Công ty hợp danh bắt buộc bao nhiêu người năm 2024

(LSVN) – Với tư cách là loại hình doanh nghiệp có lịch sử hình thành và phát triển lâu đời trên thế giới, tại Việt Nam mô hình công ty hợp danh được các nhà lập pháp quy định trong các phiên bản Luật Doanh nghiệp năm 1999, 2005, 2014, 2020. Tuy nhiên, thực tiễn cho thấy, kể từ khi được quy định trong Luật Doanh nghiệp qua các thời kỳ thì mô hình này không được các nhà đầu tư lựa chọn để khởi sự kinh doanh. Điều này xuất phát khung pháp lý về công ty hợp danh vẫn tồn tại một số điểm hạn chế, bất cập chưa đáp ứng nhu cầu thực tiễn hoạt động đầu tư kinh doanh của nhà đầu tư và tạo sự tương thích với thông lệ quốc tế.

Công ty hợp danh bắt buộc bao nhiêu người năm 2024

Ảnh minh họa.

Ngày 17/6/2020, Quốc hội khóa XIV đã thông qua Luật Doanh nghiệp số 59/2020/QH14 (gọi tắt: “Luật Doanh nghiệp năm 2020”) thay thế Luật Doanh nghiệp số 68/2014/QH13 (gọi tắt: “Luật Doanh nghiệp năm 2014”), có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/01/2021. So với Luật Doanh nghiệp năm 2014 thì Luật Doanh nghiệp năm 2020 đã có nhiều sửa đổi, bổ sung quan trọng nhằm khắc phục các quy định bất cập trong Luật Doanh nghiệp năm 2014. Luật Doanh nghiệp năm 2020 được đánh giá sẽ góp phần thúc đẩy sự phát triển của doanh nghiệp và nâng cao chất lượng môi trường kinh doanh [20].

Với tư cách là loại hình doanh nghiệp có lịch sử hình thành và phát triển lâu đời trên thế giới, mô hình công ty hợp danh được các nhà lập pháp quy định trong các phiên bản Luật Doanh nghiệp năm 1999, 2005, 2014, 2020. Tuy nhiên, thực tiễn cho thấy, kể từ khi được quy định trong Luật Doanh nghiệp qua các thời kỳ thì mô hình này không được các nhà đầu tư lựa chọn để khởi sự kinh doanh. Theo số liệu của Cục quản lý đăng ký kinh doanh, Bộ Kế hoạch đầu tư (2017) thì số lượng các nhà đầu tư thực hiện đăng ký thành lập công ty hợp danh mới chiếm tỉ lệ rất thấp (0.03%) trên tổng các loại hình doanh nghiệp theo quy định của Luật Doanh nghiệp năm 2014 [5]. Điều này xuất phát khung pháp lý về công ty hợp danh vẫn tồn tại một số điểm hạn chế, bất cập chưa đáp ứng nhu cầu thực tiễn hoạt động đầu tư kinh doanh của nhà đầu tư và tạo sự tương thích với thông lệ quốc tế.

1. Sự thiếu cân nhắc về mô hình và chủ thuyết trong quá trình xây dựng quy định về công ty hợp danh trong Luật Doanh nghiệp

Là một hình thức công ty ra đời sớm nhất trong lịch sử loài người, công ty hợp danh bao giờ cũng được nhắc đến trước tiên trong các đạo luật về công ty. Ban đầu, công ty hợp danh chỉ là những liên kết giản đơn của các thương nhân quen biết nhau. Sự quen biết dựa trên yếu tố nhân thân tạo nên sự tin cậy về mặt tâm lý. Yếu tố nhân thân của thành viên hợp danh được coi trọng hàng đầu khi thành lập công ty, trong đó người ta thường chú tâm tới tổng tài sản dân sự hơn là số vốn góp vào công ty. Đối với bên thứ ba, việc định danh các thành viên là rất quan trọng khi thực hiện các giao dịch với công ty [9].

