Cách tính nút số trên bàn bida lỗ

Trước khi chia sẻ bài viết này, NTT muốn nói rằng, NTT đã dành một khoảng thời gian tìm hiểu, trải nghiệm với các bộ nút số, các hệ thống hình trong môn 3C. Sau đó NTT tự đúc kết và hệ thống thêm các hệ thống hình khác để ứng dụng cho các nhóm hình trong môn Libre. Công việc tìm hiểu nút số, hệ thống hình học để áp dụng cho Libre không biết có phải là công việc cũ đã có người làm chưa, nhưng đối với NTT, nó đã cho bản thân nhiều trải nghiệm, đặc biệt góc nhìn mới với 1 người tiếp cận với 3C chỉ trên sách vở, chưa từng tiếp xúc với anh em trong giới 3C.

Cái hay của việc này, chính là việc NTT không đi vào lối mòn tư duy, có thể những cái suy nghĩ của mình bị sai, con đường mình đi bị "lạc", nhưng chắc chắn, NTT sẽ không bị tình trạng đẽo cày giữa đường, thỏa thích tìm hiểu và sáng tạo theo những cái mình thích, những cái mình cần.

Tại sao NTT cần tìm hiểu nút số và hệ thống hình học?

Chắc chắn rồi, NTT vẫn là 1 fan trung thành của bộ môn Libre, và NTT đang đi giải những bài toán mà 1 người chơi Libre phải đối mặt khi học từ thấp lên cao. Sẽ tới lúc anh em sẽ đặt câu hỏi, tại sao căn băng khó quá, có cách nào căn dễ hay không? Và nút số, các hệ thống hình sẽ giúp mọi người đơn giản hóa cách căn băng. Trước khi đi tiếp, chúng ta phải làm rõ 2 khái niệm, thế nào là bộ nút số, thế nào là hệ thống hình học?

* Bộ nút số (hay gọi là hệ thống nút số): là các hệ thống tính toán, thường bao gồm các dãy số nằm trên tia đi, tia chạm và tia về.


* Hệ thống hình học: nói nôm na là những công thức căn đơn giản, dựa trên các qui tắc đơn giản của môn toán hình học. Có một điều rất quan trọng, những hệ thống thuộc về hình học dễ học và dễ thuộc hơn so với các hệ thống nút số.



Nên học gì từ các bộ nút số, bộ hình?

NTT có nghe rất nhiều người chia sẻ về việc học 3C, có bạn khuyên rằng không nên học nút số từ sớm, có bạn lại khuyên nên học cách phát lực và tay sau trước, có bạn thì khuyên nên học bộ đứng, cách ngắm, cách chạm trái, chạm băng trước... Mỗi người có một cách tiếp cận khác nhau vì mục đích khác nhau và tư duy khác nhau, không thể nói cách nào đúng và cách nào sai.

Đối với NTT, lúc mới tiếp cận, NTT thử học cách sử dụng các bộ số, bộ hình. Sau một thời gian, NTT thấy rằng, việc mình học tư duy trong các bộ này mới là thứ quan trọng, nói cách khác, chúng ta nên học cách tư duy của những người "phát minh" ra những bộ số, bộ hình này. Lấy một ví dụ trong vô số tình huống mà NTT đã gặp thực tế trong lúc tìm hiểu: NTT đang đọc dạo một cuốn sách viết về bộ số, tự nhiên thấy một hình như thế này:

Với hình này chúng ta dễ nhận ra đánh 4 áp phê lên trên thì tia tới và tia về cùng 1 đường thẳng, và góc lệch là 0.7 nút. NTT chợt suy nghĩ ra, liệu chúng ta có thể áp dụng bộ số này cho nhóm hình xỉa (cắt mỏng) trong Libre được hay không? Câu trả lời là được, rồi sau đó NTT mở rộng nó ra, để áp dụng cho những trường hợp 1, 2, 3 áp phê, rồi 5, 6 áp phê, rồi khi a băng và chạm trái khác nhau thế nào...


Đó chính là cái mà NTT muốn truyền tải tới các bạn với một góc nhìn khác về nút số, bộ hình. Tại sao chúng ta không học tư duy của những người sáng tạo ra những bộ số và bộ hình này, để có thể sáng tạo ra những bộ số và bộ hình mới, phục vụ nhu cầu mà chúng ta đang mong muốn?

Tìm hiểu bộ số và bộ hình là tìm hiểu về qui luật, ý tưởng của chúng?

NTT muốn nói rằng, bạn đừng cố gắng nhớ từng con số, học vẹt chúng, mà hãy mở rộng những vấn đề cốt lõi và nền tảng khác. NTT sẽ đưa một vài ví dụ để bạn có thể hiểu rõ hơn.



Ở hình trên là 1 bộ hình, đánh 1/2 trái đỏ, bi trắng sẽ về điểm chạm 0. Tuy nhiên bộ số sẽ không còn đúng nếu điểm chạm băng đầu gần góc dậu. Lý do vì sao? Có 1 điểm mà NTT nhận ra, khi bi vào góc dậu, nó sẽ bị bẻ hướng đột ngột do khúc ngoặt gấp, quĩ đạo rất khó đoán, đa số các bộ số và bộ hình sẽ tránh khu vực góc dậu ra.


Ví dụ thứ 2 chính là trong hình a băng, góc ra sẽ bằng góc tới. Đây là điều ai cũng biết phải không nào? Tuy nhiên, nếu a băng với góc tới dựng hơn, điều gì sẽ xảy ra?


Theo bạn trong hình a băng này, bi chủ sẽ đi theo đường màu đỏ hay vàng? NTT thấy rằng, khi a băng dù không có áp phê, nếu góc hơi dựng thì bi chủ sẽ trượt trên băng dài hơn, dẫn tới bi chủ có ma sát và sinh ra một chút áp phê thuận. Và bạn đoán ra được đáp án rồi chứ, đó chính là những lý thuyết nền tảng khi chúng ta tìm hiểu vấn đề nào đó, những cái mà không ai dạy chúng ta cả. Nên nhớ, kiến thức nền tảng giúp chúng ta đi những bước đi vững chắc trên còn đường chông gai.

Các hướng dẫn trên mạng đúng nhưng chưa đủ



Hãy lấy 1 ví dụ như hình ở trên, 1 công thức a băng mà nhiều tài liệu có hướng dẫn.
+ B1. Lấy trung điểm giữa bi chủ và 2 bi mục tiêu
+ B2. Nối trung điểm và góc dậu
+ B3. A băng 0 áp phê theo đường thẳng song song với đường thẳng màu xanh lam ở B2, sẽ được quĩ đạo tia ra song song với tia ban đầu màu vàng như trên hình.

Và theo bạn đây là bộ hình đúng hay sai?

Câu trả lời của NTT là, tùy thuộc vào góc vô để điều chính lực và áp phê cho phù hợp, sẽ ra được công thức đúng. Chỉ có điều, những tài liệu trên internet có khá sơ xài và không đề cập hết tất cả các trường hợp có thể xảy ra.

Lời kết

Trên đây là một vài chia sẻ của NTT về góc nhìn về việc tìm hiểu nút số và bộ số. Hi vọng nó sẽ góp phần giúp mọi người không những trong bida mà trong những khía cạnh khác trong cuộc sống, công việc. Chúc các bạn thành công.

Video liên quan

Chủ đề