Dạy con gái tuổi dậy thì như thế nào

Trang chủ / Sống Khoẻ / Bệnh tâm lý khác / Tính Cách Tâm Lý Con Gái Ở Tuổi Dậy Thì Cha Mẹ Cần Quan Tâm

Tính Cách Tâm Lý Con Gái Ở Tuổi Dậy Thì Cha Mẹ Cần Quan Tâm

Nguyễn Thủy 15:27 - 05/10/2021

Đánh giá bài viết

5 / 5 ( 1 bình chọn )

Tính cách tâm lý con gái ở tuổi dậy thì bắt đầu có sự thay đổi lớn, theo hướng tiêu cực hay tích cực chính là hoàn toàn dựa vào sự hỗ trợ và quan tâm của gia đình. Các nữ sinh lúc này trở nên nhạy cảm hơn, ngại ngùng hơn, ít chia sẻ hơn nên cũng thường xuyên có những xung đột với cha mẹ vì cả hai không hiểu nhau. Cha mẹ không nắm bắt kịp thời về sự thay đổi của con ở giai đoạn này sẽ rất dễ làm cô công chúa nhỏ rơi vào khủng hoảng tâm lý và dần xa cách với gia đình hơn.

Tính cách tâm lý con gái ở tuổi dậy thì thay đổi như thế nào?

Con gái khi bước vào tuổi dậy thì thường có rất nhiều các dấu hiệu thay đổi rõ rệt về cả ngoại hình và tâm lý. Lúc này trẻ bắt đầu có kinh nguyệt, cao nhanh hơn, bắt đầu có những đường cong của cơ thể ra dáng một thiếu nữ trưởng thành. Da mặt trẻ cũng bắt đầu xuất hiện mụn trứng cá và cũng bắt đầu chú ý đến ngoại hình nhiều hơn.

Tính cách tâm lý con gái ở tuổi dậy thì có rất nhiều sự thay đổi và dễ dẫn đến khủng hoảng

Không chỉ thay đổi lớn về ngoại hình, bé cũng có thể thay đổi 180 độ về mặt tính cách, tâm lý. Từ một cô bé suốt ngày luyên thuyên với cha mẹ có thể trở nên ít nói hơn hay ngược lại con có thể có xu hướng nổi loạn hơn. Đây là một trong những thời điểm rất đặc biệt của bé gái và cần có sự đồng hành của cha mẹ để tránh tình trạng khủng hoảng tâm lý. Vậy tính cách tâm lý con gái ở tuổi dậy thay đổi như thế nào?

Trưởng thành và tự lập hơn trong suy nghĩ

Các bé gái thường có xu hướng dậy thì lớn hơn bé trai 1- 2 năm, bởi vậy ở những trẻ 13 14 tuổi trở lên chúng ta thường thấy những bé gái thường có những suy nghĩ trưởng thành, chín chắn và người lớn hơn các bé nam. Bước vào tuổi dậy thì các con người nghĩ rằng mình đã trở thành người lớn nên thường muốn được độc lập, không thích sống trong khuôn khổ mà cha mẹ đề ra, thường miễn cưỡng hoặc chống lại những lời cha mẹ nói.

Tính cách tâm lý con gái ở tuổi dậy thì thay đổi theo hướng trưởng thành hơn trong suy nghĩ với mong muốn được làm chủ cuộc đời mình. Chẳng hạn bé không muốn cha mẹ vào phòng riêng của mình, muốn được đi chơi về muộn hơn. Các công việc chăm sóc cá nhân cơ bản con cũng bắt đầu dần tự thực hiện mà không cần đến sự giúp đỡ của cha mẹ. Con cũng cố gắng tách mình khỏi cha mẹ để khám phá thế giới mà con cho là tự do và thoải mái hơn trước kia.

Sự độc lập của trẻ dậy thì còn thể hiện ở mặt con luôn mong muốn được thể hiện chính mình. Chẳng hạn trong một cuộc tranh luận với cha mẹ con sẽ làm mọi cách để thể chứng minh mình đúng. Trước mặt các bạn nhất là khi có bạn khác giới sẽ thể hiện mình thông minh hơn, trưởng thành hơn và chê cách bạn trẻ con. Tất cả đề nhằm mục đích thể hiện cái tôi, chứng minh cho mọi người thấy con là người lớn, không còn là trẻ con.