Ở châu Âu, luật về hợp danh hình thành từ tập quán của các thương nhân [22]. Pháp luật Cộng Hòa Pháp định nghĩa về công ty hợp danh (Société en nom collectif - SNC) như sau: “Công ty hợp danh là công ty mà trong đó các thành viên đều có tư cách thương gia chịu trách nhiệm vô hạn và liên đới về các khoản nợ của công ty” [18]. Ở Hoa Kỳ, khái niệm về công ty hợp danh (Partnership) được ghi nhận tại Luật Thống nhất về công ty hợp danh năm 1914 (sửa đổi năm 1992) “là sự liên kết gồm hai hay nhiều chủ sở hữu và với tư cách là những đồng sở hữu họ cùng nhau kinh doanh để thu lợi nhuận” [23].

Về bản chất pháp lý của công ty hợp danh là một hợp đồng thông qua đó hai hay nhiều người thỏa thuận với nhau sử dụng tài sản và khả năng của mình vào một hoạt động chung với mục đích chia lợi nhuận hoặc kiếm lời có thể thu được thông qua hoạt động đó. Ví dụ, Điều 1020 Bộ luật Dân sự và thương mại Thái Lan quy định: “Hợp đồng thành lập công ty hợp danh hoặc công ty là hợp đồng theo đó hai hoặc nhiều cá nhân thỏa thuận cùng nhau thực hiện công việc chung, trên nguyên tắc chia sẻ lợi nhuận có được từ công việc đó” [4].

Mô hình “công ty hợp danh” đặc trưng bởi hai hệ thống pháp luật Common Law (Anh- Mỹ) và Civil Law (Châu Âu lục địa) lớn và điển hình trên thế giới. Hai hệ thống này có những điểm đặc thù, tạo nên những “dòng họ” pháp luật, với những đặc trưng pháp lý riêng [19].

Thứ nhất, hệ thống pháp luật Common Law điển hình Anh, Mỹ, Úc, Singapore… Theo pháp luật Mỹ, hình thức hợp danh được chia thành hai loại: Hợp danh vô hạn và Hợp danh hữu hạn.

Hợp danh vô hạn là loại hình công ty này không có tư cách pháp nhân, luật pháp Mỹ coi nó là thực chất là một dạng hợp đồng hợp tác kinh doanh [9]. Các thành viên trong công ty hợp danh vô hạn chịu trách nhiệm vô hạn và liên đới với những khoản nợ của công ty, có nghĩa là họ phải chịu trách nhiệm bằng tài sản cá nhân của mình đối với những khoản lỗ từ hoạt động kinh doanh. Thậm chí, ngay cả khi họ đã ra khỏi công ty, nhưng vẫn bị ràng buộc trách nhiệm bởi những hợp đồng hoặc thương vụ được thiết lập trước thời điểm họ thôi là thành viên. Các thành viên trong công ty hợp danh vô hạn không thể chuyển nhượng vốn góp, vì họ hoạt động kinh doanh dưới một tên chung nên ảnh hưởng đến sự tồn tại của công ty. Nếu một thành viên hợp danh rút khỏi công ty, hoặc bị chết, mất tích theo tuyên bố của tòa án, thì công ty có thể bị giải thể [23].

Hợp danh hữu hạn (limited partnership) là hợp danh trong đó bao gồm hai hay nhiều người, với ít nhất một thành viên hợp danh và một thành viên chịu trách nhiệm hữu hạn. Công ty hợp danh hữu hạn không có tư cách pháp nhân và mọi hoạt động đều được giao dịch dưới tư cách thương gia của các thành viên hợp danh. Khác với hợp danh vô hạn, hợp danh hữu hạn là sự kết hợp hai chế độ trách nhiệm, chế độ trách nhiệm vô hạn của thành viên hợp danh và chế độ trách nhiệm hữu hạn của thành viên góp vốn [24].

Thứ hai, hệ thống pháp luật Civil Law (Châu Âu lục địa) điển hình Pháp, Đức,… hình thức hợp danh được chia làm hai: Công ty hợp danh và Công ty hợp vốn đơn giản hay công ty hợp danh hữu hạn.

