Đề án đổi mới toàn diện quản lý nhà nước trong phát triển kinh tế tư nhân ở Việt Nam

(HNMO) - Văn phòng Chính phủ vừa có Thông báo kết luận của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc tại cuộc họp Thường trực Chính phủ về Đề án đổi mới toàn diện quản lý nhà nước trong lĩnh vực kinh tế.

Thủ tướng đánh giá cao Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã nghiêm túc nghiên cứu, tổng hợp, tiếp thu ý kiến các bộ, ngành, địa phương để xây dựng và hoàn thiện Đề án, trong đó đã đưa ra nhiều nội dung, giải pháp về đổi mới quản lý nhà nước trong lĩnh vực kinh tế.

Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư tiếp thu ý kiến các đại biểu dự họp, chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan rà soát, hoàn thiện đề án, trong đó lưu ý phạm vi, nội dung của đề án cần bám sát yêu cầu phát triển kinh tế tư nhân trở thành một động lực quan trọng của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa theo tinh thần Nghị quyết số 10-NQ/TƯ ngày 3-6-2017 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII; xác định lại tên của đề án là “Đổi mới toàn diện quản lý nhà nước trong phát triển kinh tế tư nhân ở Việt Nam”.

Làm rõ hơn các kết quả đạt được và rào cản, hạn chế trong phát triển kinh tế tư nhân của giai đoạn 2016-2020, xác định cụ thể các nguyên nhân và trách nhiệm của các cơ quan, địa phương trong phát triển kinh tế tư nhân thời gian vừa qua, nhất là những vấn đề chậm triển khai thực hiện theo yêu cầu đặt ra.

Bám sát các quan điểm, phương hướng, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của đất nước tại các văn kiện, Nghị quyết của Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021-2020, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm giai đoạn 2021-2025 và các quan điểm, định hướng lớn về phát triển kinh tế tư nhân của Đảng và Nhà nước; phù hợp với bối cảnh tình hình trong nước, quốc tế (biến động nhanh, phức tạp; tác động của thiên tai, dịch bệnh; sự phát triển mạnh mẽ của khoa học công nghệ…).

Bảo đảm mục tiêu, yêu cầu phát triển kinh tế tư nhân trong tình hình mới, tôn trọng quy luật khách quan của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa; bảo đảm các quyền về tài sản, quyền kinh doanh hợp pháp, quyền con người, bảo đảm tính liên tục, kế thừa và khuyến khích đổi mới, sáng tạo, dám nghĩ dám làm của khu vực kinh tế tư nhân, tạo động lực, niềm tin cho khu vực kinh tế tư nhân phát triển mạnh mẽ hơn.

Các giải pháp, nhiệm vụ cần bám sát Nghị quyết số 10-NQ/TƯ ngày 3-6-2017 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII, đồng thời, cụ thể hóa phương hướng, nhiệm vụ và các đột phá chiến lược xác định tại các văn kiện và Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, trong đó lưu ý vai trò của Nhà nước trong việc tạo lập môi trường thể chế, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, hoàn thiện hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ và hỗ trợ khu vực kinh tế tư nhân trong phát triển nguồn nhân lực, đổi mới khoa học công nghệ; tạo điều kiện thuận lợi, tháo gỡ khó khăn, giải phóng nguồn lực, thúc đẩy phát triển và nâng cao tính năng động của kinh tế tư nhân trong thực hiện các đột phá chiến lược, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế đất nước nhanh và bền vững.

Thủ tướng Chính phủ đồng ý đề nghị của Bộ Kế hoạch và Đầu tư về việc lồng ghép các quan điểm, nội dung và giải pháp của đề án vào các chương trình hành động thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng.

Giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành, địa phương khẩn trương xây dựng Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, trình Chính phủ xem xét, quyết định.

Các bộ, cơ quan, địa phương nghiên cứu, tham khảo nội dung của đề án (sau khi Bộ Kế hoạch và Đầu tư hoàn thiện theo yêu cầu nêu trên) trong quá trình xây dựng các chương trình, kế hoạch hành động triển khai thực hiện các Nghị quyết của Đảng, Quốc hội, Chính phủ và trong thực hiện chức năng, nhiệm vụ được giao. Bộ Kế hoạch và Đầu tư sớm trình đề án này lên Thủ tướng Chính phủ trước ngày 20-3-2021.

