Đất ngói Lập Thạch có tốt không

Tóm tắt: Tục ăn đất là một hiện tượng khá phổ biến trên thế giới. Ở nước ta, tục này được phát hiện tại vùng Lập Thạch (Vĩnh Phúc) và nhiều nơi khác thuộc các tỉnh Phú Thọ, Lào Cai, Yên Bái, Điện Biên, Lai Châu, … Nó có thể có nhiều căn nguyên: do nhu cầu bổ sung vi chất dinh dưỡng cho cơ thể; để khử độc thực phẩm; để “đánh lừa dạ dày” trong cơn đói; do thói quen hình thành từ phong tục cộng đồng và yếu tố tín ngưỡng - tâm linh; biểu hiện của sự “hồi tổ”; để giải tỏa căng thẳng thần kinh, …

Tuy có vẻ “khác thường”, nhưng tục ăn đất cũng là một nhu cầu của đời sống vật chất và tinh thần ở con người, bởi vậy xã hội không nên có thái độ kỳ thị; tuy nhiên cũng không khuyến khích hoặc bàng quan, vì ăn đất có thể đồng thời đưa vào cơ thể những nguyên tố độc hại và vi khuẩn gây bệnh nguy hiểm.

Để tìm hiểu đầy đủ tục ăn đất ở nước ta, cần có một đề tài nghiên cứu nghiêm túc với sự cộng tác chặt chẽ giữa các ngành hữu quan thuộc cả khoa học tự nhiên lẫn khoa học xã hội và nhân văn, từ đó xác lập nhận thức đúng đắn và đề xuất các chủ trương thích hợp trong việc quản lý về mặt văn hoá - xã hội cũng như bảo vệ sức khỏe cộng đồng liên quan với tục này.


I. GIỚI THIỆU

Trong thói quen sinh hoạt của con người cũng như động vật, không hiếm khi ta thấy một hiện tượng kỳ lạ: một số người (hay động vật) thích ăn … đất đến mức trở thành nghiện. Thuật ngữ khoa học gọi đó là chứng nghiện đất (geophagy) hay tục ăn đất (geophagical customs).

Do tính chất không bình thường của tục ăn đất nên nhiều người xem đó như một điều quái dị. Chẳng thế mà hồi cuối năm 2004 - đầu năm 2005, trên các phương tiện thông tin đại chúng bỗng rộ lên những tin tức thú vị về chuyện ăn đất của cư dân vùng Lập Thạch (Vĩnh Phúc) với hàng loạt bài báo đăng trên An ninh thế giới, Công an nhân dân, Khoa học và đời sống, Lao động, Vietnamnet, … Đặc biệt chương trình “Chuyện lạ Việt Nam” của Đài truyền hình Việt Nam trong buổi phát hình trưa ngày 14/5/2005 đã kể lại chuyến khảo sát tục ăn đất ở Lập Thạch của nhóm phóng viên với những hình ảnh minh họa rất sinh động về cảnh đào xúc, chế biến “ngói ăn” cùng với những pha trình diễn “ngoạn mục” về việc ăn đất một cách ngon lành của một số người dân địa phương, khiến khán giả không khỏi ngạc nhiên và lấy làm thích thú. Tiếp theo đó (26/08/2005), một cuộc Hội thảo khoa học về Tục ăn đất do Trung tâm Tiền sử Đông Nam Á chủ trì đã được tổ chức tại Hà Nội với chủ đề “Thói quen ăn đất đá ở Việt Nam, hiện trạng và những kiến giải khoa học”, nhằm góp chung tiếng nói cùng báo chí khêu gợi lại và giải thích từ những khía cạnh khác nhau một tục tập đã được giới khoa học biết đến từ hơn một thế kỷ trước ở nước ta. Hội thảo đã nghe trình bày các báo cáo khoa học và trao đổi ý kiến về hiện trạng tục ăn đất ở Việt Nam cũng như trên thế giới, phân tích căn nguyên của nó từ những khía cạnh sử học, khảo cổ học, dân tộc học, phong tục học, dinh dưỡng học, địa chất học… Từ đó đề xuất phương hướng nghiên cứu tiếp theo về tục ăn đất ở nước ta.

Báo cáo của các nhà địa chất tại Hội thảo với nội dung đưa ra một số kiến giải khoa học về tục ăn đất, xét từ góc độ địa chất y học đã nhận được sự đồng tình của cử toạ và những khuyến nghị nêu lên trong báo cáo về nhiệm vụ, phương pháp nghiên cứu tục ăn đất của ngành Địa chất được xem là một nội dung quan trọng không thể thiếu trong việc nghiên cứu tục ăn đất trong thời gian tới [15]. Nhân dịp xuất bản chuyên san của Tạp chí Địa chất này, các tác giả xin giới thiệu nội dung báo cáo trên, có bổ sung, mở rộng hơn và cập nhật những thông tin mới với mong muốn góp phần làm sáng tỏ thêm một tập tục kỳ thú lâu đời của một số dân tộc Việt Nam.

II. SƠ LƯỢC VỀ TỤC ĂN ĐẤT Ở MỘT SỐ NƯỚC TRÊN THẾ GIỚI

Ăn đất được xem là “chuyện lạ đó đây”, kích thích sự chú ý của không ít người có tính hiếu kỳ. Thực ra đối với giới khoa học thì hiện tượng này đã được biết đến từ lâu và không phải là hiếm thấy ở nước ta cũng như trên thế giới. Rất nhiều nguồn văn liệu cho thấy tục ăn đất đã được phát hiện ở khắp các châu lục và ở nhiều dân tộc, nhưng phổ biến nhất là châu Phi và Nam Mỹ.

Ở châu Phi, tục này thường gặp nhiều nhất tại các quốc gia cận xích đạo, từ bờ biển Ngà, Ghana, Nigeria, Cameroon, Trung Phi, Gabon, Congo - ở phía tây, đến Uganda, Kenya, Tanzania - ở phía đông. Ngoài ra cũng thấy rải rác ở một số nước khác: Maroc, Algerie, Tunisie, Sudan, Ai Cập, Nam Phi (Hình 1). Ta có thể kể một số ví dụ: theo số liệu điều tra 285 học sinh tiểu học ở Kenya thì có đến 73% em nghiện ăn đất, còn ở phụ nữ thì tỷ lệ đó là 154/275 (56%). Mỗi trẻ em ở đây mỗi ngày có thể ăn từ 8 đến 108 g đất tuỳ theo lứa tuổi [2]. Ngoài những loại đất thường (sét, caolin, bentonit…), đất ụ mối cũng được rất nhiều người ưa thích.

Tục ăn đất ở châu Phi đang là một vấn đề được quan tâm đặc biệt của giới khoa học. Tại nhiều cuộc Hội thảo quốc tế và khu vực về địa chất y học như “Hội thảo khu vực Đông và Nam Phi về địa chất y học lần thứ I” tại Nairobi (Kenya) năm 1999 và lần thứ 2 tại Lusaka (Namibia, 2004), hay “Hội thảo về sức khoẻ và môi trường địa hoá” tại Upsala (Thụy Điển, 2000), chuyên đề “ăn đất” bao giờ cũng có mặt trong chương trình nghị sự.


