Chính sách phổ cập giáo dục tại địa phương

Chính sách phổ cập giáo dục tại địa phương

Quang cảnh Trường THCS thị trấn Phong Hải

Để thực hiện tốt chỉ thị số 10 của Bộ chính trị về "Phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi, củng cố kết quả phổ cập giáo dục tiểu học và THCS, tăng cường phân luồng học sinh sau THCS và xóa mù chữ cho người lớn" trên địa bàn huyện, thời gian qua, Ban chỉ đạo phổ cập huyện đã chỉ đạo cho các địa phương tiến hành điều tra bổ sung để xây dựng kế hoạch huy động trẻ trong độ tuổi trên địa bàn đi học. Triển khai cho các cơ quan, đơn vị, các xã, các đơn vị trường học xây dựng và thực hiện hoàn thành tốt kế hoạch của từng năm học, đảm bảo chất lượng học tập của học sinh. Chỉ đạo ngành giáo dục triển khai thực hiện các nội dung đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo đảm bảo đúng hướng, cụ thể, sáng tạo, phù hợp với thực tiễn huyện Bảo Thắng như: Nâng cao hiệu quả rèn kỹ năng sống cho học sinh các trường mầm non, tiểu học, THCS trên địa bàn huyện chú trọng việc xây dựng "Trường mầm non lấy trẻ làm trung tâm" và đẩy mạnh thực hiện các hoạt động đổi mới giáo dục Stem, nghiên cứu khoa học trong học sinh phổ thông, mô hình trường học gắn với thực tiễn; ứng dụng công nghệ thông tin, nâng cao chất lượng dạy, học ngoại ngữ; tăng cường hội nhập trong giáo dục và đào tạo. Do làm tốt công tác tuyên truyền, định hướng cho nên nhận thức của cán bộ, đảng viên, giáo viên ngành giáo dục và đào tạo và nhân dân về công tác giáo dục nói chung và công cuộc đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo đã được nâng lên rõ rệt. Chất lượng giáo dục toàn diện đã được nâng lên đáng kể.

Chủ tịch UBND huyện Ngô Minh Quế cho biết: Để đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của công tác Phổ cập giáo dục- Xóa mù chữ, Ban chỉ đạo Phổ cập giáo dục- Xóa mù chữ huyện đã xây dựng các kế hoạch chỉ đạo thực hiện nhằm đạt mục tiêu phổ cập, xóa mù chữ trong từng giai đoạn và cho từng năm; ban hành kịp thời các văn bản hướng dẫn về chuyên môn thực hiện công tác Phổ cập giáo dục- Xóa mù chữ; tổ chức các lớp tập huấn về các nội dung liên quan, đặc biệt là tập huấn hướng dẫn về kỹ thuật điều tra, thống kê số liệu trẻ trong độ tuổi ra lớp, người mù chữ tham gia học xóa mù Đặc biệt, đối với mỗi bậc học, Ban chỉ đạo Phổ cập giáo dục- Xoá mù chữ huyện đều có xây dựng kế hoạch cụ thể trong quá trình triển khai công tác phổ cập giáo dục.Cùng với đó, ngành giáo dục huyện Bảo Thắng đặc biệt quan tâm đến các điều kiện như: Mạng lưới trường lớp tiếp tục được mở rộng, quy mô giáo dục tiếp tục tăng.

Toàn huyện hiện có 74 cơ sở giáo dục, trong đó có 73 trường học, 01 Trung tâm giáo dục nghề nghiệp và giáo dục thường xuyên. Đối với cấp mầm non có 19 trường; Cấp tiểu học 29 trường; Cấp THCS có 21 trường. Trong đó có 52/73 trường đạt trường chuẩn Quốc gia, trong đó có 45 trường đạt chuẩn mức độ 1; 07 trường đạt chuẩn mức độ 2.