Đề án đổi mới toàn diện quản lý nhà nước trong phát triển kinh tế tư nhân ở Việt Nam
Diễn đàn “Kinh tế tư nhân Việt Nam 2019”. Ảnh: vneconomy.vn.
Những kết quả đạt được trong đổi mới quản lý nhà nước đối với kinh tế tư nhân ở địa phương

Sự nghiệp đổi mới do Đảng ta khởi xướng và lãnh đạo trải qua 35 năm đã giành được những thành tựu to lớn trên tất cả các lĩnh vực, nhất là lĩnh vực kinh tế, trong đó điểm nhấn quan trọng nhất là chính sách phát triển kinh tế trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa (XHCN). Đặc biệt, đó là sự thay đổi, đổi mới trong quan điểm, tư duy, nhận thức và tầm nhìn về vai trò của Nhà nước, về quản lý nhà nước (QLNN) đối với nền kinh tế nói chung và với kinh tế tư nhân (KTTN) nói riêng. Sự thay đổi đó không chỉ diễn ra ở tầm vĩ mô mà còn từ khắp các địa phương, các tỉnh, thành phố trong cả nước. Chính vì vậy, KTTN đã có bước phát triển vượt bậc, có vị trí và đóng góp quan trọng đối với sự phát triển đất nước cũng như ở từng địa phương.

Sự hình thành, tồn tại và phát triển của KTTN nói chung, doanh nghiệp (DN) thuộc khu vực KTTN nói riêng đều gắn với từng địa phương, chịu sự QLNN trực tiếp của địa phương . Vai trò QLNN của cấp chính quyền địa phương tác động mạnh mẽ và chi phối định hướng, quy mô, cơ cấu, tốc độ phát triển KTTN. QLNN đối với KTTN ở địa phương đã có nhiều đổi mới, như:

Thứ nhất, QLNN ở địa phương tích cực đổi mới thực hiện có hiệu quả đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước.

Cơ chế quản lý ở các địa phương đã có nhiều thay đổi so với trước đây. Từ chỗ, Nhà nước quản lý kinh tế theo cơ chế bao cấp, mệnh lệnh, can thiệp trực vào quá trình sản xuất – kinh doanh, phân phối… đã chuyển sang quản lý nhằm định hướng, dẫn dắt các thành phần kinh tế, tạo môi trường và điều kiện thuận lợi cho hoạt động sản xuất – kinh doanh theo cơ chế thị trường, kiểm soát chặt chẽ và xử lý các vi phạm pháp luật trong hoạt động kinh tế, bảo đảm sự hài hòa giữa phát triển kinh tế và phát triển xã hội. Điều này đã khơi dậy được mọi tiềm năng, phát huy tính chủ động, giải phóng được sức sản xuất bị trói buộc của KTTN.

Nhận thức về vai trò các chủ thể trong nền kinh tế đã được thay đổi căn bản. Trước đây, các chủ thể kinh doanh thuộc khu vực tư nhân bị hạn chế ở quy mô tối thiểu và bị đặt bên lề công cuộc phát triển kinh tế – xã hội, thì nay được thay bằng sự công nhận vai trò KTTN trong đóng góp phát triển kinh tế. Đặc biệt năm 1990, lần đầu tiên Luật Công ty và Luật DN tư nhân ra đời, đánh dấu sự bắt đầu hình thành một cách chính thức của khu vực KTTN, đó là KTTN dần được bình đẳng so với các thành phần kinh tế khác.

Hội nghị lần thứ Năm Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XII) ban hành Nghị quyết số 10-NQ/TW về phát triển KTTN trở thành một động lực quan trọng của nền kinh tế thị trường định hướng XHCN đã xác định: KTTN là một động lực quan trọng để phát triển kinh tế. Kinh tế nhà nước, kinh tế tập thể cùng với KTTN là nòng cốt để phát triển nền kinh tế độc lập, tự chủ”. Do đó, KTTN ở địa phương được “giải phóng”, “bung ra” mạnh mẽ.