Tính cách tâm lý con gái ở tuổi dậy thì hay né tránh cha mẹ

Hầu hết ở các gia đình khi có con gái đang ở tuổi dậy thì thường rất dễ có những xung đột giữa cha mẹ và con cái. Suy nghĩ của hai bên hoàn toàn đối lập nhau bởi con dù lớn bao nhiêu thì trong mắt cha mẹ vẫn luôn là một đứa trẻ, huống hồ gì độ tuổi dậy thì của con gái là trong khoảng 13 14 tuổi. Cha mẹ sẽ không thể nào an tâm hoặc đặt hết sự tin tưởng vào con, để con được tự do thoải mái như con mong muốn.

Ở tuổi dậy thì, con thường có hướng không muốn trò chuyện hoặc không muốn nghe cha mẹ nói

Trong khi đó, các bé gái lúc này lại rất muốn được cha mẹ tôn trọng quyền riêng tư, không can thiệp quá sâu vào việc suy nghĩ, học tập hay bất cứ việc nào khác của mình. Con cũng có xu hướng ít nói chuyện với cha mẹ hơn, thường xuyên ở trong phòng 1 mình thay vì ra ngoài trò chuyện cười đùa với gia đình như trước. Một số trẻ có xu hướng nổi loạn hơn, nếu không được như ý muốn sẽ cãi lại cho mẹ hay không thèm trả lời cha mẹ.

Những xung đột nhỏ dần hình thành một khoảng cách vô hình giữa con cái và cha mẹ. Việc cha mẹ càng la mắng, giảng dạy con lại càng khiến bé nổi loạn hơn, không muốn nghe bởi chính lúc này con cũng chưa hiểu hết được việc mình nói hay giá trị của sự răn dạy của cha mẹ mà chỉ nghĩ rằng gia đình muốn kiểm soát, hay kìm kẹp mình. Bởi thế cha mẹ phải thật khéo léo với con ở giai đoạn bé dậy thì.

Tính khí thay đổi thất thường

Tính cách tâm lý con gái ở tuổi dậy thì trở nên nhạy cảm hơn, bướng bỉnh hơn, dễ khóc hơn nói chung cảm xúc của con thay đổi rất thất thường. Đôi khi những trách cứ rất nhẹ nhàng của cha mẹ cũng cũng khiến con cảm thấy tủi thân và bật khóc. Cũng có những lúc con trở nên cực kỳ kích động, sẵn sàng tranh cãi bằng được với cha mẹ mặc dù trước đó con hoàn toàn không phải một người như thế.

Mặt khác những áp lực từ việc học hành, những suy nghĩ lớn dần trong con nhưng lại không được giải đáp, trạng thái chiến tranh lạnh với cha mẹ cũng là yếu tố khiến con trở nên nhạy cảm dễ xúc động hơn. Sau những cuộc tranh cãi với cha mẹ, trẻ có phần xa cách và ăn nói ương ạnh hơn nhưng thực tế có thể con vẫn biết lỗi, chỉ là không biết nên làm thế nào. Nếu lúc này cha mẹ vẫn tiếp tục trách móc thay vì giảng giải cho con sẽ càng đẩy các mâu thuẫn lên cao.

Tính cách tâm lý con gái ở tuổi dậy thì bắt đầu chăm chút bản thân hơn

Trẻ nữ ở tuổi dậy thì bắt đầu quan tâm đến bản thân rất nhiều, nhận thức được mình đã trở thành một thiếu nữ nên điệu đà và chăm chút cho bản thân hơn rất nhiều. Trẻ biết cách làm dáng, muốn mặc đồ đẹp, tìm hiểu về trang điểm, muốn nhịn ăn để giảm cân.. Trẻ bắt đầu tìm hiểu về cơ thể mình hoặc so sánh với các bạn nhưng vẫn cảm thấy ngại ngùng hay tự ti về cơ thể của mình nên thường buồn rầu.

