Đây là nguồn hàng nhập khẩu chủ yếu của châu Phi

Hiện nhu cầu về hàng tiêu dùng thời trang ở Châu Phi đang tăng lên, nhưng chưa có nhiều doanh nghiệp và người tiêu dùng tại đây biết đến các sản phẩm thời trang đa dạng của Việt Nam. Đây chính là thách thức nhưng cũng là cơ hội cho doanh nghiệp Việt khai phá.

Tại nhiều nước Châu Phi, ngành công nghiệp dệt may còn chưa phát triển dù có nguồn bông nguyên liệu dồi dào. Với dân số và thu nhập của người dân Châu Phi ngày càng tăng, lục địa này sẽ trở thành một thị trường tiêu thụ đầy triển vọng cho mặt hàng dệt may, da giày do thu nhập của người dân được cải thiện, gu thẩm mỹ và sở thích thời trang đa dạng.

Tại Hội nghị giao thương trực tuyến sản phẩm thời trang Việt Nam - Châu Phi 2022 diễn ra vào ngày 14-15/4, ông Mohamed Kassem - Chủ tịch Hiệp hội các nhà xuất khẩu Ai Cập bày tỏ mong muốn Việt Nam và các nước Châu Phi sẽ hợp tác để cùng tạo ra các trung tâm thời trang lớn, thu hút nhiều các doanh nghiệp thời trang tham gia.

"Doanh nghiệp Việt Nam và Ai Cập đã có những cơ hội hợp tác song phương. Đặc biệt, Ai Cập có lợi thế về thương mại với những quốc gia khác ở Châu Phi, hưởng lợi ích từ FTA với Châu Âu cũng như FTA giữa Việt Nam và EU (EVFTA). Điều này tạo ra điểm tiếp cận thị trường rất tốt cho các doanh nghiệp Việt," ông Kassem nhận định.

Nhiều dư địa nhưng vẫn hạn chế về triển vọng xuất khẩu

Trước bối cảnh ngành dệt may phải đối mặt với rất nhiều khó khăn do ảnh hưởng từ dịch bệnh, cũng như tình hình thế giới có nhiều chuyển biến lớn tác động đến nền kinh tế toàn cầu gây ảnh hưởng tới quá trình sản xuất tại các doanh nghiệp, ông Kassem cho biết, sản lượng ngành sản xuất và dịch vụ tại Ai Cập trong đó có ngành dệt may đã sụt giảm rất mạnh trong thời gian qua.

Cũng như tại Việt Nam, hiện nay Ai Cập đang hướng đến sự phục hồi, điều chỉnh để thích ứng với tình hình mới. Ai Cập đã thực hiện các chính sách thúc đẩy hỗ trợ doanh nghiệp, đặc biệt là ngành dệt may, để tạo ra các trung tâm - nơi hội tụ sự hợp tác giữa các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh với nhau.

"Hiện nay, các doanh nghiệp Trung Quốc, Ấn Độ đã mở nhiều cửa hàng ở Ai Cập, thông qua đó tiếp cận các quốc gia khác ở Châu Phi. Tôi hy vọng rằng các doanh nghiệp Việt Nam tiếp tục khai thác cơ hội này để tiếp cận thị trường," ông Kassem bày tỏ.

Theo số liệu của Tổng cục Hải quan Việt Nam, kim ngạch trao đổi thương mại giữa Việt Nam và thị trường Châu Phi đã phát triển từ 2,5 tỷ USD vào năm 2010 lên 6,25 tỷ USD vào năm 2020.

Tuy nhiên đến năm 2021, đại dịch Covid-19 gây nên các đợt giãn cách kéo dài làm ảnh hưởng đến tình hình xuất nhập khẩu hàng dệt may, nên mặc dù kim ngạch trao đổi thương mại giữa Việt Nam và Châu Phi tăng trưởng với kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang các nước Châu Phi ghi nhận 3,36 tỷ USD, xuất khẩu từ Châu Phi sang Việt Nam đạt 4,71 tỷ USD, nhưng xuất nhập khẩu hàng dệt may giữa Việt Nam và Châu Phi lại giảm so với những năm trước.