Đổi mới mạnh mẽ QLNN ở địa phương còn thể hiện vai trò kiến tạo khung khổ pháp lý và cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh; giảm chi phí cho DN; thúc đẩy thị trường, dần xóa bớt các “rào cản”, tạo môi trường kinh doanh bình đẳng, thông thoáng và sự cạnh tranh lành mạnh cho khu vực KTTN. Lãnh đạo cấp tỉnh (trực tiếp là người đứng đầu) duy trì đối thoại trực tiếp với DN theo định kỳ (tháng hoặc quý) nhằm nắm bắt tình hình sản xuất và kinh doanh cũng như những khó khăn, vướng mắc để giải quyết kịp thời, đúng luật, bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng của DN.

Thứ hai, phát huy tính chủ động, năng động, sáng tạo của cấp QLNN địa phương.

Một trong những đổi mới quan trọng những năm qua đó là sự phân cấp, phân quyền trong QLNN. Các địa phương được chủ động quyết định những vấn đề của mình dựa vào tiềm năng, lợi thế, điều kiện đặc thù của địa phương… không trái với đường lối, pháp luật của Đảng, Nhà nước. Vấn đề này đặt ra yêu cầu đối với cấp lãnh đạo Đảng, chính quyền mỗi địa phương phải hiểu sâu, nắm vững những đặc điểm tự nhiên, kinh tế – xã hội, các nguồn lực về tài nguyên, lao động… để định hướng, xây dựng được chính sách thu hút đầu tư, phát triển sản xuất – kinh doanh, tạo môi trường thông thoáng cho KTTN phát triển. Nhiều địa phương đã tập trung đổi mới toàn diện QLNN, nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh, coi đây là nhiệm vụ trọng tâm, như: Đà Nẵng, Quảng Ninh, Hải Phòng…

Đảng bộ cấp tỉnh ban hành nghị quyết lãnh đạo, định hướng phát triển KTTN của tỉnh; chính quyền ban hành chính sách, quy định, biện pháp hỗ trợ, cụ thể, như: bố trí mặt bằng cho sản xuất; chính sách ưu đãi thuế đất, thuế DN, tiếp cận vốn; khoa học, công nghệ, thị trường; cải cách thủ tục hành chính, chống tình trạng sách nhiễu, gây phiền hà, giảm thiểu chi phí, phân bổ nguồn lực hợp lý…

Hầu hết các địa phương đã khắc phục được tình trạng trông chờ, ỷ lại vào trung ương, chủ động tìm hướng đi phù hợp cho KTTN phát triển ở địa phương. Lãnh đạo nhiều tỉnh đã trực tiếp đồng hành cùng DN, trình trung ương những vấn đề khó khăn, vướng mắc để tháo gỡ, hỗ trợ tối đa (trong điều kiện cho phép), trải “thảm đỏ” cho DN đầu tư, làm ăn có hiệu quả trên địa bàn của tỉnh.

Bên cạnh đó, các địa phương còn đặc biệt quan tâm hỗ trợ KTTN trong tìm kiếm thị trường, nhất là thị trường ngoài nước; nâng cao chuỗi giá trị sản phẩm, xây dựng và bảo vệ thương hiệu, hỗ trợ kỹ thuật đổi mới công nghệ, khởi nghiệp, sáng tạo, tiếp cận ứng dụng công nghệ 4.0…

Thứ ba, sự chuyển biến tích cực trong QLNN cấp tỉnh.

Chính nhờ sự chuyển biến này đã làm cho khu vực KTTN ở nước ta trong những năm qua không ngừng tăng nhanh về số lượng (đến tháng 6/2019, tính lũy kế đã có gần 1,3 triệu lượt các DN thuộc khu vực KTTN đăng ký thành lập mới. Trong giai đoạn 2016 – 2018, trung bình mỗi năm có 122.744 DN thành lập mới với số vốn đăng ký là 1.221.744 tỷ đồng, tăng 49,3% về số DN và tăng 155,8% về số vốn so với giai đoạn 3 năm trước đó)1.

