Đánh giá hành vi vi phạm

1.Khoản 3 Điều 8 BLHS năm 1985 quy định: “Những hành vi tuy có dấu hiệu của tội phạm nhưng tính chất nguy hiểm cho xã hội không đáng kể, thì không phải là tội phạm và được xử lý bằng các biện pháp khác”. Khoản 4 Điều 8 BLHS năm 1999 và khoản 2 Điều 8 BLHS năm 2015 đã giữ nguyên quy định của BLHS năm 1985. Về quy định này, chúng ta thấy :

Đoạn hai Điều 7 Nguyên tắc pháp luật hình sự Xô-viết năm 1958 quy định: “Hành động hay không hành động sẽ không cấu thành tội phạm, nếu nó không có tính chất nguy hiểm cho xã hội vì tình tiết nhỏ nhặt, mặc dầu về hình thức nó có những yếu tố của một hành vi đã được quy định trong pháp luật hình sự”(1). Khoản 2 Điều 14 BLHS Liên bang Nga (2) quy định: “Hành động (hoặc không hành động), mặc dù về hình thức có bao hàm những dấu hiệu của một hành vi nào đó được Bộ luật này quy định nhưng do tính chất nguy hiểm cho xã hội không đáng kể thì không phải là tội phạm”.

Ở Trung Quốc, Điều 10 BLHS năm 1979 (3) quy định: “Những hành vi có tình tiết không nguy hiểm, không đáng kể thì không phải là tội phạm” và Điều 13 BLHS năm 1997(4) quy định: “Tuy nhiên, những hành vi nhỏ nhặt gây hại không lớn, thì không phải là tội phạm”.

Có thể thấy quy định hành vi nguy hiểm cho xã hội không đáng kể (hành vi không phải là tội phạm) trong các BLHS của nước ta cũng tương tự như quy định của Liên Xô trước đây (của LB Nga ngày nay) và của Trung Quốc.

2. Hành vi tuy có dấu hiệu của tội phạm (hành vi không phải là tội phạm) và hành vi tội phạm có những đặc điểm chung như sau :

(i) Đều là những hành vi (hành động hoặc không hành động) vi phạm pháp luật,

(ii) Đều được thực hiện một cách cố ý hoặc vô ý,

(iii) Đều do người có năng lực hành vi thực hiện,

(iv) Đều gây hậu quả hoặc có khả năng gây hậu quả nguy hại cho xã hội,

(v) Người thực hiện hành vi phải đạt đến một độ tuổi nhất định.

Điểm phân biệt hành vi tuy có dấu hiệu của tội phạm (hành vi không phải là tội phạm) với hành vi tội phạm là ở tính chất nguy hiểm cho xã hội. Việc phân biệt này dựa trên những dấu hiệu như:

-Mức độ thiệt hại (hậu quả) do hành vi vi phạm pháp luật gây ra: Gây thiệt hại lớn, nghiêm trọng là hành vi tội phạm, gây thiệt hại không đáng kể không phải là tội phạm.

-Dấu hiệu thứ hai để đánh giá tính chất nguy hiểm cho xã hội là sự tái phạm (đã bị xử lý hành chính hoặc đã bị kết án về hành vi đó nhưng chưa được xóa án mà còn vi phạm thì bị coi là phạm tội).

-Dấu hiệu khác để xác định mức độ nguy hiểm cho xã hội là phương thức, phương pháp thực hiện hành vi vi phạm pháp luật (thí dụ: cố ý gây thương tích cho người khác nếu chỉ gây thương tích nhẹ thì không phải là hành vi tội phạm, nhưng nếu dùng dao gây thương tích cho người khác thì dù gây thương tích nhẹ bị coi là hành vi tội phạm).

3. Các BLHS năm 1985, năm 1999 và năm 2015 đã căn cứ vào các dấu hiệu trên để xác định ranh giới giữa hành vi tội phạm và hành vi không phải là tội phạm.

BLHS năm 1985 đã xác định ranh giới giữa hành vi tội phạm với hành vi không phải là tội phạm bằng những dấu hiệu như: gây hậu quả nghiêm trọng (bao gồm gây thiệt hại nghiêm trọng, ngược đãi nghiêm trọng, số lượng lớn), đã bị xử lý hành chính mà còn vi phạm. Việc quy định những dấu hiệu như “nghiêm trọng“, “số lượng lớn” dẫn đến sự tùy nghi đánh giá của các cơ quan điều tra, truy tố, xét xử; ngoài ra, cũng còn nhiều điều luật không nêu rõ dấu hiệu xác định hành vi tội phạm. Vì vậy, TANDTC đã ban hành các Nghị quyết của HĐTP, thông tư và kết luận của Chánh án TANDTC tại các hội nghị tổng kết công tác để hướng dẫn việc xác định những dấu hiệu đó. Những hướng dẫn này đã được tiếp thu quy định trong BLHS năm 1999.