Công ty hợp danh là tổ chức do hai hay nhiều chủ thể thiết lập trên cơ sở một thoả thuận hợp tác để cùng thực hiện một hay nhiều mục đích. Công ty hợp danh không có tư cách pháp nhân, nhưng vẫn có thể tham gia các giao dịch với danh nghĩa của mình, có thể là nguyên đơn hoặc bị đơn trong quan hệ tố tụng [2]. Công ty hợp danh chỉ có một loại thành viên là thành viên hợp danh. Toàn bộ tài sản của công ty hợp danh thuộc về các thành viên của công ty và các thành viên phải liên đới chịu trách nhiệm bằng toàn bộ tài sản của mình đối với các khoản nợ của công ty. Trách nhiệm vô hạn của thành viên công ty bắt đầu từ khi gia nhập công ty và kéo dài sau 5 năm từ khi việc chấm dứt tư cách thành viên công ty của thành viên đó được thông báo cho các chủ nợ [17].

Công ty hợp vốn đơn giản chỉ cần ít nhất có một thành viên chịu trách nhiệm vô hạn (thành viên nhận vốn hay giống như thành viên hợp danh trong công ty hợp danh), còn những thành viên khác chịu trách nhiệm hữu hạn (thành viên góp vốn) [25]. Công ty hợp vốn đơn giản luôn tồn tại hai loại hình thành viên. Các thành viên nhận vốn (ít nhất phải có một thành viên) là những người chịu trách nhiệm vô hạn và liên đới. Thành viên nhận vốn có tư cách thương nhân, là người đại diện và quản lý điều hành của công ty. Còn lại là các thành viên góp vốn (ít nhất phải có một thành viên) được hưởng chế độ chịu trách nhiệm hữu hạn về tài sản. Tuy nhiên, thành viên góp vốn không có tư cách thương nhân nên không thể đại diện cho công ty hợp vốn đơn giản trước các giao dịch với người thứ ba và không được tham gia quản lý điều hành công ty [11].

Có thể thấy, công ty hợp vốn đơn giản trong hệ thống pháp luật Civil Law và công ty hợp danh hữu hạn trong hệ thống pháp luật Comon Law có bản chất giống như công ty hợp danh mà trong đó có thành viên góp vốn theo Luật Doanh nghiệp năm 2020 của Việt Nam. Cụ thể, Điều 177, Luật Doanh nghiệp năm 2020 quy định:

“Công ty hợp danh là doanh nghiệp, trong đó:

- Phải có ít nhất 02 thành viên là chủ sở hữu chung của công ty, cùng nhau kinh doanh dưới một tên chung (sau đây gọi là thành viên hợp danh). Ngoài các thành viên hợp danh, công ty có thể có thêm thành viên góp vốn;

- Thành viên hợp danh phải là cá nhân, chịu trách nhiệm bằng toàn bộ tài sản của mình về các nghĩa vụ của công ty;

- Thành viên góp vốn là tổ chức, cá nhân và chỉ chịu trách nhiệm về các khoản nợ của công ty trong phạm vi số vốn đã cam kết góp vào công ty”.

Mô hình công ty theo kiểu “hai trong một” đã tồn tại từ Luật Doanh nghiệp năm 1999 cho đến Luật Doanh nghiệp năm 2020 điều này đã hạn chế quyền tự do kinh doanh của nhà đầu tư trong việc lựa chọn các loại hình doanh nghiệp phù hợp với năng lực về nguồn vốn, nhân công của mình để khởi sự kinh doanh, dẫn đến mô hình công ty hợp danh trong Luật Doanh nghiệp không trở nên mặn mà đối với giới kinh doanh.