Trong đó, nhập khẩu dệt may của Việt Nam vào Châu Phi chỉ đạt 50 triệu USD, giảm 5,2% so với năm 2021 và xuất khẩu từ Châu Phi sang Việt Nam đạt 10 triệu USD, giảm 17% so với cùng kỳ.

Dù vẫn có những tăng trưởng đáng kể, nhưng theo Phó Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại - ông Lê Hoàng Tài, mối quan hệ thương mại giữa Việt Nam và các nước khu vực Châu Phi vẫn chưa tương xứng với kỳ vọng, đặc biệt là đối với lĩnh vực ngành may mặc, thời trang.

Hiện nay, nhu cầu hàng hóa, trong đó có các mặt hàng tiêu dùng thời trang ở Châu Phi đang tăng lên. Tuy nhiên, chưa có nhiều doanh nghiệp, người tiêu dùng khu vực Châu Phi biết đến các sản phẩm thời trang đa dạng của Việt Nam.

Đây là nguồn hàng nhập khẩu chủ yếu của châu Phi

Ngành sản xuất dệt may và da giày tại Việt Nam rất phát triển, đáp ứng được nhiều đơn hàng lớn với mức độ yêu cầu cao từ nhiều phân khúc thị trường trên thế giới, nhưng mức độ cung ứng cho thị trường khu vực Châu Phi chỉ chiếm số lượng và kim ngạch hết sức hạn chế.

Phó Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại - ông Lê Hoàng Tài

Tìm kiếm cơ hội mở rộng thị trường xuất nhập khẩu cho cả 2 bên

Nhìn nhận về thị trường Ai Cập, ông Nguyễn Duy Hưng - Trưởng Thương vụ Việt Nam tại Ai Cập cho biết, đây là thị trường hết sức tiềm năng cho các doanh nghiệp Việt Nam đầu tư cũng như tăng xuất khẩu. Các doanh nghiệp có thể mạnh dạn đầu tư vào Ai Cập và đầu tư sang thị trường này sẽ thuận lợi hơn nhiều nếu so sánh với Nigeria.

Tuy nhiên, Ai Cập vẫn tồn tại một số rào cản như phi thuế quan, thuế xuất khẩu các mặt hàng dệt may ở mức khá cao khoảng 40%, giày dép lên tới 60%. Trong khi Việt Nam rất khó cạnh tranh với hàng Trung Quốc giá rẻ, các hàng xuất khẩu chất lượng từ Châu Âu và trong khu vực họ có các FTA.

Với những rào cản, Thương vụ sẵn sàng chia sẻ và hỗ trợ các thông tin với doanh nghiệp Việt tìm hướng đi khác tại thị trường Ai Cập nói riêng cũng như Châu Phi nói chung.

Đây là nguồn hàng nhập khẩu chủ yếu của châu Phi

Các cơ sở kinh doanh sản xuất tại Châu Phi được đầu tư nhà máy, nhân công, điện, giá thành rất tốt. Qua đây, tôi khuyên các doanh nghiệp Việt Nam mạnh dạn sang Ai Cập tìm kiếm cơ hội đầu tư, để từ đây có thể xuất khẩu sang các nước khác trong khu vực Châu Phi.

Trưởng Cơ quan thương Vụ Việt Nam tại Ai Cập - Nguyễn Duy Hưng

Đánh giá chung về cơ hội hợp tác kinh doanh và đầu tư với ngành thời trang Việt Nam trong bối cảnh mới, bà Nguyễn Thị Tuyết Mai - Phó Tổng thư ký Hiệp hội Dệt may Việt Nam (VITAS) cho biết, với 55 quốc gia và dân số hơn 1,2 tỷ người, kinh tế khu vực Châu Phi tăng trưởng nhanh trong những năm gần đây kéo theo nhu cầu tiêu dùng cũng tăng theo.

Hiện nay, Việt Nam đã tham gia nhiều hiệp định FTA trên thế giới và trong khu vực, vì vậy khi các doanh nghiệp Châu Phi đầu tư vào Việt Nam sẽ có nhiều cơ hội để hưởng lại về thuế. Bên cạnh đó, Việt Nam đã thực hiện nhiều chương trình cải cách thủ tục hành chính, đẩy mạnh Chính phủ điện tử, chính sách ưu đãi cho các doanh nghiệp FDI.

