Cơ sở thu dung là gì

Bách khoa toàn thư mở Wikipedia

Tại Việt Nam, bệnh viện dã chiến thu dung là cơ sở tổ chức tiếp nhận và bố trí nơi ăn ở cho các bệnh nhân mắc COVID-19 để khám và điều trị.

Từ nguyên[sửa | sửa mã nguồn]

Theo Từ điển Bách khoa Quân sự Việt Nam (Trung tâm Từ điển Bách khoa quân sự Bộ Quốc phòng, NXB Quân Đội Nhân Dân, 1996): "Thu dung, toàn bộ các biện pháp đón nhận thương binh, bệnh binh, quân nhân lạc ngũ, rớt lại sau đội hình hành quân. (...) Các đội, trạm thu dung giúp đỡ những người được thu dung về y tế, vật chất, đưa trả họ về đơn vị hoặc đưa đến bệnh viện gần nhất" (trang 756).[1] Thu dung (收容) với nghĩa "thu nhận" và "dung nạp" xuất hiện trong từ điển Hán Việt tự điển giản yếu (1932) của Đào Duy Anh; còn nghĩa "tiếp nhận" và "cho ở" xuất hiện trong Từ điển tiếng Việt (1988) do Hoàng Phê chủ biên.[2]

Chiến lược "tháp ba tầng"[sửa | sửa mã nguồn]

Chiến lược "tháp 3 tầng" dựa trên phân loại độ nặng của bệnh mà người mắc COVID-19 sẽ được thu dung, điều trị bởi các bệnh viện thuộc các "tầng" tương ứng với tầng 1 chuyên thu dung điều trị COVID-19 nhẹ hoặc không có triệu chứng, tầng 2 là các bệnh viện được chuyển đổi công năng chuyên tiếp nhận điều trị COVID-19 có triệu chứng và tầng 3 là các bệnh viện chuyên hồi sức chuyên sâu đối với các trường hợp COVID-19 nặng và nguy kịch.[3]

Tầng thứ nhất có nhiệm vụ tiếp nhận những ca dương tính không có triệu chứng hoặc có triệu chứng nhẹ, tùy theo mức độ lâm sàng hướng dẫn của Bộ Y tế. Tất cả bệnh nhân ở đây đều có bệnh án, được theo dõi y tế như ở bệnh viện: Được xét nghiệm, chụp X-quang để theo dõi tình trạng phổi, cùng với các hỗ trợ về mặt sức khỏe để bệnh nhân nhanh hồi phục và giảm nguy cơ diễn biến nặng.[4] Tầng thứ hai là các bệnh viện dã chiến được chuyển đổi từ các trung tâm y tế huyện và các bệnh viện chuyên khoa trên địa bàn tỉnh, điều trị những ca có triệu chứng. Tầng thứ ba, là cơ sở điều trị bệnh nhân nặng.[4][5]

Chiến lược này đã được áp dụng tại Bắc Giang,[4] Thành phố Hồ Chí Minh.[5]

Vấn đề pháp lý[sửa | sửa mã nguồn]

Cho đến tháng 7 năm 2021, hình thức tổ chức "cơ sở thu dung, điều trị ban đầu COVID-19" chưa được quy định tại nghị định 109/2016/NĐ-CP của Chính phủ về cấp chứng chỉ hành nghề đối với người hành nghề và cấp giấy phép hoạt động đối với cơ sở khám bệnh, chữa bệnh và nghị định 155/2016/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung quy định liên quan đến điều kiện đầu tư kinh doanh thuộc phạm vi quản lý nhà nước của Bộ Y tế, vì vậy không có đủ cơ sở pháp lý để cấp giấy phép hoạt động cho cơ sở theo quy định của Luật khám bệnh, chữa bệnh.[6]

Tham khảo[sửa | sửa mã nguồn]

  1. ^ Duyên Trường (1 tháng 8 năm 2021). “Thu dung: thời chiến và thời chống dịch”. Tuổi Trẻ. Truy cập ngày 12 tháng 8 năm 2021.
  2. ^ Vương Trung Hiếu (25 tháng 7 năm 2021). “​Lắt léo chữ nghĩa: 'Thu dung' hiểu sao cho đúng”. Truy cập ngày 12 tháng 8 năm 2021.
  3. ^ “Chiến lược "tháp 3 tầng" điều trị COVID-19 tại TP.HCM 7”. Bộ Y Tế Việt Nam. 29 tháng 6 năm 2021. Truy cập ngày 10 tháng 8 năm 2021.
  4. ^ a b c Ngọc Anh (6 tháng 7 năm 2021). “Mô hình "tháp 3 tầng" - giải pháp hiệu quả điều trị bệnh nhân Covid-19 tại Bắc Giang”. Quân đội Nhân dân. Truy cập ngày 10 tháng 8 năm 2021.
  5. ^ a b “TP HCM tổ chức điều trị Covid-19 theo mô hình "tháp 3 tầng"”. Người Lao động. 26 tháng 6 năm 2021. Truy cập ngày 10 tháng 8 năm 2021.
  6. ^ Phạm Tuấn (16 tháng 7 năm 2021). “Trình Thủ tướng lập các cơ sở thu dung, điều trị ban đầu trước yêu cầu cấp bách phòng chống dịch”. Tuổi Trẻ. Truy cập ngày 12 tháng 8 năm 2021.

