Công ước về cấn vũ khí hóa học

Theo Bộ Công Thương, Nghị định số 38/2014/NĐ-CP của Chính phủ về quản lý hóa chất thuộc diện kiểm soát của Công ước Cấm phát triển, sản xuất, tàng trữ, sử dụng và phá hủy vũ khí hóa học (Công ước Cấm vũ khí hóa học) đã đạt được một số kết quả nhất định qua 8 năm thi hành. Bên cạnh các kết quả đạt được, còn một số tồn tại, hạn chế cần tiếp tục được chỉnh lý để hoàn thiện trong thời gian tới, cụ thể:

Hóa chất Bảng là hóa chất lưỡng dụng, là những hóa chất cơ bản (đặc biệt là hóa chất Bảng 3) không thể thiếu trong ngành công nghiệp hóa chất được sử dụng để làm phụ gia trong sản xuất xi măng, sản xuất một số loại mỹ phẩm, sản xuất linh kiện điện tử, sản xuất các loại keo dán, dung dịch làm mát. Tính lưỡng dụng của các loại hóa chất Bảng đang đặt ra những khó khăn nhất định trong công tác quản lý sao cho vừa phát triển kinh tế, xã hội, vừa quản lý theo đúng mục đích của Công ước Cấm vũ khí hóa học. Do đó, các quy định về quản lý hóa chất thuộc diện kiểm soát của Công ước Cấm vũ khí hóa học cần hoàn thiện để phù hợp với các quy định của Luật Hóa chất và phù hợp với Công ước.

Bên cạnh đó, cần nghiên cứu, rà soát các quy định về xuất nhập khẩu hóa chất Bảng để chỉnh lý cho phù hợp hơn nhằm giảm bớt sự chênh lệch về số liệu xuất nhập khẩu giữa Việt Nam và các quốc gia trong việc cung cấp thông tin cho Tổ chức Cấm vũ khí hóa học.

Nghị định số 38/2014/NĐ-CP quy định quản lý hoạt động kinh doanh hóa chất Bảng thông qua chế độ báo cáo chưa thực sự mang lại hiệu quả. Thực tế, hoạt động kinh doanh hóa chất Bảng, chủ yếu là hóa chất Bảng 3 hiện đang diễn ra tràn lan, thiếu kiểm soát, dẫn đến các hệ lụy về an ninh, an toàn hóa chất, không thể kiểm soát việc "chuyển giao nội địa" hóa chất Bảng đến "người sử dụng cuối cùng" (end-user). Cần nghiên cứu, rà soát để sửa đổi, bổ sung các quy định về kinh doanh hóa chất Bảng theo hướng có điều kiện kinh doanh nhằm đưa các tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động này đi vào nền nếp, đồng thời giúp cơ quan có thẩm quyền quản lý chặt chẽ hơn, hiệu quả hơn.

Với các lý do nêu trên, việc xây dựng dự thảo Nghị định thay thế Nghị định số 38/2014/NĐ-CP là cần thiết nhằm khắc phục một số hạn chế, tồn tại cả về mặt pháp lý và thực tiễn, giúp công tác quản lý nhà nước về các hóa chất thuộc diện kiểm soát của Công ước Cấm vũ khí hóa học ngày càng hiệu quả, giúp Việt Nam tuân thủ và thực thi trách nhiệm của mình trong thực hiện Công ước Cấm vũ khí hóa học.