Đất ngói Lập Thạch có tốt không

Hình 1. Sơ đồ phân bố các địa phương có tục ăn đất ở Châu Phi (theo Lagercrantz, 1958).


Ở Châu Mỹ tục ăn đất đã có ở một số bộ lạc thổ dân trước khi miền đất này được C. Colombo phát hiện. Đến khi những người nô lệ châu Phi bị đưa sang đây để phục vụ công cuộc khai phá Tân Thế Giới của người da trắng, thì tập tục này càng phổ biến do dân nô lệ nhập cư truyền bá. Hiện nay tục ăn đất còn tồn tại ở miền Nam Hoa Kỳ, vùng Caribe, Venezuela, Peru và nhiều nơi khác thuộc Nam Mỹ.

Ở châu Âu tục ăn đất cũng được phát hiện tại Đức, Anh, Italia. Ở Anh, theo số liệu điều tra có khoảng 3000 người phụ nữ thú nhận là họ đã ăn gạch và đất vì quá thèm khi thai nghén. Hằng năm các nước châu Âu phải nhập khẩu từ châu Phi hàng trăm tấn đất để chế biến, đáp ứng nhu cầu của những người nghiện đất.

Ở châu Á có Trung Quốc, Nhật Bản, Ấn Độ, Nga (Sibir), Việt Nam, … là những nơi khá phổ biến tục ăn đất. Ở Sibir (Nga), dân bản địa một số vùng có thói quen mỗi chuyến đi xa thường mang theo một gói đất từ quê hương để khi nhớ nhà họ giở đất ra nhấm nháp cho khuây khỏa nỗi buồn cô đơn.

Thói quen nghiện đất cũng thấy ở một số loài động vật. Ở Ruwanda có giống khỉ Gorila rất thích ăn một loại đất sét trông giống caolin. Còn giống hắc tinh tinh lại ưa món “đặc sản”: đất ụ mối. ỞMount Elgontrên biên giới Kenya-Uganda có mỏ calcit-zeolit là khoáng vật được nhiều loài thú ưa thích, đặc biệt là voi châu Phi [3].

Tài liệu phân tích khoáng vật học các mẫu đất đá ở đây cho thấy sự có mặt phong phú các khoáng chất sau: calcit (CaCO3), halit (NaCl), thạch cao (CaSO4.2H2O), anhydrit (CaSO4), natron (Na2CO3), magnesit (MgCO3), mirabilit (Na2SO4.10H2O)…

Người ta cũng thường thấy một số loài thú hoang hay đến uống nước và liếm đất ở những nguồn nước khoáng có hàm lượng muối cao. Lợi dụng điều đó các thợ săn hay đến rình ở các điểm xuất lộ nước khoáng để săn bắn.


¯¯¯¯¯¯¯¯¯¯¯¯¯¯¯¯¯¯¯¯¯¯¯¯¯¯¯¯¯¯¯¯¯¯¯¯¯¯¯¯


*Những văn liệu này kể theo lời trích dẫn của GS. Lê Nhâm Tuyết [8], chúng tôi chưa được tiếp cận với nguyên bản (Các tác giả).

Trong số các loài chim có loài vẹt xanh ở Nam Mỹ vàAustraliarất thích ăn đất. Có khi người ta thấy hàng đàn vẹt bám dày đặc trên vách núi thi nhau gặm khoét bề mặt những tảng đá để lấy từ đấy những chất khoáng dinh dưỡng.

Những dẫn chứng nêu trên cho thấy thói quen ăn đất là một hiện tượng khá phổ biến trên thế giới và không phải chỉ có ở loài người mà có cả ở một số loài động vật khác. Vậy ở ViệtNamtục này biểu hiện ra sao, căn nguyên do đâu, đã được nghiên cứu đến mức nào và những việc gì cần làm tiếp?

III. TỤC ĂN ĐẤT Ở VIỆTNAM

Ở ViệtNam, tục ăn đất cũng khá phổ biến. Những thông tin có lẽ là đầu tiên về tục này được tìm thấy trong bài báo “Những người ăn đất ở Bắc Kỳ”* của T. Hamy công bố năm 1899. Tiếp theo, năm 1908, trên tạp chí Revue Indochinoise số ra ngày 15/9 xuất hiện một công trình nghiên cứu dân tộc học của nhà Việt Nam học người Pháp G. Dumoutier dưới tiêu đề “Essais sur les Tonkinois” (Tiểu luận về người Bắc Kỳ), trong đó ông kể lại chuyến khảo sát điền dã về các vùng Sơn Tây, Hà Đông, Nam Định, Thái Bình để tìm hiểu tục ăn đất của dân bản xứ. Ông đã lấy mẫu đất ăn gửi về Paris phân tích, kết quả cho thấy “đất” mà cư dân các vùng kể trên dùng để ăn là đất sét có chứa Fe, Ca, P, N. Hai học giả Việt Nam Nguyễn Kính Chi và Nguyễn Đổng Chi trong tập chuyên khảo “Mọi Kon Tum”* (1937) cũng nói đến tục ăn đất của người Bahnar: “Sau một trận lụt có thứ bùn non đọng lại trên mặt đất. Khi bùn ấy khô lại, họ lột từng bông mà ăn, kêu là poc-cơ-tơp. Họ nói bùn ấy thơm và ngon lắm”.

Nhà khoa học ViệtNamcó công đóng góp vào việc nghiên cứu tục ăn đất từ góc độ dân tộc học và phong tục học là GS. Lê Nhâm Tuyết. Ngược dòng lịch sử về thuở sơ khai của dân tộc ViệtNam, GS. Lê Nhâm Tuyết dựa trên một điều ghi chép sơ lược trong tập “Lĩnh Nam chích quái” khi nói về tục cưới xin thời Hùng Vương: “Việc hôn nhân lấy gói đất làm đầu”, đã cho rằng đây là một nghi lễ thể hiện nếp văn hóa tín ngưỡng xuất phát từ tục ăn đất, chẳng những lưu hành trong cộng đồng người Việt cổ mà ở cả một số dân tộc khác thuộc ngữ hệ Môn-Khmer, vốn có nhiều nét gần gũi với người Việt như Xá, Kháng, Bahnar … Để tìm hiểu sâu về tục ăn đất , trong tháng 3/1969, bà đã tiến hành một cuộc khảo sát điền dã về huyện Lập Thạch (Vĩnh Phúc) và phát hiện ở đây còn có nhiều người “nghiện” món ăn này với những dòng mô tả như sau: “Phần lớn những người “nghiện”, ngoài những cụ già 60-70 tuổi, là đàn ông thuộc lứa tuổi 40-50, đàn bà 30-40 (không phải chỉ là người đang mang thai). Những người nghiện đất thường khen là “ngon lắm, thơm, bùi như miếng gan lợn, có thể ăn hàng rổ một lúc” [8].

