Đánh giá về công tác giáo dục thể chất

Giáo dục thể chất (GDTC) giữ vai trò đặc biệt quan trọng trong việc phát triển toàn diện cho học sinh, sinh viên các trường phổ thông và chuyên nghiệp, bởi nó là cơ sở để họ phát triển thể lực, hình thành những kỹ năng vận động cần thiết và nâng cao phẩm chất tâm lý,đạo đức... Từ đó, tạo điều kiện cho học sinh, sinh viên nâng cao hiệu quả học tập và nhanh chóng hoà nhập với thực tế công tác cũng như hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ sau khi tốt nghiệp ra trường.

Đánh giá về công tác giáo dục thể chất

Công tác giáo dục thể chất cho học sinh cần được quan tâm, đầu tư hơn nữa (Ảnh:TA)

Trong những năm qua, nghành Giáo dục & Đào tạo đã chủ động tích cực triển khai các hoạt động GDTC và thể dục thể thao (TDTT) trong trường học ở tất cả các cấp học từ mầm non đến đại học. Những nỗ lực này, nhằm góp phần giúp học sinh, sinh viên hình thành kỹ năng vận động, phát triển thể lực một cách toàn diện, bảo đảm thực hiện mục tiêu của giáo dục là phát triển toàn diện con người về Đức – Trí – Thể - Mỹ. Tuy nhiên, công tác GDTC và TDTT tại các trường học hiện này còn nhiều khó khăn, bất cập nên chất lượng chưa cao.

Nghị quyết số 08/NQ-TW về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, tạo bước phát triển mạnh mẽ về TDTT đến năm 2020 đã nhấn mạnh: “Thực hiện tốt giáo dục thể chất theo chương trình nội khóa; phát triển mạnh các hoạt động thể thao của học sinh, sinh viên, bảo đảm mục tiêu phát triển thể lực toàn diện và kỹ năng vận động cơ bản của học sinh, sinh viên và góp phần đào tạo năng khiếu và tài năng thể thao”. Để công tác GDTC cũng như TDTT trong trường học đạt hiệu quả cần phải “Đổi mới chương trình và phương pháp giáo dục thể chất, gắn giáo dục thể chất với giáo dục ý chí, đạo đức, giáo dục quốc phòng, giáo dục sức khỏe và kỹ năng sống của học sinh, sinh viên. Đãi ngộ hợp lý và phát huy năng lực đội ngũ giáo viên thể dục hiện có, mở rộng và nâng cao chất lượng đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ giáo viên, hướng dẫn viên thể dục cho trường học; củng cố các cơ sở nghiên cứu khoa học về tâm sinh lý lứa tuổi và thể dục, thể thao trưởng học”.

Thực hiện công tác GCTC, TDTT trường học thời gian qua mặc dù được các địa phương, nhà trường quan tâm thực hiện và đạt một số kết quả đáng kích lệ, tuy nhiên thực tế cho thấy chất lượng công tác trong trường học còn ở mức thấp.

Theo thống kê của Bộ GDĐT, số trường học các cấp trên toàn quốc: mầm non: có 15.041 có sở GD1; Trung học: 12.961 trường (công lập: 12104 trường, ngoài công lập: 2.937 trường)2; THCS và THPT: 10.770 trường (công lập: 10.715 trường, ngoài công lập: 55 trường3; đội ngũ giáo viên, nguồn nhân lực đảm nhiệm vai trò giảng dạy bộ môn GDTC trong các trường hiện nay trong cả nước có gần 80.000 giáo viên, trong đó có khoảng 74% giáo viên chuyên trách và 26% giáo viên bán chuyên trách. Đội ngũ giáo viên thể dục ở giáo dục phổ thông còn thiếu về số lượng, cơ cấu chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển giáo dục và đào tạo. Trung học có khoảng 20% số trường học có giáo viên chuyên trách về GDTC (từ 1 -2 người, phần lớn là 1 người). Trên 90% giờ học thể dục ở cấp trung học do giáo viên kiêm nhiệm giảng dạy nên chất lượng giảng dạy GDTC chưa đáp ứng được yêu cầu, hiệu quả chưa cao.

Hệ thống cơ sở vật chất tuy đã có sự đầu tư, quan tâm nhưng vẫn còn nhiều khó khăn khi ở cấp Tiểu học có 17% số trường có nhà tập thể dục thể thao, 15% số trưởng có sân tập thể dục thể thao; cấp THCS có 12% số trường có nhà tập thể dục thể thao, 15% số nhà trường có sân tập TDTT; cấp THPT có 30% số nhà trường có nhà tập TDTT, 15% số nhà trường có sân tập TDTT. Như vậy, cả nước hiện có 80% số trường tiểu học, THCS và THPT thiếu nhà tập thể dục thể thao; 99,6% số trường thiếu bể bơi; GD đại học có 36% số trường thiếu nhà luyện tập thể dục, thể thao và thiếu bể bới là 87%,…

Trong khi đó, mục tiêu mà đền án phát triển GDTC và TDTT trường học giai đoạn 2016 – 2020 đặt ra là có ít nhất 80% trường mầm non có sân chơi, phòng học GDTC được trang thiết bị, đồ chơi vận động cho trẻ em theo quy định; có ít nhất 85% trường học TH, THCS và 95% trường THPT có nhà tập đa năng được trang bị đủ tiêu chuẩn. 90% cơ sở GD nghề nghiệp, 95% cơ cở GD đại học có sân tập.