Sửa đổi, bổ sung các quy định về sản xuất hóa chất Bảng

Dự thảo đề xuất sửa đổi, bổ sung các quy định về sản xuất hóa chất Bảng: Cụ thể, quy định về an toàn trong sản xuất hóa chất Bảng theo hướng các cơ sở sản xuất, kinh doanh hóa chất Bảng phải đáp ứng các yêu cầu trong sản xuất, kinh doanh theo Luật Hóa chất và phù hợp với các văn bản quy phạm pháp luật quy định chi tiết, hướng dẫn Luật Hóa chất như xây dựng Kế hoạch, Biện pháp phòng ngừa, ứng phó sự cố hóa chất; phân loại, ghi nhãn và phiếu an toàn hóa chất; phiếu kiểm soát mua bán hóa chất độc; huấn luyện an toàn hóa chất; san chiết, đóng gói hóa chất Bảng; cung cấp thông tin và lưu trữ các thông tin hóa chất; vận chuyển hóa chất Bảng;

Quy định về điều kiện sản xuất hóa chất Bảng, gồm các điều kiện bảo đảm tương ứng như các cơ sở sản xuất, kinh doanh hóa chất tại Luật Hóa chất và điều kiện đặc thù về quy mô, mục đích sản xuất, kinh doanh hóa chất Bảng theo quy định của Công ước Cấm vũ khí hóa học.

Quy định bổ sung các điều kiện đặc thù cho hóa chất Bảng được quy định căn cứ trên các yêu cầu khai báo đối với từng cơ sở hóa chất theo các phần VI, VII, VIII của Phụ lục kiểm chứng của Công ước Cấm vũ khí hóa học. Nhóm điều kiện này mang tính chất đặc thù nhằm thể hiện rõ việc sản xuất, kinh doanh hóa chất Bảng theo đúng các mục đích không bị Công ước cấm với công suất và danh mục hóa chất được phép.

Nghiên cứu bổ sung các quy định về đánh giá điều kiện thực tế cơ sở sản xuất hóa chất Bảng. Sau khi được cấp giấy phép, tổ chức, cá nhân phải duy trì điều kiện sản xuất, kinh doanh hóa chất Bảng và là đối tượng chịu sự kiểm tra đánh giá duy trì điều kiện được thực hiện định kỳ 36 tháng một lần.

Quy định cơ quan có thẩm quyền cấp phép là cơ quan cấp, cấp lại, thu hồi giấy phép sản xuất hóa chất Bảng căn cứ trên hồ sơ do tổ chức, cá nhân đề nghị cấp phép nộp.

Đối với xuất nhập khẩu hóa chất Bảng: Dự thảo nghiên cứu sửa đổi, bổ sung các quy định nhằm đơn giản hóa thủ tục hành chính và tạo điều kiện thông thoáng cho hoạt động xuất nhập khẩu hóa chất Bảng đã được cấp Giấy phép xuất nhập khẩu sẽ không phải khai báo nhập khẩu hóa chất và việc cấp Giấy phép xuất khẩu, nhập khẩu hóa chất Bảng sẽ được thực hiện thông qua Cổng thông tin một cửa quốc gia.

Theo TTXVN, Hội nghị kiểm điểm lần thứ 5 diễn ra ở La Haye (Hà Lan) từ ngày 15-19.5 để đánh giá việc thực hiện Công ước cấm vũ khí hóa học (CWC) trong 5 năm qua và đề ra định hướng chiến lược cũng như những ưu tiên hoạt động và các biện pháp, nguồn lực để thực hiện các mục tiêu cơ bản trong 5 năm tới.

Công ước về cấn vũ khí hóa học
Quang cảnh khai mạc Hội nghị tổng kết 5 năm lần thứ 5 (RC-5) về thực hiện Công ước Cấm vũ khí hóa học - CWC. Ảnh: TTXVN

Đại sứ Việt Nam tại Hà Lan Phạm Việt Anh, đại diện thường trực Việt Nam tại Tổ chức Cấm vũ khí hóa học (OPCW) tham dự hội nghị theo sự ủy quyền của Chính phủ Việt Nam.

Phát biểu tại hội nghị, Đại sứ Phạm Việt Anh tái khẳng định lập trường nhất quán của Việt Nam là ủng hộ không phổ biến và giải trừ hoàn toàn, có kiểm chứng vũ khí hủy diệt hàng loạt, bao gồm vũ khí hóa học; lên án mọi hành động sử dụng vũ khí hóa học bởi bất kỳ ai, ở bất kỳ đâu, dưới bất kỳ hoàn cảnh nào và vì bất kỳ động cơ nào. Việt Nam khẳng định cam kết thực hiện đầy đủ và có trách nhiệm công ước CWC.