Theo tác giả, việc xác định hình thức pháp lý của công ty hợp danh theo Luật Doanh nghiệp năm 2020 chưa rõ ràng và thể hiện sự tách bạch của các hình thức công ty hợp danh. Điều này là chưa phù hợp với đòi hỏi của thực tiễn bởi vì việc chưa xác định các hình thức pháp lý và sự tác bạch các hình thức pháp lý của công ty hợp danh gây ảnh hưởng đến các quan hệ kinh doanh thương mại của thương nhân trong bối cảnh hội nhập đòi hỏi có sự đồng bộ hệ thống pháp luật quốc gia với thông lệ quốc tế; đồng thời việc mở rộng các hình thức tổ chức kinh doanh góp phần tăng cường quyền tự do kinh doanh của thương nhân.

Về nguyên tắc, tùy thuộc vào số lượng người đầu tư, phương thức, cách thức huy động vốn đầu tư mà chủ đầu tư có thể chọn một loại hình tổ chức kinh doanh phù hợp để kinh doanh từ đơn giản đến phức tạp [8]. Đồng thời, việc từ vấn đề không tách bạch rõ ràng các hình thức pháp lý của công ty hợp danh, dẫn đến những khó khăn trong việc chuyển đổi hình thức công ty giữa chúng. Bởi vì, Khoản 1 Điều 177 của Luật Doanh nghiệp năm 2020 quy định công ty hợp danh bắt buộc phải có ít nhất hai thành viên hợp danh và có thể có thêm các thành viên góp vốn. Như vậy, nếu khi một thành viên hợp danh đột ngột qua đời thì theo quy định tại điểm c, khoản 1, Điều 207, Luật Doanh nghiệp năm 2020, trong thời hạn 06 tháng, nếu không có thêm một thành viên hợp danh nữa hoặc không làm thủ tục chuyển đổi loại hình doanh nghiệp nếu không bổ sung được đủ số lượng thành viên hợp danh theo quy định thì công ty hợp danh sẽ bắt buộc phải giải thể mặc dù có thể công ty đang tiếp tục hoạt động và phát triển. Điều này, thể hiện sự không linh hoạt và đi vào đời sống xã hội của luật, nhiều khi còn cản trở việc phát triển kinh tế, xã hội.

Theo tác giả, cần thiết phải xây dựng quy chế pháp lý riêng cho công ty hợp danh và cho công ty hợp vốn đơn giản. Nhưng trước hết cần phải nhận thức công ty hợp danh và công ty hợp vốn đơn giản là hai hình thức công ty khác biệt. Đồng thời, cần xây dựng đầy đủ các giải pháp đối với việc chuyển đổi hình thức công ty.

2. Thành viên công ty hợp danh

Theo quy định tại điểm b khoản 1 Điều 177 Luật Doanh nghiệp 2020 thì thành viên hợp danh phải là cá nhân, chịu trách nhiệm bằng toàn bộ tài sản của mình về các nghĩa vụ của công ty. Tuy nhiên, việc chỉ cho phép cá nhân là thành viên hợp danh là hạn chế quyền tự do kinh doanh và không phù hợp với thông lệ quốc tế. Nghiên cứu so sánh pháp luật các quốc gia cho phép thành viên hợp danh là pháp nhân. Theo luật về hợp danh trách nhiệm hữu hạn (Limited Liability Partnerships Act - Luật số 163A - Tuyển tập năm 1994) của Singapore thì thành viên hợp danh có trách nhiệm hữu hạn hành viên có thể là cá nhân từ 18 tuổi trở lên hoặc công ty (hoặc LLP), đều chịu trách nhiệm hữu hạn trong phạm vi phần vốn góp vào công ty [1]. Tại Hoa Kỳ, công ty hợp danh là một tổ chức kinh doanh được thành lập bởi ít nhất hai thành viên hợp danh, có thể là các cá nhân hoặc công ty. Mỗi thành viên hợp danh phải chịu trách nhiệm cá nhân, liên đới và vô hạn đối với tất cả các khoản nợ và nghĩa vụ của công ty [26]. Như vậy,“thành viên hợp danh có thể là một công ty” [27]. Luật Công ty 2006 Nhật Bản cũng cho phép cả pháp nhân trở thành thành viên hợp danh trong Gomei Kaisha, là công ty hợp danh được thành lập theo pháp luật về thương mại Nhật Bản [7]. Do đó, ở các nước không ít trường hợp hai hoặc nhiều công ty cùng góp vốn thành lập một công ty hợp danh.