Đóng góp của khu vực DN tư nhân trong nước vào tổng số vốn của khu vực DN tăng từ 9,25% (năm 2000) lên 49,77% (năm 2015), trung bình 36,4 tỷ USD mỗi năm2. Con số này vượt xa số vốn FDI hằng năm đăng ký, thực hiện và nguồn vốn ODA được giải ngân tại Việt Nam trong cùng giai đoạn. Đóng góp của của khu vực tư nhân trong nước vào tăng trưởng kinh tế và tiến bộ xã hội không ngừng tăng (tổng vốn đầu tư đã tăng gấp bốn lần vào năm 2016, chiếm 39% tổng vốn đầu tư của xã hội vào nền kinh tế); Các DN thuộc khu vực tư nhân trong nước đã tạo ra 5,98 triệu việc làm trong năm 2010, và con số này đã tăng lên tới 7,7 triệu người vào năm 2015; nếu tính cả số việc làm tạo ra bởi các hộ kinh doanh thì đến năm 2015 có 19,47 triệu người lao động đang làm việc trong khu vực này3. Khu vực tư nhân đóng góp chính cho tạo việc làm, giảm nghèo, cải thiện điều kiện sống, tăng trưởng bền vững ở nước ta.

Đề án đổi mới toàn diện quản lý nhà nước trong phát triển kinh tế tư nhân ở Việt Nam
Diễn đàn “Kịch bản kinh tế Việt Nam 2021”. Ảnh: vneconomy.vn.
Một số hạn chế và nguyên nhân trong quản lý nhà nước đối với kinh tế tư nhân hiện nay

Mặc dù đã có nhiều chuyển biến tích cực trong QLNN đối với KTTN ở các địa phương, song trên thực tế vẫn tồn tại nhiều bất cập, chưa đáp ứng nhu cầu và tốc độ phát triển của KTTN, đó là:

(1) QLNN đối với KTTN ở địa phương còn rập khuôn máy móc, thiếu sự linh hoạt trong thực hiện chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng, Nhà nước về phát triển KTTN. Nhiều tỉnh, thành phố chưa xây dựng được chiến lược phù hợp, khai thác và phát huy mọi nguồn lực để phát triển KTTN. Địa phương chủ yếu mới chỉ “tuân thủ” nghiêm các quy định của Đảng, Nhà nước, chưa năng động, sáng tạo, còn thiếu những chính sách, quy định mang tính đặc thù, đột phá để thu hút KTTN và xử lý vướng mắc, bất cập đang tồn tại.

(2) Nhiều tỉnh, thành phố còn chậm ban hành chính sách, quy định cụ thể tháo gỡ khó khăn cho DN tư nhân về mặt bằng sản xuất, về điều kiện, thủ tục đăng ký kinh doanh, về chính sách hỗ trợ DN, như: thuế, vay vốn, kỹ thuật, lao động, kết cấu hạ tầng…

(3) Vẫn tồn tại tình trạng phân biệt đối xử giữa DN nhà nước với DN tư nhân, giữa tập đoàn kinh tế lớn với DN nhỏ và vừa (DNNVV). Hầu như các địa phương đều “trải thảm đỏ”, ưu đãi tối đa cho các tập đoàn kinh tế lớn mà chưa chú trọng có nhiều chính sách hỗ trợ nhằm phát triển DNNVV.

(4) Công tác đôn đốc, kiểm tra, giám sát còn hạn chế nên tình trạng “sách nhiễu” vẫn diễn ra, gây nhiều phiền hà và tăng chi phí cho DN. Việc cắt bớt các thủ tục hành chính, hỗ trợ DNNVV về kỹ thuật, thị trường, nâng cao giá trị và tiêu thụ sản phẩm chưa đạt hiệu quả cao. Còn thiếu chế tài để xử lý các vi phạm, nên nhiều chủ DN lợi dụng, chiếm dụng vốn, lừa đảo, vi phạm pháp luật.

(5) Thiếu sự liên kết, phối hợp giữa các cơ quan hành chính trong QLNN dẫn đến tình trạng chồng chéo, rườm rà, mất nhiều thời gian, chi phí của DN.