Tiếc rằng hướng nghiên cứu của GS. Lê Nhâm Tuyết về sau không có người kế tục và phát triển nên phải dừng lại và mãi hơn 10 năm sau mới được TS. Nguyễn Văn Việt, GĐ Trung tâm Tiền sử Đông Nam Á, khởi động trở lại. Trong các cuộc khai quật khảo cổ học ở 2 di chỉ hang xóm Trại (Lạc Sơn, Hòa Bình, năm 1981) và mái đá Đú Sáng (Kim Bôi, Hòa Bình, năm 2004), ông đã nhặt được những thỏi đá lạ, nằm lẫn trong đống vỏ ốc suối đít dài (giống Melania) cùng với xương thú và hạt quả cháy, vốn là những thức ăn chính của cư dân trú tại đây thời xưa, dự đoán cách ngày nay từ 9.000 đến 20.000 năm, thuộc nền văn hoá Hoà Bình (Hình 1). Những thỏi đá đó có kích thước chừng vài ba ngón tay, thành phần thạch học chủ yếu là sét, cát kết, bị phủ bên ngoài bởi một lớp hydroxit sắt hay mangan màu sôcôla hoặc vàng do phong hoá, trên bề mặt có những vết sước nông song song - dấu ấn tác động mài cạo của con người. Về bản chất chúng hoàn toàn khác loại đá tại chỗ (là đá vôi), chứng tỏ chúng được người xưa mang từ nơi khác đến, có thể là từ những vỉa trầm tích lục nguyên cấu thành những đồi đất quanh vùng [11, 12]. Các nhà nghiên cứu đã lấy 4 mẫu đá gửi đi phân tích. Kết quả cho thấy đá có thành phần chủ yếu là các khoáng vật sét-caolin, chứa một số vi chất dinh dưỡng như Ca, Na, K, Mg, Fe, Mn, Zn, P (Bảng 1).

Đối chiếu thành phần những mẫu đá này với loại đá mà người Mãng (Yên Bái) dùng để ăn hiện nay thấy chúng rất giống nhau. So sánh thêm với những thỏi đá cùng loại nhặt được trong các di chỉ Đồng Vườn, Đa Bút và Cồn Cỏ Ngựa thuộc văn hoá Đa Bút - phân bố chủ yếu ở Bắc Thanh Hoá và Ninh Bình, có tuổi cách nay 8000-5000 năm, thấy chúng có thành phần tương tự. Từ đó các nhà khảo cổ học nhận định rằng những thỏi đá lạ nhặt được trong các di chỉ trên chính là “đá ăn” của người xưa, chứng tỏ tục ăn đất có ở người Việt cổ, ít ra là từ thời đại văn hoá Hòa Bình và truyền qua thời Hùng Vương đến tận ngày nay (Phải chăng vì thế mà tục này hiện nay vẫn còn được bảo tồn khá tập trung tại miền đất Tổ và lân cận như một nét văn hoá cổ truyền?). 


Bảng 1. Thành phần hoá học của cuội tại hang Đú Sáng và Xóm Trại (mẫu M4, M5, M7, M11) so sánh với đá ăn của người Mãng ở Yên Bái hiện nay (mẫu M8) [11, 12].

TT

Mẫu

SiO2

Al2O3

Fe2O3

TiO2

CaO

MgO

K2O

Na2O

MnO

P2O5

ZnO

N

C

1

M4

0,98

21,1

1,71

0,08

2,35

0,09

3,54

0,5

0

2,232

0,0099

0,38

0,08

2

M5

62,78

20,43

5,62

0,8

0,39

0,84

3,15

0,5

0

0,004

0,0099

0,21

0,07

3

M7

1,08

22,34

0,33

0,01

0,39

0,09

6,82

0,03

0

3,25

0,0082

0,27

0,06

4

M11

60,02

23,03

6,2

0

0,39

0,74

2,37

0,03

0

0,524

0,0029

0,17

0

5

M8

15,15

27,96

32,2

6,62

1,95

0,74

1,04

0,03

0,04

0,89

0,0178

0,25

0,1


Một đóng góp đáng kể nữa vào việc khơi dậy lại và phát hiện thêm tục ăn đất ở ViệtNamlà sự đăng tải loạt phóng sự về vấn đề này trên báo chí của Đỗ Doãn Hoàng (báo Lao động). Lần theo những tin đồn về thói nghiện đất của người dân tộc ở một số vùng thuộc miền núi phía Bắc như Điện Biên, Lai Châu, Lào Cai…, nhà báo Đỗ Doãn Hoàng đã cất công đi về tận nơi tìm hiểu sự thật và đã tận mắt chứng kiến việc ăn đất của dân địa phương. Tại bản Đoàn Kết, xã Chung Chải, huyện Mường Nhé (Điện Biên) theo sự hướng dẫn của một người dân sở tại, ông đã tìm đến một cái hang trên sườn núi mà người Hà Nhì thường lên đó lấy đất về ăn (Hình 2). Đất ở đó sạch và có màu sôcôla. Người ta bảo “tất tật phụ nữ (nhất là những người đang mang thai) ở các bản lân cận đều lên hang lấy loại đất đó về ăn” [4].


Đất ngói Lập Thạch có tốt không

Hình 1. Những thỏi đá nhặt được tại các di chỉ khảo cổ xóm Trại, Đú Sáng (M4, M11) so sánh với thỏi đất đang được người Mông (Yên Bái) dùng để ăn (M8) (Ảnh Nguyễn Việt).


Tiếp theo, một chuyến điền dã “quy mô” nhất đã được ông tiến hành tại thị trấn Lập Thạch, tỉnh Vĩnh Phúc. Tại đó ông đã tiếp xúc với nhiều người dân địa phương để tìm hiểu về tục ăn đất đã tồn tại ở đây từ lâu đời. Họ đều nói: “Cả làng cả nước đều ăn (đất), có gì lạ đâu mà đưa lên báo?”. Nhiều người cho biết: “Nó dẻo và béo lắm”. Trực tiếp trò chuyện với bà Nguyễn Thị Lạc (84 tuổi) - người ăn đất “sành điệu”, đồng thời cũng là tay “thiện nghệ” nhất vùng trong việc chọn lựa, chế biến ngói ăn, nhà báo được bà cho biết: “Ở chợ có đến mấy chục hàng bán loại đất ăn (bà gọi là “ngói” ăn), mỗi lần đi chợ bà mua mấy lạng nhét vào túi áo, trên đường về vừa đi vừa nhấm nháp, đến nhà thì chẳng còn viên nào sất!”. Bà còn hăng hái dẫn nhà báo leo lên một ngọn đồi, đến bên một ụ đất sót nhô cao, dưới chân nó có một hố sâu là nơi người ta đào xúc lấy đất đem về chế biến thành ngói ăn (Hình 3). Bà cũng khoét từng vỉa đất, chọn ra những thớ nhẵn, “nạc” mời nhà báo nhấm thử. Số đất đó bà mang về nhà xếp lên bếp và dùng lá ổi, lá sim đốt lên hun, mùi khói xông lên thơm lừng (Hình 4, 5). Bà bảo phải chế biến như thế “ngói” mới có vị ngon hơn. Bà còn cho biết không riêng gì ở thị trấn Lập Thạch mà hầu hết các chợ khác ở Việt Trì, Vĩnh Tường, Phong Châu … cũng đều bán “ngói ăn” như bán bánh kẹo, hàng “đắt như tôm tươi”. Cũng có tin là ở làng bên, người ta san cả ngọn đồi và đào hố sâu đến hàng chục mét để lấy đất làm “ngói ăn”.