Đây là nguồn hàng nhập khẩu chủ yếu của châu Phi

Việt Nam muốn hợp tác cùng các nước Châu Phi trong lĩnh vực sản xuất vải (Ảnh minh hoạ)

"Trước giờ Việt Nam nhập khẩu chủ yếu vải từ Trung Quốc và đang dần tiến tới nội địa hoá để hưởng lợi theo các quy tắc xuất xứ từ các FTA. Do đó, chúng tôi kêu gọi các doanh nghiệp Châu Phi sẽ đầu tư vào Việt Nam trong lĩnh vừa sản xuất vải để hưởng nhiều lợi nhuận cũng như tăng cường hợp tác dài lâu," bà Mai chia sẻ.

Đại diện Hiệp hội Dệt may VITAS cũng bày tỏ mong muốn các doanh nghiệp châu Phi tham gia đầu tư vào các công đoạn trong chuỗi sản xuất xanh, bền vững các sản phẩm thời trang của Việt Nam để cùng hợp tác, phát triển. Ngược lại, các doanh nghiệp dệt may Việt Nam cũng có thể tăng nhập khẩu bông nguyên liệu từ Tây Phi, Trung Phi... và nghiên cứu đầu tư sản xuất tại các nước châu Phi để tận dụng lợi thế về nguồn nguyên liệu của những nước này.

"Với lượng bông Việt Nam đang nhập từ Tây và Trung Phi, tôi nghĩ sắp tới nếu có cơ hội hợp tác tốt thì chúng ta vẫn có thể tăng cường lượng bông đang nhập từ Châu Phi để Việt Nam cũng như châu lục này có sự hợp tác win - win", bà Mai chia sẻ.

Dù tiềm năng xuất khẩu hàng hoá của Việt Nam sang thị trường Châu Phi được đánh giá còn lớn, nhưng các chuyên gia cũng như đại diện thương vụ Việt Nam tại nhiều quốc gia Châu Phi khuyến cáo: doanh nghiệp Việt Nam cần thận trọng trong giao thương với đối tác Châu Phi. Tình trạng lừa đảo trong giao dịch đã xảy ra, đối tượng chấp nhận bất cứ giá chào hàng nhập khẩu nào từ doanh nghiệp Việt Nam hoặc đối tượng chào hàng xuất khẩu sang Việt Nam với giá thấp sau đó yêu cầu trả một khoản phí/ đặt cọc rồi chiếm dụng…

Ngoài ra, trong hợp tác với doanh nghiệp Châu Phi, doanh nghiệp Việt Nam cần quan tâm tới tập quán kinh doanh, thời gian, đặc biệt là ngôn ngữ để có thể điều chỉnh kế hoạch cho phù hợp.

Châu Phi - thị trường tiềm năng

Châu Phi nằm trên tuyến đường giao thông quốc tế từ đông sang tây, nối Đại Tây Dương với Ấn Độ Dương, nối châu Á với châu Âu và có ý nghĩa chiến lược quan trọng. Châu Phi là lục địa có trữ lượng lớn nhiều nguồn tài nguyên thiên nhiên phong phú nhưng vẫn được coi là lục địa nghèo nhất thế giới.

Thời gian qua, Châu Phi được biết đến khi đang ở vào giai đoạn phát triển kinh tế tốt nhất trong bối cảnh các nước công nghiệp phát triển phải đối mặt với cơn bão suy thoái kinh tế trầm trọng nhất trong 30 năm qua - Châu Phi vẫn có thể hy vọng đạt mức tăng trưởng GDP 4,9% trong năm 2009 và đang trở thành một thị trường đầy triển vọng đối với các nhà đầu tư. Kinh tế Châu Phi trong thời gian tới vẫn có khả năng duy trì đà tăng trưởng mạnh, do nhu cầu của thế giới đối với các mặt hàng nguyên liệu của châu lục. Bên cạnh đó, các dự án viện trợ, các chương trình cắt giảm nợ cho Châu Phi của các nước phát triển vẫn tiếp tục được duy trì đã góp phần tạo điều kiện để kinh tế Châu Phi phát triển.