Các hạn chế nêu trên đều bắt nguồn từ nguyên nhân:

(1) Lãnh đạo địa phương, nhất là cán bộ lãnh đạo chủ chốt, người đứng đầu còn chậm đổi mới, chưa nhận thức sâu sắc vai trò của KTTN trong nước, coi trọng thu hút đầu tư nước ngoài. Cơ quan nhà nước địa phương có xu hướng dành việc dễ cho mình, chưa thực sự có ý thức tạo thuận lợi cho DN tư nhân.

(2) Đội ngũ cán bộ chiến lược cấp tỉnh, nhất là người đứng đầu còn tư tưởng trông chờ Trung ương, ngại thay đổi, sợ trách nhiệm nên không dám ban hành quy định mang tính đặc thù của địa phương. Đội ngũ lãnh đạo quản lý còn hạn chế về tầm nhìn, về tư duy chiến lược, chưa nhận thức sâu sắc được lợi thế để phát huy và khó khăn để khắc phục, nên QLNN ở địa phương còn ít sáng tạo, chậm cải cách. Công chức địa phương, nhất là những vùng khó khăn, đời sống vật chất và tinh thần thấp, trình độ chuyên môn, nghiệp vụ hạn chế nên quá trình cải cách không dễ một sớm, một chiều…

(3) Vẫn mang nặng tư duy bao cấp, tư tưởng “ban phát” chưa được khắc phục trong bộ máy QLNN ở địa phương. Cơ quan hành chính vẫn tự cho mình đứng trên DN, chỉ lo quản lý thay vì phục vụ DN, nhất là DN tư nhân. Việc xây dựng Nhà nước phục vụ, liêm chính và kiến tạo mới chỉ thực hiện ở tầm định hướng, chưa thể hiện thành quy định, càng chưa trở thành hành động thực tế của bộ máy công quyền và đội ngũ công chức.

(4) Nhiều nội dung chính sách của Nhà nước còn chồng chéo, chưa phù hợp và đáp ứng yêu cầu phát triển thực tiễn của DN.

Một số giải pháp đổi mới quản lý nhà nước đối với kinh tế tư nhân ở địa phương

Để phát huy hiệu quả QLNN đối với KTTN ở địa phương, cần tập trung một số giải pháp sau:

Một là, tiếp tục đổi mới nhận thức về phát triển KTTN. Cần thống nhất nhận thức từ trung ương đến địa phương về vai trò, định hướng phát triển KTTN. Đảng ta đã xác định, KTTN là động lực quan trọng trong phát triển kinh tế đất nước. Nhà nước đã ban hành nhiều chính sách tập trung phát triển KTTN theo định hướng của Đảng. Các cấp lãnh đạo địa phương cần nhận thức rõ trách nhiệm của mình trong việc triển khai thực hiện chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; đồng thời, chủ động xây dựng cơ chế, quy định phát triển KTTN phù hợp với địa phương, như: chính sách đầu tư, tín dụng, chính sách về mặt bằng sản xuất, chính sách thuế, chính sách đào tạo, khoa học – công nghệ, thị trường…

Hai là, nâng cao trách nhiệm, tinh thần chủ động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm của đội ngũ lãnh đạo, quản lý nhất là lãnh đạo chủ chốt, người đứng đầu địa phương. Chính đội ngũ này có vai trò đặc biệt quan trọng trong việc đề ra được những quy định, cơ chế quản lý phù hợp với đặc thù của địa phương, đáp ứng nhu cầu của DN. Tùy thuộc vào điều kiện cụ thể, mỗi địa phương có thể xây dựng chính sách thu hút DN cỡ vừa và lớn để dẫn dắt các ngành kinh tế, chuyển dịch cơ cấu nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia.

Đối với DNNVV, cần nhấn mạnh khả năng gia nhập thị trường, tiếp cận nguồn lực, tham gia chuỗi giá trị, sự hiện diện ở các phân khúc thị trường và địa phương để thúc đẩy cạnh tranh, tạo việc làm và đóng góp vào sự phát triển.