Đất ngói Lập Thạch có tốt không

Hình 2. Hang đất ở bản Đoàn Kết, xã Chung Chải, huyện Mường Nhé (Điện Biên), nơi người Hà Nhì đào xúc “đất ăn” (phải) và thỏi đất dùng để ăn (trái) (Ảnh Doãn Hoàng).


Như vậy là tục ăn đất đã và đang tồn tại thực sự ở Việt Nam, nhưng về mức độ phổ biến của nó thì chưa có đủ căn cứ để đánh giá nên ở đây, trên cơ sở tổng hợp những tin tức rời rạc trên các phương tiện thông tin đại chúng cũng như theo lời đồn đại truyền miệng nghe được, chúng tôi tạm lập một sơ đồ phân bố các địa điểm có tục ăn đất ở miền Bắc (Hình 6). Chắc chắn không thể đầy đủ và chính xác, song thiết tưởng cũng có ý nghĩa “chỉ điểm” cho những nghiên cứu tiếp theo.

Từ những điều trình bày ở trên, có thể rút ra một số nhận xét chung về những biểu hiện đặc trưng của tục ăn đất như sau:

1. Nhìn chung những người nghiện đất thuộc đủ các đối tượng, nhưng thường gặp hơn ở phụ nữ, trẻ em và tầng lớp người nghèo ở nông thôn, miền núi.

2. Đất ăn không phải lấy bất kỳ mà được chọn lọc kỹ từ những nguyên liệu tinh khiết, hạt mịn, đồng nhất, màu sắc tươi sáng (trắng, nâu, phớt xanh, vàng…), mềm dẻo, mùi vị dễ chịu, dân gian gọi là “đất nạc”. Đó thường là sét, caolin, montmorillonit, bentonit, bùn quánh đáy sông, hoàng thổ… Đất có thể dùng ở dạng tự nhiên hoặc phải qua chế biến (nung, hun khói, trộn thêm hương liệu, đường, muối, nấu kèm với thức ăn, nén ép thành thỏi, đóng hộp…).

3. Vị trí lấy đất ăn thường chỉ tập trung ở một số địa điểm xác định, đã trải qua kinh nghiệm sử dụng từ lâu đời, qua nhiều thế hệ, bảo đảm an toàn sức khỏe và tác dụng sinh học tốt. Vì vậy, để lấy được đất ăn “ngon”, có khi người ta (và cả thú hoang) phải đi rất xa, đến những nơi hiểm trở mới tìm được.

4. Việc ăn đất có thể biểu hiện thường xuyên, lâu dài, nhưng cũng có khi chỉ xảy ra trong điều kiện nhất định (như phụ nữ trong kỳ thai nghén hay cho con bú, khi xảy ra nạn đói, khi mắc bệnh…).

5. Mức độ thèm đất và lượng đất ăn thường thay đổi theo mùa: nhu cầu tăng vào mùa  thu-đông (rét buốt), giảm vào mùa hè (nóng bức).

6. Sự phân bố của tục ăn đất thường có tính cộng đồng, ở quy mô bộ tộc, thôn bản, nhưng cũng có khi chỉ thấy ở từng cá thể riêng lẻ.

III. THỬ TÌM CĂN NGUYÊN CỦA TỤC ĂN ĐẤT

Tục ăn đất là một hiện tượng phức tạp mà căn nguyên của nó còn có những kiến giải khác nhau:

Đất ngói Lập Thạch có tốt không

Hình 3. Nơi khai thác đất làm “ngói ăn” tại Lập Thạch, Vĩnh Phúc
(Ảnh: Doãn Hoàng).

Đất ngói Lập Thạch có tốt không

Hình 4. “Hì, nó (ngói ăn) ngon lắm, thơm, bùi như miếng gan lợn, có thể ăn hàng rổ một lúc”
  (Ảnh: Doãn Hoàng)

Đất ngói Lập Thạch có tốt không

Hình 5. Biểu diễn hun ngói ăn bằng lá ổi, lá sim (Ảnh: Doãn Hoàng).


Đất ngói Lập Thạch có tốt không

Hình 6. Một số vùng có tục ăn đất ở miền Bắc (theo thông tin báo chí)

1. Mường Nhé,        Điện Biên;

2. Bát Xát,

Lào Cai;

3. Thuận Châu,
 Sơn La;

4. Nghĩa Lộ,

Yên Bái;

5. Trạm Tấu,
 Yên Bái;

6. Việt Trì,

Phú Thọ;

7. Phong Châu,
Phú Thọ;

8. Lập Thạch,
 Vĩnh Phúc;

9. Tam Dương,
 Vĩnh Phúc;

10. Vĩnh Tường,
Vĩnh Phúc.


- Do nhu cầu bổ sung vi chất dinh dưỡng cho cơ thể hay chữa bệnh;

- Để khử độc trong thực phẩm hay giải độc khi ăn phải thực phẩm có độc tố;

- Để “đánh lừa” dạ dày, tạo cảm giác “no” trong thời kỳ đói kém;

- Do thói quen hình thành từ phong tục cộng đồng và yếu tố tín ngưỡng-tâm linh;

- Biểu hiện của sự hồi tổ do gen di truyền từ tổ tiên xa xưa-loài vượn người;

- Để giải tỏa căng thẳng về thần kinh hay tâm lý v.v., ...

Dưới đây xin thử phân tích một số kiến giải chính, xét từ những góc độ khác nhau.

1. Ăn đất để bổ sung vi chất dinh dưỡng cho cơ thể và chữa bệnh

Theo quan điểm địa chất y học, tục ăn đất được xem là biểu hiện của sự thiếu hụt vi chất dinh dưỡng trong cơ thể, đòi hỏi phải được bổ sung chúng để lập lại thế cân bằng dinh dưỡng (nutritional balance) hay chữa trị các chứng bệnh rối loạn dinh dưỡng (nutritional disorders). Chúng ta biết rằng, để tồn tại và phát triển, cơ thể người và động vật nói chung, phải được cung cấp đầy đủ những chất dinh dưỡng, trong đó ngoài protid, lipid, glucid, vitamin (chất dinh dưỡng hữu cơ) còn có các muối khoáng và nguyên tố vi lượng (chất dinh dưỡng vô cơ) như C, H, O, N, Ca, Na, K, Mg, Cl, S, Fe, Mn, Cu, Mo, Co, P, Se, I, Zn… Tuy nhu cầu của cơ thể về muối khoáng và nguyên tố vi lượng rất ít, nhưng chúng có vai trò cực kỳ quan trọng đối với sự sống. Thiếu chúng cơ thể sẽ bị suy dinh dưỡng, dễ phát sinh bệnh tật hay tử vong. Thí dụ: thiếu sắt dẫn đến bệnh thiếu máu, thiếu iod phát sinh bệnh bướu cổ, đần độn; thiếu fluor xuất hiện bệnh sún răng, xốp xương.