BLHS năm 1999 đã xác định rõ hơn ranh giới giữa hành vi tội phạm với hành vi không phải là tội phạm bằng cách định lượng hóa mức độ thiệt hại trong quy định của nhiều quy phạm chưa được định lượng hóa ở Phần các tội phạm của BLHS năm 1985. Chẳng hạn Điều 109 BLHS năm 1985 chỉ quy định “1. Người nào cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác thì bị phạt…”, nhưng không nêu rõ mức độ thương tích hay tổn hại cho sức khỏe, thì Điều 104 BLHS năm 1999 quy định: “1. Người nào cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ thương tật từ 11% đến dưới 30% hoặc dưới 11% nhưng thuộc một trong các trường hợp …: a) Dùng hung khí nguy hiểm hoặc dùng thủ đoạn gây nguy hại cho nhiều người …”. Như vậy hành vi gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ thương tật dưới 11% và không thuộc một trong những trường hợp được nêu tại khoản 1 của điều này thì không phải là hành vi tội phạm. Điều luật này cũng đã quy định dấu hiệu phương pháp, thủ đoạn phạm tội để xác định ranh giới giữa hành vi tội phạm và hành vi không phải là tội phạm.

BLHS năm 2015 tiếp tục định lượng hóa những phạm trù giá trị chưa được định lượng hóa tại nhiều điều luật ở Phần các tội phạm của BLHS năm 1999 nhằm làm rõ hơn ranh giới giữa hành vi tội phạm với hành vi không phải là tội phạm. Chẳng hạn tại Điều 155 Tội sản xuất, tàng trữ, vận chuyển, buôn bán hàng cấm của BLHS năm 1999 quy định một trong những dấu hiệu của tội này là hàng hóa phải “có số lượng lớn” hoặc “thu lợi bất chính lớn”, nếu không có những dấu hiệu này thì không phải là hành vi tội phạm. Vậy số lượng hàng hóa, hoặc số tiền là bao nhiêu sẽ bị coi là lớn? Điều 190 Tội sản xuất, buôn bán hàng cấm của BLHS năm 2015 đã quy định rõ những dấu hiệu này, như “b) Buôn bán thuốc lá điếu nhập lậu từ 1.500 bao đến dưới 3.000 bao” được coi là có số lượng lớn, và “d) … thu lợi bất chính từ 50.000.000 đồng đến dưới 200.000.000 đồng” hay “đ) … thu lợi bất chính từ 100.000.000 đồng đến dưới 300.000.000 đồng” được coi là thu lợi bất chính lớn.

4. Việc định lượng hóa những phạm trù giá trị khi mô tả những dấu hiệu khách quan của cấu thành tội phạm, rõ ràng là có ý nghĩa quan trọng trong việc xác định ranh giới giữa hành vi tội phạm với hành vi không phải là tội phạm, tránh được những cách hiểu khác nhau và khó khăn cho việc giải thích điều luật trong quá trình áp dụng.

Vấn đề thứ nhất đặt ra là định lượng hóa những phạm trù giá trị đến mức nào trong một điều luật thì được coi là đủ, vì nếu quy định quá mức sẽ làm cho điều luật trở nên cồng kềnh, khó nhớ. Chẳng hạn, Điều 235 Tội gây ô nhiễm môi trường của BLHS năm 2015 khi định lượng hóa quy định: “vượt quá quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về chất thải ở mức độ nghiêm trọng hoặc làm môi trường bị ô nhiễm nghiêm trọng hoặc gây hậu quả nghiêm trọng khác “ đã định lượng các phạm trù “ mức độ nghiêm trọng”,”ô nhiễm nghiêm trọng”, hậu quả nghiêm trọng“ tại tám điểm của điều luật với khoảng trên 500 từ. Như vậy, điều luật rất cồng kềnh. Nhiều điều luật khác của bộ luật cũng cồng kềnh tương tự.

Thứ hai, việc định lượng hóa có thể dẫn đến những hành vi “lách luật” như cố ý vi phạm dưới mức định lượng mà điều luật quy định, thí dụ chỉ buôn bán thuốc lá điếu nhập lậu dưới mức quy định (như 1.400 bao). Và điều này cũng có thể dẫn đến tiêu cực trong xử lý vi phạm, thí dụ bắt giữ được hàng, tiền… với số lượng lớn nhưng lập biên bản với số lượng ít hơn mức tối thiểu quy định của điều luật.

Cuối cùng, việc định lượng hóa sẽ dẫn đến quy định của điều luật mau chóng bị lỗi thời. Thí dụ, Tội trộm cắp tài sản, Điều 138 BLHS năm 1985 và Điều 173 BLHS năm 2015 đều quy định trộm cắp tài sản trị giá từ 2.000.000 thì bị xử lý hình sự. Với việc trộm cắp hai triệu đồng, thì hiện nay (năm 2023 ) có nên xử lý về hình sự hay chỉ nên xử phạt về hành chính ?

Qua trình bày trên đây cho thấy việc xác định ranh giới giữa hành vi tội phạm với hành vi không phải là tội phạm có ý nghĩa rất quan trọng. Nhưng thiết kế các điều luật cụ thể như thế nào để vừa bảo đảm cho pháp luật hình sự phát triển cùng với sự phát triển của đời sống xã hội, vừa đảm bảo tính ổn định của nó là vấn đề rất phức tạp. Không sửa đổi thì luật sẽ lỗi thời, nhưng sửa đổi nhiều thì luật sẽ không ổn định, dẫn đến thiếu hiệu quả.

Các bị cáo trong vụ án các chuyến bay giải cứu tại phiên tòa sơ thẩm- Ảnh: PV

1. Nguyên tắc hình luật xã hội chủ nghĩa (tài liệu học tập tại chức) - Phòng tuyên truyền - Tập san TANDTC,1963,tr 41