Nhân dịp này, đoàn Việt Nam đã đề nghị và kêu gọi các hoạt động của OPCW cần tuân thủ nghiêm chỉnh các chức năng, nhiệm vụ được quy định tại công ước CWC; tăng cường tính công khai, minh bạch, khách quan và không bị chính trị hóa; tăng cường hợp tác, đối thoại để giải quyết các khác biệt.

OPCW cần phát huy chức năng và khả năng của mình đảm bảo quyền và lợi ích chính đáng của các quốc gia trong việc phát triển công nghiệp hóa chất một cách an toàn và an ninh, vì mục đích hòa bình.

OPCW cũng cần tạo điều kiện hơn cho việc tận dụng nguồn nhân lực từ các nước đang phát triển, trong đó chú trọng sự cân bằng địa lý; ủng hộ ý tưởng xây dựng và nhân rộng các trung tâm khu vực để kết nối nguồn lực triển khai công ước, trong đó có việc thực hiện Sáng kiến thành lập Trung tâm khu vực ASEAN về nâng cao năng lực thực thi CWC.

Việt Nam cũng đề nghị phát huy vai trò của Trung tâm Hóa học và Công nghệ (ChemTech) trong công tác hỗ trợ trang thiết bị, đào tạo nhân viên cho các quốc gia thành viên và mở thêm cơ hội cho cán bộ các nước thành viên làm việc tại Chemtech, nhất là các nước đang phát triển.

Hội nghị kiểm điểm lần thứ 5 của OPCW do Đại sứ Hà Lan tại OPCW Henk Cor van der Kwast chủ trì với vai trò Chủ tịch, cùng các Phó Chủ tịch được các nhóm nước theo khu vực địa lý đồng thuận cử ra.

Tham dự Hội nghị có 800 đại biểu, đại diện cho 137 quốc gia thành viên, 2 quốc gia quan sát viên (Israel và Nam Sudan), 14 tổ chức quốc tế, các cơ quan chuyên môn, 74 tổ chức phi chính phủ, các cơ quan, tổ chức nghiên cứu, đào tạo, tổ chức xã hội dân sự và báo giới.

Song song với hội nghị chính thức có 27 sự kiện bên lề nhằm thông tin cụ thể hơn cho các đại biểu về chức năng, nhiệm vụ và sự song hành, hỗ trợ của các cơ quan, tổ chức đối với việc xác định, tiêu hủy vũ khí hóa học; kiểm tra, xác minh hóa chất và hỗ trợ phát triển ngành hóa chất phục vụ mục đích hòa bình.

Tại hội nghị, đã có hơn 100 ý kiến phát biểu đại diện cho nhóm các quốc gia khu vực, đại diện các tổ chức quốc tế và tổ chức liên chính phủ cùng các cơ quan chuyên môn, hiệp hội hóa học... và đặc biệt là phát biểu của các quốc gia thành viên.

Tuyệt đại đa số các ý kiến đều khẳng định thành tựu trong việc tiêu hủy vũ khí hóa học đã khai báo và xây dựng thành công ChemTech, khẳng định sự đồng thuận của cộng đồng các quốc gia thành viên về sự cần thiết của CWC và OPCW như công cụ thiết yếu để giữ gìn an ninh, hòa bình của thế giới, ngay cả khi đã tiêu hủy xong toàn bộ vũ khí hóa học được khai báo.

Tuy nhiên, hội nghị lần này diễn ra trong bối cảnh mâu thuẫn nổi bật giữa Mỹ và phương Tây với Nga, Trung Quốc và Syria chưa được giải quyết. Do đó, hội nghị đã không có báo cáo kết luận, thay vào đó chỉ là báo cáo diễn biến.