Muối khoáng và các nguyên tố dinh dưỡng thường tồn tại trong đất đá với hàm lượng khác nhau tùy theo vùng địa lý. Chúng được cây cỏ hấp thụ và lưu giữ trong thân, lá, hoa quả, rễ củ. Nơi nào đất đá chứa nhiều muối khoáng và nguyên tố vi lượng thì cây cỏ mọc ở đó cũng giàu những chất này và ngược lại. Các chất dinh dưỡng vô cơ đi vào cơ thể người và động vật theo các loại thức ăn có nguồn gốc thực vật (ngũ cốc, rau quả…) và nguồn gốc động vật (thịt, cá, trứng, sữa…). Như vậy giữa cơ thể người và động thực vật trong tự nhiên hình thành nên một chuỗi dinh dưỡng liên tục, nếu bị gián đoạn, chẳng hạn, bị ngừng cung cấp một số nguyên tố thiết yếu do nạn đói, thì lúc đó người ta tự nhiên cảm thấy thèm khát một cách lạ lùng một thức ăn nào đó, có khi rất "kỳ quặc" như lá cây, gạch ngói, than gỗ, vải, giấy, phấn viết, vữa trát tường…, buộc phải tìm ăn cho được. Ngôn ngữ dân gian gọi đó là chứng "ăn dở" (pica) mà ta thường thấy ở phụ nữ trong thời kỳ thai nghén. Hoặc ta cũng từng nghe trong thời kỳ kháng chiến gian khổ, bộ đội ta hoạt động ở miền rừng núi thiếu muối đến mờ mắt, chân tay bủn rủn, không leo dốc nổi, buộc phải đốt cỏ gianh lấy tro ăn. Tuy hàm lượng muối trong đó chẳng có là bao nhưng cũng bớt được phần nào cơn đói muối, giúp phục hồi sức khỏe.

Liên hệ thực tế với đặc điểm môi trường địa hóa vùng Lập Thạch ta thấy những mẩu đất ăn do Trung tâm Tiền sử Đông Nam Á lấy tại đây có chứa một số nguyên tố dinh dưỡng có thể có ích cho cơ thể (Bảng 1). Để kiểm tra một lần nữa, nhà khoáng vật học Kiều Quý Nam (Viện Địa chất, Viện Khoa học và Công nghệ VN) đã tiến hành một cuộc khảo sát thực địa cũng tại vùng thị trấn Lập Thạch. Địa hình ở đây có dạng đồi sót, tạo nên từ các thành tạo địa chất thuộc hệ tầng Thác Bà (PR3-ε1 tb), thành phần thạch học chính là các loại đá phiến thạch anh - sericit-chlorit, quarzit, được phủ lên trên bởi trầm tích Neogen hệ tầng Phan Lương (N1 pl) (?) gồm cuội kết, cát kết, đá phiến sét và sét than. Mặt cắt địa chất tại điểm khảo sát ở trung tâm thị trấn, cách trụ sở Công an huyện khoảng 200 m gồm 4 lớp kể từ dưới lên như sau [7]:

1. Sét rất mịn, màu xám trắng, phần quan sát được dày 0,5 m, không quan sát được phần đáy (A1).

2. Đá phiến sét, sét bột kết màu xám vàng, dày 1-2 m (A2).

3. Đá phiến sét, sét bột kết, xen ít cát kết hạt mịn, bề dày thay đổi trong khoảng 0,5-1,5 m (A3).

4. Trên cùng là lớp đất sét lẫn cát, chứa ít kết vón sắt màu vàng xám, bề dày thay đổi từ 0,5 đến 5 m.

Mẫu đất được lấy từ lớp A1 là loại sét rất mịn, tương tự các tảng thạch rau câu màu trắng xám, trắng, không có dấu vết phân phiến. Khi sờ có cảm giác rất mát, trơn. Khi nếm không có mùi, vị hơi mặn, dính chặt vào lưỡi, do độ hạt rất mịn nên nhanh chóng tan biến trong miệng. Chính vì đặc điểm đó mà dân địa phương phải đào hố sâu, tìm tới tầng đất "nạc" này để lấy về làm ngói ăn.

Mẫu đất được phân tích tại các Phòng Thí nghiệm thuộc Cục Địa chất và Khoáng sản VN và Viện Địa chất thuộc Viện KHCN VN có thành phần trung bình như sau (%): SiO2 = 59,5; TiO2 = 0,62; Al2O3 = 23; Fe2O3 = 3,24; MgO = 1,17;   CaO = 0,62; K2O = 3,2; Na2O = 0,01; Zn < 0,001; Pb < 0,001; MKN = 6.

Xét về mặt thạch học và khoáng vật, mẫu đất ăn là một loại đá sét, có thành phần chủ yếu là smectit, hydromica (illit), halloysit và thạch anh. So sánh với những mẫu đất trước đây (Bảng 1) thấy chúng khá giống nhau. Trong quá trình chế biến "ngói" bằng cách hun khói, những thỏi đá được hấp thụ hương vị từ các loại lá rừng (sim, mua, ổi…dùng làm chất đốt), tạo nên một mùi thơm hấp dẫn. Có lẽ đó cũng là một yếu tố tạo nên "phản xạ có điều kiện", gây cảm giác "thèm" khi ngửi thấy mùi vị đặc trưng này.

Rất tiếc là công trình nghiên cứu của TS. Kiều Quý Nam vẫn chỉ nhằm mục đích đơn thuần về địa chất - khoáng vật học, thiếu sự đồng bộ với những nghiên cứu về dinh dưỡng, sinh y học, nên chưa có đủ cứ liệu thực tế để luận giải một cách thuyết phục về mối quan hệ giữa thói quen ăn đất với môi trường địa hóa địa phương. Dẫu sao dựa trên các kết quả nghiên cứu của nước ngoài và trên cơ sở lý thuyết về địa hóa sinh thái và địa chất y học, ta có thể tin rằng mối quan hệ đó là hiện hữu.