Mặc dù vậy, hiện các nước Châu Phi, do sự gắn kết của thị trường tài chính của các nước này với thị trường tài chính thế giới còn tương đối lỏng lẻo nên tác động trực tiếp của cuộc khủng hoảng đối với kinh tế của các nước Châu Phi là không lớn. Cuộc khủng hoảng kinh tế thế giới hiện nay được cho là không ảnh hưởng nhiều đến nhu cầu nhập khẩu của Châu Phi, lý do là các nước này chủ yếu nhập khẩu các mặt hàng thiết yếu như nhiên liệu và lương thực, thực phẩm. Mặc dù vậy, khả năng thanh toán của các nước Châu Phi sẽ bị ảnh hưởng bởi sự suy giảm nguồn ngoại tệ thu được từ xuất khẩu, đầu tư nước ngoài, viện trợ và kiều hối.

Theo ông Lê Dương Quang, Thứ trưởng Bộ Công Thương, thị trường Châu Phi với dân số lớn, đều là những nước đang hoặc chậm phát triển nên nhu cầu nhập khẩu rất lớn - gần 200 tỷ USD/năm, cơ cấu nhập khẩu đa dạng, nhìn chung phù hợp với cơ cấu xuất khẩu của Việt Nam như máy móc thiết bị phục vụ sản xuất, các sản phẩm điện, điện tử, cơ khí, các sản phẩm công nghệ cao đến các mặt hàng thiết yếu phục vụ đời sống nhân dân như hàng dệt may, thực phẩm, dược phẩm, hàng tiêu dùng…

Cũng theo đánh giá của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), ước tính thương mại của Châu Phi sẽ chỉ tăng khoảng 3% trong năm 2009. Tuy nhiên, đây là con số khả quan so với sự suy giảm 10% của thương mại toàn cầu.

Được biết, một trong những yếu tố quan trọng khiến kinh tế Châu Phi tăng trưởng mạnh trong những năm qua là giá dầu và các tài nguyên khác như vàng, bạch kim, quặng sắt... tăng vọt. Trong khi kinh tế châu Á, châu Âu luôn gặp khó khăn vì khan hiếm và giá nguyên, nhiên liệu tăng cao thì Châu Phi thu được nhiều lợi nhuận nhờ xuất khẩu nguyên liệu thô. Do có thu nhập lớn từ xuất khẩu nguyên liệu, các nước Châu Phi đã có thêm vốn đầu tư, đẩy mạnh phát triển kinh tế.

Cơ hội nào cho hàng xuất khẩu Việt Nam ?

Việt Nam hiện có quan hệ ngoại giao với 48/53 nước Châu Phi, đã mở 07 cơ quan đại diện ngoại giao tại Ai Cập, Algeria, Lybia, Angola, Nam Phi, Tandania, Marocco và Nigeria và 5 thương vụ tại Ai Cập, Algeria, Nam Phi, Marocco và Nigeria. Được biết, năm 2008, xuất khẩu của Việt Nam sang Châu Phi có bước phát triển nhanh, đạt 1,33 tỷ USD, tăng 95% so với năm 2007. Đây là lần đầu tiên xuất khẩu của Việt Nam sang Châu Phi vượt mốc 1 tỷ USD.

Hiện tại, kim ngạch buôn bán Việt Nam - Châu Phi tăng trưởng nhanh, năm 2007 đạt 684 triệu USD, tăng 12% so với năm 2006. Năm 2008, Việt Nam xuất khẩu sang Châu Phi trị giá hơn 1,33 tỷ USD và nhập khẩu 756 triệu USD, tăng 95% so với năm 2007. Tổng giá trị trao đổi thương mại với Châu Phi trong năm 2009 phấn đấu đạt 2,5 tỷ USD và đạt 3 tỷ USD vào năm 2010, trong đó, mức tăng trưởng xuất khẩu đạt 20% mỗi năm.