Đối với mỗi bậc học, được ngành giáo dục và đào tạo huyện xây dựng kế hoạch cụ thể trong quá trình triển khai công tác phổ cập giáo dục.Ở bậc mầm non, ngành chú trọng công tác tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức, trách nhiệm của cán bộ quản lý, giáo viên, gia đình và cộng đồng về chủ trương, mục đích, ý nghĩa của công tác phổ cập giáo dục maamg non cho trẻ 5 tuổi. Ban chỉ đạo Phổ cập giáo dục huyện hướng dẫn Ban chỉ đạo Phổ cập giáo dục các xã, thị trấn rà soát cơ sở vật chất, đội ngũ giáo viên, trẻ em của đơn vị đối chiếu với các tiêu chuẩn, điều kiện quy định tạiNghị định số 20/2014/NĐ-CPcủa Chính phủ để đầu tư hoàn thành phổ cập. Từ đó Ban chỉ đạo các xã, thị trấn chú trọng các giải pháp huy động số lượng, nâng cao chất lượng chăm sóc, giáo dục trẻ; ưu tiên các nguồn lực đầu tư cơ sở vật chất đáp ứng yêu cầu về chất lượng của các lớp mẫu giáo 5 tuổi.Kết quả,14/14 xã, thị trấn duy trì đạt chuẩn phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi, tỉ lệ đạt 100%.Huy động trẻ từ 3 đến 5 tuổi vào học mẫu giáo đạt tỷ lệ gần 97% tăng gần 12% so với giai đoạn trước và tăng 1,85% so với mục tiêu của chương trình 117; Tỷ lệ trẻ 5 tuổi đi học luôn duy trì bền vững trên 99%.

Ở bậc tiểu học, giữ vững và nâng cao chất lượng phổ cập giáo dục tiểu học ở 14/14 xã, thị trấn đạt chuẩn phổ cập giáo dục tiểu học mức độ 3, vượt mục tiêu của Chương trình 117. Huy động trẻ 6 tuổi vào lớp 1 đạt trên 99%; tỷ lệ trẻ 11 tuổi hoàn thành chương trình tiểu học đạt trên 97%, đạt với mục tiêu của Chương trình 117.Duy trì bền vững và nâng cao chất lượng phổ cập giáo dục THCS ở 14/14 xã, thị trấn. Trong đó, mức độ 2 là 3/14 xã, thị trấn và đạt chuẩn mức độ 3 là 11/14 xã, thị trấn; Tỷ lệ học sinh THCS đi học chuyên cần được giữ vững đạt từ 98% trở lên; Tỷ lệ thanh niên trong độ tuổi 15-18 tuổi có bằng tốt nghiệp THCS đạt trên 95%; Tỷ lệ học sinh lưu ban 0,26%, bỏ học 0,51%.

Đối với tỷ lệ học sinh sau tốt nghiệp THCS tiếp tục đi học văn hóa, học lên bậc THPT được nâng lên rõ rệt. Huy động học sinh tốt nghiệp THCS học lên THPT đạt 74% tăng hơn 15% so với giai đoạn trước. Tỷ lệ học sinh đi học trung cấp chuyên nghiệp và học nghề đạt trên 11%, tăng 6,1% so với giai đoạn trước. Từ năm 2013 đến nay huyện Bảo Thắng đã mở 59 lớp với gần 2.000 học viên tham gia học nghề tại Trung tâm GDNN-GDTX huyện.Tỷ lệ người biết chữ trong độ tuổi từ 15 đến 60 tuổi đạt trên 97% tăng 4,4% so với giai đoạn trước.

Có thể thấy, với nhiều biện pháp được triển khai đồng bộ, những năm qua, công tác Phổ cập giáo dục- Xoá mù chữ ở huyện Bảo Thắng luôn đạt kết quả cao. Trình độ dân trí ngày càng được nâng cao một cách toàn diện; Giáo dục mầm non đã được mở rộng, hoàn thành mục tiêu phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi vào năm 2013; Duy trì vững chắc phổ cập giáo dục Tiểu học và THCS, với chất lượng ngày càng cao; Cơ bản đã xóa mù chữ và ngăn chặn tái mù chữ ở người lớn với tỷ lệ cao; Triển khai Kế hoạch thực hiện Đề án xây dựng xã hội học tập và Đề án Xóa mù chữ giai đoạn 2015-2020 hiệu quả; Thực hiện tốt công tác phân luồng học sinh sau tốt nghiệp THCS đi đôi với phát triển và nâng cao chất lượng giáo dục nghề nghiệp và giáo dục phổ thông gắn với dạy nghề, nhằm nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, đáp ứng yêu cầu phát triển của huyện, tỉnh và đất nước.