Ở động vật, thói quen nghiện đất cũng là biểu hiện của nhu cầu bổ sung vi chất dinh dưỡng. Đối với những loài thú hoang dã sống trong môi trường thiếu hụt khoáng chất thiết yếu, chúng thường mắc bệnh hoặc chậm phát triển. Để duy trì cuộc sống bình thường theo tập tính di truyền, chúng biết di cư đến những nơi có yếu tố dinh dưỡng thuận lợi. Ở những công viên quốc gia hay khu bảo tồn thiên nhiên, để đáp ứng nhu cầu "ăn đất" của muông thú, người ta thường đặt rải rác trên đồng cỏ hay trong rừng những khối "muối liếm" (salt-lick hay mineral-lick) chế biến từ nguyên liệu đất sét, caolin…pha trộn với những khoáng chất thiết yếu mà chúng ưa thích. Trong ngành chăn nuôi người ta cũng thường áp dụng phương pháp rải "muối liếm" trong trang trại để phòng ngừa bệnh tật và tăng năng suất cho gia súc.

Tuy nhiên, trong khi thừa nhận mối quan hệ giữa tục ăn đất với môi trường địa phương cũng không nên hiểu vấn đề một cách giản đơn rằng địa phương nào có môi trường địa chất (và theo đó thức ăn, nước uống) không đảm bảo nhu cầu dinh dưỡng cho cơ thể người thì địa phương đó ắt có tục ăn đất! Bởi vì ngày nay, khi sự giao lưu kinh tế mở rộng, thì mối liên hệ giữa phông địa hóa địa phương với hàm lượng vi chất dinh dưỡng trong thức ăn không còn chặt chẽ như trong nền kinh tế tự cung tự cấp theo kiểu "trâu ta ăn cỏ đồng ta" nữa. Mặt khác, sự đầy đủ hay thiếu hụt các nguyên tố dinh dưỡng trong cơ thể người, ngoài nguyên nhân Clarke địa phương của các nguyên tố, còn có những tác động khác, nhiều khi rất phức tạp, như hoàn cảnh địa hóa (pH, Eh), các rào cản địa hóa (geochemical barriers), sự có mặt trong môi trường những chất "cộng hưởng" hay "cản trở", tính hiệu dụng sinh học (bioavailability) của các nguyên tố dinh dưỡng (hay độc hại), …

Ngoài những nhân tố tự nhiên nêu trên, còn có thể có những tác nhân xã hội - nhân văn như đặc điểm dân tộc học, phong tục tập quán, kể cả tập quán ẩm thực, lối quần cư của cộng đồng, … cũng là căn nguyên, có khi đóng vai trò quyết định của tục ăn đất. Điều đó có nghĩa là trong việc đi tìm căn nguyên của tục ăn đất, nếu chỉ thiên về một yếu tố môi trường tự nhiên thì có khi không tránh khỏi bế tắc, mà còn phải chú ý một cách toàn diện đến các yếu tố xã hội - nhân văn và cả tín ngưỡng tâm linh (sẽ nói ở dưới).

2. Ăn đất để khử độc trong thực phẩm và chữa trị khi bị ngộ độc

Tục ăn đất cũng có khi xuất phát từ kinh nghiệm khử độc thực phẩm. Chúng ta biết rằng trong một số thực phẩm nguồn gốc thực vật (rau, củ, trái, hạt, nấm…) thường chứa những chất có thể gây ngộ độc, thậm chí tử vong nếu ăn phải. Để bảo đảm an toàn sức khỏe, người ta phải áp dụng các biện pháp loại trừ độc tố, trong đó theo kinh nghiệm dân gian, có một cách rất hữu hiệu: dùng đất sét. Ví dụ: một số thổ dân Nam Mỹ có thói quen khi nấu khoai tây thường trộn thêm đất sét để khử glycoalkaloid - một loại chất độc có trong mầm những củ để lâu ngày. Người Ainu ở Nhật Bản khi nấu súp rau củ bao giờ cũng cho thêm đất sét để khử độc, giống như ta tra bột nêm. Dân địa phương vùngCalifornia(Mỹ) vàSardinia(Italia) dùng sét trộn với quả đấu để khử vị đắng do axit tanic gây nên, khiến thức ăn trở nên ngon hơn. Một số loài động vật như vượn Chimpanze, voi…theo gien di truyền cũng biết dùng đất sét để phòng ngừa hoặc chữa trị ngộ độc thức ăn.

3. Ăn đất để "đánh lừa" dạ dày trong thời kỳ đói kém

Đây cũng là một thảm cảnh từng thấy ở tầng lớp dân nghèo, nhất là trong thời buổi đói kém do thiên tai, địch họa. Khi đó người ta dùng đất như một "thức ăn" để tạm thời xoa dịu cơn đói. Ví dụ: ởVenezuelacó bộ tộc Otomac sống dọc theo sôngOrinocochỉ biết dùng cung bắn cá trong mùa nước cạn làm thức ăn. Nhưng về mùa nước lũ, thường kéo dài 2-3 tháng, không đánh bắt cá được, họ chỉ biết lấy đất viên thành hòn làm thức ăn để sống qua ngày. Trong đợt khủng hoảng lương thực thế giới vừa qua, ởHaiti(vùng Caribe), dân nghèo lấy đất sét nặn thành bánh đem phơi khô làm thức ăn và bán.

Ở nước ta chắc hẳn nhiều người đã từng đọc bài phóng sự “Làm no” (hay “Cái ăn trong những ngày nước ngập") của nhà văn Ngô Tất Tố, lần đầu đăng trên báo “Thời vụ” tháng 5/1938, kể chuyện ăn đất diễn ra trong thời kỳ trước Cách mạng tháng Tám 1945 ở một vùng quê nghèo sau một trận lũ lớn gây mất mùa, đói kém. Bài viết mô tả tỉ mỉ cách chế biến "thức ăn" của một người dân cùng đinh tên là bác Tụy mà tác giả đã tận mắt chứng kiến: đó là cách tráng "bánh đa" bằng đất sét và "kho đất" với tép vụn để ăn thay cơm. Những món "đặc sản" đó quả là khó nuốt, nhưng cũng được lũ trẻ con "xô nhau bẻ lấy mà ăn một cách ngon lành". Cảnh tượng thật đau lòng nhưng người trong cuộc - bác nông dân Tụy - thì vẫn hồn nhiên hài hước: "người ta bảo chết thì ăn đất, nhưng chính nhà cháu sống về đất đấy ông ạ!" khiến người đọc phải bật cười, nhưng đó là nụ cười đẫm nước mắt.