Con dần chú ý đến ngoại hình hơn, luôn muốn xinh đẹp trong mắt người khác

Đặc biệt trong thời đại công nghệ hiện đại lên ngôi như hiện nay, bất cứ trẻ nào cũng có thể lên mạng và tìm hiểu về cơ thể của bản thân. Trẻ dù chỉ mới 13 , 14 tuổi nhưng đều đã biết dùng son môi, biết trang điểm điều này bây giờ là rất bình thường. Cha mẹ lúc này nếu cấm cản con làm đẹp sẽ dễ làm gia đình xa cách hơn, thay vào đó mẹ có thể vào vị trí một người bạn để tư vấn giúp con theo phong cách nào, trang điểm như thế nào sẽ hợp lý hơn.

Trẻ muốn mở rộng mối quan hệ, biết cảm nhận những tình cảm khác lạ trong trái tim

Ở tuổi dậy thì, các bé sẽ thích chơi thành các nhóm bạn, thích mặc đồ nhóm, thích sử dụng các đồ giống nhau. Hầu hết con đều có những người bạn thân thiết để chia sẻ bất cứ vấn đề nào khó khăn của mình thay vì kể cho cha mẹ nghe như trước. con cũng thích so sánh bản thân với những người bạn mình, muốn được diện đồ đẹp, đồ mới như các bạn và cố gắng làm nũng cha mẹ để đạt được như ý muốn.

Đồng thời, một trong những tính cách tâm lý con gái ở tuổi dậy thì chính là bắt đầu để ý đến những người bạn khác giới. Con dần cảm nhận được những bất thường nào đó khi có một bạn nam nào đó mà con thích tiến đến gần, chẳng hạn như tim đập nhanh hơn, đỏ mặt, ngại ngùng xấu hổ khi đứng gần bạn nhưng lại thấy rất vui vẻ. Trẻ bắt đầu có những rung động đầu đời vô cùng trong sáng và dễ thương.

Những rung cảm đầu đời cũng dần xuất hiện

Bên cạnh những rung động đầu đời thì các con cũng bắt đầu có những thử nghiệm về hẹn hò, nếu giận hờn nhau cũng thể hiện rất rõ ra bên ngoài. Đặc biệt như đã nói, trẻ hiện nay có xu hướng dậy thì sớm, hiểu biết nhiều hơn dưới thông qua sự phát triển của internet. Bởi thế dù với chỉ trong 15 , 16 tuổi không ít trẻ đã quan hệ tình dục. Gia đình và nhà trường cần là công tác về giáo dục giới tính từ sớm cho con để phòng tránh những trường hợp đáng tiếc xảy ra do con không biết bảo vệ bản thân.

Cha mẹ cần làm gì để đối phó với sự thay đổi tính cách tâm lý con gái ở tuổi dậy thì

Trong mỗi giai đoạn của đời, cha mẹ luôn đóng vai trò rất lớn trong việc giúp đỡ, chăm sóc và đồng hành cùng con để vượt qua giai đoạn khó khăn này. Ở thời điểm đầu của tuổi dậy thì con luôn nghĩ mình đã trưởng thành nhưng thực tế con vẫn chỉ là một cô bé vô cùng ngay thơ và trong sáng. Việc cha mẹ quan tâm hay đưa con vào khuôn khổ dù chỉ mang mục đích mang đến những điều tốt đẹp nhất cho con nhưng nếu không khéo léo sẽ chỉ khiến con cảm thấy gò bó nhiều hơn.

Bên cạnh đó, tỷ lệ trẻ dậy thì bị khủng hoảng tâm lý tuổi dậy thì và dẫn đến các vấn đề nghiêm trọng như trầm cảm, rối loạn lo âu hiện nay là rất cao. Nguyên nhân là bởi con đứng trước quá nhiều sự thay đổi trong cơ thể, suy nghĩ, cuộc sống nhưng lại không thể chia sẻ, không có ai giải đáp kết hợp với những áp lực từ học tập, bạn bè khiến tinh thần bé ngày càng kéo xuống. Đặc biệt với những tâm hồn nhạy cảm và mỏng manh của các bé gái nên càng dễ xảy ra tình trạng này.

Vậy phụ huynh nên làm gì để ứng phó với những thay đổi về tính cách tâm lý con gái ở tuổi dậy thì?