Ở địa phương cần chú trọng phát triển các mối liên kết DN theo chuỗi giá trị, để hình thành nên những cụm ngành, cụm công nghiệp hỗ trợ lớn, có tính gắn kết về công nghệ và sản phẩm, giữa DN tư nhân, DN nhà nước và FDI; giữa DN lớn và DNNVV.

Ba là, lựa chọn, xây dựng đội ngũ lãnh đạo, quản lý địa phương có tư duy chiến lược, tầm nhìn, bản lĩnh, nhiệt huyết, khát vọng phát triển quê hương giàu mạnh, khơi dậy và phát huy mọi tiềm năng, thu đầu tư, tạo điều kiện cho mọi thành phần kinh tế phát triển, trong đó có KTTN. Đồng thời, luôn chú trọng bồi dưỡng, nâng cao trình độ chuyên môn, tính chuyên nghiệp, văn hóa, đạo đức công vụ cho đội ngũ công chức.

Kiên quyết thực hiện việc đơn giản hóa, minh bạch, công khai hóa, các thủ tục hành chính trong chương trình cải cách hành chính. Tăng cường cơ chế đối thoại trực tiếp giữa cơ quan QLNN (người đứng đầu) với DN nhằm nắm bắt và xử lý kịp thời các vướng mắc liên quan đến phát triển KTTN… Từ đó không ngừng đổi mới, nâng cao hiệu quả QLNN; đồng hành, hỗ trợ, tạo mọi điều kiện để KTTN phát triển, đóng góp ở địa phương.

Bốn là, mỗi địa phương cần chủ động đầu tư nâng cấp, hiện đại hóa kết cấu hạ tầng giao thông, thông tin, liên lạc, vận tải, logistic, ứng dụng công nghệ hiện đại… liên kết vùng, khu vực và quốc tế, tạo nhiều cơ hội, thị trường, môi trường kinh doanh thông thoáng, bình đẳng cho KTTN phát triển.

Năm là, nghiên cứu đổi mới phương thức, nâng cao hiệu quả phối hợp giữa các sở, ngành ở địa phương và bộ, ngành trung ương trong công tác điều hành QLNN và trong quá trình lập, triển khai chính sách về phát triển khu vực KTTN. Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, số hóa trong liên thông quản lý giữa các cơ quan, xây dựng bộ dữ liệu chung về DN và thủ tục hành chính để nâng cao hiệu quả phối hợp công tác QLNN đối với KTTN ở địa phương.

Sáu là, Nhà nước tiếp tục hoàn thiện khung khổ pháp luật và môi trường thể chế theo hướng thân thiện với thị trường, phản ánh các quy luật của thị trường. Quá trình xây dựng pháp luật phải có sự tham gia của các bên có liên quan, nhất là các DN thuộc đối tượng chịu tác động, để tiếp thu ý kiến đóng góp của họ để các quy định gần hơn với thực tiễn, dễ hiểu, dễ áp dụng và dễ tuân thủ. Đảng, Chính phủ tăng cường hỗ trợ, ủng hộ đề xuất cơ chế đặc thù địa phương, đồng thời đẩy mạnh việc phân cấp, phân quyền quản lý gắn với công tác kiểm tra, giám sát có hiệu quả.

Chú thích:
1, 2, 3. Bộ Kế hoạch và Đầu tư. Đề án đổi mới toàn diện quản lý nhà nước trong lĩnh vực kinh tế. Hà Nội, 2019.
Tài liệu tham khảo:
1. Nghị quyết số 35/NQ-CP ngày 16/5/2016 của Chính phủ về hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp đến năm 2020.
2. Đảng Cộng sản Việt Nam. Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII. NXB Chính trị quốc gia – Sự thật, 2016.
3. Đảng Cộng sản Việt Nam. Nghị quyết Hội nghị Trung ương lần thứ 5 (khóa XII) về phát triển kinh tế tư nhân.
4. Đảng Cộng sản Việt Nam. Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII. H. NXB Chính trị quốc gia Sự thật, 2021.
Lê Hữu Toản
NCS, Đảng ủy Khối doanh nghiệp Hải Phòng