4. Tục ăn đất - một nét văn hóa trong đời sống tinh thần của xã hội loài người

Ngoài những căn nguyên nêu trên (hoặc đồng thời với chúng), tục ăn đất có thể hình thành từ phong tục cộng đồng và yếu tố tín ngưỡng - tâm linh lưu truyền từ xã hội nguyên thủy đến tận ngày nay. Điều đó có lẽ là đặc trưng cho hiện tượng ăn đất ở Lập Thạch (và những vùng khác tương tự), nơi mà tục này không còn là biểu hiện của sự nghèo đói như ngày xưa nữa. Đất ở đây theo tâm tưởng của người tiền sử là biểu tượng thiêng liêng, là "nguồn sống tuyệt đối cho những cư dân nông nghiệp" [8]. Vì vậy việc đãi khách quý đến nhà bằng đĩa "ngói" để tỏ lòng kính trọng, hoặc "việc hôn nhân lấy gói đất làm đầu" đều là những nghi thức tượng trưng trong văn hóa giao tiếp, bắt nguồn từ sự sùng bái đất thiêng, và cũng từ đó hình thành nên thói quen ăn đất trong cộng đồng như sự thừa kế một tập tục cổ truyền của tổ tiên, tương tự tục ăn trầu, nhuộm răng, xăm mình…

Cũng vậy, theo một số công trình nghiên cứu xã hội học về tục ăn đất của những người da đen Nam Mỹ gốc Phi, các nhà khoa học cho rằng thói quen ăn đất trong cộng đồng cư dân ngoại lai này không đơn thuần do đói hay nhu cầu dinh dưỡng mà còn là một biểu hiện tín ngưỡng với niềm tin thiêng liêng rằng khi nuốt một miếng đất (có lẽ nhận được từ quê hương), gọi là "Terra santa" (đất thánh) thì họ đã giữ trong cơ thể mình một chút ít hình hài của đất mẹ thân thương, để sau khi chết, linh hồn sẽ được "Mẹ Đất" dẫn dắt trở về cố quốc Phi Châu trùng dương cách trở [2].

5. Tục ăn đất - biểu hiện của sự hồi tổ

Theo các nhà nhân chủng học và khảo cổ học, thói quen ăn đất đã có ở người tiền sử và cả tổ tiên xa xưa của họ. Điều đó đã được chứng minh bởi các công trình khai quật một số nơi cư trú của người xưa. Ví dụ tại điểm khai quật di chỉ cư trú của giống Người vượn Homo habilis tạiKalamboFalls(Tanzania), người ta đã tìm thấy những thỏi đất sét trắng nằm lẫn trong đống xương thú, cho là đất ăn của người xưa. Những chứng tích như vậy cũng được các nhà khảo cổ học ViệtNamphát hiện tại các di chỉ Đú Sáng, Xóm Trại, Đa Bút như đã nói ở trên. Có thể qua quá trình tiến hóa, thói quen đó mất dần, nhưng đến ngày nay trong quần thể loài người hiện đại có nơi vẫn còn duy trì nguyên trạng hoặc thỉnh thoảng có một số cá thể bỗng phục hồi trở lại tập tính cũ. Hiện tượng đó gọi là sự hồi tổ hay lại giống (atavism, reversion hay throwback). Tuy hiện tượng hồi tổ về tập tính ở loài người ít xảy ra hơn so với hồi tổ giải phẫu học (như mọc lông, có đuôi, biến đổi màu da…), nhưng đôi khi đây đó vẫn xảy ra, kể cả sự phục hồi thói quen ăn đất từ tổ tiên Người vượn.

6. Ăn đất như một thói quen hoặc để giải tỏa căng thẳng

Ăn đất ngoài những căn nguyên mang tính cộng đồng như trên, có thể gặp những trường hợp riêng biệt, xảy ra ở từng cá thể như có người thích ăn đất chủ yếu do thói quen: lúc nào cũng thích nhấm nháp một cái gì đó cho đỡ "buồn mồm" như ăn trầu, hút thuốc, nhai kẹo cao su, hay tật mút tay ở trẻ em…, hoặc có người ăn đất chỉ để giải tỏa căng thẳng về thần kinh hay tâm lý khi có chuyện phiền muộn hay thấp thỏm đợi chờ một điều gì đó.

IV. TÁC ĐỘNG TIÊU CỰC CỦA TỤC ĂN ĐẤT

Từ những điều phân tích nêu trên ta thấy tục ăn đất có nhiều căn nguyên và những tác dụng khác nhau, trong đó có tác dụng bổ sung vi chất dinh dưỡng cho cơ thể và giải độc thực phẩm. Tuy nhiên, theo cảnh báo của các nhà khoa học, việc ăn đất cũng tạo ra nguy cơ nhiễm những chất độc hại như As, Hg, Pb, Cd, U, Ra… cùng trứng giun và vi khuẩn gây bệnh nguy hiểm. Mặc dù khi trả lời phỏng vấn của báo chí hoặc ghi phiếu điều tra của các nhà khoa học về tình trạng sức khỏe, bệnh tật liên quan đến thói quen ăn đất, phần lớn những người "nghiện" đều cho rằng "không có biến cố gì xảy ra cả", nhưng những nhận định cảm tính như vậy không đủ sức biện hộ cho tính "vô hại" của loại “thực phẩm” này. Bởi vì có thể các loại đất ăn đã được lấy một cách có chọn lọc, tại những vị trí nhất định, trải qua kinh nghiệm thực tiễn lưu truyền từ thế hệ trước sang thế hệ sau, bảo đảm độ an toàn vệ sinh nên không xảy ra tai biến rõ rệt. Nhưng hiện nay, khi mà môi trường khắp nơi đang bị ô nhiễm nghiêm trọng bởi những tác nhân tự nhiên cũng như nhân tạo, khiến cho không có một nơi nào trên mặt đất, kể cả những vùng có "mỏ đất ăn" cổ truyền, còn giữ được sự tinh khiết nguyên thủy nữa thì không ai có thể đảm bảo tìm được một vị trí lấy đất ăn hoàn toàn tin cậy. Mặt khác, có thể "không có biến cố gì xảy ra" là do những độc tố có mặt trong đất ăn thuộc loại chất độc tích lũy (cumulative toxins) với hàm lượng thấp, chưa đủ gây ngộ độc cấp tính, rõ rệt. Nhưng qua sử dụng lâu dài, chúng tích lũy dần trong cơ thể, đến lúc vượt "ngưỡng" mới trở thành tác nhân gây bệnh. Trong trường hợp đó, chỉ có những nghiên cứu chuyên môn mới phát hiện được. Vì vậy, không nên khuyến khích việc sử dụng trực tiếp đất tự nhiên mà phải trải qua chế biến để loại trừ các chất độc hại. Thực tế trong y học, người ta đã bào chế ra những loại thuốc bằng nguyên liệu đất sét trắng, caolin, montmorillonit, bentonit, natron…, có pha trộn một số khoáng chất dinh dưỡng, vitamin, đường, sôcôla, hương liệu…, nén thành thỏi, viên hay đóng hộp bán ra thị trường dưới các nhãn hiệu: bicana (bicarbonat natri), alusi (alumosilicat), cholacol II, naturclay (Hình 7)… để đáp ứng nhu cầu của những người nghiện đất và chữa bệnh, chủ yếu là bệnh dạ dày (thừa dịch vị), đường tiết niệu, gan mật… Đó thực chất cũng là cách ăn đất "cải tiến".