Lắng nghe và tôn trọng con là cách ứng phó với sự thay đổi tính cách tâm lý con gái ở tuổi dậy thì

Không chỉ với bé gái mà bé trai hay bất cứ đứa trẻ nào cũng luôn mong muốn rằng cha mẹ sẽ lắng nghe và tôn trong những mong muốn của mình. Tính cách tâm lý con gái ở tuổi dậy thì thường nhạy cảm hơn nên con sẽ thường phản ứng mạnh mẽ hơn. Bởi thế ở giai đoạn này để tránh tối đa những xung đột, mâu thuẫn có thể xảy ra làm tình cảm gia đình ngày càng xa cách.

Lắng nghe và tôn trọng luôn là những điều phụ huynh cần sớm thực hiện

Để xử lý tình huống này, cha mẹ cũng cần phải học cách lắng nghe ý kiến, suy nghĩ của con. Trước bất cứ vấn đề nào có liên quan tới trẻ, phụ huynh cũng nên thông báo hoặc hỏi qua ý kiến của con. Điều này sẽ giúp con cảm thấy được rằng cha mẹ tin tưởng mình, cảm thấy mình được tôn trọng. Đôi khi không phải lúc nào cha mẹ cũng đúng và việc lắng nghe ý kiến của con cũng là một cách dạy con chịu trách nhiệm với những lời nói, suy nghĩ của mình.

Nếu bé có những ý nghĩ, tư tưởng sai lệch thì việc con nói ra cũng giúp phụ huynh phát hiện và điều chỉnh kịp thời trước khi nó choán lấy hoàn toàn tâm lý của con. Phụ huynh hãy nhẹ nhàng phân tích các mặt đúng sai để con thực sự tâm phục khẩu phục thay vì luôn ép buộc con phải làm theo ý kiến của mình.

Hướng dẫn con chọn nội y

Khi cơ thể ngày càng phát triển hơn, mẹ không thể để bé tiếp tục diện các loại đồ lót trước đó. Con đôi khi cũng rất ngại chia sẻ với cha mẹ trong những vấn đề này, vì vậy người mẹ cần phải chủ động hướng dẫn con làm thế nào để lựa chọn trang phục cho phù hợp.

Hãy giải thích cho con hiểu những thay đổi trong cơ thể mang ý nghĩa gì và giúp con vượt qua những khủng hoảng về những thay đổi này. Hướng dẫn con chọn những trang phục phù hợp với cơ thể nhưng cũng không nên quá lộ liễu để tránh tình trạng con bị bạn bè trêu chọc khi con phổng phao hơn hẳn. Mẹ cũng có thể tặng cho bé một bộ nội y thật đẹp giống như một món quà cho một giai đoạn mới của cuộc đời, để con tự hào về chính mình thay vì cảm thấy ngại ngùng, xấu hổ.

Ứng phó với chu kỳ kinh nguyệt

Thực tế thì hầu hết các bé gái hiện nay đều đã hiểu và biết rõ về chu kỳ kinh nguyệt, biết phải làm gì hay sử dụng băng vệ sinh thế nào. Tuy nhiên con sẽ chưa lường trước được việc những ngày kinh xuất hiện bất chợt, lượng kinh ra nhiều có thể bị trào hay việc vệ sinh không đảm bảo có thể gây viêm nhiễm vùng kín hay những cơn đau quặn bụng cực kỳ khó chịu.

Bởi thế mẹ cần giải thích thật kỹ cho con về những vấn đề này chu kỳ kinh kéo dài bao lâu, nếu đau bụng thì nên làm gì, vệ sinh thế nào.. Mẹ cũng âm thầm quan sát để đảm bảo chu kỳ kinh nguyệt diễn ra bình thường và nhắc con hãy báo cho cha mẹ nếu có bất cứ vấn đề nào bất thường.

Giáo dục về giới tính, tình dục cho bé gái từ sớm

Trẻ nhỏ thường rất tò mò cùng với sự phát triển của phim ảnh hay internet chưa phù hợp với lứa tuổi hay bị dụ dỗ khiến những trẻ dậy thì, trẻ vị thành niên có xu hướng quan hệ tình dục từ rất sớm. Nếu không biết cách bảo vệ bản thân thì người thiệt nhiều hơn vẫn luôn là các bé gái, ảnh hưởng đến cả sức khỏe, tinh thần và tương lai của con nếu vô tình mang bầu.

