Đánh giá về quan hệ pháp thụy điển

Trên cơ sở cách tiếp cận liên ngành và đa ngành khoa học xã hội như chính trị học, khoa học nhà nước và pháp lý, từ lý luận luận giải thực tế và từ thực tế đối chứng lý luận, đặc biệt phương pháp so sánh, Đề tài tập trung nghiên cứu nhằm làm rõ một số vấn đề: Lý luận và nhận thức về tổ chức bộ máy nhà nước trung ương ở một số nước Châu Âu; Thông tin, cách thức tổ chức bộ máy nhà nước trung ương và cấu trúc, chức năng, nhiệm vụ, thẩm quyền của các cơ quan trong bộ máy nhà nước trung ương ở Pháp, Đức, Thụy Điển; Phát hiện những điểm chung (giá trị phổ biến) và những đặc điểm riêng (đặc thù) trong tổ chức bộ máy nhà nước trung ương của Pháp, Đức, Thụy Điển; Tìm ra những điểm hợp lý và những điểm hạn chế trong tổ chức bộ máy nhà nước trung ương của Pháp, Đức, Thụy Điển. Qua đó, Đề tài đưa ra đề xuất, khuyến nghị về tổ chức bộ máy nhà nước trung ương của Việt Nam trên cơ sở tham khảo những điểm hợp lý và tránh những điểm bị cho là hạn chế trong tổ chức bộ máy nhà nước trung ương của Pháp, Đức, Thụy Điển.

Nội dung nghiên cứu được trình bày trong 7 chương. Chương 1: Những vấn đề chung về tổ chức bộ máy nhà nước trung ương của Pháp, Đức, Thụy Điển. Tác giả phân tích khái niệm bộ máy nhà nước và tổ chức bộ máy nhà nước trung ương; nhận diện và bàn luận các nguyên tắc chung và nguyên tắc đặc thù trong tổ chức và hoạt động của bộ máy nhà nước trung ương của Pháp, Đức, Thụy Điển; phân tích vai trò của bộ máy nhà nước trung ương ở Pháp, Đức, Thụy Điển; đánh giá các yếu tố lịch sử, truyền thống lập hiến, hội nhập quốc tế và khu vực tác động, ảnh hưởng đến việc tổ chức bộ máy nhà nước trung ương ở ba quốc gia đó. Kết quả nghiên cứu so sánh cho thấy những điểm tương đồng và khác biệt trong tổ chức và hoạt động của bộ máy nhà nước trung ương của Pháp, Đức, Thụy Điển.

Từ chương 2 đến chương 5, Đề tài nghiên cứu so sánh tổ chức và hoạt động của hệ thống cơ quan lập pháp, hành pháp, tư pháp và người đứng đầu nhà nước của Pháp, Đức, Thụy Điển. Ở mỗi chương, Đề tài đều giải thích thuật ngữ, khái niệm có liên quan, luận giải sự hình thành, mô hình và cơ cấu tổ chức, thành viên và các bộ phận cấu thành, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, cơ chế, quy trình thủ tục hoạt động của từng hệ thống cơ quan nhà nước trung ương ở mỗi quốc gia. Bên cạnh đó, Đề tài cũng so sánh, nhận xét về những điểm tương đồng và khác biệt giữa ba quốc gia trong tổ chức và hoạt động của hệ thống cơ quan lập pháp, hành pháp, tư pháp và nguyên thủ quốc gia.

Chương 6: Các mối quan hệ của bộ máy nhà nước trung ương và bảo vệ hiến pháp ở Pháp, Đức và Thụy Điển - nghiên cứu các mối quan hệ của bộ máy nhà nước trung ương và cơ chế bảo vệ hiến pháp ở Pháp, Đức và Thụy Điển; phân tích, đánh giá các mối quan hệ theo chiều dọc hướng lên trên giữa bộ máy nhà nước trung ương của Pháp, Đức và Thụy Điển với các thiết chế của Liên minh châu Âu, các mối quan hệ theo chiều ngang giữa các nhánh quyền lực nhà nước và các mối quan hệ ra bên ngoài giữa bộ máy nhà nước trung ương với các đảng chính trị ở Pháp, Đức và Thụy Điển. Ngoài ra, tác giả còn tập trung nghiên cứu phương diện kiểm soát quyền lực thông qua cơ chế bảo vệ hiến pháp ở Pháp, Đức, Thụy Điển; Vị trí, vai trò, chức năng, sự hình thành, mô hình và cơ cấu tổ chức cũng như nhiệm vụ, quyền hạn của cơ quan bảo vệ hiến pháp ở Pháp, Đức, Thụy Điển đã được Đề tài thông tin, phân tích, nhận xét, đánh giá. Từ đó, rút ra nhận xét, so sánh những điểm chung và những điểm khác biệt giữa Pháp, Đức, Thụy Điển trong tổ chức và vận hành cơ chế bảo vệ hiến pháp.

Chương 7: Kiến nghị và giải pháp tổ chức và hoạt động của bộ máy nhà nước trung ương ở Việt Nam với sự chú ý kinh nghiệm tổ chức chính quyền trung ương của Pháp, Đức, Thụy Điển. Sau khi đánh giá thực trạng quy định và thực hiện nguyên tắc tổ chức quyền lực theo Hiến pháp năm 2013, thực trạng tổ chức và hoạt động của các cơ quan trung ương như Quốc hội, Chính phủ, cơ quan tư pháp, cơ quan bảo vệ hiến pháp, Đề tài đã đề xuất một số kiến nghị, giải pháp chung và kiến nghị, giải pháp cụ thể đối với tổ chức và hoạt động của từng hệ thống cơ quan nhà nước trung ương ở nước ta. Bên cạnh đó, Đề tài còn gợi mở một số vấn đề cần tiếp tục nghiên cứu trong thời gian tới.

Đề tài được Hội đồng nghiệm thu đánh giá cao về tính thời sự, ý nghĩa khoa học và thực tiễn. Cùng với đề tài cấp Bộ “Vai trò và nhiệm vụ của Nhà nước pháp quyền trong phát triển kinh tế thị trường qua thực tiễn Cộng hòa Liên bang Đức và gợi mở kinh nghiệm đối với Việt Nam” (cũng do PGS.TS Nguyễn Đức Minh làm Chủ nhiệm, đã được nghiệm thu năm 2013 đạt loại xuất sắc), đề tài đã góp phần củng cố lĩnh vực nghiên cứu chính trị châu Âu, tạo ra hướng nghiên cứu so sánh nhà nước học của Viện Nghiên cứu châu Âu và Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam. Kết quả nghiên cứu của Đề tài là tài liệu tham khảo trong nghiên cứu, đào tạo về tổ chức bộ máy nhà nước pháp quyền cũng như cung cấp tư liệu cho các nhà hoạch định đường lối, chính sách trong thiết kế mô hình bộ máy nhà nước pháp quyền ở nước ta.