Về cơ cấu mặt hàng xuất khẩu, gạo tiếp tục là mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam sang Châu Phi, đạt kim ngạch 587 triệu USD, chiếm 44% tổng kim ngạch xuất khẩu. Bên cạnh đó, ngoài các mặt hàng xuất khẩu truyền thống như hàng dệt may 99 triệu USD, cà phê 86 triệu USD, giày dép 37 triệu USD, hạt tiêu 32 triệu USD... đã xuất hiện thêm một số mặt hàng có kim ngạch lớn khác như hàng hải sản 85 triệu USD, máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện 41 triệu USD, sắt thép 34 triệu USD, săm lốp 22 triệu USD... (xem biểu đồ dưới)

  Cơ cấu các mặt hàng xuất khẩu chính sang Châu Phi

Hiện nay, các mặt hàng xuất khẩu sang Châu Phi cũng được đa dạng hóa hơn, trước đây chủ yếu là mặt hàng gạo thì những năm gần đây đã xuất khẩu thêm các sản phẩm điện - điện tử, cơ khí, đồ nhựa, sản phẩm gỗ, xe máy và linh kiện, phụ tùng xe máy, thuốc lá điếu, hàng rau quả... mặc dù giá trị xuất khẩu chưa cao. Bên cạnh đó, quan hệ giữa Việt Nam và các nước Châu Phi cũng được mở rộng trên cả lĩnh vực hợp tác đầu tư, sản xuất công nghiệp, Việt Nam đang triển khai hợp tác đầu tư khai thác dầu khí ở Algeria, đang xúc tiến các dự án hợp tác thăm dò dầu khí tại Tuynidi, Madagasca, Ai Cập...

Năm 2009 được Thủ tướng Chính phủ xác định là năm trọng điểm trong quan hệ kinh tế với Châu Phi và giao Bộ Công thương xúc tiến. Cụ thể, Bộ Công thương đã đưa ra 07 nhóm giải pháp gồm: tăng cường quan hệ giữa Bộ Công Thương với các cơ quan hữu quan của các quốc gia Châu Phi; thiết lập các khuôn khổ pháp lý; kiện toàn, mở rộng và nâng cao hiệu quả hoạt động của các cơ quan Thương vụ; đẩy mạnh công tác xúc tiến thương mại; tăng cường công tác thông tin thị trường; đẩy mạnh việc hợp tác trong lĩnh vực dầu khí; tăng cường thu hút đầu tư vào lĩnh vực công nghiệp.

Do Châu Phi là thị trường nhiều khó khăn, khoảng cách địa lý xa xôi, điều kiện cơ sở hạ tầng kém phát triển, điều kiện chính trị, xã hội nhiều nơi còn chưa đi vào ổn định, cơ chế thanh toán nhiều khi chưa phù hợp tập quán quốc tế, độ rủi ro trong kinh doanh cao… Tuy nhiên, với sức mua lớn của thị trường cũng như nỗ lực của các nước trong việc phát triển kinh tế, cải thiện môi trường kinh doanh, thu hút đầu tư…, cơ hội cho các doanh nghiệp Việt Nam hướng tới thị trường này còn rất nhiều.

“Cần chú ý hỗ trợ  cung cấp về thông tin thị trường, xúc tiến thương mại và tài chính vì đây là những khó khăn lớn nhất của các doanh nghiệp khi vào thị trường Châu Phi.”- Ông Trần Quang Huy , Phó Vụ trưởng Vụ thị trường Châu Phi, Tây Á , Nam Á.Bộ Công Thương

Để có thể đạt mục tiêu này, theo ông Trần Quang Huy, Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường Châu Phi, Tây Á, Nam Á (Bộ Công thương),cần có các giải pháp mạnh mẽ, cụ thể cần có sự quyết tâm và định hướng chiến lược của nhà nước đối với việc phát triển thị trường Châu Phi. Thông qua việc phát triển quan hệ chính trị, ngoại giao và kinh tế với các nước Châu Phi, Nhà nước cần thiết lập môi trường kinh doanh thuận lợi để các doanh nghiệp có điều kiện thâm nhập thị trường Châu Phi. Hơn nữa, cần sử dụng linh hoạt các công cụ hỗ trợ cho các doanh nghiệp phù hợp với đặc điểm thị trường Châu Phi và trình độ phát triển của các doanh nghiệp trong nước.

Và về phía các doanh nghiệp, cần hết sức nỗ lực trong việc thâm nhập thị trường Châu Phi, cần nghiên cứu kỹ nhu cầu và thị hiếu của thị trường Châu Phi để tạo ra được những sản phẩm phù hợp, có sức cạnh tranh về chất lượng và giá thành. Đồng thời, để tiếp cận thị trường Châu Phi cần phải kiên trì, linh hoạt và mềm dẻo do thị trường Châu Phi có tính thay đổi cao và ít tính nhất quán.