Với quy đinh Luật Doanh nghiệp năm 2020, thì ít nhiều đã tạo nên sự kém hấp dẫn của loại hình công ty hợp danh. Do đó, theo tác giả cần phải cho phép pháp nhân có thể trở thành thành viên hợp danh trong công ty hợp danh. Khi pháp nhân trở thành viên hợp danh của công ty hợp danh thì pháp nhân cử một nhóm người đại diện để tham gia quản lý. Nếu điều lệ công ty không có quy định khác, quyền và nghĩa vụ của nhóm người này sẽ tương đương với một thành viên hợp danh trong công ty.

3. Quyền của thành viên góp vốn trong công ty hợp danh

Khung pháp lý dành cho thành viên góp vốn trong công ty hợp danh còn nhiều quy định chưa cụ thể, rõ ràng dẫn đến khó khăn trong quá trình áp dụng, và bảo vệ các quyền lợi ích hợp pháp của thành viên công ty.

Thứ nhất, Khoản 1, Điều 183, Luật Doanh nghiệp 2020, chỉ có Chủ tịch Hội đồng thành viên hoặc thành viên hợp danh có quyền triệu tập họp Hội đồng thành viên. Như vậy, thành viên góp vốn không có quyền triệu tập họp Hội đồng thành viên. Nghiên cứu Luật thương mại Cộng Hòa Pháp thành viên góp vốn vẫn có quyền triệu tập cuộc họp Hội đồng thành viên, miễn là họ đáp ứng điều kiện: số thành viên góp vốn triệu tập cuộc họp Hội đồng thành viên phải ít nhất một phần tư về số lượng và ít nhất một phần tư về vốn góp của tổng số thành viên góp vốn. Căn cứ khoản 5 Điều 222 Bộ luật Thương mại Pháp chỉ rõ: “Các quyết định sẽ được thực hiện theo quy định trong điều lệ và những thỏa thuận khác của công ty. Tuy nhiên, Hội đồng thành viên được triệu tập hợp pháp theo yêu cầu bởi một thành viên hợp danh hoặc một phần tư theo số lượng và vốn của các thành viên góp vốn”.

Thứ hai, Khoản 5 Điều 187 Luật Doanh nghiệp 2020 quy định: “Thành viên hợp danh có quyền tham gia họp, thảo luận và biểu quyết tại Hội đồng thành viên về việc sửa đổi, bổ sung Điều lệ công ty, sửa đổi, bổ sung các quyền và nghĩa vụ của thành viên góp vốn, về tổ chức lại, giải thể công ty và nội dung khác của Điều lệ công ty có liên quan trực tiếp đến quyền và nghĩa vụ của họ”. Theo tác giả, quy định về quyền tham gia biểu quyết của thành viên góp vốn trong công ty hợp danh theo Luật Doanh nghiệp 2020 chưa được quy định rõ ràng, còn chung chung. Cụ thể, khi quyết định những vấn đề quan trọng có liên quan đến thành viên góp vốn như: sửa đổi, bổ sung Điều lệ công ty, sửa đổi, bổ sung các quyền và nghĩavụ của thành viên góp vốn, tổ chức lại và giải thể công ty...; thì tỉ lệ bỏ phiếu của thành viên góp vốn trên tổng số thành viên của công ty thì được xem là hợp lệ. Vấn đề này Luật Doanh nghiệp năm 2020 còn bỏ ngỏ. Nghiên cứu Điều L222-9 Bộ luật Thương mại Pháp, việc quyết định những vấn đề quan trọng liên quan đến quyền lợi tất cả thành viên trong công ty phải được sự đồng ý của tất cả thành viên hợp danh và trên 50% tổng số thành viên góp vốn đồng ý.