Hầu hết các trường dạy các chương trình cũ ban hành từ năm 2000, thiếu các hướng dẫn, các kĩ năng thực hành, không có các hoạt động thể thao ngoại khóa. Một số trường còn xem nhẹ việc thực hiện chương trình môn học GDTC, triển khai chương trình học GDTC hình thức, kém hiệu quả. Hoạt động thể thao trường học hướng dẫn nội dung còn nghèo nàn, hình thức hoạt động đơn điêu, chưa thu hút được đông đảo lực lượng HS tham gia tập luyện thể dục, thể thao. Nguồn lực đầu tư cho công tác GDTC và thể thao trường học chưa đáp ứng được yêu cầu;

Thêm vào đó, đội ngũ giáo viên GDTC hiện đã tăng cả về số lượng và chất lượng nhưng trước sự tăng nhanh về quy mô đào tạo thì đội ngũ này vẫn chưa thể đáp ứng yêu cầu thực tế và đã ảnh hưởng lớn đối với việc nâng cao chất lượng giảng dạy GDTC. Trong chương trình giáo dục mầm non hiện nay trẻ được tiếp cận các lĩnh vực hoạt động như: văn học, âm nhạc, tạo hình, thể dục …. Các nội dung này thường xuyên được giáo viên cải tiến, đổi mới về tổ chức và phương pháp giảng dạy với phương châm phát huy tính tích cực cho trẻ dạy học lấy trẻ làm trung tâm. Tuy nhiên, trong các hoạt động thì hoạt động thể dục chưa mang tính sáng tạo, hình thức tổ chức tiết dạy chưa có tính hấp dẫn, chưa phát huy tính chủ động tích cực tham gia các hoạt động của trẻ. Thực tế cho thấy ở các trường mầm non hầu hết không có giáo viên thể dục tiết học thể dục do chính giáo viên đứng lớp kiêm nhiệm nên chất lượng giờ học thể dục và các hoạt động vận động cho trẻ sẽ kém chất lượng chuyên môn.

Để nâng cao chất lượng công tác GDTC cho trẻ, đặc biệt là trẻ mầm non trong giai đoạn hiện nay thiết nghĩ các cấp, bộ, ngành và toàn xã hội phải coi đây là một môn thể thao quan trọng trong chương trình đào tạo để dần thay đổi nhận thức của toàn xã hội về môn GDTC và có sự đầu tư thích hợp từ các cấp học.

Phương án xã hội hóa cũng cần được các địa phương tính tới nhiều hơn. Trong đó, Bộ GD và ĐT cần rà soát để ban hành các văn bản nhằm đẩy mạnh hoạt động xã hội hóa GDTC trong nhà trường, bảo đảm chất lượng đội ngũ giáo viên đáp ứng chương trình giáo dục phổ thông mới. Cụ thể các văn bản pháp quy bằng các đề án, quy hoạch, định hướng phát triển công tác GDTC và thể thao trong trường học đến năm 2020, định hướng đến 2025: (1) Thường xuyên tuyên truyền để nâng cao nhận thức của xã hội về công tác GDTC, Thể thao trong trường học; (2) Nghiên cứu cải tiến hệ thống quản lý công tác GDTC; (3) Đổi mới công tác GDTC theo hướng coi trọng và nâng cao chất lượng giờ học TDTT chính khóa và ngoại khóa; (4) Ban hành chế độ chính sách thích hợp; (5) Bổ sung và cập nhật kiến thức để nâng cao trình độ đội ngũ giáo viên, giảng viên, tình nguyện viên, hướng dẫn viên chuyên trách và bán chuyên trách; (6) Đổi mới nội dung, chương trình và các hình thức hoạt động của công tác GDTC và thể thao trường học; đẩy mạnh công tác nghiên cứu khoa học trong lĩnh vực GDTC; thường xuyên cải tiến phương pháp giảng dạy; (7) Đảm bảo cơ sở vật chất tối thiểu cho các trường theo quy định; (8) Khuyến khích học sinh, sinh viên tham gia tập luyện TDTT ngoại khóa thông qua các tổ chức Đoàn thể: Đội, Đoàn thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh và tham gia thi đấu tại các đại hội thể thao các cấp (9) Tăng cường các hoạt động TDTT trường học theo hướng xã hội hóa để thu hút sự tham gia đầu tư của các tổ chức xã hội; (10) Thường xuyên gắn kết hoạt động TDTT với giáo dục dinh dưỡng, giáo dục đạo đức và lối sống, gắn giáo dục thể lực, giáo dục trí lực, tâm lực.

Cùng với đó, các trường cần tập trung xây dựng chương trình đào tạo, bồi dưỡng theo hướng tăng cường kỹ năng cho cả người dạy, người học, kỹ năng xử lý tình huống, tăng thực hành..., các cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông bám sát mục tiêu, nội dung chương trình, từ đó vận dụng các hoạt động GDTC, thể thao một cách linh hoạt, phù hợp điều kiện của địa phương, thể trạng học sinh; tạo sự hứng khởi cho cả người dạy và người học…