V. KẾT LUẬN VÀ KIẾN NGHỊ

Tục ăn đất là một hiện tượng phức tạp và nhạy cảm. Mặc dù nó đã bắt nguồn từ thuở sơ khai của nhân loại và hiện còn phổ biến ở nhiều nơi trên thế giới nhưng đến nay vẫn bị xem là "chuyện lạ" và bị xã hội nhìn dưới con mắt kỳ thị. Thực ra đây chỉ là hiện tượng sinh học bình thường, biểu hiện sự thiếu hụt muối khoáng và vi chất dinh dưỡng của cơ thể, đòi hỏi phải bổ sung để đảm bảo nhu cầu sinh lý của con người cũng như động vật. Đồng thời nó cũng có thể là một tập tính di truyền, một nếp văn hóa trong sinh hoạt, giao tiếp hoặc một yếu tố tín ngưỡng - tâm linh. Do vậy tục ăn đất là đối tượng nghiên cứu của cả khoa học xã hội lẫn khoa học tự nhiên và vì thế trong việc nghiên cứu nó phải có cái nhìn khoa học và toàn diện, khách quan, tránh mọi thiên kiến, áp đặt. Tuy nhiên, cũng không nên khuyến khích hay bàng quan, do tục ăn đất cũng có mặt tiêu cực là có thể gây nhiễm độc, nhiễm khuẩn cho cơ thể. Để đảm bảo cho cả hai yêu cầu trên cần phải có sự nghiên cứu nghiêm túc. Vì lẽ đó việc mở một chương trình nghiên cứu về tục ăn đất ở nước ta, được thực hiện độc lập hoặc theo một đề tài nằm trong một chương trình rộng lớn hơn về địa chất y học là rất cấp thiết. Muốn đạt hiệu quả cao cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa các ngành khoa học hữu quan: địa chất, y tế, sinh học, sử học, dân tộc học… và các địa phương sở tại. Về phương diện địa chất học, với chức năng của mình, các nhà địa chất có thể đảm nhiệm việc nghiên cứu các vấn đề địa chất - khoáng vật, địa hóa môi trường, địa chất sinh thái, địa chất y học có liên quan với tục ăn đất bằng việc thực hiện các nhiệm vụ chuyên môn như:

- Tiến hành khảo sát thực địa, lấy và phân tích mẫu (đất đá, nước, thực vật, lương thực, thực phẩm…), tổng hợp xử lý tài liệu và lập bản đồ địa sinh thái, địa hóa môi trường, địa chất y học những địa phương có tục ăn đất.

- Nghiên cứu thành phần thạch học, hóa học, khoáng vật học của các loại đất đá được sử dụng để ăn hiện tại và tồn lưu trong các di chỉ khảo cổ.

- Tham gia cùng với các nhà sử học, dân tộc học, y học tìm hiểu đặc điểm của những người nghiện đất về giới tính, lứa tuổi, dân tộc, mức sống, trạng thái sức khỏe, bệnh tật, tập tục sinh hoạt, các loại lương thực thực phẩm chủ yếu thường sử dụng, chế độ dinh dưỡng… và so sánh với những người không ăn đất trong vùng.


Đất ngói Lập Thạch có tốt không

Hình 7. Thí dụ về các sản phẩm đất ăn hiện đang được sản xuất và tiêu thụ. Heilerde (healing soil) được bày bán ở Đức, vừa để ăn, vừa để bôi ngoài da. Các viên thuốc hình trụ được bán ở Kampala, Uganda [2].


- Dựa trên các kết quả nghiên cứu, giải thích mối liên hệ giữa môi trường địa chất - địa hóa với sức khỏe, bệnh tật và ảnh hưởng của tục ăn đất đến cơ thể người và động vật. Từ đó xác định nhận thức khoa học đúng đắn về tục này để đề xuất với các cơ quan chức năng có chủ trương thích hợp trong công tác quản lý về mặt văn hóa - xã hội cũng như sức khỏe cộng đồng liên quan với tục ăn đất.

VĂN LIỆU

1. Abrahams P.W., 1996. Geophagy in the tropics: A literature review. The Geogr. J., 162.

2. Abrahams P.W., 2003. Human geophagy: A review of its distribution, causes and implications. Geology and Health - Closing the Gap.OxfordUniv.Press. New York-Oxford.

3. Bowell R.J. et al., 1996. Formation of cave salts and utilisation by elephants in the Mount Elgon region,Kenya. Envir. Geoch. and Health. Ed. Appleton J.D. Published by the Geol. Soc. London.

4. Doãn Anh, 2005. Chuyện về những người nghiện đất. Báo An ninh thế giới, 443, Hà Nội.

5. Halsted J.A., 1968. Geophagia in man: Its nature and nutritional effects. The Amer. J. of Clin. Nutrition, 21.

6. Hunter J.A., 1973. Geophagy in Africa and theUnited States: A culture-nutrition hyphothesis. Geogr. Rev., 63.

7. Kiều QuýNam, 2007. Về đặc điểm thành phần khoáng vật của "đất để ăn" ở vùng Lập Thạch, Vĩnh Phúc. TC Địa chất, A/302. Hà Nội.

8. Lê Nhâm Tuyết, 1970. Về chế độ và phong tục hôn nhân thời Hùng Vương "Việc hôn nhân lấy gói đất làm đầu". Hội nghị lần thứ III về Hùng Vương dựng nước. Hà Nội.

9. Lê Văn Lan, 2004. Tại sao "Việc hôn nhân lấy gói đất làm đầu"? Báo Khoa học và Đời sống, 85/1698. Hà Nội.

10. Nguyễn Phúc Giác Hải, 2005. Người ăn những vật lạ. Báo Khoa học và Đời sống, 44/1763, Hà Nội.

11. Nguyễn Thùy Dương, Nguyễn Việt, 2005. Phân tích thạch học mẫu đá sét do người Mãng ăn và trong tầng văn hóa Hòa Bình. BC tại Hội thảo KH "Thói quen ăn đất đá ở ViệtNam- Hiện trạng và những kiến giải khoa học". Hà Nội.

12. Nguyễn Việt, Nguyễn Thùy Dương, 2005. Đá ăn trong văn hóa tiền sử ViệtNamvà văn hóa Đa Bút. BC tại Hội thảo KH "Thói quen ăn đất đá ở ViệtNam- Hiện trạng và những kiến giải khoa học”. Hà Nội.

13. Sheppard S.C, 1998. Geophagy: Who eats soil and where do possible contaminants go? Envir. Geol., 33/2-3.

14. Võ Công Nghiệp, 2002. Chứng "nghiện đất": Biểu hiện của sự thiếu vi chất dinh dưỡng. Thông tin KHKT ĐC. Loạt chuyên đề: Những vấn đề địa chất sinh thái. IV: Địa chất Y học. Hà Nội.

15. Võ Công Nghiệp, Dương Đức Kiêm, Trần Tân Văn, 2005. Tục ăn đất nhìn từ góc độ địa chất học. BC tại Hội thảo KH "Thói quen ăn đất đá ở ViệtNam- Hiện trạng và những kiến giải khoa học". Hà Nội.

16. Võ Công Nghiệp, Dương Đức Kiêm, Trần Tân Văn, Nguyễn Việt, 2005. Tục ăn đất - một đối tượng nghiên cứu của Địa chất Y học. Tuyển tập BC HNKH 60 năm Địa chất ViệtNam. Hà Nội.