4. Quyền phát hành trái phiếu của công ty hợp danh

Pháp luật Việt Nam không cho phép công ty hợp danh phát hành bất kỳ loại chứng khoán nào. Có nghĩa là, công ty hợp danh không thể huy động vốn bằng cách phát hành các loại chứng khoán như cổ phiếu, trái phiếu,… mà chỉ có thể huy động vốn từ các tổ chức tín dụng, vay từ các tổ chức cá nhân khác, hoặc huy động từ các thành viên góp thêm hoặc kết nạp thêm thành viên mới. So sánh với các loại hình loại hình doanh nghiệp khác thì công ty hợp danh có khả năng huy động vốn thấp hơn rất nhiều. Về nguyên tắc, công ty hợp danh là loại hình công ty đối nhân, sự thay đổi trong cơ cấu nhân sự sẽ làm ảnh hưởng đến tính “đối nhân” của nó, vì thế nó không được phép phát hành cổ phiếu [21].

Tuy nhiên, đối với trái phiếu là chứng khoán nợ do một công ty phát hành để ghi nhận quyền chủ nợ của nhà đầu tư đối với tổ chức phát hành. Mỗi trái phiếu ghi nhận quyền được hưởng lợi tức cố định và quyền đòi nợ của nhà đầu tư đối với tổ chức phát hành. Một cách tổng quá, trái phiếu là một loại chứng khoán nợ do công ty phát hành xác nhận nghĩa vụ trả cả gốc lẫn lãi của mình đối với người mua trái phiếu. Trái phiếu được phát hành theo một dạng của biên nhận, ghi nợ vào sổ (bút toán) hoặc dữ liệu điện tử [3].

Theo tác giả, cần cho phép công ty hợp danh phát hành trái phiếu để huy động vốn, điều này sẽ tạo hành lang pháp lý thoáng hơn cho công ty hợp danh và đảm bảo công bằng giữa các hình thức tổ chức kinh doanh, bởi quyền phát hành trái phiếu không ảnh hưởng đến tính đối nhân của công ty hợp danh. Vì người nắm giữ trái phiếu không phải là thành viên công ty và trái phiếu không làm tăng vốn điều lệ. Người nắm giữ trái phiếu không có bất kỳ quyền quyết định nào trong công ty hợp danh. Họ chỉ được trả lại số tiền ghi trên trái phiếu và lãi khi đến hạn. Ngoài ra, khi cho phép phát hành trái phiếu sẽ giải quyết được vấn đề tài chính của công ty, giúp công ty xoay sở được vốn trong những trường hợp cần thiết.

Công ty hợp danh trước hết là liên kết của hai hay nhiều người, luật pháp các nước thường đề cao sự thỏa thuận của các thành viên. Hợp danh về nguyên tắc được thiết lập nếu các thành viên đã thỏa thuận về cách thức hùn vốn tạo tài sản chung chia quyền điều hành và lỗ lãi. Nói cách khác chính khế ước của các bên đã xác lập hợp danh [16]. Nghiên cứu các quy định về công ty hợp danh trong Luật Doanh nghiệp năm 2020 tồn tại nhiều bất cập, xung đột lợi ích của các bên (thành viên, công ty, bên thứ ba) khó có thể được điều hòa một cách ổn thỏa. Hình thức công ty hợp danh là loại hình công ty có lịch sử lâu đời và khá phù hợp với các điều kiện kinh tế, xã hội cũng như tâm lý kinh doanh tại Việt Nam.

Do đó, theo tác giả việc tiếp tục hoàn thiện mô hình pháp lý về công ty hợp danh là cần thiết, nhằm góp phần xóa bỏ rào cản về đầu tư, kinh doanh không phù hợp với kinh tế thị trường và cam kết hội nhập của Việt Nam, tạo cơ sở pháp lý cho việc cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh theo hướng ngày càng thuận lợi, minh bạch và bình đẳng giữa các nhà đầu tư.