình, không chỉ giúp nông dân địa phương thực hành nông nghiệp theo hướng sạch, an toàn cho môi trường mà còn tiết kiệm chi phí sản xuất. 

Cách làm phân hữu cơ từ bèo tây

Mô hình trồng khổ qua bằng phân hữu cơ bèo lục bình của hộ ông Danh Hùng.

Chủ nhiệm dự án Lê Châu Tứ, Trưởng Phòng Khuyến nông, Trung tâm Khuyến nông - Khuyến ngư tỉnh, cho biết: Hiện nay, canh tác theo hướng an toàn sinh học và tiết giảm chi phí là xu thế tất yếu. Vì vậy, chúng tôi thực hiện dự án một phần giúp nông dân làm quen với kiểu canh tác bằng phân hữu cơ. Mặt khác, thông qua mô hình, dự án còn giúp giải quyết vấn nạn lục bình, phế phẩm lục bình đang gây ô nhiễm môi trường, tắc nghẽn đường lưu thông trên các tuyến kênh rạch. Ngoài ra, dự án còn kết hợp các hộ tham gia chương trình Heifer để tận dụng phân bò”.

Dự án được thực hiện từ tháng 8 đến tháng 10-2015 với quy mô 18m3  phân ủ và 900m2 trồng rau màu tại ấp 8, xã Vị Thủy, huyên Vị Thủy. Bước đầu, mô hình ủ phân này đã giúp 2 hộ tham gia dự án thay đổi nhận thức về bón phân hữu cơ trong canh tác thay cho phân hóa học. Ông Danh Hùng, ở ấp 8, xã Vị Thủy, cho biết: “Bón phân hữu cơ từ lục bình rất hiệu quả trên cây trồng, nhưng để có phân bón phải mất nhiều thời gian ủ nên bước đầu cũng gây trở ngại cho nông dân. Riêng gia đình tôi, từ khi học được cách ủ phân từ lục bình, tôi đã áp dụng tại rẫy nhà mình thấy mang lại hiệu quả”. Vụ khổ qua vừa qua, ông Hùng đã tiết kiệm chi phí rất nhiều bằng cách bón phân hữu cơ mà năng suất vẫn đạt tương đương so với cách trồng thông thường là bón hoàn toàn bằng phân hóa học.

Còn bà Thị Kim Pha, ở ấp 8, xã Vị Thủy, thì tâm đắc với độ tơi xốp của phân hữu cơ, vì giúp việc canh tác rau của bà dễ dàng hơn. Bà Pha nhận định: “Hồi trước trồng rau bằng phân hóa học, lâu lâu phải xới đất cho tơi xốp, còn bây giờ thì không cần, vì phân được ủ từ lục bình nên rất xốp. Khi tôi thu hoạch cải xà lách, chỉ cần động tác nhổ rau là đất tự nhiên được xới xốc lên”. Đặc biệt hơn, vụ rau đó, bà Pha chỉ tốn chưa đến 100.000 đồng tiền mua phân hóa học để tưới thêm cho rau. Bởi vì rau đã được phân hữu cơ từ bèo lục bình cung cấp hơn 50% lượng dinh dưỡng mà trở nên tươi tốt.

Theo chủ nhiệm dự án, vật tư và cách thực hiện mô hình khá đơn giản, chỉ cần cọc tre, bạt ni lông, phân bò và bèo lục bình, chế phẩm Trichoderma. Người dân vớt lục bình lên, để ráo nước rồi băm nhỏ, sau đó trải bạt ni lông để không bị thấm, cho lục bình đã băm lên mặt ni lông khoảng 20-25cm rồi đến phân bò, sau đó tưới đều dung dịch chế phẩm Trichoderma lên cho ướt 2 lớp bèo và phân bò. Tưới xong dung dịch tiếp tục trải và tưới dung dịch thêm 1 lớp tương tự, cứ như vậy cho đến hết 6m3 phân bò và lục bình. Khi làm xong, đậy kín bạt lại khoảng 1 tuần để nấm Trichoderma và các vi sinh vật có ích phát triển, phân hủy hết lục bình thành bùn. Sau 2 tháng, đống ủ hết nóng, phân hoai mục hoàn toàn thì bà con có thể bón cho cây trồng. Phân hữu cơ từ lục bình có tác dụng phục hồi lại tài nguyên đất, làm giàu hệ sinh vật, hạn chế bệnh hại trên cây trồng, vì trong phân hữu cơ từ lục bình có chứa lượng lớn vi sinh vật có ích. Để có 1kg phân bón hữu cơ chỉ tốn chi phí gần 1.200 đồng, thấp hơn giá phân hữu cơ vi sinh ngoài thị trường hơn 2.300 đồng/kg, rẻ hơn phân bón hóa học rất nhiều lần.

Ông Lê Châu Tứ cho hay: Trong quá trình thực hiện dự án, ban chủ nhiệm đã tổ chức được 3 cuộc tập huấn kỹ thuật trồng cho 90 hộ dân trong vùng. Qua đó, bà con nông dân nắm được kỹ năng ủ phân, kỹ thuật lên liếp, chăm sóc rau để rau trồng đạt hiệu quả. Thời gian tới, chúng tôi đề nghị Trạm Khuyến nông huyện Vị Thủy tiếp tục nhân rộng mô hình trên quy mô toàn xã. Có thể đây chỉ là hiệu quả bước đầu của mô hình để tập dần cho nông dân thói quen sử dụng phân hữu cơ trong canh tác, tận thu nguồn nguyên liệu thiên nhiên dồi dào có sẵn tại địa phương là cây lục bình để làm nguyên liệu phân hữu cơ vi sinh. Từng bước giúp hạn chế sự mất cân bằng sinh thái do thói quen sử dụng phân hóa học và góp phần bảo vệ môi trường.

Bài, ảnh: TRÚC LINH