Chính sách phổ cập giáo dục tại địa phương

Cô và trò trong tiết học tiếng Trung

Để đạt được những kết quả đáng khích lệ trên, thời gian qua, huyện Bảo Thắng đặc biệt ưu tiên huy động các nguồn lực đáng kể cho ngành giáo dục, đặc biệt là huy động nguồn vốn ngoài ngân sách, cùng với các chính sách hỗ trợ của Trung ương, của tỉnh xuất phát từ nhu cầu phát triển giáo dục tại địa phương. Đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học, phòng học bộ môn, nhà công vụ, nhà bán trú cho học sinh; Trong 5 năm qua đã xây mới 116 phòng bán trú học sinh và 126 phòng công vụ giáo viên, mua sắm trang thiết bị dạy học cho các trường, đảm bảo các điều kiện cho năm học và các điều kiện để triển khai thực hiện. Đề án rà soát, quy hoạch mạng lưới trường lớp, hoàn thành vượt mức kế hoạch đề ra. Toàn huyện đã xóa xong 21 điểm trường lẻ, đưa 1.893 học sinh lớp 4, 5 về học ở trung tâm, tổ chức cho các em ăn ở án trú tại trường, nâng cao chất lượng giáo dục.

Thường xuyên rà soát, nắm bắt thực trạng cơ sở vật chất tại các trường học, trích ngân sách đầu tư sửa chữa 7 công trình trường học xuống cấp gây nguy hiểm; trình UBND tỉnh khởi công xây dựng 5 công trình với 40 phòng học, bàn giao 16 nhà ăn, bếp nấu cho các trường có học sinh bán trú đưa vào sử dụng. Tập trung đẩy mạnh công tác Xóa mù chữ, giáo dục tiếp tục sau biết chữ cho người lớn trong độ tuổi 15 đến 60. Tính đến hết năm 2020, đã nghiệm thu được 76 lớp xóa mù chữ, và giáo dục tiếp tục sau khi biết chữ với 1.618/1550 học viên; đạt 104% so với Đề án của tỉnh giao. Đến nay, tỷ lệ người biết chữ trong độ tuổi từ 15 - 60 đạt trên 97%; trong đó, có 99,8% người trong độ tuổi từ 15-25 biết chữ, có 99,23% người trong độ tuổi từ 15-35 biết chữ; tỷ lệ người mù chữ còn 2,55%.Mạng lưới giáo dục thường xuyên phát triển và đi vào hoạt động có nền nếp. Đến nay, trên địa bàn huyện có 01 trung tâm GDNN&GDTX; 14 Trung tâm học tập cộng đồng. Với sự phát triển của hệ thống Trung tâm học tập cộng đồng, việc mở rộng các loại hình đào tạo nhằm phục vụ nhu cầu học tập nâng cao trình độ của người dân được quan tâm hơn.

Chính sách phổ cập giáo dục tại địa phương

Lớp học xóa mù chữ nâng cao ở thôn Sín Chải, thị trấn Phong Hải

Đáng nói là trong 5 năm qua, ngân sách đầu tư cho phổ cập giáo dục, xóa mù chữ ngày được nâng lên, tính riêng năm học 2019-2020 đạt trên 5 tỷ đồng và hơn 23 nghìn công lao động, kết quả huy động các nguồn lực, công lao động trong 5 năm qua quy ra tiền được trên 40 tỷ đồng.Để tiếp tục nâng cao chất lượng phổ cập giáo dục và xóa mù chữ, ngành Giáo dục Bảo Thắng đã đặt ra một số nhiệm vụ trọng tâm thực hiện trong thời gian tới như: Tiếp tục đầu tư cơ sở vật chất trường, lớp học và thiết bị dạy học theo hướng kiên cố hóa, chuẩn hóa và hiện đại hóa; huy động lồng ghép các nguồn vốn đầu tư để hoàn thành mục tiêu xây dựng nhà ở cho học sinh bán trú, nhà công vụ cho giáo viên. Bên cạnh đó, ngành củng cố phát triển mạng lưới các cơ sở giáo dục đáp ứng yêu cầu học tập suốt đời của người dân; Tăng cường, đẩy mạnh công tác truyền thông, nâng cao nhận thức của cán bộ đảng viên, nhân dân về chủ trương Đổi mới căn bản toàn diện giáo dục - đào tạo trong giai đoạn mới. Tập trung nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện và hiệu quả giáo dục, phát huy kết quả công tác Phổ cập giáo dục Xóa mù chữ; thực hiện xóa đói giảm nghèo, cải tạo phong tục, tập quán lạc hậu, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân, thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội của huyện. Tiếp tục đẩy mạnh công tác vận động tài trợ giáo dục, đây là nhiệm vụ quan trọng, góp phần vào việc duy trì vững chắc kết quả phổ cập giáo dục đã đạt được trong những năm qua.

Thanh Nga