Cơ sở thu dung là gì
Doanh trại quân đội được chuyển thành cơ sở thu dung, điều trị bệnh nhân Covid-19

(Thanhuytphcm.vn) - Ngày 16/7, Bộ Y tế có tờ trình gửi Thủ tướng Chính phủ về việc thành lập các “Cơ sở thu dung, điều trị ban đầu Covid-19”.

Theo tờ trình, trước tình hình diễn biến phức tạp hiện nay của dịch Covid-19, số ca bệnh tăng nhanh trong thời gian ngắn, đặc biệt là tại TPHCM và một số tỉnh phía Nam, để tổ chức phòng, chống dịch và theo dõi, điều trị cho người bệnh Covid-19, tại nhiều tỉnh, thành phố đã thành lập các Cơ sở thu dung, điều trị ban đầu Covid-19. Các cơ sở này tiếp nhận, theo dõi và điều trị bệnh nhân Covid-19 ở mức độ nhẹ hoặc không có triệu chứng, để giảm tải cho khu vực bệnh viện tập trung điều trị các bệnh nhân mắc Covid-19 mức độ vừa và nặng. Mô hình này cũng đã thí điểm được áp dụng thành công tại tỉnh Bắc Giang và hiện nay tại TPHCM.

Trong thời gian qua, việc thành lập các Cơ sở thu dung, điều trị ban đầu Covid-19 đã góp phần quan trọng trong việc tiếp nhận, theo dõi và điều trị ban đầu cho người bệnh Covid-19, hạn chế không để dịch bệnh lây lan trong cộng đồng.

Theo quy định của Luật Khám bệnh, chữa bệnh thì mô hình “Cơ sở thu dung, điều trị ban đầu Covid-19” là một cơ sở khám bệnh, chữa bệnh để thu dung và điều trị ca bệnh truyền nhiễm nhóm A (Covid-19); cũng theo quy định của Luật Khám bệnh, chữa bệnh tất cả các loại hình cơ sở khám bệnh, chữa bệnh đều phải được cấp giấy phép hoạt động khám bệnh, chữa bệnh. Tuy nhiên, Cơ sở này chỉ được bố trí với cơ cấu tổ chức gọn nhẹ, số lượng nhân lực, thiết bị y tế tối thiểu để tiếp nhận, theo dõi và điều trị người bệnh Covid-19 mức độ nhẹ hoặc chưa có triệu chứng và không phải là một Bệnh viện hoàn chỉnh. Hình thức tổ chức “Cơ sở thu dung, điều trị ban đầu Covid-19” chưa được quy định tại Nghị định 109/2016/NĐ-CP của Chính phủ về cấp chứng chỉ hành nghề đối với người hành nghề và cấp giấy phép hoạt động đối cơ sở khám bệnh, chữa bệnh và Nghị định 155/2016/NĐ-CP sửa đổi, bổ quy định liên quan đến điều kiện đầu tư kinh doanh thuộc phạm vi quản lý nhà nước của Bộ Y tế, vì vậy không có đủ cơ sở pháp lý để cấp giấy phép hoạt động cho Cơ sở theo quy định của Luật Khám bệnh, chữa bệnh.

Để kịp thời đáp ứng việc quản lý và điều trị ban đầu đối với người bệnh Covid-19, Bộ Y tế xin ý kiến Thủ tướng Chính phủ về việc thành lập “Cơ sở thu dung điều trị ban đầu Covid-19" theo hướng giao thẩm quyền cho Bộ trưởng Bộ Y tế ban hành quyết định thành lập “Cơ sở thu dung điều trị ban đầu Covid-19” đối với các cơ sở khám, chữa bệnh trực thuộc Bộ Y tế hoặc các Bộ, ngành khác (trừ Bộ Quốc phòng, Bộ Công an).

Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, Bộ Công an ban hành quyết định thành lập “Cơ sở thu dung điều trị ban đầu Covid-19” đối với các cơ sở khám, chữa bệnh trực thuộc Bộ Quốc phòng, Bộ Công an.

Chủ tịch UBND tỉnh ban hành quyết định thành lập “Cơ sở thu dung điều trị ban đầu Covid-19” trên địa bàn quản lý.

Quyết định thành lập “Cơ sở thu dung điều trị ban đầu Covid-19” của Bộ Y tế hoặc UBND tỉnh sẽ thay thế cho Giấy phép hoạt động của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh theo quy định của Luật Khám bệnh, chữa bệnh.

Các Cơ sở thu dung, điều trị ban đầu Covid-19 mức độ nhẹ được xếp hạng tương đương với bệnh viện hạng 4 hoặc hạng 3 (do Sở Y tế tham mưu dựa trên quy mô của Cơ sở thu dung điều trị ban đầu Covid-19), làm cơ sở để thanh toán bảo hiểm y tế.

Về đối tượng tiếp nhận để theo dõi và điều trị: Người nhiễm SARS-CoV-2 đã có xét nghiệm RT-PCR dương tính nhưng chưa có triệu chứng hoặc có triệu chứng ở mức độ nhẹ.

Căn cứ vào tình hình thực tế tại tỉnh, thành phố, Bộ Y tế hoặc UBND tỉnh, thành phố xem xét để lựa chọn một hoặc một số địa điểm như Doanh trại quân đội, công an; Khu ký túc xá của trường học; Khu nhà ở của nhà máy, xí nghiệp; Khu chung cư mới chưa đưa vào sử dụng; Khách sạn, nhà nghỉ, nhà khách, khu nghỉ dưỡng; Trường học; Nhà thi đấu thể thao, sân vận động… để thành lập Cơ sở quản lý và điều trị Covid-19 mức độ nhẹ.

Tờ trình của Bộ Y tế cũng đề xuất cơ cấu tổ chức của các “Cơ sở thu dung điều trị ban đầu Covid-19”, như có tổ chức khoa, phòng gọn nhẹ đáp ứng các yêu cầu cơ bản cho việc tiếp nhận, quản lý và theo dõi người bệnh, phát hiện sớm các trường hợp chuyển biến tăng nặng để kịp thời chuyển đến các Bệnh viện có đủ điều kiện để điều trị bệnh nhân Covid – 19 mức độ từ trung bình trở lên; các khu vực của Cơ sở được bố trí bảo đảm việc kiểm soát nhiễm khuẩn và phòng, chống lây chéo và thuận tiện cho người bệnh, nhân viên y tế trong quá trình tổ chức hoạt động.

Bộ Y tế có trách nhiệm hướng dẫn việc thành lập “Cơ sở thu dung điều trị ban đầu Covid-19” và tiếp tục hoàn chỉnh Hướng dẫn theo từng giai đoạn diễn biến dịch Covid-19. Phối hợp với Bộ Tài chính hướng dẫn các chế độ đối với cán bộ y tế người lao động tại Cơ sở được hưởng chế độ như nhân viên của các cơ sở điều trị Covid-19 khác trên địa bàn tỉnh.

Bộ Công an và Bộ Quốc phòng có trách nhiệm phối hợp chỉ đạo thành lập “Cơ sở thu dung điều trị ban đầu Covid-19” trong phạm vi quản lý khi có yêu cầu và phối hợp trong việc công tác quản lý tại các cơ sở này.

UBND tỉnh căn cứ vào tình hình bệnh dịch tại địa phương kịp thời chỉ đạo và cho phép thành lập “Cơ sở thu dung điều trị ban đầu Covid-19”; chỉ đạo Sở Y tế, Bộ Chỉ huy Quân sự, Bộ chỉ huy Biên phòng tỉnh (nếu có), các đơn vị thuộc Bộ Quốc phòng trên địa bàn, Công an tỉnh và các cơ quan, đơn vị liên quan tổ chức việc thực hiện cơ sở thu dung, điều trị ban đầu Covid-19; bảo đảm các nguồn lực để thực hiện việc cách ly, điều trị bệnh nhân; tạo điều kiện, hỗ trợ để người bệnh yên tâm, tuân thủ yêu cầu cách ly trong suốt thời gian theo dõi chăm sóc y tế. Các địa phương kiểm tra, giám sát chặt chẽ việc thực hiện cách ly và theo dõi chăm sóc y tế; bảo đảm thực hiện các chế độ đối với cán bộ y tế, người lao động tại Cơ sở thu dụng điều trị ban đầu Covid-19 theo quy định.