Phụ huynh cần giáo dục giới tính, dạy con cách bảo vệ bản thân từ sớm

Phụ huynh thường luôn cho rằng con mình còn rất nhỏ và cũng thường ngại ngùng nói về giáo dụng giới tính. Giáo dục Việt Nam hiện cũng chưa chú trọng các vấn đề này. Bởi thế chính gia đình cần chính là người giúp con hiểu về những vấn đề này, đặc biệt với các bé gái. Mẹ có thể trò chuyện với con hoặc mua cách sách về vấn đề giáo dục giới tính để con đọc và hiểu hơn. Mặt khác cũng cần dạy con cách giữ khoảng cách và bảo vệ bản thân mình trước những bạn bè khác giới, kể cả khi có tình cảm.

Dành thời gian trò chuyện với con mỗi ngày

Dù cha mẹ có bận rộn thế nào hay con có từ chối chia sẻ với cha mẹ ra sao thì phụ huynh cũng nên kiên trì cố gắng nói chuyện, kết nối và trò chuyện với con. Hãy tạo thói quen chia sẻ, trò chuyện với con ngay từ khi con còn nhỏ để bé cảm thấy việc nói chuyện với cha mẹ thoải mái hơn, không ngại chia sẻ. Tâm lý trẻ dậy thì rất rối rắm vì vậy phụ huynh cần sớm định hướng, đưa con trở lại đúng đường thay vì làm con cảm thấy lạc lõng giữa một ngã rẽ tối tăm.

Mỗi ngày hãy hỏi bé rằng ngày hôm nay của con thế nào, có gì muốn kể chuyện cho cha mẹ hay không. Hoặc phụ huynh cũng có thể hỏi con về những mục đích ở tương lai để giúp con có định hướng phát triển sớm hơn. Nếu thấy con không vui, buồn phiền mẹ có thể trò chuyện riêng trong phòng để con thấy thoải mái hơn thay vì nói chuyện trên bàn ăn. Nếu con phạm lỗi hãy để con sửa chữa thay vì cứ chì chiết quá nhiều.

Giúp con tự tin về chính mình

Bất cứ ai cũng có nhu cầu làm đẹp và các bé gái lại càng không ngoại lệ. Hầu hết học sinh cấp hai, cấp 3 hiện nay đều biết trang điểm, son môi hay diện những trang phục xinh đẹp.. Thay vì cấm cản và cho rằng nó là không phù hợp thì mẹ hãy tư vấn con nên làm thế nào cho phù hợp với môi trường học tập, định hướng phong cách phù hợp với lứa tuổi thay vì những trang phục quá hở hang.

Hãy giúp con làm đẹp và tỏa sáng bản thân hơn trong mắt người khác

Hãy giúp con tự tin vào bản thân mình, khiến bản thân tỏa sáng và nổi bật hằng chính tâm hồn, năng lực của bản thân thay vì vẻ bề ngoài. Bởi tính cách và tâm hồn mới là thứ khiến người khác công nhận và nhớ con lâu dài một cách tích cực thay vì chỉ nhìn nhận con như một cô bé đỏm dáng xinh đẹp nhưng lại chẳng hiểu biết gì.

Những thay đổi về tính cách tâm lý con gái ở tuổi dậy thì rất khó đoán, bởi còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố như gia đình, nhà trường, bạn bè hay môi trường xung quanh. Nhưng dù thay đổi theo hướng nào thì cha mẹ vẫn chính là ánh đèn soi sáng giúp định hướng và đưa con về con đường đúng đắn nhất. Bởi thế gia đình cần luôn quan tâm và chăm sóc đời sống tinh thần của con khi bé đến tuổi dậy thì.

Tham khảo thêm:

  • Cha mẹ cần làm gì khi con bước vào giai đoạn tuổi dậy thì
  • Những thay đổi tâm lý ở tuổi dậy thì của con trai cha mẹ nên biết
  • Tự dằn vặt bản thân có phải bệnh? Nguyên nhân và cách vượt qua

Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!

Hủy trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Nội dung bình luận

Lưu tên của tôi, email, và trang web trong trình duyệt này cho lần bình luận kế tiếp của tôi.

Tổng đài tư vấn
096 589 8008
Gửi câu hỏi tư vấn
Họ tên
Số điện thoại
Câu hỏi tư vấn
Gửi câu hỏi

Video liên quan

Chủ đề